TÒA
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/GĐ-TANDTC
|
Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2016
|
GIẢI ĐÁP
MỘT
SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH, TỐ TỤNG DÂN SỰ
Để bảo đảm áp dụng
thống nhất pháp luật trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự,
Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến về một số vấn đề
vướng mắc như sau:
I. Vướng mắc liên
quan đến quy định của Luật tố tụng hành chính
1. Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất có phải là quyết định hành chính không? Có được coi là đối
tượng khởi kiện vụ án hành chính không?
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2
Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì quyết định hành chính là đối tượng
khởi kiện vụ án hành chính được hiểu như sau:
“1. Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà
nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính
được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng
cụ thể.
2. Quyết định hành chính bị kiện
là quyết định quy định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền,
lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh
nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật
đất đai năm 2013 thì: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở
và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà
ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền
sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền
với đất”.
Căn cứ vào các quy định nêu trên thì
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính; nếu thuộc một trong
các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì
là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
2. Trường hợp
Tòa án ấn định thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ nhưng đương sự không giao
nộp thì Tòa án giải quyết như thế nào? Đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ sau
khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì tài liệu, chứng cứ đó có được sử dụng
để giải quyết vụ án không?
Căn cứ vào khoản 1 và khoản 4 Điều 83
Luật tố tụng hành chính năm 2015, trường hợp Tòa án đã yêu cầu đương sự giao nộp
tài liệu, chứng cứ và ấn định thời gian giao nộp nhưng đương sự không nộp hoặc
nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính
đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự
đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại khoản 2 Điều 84 của Luật
này để giải quyết vụ án.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 133 Luật
tố tụng hành chính năm 2015, trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét
xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự mới giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã
yêu cầu đương sự giao nộp trước đó thì đương sự phải chứng minh lý do của việc
chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ. Nếu lý do chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ là
chính đáng thì Hội đồng xét xử chấp nhận việc giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Nếu đương sự nêu lý do nhưng lý do không chính đáng thì Tòa án không chấp
nhận việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó, nhưng phải lập luận việc không
chấp nhận tài liệu, chứng cứ đó trong bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên,
cần lưu ý trường hợp tài liệu, chứng cứ đã giao nộp chưa đảm bảo đủ cơ sở
để giải quyết vụ án thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử yêu cầu đương
sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình xác
minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ các tình tiết của vụ án.
3. Đương sự chứng
minh được việc chậm giao nộp chứng cứ là có lý do chính đáng thì Tòa án có phải
hoãn phiên tòa để đương sự khác tiếp cận chứng cứ hay không?
Trường hợp đương sự chứng minh được
việc chậm giao nộp chứng cứ là có lý do chính đáng không thuộc
trường hợp hoãn phiên tòa quy định tại Điều 162 Luật tố tụng hành chính năm
2015. Tuy nhiên, Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định quyền tiếp cận chứng
cứ để bảo đảm tranh tụng; do đó, trường hợp đương sự chứng
minh được việc chậm giao nộp chứng cứ là có lý do chính đáng mà thuộc trường hợp
quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 187 Luật tố tụng hành chính năm
2015 thì Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa.
4. Theo quy định
tại khoản 2 Điều 98 Luật tố tụng hành chính năm 2015, trong thời hạn 05 ngày
làm việc kể từ ngày đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải
thông báo cho đương sự khác biết về việc họ đã giao nộp tài liệu, chứng cứ. Vậy
nếu đương sự không thông báo cho đương sự khác biết thì Tòa án giải quyết như
thế nào?
Trường hợp này, Tòa án phải giải
thích, hướng dẫn cho đương sự là họ có nghĩa vụ thông báo cho các đương sự khác
biết về việc họ đã giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và yêu cầu đương sự
đó thực hiện đúng nghĩa vụ thông báo để đương sự khác liên hệ với Tòa án thực
hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ.
Trường hợp có tài liệu, chứng cứ chưa
được thông báo cho đương sự thì Tòa án thực hiện việc thông báo cho họ biết để
họ thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ đó.
5. Trường hợp Ủy
ban nhân dân ra quyết định thu hồi đất và tài sản gắn liền với đất mà có người
cho rằng đất và tài sản gắn liền với đất không phải là tài sản của người có tên
trong quyết định đó mà là tài sản của họ thì họ có được khởi kiện quyết định đó
hay không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật
tố tụng hành chính năm 2015 thì quyết định hành chính bị kiện là quyết định quy
định tại khoản 1 Điều này mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm
dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm
phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức,
cá nhân. Do đó, nêu quyết định đó ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người
khác thì họ có quyền khởi kiện quyết định hành chính đó.
6. Theo khoản
3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì trường hợp người bị kiện là Ủy
ban nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân chỉ được
ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân đại diện. Vậy Phó Chủ tịch Ủy ban
nhân dân có được ủy quyền lại hay không?
Theo quy định tại khoản 3 và khoản 5
Điều 60 Luật tố tụng hành chính năm 2015, trường hợp người bị kiện là Ủy ban
nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân chỉ được ủy
quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân đại diện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân
không được ủy quyền lại cho người thứ ba tham gia tố tụng.
7. Người có thẩm
quyền giải quyết khiếu nại nhận được đơn khiếu nại đối với quyết định hành
chính nhưng không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại thì hành vi hành
chính này của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có phải là đối tượng khởi
kiện vụ án hành chính hay không? Trường hợp người có thẩm quyền giải quyết khiếu
nại có giải quyết khiếu nại nhưng ban hành văn bản dưới hình thức thông báo, kết
luận, công văn,... thì văn bản đó có phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành
chính hay không?
Theo quy định tại Điều 5 Luật khiếu nại
thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm phải giải quyết khiếu
nại đúng thời hạn pháp luật quy định; trường hợp hết thời hạn giải quyết mà
không giải quyết là không thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ. Hành vi không giải
quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến việc thực hiện
quyền của công dân; bởi vậy, theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Luật tố
tụng hành chính năm 2015 thì hành vi không giải quyết khiếu nại nêu trên là đối
tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Trường hợp một người khởi kiện quyết
định hành chính tại Tòa án, đồng thời đề nghị Tòa án xem xét hành vi không giải
quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính đó của người có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại thì Tòa án cần giải thích cho họ biết họ có quyền khởi kiện vụ
án hành chính tại Tòa án hoặc khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu
nại; việc lựa chọn phải được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật tố tụng
hành chính năm 2015; nếu họ lựa chọn khởi kiện tại Tòa án thì cần xác định đối
tượng khởi kiện trong vụ án là quyết định hành chính và khi xét xử, thẩm quyền
của Hội đồng xét xử được thực hiện theo quy định tại Điều 193 Luật tố tụng hành
chính năm 2015.
Trường hợp người có thẩm quyền giải
quyết khiếu nại đã giải quyết khiếu nại
nhưng không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại mà dưới hình thức khác
(như thông báo, kết luận, công văn v.v...) và văn bản đó đáp ứng các điều kiện
quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì văn
bản đó là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
8. Đối với những
vụ án hành chính được Tòa án thụ lý trước ngày 01-7-2016, đã có quyết định đưa
vụ án ra xét xử (theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm) nhưng kể từ ngày 01-7-2016
Tòa án mới mở phiên tòa thì có phải yêu cầu người bị kiện là cơ quan, tổ chức
hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện việc ủy quyền theo đúng quy định
tại khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính năm 2015 hay không?
Căn cứ khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng
hành chính năm 2015; khoản 1 và khoản 2 Điều 1 Nghị quyết
số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng
hành chính; khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP
ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày
25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số
104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành
chính thì đối với các vụ án hành chính được Tòa án thụ lý trước ngày 01-7-2016,
đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng kể từ ngày
01-7-2016 Tòa án mới mở phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm thì phải áp dụng khoản 3
Điều 60 Luật tố tụng hành chính năm 2015 về người đại diện theo ủy quyền trong
tố tụng hành chính.
Đối với trường hợp trước ngày
01-7-2016, người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức
ủy quyền cho người khác không phải là cấp phó của mình đại diện thì kể từ ngày
01-7-2016 Tòa án cần yêu cầu cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ
chức đó chấm dứt ủy quyền trong tố tụng hành chính đối với người được ủy quyền
trước đó và có văn bản ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện theo quy định tại
khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính năm 2015.
9. Khoản 2 Điều
187 Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định về tạm ngừng phiên tòa. Vậy trong
thời gian tạm ngừng phiên tòa đó thì Thẩm phán có được xét xử các vụ án khác
hay không? Có mâu thuẫn với nguyên tắc xét xử liên tục hay không?
Về nguyên tắc thì trong thời gian tạm
ngừng phiên tòa, Thẩm phán có thể tham gia giải quyết các vụ việc khác. Luật tố
tụng hành chính năm 2015 đã bỏ quy định về nguyên tắc xét xử liên tục.
10. Trường hợp
giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện thì Chánh án phân công cho
Thẩm phán khác không phải là Thẩm phán đã trả lại đơn khởi kiện để giải quyết
khiếu nại hay vẫn phân công cho Thẩm phán đã trả lại đơn khởi kiện?
Khoản 2 Điều 124 Luật tố tụng hành
chính năm 2015 quy định ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả
lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán xem xét, giải
quyết khiếu nại, kiến nghị. Luật tố tụng hành chính năm 2015 không quy định Thẩm
phán đã trả lại đơn khởi kiện thì không được giải quyết khiếu nại; tuy nhiên, để
bảo đảm tính khách quan thì nên phân công cho Thẩm phán khác xem xét, giải quyết.
11. Trường hợp
người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ra quyết định giải quyết khiếu nại khi
đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại thì quyết định giải quyết khiếu nại đó có
phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính không?
Về nguyên tắc, quyết định giải quyết
khiếu nại nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Luật
tố tụng hành chính năm 2015 thì được coi là quyết định
hành chính thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
12. Trong quá
trình giải quyết vụ án hành chính, nếu cần phải yêu cầu cơ quan, người có thẩm
quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyết
định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện thì giải quyết như thế nào? Nếu
phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án
hành chính mà có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật
của cơ quan nhà nước cấp trên thì giải quyết như thế nào?
Trường hợp cần phải yêu cầu cơ
quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính, hành
vi hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi
kiện thì căn cứ vào khoản 12 Điều 38, khoản 3 Điều 193 Luật tố tụng hành chính
năm 2015, Thẩm phán, Hội đồng xét xử báo cáo, đề nghị Chánh án Tòa án đang giải
quyết vụ án đó có văn bản yêu cầu cơ quan, người có thẩm
quyền xem xét, xử lý văn bản hành chính đó.
Trương hợp phát hiện văn bản quy phạm
pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án hành chính mà có dấu hiệu trái
với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên
thì căn cứ vào khoản 13 Điều 38, khoản 4 Điều 112 Luật tố tụng hành chính năm
2015, Thẩm phán, Hội đồng xét xử báo cáo, đề nghị Chánh án kiến nghị với cơ
quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy
phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật
của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật này.
13. Trường hợp
đương sự khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai về bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng khu dân cư
thương mại cho rằng Ủy ban nhân dân tỉnh giá bồi thường quá thấp so với thị trường
và yêu cầu định giá đất theo giá thị trường thì Tòa án có được ra quyết định định
giá giá trị quyền sử dụng đất không?
Trường hợp khiếu kiện quyết định hành
chính trong lĩnh vực quản lý đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà
nước thu hồi đất mà có yêu cầu Tòa án xem xét về giá bồi thường thì Tòa án căn
cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mục đích thu hồi đất, giá đất cụ thể của
loại đất thu hồi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tại thời điểm quyết
định thu hồi đất để giải quyết vụ án mà không được tiến hành định giá giá trị
quyền sử dụng đất.
II. Vướng mắc liên
quan đến quy định của Bộ luật tố tụng dân sự
Có phải mọi vụ việc dân sự có
liên quan đến quyết định hành chính thì Tòa án đều phải đưa cơ quan, tổ chức,
người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách là người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không?
Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự năm
2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ
quan, tổ chức:
“1. Khi giải quyết vụ việc dân sự,
Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người
có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ
giải quyết.
2. Quyết định cá biệt quy định tại
khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp
dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự
có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ
việc dân sự đó.
3. Khi xem xét hủy quyết định quy
định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức
hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách
người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình
bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án
xem xét hủy.
4. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải
quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc
hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định
tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện,
Tòa án nhân dân cấp tỉnh.”
Theo quy định nêu trên thì chỉ có những
văn bản là quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm
quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa
án có nhiệm vụ giải quyết mới bị Tòa án xem xét hủy (những văn bản không phải
là quyết định hành chính cá biệt thì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều
này).
Khi giải quyết vụ việc dân sự có liên
quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì Tòa án phải xem xét, đánh
giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó.
Trường hợp quyết định cá biệt rõ ràng
trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết
định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự mà việc hủy quyết định
đó không làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải
quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết và xem xét hủy quyết định đó.
Trường hợp việc xem xét hủy quyết định
đó dẫn đến thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự xác định theo quy định
tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
thì Tòa án nhân dân cấp huyện đang thụ lý giải quyết vụ việc dân sự phải chuyển
vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết và xem xét hủy quyết định đó.
Ví dụ 1: Ông A khởi kiện tại Tòa án
nhân dân huyện X tỉnh Y yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông B phải trả lại quyền
sử dụng đất mà trước đó ông A cho ông B mượn. Khi giải quyết vụ án, Tòa án nhân
dân huyện X nhận thấy trong thời gian mượn đất, ông B đã có hành vi gian dối
làm thủ tục để được Ủy ban nhân dân
huyện X cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; để giải quyết yêu cầu đòi lại
quyền sử dụng đất của ông A thì phải xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất đã cấp cho ông B và phải đưa Ủy ban nhân dân huyện X tham gia tố tụng với
tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp này, thẩm quyền của
cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự có xem xét việc hủy giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất được xác định theo khoản 4 Điều 32 Luật tố tụng hành chính. Do vậy,
Tòa án nhân dân huyện X phải chuyển vụ án dân sự nêu trên
cho Tòa án nhân dân tỉnh Y giải quyết và xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất.
Trường hợp khi giải quyết vụ việc dân
sự có liên quan đến quyết định cá biệt nhưng không cần thiết phải hủy quyết định
cá biệt đó và việc không hủy quyết định đó vẫn đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ
việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết.
Ví dụ 2: Ông A, bà B là các con của cụ
D, cụ E khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện X tỉnh Y yêu cầu Tòa án giải quyết
chia thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất của cụ D, cụ E. Khi còn sống, cụ D và
cụ E đã được Ủy ban nhân dân huyện X cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường
hợp này, khi giải quyết vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản không cần thiết phải
xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử đất đã cấp cho cụ D, cụ E nên Tòa án nhân
dân huyện X tiếp tục giải quyết vụ án.
Trên đây là giải đáp một số vướng mắc
về Luật tố tụng hành chính, Bộ luật tố tụng dân sự đã được Quốc hội khóa XIII,
kỳ hợp thứ 10 thông qua để các Tòa án nghiên cứu, tham khảo trong quá trình triển
khai thi hành và thụ lý, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền. Quá trình thực
hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì đề nghị phản ánh về Tòa án nhân dân tối
cao để có hướng dẫn kịp thời.
Nơi nhận:
- Các TAND và TAQS;
- Các đơn vị thuộc
TANDTC;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Nội chính
Trung ương;
- Viện kiểm sát nhân dân tối
cao;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Công an;
- Các đồng chí PCA TANDTC;
- Các Thẩm phán TANDTC;
- Lưu: VP, Vụ PC và QLKH.
|
CHÁNH
ÁN
Nguyễn Hòa Bình
|