ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 266/KH-UBND
|
Cần Thơ, ngày 31
tháng 12 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
ỨNG DỤNG CÁC CÔNG NGHỆ MỚI CỦA CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ PHỤC
VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2021-2025
Căn cứ Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27
tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động
tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Căn cứ Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05
tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày
16 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ ưu
tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư;
Căn cứ Chương trình số 52-CTr/TU ngày
16 tháng 12 năm 2019 của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày
27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia
cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
Căn cứ Chương trình 03-CTr/TU ngày 04
tháng 11 năm 2020 của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05
tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Chương trình hành động số
02-CTr/TU ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Nghị quyết Đại
hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025;
Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế
hoạch ứng dụng các công nghệ mới của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (viết
tắt là CMCN 4.0) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ giai đoạn
2021-2025, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục
đích
a) Chủ động tiếp cận với CMCN 4.0, áp
dụng các công nghệ mới trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số
để hoạt động hiệu lực, hiệu quả minh bạch hơn; nâng cao hiệu quả theo dõi, giám
sát, điều hành và hỗ trợ chỉ huy kịp thời tình hình phát triển kinh tế - xã hội
của thành phố.
b) Lồng ghép các công nghệ mới của
CMCN 4.0 vào chương trình, kế hoạch đầu tư, ứng dụng chuyển giao công nghệ triển
khai trong giai đoạn 2021 - 2025 của các ngành, lĩnh vực; lựa chọn một số nhiệm
vụ phù hợp để đầu tư, phát triển CMCN 4.0 nhằm tận dụng các cơ hội do CMCN 4.0
mang lại, theo kịp xu thế phát triển, giảm thiểu nguy cơ tụt hậu về áp dụng
công nghệ mới, góp phần nâng cao năng suất lao động và phát triển kinh tế - xã
hội thành phố Cần Thơ.
2. Yêu cầu
Xác định cụ thể các nhiệm vụ ứng dụng
công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực trong giai đoạn
2021-2025. Trên cơ sở đó, các ngành/lĩnh vực chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết,
giải pháp hợp lý để phân bổ nguồn lực, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả
các nhiệm vụ nhằm phát triển nền kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Ứng dụng các
công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp
a) Xây dựng các mô hình ứng dụng IoT
trong nông nghiệp, kết hợp với công nghệ phân tích dữ liệu lớn để phân tích, dự báo nhằm chủ động trong việc hoạch định, điều hành tất
cả các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
b) Ứng dụng Trí
tuệ nhân tạo (Artificial intelligence), Internet vạn vật (Internet of Things) để
tăng cường năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo, ứng phó dịch
bệnh, nhất là kiểm soát, khống chế các dịch bệnh.
c) Ứng dụng Công
nghệ chuỗi khối (Blockchain) để kiểm soát, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, bảo vệ
thương hiệu nông sản.
d) Ứng dụng Công
nghệ tổng hợp nhiên liệu sinh học tiên tiến (Advanced Biofuels) cho các nông hộ,
hợp tác xã. Tận dụng các nguyên liệu thô như phế phẩm và
phế thải nông nghiệp (rơm, xác ngô, bã mía, sinh khối làm từ gỗ,...) cây phi
lương thực (cỏ, tảo) hoặc chất thải/bả thải công nghiệp tạo ra nguồn nhiên liệu
sinh học tiên tiến phục vụ cho sinh hoạt gia đình và sản xuất.
đ) Thực hiện xây dựng mô hình Quản lý
sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị; nâng cấp việc truy xuất, xác thực nguồn
gốc hàng hóa, quản lý chuồi giá trị sản phẩm từ quá trình sản xuất tới chế biến,
đóng gói, vận chuyển và đưa ra thị trường.
e) Ứng dụng công
nghệ giải trình tự gen thế hệ mới (Next-generation sequencing technologies)
trong di truyền, chọn giống và quản lý dịch bệnh thủy sản, giải mã trình tự bộ
gen thực vật và công tác chọn giống.
g) Xây dựng và triển khai thực hiện kế
hoạch ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn
2021-2025.
2. Ứng dụng các
công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng
a) Nâng cấp các ứng dụng công nghệ
(IoT, bigdata, AI, điện toán đám mây, chuỗi khối...) và bước đầu triển khai ứng
dụng các nhóm công nghệ mới (quang điện, công nghệ ánh sáng và quang tử, lưu trữ
năng lượng tiên tiến, lưu trữ cacbon, năng lượng vi mô, chế tạo vật liệu chức
năng, chế tạo vật liệu nano...) phục vụ cho phát triển các
ngành công nghiệp của thành phố, nhất là cơ khí chế tạo, điện tử và sản xuất vật
liệu mới...
b) Phổ biến, triển khai các ứng dụng
công nghệ sau:
- Công nghệ Enzyme (Enzyme
technologies) phục vụ phát triển công nghiệp thực phẩm.
- Công nghệ lưu trữ năng lượng tiên
tiến (Advanced energy storage technologies) tích hợp các
phương án thay thế từ nhiên liệu hoá thạch vào hỗn hợp năng
lượng và cải thiện độ tin cậy của nguồn cung cấp điện.
- Công nghệ Robot tự hành (Autonomus
Robots), Robot cộng tác (Collaborative Robotics-Cobot), phương tiện bay không
người lái (UAV), phương tiện tự hành dưới nước (AUV) vào phát triển ngành công
nghiệp.
3. Ứng dụng các
công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại và du lịch
a) Tiếp tục triển khai có hiệu quả
các công nghệ của CMCN 4.0 như IoT, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, cảm biến, điện
toán đám mây vào các lĩnh vực Công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm,
dịch vụ vận tải; triển khai phổ biến Hệ thống thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường,
mô phỏng, 3D trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng yêu cầu
phát triển nhanh, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, chú trọng nâng cao chất lượng
của dịch vụ, tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao, có
giá trị gia tăng lớn để ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch
và thương mại.
b) Triển khai công nghệ Thực tại ảo
(Virtual reality), Thực tại tăng cường (Augmented reality), Thực tại trộn
(Mixed reality) trong phát triển ngành dịch vụ thương mại, du lịch và bảo tồn,
phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh
lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch theo Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 14
tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân thành phố.
c) Ứng dụng Trí
tuệ nhân tạo (Artificial intelligence), Internet vạn vật (Internet of Things)
xây dựng các hệ thống du lịch thông minh phục vụ phát triển du lịch Cần Thơ.
4. Ứng dụng các
công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực giáo dục, y tế
a) Triển khai phổ biến các công nghệ
như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, thực tế ảo tích hợp xây dựng phần mềm
tổng thể của ngành Giáo dục và Đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu
bài giảng, thư viện điện tử và xây dựng thí điểm các phòng học thông minh để
phục vụ cho sự phát triển của lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
b) Khai thác triệt để các công nghệ của
CMCN 4.0 như: Ứng dụng công nghệ Sinh học tổng hợp (Synthetic biology) trong y
học chính xác, Công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới (Next-generation
sequencing technologies) trong y khoa để điều trị các bệnh
ung thư, chẩn đoán tiền sinh không
xâm lấn; ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (Artificial
intelligence), Internet vạn vật (Internet of Things), điện toán đám mây và cảm
biến, công nghệ chẩn đoán hình ảnh, giám sát sức khỏe, công nghệ thần kinh,
sinh học tổng hợp, tế bào gốc, kỹ thuật tạo mô, giải mã gen... để từng bước xây dựng nền y tế thông minh, hiện đại, dự phòng tích cực và
chủ động đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân thành phố.
5. Ứng dụng các
công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng
a) Ứng dụng các
công nghệ mới của CMCN 4.0 để xây dựng các hệ thống hạ tầng thông minh, bao gồm:
giao thông thông minh, quản lý điện năng thông minh và du lịch thông minh...
góp phần xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành một thành phố thông minh, hiện đại.
b) Mở rộng mô hình Trung tâm Điều
hành đô thị thông minh trên phạm vi toàn thành phố, tích hợp bổ sung thêm các
chức năng lĩnh vực khác nhằm tối ưu việc chia sẻ dữ liệu cho người dân, doanh
nghiệp; đẩy mạnh việc triển khai dữ liệu mở trên các lĩnh vực tăng cường thúc đẩy
đổi mới, sáng tạo trong cung cấp các dịch vụ thông minh của thành phố.
6. Ứng dụng các
công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực tài nguyên môi trường
a) Ứng dụng đồng bộ các công nghệ của
CMCN 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence), Internet vạn vật
(Internet of Things) trong quản lý môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
b) Ứng dụng
Robot tự hành (Autonomus Robots), Robot cộng tác (Collaborative
Robotics-Cobot), phương tiện bay không người lái (UAV),
phương tiện tự hành dưới nước (AUV) vào xử lý môi trường.
c) Xây dựng hoàn thiện hệ thống thông
tin và cơ sở dữ liệu điện tử về đất đai; xây dựng và nhân rộng các mô hình hệ
thống giám sát ô nhiễm môi trường thông minh như mô hình hệ thống giám sát
không khí, độ ẩm; mô hình hệ thống giám sát đo đạc mực nước; hệ thống giám sát
nguồn nước thải...
7. Ứng dụng các
công nghệ của CMCN 4.0 trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh
a) Tăng cường đầu tư các công nghệ mới
của CMCN 4.0 để đáp ứng các yêu cầu phát triển của lực lượng an ninh quốc phòng
nhằm đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
b) Đào tạo xây dựng lực lượng quốc
phòng chính quy, hiện đại, có đủ năng lực tiếp cận các công nghệ mới.
8. Hỗ trợ doanh
nghiệp tiếp cận, ứng dụng và làm chủ công nghệ mới của CMCN 4.0
a) Tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp có
tiềm năng tham gia thực hiện các dự án ứng dụng các công nghệ mới của CMCN 4.0
thuộc các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong sản xuất
- kinh doanh và dịch vụ có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
b) Phát triển Sàn giao dịch công nghệ
cấp vùng và chuyên ngành có vai trò đầu mối hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp,
đơn vị thực hiện ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới của CMCN 4.0; tạo môi trường
thuận lợi trong quá trình ứng dụng, chuyển giao, đổi mới
công nghệ nhằm nâng cao sản xuất, cạnh tranh và phát triển bền vững doanh nghiệp.
c) Xây dựng Trang Thông tin thị trường
khoa học và công nghệ thành phố Cần Thơ nhằm giới thiệu các dịch vụ được cung cấp
từ tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ giúp doanh nghiệp
tìm hiểu nhu cầu thị trường, kích thích ý tưởng sáng tạo,
tránh hoặc giảm rủi ro, thúc đẩy và nuôi dưỡng, đổi mới
công nghệ.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Ưu tiên phát triển mạng lưới công
nghệ thông tin, truyền thông hiện đại và đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là điện
năng.
2. Đảm bảo an ninh mạng; tăng số lượng
các máy chủ an toàn và nâng cao năng lực an ninh mạng trong giám sát, xử lý các
mối đe dọa trực tuyến.
3. Tập trung đào tạo nhân lực có kiến
thức và kỹ năng tốt trong các lĩnh vực quan trọng; tăng cường đầu tư chuyển
giao công nghệ và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn thành phố; xây
dựng phương án dự phòng khi người lao động bị thay thế bởi tự động hóa và số
hóa việc làm.
4. Tập trung xây dựng chính quyền số
và phát triển các dịch vụ ứng dụng số như sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ
chuỗi khối, robot và hệ thống cảm biến...
5. Triển khai thực hiện các chính
sách, quy định về tài chính và các quy định khác có liên quan khi ứng dụng các
công nghệ của CMCN 4.0 vào thực tiễn cuộc sống theo đúng quy định pháp luật hiện
hành.
IV. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Nguồn vốn để thực hiện Kế hoạch này
bao gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và các nguồn
vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; trong đó:
1. Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước:
các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào phân cấp ngân sách Nhà nước hiện
hành và các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch này để xây dựng dự toán
kinh phí và triển khai thực hiện theo quy định; đồng thời, lồng ghép triển khai
các nhiệm vụ trong Kế hoạch này với các chương trình, nhiệm vụ khác có liên
quan.
2. Đẩy mạnh việc huy động nguồn lực
tài chính từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham
gia thực hiện Kế hoạch này theo quy định pháp luật.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Khoa học và công nghệ
a) Làm đầu mối tổ chức triển khai thực
hiện Kế hoạch này; đồng thời, chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và hỗ trợ các
Sở, Ban ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện trong việc triển khai thực
hiện các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này.
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban
ngành thành phố hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng và làm chủ các công nghệ
mới của CMCN 4.0.
c) Định kỳ hàng năm, tổng hợp đánh
giá tình hình thực hiện; tổ chức sơ kết giữa kỳ để đánh giá tiến độ, hiệu quả của
Kế hoạch này và tổ chức tổng kết khi kết thúc giai đoạn thực hiện; đồng thời,
ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chế độ
thông tin báo cáo định kỳ hàng năm để tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy
ban nhân dân thành phố.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì nâng cấp hạ tầng kỹ thuật
công nghệ thông tin, đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, ổn định; đảm bảo hạ tầng kỹ
thuật đủ điều kiện đáp ứng triển khai thực hiện Kế hoạch này để vận
hành ổn định các hệ thống thông tin dùng chung của thành phố, thực hiện giám
sát an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin được triển khai trong
cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố.
b) Tiếp tục phát triển hạ tầng viễn
thông theo hướng ứng dụng các công nghệ mới, đồng bộ, hiện đại, phù hợp với
phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
c) Tăng cường công tác thông tin
tuyên truyền công nghệ mới của CMCN 4.0 theo hướng công khai, minh bạch, kịp thời
và hiệu quả nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, nhất là trong thực hiện các mục tiêu
về phát triển kinh tế - xã hội.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Đề xuất xây dựng kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội, lồng ghép với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; đồng thời, thực
hiện ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 vào lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của
ngành.
4. Giao Sở Tài chính
Thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ
của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo Kế hoạch này, tham mưu Ủy ban nhân dân
thành phố xem xét, giải quyết theo quy định.
5. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Công Thương, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo,
Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Công an thành phố, Bộ Chỉ huy
Quân sự thành phố
Căn cứ Kế hoạch này và các quy định
pháp luật có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện ứng dụng các công nghệ của
CMCN 4.0 vào lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của từng ngành.
6. Ủy ban nhân dân quận, huyện và
các đơn vị có liên quan
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ,
các đơn vị, địa phương chủ động triển khai và phối hợp thực hiện Kế hoạch này.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình
thành phố Cần Thơ, Báo Cần Thơ
Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ
và các đơn vị liên quan xây dựng các phóng sự, chuyên mục, chuyên đề về hoạt động
ứng dụng các công nghệ mới của CMCN4.0 phục vụ công tác quản lý của các cấp,
các ngành và hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các doanh nghiệp trên địa
bàn thành phố; các mô hình thành công và hiệu quả trong ứng dụng, giải mã và
làm chủ công nghệ mới của CMCN 4.0 trên thế giới.
8. Đề nghị các Viện, Trường đại học,
cao đẳng trên địa bàn thành phố
a) Tham gia đề xuất các đề tài, dự án
ứng dụng công nghệ mới của CMCN 4.0 để triển khai thực hiện cho thành phố Cần
Thơ.
b) Tổ chức lồng ghép các công nghệ mới
của CMCN 4.0 vào các chương trình giảng dạy, khuyến khích sinh viên nghiên cứu ứng
dụng, tạo ra công nghệ mới và khởi nghiệp bằng công nghệ mới của CMCN 4.0.
c) Kết nối các tổ chức trong và ngoài
nước để tổ chức các khóa bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm về giải mã công nghệ,
tiếp cận và làm chủ các công nghệ mới của CMCN 4.0 cho các giảng viên, sinh
viên và các doanh nghiệp.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa
phương nghiên cứu và triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này. Trong quá
trình thực hiện nếu có phát sinh vấn đề khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị,
địa phương kịp thời phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, nghiên cứu,
tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Khoa học và Công
nghệ;
- TT. Thành ủy;
- TT. HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- UB MTTQVN TP;
- Ban Tuyên giáo TU;
- Ban KT-NS (HĐND TP);
- CATP, Bộ CHQS TP;
- Các Sở, Ban ngành TP;
- Báo Cần Thơ; Đài PT&TH TPCT;
- Các Viện, Trường ĐH, CĐ;
- UBND quận, huyện;
- VP UBND TP (2,3,7);
- Cổng TTĐT TP;
- Lưu: VT, T(Q)
CVĐ 34862
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Hè
|