THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do- Hạnh phúc
--------------
|
Số:
22/2008/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2008
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT THUẾ THU NHẬP
CÁ NHÂN
Luật Thuế thu nhập cá
nhân đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 21 tháng 11 năm
2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009; Chủ tịch nước đã ký
Lệnh số 13/2007/L-CTN ngày 05 tháng 12 năm 2007 về việc công bố toàn văn Luật
này.
Luật Thuế thu nhập cá
nhân có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều đối tượng, lĩnh vực, đặt
ra yêu cầu trong công tác tổ chức triển khai thực hiện cần có sự tham gia, phối
hợp chặt chẽ của các Bộ, cơ quan, chính quyền các cấp ở địa phương, các tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức
đoàn thể quần chúng và nhân dân. Xuất phát từ yêu cầu trên và để triển khai thực
hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân đạt được kết quả tốt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau:
I. THÀNH LẬP BAN
CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
1. Trong tháng 7 năm
2008, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ
trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển
khai thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung
ương) do một Phó Trưởng ban Thường trực và các Ủy viên là lãnh đạo một số Bộ,
cơ quan liên quan.
Ban Chỉ đạo Trung
ương có Tổ Thường trực giúp việc đặt tại Bộ Tài chính, Tổ Thường trực do một Thứ
trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, các thành viên tham gia là đại diện các đơn
vị thuộc Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan. Ban Chỉ đạo Trung ương có
trách nhiệm:
a) Xây dựng chương
trình, kế hoạch, tiến độ và các biện pháp để triển khai thực hiện Luật Thuế thu
nhập cá nhân.
b) Hướng dẫn, đôn đốc,
kiểm tra các Bộ, cơ quan và các địa phương thực hiện chương trình, kế hoạch và
các biện pháp đã đề ra;
c) Hàng quý, tổng hợp,
đánh giá tình hình thực hiện của các Bộ, ngành và các địa phương. Phát hiện và
chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xử lý kịp
thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Luật thuế thu
nhập cá nhân và Chỉ thị này;
d) Giao Trưởng Ban Chỉ
đạo Trung ương quyết định cụ thể những chủ trương, biện pháp để triển khai thực
hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân và Chỉ thị này nghiêm túc, đạt được các mục
tiêu, yêu cầu đề ra.
2. Giao Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tháng 8 năm 2008
quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Thuế thu nhập cá
nhân ở địa phương (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo địa phương) do một đồng chí
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban; các thành viên Ban Chỉ đạo
địa phương gồm: lãnh đạo Sở Tài chính, Cục thuế và các Sở, Ban, ngành có liên
quan. Ban Chỉ đạo địa phương chịu trách nhiệm:
a) Tham mưu, đề xuất
với cấp ủy Đảng ở địa phương lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện
Luật Thuế thu nhập cá nhân và Chỉ thị này trên địa bàn. Tổ chức, triển khai thực
hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương,
bảo đảm đúng tiến độ, nội dung và yêu cầu đã đề ra;
b) Căn cứ chương
trình, kế hoạch, tiến độ và biện pháp của Ban Chỉ đạo Trung ương cụ thể hóa nội
dung kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai thực hiện Luật Thuế thu nhập cá
nhân ở địa phương;
c) Vào tháng cuối của
mỗi quý, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị này ở địa phương báo
cáo Ban Chỉ đạo Trung ương;
d) Trong năm 2008, tập
trung chỉ đạo hoàn thành việc đăng ký thuế cho tất cả các cá nhân có thu nhập
thuộc diện chịu thuế và tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập trên địa bàn.
II. CÔNG TÁC XÂY DỰNG,
HOÀN THIỆN VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT THUẾ THU NHẬP
CÁ NHÂN
1. Trong quý III năm
2008, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan
trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập
cá nhân và các Thông tư hướng dẫn thi hành.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu
tư nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký kinh doanh theo hướng cá
nhân kinh doanh có nhiều người cùng tham gia góp vốn kinh doanh thì trong Giấy
đăng ký kinh doanh phải ghi rõ cá nhân đứng tên để tạo điều kiện cho việc kê
khai, tính thu nhập chịu thuế riêng của từng cá nhân.
3. Bộ Lao động –
Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan
hướng dẫn việc xác định các mức phụ cấp, trợ cấp áp dụng đối với lao động trong
các ngành, nghề để làm căn cứ xác định các khoản thu nhập được trừ khi tính thuế
thu nhập cá nhân; hướng dẫn việc xác định người phụ thuộc không có khả năng lao
động để làm cơ sở khi tính giảm trừ gia cảnh.
4. Bộ Y tế nghiên cứu
ban hành danh mục bệnh hiểm nghèo để làm căn cứ xét giảm thuế thu nhập cá nhân;
chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc xác nhận
đối tượng bị tàn tật, không có khả năng lao động làm căn cứ tính giảm trừ gia cảnh.
III. ĐẨY MẠNH CÔNG
TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỐ BIẾN PHÁP LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
1. Bộ Tài chính chủ
trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tốt việc
tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, các nội dung cơ bản của Luật, các văn bản hướng
dẫn và thủ tục hành chính về thuế thu nhập cá nhân đến tất cả các cơ quan,
doanh nghiệp và mọi người dân hiểu, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Chủ động
triển khai hệ thống hỗ trợ, hướng dẫn về thuế.
2. Bộ trưởng các Bộ,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm
chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật thuế thu nhập cá nhân trong phạm
vi Bộ, ngành, địa phương mình.
3. Đài truyền hình Việt
Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các đài phát thanh và truyền hình ở địa phương
dành thời lượng thỏa đáng để tuyên truyền, phổ biến về Luật thuế thu nhập cá
nhân. Các báo của Trung ương và địa phương dành chuyên mục để phổ biến, đăng tải
các ấn phẩm tuyên truyền về thuế thu nhập cá nhân.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC BỘ, CƠ QUAN VÀ ĐỊA PHƯƠNG TRONG TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT THUẾ THU
NHẬP CÁ NHÂN
1. Bộ Tài chính chỉ đạo
cơ quan Thuế đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý thuế
theo Quyết định số 201/2004/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2004 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010.
Trước mắt, trong năm 2008 triển khai ngay một số việc sau:
a) Chỉ đạo cơ quan
Thuế phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức việc đăng ký thuế đến tất cả các
đối tượng có thu nhập thuộc diện chịu thuế và đơn vị chi trả thu nhập. Chậm nhất
đến ngày 31 tháng 12 năm 2008 phải hoàn thành việc đăng ký thuế cho các đối tượng
này;
b) Đầu tư thiết bị và
các phần mềm ứng dụng để quản lý đối tượng nộp thuế và thu nhập chịu thuế thu
nhập cá nhân. Hỗ trợ các cơ quan chi trả thu nhập trong việc kê khai, tính thuế,
nộp thuế và hướng dẫn, giải pháp pháp luật, thủ tục hành chính về thuế thu nhập
cá nhân;
c) Xây dựng quy chế
phối hợp, cung cấp thông tin giữa cơ quan thuế với các cơ quan quản lý nhà đất,
quản lý lao động, xuất nhập cảnh, ngân hàng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kho bạc
Nhà nước để phục vụ công tác quản lý thuế;
d) Tổ chức tập huấn,
học tập pháp luật, thủ tục hành chính thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ, công chức
thuế, các tổ chức chi trả thu nhập và cá nhân nộp thuế. Thực hiện công khai,
minh bạch các thủ tục hành chính thuế để các tổ chức, cá nhân biết;
đ) Kiện toàn bộ phận
chuyên trách quản lý thuế thu nhập cá nhân trong hệ thống ngành thuế; tăng cường
bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt tham gia quản lý
thuế thu nhập cá nhân;
e) Phối hợp với Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam đề ra các biện pháp tăng cường quản lý các hoạt động về
đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán nhằm quản lý chặt chẽ
thu nhập từ các hoạt động này.
2. Ngân hàng Nhà nước
phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai Đề án quản lý thanh
toán, phát triển mạnh các hình thức thanh toán qua ngân hàng và các tổ chức tín
dụng, tiến tới không sử dụng tiền mặt trong các giao dịch kinh tế theo lộ trình
đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg ngày 29
tháng 12 năm 2006 về việc “Phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn
2006 – 2010 và định hướng đến năm 2020 tại Việt Nam.”
3. Bộ Kế hoạch và Đầu
tư phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đề xuất các biện pháp cải tiến các thủ
tục hành chính về đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp hoạt động trong các
lĩnh vực tư vấn pháp luật, dịch vụ kiểm toán, kế toán, dịch vụ thuế nhằm phát
triển rộng rãi dịch vụ này để tăng cường hỗ trợ người nộp thuế trong việc kê
khai, tính thuế, nộp thuế đúng quy định.
4. Bộ Lao động –
Thương binh và Xã hội tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực
hiện các quy định của pháp luật về lao động và tiền lương để kiểm soát việc chi
trả tiền lương, tiền công thực tế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh cho người
lao động theo đúng quy định của pháp luật.
5. Bộ Tài nguyên và
Môi trường, Bộ Xây dựng chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng
tăng cường quản lý hoạt động đăng ký, chuyển nhượng bất động sản, việc cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, đồng thời phối hợp với cơ quan
Thuế quản lý chặt chẽ giá cả và thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản trên địa
bàn.
6. Bộ Công thương chỉ
đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành
các quy định về đăng ký kinh doanh, xử lý nghiêm các cá nhân thực tế có kinh
doanh (bao gồm cả các cá nhân hành nghề độc lập) nhưng không có đăng ký kinh
doanh theo quy định của pháp luật.
7. Bộ Công an phối hợp
với Bộ Tài chính và các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện và xử lý nghiêm các
trường hợp gian lận, trốn thuế hoặc không chấp hành pháp luật thuế thu nhập cá
nhân.
8. Bộ Quốc phòng, Bộ
Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên thuộc
phạm vi Bộ mình quản lý thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo quy định
của pháp luật thuế thu nhập cá nhân và pháp luật quản lý thuế.
Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương và
các Ban Chỉ đạo địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Chỉ thị này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- BQL KKTCKQT Bờ Y;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, KTTH (5b).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|