BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
173/1998/TT-BTC
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 12 năm 1998
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 173/1998/TT-BTC NGÀY 22 THÁNG 12 NĂM
1998 HƯỚNG DẪN THU THUẾ ĐỐI VỚI CÁC CÁ NHÂN CÓ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH
HÀNG HOÁ DỊCH VỤ NỘP THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG THEO PHƯƠNG PHÁP TÍNH TRỰC TIẾP TRÊN
GIÁ TRỊ GIA TĂNG
Căn cứ Luật thuế Giá trị gia
tăng số 02/1997/QH9 ngày 10/5/1997;
Căn cứ Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi
tiết thi hành Luật thuế Giá trị gia tăng;
Căn cứ Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn
thi hành Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ.
Bộ Tài chính hướng dẫn thêm một số điểm về thu thuế giá trị gia tăng đối với
các cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hoá và dịch vụ nộp thuế giá trị gia tăng
theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng như sau:
I/ ĐỐI TƯỢNG
NỘP THUẾ
Đối tượng nộp thuế giá trị gia
tăng theo quy định tại Thông tư này là các cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh
doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế ở Việt nam, không phân biệt ngành nghề kinh
doanh, quy mô kinh doanh, có đăng ký kinh doanh hay không có đăng ký kinh doanh
(gọi chung là hộ kinh doanh) thuộc đối tượng phải nộp thuế giá trị gia tăng
theo phương pháp trực tiếp, bao gồm:
1- Các cá nhân và nhóm cá nhân sản
xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 66-HĐBT ngày 2/3/1992 của Hội đồng
Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về cá nhân và nhóm cá nhân kinh doanh.
2- Các hộ kinh tế gia đình sản
xuất kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 29/HĐBT ngày 9/3/1988 của Hội đồng
Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về kinh tế gia đình bao gồm cả những hộ nông dân
có hoạt động chế biến sản phẩm nông sản do mình trực tiếp sản xuất ra.
3- Các cá nhân kinh doanh lưu động
(buôn chuyến)
4- Người cho thuê tài sản: nhà,
cửa hàng, kho, bãi...
5- Các cá nhân, nhóm cá nhân
hành nghề tự do.
6- Các cá nhân, nhóm cá nhân làm
việc trong các tổ chức kinh tế nhận khoán tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh
doanh.
II/ CĂN CỨ
TÍNH THUẾ
1- Căn cứ tính thuế giá trị gia
tăng đối với hộ cá thể sản xuất, kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực
tiếp trên giá trị gia tăng là giá trị gia tăng và thuế suất.
a) Giá trị gia tăng:
Giá trị gia tăng của hàng hoá dịch
vụ là chênh lệch giữa giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế bán ra trừ
(-) giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua vào tương ứng.
- Giá thanh toán của hàng hoá, dịch
vụ bán ra (gọi là doanh số bán ra) tính theo số lượng hàng hoá dịch vụ bán ra
và giá bán thực tế bên mua phải thanh toán bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và
các khoản phụ thu, phí thu thêm (nếu có).
- Giá thanh toán của hàng hoá, dịch
vụ mua vào tương ứng, được xác định bằng số lượng hàng hoá, dịch vụ nhân (x) với
đơn giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua vào mà cơ sở đã dùng vào sản xuất,
kinh doanh, tương ứng với số lượng hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng
bán ra.
Đối với một số ngành nghề kinh
doanh giá trị giá tăng được xác định như sau:
- Đối với hoạt động sản xuất,
kinh doanh thương nghiệp là số chênh lệch giữa doanh số bán ra với giá thanh
toán hàng hoá, dịch vụ mua vào dùng cho sản xuất, kinh doanh. Trường hợp cơ sở
kinh doanh không hạch toán được giá thanh toán hàng hóa, dịch vụ mua vào tương ứng
với doanh số hàng bán ra thì xác định như sau:
Giá thanh toán hàng mua vào
tương ứng bằng (=) Giá thanh toán hàng mua tồn đầu kỳ cộng (+) Giá thanh toán
hàng mua trong kỳ trừ (-) Giá thanh toán hàng mua tồn cuối kỳ.
- Đối với xây dựng, lắp đặt là số
chênh lệch giữa tiền thu về xây dựng, lắp đặt công trình, hạng mục công trình
trừ (-) chi phí vật tư, nguyên liệu, chi phí động lực, vận tải, dịch vụ và chi
phí khác mua ngoài để phục vụ cho hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình, hạng
mục công trình, trong giá mua có cả thuế giá trị gia tăng đầu vào
- Đối với hoạt động vận tải là số
chênh lệch giữa tiền thu cước vận tải, bốc xếp trừ (-) chi phí xăng dầu, phụ
tùng thay thế và chi phí khác mua ngoài dùng cho hoạt động vận tải.
- Đối với hoạt động kinh doanh
ăn uống là số chênh lệch giữa tiền thu về bán hàng ăn uống, tiền phục vụ và các
khoản thu khác trừ (-) giá thanh toán hàng hoá, dịch vụ mua ngoài dùng cho kinh
doanh ăn uống.
- Đối với hoạt động cho thuê
nhà, thuê kho, bãi và các loại tài sản khác là chênh lệch giữa tiền thu về cho
thuê trừ (-) đi giá trị vật tư nguyên vật liệu dùng để sửa chữa; chi phí điện
nước (nếu bên cho thuê phải thanh toán).
- Đối với hoạt động đại lý bán
hàng, uỷ thác mua hàng hưởng hoa hồng không phải nộp thuế giá trị gia tăng tính
trên hoa hồng được hưởng mà chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Hộ cá thể
nhận đại lý bán hàng, uỷ thác mua hàng hưởng hoa hồng đáp ứng đủ các điều kiện
sau đây không phải nộp thuế giá trị gia tăng trên hoa hồng được hưởng:
+ Phải có đăng ký kinh doanh hoạt
động đại lý, uỷ thác.
+ Phải có hợp đồng đại lý, hợp đồng
uỷ thác ghi rõ hoa hồng được hưởng, mua, bán hàng hoá theo đúng giá của bên
giao đại lý, bên giao uỷ thác quy định.
+ Hàng hoá đại lý bán, uỷ thác
mua phải phản ánh trên hoá đơn, chứng từ hợp lệ.
+ Nếu hết hợp đồng đại lý, uỷ
thác phải có quyết toán hợp đồng.
Các trường hợp đại lý bán hàng,
uỷ thác mua hàng không đáp ứng các điều kiện trên thì thuế giá trị gia tăng được
tính như đối với hoạt động kinh doanh thương nghiệp (mua đứt, bán đoạn).
- Đối với các hoạt động kinh
doanh khác là số chênh lệch giữa tiền thu về hoạt động kinh doanh trừ (-) giá
thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua ngoài để thực hiện hoạt động kinh doanh
đó.
Doanh số hàng hoá, dịch vụ bán
ra quy định trên đây bao gồm cả các khoản phụ thu, phí thu thêm ngoài giá bán
mà cơ sở kinh doanh được hưởng, không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu được
tiền.
Giá thanh toán hàng hoá, dịch vụ
mua vào quy định trên đây bao gồm cả các khoản thuế và phí đã trả tính trong
giá thanh toán hàng hoá, dịch vụ mua vào hoặc hàng hoá nhập khẩu.
b) Thuế suất thuế giá trị gia
tăng:
Thuế suất thuế giá trị gia tăng
được áp dụng theo Mục II Phần B Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 của Bộ
Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng.
Hộ kinh doanh nhiều mặt hàng có
thuế suất khác nhau phải hạch toán và kê khai riêng doanh số của từng mặt hàng
để áp dụng thuế suất riêng cho từng mặt hàng. Nếu không hạch toán riêng được
doanh số của từng mặt hàng thì áp dụng thuế suất của mặt hàng cao nhất.
Hộ kinh doanh không thực hiện chế
độ kế toán, hoá đơn, chứng từ, cơ quan thuế phải ấn định doanh số để tính thuế.
Nếu kinh doanh nhiều mặt hàng thì áp dụng thuế suất của mặt hàng có tỷ trọng lớn
nhất.
2- Phương pháp tính thuế:
2.1 Phương pháp tính thuế đối với
từng trường hợp cụ thể được áp dụng như sau:
a) Đối với hộ kinh doanh đã thực
hiện đầy đủ chế độ lập hoá đơn, chứng từ theo quy định, giá thanh toán của hàng
hoá, dịch vụ mua vào và doanh số bán ra của hàng hoá, dịch vụ đều có hoá đơn,
chứng từ hợp lệ:
Thuế giá trị gia tăng phải nộp =
(Doanh số bán - Giá thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua vào) (x) thuế suất
hay Thuế giá trị gia tăng phải nộp
= Giá trị gia tăng nhân (x) với thuế suất.
Giá trị gia tăng được xác định
căn cứ vào doanh số bán ra phản ánh trên hoá đơn, chứng từ hợp lệ trừ đi giá
thanh toán của hàng hoá, dịch vụ mua vào phản ánh trên hoá đơn, chứng từ hợp lệ
của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế.
Ví dụ: Một sơ sở A sản xuất đồ gỗ
trong tháng bán được 150 sản phẩm, tổng doanh số bán là 25 triệu đồng.
Giá trị vật tư nguyên vật liệu
mua vào để sản xuất 150 sản phẩm là 20 triệu đồng (trong đó có cả nguyên vật liệu
chính, nguyên vật liệu phụ, tiền điện, nước, điện thoại,...)
Thuế suất thuế giá trị gia tăng
là 10%.
Thuế giá trị gia tăng cơ sở A phải
nộp được tính như sau:
+ Giá trị gia tăng của sản phẩm
bán ra:
25 triệu đồng - 20 triệu đồng =
5 triệu đồng
+ Thuế giá trị gia tăng phải nộp:
5 triệu đồng x 10% = 0,5 triệu đồng.
b) Đối với hộ kinh doanh đã thực
hiện chế độ lập hoá đơn, chứng từ khi bán hàng hoá, dịch vụ nhưng không có đủ
hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào:
Thuế giá trị gia tăng = Doanh số
bán ra nhân (x) Tỷ lệ giá trị gia tăng nhân (x) thuế suất.
Giá trị gia tăng được xác định
căn cứ vào doanh số bán ra của hàng hoá, dịch vụ chịu thuế phản ánh trên hoá
đơn, chứng từ và tỷ lệ giá trị gia tăng.
Ví dụ: Vẫn cơ sở kinh doanh A
nêu trên có doanh số bán 150 sản phẩm là 25 triệu đồng.
Tỷ lệ giá trị gia tăng của mặt
hàng cơ sở sản xuất được quy định là 20% trên doanh số bán ra.
Thuế giá trị gia tăng phải nộp
là:
+ Xác định giá trị gia tăng:
25 triệu đồng x 20% = 5 triệu đồng.
+ Thuế giá trị gia tăng phải nộp:
5 triệu đồng x 10% = 0,5 triệu đồng.
c) Đối với hộ kinh doanh không
thực hiện chế độ kế toán, chế độ lập hoá đơn, chứng từ khi mua, bán hàng hoá, dịch
vụ:
Thuế giá trị gia tăng = Doanh số
ấn định nhân (x) với tỷ lệ giá trị gia tăng nhân (x) thuế suất.
Giá trị gia tăng được xác định
căn cứ doanh số ấn định và tỷ lệ giá trị gia tăng.
Doanh số ấn định được xác định
căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh của từng hộ kinh doanh. Để đảm bảo việc
ấn định doanh số cho sát với tình hình kinh doanh và khách quan, việc ấn định
doanh số được thực hiện như sau:
+ Hộ kinh doanh căn cứ vào kết
quả kinh doanh kỳ trước và dự kiến khả năng tăng, giảm kinh doanh trong thời
gian tiếp theo, tự kê khai doanh số bình quân tháng kỳ tiếp theo nộp cho cơ
quan thuế.
+ Cơ quan thuế căn cứ tờ khai của
hộ kinh doanh tiến hành điều tra hoặc phối hợp với Hội đồng tư vấn điều tra,
xác minh các căn cứ để xác định tính chính xác của việc kê khai. Trường hợp hộ
kinh doanh kê khai thiếu trung thực hoặc không kê khai sẽ sử dụng luôn tài liệu
điều tra để làm căn cứ ấn định. Các nội dung điều tra cơ quan thuế cần nắm được
là:
. Giá trị hàng hoá, dịch vụ mua
vào, bán ra bình quân tại thời điểm điều tra.
. Giá trị hàng hoá còn tồn.
. Diện tích SXKD.
. Số lao động phục vụ SXKD.
. Địa điểm kinh doanh....
Việc điều tra có thể tiến hành cụ
thể với từng hộ hoặc phân nhóm, tổ chức điều tra điển hình sau đó suy ra các hộ
kinh doanh cùng ngành nghề, cùng quy mô.
+ Lập danh sách hộ kinh doanh, dự
kiến doanh số từng hộ kinh doanh và thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở
UBND phường, xã, ban quản lý chợ để tham khảo ý kiến.
Sau thời gian niêm yết, công
khai lấy ý kiến, phải nghiên cứu kỹ ý kiến tham gia của hộ kinh doanh, của UBND
phường, xã, ban quản lý chợ và nhân dân. Trường hợp cần điều tra xác minh lại
phải phối hợp với Hội đồng tư vấn điều tra lại để kết luận.
Doanh số từng hộ kinh doanh sau
khi đã được điều chỉnh lại trình lãnh đạo chi cục thuế duyệt làm căn cứ để xác
định giá trị gia tăng và tính thuế giá trị gia tăng phải nộp.
Trường hợp hộ kinh doanh đã kê
khai hoặc cơ quan thuế đã điều tra ấn định doanh số để tính thuế giá trị gia
tăng nhưng có tài liệu khẳng định số liệu kê khai hoặc doanh số đã ấn định thấp
hơn doanh số thực tế, cơ quan thuế được quyền tính lại số thuế giá trị gia tăng
theo kết quả kinh doanh thực tế.
d) Đối với hộ kinh doanh buôn
chuyến:
Thuế giá trị gia tăng = Giá
thanh toán của hàng hoá mua vào nhân (x) tỷ lệ giá trị gia tăng (x) thuế suất.
2.2 Tỷ lệ giá trị gia tăng:
Tỷ lệ giá trị gia tăng do cơ
quan thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều tra, xác định theo hướng dẫn
của Tổng cục thuế. Tỷ lệ giá trị gia tăng được ấn định theo ngành, nghề và mặt
hàng kinh doanh, phù hợp với từng địa bàn cụ thể (thành phố, đồng bằng, miền
núi).
Để đảm bảo cân đối chung giữa
các địa phương, các vùng, Tổng cục thuế hướng dẫn khung tỷ lệ cho từng ngành
nghề và theo vùng lãnh thổ. Căn cứ khung đã hướng dẫn, Cục thuế cụ thể hoá cho
phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. Trường hợp cá biệt vượt quá khung theo
hướng dẫn của Tổng cục thuế, Cục thuế báo cáo xin ý kiến để được sự chấp thuận
của Tổng cục thuế.
III/ ĐĂNG KÝ
KÊ KHAI NỘP THUẾ:
1- Đăng ký nộp thuế:
Các đối tượng quy định tại Mục I
Thông tư này đều phải đăng ký nộp thuế với Chi cục thuế nơi có địa điểm kinh
doanh về: ngành nghề kinh doanh, mặt hàng kinh doanh, lao động, vốn,... và các
chỉ tiêu khác theo mẫu đăng ký nộp thuế và hướng dẫn của cơ quan thuế.
- Đối với hộ mới ra kinh doanh,
thời gian đăng ký nộp thuế chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ra kinh doanh.
- Các hộ đã đăng ký nộp thuế nếu
có thay đổi quy mô kinh doanh, nghỉ kinh doanh hay kinh doanh thêm ngành nghề,
mặt hàng khác phải đăng ký bổ sung hoặc có đơn gửi đến cơ quan thuế chậm nhất
là 5 ngày trước khi có sự thay đổi đó.
Để quản lý chặt chẽ các hộ SXKD,
yêu cầu cơ quan thuế phải thực hiện các quy định sau:
Tất cả các hộ kinh doanh bao gồm
cả các hộ có thu nhập thấp thuộc diện được miễn thuế giá trị gia tăng đều phải
được phản ánh trên sổ bộ thuế của cơ quan thuế.
- Đối với hộ kinh doanh cố định,
đã kinh doanh ổn định (có thời gian kinh doanh liên tục từ 3 tháng trở lên) phản
ánh vào sổ bộ chính.
- Các hộ kinh doanh khác (bao gồm
hộ kinh doanh không thường xuyên, hộ vãng lai, hộ kinh doanh thời vụ, hộ kinh
doanh sáng, tối, hộ kinh doanh có thu nhập thấp thuộc diện miễn thuế,...) phản
ánh vào sổ bộ phụ.
- Các hộ xin tạm nghỉ kinh doanh
cũng vẫn phải phản ánh vào bộ thuế.
2- Kê khai thuế giá trị gia tăng
phải nộp:
Theo quy định của Luật thuế giá
trị gia tăng, hàng tháng hộ kinh doanh phải lập và gửi tờ khai tính thuế giá trị
gia tăng theo mẫu số 06/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày
27/6/1998 của Bộ Tài chính. Để phù hợp với đặc điểm kinh doanh, phương thức quản
lý của cơ quan thuế, việc kê khai thuế giá trị gia tăng được thực hiện như sau:
2.1 Hộ kinh doanh thực hiện chế
độ kế toán, chế độ hoá đơn, chứng từ nộp thuế theo phương pháp kê khai thì thực
hiện kê khai hàng tháng. Thời hạn nộp tờ khai cho chi cục thuế chậm nhất là
ngày 10 của tháng sau.
2.2 Đối với hộ kinh doanh cơ
quan thuế phải ấn định doanh số:
- Những hộ kinh doanh được chi cục
thuế ấn định doanh số để tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp
và ổn định mức thuế trong 1 thời gian nhất định (3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm),
thời hạn kê khai và nộp tờ khai chậm nhất là ngày 10 của tháng cuối cùng thời hạn
ổn định (quý, 6 tháng hay cả năm).
Ví dụ: Hộ A được cơ quan thuế ổn
định mức thuế từ tháng 1 đến tháng 6. Thời hạn Hộ A phải lập và gửi tờ khai
tính thuế để cơ quan thuế xem xét ổn định cho 6 tháng cuối năm (từ tháng 7 đến
tháng 12) chậm nhất là ngày 10/6.
Hộ kinh doanh được chi cục thuế ổn
định mức thuế, nếu trong thời gian ổn định có bổ sung ngành nghề, mặt hàng kinh
doanh thì hộ kinh doanh phải khai báo lại với chi cục thuế để chi cục thuế tính
lại số thuế phải nộp.
Tuỳ theo tình hình và đặc điểm từng
địa phương, cục thuế hướng dẫn chi cục thuế căn cứ vào quy mô của hộ kinh doanh
không thực hiện chế độ kế toán, chế độ lập hoá đơn, chứng từ để áp dụng việc ổn
định doanh số và mức thuế theo 3 tháng, 6 tháng hay cả năm.
Để đơn giản trong công tác quản
lý và thuận tiện cho hộ kinh doanh, đối với hộ kinh doanh chỉ thực hiện được chế
độ hoá đơn, chứng từ khi bán hàng hoá, dịch vụ nhưng không đủ hoá đơn, chứng từ
hàng hoá, dịch vụ mua vào, và hộ kinh doanh không thực hiện chế độ kế toán, chế
độ lập hoá đơn, chứng từ khi bán hàng, cơ quan thuế phải ấn định doanh số chịu
thuế, khi tính thuế giá trị gia tăng đồng thời tính luôn thuế thu nhập doanh
nghiệp và thông báo chung vào cùng một thông báo thuế để hộ kinh doanh nộp cùng
thời gian và cùng một nơi.
2.3 Đối với hộ kinh doanh buôn
chuyến phải kê khai, xuất trình hoá đơn, chứng từ mua hàng và nộp thuế giá trị
gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng chuyến hàng với chi cục thuế nơi
mua hàng trước khi vận chuyển hàng đi. Nếu không có hoá đơn, chứng từ mua hàng
hoặc hoá đơn, chứng từ mua hàng không hợp lệ, không đầy đủ chi cục thuế căn cứ
giá cả thị trường tại địa phương được quyền ấn định doanh số mua hàng để làm
căn cứ tính thuế.
Nếu không kê khai nộp thuế tại
nơi vận chuyển hàng đi, bị coi là trốn thuế, ngoài việc phải nộp đủ số thuế còn
bị phạt về hành vi trốn thuế theo quy định của Luật thuế.
3. Nộp thuế giá trị gia tăng:
3.1 Địa điểm nộp thuế:
Các hộ kinh doanh thuộc đối tượng
phải nộp thuế giá trị gia tăng đều phải nộp thuế theo đúng số thuế, ngày nộp
thuế và địa điểm nộp thuế ghi trong thông báo. Địa điểm nộp thuế được quy định
tại một trong các điểm như sau:
- Đối với hộ kinh doanh thực hiện
chế độ kê khai nộp thuế, hộ kinh doanh lớn, địa điểm nộp thuế tại Kho bạc Nhà
nước quận, huyện, thị xã.
Tuỳ theo tình hình và đặc điểm ở
địa phương, cục thuế quy định hộ kinh doanh có số thuế bình quân hàng tháng lớn
phải đến nộp trực tiếp tại Kho bạc.
- Các trường hợp khác nếu thuận
tiện cũng phải nộp thuế trực tiếp vào Kho bạc. Trường hợp không nộp trực tiếp
được vào Kho bạc thì nộp thuế tại trụ sở UBND phường, xã, trụ sở chi cục thuế,
đội thuế, trạm thuế.
Cơ quan thuế tổ chức việc thu
thuế tại trụ sở UBND phường, xã. Đội thuế, trạm thuế phải thực hiện đúng quy định
về quản lý biên lai thuế, thanh toán biên lại thuế, quản lý tiền thuế thu được,
nộp tiền thuế vào Kho bạc. Căn cứ vào tình hình và đặc điểm của từng địa bàn, cục
thuế quy định lịch thanh toán biên lai thuế và nộp tiền thuế vào Kho bạc để thực
hiện thống nhất. Thời hạn giữ tiền thuế đối với khu vực quận, thị xã, thành phố
trực thuộc tỉnh không quá 2 ngày. Các huyện đồng bằng không quá 3 ngày, các huyện
miền núi không quá 6 ngày.
- Đối với các hộ kinh doanh lưu
động, kinh doanh buôn chuyến, hộ vãng lai nếu gần địa điểm đội, trạm thuế thì tổ
chức thu ngay tại trụ sở đội, trạm thuế, trường hợp xa các địa điểm thu thì cán
bộ thuế được thu trực tiếp và cấp biên lai, nhưng phải thực hiện đúng quy định
về thanh toán biên lai, nộp tiền thuế.
3.2 Thời hạn nộp thuế:
- Đối với hộ kinh doanh nộp thuế
theo chế độ kê khai, thời hạn nộp thuế theo ngày ghi trên thông báo thuế, chậm
nhất không quá ngày 25 của tháng sau.
- Đối với hộ kinh doanh được chi
cục thuế ổn định mức thuế, thời hạn nộp thuế theo thông báo của chi cục thuế.
Nhưng chậm nhất không quá ngày 5 của tháng sau.
- Đối với hộ kinh doanh buôn
chuyến, thời hạn nộp thuế là trước khi vận chuyển hàng ra khỏi địa phương thu
mua.
IV. MIỄN, GIẢM
THUẾ; KHÔNG PHẢI NỘP THUẾ
1. Miễn, giảm thuế đối với hộ
xin nghỉ kinh doanh:
Hộ cá thể nghỉ kinh doanh trong
tháng từ 15 ngày trở lên được xét giảm 50% số thuế phải nộp của tháng, nếu nghỉ
cả tháng thì được miễn nộp thuế của tháng đó.
Thẩm quyền xét miễn, giảm thuế
giá trị gia tăng đối với hộ xin nghỉ kinh doanh do chi cục trưởng chi cục thuế
quận, huyện, thị xã ra quyết định cho từng hộ. Chậm nhất sau 10 ngày nhận được
đơn xin nghỉ kinh doanh chi cục thuế phải thông báo miễn, giảm thuế cho hộ kinh
doanh biết.
Việc xét miễn, giảm thuế cho hộ
xin nghỉ kinh doanh được thực hiện như sau:
Hộ kinh doanh nghỉ kinh doanh phải
có đơn xin nghỉ kinh doanh nộp cơ quan thuế trước 05 ngày bắt đầu nghỉ. Trường
hợp nghỉ kinh doanh vì lý do đột xuất như ốm, bị thiên tai, hoặc các công việc
đột xuất khác thì chậm nhất không quá 05 ngày kể từ ngày bắt đầu nghỉ kinh
doanh phải nộp đơn cho cơ quan thuế kèm theo các chứng cứ giải trình lý do nghỉ
đột xuất. Các trường hợp nghỉ không có đơn xin nghỉ sẽ không được giảm thuế.
Chi cục thuế nhận được đơn xin
nghỉ phải tổ chức kiểm tra xác minh. Nếu thực nghỉ thì ra quyết định miễn, giảm
thuế trong thời gian xin nghỉ. Đối với hộ kinh doanh vì lý do đột xuất phải nghỉ
kinh doanh, nếu chi cục thuế đã thông báo số thuế phải nộp thì số thuế giảm, miễn
sẽ được trừ vào tháng tiếp theo. Khi miễn, giảm thuế cho hộ nghỉ kinh doanh thực
hiện cả miễn, giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hộ kinh doanh nếu trong thời
gian được miễn, giảm thuế do nghỉ kinh doanh nếu ra kinh doanh sớm hơn hoặc muốn
nghỉ thêm đều phải báo cáo với cơ quan thuế. Trường hợp đã trở lại kinh doanh
nhưng không khai báo được coi là trốn lậu thuế và bị xử lý vi phạm theo quy định.
2. Không phải nộp thuế:
Theo quy định tại Điểm 26 Điều 4
Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành Luật thuế giá trị gia tăng thì hàng hoá dịch vụ của những cá nhân kinh
doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước
quy định đối với công chức nhà nước thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Theo quy định trên và căn cứ vào
Nghị định số 06/CP ngày 21/1/1997 của Chính phủ về việc giải quyết tiền lương
và trợ cấp năm 1997 đối với công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp, người về
hưu, nghỉ mất sức, lực lượng vũ trang, cán bộ xã, phường và một số đối tượng
chính sách xã hội thì những hộ kinh doanh có thu nhập bình quân tháng dưới
144.000 đồng không phải nộp thuế giá trị gia tăng đồng thời được miễn luôn cả
thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chi cục trưởng chi cục thuế quyết
định hộ kinh doanh có thu nhập thấp không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế
thu nhập doanh nghiệp.
Căn cứ xem xét và thủ tục xác định
hộ kinh doanh có thu nhập thấp không phải nộp thuế được thực hiện như sau:
- Hộ kinh doanh hàng hoá dịch vụ
có thu nhập thấp phải làm đơn xin không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế
thu nhập doanh nghiệp gửi chi cục thuế nơi đăng ký nộp thuế.
- Nhận được đơn xin không phải nộp
thuế giá trị gia tăng, chi cục thuế tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với Hội đồng
tư vấn thuế kiểm tra, xác minh lại thu nhập thực tế đạt được trong quá trình
kinh doanh. Nếu thuộc diện không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập
doanh nghiệp thì chi cục trưởng chi cục thuế ra thông báo để hộ kinh doanh biết.
Hộ kinh doanh trong thời gian được
thông báo không phải nộp thuế giá trị gia tăng nếu tình hình kinh doanh có thay
đổi, thu nhập kinh doanh tăng lên, vượt quá mức được miễn nộp thuế theo quy định
phải khai báo để cơ quan thuế thông báo điều chỉnh. Trường hợp qua kiểm tra,
phát hiện thu nhập kinh doanh cao hơn mức thu nhập không phải nộp thuế giá trị
gia tăng, cơ quan thuế được phép đình chỉ thực hiện thông báo không phải nộp
thuế giá trị gia tăng và hộ kinh doanh phải nộp thuế giá trị gia tăng kể từ
tháng kiểm tra phát hiện.
V. KHIẾU NẠI
VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI
1- Hộ kinh doanh có quyền khiếu
nại về việc cán bộ thuế, cơ quan thuế thi hành không đúng Luật thuế giá trị gia
tăng, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành và các Thông tư hướng
dẫn về thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính.
Đơn khiếu nại được gửi đến chi cục
thuế nơi phát hành thông báo thuế, lệnh thu hoặc quyết định xử lý. Trong khi chờ
xem xét giải quyết hộ kinh doanh khiếu nại vẫn phải nộp tiền thuế, tiền phạt
theo đúng thời hạn, số tiền thuế, số tiền phạt đã thông báo.
2- Chi cục thuế nhận được đơn
khiếu nại của hộ kinh doanh, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn phải
trả lời để hộ kinh doanh biết. Nếu cần điều tra, xác minh thêm cũng phải thông
báo để hộ kinh doanh biết nhưng thời hạn tối đa không quá 30 ngày.
3- Sau khi chi cục thuế trả lời,
nếu thấy chưa thoả đáng, hoặc đơn gửi đã quá 30 ngày chưa được trả lời, hộ kinh
doanh được quyền khiếu nại lên cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để
giải quyết. Trường hợp cục thuế trả lời hộ kinh doanh vẫn không đồng ý với kết
luận của cục thuế thì được quyền gửi khiếu nại lên Tổng cục thuế hoặc Bộ Tài
chính.
Quyết định của Bộ Tài chính giải
quyết khiếu nại về thuế là quyết định cuối cùng.
4- Việc giải quyết khiếu nại về
thuế của hộ kinh cá thể do chi cục thuế trực tiếp quản lý thực hiện. Cục thuế
chỉ đạo, kiểm tra các chi cục thuế giải quyết nhanh, dứt điểm các vụ khiếu nại
theo đúng Luật thuế và thời hạn trên. Nghiêm cấm việc đùn đẩy trách nhiệm giải
quyết khiếu nại lên cơ quan cấp trên.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN:
1- Thông tư này có hiệu lực thi
hành từ ngày 1/1/1999.
2- Thông tư này chỉ hướng dẫn
thêm việc tính thuế, thu thuế đối với các hộ sản xuất kinh doanh nộp thuế giá
trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp. Các quy định khác không nêu trong
thông tư này được thực hiện theo Thông tư số 89/1998/TT-BTC ngày 27/6/1998 và
các văn bản khác của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 28/1998/NĐ-CP
ngày 11/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế Giá trị gia
tăng.
3- Tổng cục thuế chịu trách nhiệm
tổ chức thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng
mắc, đề nghị các tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu
xử lý.