Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 181/KH-UBND 2020 cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường dịp cuối năm tỉnh Kiên Giang

Số hiệu: 181/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang Người ký: Nguyễn Đức Chín
Ngày ban hành: 25/11/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 181/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 25 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

CUNG ỨNG HÀNG HÓA BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG CUỐI NĂM 2020 VÀ DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN TÂN SỬU 2021

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021;

Căn cứ Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới;

Căn cứ Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30/10/2020 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và tết Nguyên đán Tân Sửu 2021;

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 (gọi tắt là Kế hoạch cung ứng) như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn, hải đảo về mục đích, ý nghĩa của Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và chương trình kích cầu tiêu dùng nhằm phát triển mạng lưới phân phối, bán lẻ hàng hóa đẩy mạnh sản xuất và lưu thông hàng Việt Nam; định hướng, khuyến khích người tiêu dùng có thói quen ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, góp phần đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, giúp cho người dân mua được các mặt hàng thiết yếu chất lượng, với giá cả hợp lý.

- Tạo nguồn hàng dồi dào, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cung cấp các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh với giá bình ổn, hợp lý; không để xảy ra biến động giá các mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm 2020 và dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

- Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa có xuất xứ tại Việt Nam, mở rộng địa bàn phân phối cho các doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm đẩy mạnh việc triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời về giá cả thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu đến người tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2020 và dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

2. Chủ động thông tin phối hợp, kiểm soát, theo dõi sát diễn biến thị trường, về cung cầu hàng hóa, tình hình giá cả thị trường; có biện pháp xử lý kịp thời các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường; có phương án và đề xuất kịp thời với các Bộ, ngành liên quan nhằm ứng phó kịp thời việc ổn định thị trường khi thị trường có biến động.

3. Có kế hoạch dự báo về việc thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; định hướng cho các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân như: thịt gia súc, thịt gia cầm, gạo, nếp, đậu, dầu ăn, đường, muối, bột ngọt, gia vị, bánh kẹo, mứt, lạp xưởng, trứng các loại, rượu bia, nước giải khát các loại... vào các tháng cuối năm 2020 và dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực để cung ứng hàng hóa qua lại khi có nhu cầu.

4. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức đưa hàng bình ổn giá tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các xã đảo và vùng nông thôn; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, tăng cường các hoạt động khuyến mại giảm giá; triển khai việc dự trữ hàng hóa đến các doanh nghiệp nhằm góp phần bình ổn thị trường trong tỉnh.

5. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; việc chấp hành các quy định về giá như: đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá; tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá trái pháp luật nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

6. Hỗ trợ kinh phí vận chuyển để tổ chức đưa các chuyến hàng bình ổn giá đến các xã thuộc các huyện, với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ tết để cung ứng sớm và đầy đủ với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo nhằm phục vụ nhu cầu người dân trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

III. ĐỊA BÀN, KINH PHÍ HỖ TRỢ VÀ ĐỐI TƯỢNG, DANH MỤC HÀNG HÓA ĐƯỢC HỖ TRỢ KINH PHÍ VẬN CHUYỂN

1. Địa bàn cần đưa hàng bình ổn

- Dự kiến trong các tháng cuối năm 2020 và dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ tổ chức 02 chuyến đưa hàng bình ổn giá về 07 xã đảo và 01 chuyến (phiên chợ) đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện U Minh Thượng phục vụ tết Quân Dân năm 2021, cụ thể như sau:

1.1. Các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải (các xã: An Sơn, Nam Du, Lại Sơn, Hòn Tre);

1.2. Các xã đảo thuộc thành phố Hà Tiên (xã Tiên Hải) và huyện Kiên Lương (các xã: Hòn Nghệ, Sơn Hải).

1.3. Tổ chức 01 chuyến (phiên chợ) đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện U Minh Thượng phục vụ tết Quân Dân năm 2021.

2. Kinh phí hỗ trợ

2.1. Tổ chức 01 chuyến (phiên chợ) đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện U Minh Thượng phục vụ tết Quân Dân năm 2021 (thực hiện theo Kế hoạch số 95/KH-BCĐ ngày 11/5/2020 của Ban Chỉ đạo các hoạt động “Tết Quân - Dân” giai đoạn 2021-2025).

2.2. Hỗ trợ vận chuyển 02 chuyến đưa hàng hóa bình ổn ra 07 xã đảo:

- Hỗ trợ chi phí vận chuyển 02 chuyến đưa hàng hóa bình ổn ra 07 xã đảo là 140.000.000 đồng/chuyến x 02 chuyến = 280.000.000 đồng (hai trăm tám mươi triệu đồng).

- Công tác phí cho đoàn kiểm tra, giám sát việc các doanh nghiệp đưa hàng hóa bình ổn bán tại các xã đảo và vùng nông thôn để làm cơ sở hỗ trợ kinh phí vận chuyển cho doanh nghiệp dự kiến là: 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng). Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc tổ chức đưa các chuyến hàng bình ổn về các địa phương và thực hiện việc thanh quyết toán theo quy chế chi tiêu nội bộ về chế độ công tác phí hiện hành.

- Công tác phí cho cán bộ tham gia đưa hàng bình ổn cùng doanh nghiệp tại các xã đảo và vùng nông thôn với kinh phí là 35.000.000 đồng (ba mươi lăm triệu đồng).

- Tổng chi phí hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đưa hàng bình ổn; công tác phí cho đoàn giám sát, kiểm tra và cán bộ tham gia đưa hàng bình ổn cùng doanh nghiệp về các xã đảo và vùng nông thôn là: 280.000.000 đồng + 50.000.000 đồng + 35.000.000 đồng = 365.000.000 đồng (ba trăm sáu mươi lăm triệu đồng).

2.3. Nguồn kinh phí: kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ (từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại).

3. Đối tượng và danh mục hàng hóa được hỗ trợ chi phí vận chuyển

- Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia đưa hàng bình ổn giá về nông thôn, hải đảo qua nhiều năm trên địa bàn tỉnh; có tiềm lực tài chính dự trữ đủ hàng hóa để cung ứng hàng hóa bán tại trụ sở chính và đưa hàng hóa tham gia bình ổn giá của kế hoạch.

- Hàng hóa tham gia chương trình phải đa dạng, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá cả hợp lý do các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh sản xuất, nhất là các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm nhằm phục vụ nhu cầu cho người dân trong những tháng cuối năm 2020 và dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 như: gạo, nếp, đậu các loại; sữa các loại; dầu ăn các loại; nước chấm các loại; đường, muối, gia vị các loại; bánh kẹo, mứt các loại; thực phẩm chế biến; rượu, bia, nước giải khát các loại; trứng các loại, một số mặt hàng kim khí, điện máy và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác....

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; chủ động có phương án đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời để ổn định thị trường.

- Có kế hoạch cụ thể dự báo về việc thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, định hướng cho các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các địa phương chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong các tháng cuối năm 2020 và dịp tết Nguyên đán 2021. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong khu vực để cung ứng hàng hóa qua lại khi có nhu cầu.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc các doanh nghiệp đưa hàng hóa bình ổn bán tại các xã đảo và vùng nông thôn để làm cơ sở hỗ trợ kinh phí vận chuyển cho doanh nghiệp.

- Thực hiện chức năng của Cơ quan Thường trực BCĐ 389/KG tổ chức phối hợp với các Sở, ngành cấp tỉnh và các lực lượng chức năng, UBND cấp huyện thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết,...; theo dõi, đôn đốc các Sở, ngành, lực lượng chức năng và UBND cấp huyện trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này để kịp thời phát hiện, tham mưu, đề xuất Trưởng Ban Chỉ đạo 389/KG chỉ đạo xử lý những vấn đề vướng mắc phát sinh, các vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều ngành trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Tiếp tục nhân rộng thêm các điểm bán hàng Việt Nam cố định khác tại các siêu thị, các chợ truyền thống, các cửa hàng bách hóa tổng hợp, cửa hàng nông, thủy sản... trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.

2. Sở Tài chính

- Hướng dẫn và tiếp nhận thủ tục về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết cho doanh nghiệp đối với các mặt hàng phải đăng ký giá theo quy định; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên công bố giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để người dân được biết.

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn; có kế hoạch kiểm tra trong các trường hợp biến động giá khi cần thiết.

- Phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc các doanh nghiệp đưa hàng hóa bình ổn bán tại các xã đảo và vùng nông thôn để làm cơ sở hỗ trợ kinh phí vận chuyển cho doanh nghiệp.

- Thực hiện các báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo và định hướng đến các cơ quan báo, đài, cổng thông tin điện tử tỉnh, website các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thông tin kịp thời về tình hình giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu đến người tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2020 và dịp tết Nguyên đán 2021 gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, việc thông tin cần chuẩn xác, tránh thông tin không đúng gây hoang mang, tạo tâm lý bất ổn trong Nhân dân.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác cảng, bến (cảng cá; cảng, bến lên xuống hành khách và hàng hóa,...) tạo điều kiện thuận lợi trong việc hỗ trợ phương tiện neo đậu và cập bến cảng, bến để vận chuyển hàng hóa, tham gia đưa hàng hóa bình ổn ra các xã đảo.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa có biện pháp tổ chức vận chuyển, điều động, tăng cường phương tiện để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, không để xảy ra tình trạng ùn ứ khách tại bến tàu, bến xe; tổ chức vận chuyển hàng hóa thông suốt trong dịp tết, đặc biệt là các vùng biển đảo; tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định.

5. Công an tỉnh

Chỉ đạo các phòng chức năng và công an các huyện, thành phố đảm bảo công tác an ninh trật tự để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia đưa hàng hóa bình ổn về các xã đảo và vùng nông thôn; áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, điều tra và xử lý đối với các hành vi bịa đặt, loan tin, đưa thông tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ... gây hoang mang trong Nhân dân.

6. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Chỉ đạo các phòng chức năng và các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ cho các tàu vận chuyển hàng hóa có người đi cùng trên tàu của các doanh nghiệp tham gia đưa hàng hóa bình ổn ra các xã đảo và vùng nông thôn.

7. Cục Quản lý thị trường tỉnh

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường theo chỉ đạo của ngành dọc đã triển khai, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại trên thị trường nội địa, tập trung đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm 2020 và tết Nguyên đán 2021.

- Phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.

8. Cục Hải quan tỉnh

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu qua biên giới tại các khu vực quản lý.

9. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang

- Chủ trì, tổ chức triển khai Kế hoạch này về hỗ trợ kinh phí vận chuyển cho doanh nghiệp tham gia đưa hàng bình ổn về các xã đảo và vùng nông thôn. Thực hiện việc thanh quyết toán kinh phí cho cán bộ tham gia và đoàn kiểm tra giám sát đưa hàng bình ổn giá cùng doanh nghiệp theo chế độ tài chính, công tác phí hiện hành.

- Chủ trì, lựa chọn một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia đưa hàng bình ổn giá ra các xã đảo và vùng nông thôn qua nhiều năm trên địa bàn tỉnh, có tiềm lực tài chính dự trữ đủ hàng hóa để cung ứng hàng hóa bán tại trụ sở chính; tổ chức thực hiện hỗ trợ kinh phí vận chuyển cho doanh nghiệp tham gia đưa hàng bình ổn ra các xã đảo và vùng nông thôn.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan và địa phương, lựa chọn một số xã đảo và vùng nông thôn có nhu cầu để hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa và chủ trì tổ chức đưa các chuyến hàng bình ổn giá với các mặt hàng nhu yếu phẩm, tiêu dùng thiết yếu phục vụ tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho Nhân dân với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo nhằm phục vụ nhu cầu người dân trong dịp tết Nguyên đán 2021.

- Tổ chức 01 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ tết Quân Dân năm 2021 tại huyện U Minh Thượng gắn với bình ổn giá theo Kế hoạch này.

- Kết thúc chương trình bình ổn báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương. Đồng thời, thực hiện báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

10. Sở Nội Vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng)

Phối hợp Sở Công Thương xem xét, đề xuất UBND tỉnh khen thưởng cho tập thể và cá nhân các Sở, ngành, huyện, thành phố, đơn vị các doanh nghiệp,... đã tích cực tham gia thực hiện bình ổn thị trường.

11. Các cơ quan báo đài địa phương

Chủ động phối hợp với Sở Công Thương; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang; các Sở, ngành và địa phương thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình thị trường và về Chương trình bán hàng bình ổn giá lưu động, đặc biệt là thời gian, điểm bán hàng bình ổn. Gắn tuyên truyền chương trình bình ổn với Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đến mọi tầng lớp Nhân dân được biết để tham gia.

12. Các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tỉnh

Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đề nghị các đơn vị tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh về công tác bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp tết Nguyên đán 2021.

13. UBND các huyện, thành phố

- Giao Chủ tịch UBND các huyện: Kiên Hải, Kiên Lương, U Minh Thượng và thành phố Hà Tiên phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, lựa chọn địa bàn để đưa hàng hóa bình ổn giá theo nội dung Kế hoạch này phải là các xã đảo và vùng nông thôn; các khu tập trung nhiều công nhân, lao động... để người dân tại khu vực này thật sự được tiếp cận và hưởng ứng chương trình.

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, nhất là đối với các xã đảo của địa phương (đối với địa phương có xã đảo) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, lựa chọn địa điểm mang đúng ý nghĩa của Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn do Bộ Chính trị phát động là các xã nông thôn, hải đảo; các khu tập trung nhiều công nhân, lao động..., để tạo điều kiện, bố trí địa điểm phù hợp, hỗ trợ công tác vận chuyển hàng hóa, sân bãi, an ninh trật tự cho các doanh nghiệp của tỉnh tổ chức bán hàng bình ổn giá lưu động tại địa phương; phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống để ưu tiên phân phối những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đồng thời tuyên truyền, kịp thời đưa tin lên sóng phát thanh của địa phương về Chương trình bán hàng bình ổn giá lưu động trên địa bàn theo thời gian cụ thể của Kế hoạch này để người dân được biết để tham gia.

- Phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường; việc chấp hành các quy định về giá như đăng ký giá và niêm yết giá; tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá trái pháp luật trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc các doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí vận chuyển đưa các chuyến hàng bình ổn về địa phương mình để làm cơ sở cho đơn vị chủ trì hỗ trợ thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.

14. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

- Các doanh nghiệp hệ thống phân phối trong tỉnh, đặc biệt hệ thống phân phối kinh doanh theo chuỗi có kho dự trữ đầu nguồn (gọi chung là doanh nghiệp phân phối) có trách nhiệm tăng cường mức dự trữ hàng hóa phải đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân trên địa bàn; bán hàng phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật để cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu của Nhân dân trong những tháng cuối năm 2020 và dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

- Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn chủ động ký hợp đồng thuê phương tiện vận chuyển hàng hóa bình ổn bán tại các địa bàn theo kế hoạch phân công và có trách nhiệm cung cấp các chứng từ, hóa đơn tài chính để được hỗ trợ theo quy định.

- Đối với các doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí vận chuyển bán hàng bình ổn giá lưu động phải cam kết giá bán bằng hoặc thấp hơn giá bán tại nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp. Chủ động liên hệ với địa phương để được hỗ trợ bố trí mặt bằng và công tác an ninh trật tự cho đơn vị tổ chức bán hàng tại địa phương. Khi triển khai tại địa điểm bán hàng phải treo bảng “ĐIỂM BÁN HÀNG BÌNH ỔN GIÁ LƯU ĐỘNG”, có bản niêm yết giá, bán theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu để Nhân dân biết.

- Các doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí vận chuyển bán hàng bình ổn giá lưu động chủ động liên hệ với Sở Tài chính để được hướng dẫn mẫu biểu đăng ký giá trước khi đưa hàng hóa đi bán tại các điểm bán hàng bình ổn giá.

- Xây dựng kế hoạch, lịch đưa hàng bình ổn giá tại các xã đảo và vùng nông thôn (cụ thể: tên mặt hàng, lượng hàng, giá trị, thời gian, địa điểm rõ ràng); đồng thời thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng, đột xuất và kết thúc chương trình với Sở Công Thương, Sở Tài chính và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang.

Nhận được Kế hoạch này, yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT và các PCT.UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- LĐVP, P.KT, P.TH;
- Lưu: VT, tmchau.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chín

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 181/KH-UBND về cung ứng hàng hóa bình ổn thị trườg cuối ngày 25/11/2020 và dịp tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 do tỉnh Kiên Giang ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


667

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.65.133
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!