BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1276/QĐ-TCT
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 07 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIẢI QUYẾT TRƯỚC KHI KÝ BIÊN BẢN THANH TRA, KIỂM TRA TẠI
TRỤ SỞ NGƯỜI NỘP THUẾ ĐỐI VỚI NHỮNG TRƯỜNG HỢP CÓ KHẢ NĂNG KHIẾU NẠI
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
Căn cứ Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15/11/2010
và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 và các văn bản hướng dẫn
thi hành; Căn cứ các Quy trình thanh tra, kiểm tra;
Căn cứ Quyết định số 115/2009/QĐ-TTg ngày 28/09/2009
của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính và các văn bản quy định cụ thể chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục
Thuế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ thanh tra Tổng cục
Thuế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế giải quyết trước
khi ký biên bản thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với những trường
hợp có khả năng khiếu nại.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Thủ trưởng
các Vụ và đơn vị tương đương thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục
Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận,
huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Lãnh đạo Bộ Tài chính (để báo cáo);
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế;
- Thanh tra Tài chính;
- Vụ Pháp chế Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, TTr (3b).
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG
Bùi Văn Nam
|
QUY CHẾ
GIẢI
QUYẾT TRƯỚC KHI KÝ BIÊN BẢN THANH TRA, KIỂM TRA THUẾ TẠI TRỤ SỞ NGƯỜI NỘP THUẾ
ĐỐI VỚI NHỮNG TRƯỜNG HỢP CÓ KHẢ NĂNG KHIẾU NẠI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1276/QĐ-TCT ngày 16 tháng 07 năm 2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục
Thuế)
Quy chế giải quyết trước khi ký biên bản thanh tra,
kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với
những trường hợp có khả năng khiếu nại nhằm hạn chế việc đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý không đúng quy định của pháp luật
thuế, gây phiền hà, khó khăn cho người nộp thuế. Quy chế này không làm ảnh hưởng
đến quyền lợi hợp pháp của người nộp thuế khi thực hiện khiếu nại các quyết định
hành chính thuế. Vì những vấn đề có sự khác nhau về cách hiểu giữa người nộp
thuế và cơ quan thuế đã được cơ quan thuế các cấp trao đổi, thống nhất từ trước
khi người nộp thuế thực hiện khiếu nại, nên hạn chế được việc khiếu nại của người
nộp thuế sau khi đã ký biên bản thanh tra, kiểm tra và kết luận thanh tra, kiểm
tra, quyết định xử lý về thuế.
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về đối tượng,
nguyên tắc xử lý, trình tự thủ tục giải quyết những trường hợp có khả năng khiếu nại trước khi ký biên bản thanh tra,
kiểm tra đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra do Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục
Thuế (gọi tắt là cơ quan thuế) tiến hành tại trụ sở người nộp thuế.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với cơ
quan thuế các cấp; Người ra quyết định thanh tra, kiểm
tra; Lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra;
Bộ phận khác; Trưởng đoàn và các thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Công chức trực tiếp thanh tra,
kiểm tra (hay còn gọi là thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra) là công chức có
tên trong quyết định thanh tra, kiểm tra và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo
sự phân công của trưởng đoàn tại trụ sở người nộp thuế.
2. Lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm
tra là lãnh đạo bộ phận trực tiếp phụ trách trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; tại
Tổng cục Thuế là lãnh đạo Vụ (Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng); tại Cục Thuế là lãnh đạo
Phòng (Trưởng phòng, Phó trưởng phòng); tại Chi cục Thuế là lãnh đạo Đội (Đội
trưởng, Phó đội trưởng). Trường hợp các đoàn thanh tra, kiểm tra do thủ trưởng cơ quan thuế thành lập trên cơ sở phối
hợp giữa các bộ phận và giao cho một đơn vị chủ trì làm đầu mối tổng hợp báo
cáo thì trưởng các đoàn thanh tra, kiểm tra nếu có vướng mắc thì báo cáo và xin
ý kiến lãnh đạo đơn vị chủ trì.
3. Bộ phận khác: Tại Tổng cục Thuế
là các Vụ và đơn vị tương đương thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế; tại Cục Thuế
là các Phòng; tại Chi cục Thuế là các Đội.
4. Người ra quyết định thanh tra,
kiểm tra là Lãnh đạo cơ quan thuế.
5. Lãnh đạo cơ quan thuế: Tổng cục
trưởng, Phó Tổng cục trưởng; Cục trưởng, Phó Cục trưởng; Chi cục trưởng, Phó
Chi cục trưởng.
6. Cơ quan thuế: Tổng cục Thuế, Cục
Thuế và Chi cục Thuế.
7. Từ cấp dưới lên cấp trên: Từ
Công chức trực tiếp thanh tra, kiểm tra đến Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; từ
Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra đến Lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra; từ
lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra đến người ra quyết định thanh tra, kiểm
tra; từ Chi cục Thuế đến Cục Thuế; từ Cục Thuế đến Tổng cục Thuế; từ Tổng cục
Thuế đến Bộ Tài chính.
8. Trường hợp thời hạn được tính bằng
“ngày” thì tính liên tục theo ngày dương lịch, kể cả ngày nghỉ theo quy định.
9. Trường hợp thời hạn được tính bằng
“ngày làm việc” thì tính theo ngày làm việc của cơ quan hành chính nhà nước trừ
ngày nghỉ theo quy định.
10. Biên bản xác nhận số liệu là
biên bản xác nhận của từng thành viên trong đoàn thanh tra, kiểm tra với đại diện
hợp pháp của người nộp thuế.
Điều 4. Nguyên
tắc xử lý
Đối với các trường hợp qua thanh tra, kiểm tra có khả năng
khiếu nại việc xử lý theo nguyên tắc sau:
1. Theo đúng trình tự quy định tại
các văn bản quy phạm pháp luật và nội dung quy chế này.
2. Thực hiện từ cấp dưới lên cấp
trên.
3. Không giải quyết các văn bản gửi
vượt cấp.
4. Thực hiện công tác thanh tra,
kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo Luật thanh tra; Luật quản lý thuế; quy
trình thanh tra; kiểm tra và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 5. Một số
trường hợp có khả năng khiếu nại:
1. Trường hợp văn bản quy phạm pháp
luật chưa có quy định nhưng đoàn thanh tra, kiểm tra vẫn xử lý.
2. Người nộp thuế có cách hiểu văn
bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật.
3. Trường
hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý
ngang nhau nhưng quy định khác nhau về cùng một vấn đề.
4. Các trường hợp cơ quan thuế đã
gửi mẫu trưng cầu giám định nhưng chưa được cơ quan chức năng trả lời.
5. Trường hợp cuộc thanh tra, kiểm
tra để tiến hành xử lý theo kiến nghị của các cơ quan chức năng (ví dụ: Cơ quan
thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước,...) nhưng người nộp thuế chưa thống nhất
các căn cứ quy phạm pháp luật mà các cơ quan này kiến nghị xử lý.
6. Trường hợp người nộp thuế bảo
lưu ý kiến.
7. Trường
hợp người nộp thuế không ký biên bản thanh tra, kiểm tra; không chấp
hành quyết định xử lý về thuế, xử phạt vi
phạm hành chính của cơ quan thuế.
8. Trường hợp ấn định thuế mà còn
có ý kiến khác nhau giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.
9. Người nộp thuế đang có văn bản
đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời (trước thời điểm ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra) và chưa nhận được
văn bản trả lời để làm căn cứ thực hiện.
10. Trường
hợp trong nội dung thanh tra, kiểm tra có liên quan
đang được các cơ quan chức năng (Công an, Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cơ quan
khác có thẩm quyền điều tra theo quy định
của Bộ Luật tố tụng hình sự) điều tra, xác minh.
11. Các trường hợp khác người nộp thuế có khả năng khiếu nại theo nhận định
của trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra. Ví dụ như: Cùng một nội dung vụ việc 2
đoàn thanh tra, kiểm tra 2 niên độ khác
nhau lại xử lý khác nhau.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ
THỂ
Điều 6. Trình
tự, thủ tục
1. Trình tự giải quyết:
1.1. Công chức trực tiếp thanh
tra, kiểm tra báo cáo và xin ý kiến trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra.
1.2. Trưởng đoàn thanh tra, kiểm
tra báo cáo và xin ý kiến lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra.
1.3. Lãnh đạo bộ phận thanh tra,
kiểm tra báo cáo và xin ý kiến người ra quyết định thanh tra, kiểm tra.
1.4. Người ra quyết định thanh
tra, kiểm tra nếu là cấp Phó báo cáo và xin ý kiến lãnh đạo cấp trưởng.
1.5. Chi cục Thuế xin ý kiến Cục
Thuế; Cục Thuế xin ý kiến Tổng cục Thuế; Tổng cục Thuế báo cáo và xin ý kiến Bộ
Tài chính.
1.6. Báo cáo và xin ý kiến tham
gia của các đơn vị có liên quan (nếu cần thiết).
2. Nguyên tắc giải quyết:
- Trong quá trình thanh tra, kiểm
tra trưởng đoàn và thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra phải giải thích cho người
nộp thuế hiểu về chính sách pháp luật, các căn cứ pháp lý liên quan đến nội
dung xử lý và phải được xử lý triệt để, kịp thời; đảm bảo thực hiện theo đúng
quy trình thanh tra, kiểm tra và quy định của pháp luật.
- Đối với những trường hợp xử lý
phù hợp với quy định của pháp luật mà người
nộp thuế không ký biên bản thì trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện theo
quy trình thanh tra, kiểm tra.
- Ngoài những trường hợp nêu trên.
Qua thanh tra, kiểm tra nếu có nội dung còn vướng mắc, sau khi trao đổi người nộp
thuế không chấp nhận nội dung xử lý thì đoàn thanh tra, kiểm tra phải báo cáo và xin ý kiến theo trình tự giải quyết tại điểm
1 Điều 6 Quy chế này.
- Công chức trực tiếp thanh tra,
kiểm tra có trách nhiệm thu thập đầy đủ các hồ sơ tài liệu có liên quan đến nội
dung vướng mắc để báo cáo trưởng đoàn thanh tra, kiểm
tra.
- Đoàn thanh tra, kiểm tra khi báo
cáo nội dung vướng mắc phải báo cáo bằng văn bản.
3. Thủ tục giải quyết các nội
dung còn vướng mắc:
Các nội dung phát hiện qua thanh
tra, kiểm tra mà các nội dung này khi ban hành kết luận thanh tra và quyết định
xử lý hoặc kết luận kiểm tra có thể dẫn đến khiếu nại của người nộp thuế về kết
quả xử lý thì thực hiện như sau:
3.1. Công chức trực tiếp thanh
tra, kiểm tra:
Phát hiện các trường hợp có khả
năng khiếu nại, phải báo cáo và xin ý kiến ngay trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra và thực hiện theo chỉ đạo của trưởng
đoàn. Trường hợp khi ký biên bản xác nhận
số liệu, người nộp thuế chưa nhất trí với đề xuất
xử lý về thuế thì phải ghi nhận tại biên
bản phần vướng mắc đang xin ý kiến (ghi rõ nội dung đã thống nhất, nội dung còn
vướng mắc, căn cứ xử lý và ý kiến của người nộp thuế) và thu thập đầy đủ các hồ
sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung vướng mắc tại biên bản xác nhận số liệu.
3.2. Trưởng đoàn thanh tra, kiểm
tra:
- Khi nhận được báo cáo của công
chức trực tiếp thanh tra, kiểm tra, sau khi nghiên cứu hồ sơ phải trao đổi
trong nội bộ đoàn thanh tra, kiểm tra và giải thích cho người nộp thuế hiểu về chính sách pháp luật, các căn cứ pháp lý
liên quan đến nội dung xử lý để xử lý triệt để, kịp thời tại biên bản thanh
tra, kiểm tra:
+ Nếu nội dung có khả năng khiếu nại
của người nộp thuế sau khi trao đổi trong đoàn thanh tra, kiểm tra và được người
nộp thuế thống nhất giải quyết theo quy định của pháp luật thì thực hiện công
tác thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo quy trình thanh tra, kiểm tra thuế.
+ Nếu vẫn còn vướng mắc thì chậm
nhất 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày công chức thanh tra, kiểm tra xin ý kiến, trưởng đoàn thanh tra, kiểm
tra phải có văn bản xin ý kiến lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra và thực hiện
theo chỉ đạo của lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra.
Trong khi chờ xin ý kiến của lãnh
đạo các cấp:
- Đối với trường hợp kiểm tra:
+ Trường
hợp sắp hết thời hạn kiểm tra theo quyết định, xét thấy cần thiết phải
gia hạn kiểm tra để xử lý vướng mắc thì chậm nhất là 01 (một) ngày làm việc trước
khi kết thúc thời hạn kiểm tra theo quy định trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo
lãnh đạo trực tiếp bộ phận kiểm tra để
trình Lãnh đạo cơ quan thuế ban hành quyết định gia hạn thời gian kiểm tra. Quyết
định kiểm tra chỉ được gia hạn 01 (một) lần. Thời gian gia hạn không quá 05
(năm) ngày làm việc.
+ Trường
hợp không phải ban hành quyết định gia hạn kiểm tra thì khi kết thúc thời
hạn kiểm tra trưởng đoàn kiểm tra phải ký
biên bản kiểm tra trong thời gian quy định của Quy trình kiểm tra thuế và ghi
nhận thành mục riêng tại biên bản kiểm tra phần vướng mắc đang chờ xin ý kiến
và được tách riêng với kết quả kiểm tra. Sau khi có văn bản trả lời của cấp trên thì chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc
đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm lập phụ lục biên bản với người nộp thuế để tiếp
tục xử lý theo quy định của pháp luật.
+ Căn cứ kết luận và kiến nghị tại
biên bản kiểm tra đã ký, trưởng đoàn kiểm tra trình xử lý kết quả kiểm tra theo
quy định hiện hành về kiểm tra thuế, trong đó nêu rõ chưa xử lý những nội dung
còn vướng mắc. Đối với các nội dung còn
vướng mắc, sau khi có văn bản trả lời của cấp trên thì tiếp tục xử lý theo quy
định của pháp luật.
+ Khi kết thúc kiểm tra, trường hợp
người nộp thuế không ký Biên bản kiểm tra
thì chậm nhất trong 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày công bố công khai biên bản
kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra phải lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính,
báo cáo lãnh đạo bộ phận kiểm tra để trình Lãnh đạo cơ quan thuế ban hành quyết
định xử lý vi phạm hành chính, đồng thời thông báo yêu cầu người nộp thuế ký
biên bản kiểm tra. Nếu người nộp thuế vẫn không ký biên bản kiểm tra thì trong thời hạn tối đa không quá 30
(ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày công bố công khai biên bản kiểm tra, Lãnh đạo
cơ quan thuế ban hành Quyết định xử lý về
thuế, xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc kết luận kiểm tra thuế theo nội
dung trong biên bản kiểm tra.
- Đối với trường hợp thanh tra:
+ Trường
hợp sắp hết thời hạn thanh tra theo quyết định, xét thấy cần thiết phải
ra hạn thanh tra để xử lý vướng mắc thì chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc trước
khi kết thúc thời hạn thanh tra, trưởng
đoàn thanh tra phải báo cáo lãnh đạo bộ phận thanh tra để trình lãnh đạo cơ
quan thuế ban hành quyết định gia hạn thanh tra, quyết
định thanh tra chỉ được gia hạn một lần. Thời gian của quyết định thanh tra và
quyết định gia hạn thanh tra do Tổng cục Thuế tiến hành không quá 70 (bảy mươi)
ngày làm việc; do Cục Thuế tiến hành
không quá 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc.
+ Trường
hợp không phải ban hành quyết định gia hạn thanh tra thì khi kết thúc thời
hạn thanh tra trưởng đoàn thanh tra phải ký biên bản thanh tra trong thời gian quy định của Quy trình thanh
tra thuế và ghi nhận thành mục riêng tại biên bản thanh tra phần vướng mắc đang
chờ xin ý kiến và được tách riêng với kết quả thanh tra. Sau khi có văn bản trả
lời của cấp trên thì chậm nhất 05 (năm) ngày làm việc đoàn thanh tra chịu trách
nhiệm lập phụ lục biên bản với người nộp thuế để tiếp tục xử lý theo quy định của
pháp luật.
+ Căn cứ kết luận và kiến nghị tại
biên bản thanh tra đã ký, trưởng đoàn thanh tra trình xử lý kết quả thanh tra
theo quy định hiện hành về thanh tra thuế, trong đó nêu rõ chưa xử lý những nội
dung còn vướng mắc và nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận của cơ quan
có thẩm quyền. Đối với các nội dung còn vướng mắc, sau khi có văn bản trả lời của
cấp trên thì tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
+ Khi kết thúc thanh tra, trường hợp
người nộp thuế không ký Biên bản thanh tra thì chậm nhất trong 05 (năm) ngày
làm việc kể từ ngày công bố công khai biên bản thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra
phải lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, báo cáo lãnh đạo bộ phận thanh
tra để trình Lãnh đạo cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý vi phạm hành
chính, đồng thời thông báo yêu cầu người nộp thuế ký biên bản thanh tra. Nếu
người nộp thuế vẫn không ký biên bản thanh tra thì trong thời hạn tối đa không
quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày công bố công khai biên bản thanh
tra, Lãnh đạo cơ quan thuế ban hành Quyết định xử lý về thuế, xử phạt vi phạm
hành chính về thuế và kết luận thanh tra thuế theo nội dung trong biên bản
thanh tra.
3.3. Lãnh đạo bộ phận thanh tra,
kiểm tra:
Khi nhận được văn bản, hồ sơ xin ý
kiến của trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra về những vướng mắc sau khi tiến hành
thanh tra, kiểm tra thì lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra phải trực tiếp
trao đổi với đoàn thanh tra, kiểm tra đưa ra ý kiến chỉ đạo xử lý bằng văn bản,
nếu còn vướng mắc thì có văn bản xin ý kiến người ra quyết định thanh tra, kiểm
tra trong thời gian tối đa 05 (năm) ngày làm việc (đối với thanh tra) và 03
(ba) ngày làm việc (đối với kiểm tra) kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của
trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra.
Trường hợp phải lấy ý kiến các bộ
phận khác theo chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra, kiểm tra thì lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm
tra trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc có văn bản lấy ý kiến. Khi nhận được
ý kiến tham gia của các bộ phận khác thì trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc
phải tổng hợp báo cáo người ra quyết định thanh tra, kiểm tra và thực hiện theo chỉ đạo của người ra quyết định thanh
tra, kiểm tra.
3.4. Bộ phận khác: trong thời gian
03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được Phiếu xin ý kiến tham gia, đơn vị
tham gia phải gửi ý kiến tham gia.
3.5. Người ra quyết định thanh
tra, kiểm tra:
Khi nhận được văn bản, hồ sơ xin ý
kiến của lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra, người ra quyết định thanh tra, kiểm tra nghiên cứu và trao đổi với lãnh đạo
bộ phận thanh tra, kiểm tra, nếu chưa rõ phải đề nghị đoàn thanh tra, kiểm tra
báo cáo để chỉ đạo xử lý kịp thời trước khi ký biên bản thanh tra, kiểm tra.
Trong trường hợp cần thiết thì phải lấy ý kiến của các bộ phận khác hoặc tổ chức
đối thoại giữa đoàn thanh tra, kiểm tra
và người nộp thuế, người ra quyết định
thanh tra, kiểm tra trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc yêu cầu lãnh đạo bộ phận
thanh tra, kiểm tra gửi văn bản lấy ý kiến các bộ phận khác hoặc tổ chức đối thoại với người nộp thuế, sau đó
xem xét và đưa ra ý kiến xử lý tại văn bản.
Trường hợp người ra quyết định
thanh tra, kiểm tra sau khi thực hiện trao đổi nghiên cứu vẫn còn vướng mắc thì
phải có văn bản xin ý kiến Lãnh đạo cơ quan thuế cấp
trên. Thời hạn xử lý văn bản, thực hiện theo Quy chế làm việc của cơ quan thuế
các cấp.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 7. Tổ chức
thực hiện
1. Quy chế này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký. Thủ trưởng các Vụ và đơn vị tương đương thuộc và trực thuộc
Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương; Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận, huyện, thị
xã, thành phố trực thuộc tỉnh căn cứ vào các quy định của Quy chế này để thực
hiện. Các nội dung không quy định trong Quy chế này được thực hiện theo các văn
bản hiện hành.
2. Trong quá trình thực hiện nếu
có vấn đề vướng mắc các đơn vị phản ánh kịp thời về Tổng cục Thuế (qua Vụ Thanh tra) để nghiên cứu báo cáo Tổng cục
trưởng sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp./.