HỘI ĐỒNG THẨM
PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 01/NQ-HĐTP
|
Hà Nội, ngày 20
tháng 1 năm 1988
|
NGHỊ QUYẾT
CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 01/NQ-HĐTP
NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 1988 HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT HÔN NHÂN
VÀ GIA ĐÌNH
Căn cứ vào các Điều 23 và 24
Luật Tổ chức Toà án nhân dân ngày 3-7-1981 về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng
thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Hội đồng thẩm phán Toà án
nhân dân tối cao họp ngày 20-1-1988 có sự tham gia của đồng chí đại diện Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đồng chí đại diện Bộ trưởng Bộ Tư
pháp.
Hướng dẫn các Toà án nhân dân
áp dụng một số quy định mới của Luật Hôn nhân và gia đình như sau:
1. Huỷ việc kết
hôn trái pháp luật (Điều 9).
Theo điều 9, Toà án nhân dân có
quyền huỷ những việc kết hôn vi phạm các điều 5, 6, 7 Luật Hôn nhân và gia đình
khi có yêu cầu của "một hoặc hai bên đã kết hôn trái pháp luật, vợ, chồng
hoặc con của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác, Viện kiểm
sát nhân dân, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí
Minh, Công đoàn Việt Nam".
Huỷ việc kết hôn trái pháp luật
nhằm bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng có hậu quả
rất lớn đối với cuộc sống của hai người và con cái của họ. Do đó, Toà án phải
điều tra về nguyên nhân, hoàn cảnh việc kết hôn trái pháp luật, cuộc sống chung
từ khi xin kết hôn đến khi xin huỷ việc kết hôn v.v... và phải cân nhắc rất thận
trọng. Phương hưởng xử lý như sau:
a. Đối với những trường hợp chưa
đủ tuổi kết hôn vi phạm Điều 5.
Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18
tuổi trở lên mới được kết hôn.
Nếu kết hôn chưa đủ tuổi như quy
định của Điều 5 mà có yêu cầu của những người quy định trong Điều 9 thì Toà án
xử huỷ việc kết hôn.
Nếu do kết hôn chưa đủ tuổi mà
cuộc sống của hai bên không có hạnh phúc, đến khi họ đã đủ tuổi kết hôn mới có
yêu cầu chấm dứt hôn nhân thì Toà án cũng huỷ việc kết hôn. Trái lại, nếu hai
bên đã chung sống bình thường, đã có con và tài sản chung, sau đó mới phát sinh
mâu thuẫn thì không máy móc xử huỷ việc kết hôn mà áp dụng Điều 40 (ly hôn) để
xét xử.
b. Đối với những trường hợp bị
cưỡng ép hoặc bị lừa dối khi kết hôn vi phạm Điều 6.
Bị cưỡng ép hoặc bị lừa dối khi
kết hôn đều là trái với nguyên tắc tự nguyện kết hôn. Vì vậy, Toà án xử huỷ việc
kết hôn. Tuy nhiên, nếu khi kết hôn có bị cưỡng ép hoặc bị lừa dối, nhưng sau
đó vợ chồng đã thông cảm với nhau, chung sống hoà thuận thì một bên hoặc hai
bên có nhu cầu chấm dứt hôn nhân, Toà án áp dụng Điều 40 (ly hôn) để xét xử chứ
không huỷ việc kết hôn, trừ trường hợp người đang có vợ hoặc có chồng nhưng đã
nói dối là chưa có để kết hôn với người khác thì phải huỷ việc kết hôn đó.
c. Đối với những trường hợp vi
phạm Điều 7
Điều 7 cấm kết hôn trong những
trường hợp sau đây:
- Đang có vợ hoặc có chồng;
- Đang mắc bệnh tâm thần không
có khả năng nhận thức hành vi của mình, đang mắc bệnh da diễu;
- Giữa những người cùng dòng máu
về trực hệ; giữa anh chị em cùng cha mẹ, cùng mẹ khác cha, hoặc cùng cha khác mẹ;
giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời;
- Giữa cha, mẹ nuôi với con
nuôi.
(Cùng dòng máu về trực hệ là cha
mẹ với con cái; ông bà với cháu nội, cháu ngoại; có họ trong phạm vi ba đời
tính như sau: đối với người cùng một gốc sinh ra thì cha mẹ là đời thứ nhất;
anh em là đời thứ hai; con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì, con già đời
thứ ba).
Đối với hôn nhân vi phạm một
trong các trường hợp của Điều 7 mà có người yêu cầu huỷ việc kết hôn thì nói
chung Toà án phải xử huỷ việc kết hôn. Riêng đối với trường hợp đang có vợ, có
chồng mà lấy người khác thì cần chú ý:
- Đối với những cán bộ và bộ đội
miền Nam tập kết ra miền Bắc năm 1954, đã có vợ, có chồng ở miền Nam mà lấy vợ,
lấy chồng ở miền Bắc thì vẫn xử lý theo Thông tư của Toà án nhân dân tối cao số
60/TATC ngày 22-2-1978 hướng dẫn giải quyết các trường hợp cán bộ, bộ đội trong
Nam tập kết ra Bắc mà lấy vợ, lấy chồng khác.
- Cá biệt nếu có trường hợp vợ
chồng chưa ly hôn xong nhưng một bên đã đi lấy người khác. Nếu xét thấy hôn
nhân trước trong thực tế đã không còn tồn tại, hai bên không thể đoàn tụ được nữa
mà một bên hoặc hai bên đã xin ly hôn thì mặc dầu hôn nhân sau là không hợp
pháp, nhưng không máy móc huỷ việc kết hôn sau mà có thể chỉ xử ly hôn đối với
hôn nhân trước.
Hậu quả của việc huỷ kết hôn
trái pháp luật là hai bên không được duy trì quan hệ vợ chồng nữa, tài sản
riêng của ai thì người đó lấy về và tài sản chung được chia theo sự đóng góp của
mỗi bên. Trong trường hợp kết hôn trái pháp luật là do một bên bị cưỡng ép hoặc
bị lừa dối thì người bị cưỡng ép hoặc bị lừa dối có thể yêu cầu Toà án giải quyết
quyền lợi của họ (chia tài sản chung, cấp dưỡng...) như khi ly hôn.
d. Xử lý về hình sự những trường
hợp kết hôn trái pháp luật.
Bộ luật hình sự đã quy định tội
cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ (Điều 143), tội vi phạm
chế độ một vợ, một chồng (Điều 141) và tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn (Điều
145). Vì vậy, trong những trường hợp đã cấu thành những tội này, Viện kiểm sát
nhân dân có quyền khởi tố hoặc Toà án nhân dân có thể chuyển hồ sơ để yêu cầu
Viện kiểm sát khởi tố. Khi Toà án xét xử về hình sự thì ngoài việc quyết định
hình phạt đối với bị cáo, cần phải tuyên rõ trong bản án là huỷ việc kết hôn
trái pháp luật. Nếu sau đó hai bên còn tranh chấp về con cái hoặc tài sản thì
Toà án sẽ giải quyết những vấn đề này theo thủ tục về dân sự.
2. Trường hợp kết
hôn vi phạm Điều 8
Điều 8 quy định: "Việc kết
hôn do UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú của một trong hai người kết hôn
ghi nhận và ghi vào sổ kết hôn theo nghi thức do Nhà nước quy định..."
Trong thực tế vẫn có không ít
trường hợp kết hôn không có đăng ký. Việc này tuy có vi phạm về thủ tục kết hôn
nhưng không coi là việc kết hôn trái pháp luật, nếu việc kết hôn không trái với
các điều 5, 6, 7. Trong những trường hợp này, nếu có một hoặc hai bên xin ly
hôn, Toà án không huỷ việc kết hôn theo Điều 9 mà xử như việc xin ly hôn theo
Điều 40.
3. Chế độ tài sản
vợ chồng (các Điều 15, 16, 17, 18 và 42).
a. Tài sản chung và tài sản
riêng của vợ chồng.
Điều 14 và Điều 15 đã quy định
chế độ tài sản của vợ chồng và Điều 16 quy định về tài sản riêng của mỗi bên.
Tài sản chung của vợ chồng bao gồm
các khoản thu nhập như sau:
- Tiền lương, tiền thưởng, tiền
trợ cấp, tiền hưu trí, tiền thu nhập về sản xuất ở gia đình và các thu nhập hợp
pháp khác của vợ chồng, không phân biệt mức thu nhập của mỗi bên;
- Các tài sản mà vợ chồng mua sắm
được bằng những thu nhập nói trên;
- Tài sản mà vợ chồng được cho
hoặc được thừa kế chung.
Tài sản được sử dụng để đảm bảo
những nhu cầu trong gia đình, do đó, vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc quản
lý tài sản đó. Vợ hoặc chồng sử dụng tài sản chung của gia đình được đương
nhiên coi là sự thoả thuận của hai vợ chồng. Nhưng việc mua, bán, cho hoặc vay,
mượn và những giao dịch khác có quan hệ đến tài sản có giá trị lớn (như: nhà ở,
gia súc chăn nuôi như trâu, bò, tư liệu sinh hoạt có giá trị lớn như máy thu
hình, tủ lạnh, xe máy v.v...) thì phải có sự thoả thuận của cả hai vợ chồng. Nếu
là việc mua, bán, cầm cố tài sản mà pháp luật quy định phải có hợp đồng viết
(như việc mua, bán nhà) thì vợ và chồng đều phải ký vào hợp đồng và nếu chỉ có
một bên ký thì phải có sự uỷ nhiệm của vợ, chồng cho mình ký thay.
Tài sản riêng của vợ chồng (nếu
có) bao gồm:
- Tài sản có trước khi kết hôn;
- Tài sản được cho riêng hoặc được
thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân.
Những món nợ của vợ chồng vay
trước khi kết hôn hoặc vay trong thời kỳ hôn nhân mà không phải vì nhu cầu của
gia đình thì vợ, chồng thanh toán bằng tài sản riêng. Nếu tài sản riêng không đủ
thì thanh toán bằng phần tài sản của người đó trong tài sản chung hoặc vợ chồng
có thể thoả thuận thanh toán bằng tài sản chung.
b. Chia tài sản của vợ chồng khi
ly hôn, khi một bên chết hoặc một bên yêu cầu chia tài sản khi hôn nhân còn tồn
tại
Chia tài sản khi ly hôn (Điều
42):
Khi vợ chồng ly hôn, tài sản
chung được chia đôi nhưng có xem xét một cách hợp lý đến tình hình tài sản,
tình hình cụ thể của gia đình và công sức đóng góp của mỗi bên. Do đó, cần chú
ý các trường hợp dưới đây:
- Đồ trang sức mà người vợ hoặc
người chồng được cha mẹ vợ hoặc chồng tặng cho riêng trong ngày cưới là tài sản
riêng, nhưng nếu những thứ đó được cho chung cả hai người với tính chất là tạo
dựng cho vợ chồng một số vốn thì coi là tài sản chung. Khi chia tài sản chung,
những trang sức có giá trị không lớn so với tài sản chung thì chia cho người
đang sử dụng;
- Trong trường hợp vợ chồng còn
sống chung với gia đình mà tài sản của bản thân vợ chồng không xác định được
thì vợ chồng được chia một phần trong khối tài sản của gia đình, căn cứ vào
công sức mà người đó đã đóng góp vào việc duy trì và phát triển khối tài sản
chung và đời sống chung của gia đình. Lao động trong gia đình được coi như lao
động sản xuất;
- Con cái đã thành niên, có đóng
góp đáng kể vào việc xây dựng và phát triển tài sản của cha mẹ thì được trích
chia phần đóng góp của họ trong tài sản của cha mẹ khi cha mẹ ly hôn;
- Khi chia tài sản, phải bảo vệ
quyền lợi của người vợ và của con cái chưa thành niên, đồng thời phải bảo vệ lợi
ích của sản xuất và lợi ích về nghề nghiệp của mỗi bên.
Tài sản riêng của ai thì người
đó được lấy về, nhưng người có tài sản riêng phải chứng minh tài sản đó là tài
sản riêng của mình. Việc chứng minh có thể thực hiện bằng sự công nhận của bên
kia, bằng các giấy tờ (văn tự, di chúc...) và bằng các chứng cứ khác. Nếu không
chứng minh được là tài sản riêng thì tài sản đó là tài sản chung.
Tài sản chung và tài sản riêng
chỉ chia trên cơ sở những thứ hiện có. Những thứ đã chi dùng cho gia đình mà
không còn nữa thì không phải thanh toán.
Chia tài sản khi có một bên chết
(Điều 17):
Trong trường hợp một bên chết
trước mà để lại di chúc chia di sản cho người thừa kế hoặc những người thừa kế
theo luật của người đó yêu cầu chia di sản ngay thì tài sản chung của vợ chồng
được chia đôi. Phần của người chết được chia theo pháp luật về thừa kế. Vợ chồng
có quyền thừa kế tài sản của nhau. Trong trường hợp không cần chia thừa kế ngay
thì người vợ hoặc chồng còn sống quản lý tài sản của người chết để lại.
Chia tài sản khi hôn nhân còn tồn
tại (Điều 18):
Trong khi hôn nhân còn tồn tại,
Điều 18 cho phép chia tài sản của vợ chồng nếu có lý do chính đáng (như: vợ chồng
tính tình không hợp nhưng con cái đã lớn nên không muốn ly hôn mà chỉ muốn ở
riêng, do đó, một bên hoặc cả hai bên xin chia tài sản thì tài sản được chia
như khi xử về ly hôn).
4. Nghĩa vụ và
quyền của cha mẹ và con cái (các Điều 23, 24, 25, 26).
a. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ
đối với tài sản của con (các Điều 23 và 24).
Con chưa thành niên có quyền có
tài sản riêng như: tài sản được thừa kế, thu nhập bằng lao động hoặc thu nhập hợp
pháp khác v.v... Người chưa thành niên chưa có năng lực hành vi thực hiện những
quyền và nghĩa vụ về tài sản, cho nên cha mẹ là người đại diện cho con trước
pháp luật và quản lý tài sản của con.
Trong việc quản lý tài sản của
con, cha mẹ có nghĩa vụ giữ gìn và sử dụng hợp lý tài sản của con. Những việc
mua, bán, cầm cố... tài sản của con phải vì lợi ích của con. Tuy nhiên, nếu con
đã từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì phải có sự đồng ý của con, cha mẹ mới được
mua, bán, cầm cố tài sản của con do mình quản lý.
b. Trách nhiệm bồi thường thiệt
hại do hành vi trái pháp luật của con chưa thành niên gây ra (Điều 25).
Xuất phát từ yêu cầu là phải bảo
đảm quyền lợi của người bị thiệt hại và trách nhiệm của cha mẹ là phải giáo dục,
quản lý con chưa thành niên, nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi
trái pháp luật của con chưa thành niên gây ra như sau:
- Về nguyên tắc, cha mẹ chịu
trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của con dưới 16 tuổi
gây ra. Tuy nhiên, nếu con có tài sản riêng mà cha mẹ không có khả năng bồi thường
đầy đủ hoặc không có khả năng bồi thường thì lấy tài sản của con để bồi thường
cho đủ.
- Con chưa thành niên từ 16 đến
18 tuổi mà có tài sản riêng thì phải bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp
luật của mình gây ra bằng tài sản riêng. Nếu tài sản riêng của con không đủ để
bồi thường hoặc không có tài sản riêng thì cha mẹ phải bồi thường cho đủ.
Con đã thành niên mà có hành vi
trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác thì con phải bồi thường, cha mẹ
không có trách nhiệm bồi thường cho con. Nếu con còn ở chung với cha mẹ có đóng
góp vào tài sản chung của gia đình thì phần đóng góp đó được coi là tài sản của
con, được trích ra để bồi thường. Tuy nhiên, nếu con đã thành niên nhưng không
có năng lực hành vi như mắc bệnh tâm thần mà cha mẹ có trách nhiệm trông giữ
thì cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con gây ra.
Người chưa thành niên dưới 16 tuổi
gây thiệt hại cho người khác thì cha mẹ là bị đơn, nhưng Toà án có thể hỏi người
chưa thành niên để điều tra.
Người chưa thành niên từ 16 tuổi
đến dưới 18 tuổi chịu trách nhiệm bồi thường bằng tài sản riêng của mình thì họ
là bị đơn, nhưng cha mẹ phải được tham gia tố tụng với tư cách là đại diện hợp
pháp của bị đơn. Nếu tài sản của con không đủ để bồi thường thì cha mẹ là đồng
bị đơn, nếu con không có tài sản thì cha mẹ là bị đơn.
c. Những trường hợp không cho
cha mẹ trông giữ, giáo dục, quản lý tài sản của con, đại diện cho con (Điều
26).
Toà án chỉ có quyết định về vấn
đề này khi cha mẹ bị xử phạt về tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm của
con chưa thành niên. Tội phạm thực hiện đối với người con nào thì chỉ tước những
quyền này của cha mẹ đối với người con đó. Tuy nhiên đây không phải là biện
pháp bắt buộc, do đó, việc áp dụng phải rất hạn chế và chỉ thực hiện khi cần phải
ngăn chặn cha, mẹ tiếp tục xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm của con và
người con chưa thành niên có thể được giao cho một người khác trong gia đình hoặc
tổ chức xã hội trông nom, giáo dục. Nếu người con chưa thành niên đã có khả
năng nhận thức (như đã 14-15 tuổi) thì Toà án cũng cần phải căn cứ vào cả ý kiến
của con về việc có cần phải tước một số quyền của cha mẹ đối với con không.
Thời gian tước các quyền nói
trên là từ 1 đến 5 năm, nhưng nếu người có lỗi đã sửa chữa thì Toà án có thể
rút ngắn thời hạn đó.
5. Xác định
cha, mẹ cho con (các Điều 28, 29, 30, 31, 32, 33).
a. Trong những trường hợp cha hoặc
mẹ xin nhận con hoặc không nhận con thì phải xác định ai là cha, là mẹ của đứa
trẻ.
Trong thực tế có những trường hợp
hai bên đã có quan hệ sinh lý trước khi kết hôn, cho nên không thể cho rằng chỉ
có đứa trẻ sinh ra trong thời gian 180 ngày đến 300 ngày sau khi kết hôn mới là
con của vợ chồng. Vì vậy, Điều 28 chỉ quy định: "con sinh ra trong thời kỳ
hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng.
Trong trường hợp có yêu cầu xác định lại vấn đề này thì phải có chứng cứ
khác". (Thí dụ: người vợ công nhận là mình có thai với người khác trước
khi kết hôn; người chồng chứng minh rằng mình đã đi công tác xa trong thời gian
mà vợ có thể có thai đứa trẻ v.v...).
Trường hợp người phụ nữ chưa có
chồng mà sinh con (còn ngoài giá thú) nhưng cha của đứa trẻ không nhận con, thì
phải căn cứ vào những chứng cứ về người đó có thai với ai.
Trường hợp người mẹ sinh con
ngoài giá thú đã bỏ con, người khác đã nhận đứa trẻ về nuôi, nhưng sau này người
mẹ xin nhận con thì người mẹ phải chứng minh là mình đã đẻ ra đứa trẻ. Nếu có
tranh chấp về việc nuôi đứa trẻ thì Toà án phải xuất phát từ lợi ích của đứa trẻ
và phải quan tâm đến quyền lợi của người đã nuôi đứa trẻ mà xem xét ai là người
có điều kiện nuôi dưỡng, giáo dục đứa trẻ tốt hơn. Nếu đứa trẻ đã nhận thức được
thì cần phải hỏi ý kiến của nó.
Con ngoài giá thú có quyền xin
nhận cha, mẹ, kể cả trường hợp cha mẹ đã chết.
b. Đối với những quyền về nhân
thân như: xin xác định cha, mẹ cho mình; xin huỷ việc làm con nuôi vì đã bị ngược
đãi v.v..., thì người chưa thành niên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể tự
mình đứng nguyên đơn. Nếu dưới 16 tuổi thì phải có cha, mẹ là người đại diện hợp
pháp của họ (trừ trường hợp cha mẹ là người mà người chưa thành niên yêu cầu
xác định là cha, là mẹ của họ), hoặc phải có Viện kiểm sát nhân dân, Hội Liên
hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn Việt Nam
khởi tố.
Người chưa thành niên từ 16 đến
dưới 18 tuổi bị xác định là cha của một đứa trẻ thì họ là bị đơn. Cha mẹ của
người chưa thành niên phải được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện
hợp pháp của con. Nếu Toà án xác định người chưa thành niên là cha của đứa trẻ
thì cha mẹ của người chưa thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc làm nhiệm vụ cấp
dưỡng cho đứa trẻ.
Khi tham gia tố tụng, người đại
diện hợp pháp của người chưa thành niên có những quyền và nghĩa vụ trong tố tụng
như người mà mình đại diện.
Trong trường hợp xin xác định một
người đã chết là cha, mẹ mình thì trong việc này chỉ có nguyên đơn mà không có
bị đơn, nhưng vợ, chồng và con cái của người đã chết được tham gia tố tụng với
tư cách người dự sự.
6. Nuôi con
nuôi (các Điều 34, 35, 36, 37, 38, 39)
a. Những điều kiện về nuôi con
nuôi đã được quy định trong các Điều 34, 35, 36 và 37 nhưng trước khi Luật này
được ban hành thì những điều kiện đó chưa được quy định đầy đủ. Vì vậy, những
việc nuôi con nuôi trước khi ban hành Luật mới vẫn có giá trị pháp lý, trừ những
trường hợp nuôi con nuôi trái với mục đích xã hội của việc nuôi con nuôi (như:
nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động hoặc để dùng con nuôi vào những hoạt động
xấu xa, phạm pháp). Nếu việc nuôi con nuôi trước đây chưa được ghi vào sổ hộ tịch
nhưng việc nuôi con nuôi đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện
nghĩa vụ với con nuôi thì việc nuôi con nuôi vẫn có những hậu quả pháp lý do luật
định.
Nếu đứa trẻ đã làm con nuôi người
khác mà cha mẹ đòi lại con thì Toà án cần xuất phát từ lợi ích của đứa trẻ mà
xem xét ai là người có điều kiện nuôi dưỡng, giáo dục và bồi dưỡng đứa trẻ
thành công dân có ích cho xã hội. Nếu đứa trẻ đã nhận thức được, thì cũng cần hỏi
cả ý kiến của nó. Nếu hai bên chỉ vì xích mích mà phát sinh ra việc đòi con thì
phải giải quyết xích mích đó.
b. Theo Điều 34 thì giữa người
nuôi và con nuôi có những quyền và nghĩa vụ như con đẻ. Do đó, con nuôi được thừa
kế tài sản của cha mẹ nuôi và cha mẹ nuôi được thừa kế tài sản của con nuôi. Đối
với cha mẹ đẻ thì người con nuôi không còn thuộc hàng thừa kế theo luật của cha
mẹ đẻ nữa, trừ trường hợp họ được thừa kế theo di chúc của cha mẹ đẻ hoặc được
những người thừa kế theo luật bằng lòng cho họ hưởng một phần di sản của người
chết.
c. Theo Điều 39 thì Toà án quyết
định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong những trường hợp sau đây:
+ Cha mẹ nuôi đã không thực hiện
đúng mục đích, ý nghĩa xã hội của việc nuôi con nuôi (như: nuôi con nuôi nhằm mục
đích bóc lột sức lao động của con nuôi; cha mẹ nuôi dùng con nuôi vào những hoạt
động xấu xa như trộm cắp, mãi dâm...; hoặc cha mẹ nuôi có những hành vi nghiêm
trọng, xâm phạm thân thể, nhân phẩm của con nuôi như ngược đãi, hành hạ nghiêm
trọng con nuôi...). Trong những trường hợp này Toà án quyết định huỷ việc nuôi
con nuôi theo yêu cầu của người con nuôi, nhưng nếu người con nuôi chưa thành
niên thì cha mẹ đẻ hoặc người đỡ đầu của người con nuôi, Viện kiểm sát nhân
dân, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Công
đoàn Việt Nam có quyền yêu cầu Toà án huỷ việc nuôi con nuôi.
+ Con nuôi đã có những hành vi
nghiêm trọng xâm phạm thân thể, nhân phẩm của cha mẹ nuôi hoặc có những hành vi
khác làm cho tình cảm giữa người nuôi và con nuôi không còn nữa. Thí dụ: đánh
chửi người nuôi hoặc cha mẹ, ông bà của người nuôi. Tuy nhiên, khi xử lý cũng cần
phải có sự phân biệt giữa người con nuôi đã thành niên và con nuôi chưa thành
niên.
- Nếu người con nuôi đã thành
niên mà có những hành vi nói trên đối với cha mẹ nuôi hoặc không chịu lao động
mà chỉ ăn bám vào cha mẹ nuôi, làm cho cha mẹ nuôi không thể chịu đựng được,
thì huỷ bỏ việc nuôi con nuôi;
- Nếu người con nuôi chưa thành
niên thì nói chung phải giáo dục để người đó sửa chữa những lỗi lầm đối với cha
mẹ nuôi. Chỉ huỷ việc nuôi con nuôi nếu người đó có người khác nuôi dưỡng (như
cha mẹ đẻ, hoặc những người thân thuộc khác). Nếu họ không có người khác nuôi
dưỡng thì cha mẹ nuôi phải giáo dục con nuôi, Toà án không huỷ việc nuôi con
nuôi.
Khi việc nuôi con nuôi chấm dứt
thì những quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ nuôi với con nuôi cũng chấm dứt.
Bản án của Toà án về chấm dứt
nuôi con nuôi phải được thông báo cho Uỷ ban nhân dân ở cơ sở để ghi vào sổ hộ
tịch.