ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3287/QĐ-UBND
|
Đà Nẵng, ngày 04 tháng 9 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN
ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền
nhiễm ngày 21/11/2007;
Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP
ngày 30/9/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế
và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;
Căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày
31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống
dịch COVID-19;
Căn cứ Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày
24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch
COVID-19 trong tình hình mới;
Căn cứ Quyết định 2225/QĐ-BCĐQG
ngày 28/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về việc ban hành “Hướng
dẫn phòng, chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm
thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng”;
Căn cứ Quyết định 2203/QĐ-BCĐQG
ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về việc ban hành “Hướng
dẫn phòng, chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại hộ gia
đình”;
Căn cứ Quyết định 2194/QĐ-BCĐQG
ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về việc ban hành “Hướng
dẫn phòng, chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm
việc và ký túc xá cho người lao động”;
Căn cứ Quyết định 2225/QĐ-BCĐQG
ngày 28/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về việc ban hành “Hướng
dẫn phòng, chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm
thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng”;
Căn cứ Quyết định 2234/QĐ-BCĐQG
ngày 29/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về việc ban hành
"Hướng dẫn phòng, chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại
khu chung cư";
Căn cứ Quyết định số 3088/QĐ-BYT
ngày 16/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí bệnh viện an toàn
phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp;
Căn cứ Thông báo số 313/TB-VPCP
ngày 29/8/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống
dịch COVID-19;
Thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU ngày
03/9/2020 của Thành ủy Đà Nẵng về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo
quốc phòng, an ninh, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong tình hình hiện nay;
Theo đề nghị của Ban Chỉ đạo
phòng, chống dịch COVID-19 thành phố và Sở Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định áp dụng
các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong
tình hình hiện nay.
Điều 2. Phân công tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, hội,
đoàn thể; Chủ tịch UBND các quận, huyện, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn
có trách nhiệm tiếp tục tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát công tác phòng,
chống dịch đã được phân công của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, Thường
trực Thành ủy, UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19
thành phố tại các văn bản đã ban hành, còn hiệu lực và các quy định tại Quyết định
này.
2. Giám đốc các sở, ban, ngành: Công
Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội,
Giao thông Vận tải, Xây dựng Du lịch, Văn hóa - Thể thao, Giáo dục và Đào tạo,
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp và các đơn vị có liên quan
trên cơ sở hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống
dịch COVID-19 và các bộ, ngành Trung ương, phối hợp với Sở Y tế chịu trách nhiệm
tham mưu các quy định, yêu cầu biện pháp phòng, chống dịch trong các lĩnh vực
ngành phụ trách, như: trung tâm thương mại; chợ; siêu thị; cảng cá; cửa hàng, cửa
hiệu; nhà hàng; quán ăn, uống; khách sạn; trường học; bệnh viện, cơ sở y tế;
công trình xây dựng; chung cư; sân tập thể dục, thể thao, thể hình; cơ sở,
doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ sở bảo trợ xã hội; phương tiện vận
tải công cộng; hoạt động phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp...
3. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền
thông chịu trách nhiệm:
a) Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều
hình thức phong phú, đa dạng trong 7 ngày liên tục ngay sau khi Chủ tịch UBND
thành phố thông báo thời điểm có hiệu lực của từng trạng thái nguy cơ lây nhiễm
dịch bệnh và áp dụng biện pháp tương ứng theo Quy định kèm theo Quyết định này.
b) Tổ chức biên tập, xuất bản tài liệu
không kinh doanh (sổ tay, tờ gấp, tờ rơi, infographic) ngắn gọn, súc tích, dễ
hiểu các quy định, yêu cầu các biện pháp phòng, chống dịch trong các lĩnh vực bằng
hình thức bản giấy gửi cho từng hộ dân, doanh nghiệp, cửa hàng, cửa hiệu, nhà
hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện...để niêm yết, phổ biến và thực hiện; đồng
thời phát hành bản điện tử trên mạng xã hội.
4. Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm
tham mưu rà soát, hoàn thiện Quy định về chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm
các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố theo quy định,
trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành thực hiện.
5. Giám đốc Công an thành phố, Thủ
trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra, điều tra, khởi tố, xử phạt
các trường hợp vi phạm biện pháp phòng, chống dịch theo thẩm quyền và quy định.
6. Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu
trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có liên
quan cam kết hoạt động bảo đảm các biện pháp, an toàn phòng, chống dịch; tuyên
truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm
các biện pháp phòng, chống dịch đã cam kết.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban
hành. Các biện pháp phòng, chống dịch không nêu tại Quy định kèm theo Quyết định
này thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết
định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- VPCP (báo cáo);
- BCĐ QG phòng, chống dịch (báo cáo);
- Các Bộ: Y tế, Công an, Công thương, GTVT, VH-TT và DL, Xây dựng,
LĐ-TB&XH, TT&TT, GD&ĐT, Tư pháp (báo cáo);
- TTTU, TT HĐND TP (báo cáo);
- Bộ Tư lệnh QK 5 (phối hợp);
- Các UV Ban TVTU;
- CT và PCT UBND TP;
- Các Quận ủy, Huyện ủy;
- VP Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND TP;
- Các cơ quan thông tin, báo chí;
- Lưu: VT, VHXH.
|
CHỦ TỊCH
Huỳnh Đức Thơ
|
QUY ĐỊNH
ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
ĐÀ NẴNG TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3287/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2020 của
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi
áp dụng
Quy định này được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ
chức và cá nhân đang sinh sống và làm việc trên phạm vi toàn địa bàn thành phố
Đà Nẵng.
Điều 2. Nguyên tắc và phương
châm phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong tình hình
hiện nay
1. Thời gian tới, dịch COVID-19 trên thế giới,
trong nước và thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, xác định phòng,
chống dịch trong thời gian dài, do vậy cần quán triệt thực hiện mục tiêu kép, vừa
sẵn sàng phòng, chống dịch, tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác, chủ quan
trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và người dân, vừa đẩy mạnh
phát triển kinh tế - xã hội, không để dịch bệnh lây lan nhưng cũng không để đứt
gãy các hoạt động kinh tế trên địa bàn thành phố.
2. Tiếp tục thực hiện các biện pháp cơ bản phòng,
chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, như bắt buộc phải đeo khẩu trang
khi ra khỏi nhà, giao tiếp, làm việc, tại nơi công cộng, công sở, trường học, bệnh
viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nơi đông người, trên phương tiện
công cộng..., thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn
chế tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế, cài đặt ứng
dụng Bluezone trở thành nếp sống, ứng xử phù hợp của toàn thể người dân thành
phố trong thời gian tới.
3. Tiếp tục thực hiện các vùng cách ly y tế có dịch
được thiết lập cho đến khi hết thời hạn. Trường hợp xuất hiện ca mắc bệnh, các
quy trình phòng, chống dịch phải được kích hoạt ngay để thần tốc, quyết liệt
khoanh vùng gọn, nhanh chóng thiết lập các vùng cách ly y tế có dịch theo quy định,
dập dịch nhanh, không để dịch bệnh lây lan; đồng thời áp dụng các biện pháp
phòng, chống dịch phù hợp với trạng thái nguy cơ dịch bệnh, nhằm duy trì, đẩy mạnh
hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
4. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải
gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu kép; phát huy đầy đủ trách nhiệm,
quyền hạn của người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương chủ động, chỉ
đạo linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả cao nhất và hạn chế
thấp nhất tác động tiêu cực của các biện pháp phòng, chống dịch đối với các hoạt
động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn.
Chương II
QUY ĐỊNH THIẾT LẬP CÁC
TRẠNG THÁI NGUY CƠ LÂY NHIỄM DỊCH BỆNH VÀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH
Điều 3. Trạng thái có nguy cơ
lây nhiễm dịch bệnh cao
1. Thực hiện biện pháp cách ly toàn xã hội trên địa
bàn thành phố, gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố, thôn cách ly với tổ
dân phố, thôn; phường, xã cách ly với phường, xã; quận, huyện cách ly với quận,
huyện.
2. Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giao tiếp,
nơi công cộng, nơi làm việc không tạm dừng hoạt động theo quy định; thường
xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Không tập trung quá 2 người
trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện...Phải
giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc.
3. Yêu cầu mọi người dân ở nhà, trừ các trường hợp
ra khỏi nhà để:
a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng
hóa, dịch vụ thiết yếu khác. Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh;
thiên tai, hỏa hoạn,...
b) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực
lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở: Nhà máy, cơ sở sản xuất;
công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu
(như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...);
ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động
ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký
giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận
chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...Người đứng đầu
các cơ sở chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện
pháp phòng, chống dịch theo quy định.
4. Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng,
trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người
cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt
động của các phương tiện cá nhân. Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển
hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.
5. Dừng hoạt động kinh doanh lữ hành, khách sạn, cơ
sở lưu trú, vận chuyển du lịch và khu, điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố,
trừ các trường hợp lưu trú công vụ của chuyên gia, y bác sỹ; các khách sạn được
UBND thành phố quyết định làm nơi cách ly y tế tập trung theo quy định.
6. Dừng thi công các công trình xây dựng trên địa
bàn thành phố, trừ các công trình trọng điểm, động lực xa khu dân cư, thi công
chủ yếu bằng máy móc, thiết bị, không đông người, ít có khả năng lây lan dịch bệnh,
do Chủ tịch UBND các quận, huyện quyết định cho thi công theo thẩm quyền và chịu
trách nhiệm kiểm tra thực hiện.
7. Dừng việc tiếp công dân trực tiếp tại tổ một cửa
tại Trung tâm hành chính thành phố và quận, huyện, phường xã nhưng vẫn bảo đảm
giải quyết, xử lý công việc của nhân dân. Bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức
sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần
thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử
lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại
công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến; trường hợp phải họp trực tiếp thì
cuộc họp không quá 20 người và bảo đảm ngồi giãn cách nhau 2 mét.
8. Áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của
người dân theo “Thẻ đi chợ” (3 ngày một lần).
9. Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị,
kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cơ quan có thẩm quyền xem
xét, quyết định.
10. Ngoài các hoạt động nêu tại khoản 3, 4, 5, 6 và
7 Điều này, về cơ bản tạm dừng hoạt động tất cả các lĩnh vực khác cho đến khi
có thông báo mới.
11. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khác
theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Trạng thái có nguy cơ
lây nhiễm dịch bệnh
1. Người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết.
Bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giao tiếp, làm việc, tại nơi công
cộng, công sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nơi
đông người, trên phương tiện công cộng...; yêu cầu thường xuyên rửa tay bằng xà
phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc (tối thiểu
01 mét); không được tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi
công sở, trường học, bệnh viện...
2. Tiếp tục tạm dừng các hoạt động sau đây:
a) Các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng,
thờ tự, giải đấu thể thao, sự kiện...tập trung quá 20 người tại nơi công cộng,
sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Không tổ chức ăn, uống tập thể
(đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan, tân gia...) tập trung quá 20 người; khuyến
khích người dân tổ chức đơn giản, gọn, không tập trung đông người.
b) Hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ
không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke,
mát-xa, quán bar, vũ trường, rạp phim, casino, điểm cung cấp dịch vụ internet
công cộng, trò chơi điện tử.
c) Hoạt động dịch vụ du lịch, lữ hành. Chỉ cho phép
hoạt động lưu trú được hoạt động trở lại, tạm dừng các dịch vụ khác tại các
khách sạn, cơ sở lưu trú.
d) Hoạt động thể dục, thể thao, thể hình tại phòng
tập gym, yoga, bida; hoạt động thể thao trong nhà; hoạt động thể thao, võ thuật
có tiếp xúc trực tiếp; hoạt động tắm biển.
đ) Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ
ăn, uống chỉ được bán hàng cho khách mang đi, đặt hàng và bán hàng qua mạng,
giao hàng tận nơi cho khách hàng. Nghiêm cấm phục vụ khách tại chỗ.
e) Hoạt động dạy và học trực tiếp tại các trường đại
học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục (các nhóm trẻ, trường mầm non, tiểu học,
trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường
chuyên biệt...), cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học,
năng khiếu, kỹ năng sống, các trung tâm tư vấn du học, các cơ sở dạy thêm, học
thêm.
g) Hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh xuất
phát hoặc đến các địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo
Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trừ các trường hợp đặc
biệt theo quy định phòng, chống dịch.
3. Phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa
bàn thành phố được hoạt động nhưng vận chuyển không quá 1/2 số người cho phép đối
với mỗi loại phương tiện và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy
định.
4. Áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của
người dân theo “Thẻ đi chợ” (3 ngày một lần).
5. Các hoạt động khác ngoài các hoạt động tạm dừng
nêu tại khoản 2 Điều này được hoạt động trở lại nếu có cam kết và đủ điều kiện
thực hiện nghiêm túc các nội dung biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
6. Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị,
kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cơ quan có thẩm quyền xem
xét, quyết định.
7. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khác
theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Trạng thái có nguy cơ
lây nhiễm dịch bệnh thấp
1. Người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết;
bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giao tiếp, làm việc, tại nơi công
cộng, công sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nơi
đông người, trên phương tiện công cộng...; yêu cầu thường xuyên rửa tay bằng xà
phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 01 mét khi tiếp
xúc; không được tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở,
trường học, bệnh viện...
2. Tiếp tục dừng các hoạt động sau đây:
a) Các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng,
thờ tự, giải đấu thể thao, sự kiện...tập trung quá 30 người tại nơi công cộng,
sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Không tổ chức ăn, uống tập thể
(đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan, tân gia...) tập trung quá 30 người; khuyến
khích người dân tổ chức đơn giản, gọn, không tập trung đông người.
b) Hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ
không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke,
mát-xa, quán bar, vũ trường, rạp phim, casino, điểm cung cấp dịch vụ internet
công cộng, trò chơi điện tử.
c) Hoạt động thể dục, thể thao, thể hình tại phòng
tập gym, yoga, bida; hoạt động bơi lội tại các bể bơi trong nhà, ngoài trời; hoạt
động thể thao võ thuật tiếp xúc trực tiếp.
3. Áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của
người dân theo “Thẻ đi chợ” (3 ngày một lần).
4. Các hoạt động khác ngoài các hoạt động tạm dừng
nêu tại khoản 2 Điều này được hoạt động trở lại nếu có cam kết và đủ điều kiện
thực hiện nghiêm túc các nội dung biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
5. Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị,
kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cơ quan có thẩm quyền xem
xét, quyết định.
6. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khác
theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Trạng thái kiểm soát được
nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh
1. Người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết;
bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giao tiếp, làm việc, tại nơi công
cộng, công sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nơi
đông người, trên phương tiện công cộng...; yêu cầu thường xuyên rửa tay bằng xà
phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; hạn chế tập
trung đông người không cần thiết.
2. Tất cả các hoạt động tạm dừng được hoạt động trở
lại nhưng phải có cam kết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quy định
trong từng lĩnh vực theo quy định.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Các biện pháp phòng, chống dịch như hoạt động xét nghiệm
SARS-CoV-2; xác định đối tượng phải cách ly y tế tập trung; đề xuất thiết lập
vùng cách ly y tế có dịch đối với cộng đồng, đối với bệnh viện, cơ sở y tế; đề
xuất xây dựng bệnh viện dã chiến; khử trùng, khuẩn diện rộng; tổ chức điều trị
bệnh nhân COVID-19; đánh giá, xếp loại bệnh viện an toàn phòng, chống dịch; hướng
dẫn y tế đối với lễ tang người tử vong do nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm
SARS-CoV-2...thực hiện theo quy định của ngành y tế và Ban chỉ đạo Quốc gia về
phòng, chống dịch.
Điều 8. Tùy tình hình thực tế của dịch bệnh trên địa bàn thành phố
và đề xuất của Sở Y tế, Chủ tịch UBND thành phố quyết định và có văn bản thông
báo thời điểm bắt đầu và khu vực chuyển trạng thái nguy cơ dịch bệnh và áp dụng
các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng theo Quy định này.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định
này, nếu có vướng mắc thì các tổ chức, cá nhân có ý kiến bằng văn bản gửi Ban
chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Đà Nẵng xử lý theo quy định.
2. Chủ tịch UBND thành phố quyết định việc sửa đổi,
bổ sung, hủy bỏ các nội dung của Quy định này./.