Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 36/2009/TT-BTC Pháp lệnh khai thác bảo vệ công trình thuỷ lợi hướng dẫn Nghị định 115/2008/NĐ-CP sửa đổi 143/2003/NĐ-CP

Số hiệu: 36/2009/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trần Xuân Hà
Ngày ban hành: 26/02/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 36/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 115/2008/NĐ-CP NGÀY 14/11/2008 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 143/2003/NĐ-CP NGÀY 28/11/2003 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi (sau đây gọi tắt là Nghị định số 115/2008/NĐ-CP);

Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu thủy lợi phí, xác nhận diện tích đất được miễn và không được miễn thuỷ lợi phí, việc lập dự toán, cấp phát, thanh, quyết toán khoản cấp bù thuỷ lợi phí được miễn; việc hỗ trợ tài chính để thực hiện xử lý xoá nợ đọng thuỷ lợi phí và lỗ do nguyên nhân khách quan đối với các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi như sau:

I- MỨC THU THỦY LỢI PHÍ.

1. Mức thu thuỷ lợi phí, tiền nước đối với công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là công trình ngân sách) được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 19 sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2008/NĐ-CP.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào điều kiện cụ thể của công trình thủy lợi và các hoạt động tương quan để quyết định mức thu cụ thể quy định tại tiết 5, tiết 7 và tiết 8 điểm d khoản 1 Điều 19 sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2008/NĐ-CP.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào kết cấu hệ thống công trình thủy lợi và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định vị trí cống đầu kênh của tổ chức hợp tác dùng nước làm căn cứ xác định phạm vi thủy lợi phí phải nộp theo quy định của nhà nước gắn với trách nhiệm và chi phí vận hành, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi của các tổ chức quản lý công trình thủy lợi và phạm vi thu phí dịch vụ lấy nước với trách nhiệm quản lý, sửa chữa hệ thống kênh nội đồng của tổ chức hợp tác dùng nước.

2. Mức thủy lợi phí các công trình đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc có một phần vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi là công trình ngoài ngân sách) quy định tại khoản 4 Điều 19 sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2008/NĐ- CP do đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi thoả thuận với hộ dùng nước. Tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi lập báo cáo diện tích và mức thu thoả thuận để gửi Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định. Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào thực tế nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, diện tích, biện pháp tưới tiêu, chi phí quản lý, vận hành công trình thủy lợi để thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt mức thủy lợi phí thỏa thuận của từng công trình thủy lợi.

3. Xác định mức thủy lợi phí: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào kết cấu hệ thống công trình thủy lợi; quy trình và biện pháp tưới, tiêu; diện tích đất canh tác được tưới, tiêu để làm căn cứ xác định mức thu, miễn thủy lợi phí và lập dự toán cấp bù thủy lợi phí được miễn.

4. Căn cứ vào điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương và đặc điểm hệ thống công trình thủy lợi, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức trần phí dịch vụ lấy nước của tổ chức hợp tác dùng nước tính từ sau cống đầu kênh đến mặt ruộng (kênh nội đồng) do tổ chức hợp tác dùng nước và các tổ chức, cá nhân sử dụng nước thỏa thuận. Mức phí dịch vụ lấy nước thỏa thuận không được cao hơn mức trần do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI MIỄN THUỶ LỢI PHÍ VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN.

1. Đối tượng miễn thuỷ lợi phí:

Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối.

2. Phạm vi miễn thuỷ lợi phí:

Phạm vi miễn thủy lợi phí được quy định tại điểm a Khoản 5 Điều 19 sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2008/NĐ-CP; cụ thể là diện tích mặt đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối, bao gồm diện tích:

- Đất, mặt nước được nhà nước giao cho các hộ gia đình cá nhân;

- Đất, mặt nước được thừa kế, cho, tặng;

- Đất, mặt nước mà các hộ gia đình cá nhân chuyển nhượng hợp pháp;

- Đất, mặt nước các gia đình, cá nhân được giao hoặc đấu thầu quyền sử dụng đất 5% công ích do địa phương quản lý.

Tổng diện tích đất, mặt nước nêu trên của mỗi hộ, cá nhân nằm trong hạn mức giao đất nông nghiệp thuộc phạm vi được miễn thủy lợi phí. Phần diện tích vượt hạn mức giao đất nông nghiệp thì không được miễn thủy lợi phí.

Đối với các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo qui định của Chính phủ được miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất, mặt nước nêu trên, không phân biệt trong hay vượt hạn mức giao đất.

Đối với diện tích đất, mặt nước các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán của các doanh nghiệp, nông, lâm trường không thuộc phạm vi được miễn thủy lợi phí.

3. Các tổ chức được ngân sách cấp bù kinh phí miễn thuỷ lợi phí:

Các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi (sau đây gọi là đơn vị quản lý thuỷ nông) thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu nước cho diện tích được miễn thuỷ lợi phí được ngân sách cấp bù kinh phí miễn thuỷ lợi phí, bao gồm:

3.1. Các Công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước sở hữu 100% vốn, công ty cổ phần và các công ty khác tham gia quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi có giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

3.2. Các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi gồm: Trung tâm quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, Ban quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, Trạm quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi.

3.3. Các tổ chức hợp tác dùng nước: Ban quản lý thuỷ nông, tổ đường nước, đội thuỷ nông, hội dùng nước, hiệp hội dùng nước, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc đồng ý cho thành lập, hoặc có giấy phép đăng ký kinh doanh, hoặc được đại hội xã viên thông qua quy chế, điều lệ hoạt động. Cơ quan thành lập, hoặc đồng ý cho thành lập là Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thể ủy quyền cho UBND cấp xã nơi đơn vị đóng trụ sở chính quyết định thành lập hoặc đồng ý thành lập.

3.4 Các tổ chức khác được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.

4. Mức miễn thủy lợi phí: theo quy định tại tiết b điểm 5 Khoản 1 Điều 19 sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2008/NĐ- CP.

5. Mức cấp bù miễn thủy lợi phí: Theo qui định điểm a và b khoản 2 Điều 19a bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 115/2008/NĐ-CP.

6. Nguồn kinh phí cấp bù do miễn thuỷ lợi phí :

6.1 Ngân sách trung ương cấp kinh phí miễn thuỷ lợi phí cho các đơn vị quản lý thuỷ nông trung ương 100% số thuỷ lợi phí được miễn và hỗ trợ kinh phí cho ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thanh toán số thủy lợi phí được miễn cho các đơn vị thủy nông địa phương theo mức:

- Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương được hỗ trợ bằng 100% số miễn thủy lợi phí quy định tại khoản 1 Điều 19 sửa đổi tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 115/2008/NĐ-CP. Riêng đối với số miễn thủy lợi phí thu theo thỏa thuận, mức hỗ trợ nhiều nhất bằng 1,2 lần tính theo mức thu của công trình thủy lợi do ngân sách đầu tư. Phần vượt hơn mức 1,2 lần do ngân sách địa phương đảm bảo. Đối với kinh phí miễn, giảm thuỷ lợi phí do thiên tai gây mất mùa quy định tại Nghị định số 143/2003/NĐ-CP do ngân sách địa phương cấp bù.

- Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thu điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50% được hỗ trợ bằng 50% số miễn thủy lợi phí theo quy định tại Nghị định số 115/2008/NĐ-CP. Riêng số thủy lợi phí thu theo thỏa thuận được tính mức hỗ trợ không quá 1,2 lần mức thu tính theo công trình nhà nước. Đối với những địa phương có số tăng thu lớn, có thể đảm bảo được toàn bộ số bù do miễn thuỷ lợi phí thì ngân sách trung ương không hỗ trợ.

- Đối với những địa phương bị hụt thu ngân sách do nguyên nhân khách quan hoặc số tăng thu ít, sau khi đã sử dụng hết 50% số tăng thu ngân sách địa phương và 50% dự phòng ngân sách địa phương theo dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao để cấp bù thuỷ lợi phí được miễn thuộc phần ngân sách địa phương đảm bảo mà vẫn còn thiếu thì ngân sách trung ương hỗ trợ phần chênh lệch thiếu.

6.2. Ngân sách địa phương cấp kinh phí miễn thuỷ lợi phí:

- Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nguồn thu điều tiết về ngân sách trung ương từ 50% trở lên, ngân sách địa phương cấp 100% số thủy lợi phí được miễn cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi địa phương.

- Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nguồn thu điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50% ngân sách địa phương cấp 50% số thủy lợi phí được miễn cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi địa phương .

- Ngân sách địa phương cấp bù số giữa mức thuỷ lợi phí thực tế được miễn với mức ngân sách trung ương hỗ trợ (tối đa 1,2 lần) của trường hợp thu thuỷ lợi phí theo thoả thuận .

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ, THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH DIỆN TÍCH ĐẤT ĐƯỢC MIỄN THUỶ LỢI PHÍ.

1. Trình tự xác nhận đối tượng và diện tích đất được miễn thuỷ lợi phí:

1.1. Đơn vị quản lý thuỷ nông phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn căn cứ vào bản đồ giải thửa, hình thức cấp nước, tưới nước, tiêu nước, hợp đồng cấp nước, tưới nước, tiêu nước giữa đơn vị quản lý thuỷ nông với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để lập bảng kê đối tượng và diện tích đất được tưới nước, tiêu nước được miễn thuỷ lợi phí theo mẫu quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư này.

1.2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đối tượng miễn thuỷ lợi phí cư trú xác nhận trong bảng kê do đơn vị quản lý thuỷ nông lập.

1.3. Sau khi lập bảng kê, đơn vị quản lý thuỷ nông lập hồ sơ miễn thuỷ lợi phí để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

1.4. Việc xác định diện tích miễn thuỷ lợi phí gồm cả diện tích tưới tiêu thuộc công trình thuỷ lợi đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và công trình ngoài ngân sách phải hoàn thành trước ngày 30/6/2009. Hàng năm nếu có biến động về diện tích đất, mặt nước được miễn thuỷ lợi phí thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ ra quyết định điều chỉnh, bổ sung.

2. Thẩm quyền quyết định diện tích miễn thuỷ lợi phí:

2.1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với diện tích tưới nước, tiêu nước và cấp nước tạo nguồn đối với các đơn vị quản lý thuỷ nông trung ương.

2.2. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với các diện tích tưới nước, tiêu nước và cấp nước của các đơn vị quản lý thuỷ nông địa phương.

3. Hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định diện tích miễn thu thuỷ lợi phí gồm:

3.1. Tờ trình của đơn vị quản lý thuỷ nông đề nghị ban hành quyết định diện tích miễn thuỷ lợi phí;

3.2. Bảng kê diện tích tưới nước, tiêu nước và cấp nước theo từng hộ dùng nước theo địa bàn có xác nhận của Uỷ ban nhân dân quận, huyện, hoặc thị xã;

3.3. Hợp đồng (hoặc sổ bộ) tưới nước, tiêu nước, cấp nước của các đơn vị quản lý thuỷ nông với các đơn vị dùng nước (tổ hợp tác, hợp tác xã...), hộ dùng nước.

Bảng kê diện tích tưới nước, tiêu nước, cấp nước kèm theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là căn cứ để giao kế hoạch hoặc đặt hàng cho các đơn vị quản lý thuỷ nông; là căn cứ để các cơ quan nhà nước thực hiện giám sát việc phục vụ tưới nước, tiêu nước, cấp nước của các đơn vị quản lý thuỷ nông; là căn cứ để lập dự toán kinh phí cấp bù tiền miễn thuỷ lợi phí của các đơn vị quản lý thuỷ nông.

IV. LẬP, GIAO DỰ TOÁN.

1. Đối tượng lập dự toán:

Gồm các đơn vị quản lý thuỷ nông được quy định tại điểm 3 mục II của Thông tư này, cụ thể như sau:

1.1. Các đơn vị quản lý thuỷ nông là công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, đơn vị sự nghiệp có thu công lập do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập: Lập kế hoạch tưới nước, tiêu nước, cấp nước theo từng biện pháp tưới, tiêu, dự toán kinh phí cấp bù do miễn thủy lợi phí, kinh phí hỗ trợ khác báo cáo cơ quan có thẩm quyền giao kế hoạch. Dự toán của các đơn vị phải có thuyết minh phù hợp với đặc thù của từng đơn vị.

- Đối với đơn vị quản lý thuỷ nông do cấp tỉnh quản lý gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài chính tổng hợp dự toán chi ngân sách cấp tỉnh báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Đối với đơn vị quản lý thủy nông trung ương báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính tổng hợp dự toán chi ngân sách trung ương.

1.2. Đối với đơn vị quản lý thuỷ nông do cấp huyện quản lý, công ty cổ phần và đơn vị quản lý công trình ngoài ngân sách: Lập kế hoạch về diện tích tưới nước, tiêu nước, cấp nước theo từng biện pháp tưới, tiêu được miễn thuỷ lợi phí và dự toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp bù số thuỷ lợi phí được miễn gửi cho Phòng Nông nghiệp (hoặc Phòng Kinh tế) và Phòng Tài chính cấp huyện để tổng hợp dự toán chi báo cáo UBDN cấp huyện.

1.3 Đối với các tổ chức hợp tác dùng nước quản lý một phần công trình nằm trong hệ thống công trình thuỷ lợi do công ty nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, đơn vị sự nghiệp có thu do Nhà nước quyết định thành lập thì dự toán của tổ hợp tác dùng nước được gửi cho các đơn vị quản lý công trình thuỷ lợi nêu trên để tổng hợp trong kế hoạch chung

2. Phương pháp lập dự toán:

Phương pháp lập dự toán hỗ trợ kinh phí do miễn giảm thuỷ lợi phí theo qui định của Luật ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn. Một số lưu ý khi lập dự toán:

a) Khi lập dự toán phải căn cứ vào diện tích ( hoặc m3 nước) theo từng biện pháp tưới tiêu phù hợp với quy định miễn thủy lợi phí do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt.

b) Dự toán kinh phí cấp bù kinh phí do miễn thuỷ lợi phí là một bộ phận trong kế hoạch tài chính của các đơn vị quản lý thuỷ nông. Tuỳ thuộc mô hình tổ chức quản lý đơn vị quản lý thuỷ nông, kế hoạch tài chính được lập theo quy định hiện hành của nhà nước.

3. Tổng hợp dự toán:

3.1. Phòng Nông nghiệp (hoặc Phòng Kinh tế) tổng hợp dự toán bù do miễn thuỷ lợi phí của các đơn vị thuộc cấp huyện quản lý để báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện và gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trong dự toán ngân sách địa phương.

3.2. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp dự toán bù miễn thủy lợi phí của các đơn vị quản lý thuỷ nông địa phương gồm cả dự toán cấp bù thuỷ lợi phí được miễn của tổ chức thuỷ nông do cấp huyện quản lý ( theo mẫu biểu số 1 và số 2 kèm theo Thông tư này) để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Dự toán kinh phí miễn thủy lợi phí chia ra dự toán công trình ngân sách, công trình ngoài ngân sách và đồng thời chia theo nguồn ngân sách trung ương đảm bảo, nguồn ngân sách địa phương đảm bảo:

a) Đối với các địa phương nhận trợ cấp bù miễn thủy lợi phí 100% hoặc 50% từ ngân sách trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp, để báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.

b) Đối với địa phương không phải nhận hoặc nhận một phần kinh phí bù miễn thủy lợi phí của ngân sách trung ương, dự toán thuộc phần ngân sách địa phương cấp bù miễn thuỷ lợi phí được tổng hợp chung trong dự toán ngân sách của địa phương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê chuẩn, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính.

3.3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp dự toán của các đơn vị quản lý thuỷ nông trung ương gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung.

3.4. Bộ Tài chính tổng hợp dự toán cấp bù miễn thuỷ lợi phí của các đơn vị quản lý thuỷ nông trung ương, dự toán cấp bù miễn thuỷ lợi phí của các địa phương vào dự toán ngân sách trung ương để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt.

3.5. Sau khi dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội phê chuẩn, Bộ Tài chính phân bổ mức cấp bù, mức hỗ trợ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương.

4. Giao dự toán cho các đơn vị quản lý thuỷ nông thuộc diện giao kế hoạch:

4.1. Căn cứ vào dự toán ngân sách địa phương được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và thông báo mức hỗ trợ kinh phí bù miễn thuỷ lợi phí của Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện giao dự toán cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và kinh phí mục tiêu miễn thuỷ lợi phí cho ngân sách cấp huyện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì và phối hợp với Sở Tài chính phân bổ kinh phí miễn thuỷ thuỷ lợi phí cho từng đơn vị quản lý thuỷ nông địa phương thuộc đối tượng quy định tại điểm 1.1 Mục IV thông tư này.

4.2. Căn cứ vào quyết định của UBND tỉnh, thành phố về kinh phí hỗ trợ miễn thuỷ lợi phí, Uỷ ban nhân dân cấp huyện giao dự toán kinh phí cho Phòng Nông nghiệp (hoặc Phòng Kinh tế). Phòng Nông nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Phòng Tài chính phân bổ dự toán cho các đơn vị thuỷ nông thuộc cấp huyện quản lý.

4.3. Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt và thông báo của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao kế hoạch cho các đơn vị quản lý thuỷ nông trung ương.

Việc giao dự toán phải hoàn thành trước ngày 31/12 năm trước năm kế hoạch.

5. Đặt hàng dịch vụ thủy nông:

Đối với các đơn vị quản lý thuỷ nông (kể cả các đơn vị quản lý công trình ngoài ngân sách) thuộc diện đặt hàng dịch vụ thủy nông Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc uỷ quyền cho cơ quan cấp dưới ký hợp đồng đặt hàng với đơn vị thủy nông theo pháp luật. Việc ký hợp đồng đặt hàng phải hoàn thành trước ngày 31/12 năm trước năm kế hoạch.

Các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi ký hợp đồng với các tổ hợp tác quản lý một phần công trình trong hệ thống công trình do công ty và tổ hợp tác cùng quản lý.

6. Chế độ báo cáo:

6.1. Đối với đơn vị giao dự toán.

Kết thúc năm, đơn vị được giao dự toán phải báo cáo tình hình thực hiện dự toán cho cơ quan giao dự toán và cơ quan tài chính (Bộ Tài chính đối với các đơn vị quản lý thủy nông trung ương, Sở Tài chính đối với đơn vị quản lý thuỷ nông thuộc cấp tỉnh quản lý, Phòng Tài chính đối với các đơn vị thuộc cấp huyện giao dự toán).

Báo cáo thực hiện dự toán là căn cứ để quyết toán kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí được miễn cho các đơn vị quản lý thuỷ nông.

6.2. Đối với đơn vị nhận đặt hàng:

Kết thúc năm, cơ quan đặt hàng và đơn vị nhận đặt hàng phải lập biên bản thanh lý hợp đồng đặt hàng. Biên bản thanh lý hợp đồng đặt hàng là căn cứ để cơ quan đặt hàng thanh, quyết toán kinh phí cho đơn vị nhận đặt hàng và để cơ quan đặt hàng quyết toán kinh phí được ngân sách nhà nước cấp bù thuỷ lợi phí được miễn.

V. CẤP PHÁT, THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ CẤP BÙ MIỄN THUỶ LỢI PHÍ.

1. Cấp phát kinh phí miễn thuỷ lợi phí đối với đơn vị quản lý thuỷ nông:

a) Căn cứ vào dự toán được giao, đơn vị quản lý thuỷ nông lập dự toán năm chia từng quý gửi cơ quan tài chính để làm căn cứ cấp phát. Đơn vị quản lý thuỷ nông trung ương gửi Bộ Tài chính, đơn vị quản lý thuỷ nông cấp tỉnh quản lý gửi Sở Tài chính, đơn vị thuỷ nông cấp huyện quản lý gửi Phòng Tài chính.

b) Việc cấp phát kinh phí thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn liên quan. Cụ thể như sau:

- Cấp phát kinh phí bù thuỷ lợi phí được miễn của ngân sách trung ương cho địa phương, của ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp huyện được xác định là khoản hỗ trợ có mục tiêu.

- Cấp kinh phí bù thuỷ lợi phí được miễn cho các đơn vị quản lý thuỷ nông được giao kế hoạch: Căn cứ vào dự toán ngân sách được duyệt và dự toán của đơn vị quản lý thuỷ nông, cơ quan tài chính cấp kinh phí cho đơn vị quản lý thủy nông hai (02) lần trong năm vào đầu quý 1 cấp 60% tổng kinh phí và đầu quý 3 cấp 40% kinh phí còn lại. Việc cấp phát thực hiện bằng lệnh chi tiền.

2. Thanh toán kinh phí thuỷ lợi phí được miễn đối với các đơn vị quản lý thuỷ nông thuộc diện đặt hàng:

Căn cứ vào hợp đồng đặt hàng được ký giữa cơ quan đặt hàng và đơn vị nhận đặt hàng, cơ quan tài chính thanh toán kinh phí cho đơn vị nhận đặt hàng. Sau khi hợp đồng đặt hàng được ký, cơ quan đặt hàng tạm ứng 50% kinh phí theo hợp đồng cho đơn vị nhận đặt hàng. Sau khi có báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng giữa năm, cơ quan đặt hàng ứng tiếp 40% kinh phí theo hợp đồng, 10% kinh phí còn lại được thanh toán sau khi hợp đồng được thanh lý.

Đối với các tổ hợp tác dùng nước được phân cấp quản lý một phần công trình trong hệ thống công trình thuỷ lợi do công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi quản lý, Công ty thực hiện ứng và thanh toán kinh phí cho các tổ hợp tác dùng nước theo hợp đồng ký giữa 02 bên. Mức ứng thanh toán theo tỉ lệ mà công ty được ngân sách nhà nước ứng và thanh toán.

3. Quyết toán kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí được miễn:

Việc quyết toán tài chính kinh phí cấp bù thuỷ lợi phí được miễn thực hiện theo các quy định hiện hành. Các đơn vị quản lý thuỷ nông phải có đầy đủ các chứng từ để làm căn cứ thanh, quyết toán các khoản hỗ trợ tài chính như: Hợp đồng tưới nước, tiêu nước, cấp nước của đơn vị quản lý thuỷ nông với các đối tượng dùng nước, biên bản nghiệm thu diện tích tưới nước, tiêu nước, cấp nước; biên bản thanh lý hợp đồng tưới nước, tiêu nước và cấp nước đối với đơn vị nhận đặt hàng.

Cấp huyện phải quyết toán với ngân sách cấp tỉnh khoản trợ cấp bù miễn thuỷ lợi phí theo quy định quyết toán chương trình mục tiêu của Luật ngân sách nhà nước.

Đối với các địa phương phải nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải làm báo cáo quyết toán với ngân sách trung ương khoản trợ cấp theo chương trình mục tiêu theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức việc kiểm tra và phê duyệt khoản cấp bù do miễn thu thuỷ lợi phí của các đơn vị quản lý thuỷ nông trung ương. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổ chức việc kiểm tra và phê duyệt khoản cấp bù do miễn thu thuỷ lợi phí của các đơn vị quản lý thuỷ nông tại điểm 3 Mục II Thông tư này (trừ các đơn vị thủy nông trung ương quản lý). Việc kiểm tra và phê duyệt khoản cấp bù do miễn thu thuỷ lợi phí này được thực hiện cùng với việc phê duyệt báo cáo tài chính hàng năm của các đơn vị quản lý thuỷ nông.

VI. HỖ TRỢ TÀI CHÍNH CHO XOÁ NỢ ĐỌNG THUỶ LỢI PHÍ VÀ LỖ DO NGUYÊN NHÂN KHÁCH QUAN.

1. Đối tượng được hỗ trợ cho xoá nợ đọng thuỷ lợi phí và lỗ do nguyên nhân khách quan:

Công ty nhà nước và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhà nước sở hữu 100% vốn làm nhiệm vụ quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi.

2. Thời điểm để xem xét xoá nợ đọng thuỷ lợi phí và lỗ do nguyên nhân khách quan: Các khoản nợ đọng thuỷ lợi phí và lỗ do nguyên nhân khách quan phát sinh đến ngày 31/12/2007.

3. Nguồn ngân sách hỗ trợ tài chính cho việc xoá nợ đọng thuỷ lợi phí và lỗ do nguyên nhân khách quan:

- Ngân sách trung ương hỗ trợ cho các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi trung ương.

- Ngân sách địa phương hỗ trợ cho các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và khoản xoá nợ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã quyết định miễn, giảm cho các đối tượng. Trường hợp ngân sách địa phương có khó khăn không có nguồn kinh phí để hỗ trợ thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có báo cáo để Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Thẩm quyền quyết định xoá nợ đọng thuỷ lợi phí, lỗ do nguyên nhân khách quan và mức hỗ trợ:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định xoá nợ đọng thuỷ lợi phí, lỗ do nguyên nhân khách quan và mức hỗ trợ cho các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi trung ương sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính.

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định xoá nợ đọng thuỷ lợi phí, lỗ do nguyên nhân khách quan và mức hỗ trợ cho các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi địa phương.

5. Thời gian hỗ trợ:

Tuỳ theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, việc hỗ trợ có thể được thực hiện trong 02 năm 2008 và năm 2009.

Việc cấp phát khoản hỗ trợ nợ đọng thuỷ lợi phí và lỗ do nguyên nhân khách quan cho các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi được thực hiện cấp phát bằng lệnh chi tiền theo quy định hiện hành.

6. Trình tự hỗ trợ:

6.1 Đối với khoản nợ đọng thuỷ lợi phí :

a) Các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi căn cứ vào khoản nợ đọng thuỷ

lợi phí của các đối tượng sử dụng nước đến ngày 31/12/2007 và phân loại các nguyên nhân gây nên nợ đọng thuỷ lợi phí:

- Nợ do khó khăn về kinh tế;

- Nợ do chây ỳ cố tình không chịu nộp;

- Nợ miễn thu thuỷ lợi phí đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định miễn giảm nhưng chưa cấp cho các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi;

- Nợ đọng thuỷ lợi phí do nguyên nhân khác.

b) Hồ sơ đề nghị xoá nợ đọng thuỷ lợi phí và cấp bù:

- Văn bản đề nghị xoá nợ đọng thuỷ lợi phí và cấp bù thuỷ lợi phí được xoá;

- Báo cáo tài chính đến ngày 31/12/2007;

- Bản kê chi tiết nợ thuỷ lợi phí của từng đối tượng, từng năm;

- Bản phân tích nguyên nhân nợ đọng thuỷ lợi phí.

c) Căn cứ vào báo cáo nợ đọng thuỷ lợi phí của công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra xác nhận nguyên nhân nợ, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định. Đối với các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra và quyết định mức hỗ trợ.

Đối với các trường hợp chây ỳ, cố tình không chịu nộp thuỷ lợi phí thì các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi tìm mọi biện pháp thu hồi nợ, kể cả biện pháp cưỡng chế.

6.2. Đối với khoản lỗ do nguyên nhân khách quan:

a) Các khoản lỗ được xác định là do nguyên nhân khách quan gồm: Lỗ do thiên tai, địch hoạ, bão lụt, hoả hoạn, sâu bệnh gây nên, lỗ do chính sách thay đổi.

b) Đối với các khoản lỗ do nguyên nhân chủ quan, công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi phải xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan để yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành. Chênh lệch giữa số lỗ với số bồi thường của tập thể, cá nhân, các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ bù lỗ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

c) Hồ sơ đề nghị cấp bù lỗ do nguyên nhân khách quan:

- Tờ trình của công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi;

- Báo cáo tài chính của công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi đến ngày 31/12/2007;

- Bản phân tích nguyên nhân lỗ của công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, xác định trách nhiệm và bồi thường của tập thể, cá nhân (nếu có).

d) Đối với các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi trung ương: Căn cứ vào báo cáo tài chính, bản kiểm điểm xác định nguyên nhân lỗ của các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra xác định các khoản lỗ do nguyên nhân khách quan và quyết định mức cấp bù.

Đối với các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi địa phương: Căn cứ báo cáo tài chính, biên bản tự kiểm điểm xác định nguyên nhân lỗ, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra xác định nguyên nhân lỗ của các công ty khai thác công trình thuỷ lợi, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cấp bù.

VII. HỖ TRỢ KINH PHÍ LAO ĐỘNG DÔI DƯ.

Công ty khai thác công trình thuỷ lợi nhà nước khi thực hiện chính sách miễn thuỷ lợi phí phải tổ chức, sắp xếp lại nếu phát sinh lao động dôi dư thì người lao động dôi dư được hưởng chính sách như lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, giải thể và phá sản công ty nhà nước quy định tại Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước. Nguồn kinh phí lấy từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương tại Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nứơc. Hồ sơ, trình tự thủ tục giải quyết hỗ trợ kinh phí lao động dôi dư thực hiện theo các văn bản hiện hành hướng dẫn Nghị định số 110 /2007/NĐ - CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước và Quyết định số 113/2008/QĐ - TTg ngày 18/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập và ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 26/2008/TT/BTC ngày 28/3/2008 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 154/2007/NĐ - CP ngày 15/10/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ - CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị quản lý thuỷ nông phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
 THỨ TRƯỞNG




 Trần Xuân Hà

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 36/2009/TT-BTC ngày 26/02/2009 hướng dẫn thi hành Nghị định 115/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 143/2003/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi do Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8.927

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.208.236
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!