QUỐC HỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Luật số:
21/2012/QH13
|
Hà Nội, ngày 20
tháng 11 năm 2012
|
LUẬT
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số
51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11,
Điều 1.
Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật quản lý thuế:
1. Bổ sung các khoản 4, 5 và 6 vào
Điều 4 như sau:
“4. Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế:
a) Việc áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý
thuế bao gồm: thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng
các bộ tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp
thuế; đề xuất, áp dụng các biện pháp quản lý thuế;
b) Cơ quan quản lý thuế quản lý, ứng dụng hệ thống
thông tin nghiệp vụ để đánh giá rủi ro về thuế, mức độ tuân thủ pháp luật của
người nộp thuế, lựa chọn đối tượng kiểm tra, thanh tra về thuế và hỗ trợ các hoạt
động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.
5. Áp dụng biện pháp ưu tiên khi
thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nếu người nộp
thuế đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
a) Không vi phạm pháp luật về thuế, về hải quan
trong hai năm liên tục;
b) Thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định
của pháp luật;
c) Thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục thuế điện tử;
d) Tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê;
đ) Có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hằng năm theo
mức quy định.
6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 4, khoản 5 Điều
này.”
2. Bổ sung các khoản 10, 11 và 12
vào Điều 5 như sau:
“10. Quản lý rủi ro trong quản lý thuế
là việc áp dụng có hệ thống các quy định pháp luật, các quy trình nghiệp vụ để
xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả,
hiệu lực quản lý thuế, làm cơ sở để cơ quan quản lý thuế phân bổ nguồn lực hợp
lý, áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả.
1.1. Thỏa thuận trước về phương pháp xác định
giá tính thuế là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp
thuế hoặc giữa cơ quan thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng
lãnh thổ mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc
trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định
cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính
thuế theo giá thị trường. Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế
được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế.
12. Xác định trước mã số, trị
giá hải quan, xác nhận trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là việc cơ
quan hải quan ban hành văn bản xác định mã số, trị giá hải quan, xác nhận xuất
xứ của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trước khi làm thủ tục hải quan.”
3. Khoản 1 và
khoản 2 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế;
cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế.
2. Yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc
tính thuế, ấn định thuế; yêu cầu cơ quan hải quan xác định
trước mã số, trị giá hải quan, xác nhận trước xuất
xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trước khi làm thủ tục hải quan theo quy định của
Chính phủ; yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.”
4. Bổ sung khoản 10 vào Điều 7 như sau:
“10. Trường hợp người nộp thuế là tổ chức kinh
doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê
khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử
theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.”
5. Khoản 2 và
khoản 3 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về
thuế; công khai các thủ tục về thuế tại trụ sở, trang thông tin điện tử của cơ
quan quản lý thuế và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Cơ quan quản lý thuế có
trách nhiệm giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ
thuế cho người nộp thuế; cơ quan thuế có trách nhiệm công khai mức thuế phải nộp
của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn xã, phường, thị trấn; cơ quan
hải quan có trách nhiệm xác định trước mã số, trị giá hải quan, xác nhận trước
xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trước khi làm thủ tục hải quan theo quy định
của Chính phủ.”
6. Bổ sung khoản 9 vào Điều 9 như sau:
“9. Cơ quan thuế áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về
phương pháp xác định giá tính thuế với người nộp thuế, với cơ quan thuế các nước,
vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn
ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập.”
7. Bổ sung khoản 3 vào Điều 30 như sau:
“3. Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương
pháp xác định giá tính thuế được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế
và sự thống nhất giữa cơ quan thuế và người nộp thuế theo thỏa thuận đơn
phương, song phương và đa phương giữa cơ quan thuế, người nộp thuế và cơ quan
thuế các nước, vùng lãnh thổ có liên quan.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.”
8. Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 31; sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 31 như sau:
“1a. Hồ sơ khai thuế đối với thuế khai và nộp theo
quý bao gồm:
a) Tờ khai thuế quý;
b) Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra (nếu
có);
c) Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào (nếu
có);
d) Tài liệu khác có liên quan đến số thuế phải nộp.”
“6. Chính phủ quy định loại thuế khai theo tháng,
khai theo quý, khai theo năm, khai tạm tính theo quý, khai theo từng lần phát
sinh nghĩa vụ thuế, khai quyết toán thuế; tiêu chí xác định người nộp thuế để
khai thuế theo quý và hồ sơ khai thuế đối với từng trường hợp cụ thể.”
9. Các khoản
1, 2 , 3 và 6 Điều 32 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý:
a) Chậm nhất là ngày thứ hai mươi của tháng tiếp
theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;
b) Chậm nhất là ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo
quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.
2. Đối với loại thuế có kỳ tính
thuế theo năm:
a) Chậm nhất là ngày thứ ba mươi của tháng đầu tiên
của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm.
Đối với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và tiền
thuê đất thì thời hạn khai thuế theo quy định của pháp luật về thuế sử dụng đất
phi nông nghiệp và pháp luật về tiền thuê đất;
b) Chậm nhất là ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo
quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý;
c) Chậm nhất là ngày thứ chín mươi, kể từ ngày kết
thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm.
3. Chậm nhất là ngày thứ mười, kể từ ngày phát sinh
nghĩa vụ thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ
thuế.
Đối với các khoản thu từ đất đai, lệ phí trước bạ
thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của Chính phủ và pháp luật có
liên quan.”
“6. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế
được quy định như sau:
a) Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan
thuế quản lý trực tiếp;
b) Trường hợp nộp hồ sơ khai thuế theo cơ chế một cửa
liên thông thì địa điểm nộp hồ sơ khai thuế thực hiện theo quy định của cơ chế
đó;
c) Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với hàng hóa xuất
khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của Luật hải quan;
d) Chính phủ quy định địa đểm nộp hồ sơ khai thuế đối
với các trường hợp: người nộp thuế có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh; người
nộp thuế thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa bàn; người nộp
thuế có phát sinh nghĩa vụ thuế đối với các loại thuế khai và nộp theo từng lần
phát sinh; người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ thuế đối với các khoản thu từ đất
đai; người nộp thuế thực hiện khai thuế thông qua giao dịch điện tử và các trường
hợp cần thiết khác.”
10. Khoản 2
và khoản 4 Điều 33 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Thời gian gia hạn không quá ba mươi ngày đối với
việc nộp hồ sơ khai thuế tháng, khai thuế quý, khai thuế năm, khai thuế tạm
tính, khai thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế; sáu mươi ngày đối với việc
nộp hồ sơ khai quyết toán thuế, kể từ ngày hết thời hạn phải nộp hồ sơ khai thuế.”
“4. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được văn bản đề nghị gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế phải trả lời bằng
văn bản cho người nộp thuế về việc chấp nhận hay không chấp nhận việc gia hạn nộp
hồ sơ khai thuế.”
11. Điều 42
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 42. Thời hạn nộp thuế
1. Trường hợp người nộp thuế tính thuế, thời hạn nộp
thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
2. Trường hợp cơ quan thuế tính thuế hoặc ấn định
thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo của cơ quan thuế.
Đối với các khoản thu từ đất đai, lệ phí trước bạ
thì thời hạn nộp thuế theo quy định của Chính phủ và pháp luật có liên quan.
3. Thời hạn nộp thuế đối với hàng
hóa xuất khẩu, nhập khẩu được quy định như sau:
a) Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản
xuất hàng hóa xuất khẩu, thời hạn nộp thuế tối đa là hai trăm bảy mươi lăm
ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều
kiện sau đây:
- Có cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu trên lãnh thổ Việt
Nam;
- Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian
ít nhất hai năm liên tục tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan mà không có
hành vi gian lận thương mại, trốn thuế; nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền
phạt;
- Tuân thủ pháp luật về kế toán, thống kê;
- Thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định
của pháp luật.
Trường hợp không đáp ứng các điều kiện nêu trên
nhưng được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế
theo thời hạn bảo lãnh, nhưng không quá hai trăm bảy mươi lăm ngày, kể từ ngày
đăng ký tờ khai hải quan và không phải nộp tiền chậm nộp trong thời hạn bảo
lãnh.
Trường hợp không đáp ứng các điều kiện nêu trên hoặc
không được tổ chức tín dụng bảo lãnh thì phải nộp thuế trước khi được thông
quan hoặc giải phóng hàng hóa;
b) Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải nộp
thuế trước khi hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập khẩu hàng hóa.
Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế
phải nộp thì thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh nhưng không quá mười lăm
ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập, tái xuất và không phải nộp tiền chậm nộp
trong thời hạn bảo lãnh;
c) Hàng hóa không thuộc điểm a và điểm b khoản này
thì phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa.
Trường hợp được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế
phải nộp thì được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhưng phải nộp tiền chậm
nộp kể từ ngày được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa đến ngày nộp thuế theo
quy định tại Điều 106 của Luật này. Thời hạn bảo lãnh tối đa là ba mươi ngày, kể
từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;
d) Các trường hợp đã được tổ chức tín dụng bảo lãnh
nhưng hết thời hạn bảo lãnh mà người nộp thuế chưa nộp thuế và tiền chậm nộp (nếu
có), thì tổ chức nhận bảo lãnh có trách nhiệm nộp đủ thuế và tiền chậm nộp thay
cho người nộp thuế.”
12. Điều 45
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 45. Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm
nộp, tiền phạt
Trường hợp người nộp thuế vừa có số tiền thuế nợ,
tiền thuế truy thu, tiền thuế phát sinh, tiền chậm nộp, tiền phạt thì việc
thanh toán được thực hiện theo thứ tự sau đây:
1. Đối với các loại thuế do cơ quan thuế quản lý:
a) Tiền thuế nợ;
b) Tiền thuế truy thu;
c) Tiền chậm nộp;
d) Tiền thuế phát sinh;
đ) Tiền phạt;
2. Đối với các loại thuế do cơ quan hải quan quản
lý:
a) Tiền thuế nợ quá hạn thuộc đối tượng áp dụng các
biện pháp cưỡng chế;
b) Tiền chậm nộp thuộc đối tượng áp dụng các biện
pháp cưỡng chế;
c) Tiền thuế nợ quá hạn chưa thuộc đối tượng áp dụng
các biện pháp cưỡng chế;
d) Tiền chậm nộp chưa thuộc đối tượng áp dụng các
biện pháp cưỡng chế;
đ) Tiền thuế phát sinh;
e) Tiền phạt.”
13. Điều 47
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 47. Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền
phạt nộp thừa
1. Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp,
tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp đối với
từng loại thuế trong thời hạn mười năm, kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà
nước thì được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền
thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ, kể cả việc bù trừ giữa các loại thuế với
nhau; hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp
thuế tiếp theo; hoặc hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa
khi người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
2. Trường hợp người nộp thuế yêu cầu trả lại số tiền
thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì cơ quan quản lý thuế phải ra quyết
định trả lại số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa hoặc có văn bản trả
lời nêu rõ lý do không hoàn trả trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được văn bản yêu cầu.”
14. Khoản 1
Điều 49 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề
nghị của người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến
sản xuất, kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;
b) Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất,
kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết
quả sản xuất, kinh doanh;
c) Chưa được thanh toán vốn đầu tư
xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước;
d) Không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó
khăn đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ.”
15. Điều 50
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 50. Thẩm quyền gia hạn nộp thuế
1. Chính phủ gia hạn nộp thuế trong trường hợp việc
gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được
Quốc hội quyết định.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp
căn cứ hồ sơ gia hạn nộp thuế để quyết định số tiền thuế được gia hạn nộp, thời
gian gia hạn nộp thuế.”
16. Khoản 1
Điều 54 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường
hợp doanh nghiệp giải thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh
nghiệp, tổ chức tín dụng, kinh doanh bảo hiểm và pháp luật khác có liên quan.’'
17. Điều 58
được sửa đổi, bổ sung như sau:
‘‘Điều 58. Hồ sơ hoàn thuế
1. Hồ sơ hoàn thuế bao gồm:
a) Văn bản yêu cầu hoàn thuế;
b) Các tài liệu liên quan đến yêu cầu hoàn thuế.
2. Hồ sơ hoàn thuế được nộp một bộ tại cơ quan thuế
quản lý trực tiếp hoặc tại cơ quan hải quan có thẩm quyền hoàn thuế.”
18. Điều 60
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 60. Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế
trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế
1. Việc phân loại hồ sơ hoàn thuế được quy định như
sau:
a) Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau
là hồ sơ của người nộp thuế có quá trình, chấp hành tốt pháp luật về thuế và
các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật;
b) Các trường hợp thuộc diện kiểm tra trước, hoàn
thuế sau:
- Hoàn thuế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu, trừ trường
hợp đề nghị hoàn thuế thu nhập cá nhân;
- Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế trong thời hạn
hai năm, kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế;
- Hàng hóa, dịch vụ không thực hiện giao dịch thanh
toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật;
- Doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải
thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, chấm dứt hoạt động; giao, bán,
khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước;
- Hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ
quan quản lý thuế nhưng người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế;
hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là
đúng;
- Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra trước,
hoàn thuế sau theo quy định của Chính phủ.
2. Đối với hồ sơ thuộc diện
hoàn thuế trước, kiểm tra sau thì chậm nhất là sáu ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được đủ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế theo đề
nghị của người nộp thuế; trường hợp không đáp ứng điều kiện hoàn thuế trước, kiểm
tra sau thì thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế về việc chuyển hồ sơ sang
diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau hoặc thông báo lý do không hoàn thuế.
3. Thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ
hoàn thuế trước, kiểm tra sau được quy định như sau:
a) Việc kiểm tra sau hoàn thuế phải được thực hiện
trong thời hạn một năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế đối với các trường hợp
sau đây:
- Cơ sở kinh doanh kê khai lỗ hai năm liên tục hoặc
có số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu;
- Cơ sở kinh doanh được hoàn thuế từ hoạt động kinh
doanh bất động sản; kinh doanh thương mại, dịch vụ;
- Cơ sở kinh doanh thay đổi trụ sở từ hai lần trở
lên trong vòng mười hai tháng, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước;
- Cơ sở kinh doanh có sự thay đổi bất thường giữa
doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn trong giai đoạn mười hai tháng, kể từ
ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước;
b) Đối với trường hợp không thuộc quy định tại điểm
a khoản này, việc kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện theo nguyên tắc quản lý
rủi ro trong thời hạn mười năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế.
4. Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn
thuế sau thì chậm nhất là bốn mươi ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế,
cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế hoặc thông báo bằng văn bản cho
người nộp thuế lý do không hoàn thuế.
5. Quá thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều
này, nếu việc chậm ra quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì
ngoài số tiền thuế phải hoàn, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi theo
quy định của Chính phủ.”
19. Khoản 2
Điều 64 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Trường hợp cần kiểm tra thực tế để có đủ căn cứ
giải quyết hồ sơ miễn thuế, giảm thuế thì trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ
ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm ra quyết định miễn thuế,
giảm thuế hoặc thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế lý do không được miễn
thuế, giảm thuế.”
20. Bổ sung khoản 3 vào Điều 65 như sau:
“3. Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt
của người nộp thuế không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều
này mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành
quyết định hành chính thuế quy định tại khoản 1 Điều 93 của Luật này và các khoản
nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá mười năm, kể từ ngày hết thời
hạn nộp thuế, nhưng không có khả năng thu hồi.”
21. Khoản 2
Điều 66 được sửa đổi như sau:
“2. Quyết định tuyên bố phá sản đối với trường hợp
doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản;”
22. Điều 67
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 67. Thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền chậm
nộp, tiền phạt
1. Đối với người nộp thuế là doanh nghiệp bị tuyên
bố phá sản quy định tại khoản 1 Điều 65, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản
3 Điều 65, hộ gia đình quy định tại khoản 3 Điều 65 của Luật này, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xóa nợ tiền thuế, tiền chậm
nộp, tiền phạt.
2. Đối với người nộp thuế không thuộc các trường hợp
quy định tại khoản 1 Điều này thì thẩm quyền xóa nợ được quy định như sau:
a) Thủ tướng Chính phủ xóa nợ đối với trường hợp
người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ mười tỷ đồng trở lên;
b) Bộ trường Bộ Tài chính xóa nợ đối với trường hợp
người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ năm tỷ đồng đến dưới
mười tỷ đồng;
c) Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Tổng cục trưởng Tổng
cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp,
tiền phạt dưới năm tỷ đồng.
3. Chính phủ báo cáo Quốc hội số tiền thuế, tiền chậm
nộp, tiền phạt đã được xóa hằng năm khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán
ngân sách nhà nước.
4. Chính phủ quy định việc tổ chức thực hiện xóa nợ.”
23. Khoản 2
Điều 70 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Cơ quan quản lý thuế áp dụng các biện pháp nghiệp
vụ cần thiết để thu thập, trao đổi, xử lý thông tin trong nước, ngoài nước,
thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền ở nước
ngoài theo các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành
viên, các văn bản ký kết giữa Việt Nam và các nước liên quan đến lĩnh vực thuế,
hải quan để sử dụng trong công tác quản lý thuế.”
24. Điều 78
được sửa đổi như sau:
“Điều 78. Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp
thuế
1. Các trường hợp kiểm tra thuế tại trụ sở của người
nộp thuế:
a) Các trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 3 Điều 77 của Luật này;
b) Các trường hợp kiểm tra sau
thông quan, bao gồm kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra chọn mẫu để đánh giá việc
tuân thủ pháp luật về thuế và kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã
được thông quan có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế.
Khi kiểm tra sau thông quan nếu phát hiện có dấu hiệu
trốn thuế, gian lận thuế thì Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Cục trưởng
Cục hải quan, Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan có thẩm quyền quyết
định áp dụng các biện pháp quy định tại Mục 4 Chương X của Luật này;
c) Các trường hợp xác định đối tượng kiểm tra theo
tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế qua phân tích, đánh giá việc chấp hành pháp luật
của người nộp thuế; kiểm tra đối với trường hợp có phát sinh dấu hiệu vi phạm
pháp luật và các trường hợp được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề kiểm tra do
thủ trưởng cơ quan quản lý thuế cấp trên quyết định. Đối với các trường hợp nêu
tại điểm này, cơ quan quản lý thuế thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế
không quá một lần trong một năm.
2. Quyết định kiểm tra thuế phải được gửi cho người
nộp thuế trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày ký. Trong thời hạn năm
ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định kiểm tra thuế mà người nộp thuế
chứng minh được số thuế đã khai là đúng hoặc nộp đủ số tiền thuế phải nộp thì
cơ quan quản lý thuế bãi bỏ quyết định kiểm tra thuế.
3. Trình tự, thủ tục kiểm tra thuế được quy định
như sau:
a) Công bố quyết định kiểm tra thuế khi bắt đầu tiến
hành kiểm tra thuế;
b) Đối chiếu nội dung khai báo với sổ kế toán, chứng
từ kế toán, báo cáo tài chính, các tài liệu có liên quan, tình trạng thực tế
trong phạm vi, nội dung của quyết định kiểm tra thuế;
c) Thời hạn kiểm tra thuế không quá năm ngày làm việc,
kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp kiểm tra theo kế hoạch đối với
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì thời hạn không quá mười lăm ngày;
d) Trong trường hợp cần thiết, quyết định kiểm tra
thuế được gia hạn một lần; thời gian gia hạn không quá thời hạn quy định tại điểm
c khoản này;
đ) Lập biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn năm
ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra;
e) Xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cấp có thẩm
quyền xử lý theo kết quả kiểm tra.”
25. Bổ sung khoản 4 vào Điều 92 như sau:
“4. Chưa thực hiện biện pháp cưỡng
chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp
dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá mười hai tháng, kể từ ngày bắt đầu của
thời hạn cưỡng chế thuế. Việc nộp dần tiền nợ thuế được xem xét trên cơ sở đề
nghị của người nộp thuế và phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Người nộp thuế
phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.”
26. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 93; bổ sung khoản 3 vào
Điều 93 như sau:
“1. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định
hành chính thuế bao gồm:
a) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng
chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương
mại, tổ chức tín dụng khác; yêu cầu phong tỏa tài khoản;
b) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;
c) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất
khẩu, nhập khẩu;
d) Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng;
đ) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên
theo quy định của pháp luật;
e) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế
thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;
g) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy
chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép
hành nghề.”
“3. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại
khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại các điều 97, 98, 98a, 99, 100, 101
và 102 của Luật này và quy định khác của các văn bản pháp luật có liên quan.
Trong trường hợp người nộp thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản thì người
có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quy định tại Điều 94 của Luật này quyết định
việc áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo thu hồi nợ thuế kịp thời
cho ngân sách nhà nước.”
27. Bổ sung Điều 98a vào sau Điều 98 như sau:
“Điều 98a. Cưỡng chế bằng biện pháp thông báo
hóa đơn không còn giá trị sử dụng
1. Cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không
còn giá trị sử dụng được thực hiện khi cơ quan quản lý thuế không áp dụng được
hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1
Điều 93 của Luật này nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền
phạt.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm
thông báo cho đối tượng bị cưỡng chế biết trong thời hạn ba ngày làm việc trước
khi thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
3. Khi thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định
tại Điều này, cơ quan quản lý thuế phải thông báo công khai trên phương tiện
thông tin đại chúng.”
28. Khoản 1
Điều 99 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản
kê biên được áp dụng khi cơ quan quản lý thuế không áp dụng được hoặc đã áp dụng
các biện pháp cưỡng chế quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 93 của
Luật này nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Không áp dụng biện pháp kê biên tài sản trong trường
hợp người nộp thuế là cá nhân đang trong thời gian chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh,
chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.”
29. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 100; bổ sung khoản
4 vào Điều 100 như sau:
“a) Cơ quan quản lý thuế không áp dụng được hoặc đã
áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1
Điều 93 của Luật này nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền
phạt;”
“4. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế
thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của đối
tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ.”
30. Sửa đổi tên Điều 101; sửa đổi khoản 1 Điều 101; bổ sung khoản 3 vào
Điều 101 như sau:
“Điều 101. Cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ
tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
1. Cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải
quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện khi cơ quan hải quan
không áp dụng được hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại điểm a
và điểm b khoản 1 Điều 93 của Luật này nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ,
tiền chậm nộp, tiền phạt.”
“3. Không áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải
quan đối với các trường hợp sau đây:
a) Hàng hóa xuất khẩu không phải nộp thuế xuất khẩu;
b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ trực tiếp
an ninh, quốc phòng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ khẩn cấp; hàng
viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.”
31. Điều 102
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 102. Cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy
phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề
1. Biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập và hoạt động,
giấy phép hành nghề được thực hiện khi cơ quan quản lý thuế không áp dụng được
hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và
e khoản 1 Điều 93 của Luật này nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền chậm
nộp, tiền phạt.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm gửi
văn bản yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để thu hồi giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập
và hoạt động, giấy phép hành nghề.
3. Khi thực hiện biện pháp cưỡng chế quy định tại
Điều này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải thông báo công khai trên
phương tiện thông tin đại chúng.”
32. Điều 106
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 106. Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế
1. Người nộp thuế chậm nộp tiền
thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong
thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan
quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức lũy tiến
0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp không quá
chín mươi ngày; 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm
nộp vượt quá thời hạn chín mươi ngày.
2. Người nộp thuế khai sai dẫn đến làm thiếu số tiền
phải nộp nếu tự giác khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp
trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì phải nộp tiền chậm nộp, nhưng
không bị xử phạt vi phạm thủ tục hành chính thuế, thiếu thuế, trốn thuế.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu người nộp
thuế khai bổ sung trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải
quan theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 34 của Luật này và chủ động nộp số
tiền thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên
số tiền thuế thiếu theo quy định tại Điều này, nhưng không bị xử phạt vi phạm
thủ tục hành chính thuế, thiếu thuế, trốn thuế.
3. Người nộp thuế tự xác định số tiền chậm nộp căn
cứ vào số tiền thuế chậm nộp, số ngày chậm nộp và mức tiền chậm nộp theo quy định
tại khoản 1 Điều này.
Trường hợp người nộp thuế không tự xác định hoặc
xác định không đúng số tiền chậm nộp thì cơ quan quản lý thuế xác định số tiền
chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế biết.
4. Trường hợp sau ba mươi ngày, kể từ ngày hết thời
hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế và tiền chậm nộp thì cơ quan quản
lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế nợ và tiền chậm nộp.
5. Cơ quan, tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy
nhiệm thu thuế chậm chuyển tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp
thuế vào ngân sách nhà nước thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chậm
chuyển theo mức quy định tại khoản 1 Điều này.”
33. Điều 107
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 107. Xử phạt đối với
hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được
hoàn
1. Người nộp thuế đã phản ánh đầy đủ, trung thực
các nghiệp vụ kinh tế làm phát sinh nghĩa vụ thuế trên sổ kế toán, hóa đơn, chứng
từ nhưng khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được
hoàn thì phải nộp đủ số tiền thuế khai thiếu, nộp lại số tiền thuế được hoàn
cao hơn và bị xử phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế được hoàn cao
hơn và tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế được hoàn
cao hơn.
2. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu người nộp
thuế khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được
miễn, giảm, hoàn nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 6 và khoản
7 Điều 108 của Luật này thì ngoài việc nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp theo
quy định, người nộp thuế còn bị xử phạt như sau:
a) Phạt 10% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế
được miễn, giảm, hoàn cao hơn đối với trường hợp người nộp thuế tự phát hiện và
khai bổ sung quá thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ
khai nhưng trước khi cơ quan hải quan kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của
Luật này;
b) Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu, số tiền thuế
được miễn, giảm, hoàn cao hơn đối với trường hợp không thuộc quy định tại điểm
a khoản này.”
34. Khoản 6
và khoản 9 Điều 108 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“6. Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan
“9. Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế,
miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc
chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.”
35. Điều 110
được sửa đổi, bổ sung nhu sau:
“Điều 110. Thời hiệu xử phạt
vi phạm pháp luật về thuế
1. Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, thời hiệu
xử phạt là hai năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện.
2. Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến
mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng
số thuế được hoàn, thời hiệu xử phạt là năm năm, kể từ ngày thực hiện hành vi
vi phạm.
3. Quá thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế
thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số
tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước
trong thời hạn mười năm trở về trước; kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trường
hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền
thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp cho toàn bộ thời gian trở về
trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.”
36. Bổ sung cụm từ “tiền chậm nộp,”
vào trước cụm từ “tiền phạt” tại các điều 3, 5, 8, 65, 66, 68, 90, 92, 93, 98, 99, 100, 113, 114 và 118; bổ sung
cụm từ “và không phải nộp tiền” vào sau cụm từ “không bị phạt” tại khoản 4 Điều 49; bỏ từ “phạt”
trong cụm từ “tiền phạt chậm nộp” tại khoản 3 Điều 56 của Luật này.
37. Bổ sung cụm từ “hoặc giấy chứng
nhận đăng ký doanh nghiệp” vào sau cụm từ “giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”
tại các điều 20, 72 và 94 của Luật
này.
38. Bãi bỏ điểm đ khoản 3 Điều 77 của Luật này.
Điều 2
1. Luật này có hiệu lực thi
hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.
2. Các nội dung về thanh tra thuế quy định tại Luật
quản lý thuế số 78/2006/QH11 khác với quy định tại Luật thanh tra thì thực hiện
theo quy định tại Luật thanh tra.
3. Đối với các khoản tiền thuế
nợ, tiền phạt còn nợ không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 01 tháng 7
năm 2007, Chính phủ tổ chức thực hiện xóa nợ và báo cáo Quốc hội kết quả đối với
các trường hợp sau đây:
a) Tiền thuế nợ, tiền phạt của hộ gia đình, cá nhân
gặp khó khăn, không thanh toán được nợ thuế, đã ngừng kinh doanh;
b) Tiền thuế nợ, tiền phạt của
doanh nghiệp nhà nước đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền; tiền
thuế nợ, tiền phạt của doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển
đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ thuế
này.
4. Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành
các điều, khoản được giao trong Luật.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2012.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Nguyễn Sinh Hùng
|