Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 31/2005/TTLT-BLĐTBXH-BCA Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Người ký: Đàm Hữu Đắc, Lê Thế Tiệm
Ngày ban hành: 25/10/2005 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 31/2005/TTLT-BLĐTBXH-BCA

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2005

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 43/2005/NĐ-CP NGÀY 5 THÁNG 4 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐƯA NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ, NGƯỜI BÁN DÂM KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ NHẤT ĐỊNH VÀO LƯU TRÚ TẠM THỜI TẠI CƠ SỞ CHỮA BỆNH

Thi hành Nghị định số 43/2005/NĐ-CP ngày 5/4/2005 của Chính phủ quy định việc đưa người nghiện ma tuý, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 43/2005/NĐ-CP), sau khi thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 43/2005/NĐ-CP như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG BỊ ĐƯA VÀO LƯU TRÚ TẠM THỜI TẠI CƠ SỞ CHỮA BỆNH

1. Việc xác định người nghiện ma tuý, người bán dâm để đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 2 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Người nghiện ma tuý, người bán dâm mà không có nơi cư trú nhất định bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh bao gồm:

2.1. Người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi trở lên bị bắt quả tang sử dụng trái phép chất ma tuý:

"Bị bắt quả tang sử dụng trái phép chất ma tuý" được hiểu là một trong các trường hợp sau:

a) Đang hút, hít, uống, chích các chất ma tuý;

b) Đã thực hiện xong hành vi sử dụng chất ma tuý, nhưng đang trong trạng thái bị phê thuốc, xốc thuốc và xét nghiệm kết quả dương tính.

2.2. Người bán dâm từ đủ 16 tuổi đến 55 tuổi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Bị bắt quả tang thực hiện hành vi bán dâm;

b) Bán dâm có tính chất thường xuyên.

"Bán dâm có tính chất thường xuyên" được hiểu là có hành vi bán dâm bị phát hiện từ hai lần trở lên trong thời hạn mười hai tháng.

II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THẨM QUYỀN ĐƯA VÀO LƯU TRÚ TẠM THỜI TẠI CƠ SỞ CHỮA BỆNH

1. Lập hồ sơ đề nghị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP

1.1. Lực lượng Công an khi phát hiện đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP thì lập biên bản và hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.

1.2. Trong quá trình lập hồ sơ phát hiện đối tượng đang có thai, kể cả trường hợp đối tượng tự khai là có thai, có giấy chứng nhận của bệnh viện hoặc trung tâm y tế từ cấp huyện trở lên thì cơ quan Công an phải thả người đã bị tạm giữ.

1.3. Đối với các đối tượng do Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) trực tiếp phát hiện thì lập biên bản và hồ sơ báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp trước khi chuyển hồ sơ lên Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện).

2. Hồ sơ đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP

Hồ sơ đưa người vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh bao gồm:

2.1. Biên bản về hành vi vi phạm pháp luật của người đó (Mẫu số 1) và biên bản xét nghiệm chất ma tuý có kết quả dương tính (đối với người nghiện ma tuý) (Mẫu số 2);

2.2 Bản lý lịch tự khai của người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh (Mẫu số 3);

2.3. Bản xác minh đối tượng không có nơi cư trú nhất định tại địa bàn xã của Công an cấp xã nơi đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật (Mẫu số 4);

2.4. Tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật (các tài liệu chứng minh hành vi nghiện ma tuý, hành vi bán dâm của người bị tạm giữ) và các biện pháp cai nghiện, giáo dục đã áp dụng (nếu có);

2.5. Quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh của Trưởng Công an cấp huyện (Mẫu số 5).

3. Thi hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP

3.1. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, cơ quan Công an cấp huyện nơi đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật có trách nhiệm đưa đối tượng phải chấp hành quyết định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh; đối với các vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn này có thể kéo dài hơn, nhưng không được vượt quá 48 giờ. Trong thời gian trên, đối tượng được tạm giữ tại Công an cấp huyện.

3.2. Việc thi hành quyết định đưa người vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh phải được lập biên bản (Mẫu số 6); biên bản phải được lập thành 02 bản (một bản lưu tại Công an cấp huyện, một bản gửi kèm theo hồ sơ của người đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh).

3.3. Người phải chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh nếu không tự giác chấp hành hoặc có hành vi chống đối thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khoá tay, áp giải hoặc bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác theo quy định của pháp luật để buộc người đó phải chấp hành quyết định.

4. Tiếp nhận người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP

Khi tiếp nhận người nghiện ma tuý, người bán dâm bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, cơ sở chữa bệnh phải thực hiện một số thủ tục sau:

4.1. Kiểm tra hồ sơ của người được đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Mục II Thông tư này;

4.2. Cơ quan y tế của cơ sở chữa bệnh khám sức khoẻ và lập hồ sơ, xác định tình trạng sức khoẻ của người được đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh;

4.3. Đại diện cơ quan Công an cấp huyện và cơ sở chữa bệnh lập biên bản giao nhận hồ sơ và người chấp hành quyết định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh. Biên bản được lập thành 02 bản, bên giao và bên nhận mỗi bên giữ một bản (Mẫu số 7);

4.4. Vào sổ theo dõi danh sách đối tượng bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh;

4.5. Phổ biến các nội quy, quy chế của cơ sở chữa bệnh cho người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh; kiểm tra đồ vật mang theo của họ trước khi đưa vào lưu trú tạm thời;

4.6. Người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh được mang theo đồ dùng sinh hoạt của cá nhân như chăn, màn, quần áo, thuốc đánh răng, bàn chải đánh răng, xà phòng, băng vệ sinh phụ nữ, thuốc chữa bệnh thông thường và một số đồ dùng sinh hoạt cá nhân thiết yếu khác. Trường hợp người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh có mang theo tiền, tư trang, các tài sản có giá trị khác thì phải gửi lưu ký tại nơi quy định của cơ sở chữa bệnh. Việc giao, nhận tiền, tư trang, tài sản của người được đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh phải được ghi vào hồ sơ theo dõi và được lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký của người giao, người nhận giữ tài sản. Biên bản được lập thành 02 bản, một bản giao cho người gửi và một bản do cơ sở chữa bệnh giữ. Nếu cơ sở chữa bệnh làm hư hỏng hoặc mất mát tài sản gửi lưu ký của người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh thì phải bồi thường cho họ;

4.7. Đăng ký tạm trú cho người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh với Công an cấp xã nơi cơ sở chữa bệnh đóng trụ sở.

5. Truy tìm và bắt giữ người đã có quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh bỏ trốn

5.1. Trường hợp người đã có quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh bỏ trốn trước khi được đưa vào cơ sở chữa bệnh thì cơ quan Công an đang tạm giữ đối tượng phải lập biên bản (Mẫu số 8) và báo cáo để Trưởng Công an cấp huyện nơi lập hồ sơ, thẩm tra hồ sơ ra quyết định truy tìm (Mẫu số 9).

5.2. Trường hợp người đang chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở chữa bệnh lập biên bản (Mẫu số 10), ra quyết định truy tìm (Mẫu số 11) và thông báo cho cơ quan Công an cấp huyện nơi đã ra quyết định đưa đối tượng vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi cơ sở chữa bệnh đóng trụ sở biết để phục vụ cho việc truy tìm và bắt giữ người bỏ trốn. Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi cơ sở chữa bệnh đóng trụ sở có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an cùng cấp phối hợp với cơ sở chữa bệnh trong việc truy tìm, tổ chức đưa người bỏ trốn trở lại cơ sở chữa bệnh. Thời gian đối tượng bỏ trốn khỏi cơ sở chữa bệnh không được tính vào thời hạn chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh.

5.3. Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức phát hiện người bị đưa vào cơ sở chữa bệnh đang bỏ trốn có trách nhiệm báo cáo ngay cho cơ quan Công an hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Khi bắt được người bỏ trốn hoặc nhận bàn giao người bỏ trốn, cơ quan Công an hoặc Uỷ ban nhân dân nơi bắt giữ lập biên bản bắt giữ đối tượng có quyết định truy tìm (Mẫu số 12) và thông báo cho cơ quan đã ra quyết định truy tìm đến nhận người bỏ trốn.

5.4. Khi nhận được thông báo, cơ quan đã ra quyết định truy tìm cử người đến ngay nơi đang tạm giữ đối tượng để nhận người. Việc giao, nhận đối tượng bị bắt giữ theo quyết định truy tìm phải được lập biên bản, bên giao và bên nhận mỗi bên giữ một bản (Mẫu số 13).

6. Hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP


6.1. Chậm nhất trong thời gian 6 ngày, kể từ ngày đưa đối tượng vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, cơ quan Công an cấp huyện phải hoàn thiện hồ sơ của đối tượng theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP để gửi đến thường trực Hội đồng tư vấn thuộc cấp huyện nơi đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Hội đồng tư vấn được thành lập và hoạt động theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 135/2004/NĐ-CP.

6.2. Chậm nhất trong thời hạn 6 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, thường trực Hội đồng tư vấn phối hợp với Công an cùng cấp thẩm tra hồ sơ, thu thập tài liệu, hoàn chỉnh hồ sơ gửi Hội đồng tư vấn xét duyệt và làm văn bản trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người có hành vi vi phạm pháp luật.

6.3. Chậm nhất trong thời hạn 2 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Hội đồng tư vấn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc đưa đối tượng vào cơ sở chữa bệnh.

7. Thực hiện quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP

7.1. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi cơ sở chữa bệnh nhận được quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, thì cơ sở chữa bệnh phải chuyển người đó ra khỏi khu vực lưu trú tạm thời để thực hiện quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh.

7.2. Việc thi hành quyết định đưa người vào cơ sở chữa bệnh phải được lập biên bản; biên bản phải được lập thành 02 bản (một bản lưu tại Công an cấp huyện, một bản lưu trong hồ sơ của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh).

8. Biện pháp xử lý các trường hợp chống đối, gây rối làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại cơ sở chữa bệnh

8.1. Trong thời gian chấp hành quyết định lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, nếu người nghiện ma tuý, người bán dâm có hành vi chống đối, gây rối làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại cơ sở chữa bệnh, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở chữa bệnh.

8.2. Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Mục I và Mục II Phần C Thông tư liên tịch số 22/2004/TTLT-BLĐTBXH-BCA ngày 31/12/2004 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh.

9. Giải quyết các trường hợp đối tượng đang nuôi con nhỏ, có thai khi đã có quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

Trường hợp trong thời gian lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh nếu phát hiện đối tượng là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới ba mươi sáu tháng tuổi, có đơn đề nghị được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi người đó bị phát hiện hành vi vi phạm pháp luật xác nhận hoặc đối tượng đang có thai, kể cả do đối tượng tự khai, có chứng nhận của bệnh viện hoặc trung tâm y tế từ cấp huyện trở lên, thì cơ sở chữa bệnh phải báo cho Trưởng Công an cấp huyện ra quyết định cho đối tượng về cộng đồng.

10. Giải quyết các trường hợp oan sai khi đã có quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh

10.1. Trường hợp trong thời gian lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, đối tượng có đơn khiếu nại về quyết định lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, thì Trưởng Công an cấp huyện phải xem xét và tiến hành xác minh ngay. Nếu kết quả xác minh chứng tỏ đối tượng bị bắt oan sai, Trưởng Công an cấp huyện nơi đã ra quyết định đưa đối tượng vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh phải có văn bản xác nhận việc người đó bị bắt oan sai, đồng thời có trách nhiệm đưa ngay người đó về cộng đồng. Người bị bắt oan sai được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật hiện hành.

10.2. Văn bản xác nhận việc oan sai phải được gửi cho người đã bị bắt oan sai, cơ sở chữa bệnh nơi người đó đang lưu trú tạm thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó bị bắt giữ và gia đình hoặc người giám hộ (nếu có) của người đó.

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐƯA NGƯỜI RA KHỎI CƠ SỞ CHỮA BỆNH

1. Hết thời hạn chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP

1.1. Khi hết thời hạn theo quy định tại điểm 6.3. khoản 6 Mục II của Thông tư này mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện không ra quyết định áp dụng biện pháp đưa đối tượng vào cơ sở chữa bệnh thì thường trực Hội đồng tư vấn phải làm văn bản để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ký thông báo gửi Trưởng Công an cấp huyện, Giám đốc cơ sở chữa bệnh nơi đối tượng đang bị lưu trú tạm thời và đối tượng đang bị lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh biết (Mẫu số 14). Văn bản phải nêu rõ lý do không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.

1.2. Chậm nhất trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được văn bản thông báo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Trưởng Công an cấp huyện phải ra quyết định đưa đối tượng ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh (Mẫu số 15).

Quyết định đưa đối tượng ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh phải được gửi cho người đã chấp hành xong quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, cơ sở chữa bệnh nơi người đó đang lưu trú tạm thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi vi phạm pháp luật và gia đình hoặc người giám hộ của người đó (nếu có).

1.3. Trường hợp hết thời hạn theo quy định tại điểm 1.2. khoản 1 này mà Trưởng Công an cấp huyện không quyết định cho đối tượng ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, thì trong thời hạn 12 giờ tiếp theo, Giám đốc cơ sở chữa bệnh ra quyết định đưa đối tượng ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh (Mẫu số 16).

Quyết định đưa đối tượng ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh của Giám đốc cơ sở chữa bệnh phải được gửi cho người đã chấp hành xong quyết định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Công an cấp tỉnh, Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người có hành vi vi phạm pháp luật và gia đình hoặc người giám hộ của người đó (nếu có).

1.4. Thủ tục đưa đối tượng ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh để trở về cộng đồng.

Khi có quyết định đưa đối tượng ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh theo quy định tại điểm 1.2. hoặc điểm 1.3. khoản 1 này, Giám đốc cơ sở chữa bệnh phải thực hiện các thủ tục sau để đưa đối tượng ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh:

a) Thông báo cho đối tượng đã hết thời hạn chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh;

b) Người đã chấp hành xong quyết định đưa vào tạm thời lưu trú tại cơ sở chữa bệnh được nhận lại tiền, tư trang, tài sản đã gửi lưu ký tại cơ sở chữa bệnh (nếu có) và phải trả lại những vật dụng, trang thiết bị dùng cho học tập, lao động, sinh hoạt đã được cơ sở chữa bệnh cho mượn. Nếu làm mất hoặc hư hỏng thì phải bồi thường;

c) Đối với những đối tượng là trẻ em dưới 15 tuổi, cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm đưa đối tượng đến cơ quan Công an cấp huyện nơi đã đưa đối tượng vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh. Sau khi nhận bàn giao đối tượng, cơ quan Công an cấp huyện cho đối tượng về cộng đồng. Việc giao nhận đối tượng phải được lập thành biên bản. Biên bản được lập thành 02 bản, một bản lưu tại cơ quan Công an cấp huyện, một bản do cơ sở chữa bệnh giữ kèm vào hồ sơ của đối tượng đã chấp hành quyết định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh.

2. Bảo lãnh hành chính đối với người có quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP

2.1. Trong quá trình xác minh lý lịch hoàn thiện hồ sơ đối tượng, nếu qua xác minh thấy đối tượng có nơi cư nhất định trong địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) thì cơ quan Công an cấp huyện nơi đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan Công an cấp huyện nơi đối tượng cư trú để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định giao việc bảo lãnh hành chính cho gia đình, tổ chức xã hội nơi đối tượng cư trú.

2.2. Trường hợp qua xác minh đối tượng có nơi cư trú ở ngoài tỉnh, nhưng có đề nghị xin bảo lãnh của gia đình, tổ chức xã hội nơi đối tượng cư trú (đề nghị bảo lãnh phải có ý kiến của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đối tượng cư trú), thì Trưởng Công an cấp huyện nơi đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật ra quyết định cho đối tượng về cộng đồng; đồng thời chuyển hồ sơ của đối tượng cho cơ quan Công an cấp huyện nơi đối tượng cư trú để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định giao việc bảo lãnh hành chính cho gia đình, tổ chức xã hội nơi đối tượng cư trú.

3.3. Việc giao, nhận người theo đề nghị bảo lãnh giữa cơ sở chữa bệnh với gia đình, tổ chức xã hội nơi đối tượng cư trú phải được lập biên bản, mỗi bên giữ một bản và một bản gửi kèm vào hồ sơ gửi cơ quan Công an cấp huyện nơi đối tượng cư trú.

3. Tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh ra khỏi cơ sở chữa bệnh theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP

3.1. Việc tạm thời đưa người đang chấp hành quyết định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử chỉ được thực hiện khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

3.2. Khi nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, Giám đốc cơ sở chữa bệnh ra quyết định đưa người đang chấp hành quyết định ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh để tham gia tố tụng trong các vụ án có liên quan đến người đó (Mẫu số 17) và bàn giao cho cán bộ Công an đến nhận người. Cán bộ Công an đến nhận người phải xuất trình giấy Chứng nhận Cảnh sát nhân dân hoặc giấy Chứng minh an ninh nhân dân và Giấy giới thiệu của cơ quan Công an từ cấp huyện trở lên.

3.3. Việc giao, nhận người được đưa ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh để tham gia tố tụng được lập thành biên bản, mỗi bên giữ một bản và phải lưu vào sổ theo dõi của cơ sở chữa bệnh (Mẫu số 18).

3.4. Cơ quan có yêu cầu đưa người đang chấp hành quyết định đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh tạm thời ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh phải chịu trách nhiệm đưa đối tượng đi và trả lại cơ sở chữa bệnh đúng thời gian đã ghi trong văn bản yêu cầu. Nếu quá thời hạn ghi trong văn bản yêu cầu thì chậm nhất sau 12 giờ, kể từ khi quá thời hạn, cơ quan có yêu cầu đưa người ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh phải thông báo bằng văn bản cho Giám đốc cơ sở chữa bệnh biết. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do quá thời hạn, thời gian dự kiến trả đối tượng về cơ sở chữa bệnh.

3.5. Trường hợp hết thời hạn chấp hành quyết định lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP, mà người bị tạm thời đưa ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh vẫn chưa được cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trả về cơ sở chữa bệnh, thì Trưởng Công an cấp huyện hoặc Giám đốc cơ sở chữa bệnh tiến hành các thủ tục theo quy định tại điểm 1.2. hoặc điểm 1.3. khoản 1 Mục III Thông tư này ra quyết định hết thời hạn chấp hành quyết định lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh của người đó; khi cơ quan có thẩm quyền trả đối tượng về nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh thì Giám đốc cơ sở chữa bệnh tiến hành các thủ tục theo quy định tại điểm 1.4. khoản 1 Mục III của Thông tư này cho đối tượng về cộng đồng.

4. Chế độ đối với người bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 43/2005/NĐ-CP

4.1. Người bị ốm nặng là người đang ở trong tình trạng bệnh nặng đến mức không còn khả năng lao động và sinh hoạt bình thường hoặc đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và theo chỉ định của bác sỹ phải điều trị trong một thời gian nhất định mới có thể bình phục trở lại.

4.2. Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh theo quy định của Bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo.

4.3. Trường hợp khi hết thời hạn lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, đối tượng bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định tại điểm 4.1. và điểm 4.2. khoản 4 này đã có quyết định ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh, nhưng vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện, thì Giám đốc cơ sở chữa bệnh liên hệ với bệnh viện để tiếp tục chăm sóc, điều trị cho đối tượng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Kinh phí phục vụ cho việc lập hồ sơ, truy tìm đối tượng, họp Hội đồng tư vấn, đưa đối tượng vào, ra khỏi nơi lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh và các chi phí khác được lấy từ kinh phí phòng, chống ma tuý, mại dâm hàng năm của địa phương.

2. Chế độ đối với người bị đưa vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh thực hiện theo Thông tư liên tịch số 56/2005/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 5/7/2005 của Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ trợ cấp cho đối tượng không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các địa phương báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Công an để có hướng dẫn kịp thời./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG





Lê Thế Tiệm

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Đàm Hữu Đắc

 

Nơi nhận:
- VP Chủ tịch nước, VP Quốc hội;
- Thủ tướng, Phó thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan TW các tổ chức chính trị - xã hội;
- HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở LĐTBXH, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp;
- Các Vụ, Cục, Ban, Viện thuộc Bộ LĐTBXH, Bộ Công an;
- Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH, Bộ Công an);
- Công báo;
- Lưu VP Bộ LĐTBXH, Bộ Công an, Cục PCTNXH (3).

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư liên tịch 31/2005/TTLT-BLĐTBXH-BCA ngày 25/10/2005 hướng dẫn Nghị định 43/2005/NĐ-CP về việc đưa người nghiện ma tuý, người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Công an cùng ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


9.762

DMCA.com Protection Status
IP: 18.226.226.158
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!