BAN CHỈ ĐẠO QUỐC
GIA CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 119/KH-BCĐ389
|
Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
CAO ĐIỂM CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ DỊP TRƯỚC,
TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN NHÂM DẦN 2022
Trong những tháng đầu năm 2021, tình
hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước thực
hiện giãn cách xã hội, các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm
soát để phòng, chống dịch, vì vậy tình hình buôn lậu, gian
lận thương mại và hàng giả có chiều hướng giảm. Đến nay,
tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương trở lại trạng
thái bình thường mới, nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hoạt động
thương mại trong nước và quốc tế dần được nối lại. Trong bối cảnh đó, cùng với
nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao vào dịp cuối năm, dự báo tình hình
buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp trở
lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán
Nhâm Dần 2022.
Để chủ động kiểm soát tình hình, phát
hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với
nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm
tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa
phương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
2. Các cơ quan chức năng chủ động nắm
chắc diễn biến tình hình, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp kiểm
tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và
hàng giả; góp phần bảo đảm bình ổn giá, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn
bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu
phục vụ Tết Nguyên đán.
II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Nhiệm vụ chung của
Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương
- Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; chỉ đạo các lực lượng chức
năng xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận
thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
- Xác định đối tượng, tuyến, địa bàn,
hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường
sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực
tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung
tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa...; phân công rõ trách nhiệm quản lý,
kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương
đóng tại địa bàn; kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện
tử, mua, bán online, mạng xã hội (facebook, zalo...) để kinh doanh hàng cấm,
hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Xây dựng phương án tổ chức và tăng cường
lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới để
ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa. Trong
đó cần tập trung vào các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao
và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như: Thực phẩm, rượu, bia,
thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm,
hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp..., đặc biệt là các mặt hàng vật tư,
trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
- Căn cứ vào tình hình thực tế
và tính cấp thiết, chủ động thành lập các đoàn liên ngành kiểm
tra, giám sát, đôn đốc các lực lượng chức năng chỉ đạo, điều phối công tác phối
hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực,
địa bàn phụ trách.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính
- Chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường
công tác thu thập thông tin, nắm chắc tình hình, tuần tra, kiểm soát tại địa
bàn khu vực cửa khẩu đường bộ, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần
biên giới, khu vực cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc
tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc tế và các địa
điểm khác thuộc địa bàn kiểm soát hải quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập
khẩu, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh. Tập trung đấu tranh đối với mặt
hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả nhãn
hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng tiêu
dùng thiết yếu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán như: Vũ khí, vật liệu nổ,
ma túy, xăng dầu, pháo các loại, động vật hoang dã, điện thoại di động, hàng
may mặc, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, dược liệu, dược phẩm...
và trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch; phối hợp chặt chẽ với các lực
lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới đường bộ, trên biển và
thực hiện các kế hoạch chuyên đề đấu tranh đối với các mặt hàng trọng điểm.
- Chỉ đạo lực lượng Thuế: Các đơn vị
nghiệp vụ, Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường thanh
tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro
cao về thuế; tăng cường công tác quản lý về hóa đơn nhằm ngăn chặn tình trạng
mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức
hóa hàng nhập lậu, trốn thuế; kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp với các lực
lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý đối tượng buôn lậu,
gian lận liên quan đến công tác quản lý thuế.
b) Ban Chỉ đạo 138/BCA Bộ Công an
Chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc
triển khai đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương
mại và hàng giả, đặc biệt là các loại mặt hàng liên quan đến: Phòng, chống dịch
bệnh Covid-19; các nhóm mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết
Nguyên đán như: Pháo, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả...; mặt
hàng thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất như: Xăng dầu,
thép, linh kiện điện tử... Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án về buôn lậu,
gian lận thương mại và hàng giả nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm,
phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân sớm đưa ra truy tố,
xét xử nghiêm minh trước pháp luật, góp phần răn đe phòng ngừa chung. Qua công
tác phòng ngừa, đấu tranh, chủ động phát hiện, tham mưu, kiến nghị các cấp, các
ngành chức năng kịp thời, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác
phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường lực lượng xuống
cơ sở tổ chức phát động quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào phòng,
chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
c) Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng
- Chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng
tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm chắc tình hình, tiếp tục kiểm soát
chặt chẽ tuyến biên giới đường bộ (trọng điểm là các đường mòn, lối mở), khu vực
biên giới biển. Kịp thời phát hiện, đấu tranh triệt phá các điểm tập kết, tụ điểm
chứa hàng nhập lậu trong khu vực biên giới; ngăn chặn kịp thời các hành vi xuất
cảnh, nhập cảnh, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, không để hình
thành các tụ điểm tập kết hàng ở khu vực biên giới; chủ trì, phối hợp với các lực
lượng chức năng xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, chốt chặn tại các tuyến
đường có khả năng mang vác, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển
tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình, kịp thời
phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép
hàng hóa trên các vùng biển trọng điểm: Đông Bắc, miền Trung, Đông Nam bộ và
Tây Nam; các mặt hàng trọng điểm như: Xăng dầu, thuốc lá điếu, khoáng sản, pháo
nổ, vũ khí và các mặt hàng thiết yếu khác; chủ động phối hợp với các lực lượng
chức năng, chính quyền địa phương kiểm soát tình hình buôn lậu, vận chuyển trái
phép hàng hóa trên biển.
d) Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương
- Chỉ đạo Sở Công Thương các địa
phương chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt
hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án bảo đảm cân đối
cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên
đán Nhâm Dần 2022; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc
tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.
- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường
chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử
lý hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng,
hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hành vi
vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, mua, bán trao đổi hàng hóa trên sàn
giao dịch điện tử, mua, bán online, mạng xã hội...; các hành vi vi phạm về niêm
yết giá bán hàng.
- Tăng cường kiểm tra, phát hiện,
ngăn chặn các nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng lương thực, thực phẩm,
hàng tiêu dùng kém chất lượng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; các mặt hàng
liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
đ) Ban Chỉ đạo 389 các Bộ: Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra chuyên
ngành kiểm tra, kiểm soát sách in lậu, sản phẩm văn hóa phẩm đồi trụy; phối hợp
kiểm tra, kiểm dịch các loại hoa quả, đồ uống, thực phẩm, gia súc, gia cầm bảo
đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, không để ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu
dùng; tăng cường quản lý chất lượng, nguồn gốc các sản phẩm từ động, thực vật.
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông
và các đơn vị trong ngành Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, lực lượng
chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải
hàng hóa và hành khách mang theo hàng hóa trên các tuyến
đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và đường hàng không (trọng điểm
là các khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe khách, bến xe hàng, bãi đỗ xe, các
phương tiện là ôtô chở khách từ các tỉnh biên giới về nội địa, tàu hỏa chạy tuyến
Bắc - Nam).
e) Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, cơ quan: Bộ
Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam,
Thông tấn xã Việt Nam
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông,
thông tấn, báo chí xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền trong dịp Tết
Nguyên đán Nhâm Dần 2022; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời
phản ánh tình hình, kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương
mại và hàng giả; đưa tin phản ánh các biểu hiện tiêu cực, trực tiếp và tiếp tay
cho việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; làm tốt công tác tuyên
truyền chính sách, pháp luật; kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến,
gương người tốt, việc tốt, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho hành
vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Thường
trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các cơ quan liên quan kịp thời đưa tin công
khai các vụ việc phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản
xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, chỉ đạo tăng cường chất
lượng phóng sự, tin, bài.
g) Ban Chỉ đạo 389 các địa phương
Chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức
năng bảo đảm cung cấp đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng đạt chất lượng cho nhân dân;
tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng
nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ,
hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá; chú ý đối với các mặt
hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên
đán Nhâm Dần 2022 như: Thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo,
hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp... Đặc biệt, đối với các tỉnh:
Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị,
Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... cần
tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp giữa các lực lượng chức năng trên các
tuyến biên giới; đối với các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương,
Hưng Yên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ... chỉ đạo
các lực lượng nắm chắc tình hình, tăng cường kiểm tra, không để phát sinh các
kho, điểm trung chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thời gian triển khai Kế hoạch: Từ
ngày 10 tháng 12 năm 2021 đến ngày 28 tháng 02 năm 2022.
2. Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa
phương xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, chỉ đạo triển khai nghiêm túc, hiệu
quả các nội dung trong Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
3. Chế độ báo cáo
- Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa
phương gửi Kế hoạch cao điểm về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (qua Văn phòng Thường trực) trước ngày 31 tháng 12 năm 2021.
- Các vụ việc phát hiện, xử lý trong
các ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 25 tháng 01
đến ngày 06 tháng 02 năm 2022) gửi theo chế độ báo cáo nhanh, qua hệ thống báo
cáo trực tuyến.
- Báo cáo tổng kết Kế hoạch cao điểm
gửi về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trước ngày 15 tháng 3 năm 2022 (thống kê kết quả
phát hiện bắt giữ, xử lý vi phạm theo Phụ lục báo cáo định kỳ hàng tháng).
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ;
- BCĐ 389 các Bộ: Tài chính, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Y tế, Giao
thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công
nghệ, Văn hóa, Thể thao và
Du lịch, Thông tin và Truyền
thông, Tư pháp, Nội vụ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Thanh tra Chính phủ;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Đài Tiếng nói Việt Nam;
- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia;
- Các cơ quan, đơn vị: Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên
phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (Bộ Quốc phòng);
Cục Cảnh sát kinh tế, Cục An
ninh kinh tế, Văn phòng (Bộ Công an);
Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương);
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: V.I, NC, KGVX, KTTH, TH;
- Lưu: VT, BCĐ389 (2b).
|
TRƯỞNG BAN
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Bình Minh
|