THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc
********
|
Số: 406-TTg
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 8 năm 1994
|
CHỈ
THỊ
VỀ VIỆC CẤM SẢN XUẤT, BUÔN BÁN VÀ ĐỐT PHÁO
Việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo
ở nước ta trong thời gian qua, tuy đã được quản lý, kiểm tra, chấn chỉnh và đã
xử lý một số vụ vi phạm, nhưng tình trạng sản xuất, buôn bán trái phép, đốt
pháo tuỳ tiện, nhất là trong các ngày lễ Tết, hội hè, liên hoan, khai trương...
ngày càng nhiều. Do sản xuất và đốt pháo đã gây ra hàng ngàn vụ tai nạn, cháy
nhà, chết người hoặc gây thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tổn
thất kinh tế, ô nhiễm môi trường rất lớn không thống kê được. Các đêm giao thừa,
việc đốt pháo trong các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng
Nam - Đà Nẵng v.v... kéo dài liên tục từ 30 đến 40 phút, tạo tiếng nổ ồn ào,
làm cho người già, trẻ em, người yếu tim, thần kinh yếu không chịu nổi, khói
pháo dày đặc kéo dài, xe ô tô, xe gắn máy có lúc không đi lại được, gây tắc nghẽn
giao thông.
Theo báo cáo của 44/53 địa
phương, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Tuất (1994) đã có 728 vụ tai nạn do pháo
gây ra, làm chết 71 người, làm bị thương 765 người và tiêu tốn hàng 20-30 tỷ đồng.
Để nhanh chóng khắc phục tình trạng
trên, cũng là xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chung của nhân dân trong cả nước
và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ IV về thực hiện tiết
kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1- Kể từ ngày 1
tháng 1 năm 1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc
pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa).
a) Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân
dân các địa phương phổ biến ngay Chỉ thị này đối với tất cả các cơ sở thuộc Bộ,
ngành và địa phương mình quản lý, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các
đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài... tuyên truyền rộng rãi
về tác hại và nguy hiểm của việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo, vận động, thuyết
phục, giải thích cho mọi người thông suốt và đồng tình với chủ trương cấm sản
xuất, buôn bán và đốt pháo của Chính phủ.
Uỷ ban nhân dân các cấp đề nghị
Hội đồng nhân dân và các đoàn thể bàn biện pháp và có nghị quyết thực hiện.
Đối với những nơi lâu nay có
ngành nghề truyền thống, công nghệ sản xuất pháo và thuốc pháo, đã được cấp có
thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề thì xem xét để chuyển sang làm pháo hoa, thuốc
pháo hoa hoặc làm nghề khác. Các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương phải lập và duyệt kế hoạch về kinh phí đào tạo để chuyển số lao động
chuyên sản xuất pháo nổ chuyển sang ngành sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa hoặc
sang nghề khác, theo giấy phép hành nghề mới.
b) Nghiêm cấm việc nhập khẩu các
loại pháo, các loại thuốc pháo và nguyên liệu làm pháo từ nước ngoài vào Việt
Nam. Mọi loại pháo nước ngoài đang được buôn bán trên thị trường Việt Nam đều bị
tịch thu và tiêu huỷ và thu hồi giấy phép kinh doanh, nếu gây hậu quả nghiêm trọng
phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
c) Chỉ cấp giấy phép sản xuất, buôn
bán các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện,
tiêu chuẩn về an toàn, an ninh trật tự, quy định tại Nghị định số 17-CP ngày
23-12-1992 của Chính phủ về quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt, và những quy
tắc về phòng cháy, nổ theo quy định của Bộ Nội vụ. Sau ngày 1 tháng 1 năm 1995,
những tổ chức, cá nhân không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề
đều phải ngừng hoạt động.
d) Nghiêm cấm dùng các loại thuốc
nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn để sản xuất pháo hoa. Các Bộ, ngành
có đơn vị được phép dùng thuốc nổ để sử dụng trong chiến đấu và sản xuất phải
có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để thất thoát hoặc thanh lý không đúng quy
định của Nhà nước. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân vi phạm phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật.
e) Các tổ chức và cá nhân được
phép sản xuất, buôn bán pháo hoa, thuốc pháo hoa khi sản xuất, vận chuyển đều
phải có biện pháp bảo đảm an toàn tuyết đối. Phải vận chuyển bằng các phương tiện
chuyên dùng, có giấy phép vận chuyển của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương cấp và phải kèm theo chứng từ mua bán hợp lệ.
Không được vận chuyển pháo hoa,
thuốc pháo hoa trên các phương tiện không an toàn, phương tiện có chở người.
2- Về việc bán
pháo hoa, đốt pháo hoa.
Trong các ngày lễ lớn, các ngày
Tết, ngày hội có tổ chức bắn pháo hoa, đốt pháo hoa thì Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố phải thông báo cho nhân dân biết thời gian, địa điểm bán pháo hoa, đốt
pháo hoa.
Những dạ hội vui chơi du lịch,
những dịp tổ chức khánh thành công trình, tổ chức lễ hội, hiếu hỉ, nếu đốt pháo
hoa phải bảo đảm an toàn.
3- Từ nay đến
cuối năm 1994, việc sản xuất, đốt pháo được quy định như sau:
a) Về việc sản
xuất pháo chỉ những tổ chức và cá nhân có giấy phép và đủ điều kiện tiêu chuẩn
về an toàn, an ninh trật tự, mới được sản xuất, buôn bán pháo, không được sản
xuất thêm nếu không tồn đọng nguyên liệu, và chỉ được sản xuất và buôn bán các
loại pháo cỡ nhỏ.
b) Về đốt pháo.
- Nghiêm cấm đốt pháo trong trụ
sở các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ
trang.
- Nghiêm cấm đốt pháo gây nguy
hiểm cho người khác, ảnh hưởng đến môi trường, trật tự chung như đốt pháo ở nơi
công cộng, đốt pháo sau 21 giờ hàng ngày, đốt pháo ném ra đường, ném vào người
khác hoặc ném vào phương tiện đi lại trên đường, ném từ trên cao xuống, đốt
pháo kéo theo xe đang chạy...
- Nghiêm cấm việc nổ súng, hoặc
dùng chất nổ, gây tiếng nổ thay cho pháo.
c) Giao cho Uỷ ban nhân dân
thành phố Hà Nội, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ ban nhân dân các tỉnh
Hà Tây, Quảng Nam - Đà Nãng, Thừa Thiên Huế, Hải Hưng, Cần Thơ và Bộ Quốc phòng
trong tháng 9 năm 1994 phải chỉ đạo phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Thương mại, Tổng
cục Hải quan, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành kiểm tra các cơ sở
sản xuất pháo, buôn bán pháo, thuốc pháo thực hiện được các quy định trên và
báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
4- Các tổ chức
và cá nhân vi phạm Chỉ thị này ngoài việc tịch thu tang vật, tiêu huỷ pháo và
thuốc pháo tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm còn bị phạt như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến
2.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất pháo trái phép.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến
2.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán pháo, thuốc pháo trái phép.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến
2.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu pháo.
- Phạt tiền từ 500.000 đến
2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định vận chuyển pháo.
Các vi phạm về
sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo gây hậu quả nghiêm trọng phải bị
truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm
thì bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại hoặc
nộp tiền phạt hành chính.
5- Tổ chức thực
hiện:
a) Bộ Nội vụ cùng với Bộ Khoa học,
Công nghệ và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan quy định tiêu
chuẩn, sức nổ, quy cách các loại pháo hoa được sản xuất và có biện pháp xử lý
ngay các trường hợp làm sai quy định, đặc biệt chú ý ở các thành phố lớn và ở
các địa phương có nhiều cơ sở sản xuất pháo.
b) Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học, Công
nghệ và Môi trường, Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng, Bộ Giao thông
vận tải, Tổng cục Hải quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương theo chức năng của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị
này và kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm theo pháp luật.
c) Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp
với các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế
xã hội, các trường học có trách nhiệm và kế hoạch tổ chức tuyên truyền sâu rộng
Chỉ thị này.
d) Những người có công phát hiện,
ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo, thuốc pháo và đốt pháo trái
phép, sẽ được khen thưởng.
e) Bộ trưởng, Thủ trưởng có quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức, theo dõi chặt chẽ việc
thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.