ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 228/KH-UBND
|
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2015
|
KẾ HOẠCH
CÔNG TÁC AN TOÀN THỰC PHẨM THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2016
Thực hiện Luật An toàn thực phẩm số
55/2010/QH12 ngày 17/6/2010 Quốc hội XII; Thực hiện chỉ thị
số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng,
Thông tri 06-TTr/TU ngày 18/01/2012 của Thành ủy Hà
Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề An
toàn thực phẩm trong tình hình mới, thực hiện kế hoạch số 46/KH-UBND ngày
29/3/2012 của UBND Thành phố Hà Nội về “Triển khai thực hiện
Chiến lược Quốc gia ATTP giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030”; Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch
công tác An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2016 như sau:
I. MỤC TIÊU VÀ CHỈ
TIÊU CƠ BẢN
1. Mục tiêu
1.1. Nâng cao năng lực quản lý đảm bảo
chất lượng An toàn thực phẩm.
1.2. Nâng cao nhận thức, thực hành
đúng về ATTP của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm
và của người tiêu dùng.
1.3. Tăng cường phòng chống ngộ độc
thực phẩm (NĐTP), hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra trên địa bàn
Thành phố.
1.4. Nâng cao năng lực hệ thống kiểm
nghiệm đảm bảo chất lượng ATTP.
1.5. Phát triển các vùng trồng rau,
chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản an toàn thực phẩm. Xây
dựng, duy trì và phát triển các mô hình
chuỗi nông lâm thủy sản an toàn thực phẩm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng.
1.6. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng
ATTP các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Tăng cường thanh tra, kiểm
tra và xử lý kịp thời những vi phạm về ATTP trong quá trình sản xuất, sơ chế,
chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống (DVAU), thức ăn đường
phố (TAĐP).
2. Chỉ tiêu cơ bản
2.1. 100% ban chỉ đạo quận, huyện, thị
xã và xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng kiến thức và 89% có kiến thức thực
hành đúng về quản lý ATTP; Phấn đấu 80% người sản xuất, kinh doanh thực phẩm có
kiến thức thực hành đúng về ATTP; 79% người tiêu dùng có kiến thức đúng về
ATTP.
2.2. 100% cán bộ làm công tác ATTP cấp
Thành phố; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được cập nhật kiến thức
về quản lý, chuyên môn kỹ thuật về ATTP.
2.3. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, chế biến,
kinh doanh thực phẩm diện được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP ngành Y tế
đạt 78%, ngành Công thương đạt 80%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh
nông lâm sản, thủy sản được kiểm tra phân loại, đủ điều kiện ATTP được cấp giấy
chứng nhận đủ điều kiện ATTP tuyến Thành phố đạt 90%, tuyến quận, huyện đạt
70%, tuyến xã phường thị trấn đạt 40%.
2.4. 100% cơ sở sản xuất, chế biến,
kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn được
kiểm tra, trong đó 83,2% đạt điều kiện ATTP.
2.5. Phấn đấu 60% số doanh nghiệp sản
xuất thực phẩm thuộc ngành công thương được hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý
chất lượng tiên tiến HACCP, ISO 22000.
2.6. 100% vụ ngộ độc thực phẩm báo
cáo được điều tra, xử lý kịp thời. Khống chế tỷ lệ ngộ độc thực phẩm £ 6
ca/trên 100.000 dân.
2.7. Duy trì và phát triển vùng rau
an toàn với quy mô tăng thêm 500 ha.
2.8. Hỗ trợ duy trì, xây dựng mới chuỗi
thực phẩm an toàn nông lâm thủy sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản
phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.
2.9. Tỷ lệ 30% cơ sở sản xuất ban đầu
nhỏ lẻ ngành Nông nghiệp ký cam kết bảo đảm ATTP theo quy định.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP CHỦ YẾU
1. Công tác chỉ
đạo và tăng cường năng lực quản lý nhà nước về ATTP
- Ban hành các văn bản chỉ đạo, triển
khai thực hiện công tác ATTP. Quy định phân công trách nhiệm quản lý về ATTP
trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
- Tăng cường hiệu lực quản lý của Ban
chỉ đạo VSATTP. Kiện toàn Ban chỉ đạo, đội ngũ cán bộ mạng lưới làm công tác
ATTP, cộng tác viên ATTP từ Thành phố tới xã, phường, thị trấn theo quy định.
- Củng cố mạng lưới quản lý ATTP 3
ngành: Y tế, Nông nghiệp, Công thương. Xây dựng quy chế phối hợp quản lý ATTP giữa 3 Sở Y tế, Nông nghiệp & Phát triển
Nông thôn, Công thương. Nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn, thanh
kiểm tra cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm.
- Tăng cường hoạt động liên ngành
trong công tác bảo đảm ATTP. Hoàn thiện và triển khai tốt các Đề án, Dự án, chương trình, các mô hình điểm về ATTP được phê duyệt.
- Tăng cường hợp tác quốc tế: Khảo sát trao đổi kinh nghiệm quản lý ATTP tại một
số nước trong khu vực, và một số tỉnh thành khác. Cập nhật các thông tin mới về
tình hình quản lý ATTP trong nước và Quốc tế. Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về
ATTP với các tỉnh, thành phố khác. Tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại đối
với các sản phẩm thực phẩm.
- Duy trì việc ký kết với các tỉnh
phía Bắc về việc bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cung cấp cho Hà Nội, nghiên cứu
mở rộng việc ký kết với một số tỉnh miền Trung và miền Nam
- Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức,
bồi dưỡng chuyên môn, hội thảo cho cán bộ Ban chỉ đạo, mạng lưới ATTP từ Thành
phố tới xã, phường, thị trấn; cho chủ các doanh nghiệp sản xuất chế biến kinh
doanh thực phẩm.
- Tăng cường cấp các loại giấy chứng
nhận về ATTP theo phân cấp: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy xác
nhận kiến thức về ATTP, công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực
phẩm, giấy xác nhận hồ sơ đăng ký tổ chức hội thảo, hội nghị giới thiệu thực phẩm
theo quy định.
- Đánh giá kết quả công tác ATTP giai
đoạn 2011-2015. Xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020.
- Thực hiện chế độ giao ban, báo cáo
định kỳ và đột xuất theo quy định.
2. Công tác thông tin, giáo dục
truyền thông về ATTP
- Đa dạng hóa các hoạt động tuyên
truyền: Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng
chương trình truyền thông chủ động trên truyền hình Hà Nội; Sử dụng nhiều hình thức truyền thông có hiệu quả, đưa tin về
hoạt động ATTP, các vi phạm về ATTP trên các phương tiện truyền thông như các
báo, đài phát thanh truyền hình Hà Nội, chuyên mục ATTP trên Website ngành Y tế, Công thương, Nông nghiệp và các tạp chí
khác...
- Tổ chức tuyên truyền Tháng Hành động
vì ATTP, phát động chương trình truyền thông “Chung tay vì ATTP”, tháng cao điểm
về ATTP trên toàn Thành phố.
- Tiếp tục tuyên truyền phổ biến Luật
ATTP, Nghị định 38/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm kỹ thuật mới về ATTP. Tuyên truyền,
hướng dẫn các kiến thức về ATTP tới các
nhóm đối tượng: người quản lý, sản xuất,
kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm.
- Tổ chức các buổi truyền thông cộng
đồng, phổ biến các kiến thức về ATTP và hướng dẫn chế biến, bảo quản, sử dụng
thực phẩm an toàn, ký cam kết đảm bảo ATTP.
- Xây dựng các cụm Pano trên các trục
đường chính, treo băng Zone, khẩu hiệu các dịp trọng điểm, in và cấp phát sổ tay, tờ rơi, tờ gấp
tuyên truyền về ATTP.
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về
ATTP: Sản xuất kinh doanh rau an toàn, thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể an toàn,
dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...
3. Công tác phòng
chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm
- Củng cố, nâng cao kỹ năng và duy
trì hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ Thành phố tới quận, huyện, thị xã; xã, phường,
thị trấn.
- Kịp thời điều tra xử lý 100% vụ ngộ
độc thực phẩm.
- Chủ động giám sát thực phẩm theo
các chuyên đề trọng tâm.
- Tăng cường cấp giấy chứng nhận, ký
cam kết và giám sát việc thực hiện các quy định về ATTP của các cơ sở dịch vụ ăn uống.
- Tiếp tục triển khai công tác cải
thiện ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn của 30
quận, huyện, thị xã và công tác bảo đảm ATTP thức ăn đường
phố tại 584 xã, phường, thị trấn.
- Duy trì và nhân rộng các mô hình điểm
về ATTP: Mô hình thức ăn đường phố, tuyến phố văn minh, tuyến phố tập trung dịch
vụ ăn uống, mô hình cảnh báo nhanh sự cố về ATTP.
- Xây dựng mô hình ATTP chủ động
phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung
đông người.
- Tổ chức diễn tập phòng chống ngộ độc
thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
- Đảm bảo ATTP phục vụ Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ XII, các kỳ họp Quốc hội, các hội nghị, sự kiện diễn ra trên
địa bàn Thành phố; Các đợt cao điểm như dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Bính
Thân 2016, Tháng Hành động vì ATTP, Tết Trung thu.
4. Công tác thanh
tra, kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng ATTP
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về
ATTP. Xử lý các thông tin báo nêu và người dân phản ánh về mất ATTP thuộc lĩnh
vực quản lý. Kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm.
Kiên quyết xử lý vi phạm trong nuôi trồng, giết mổ gia súc gia cầm, sản xuất chế
biến nông lâm sản, thủy sản; trong sản xuất kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch
vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
- Tập trung triển khai thanh tra
chuyên ngành ATTP thí điểm tại 5 quận huyện, 10 xã phường, thị trấn theo kế hoạch.
- Nâng cao năng lực hệ thống kiểm
nghiệm. Trang bị kiến thức chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ làm công tác
kiểm nghiệm và trang bị phương tiện, hóa chất phục vụ công tác kiểm nghiệm.
- Chủ động tổ chức giám sát chất lượng
thực phẩm lưu thông trên thị trường thường xuyên và định kỳ theo quy định.
Phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong sản xuất, lưu thông, kinh
doanh thực phẩm; lấy mẫu xét nghiệm định kỳ theo quy định hoặc đột xuất khi cần
thiết. Thông báo kết quả kiểm nghiệm.
- Triển khai công tác hậu kiểm sau cấp
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP tại một số doanh nghiệp sản xuất, kinh
doanh thực phẩm.
- Triển khai chương trình “Kiểm tra
chất lượng an toàn thực phẩm bằng phương pháp kiểm nghiệm nhanh tại các chợ đầu
mối nông sản, thủy sản thực phẩm trên địa bàn Hà Nội năm 2016-2025”.
5. Công tác phát triển các vùng
rau an toàn, mô hình sản xuất an toàn
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách phát
triển vùng sản xuất tập trung để triển khai
các Chương trình Đề án lớn của Thành phố:
Chương trình sản xuất lúa hàng hóa; Chương
trình phát triển cây ăn quả; Chương trình phát triển và tiêu thụ chè; Chương
trình phát triển thủy sản; Chương trình chăn nuôi theo xã trọng điểm, vùng chăn
nuôi tập trung.
- Phát triển sản xuất và tiêu thụ Rau
an toàn trên địa bàn Thành phố. Diện tích sản xuất Rau an toàn quy mô tăng thêm
500 ha so với năm 2015.
- Duy trì chuỗi cung cấp sản phẩm sạch.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh triển khai
mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi.
- Xây dựng cơ chế hỗ trợ cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm an toàn. Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng
chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn bền vững, hỗ trợ đầu tư sản xuất và tạo thương
hiệu cho các sản phẩm áp dụng theo chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực
phẩm tiên tiến.
5. Công tác quản lý giết mổ
gia súc gia cầm
- Triển khai Đề án quản lý giết mổ
gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020; Đề án “Sản
xuất và cung cấp thịt gia súc, gia cầm đảm bảo ATTP trên địa bàn Thành phố Hà Nội
giai đoạn 2015-2020”.
- Triển khai dự án “Đầu tư mua sắm
thiết bị thiêu hủy động vật và sản phẩm động vật”
- Triển khai chương trình đảm bảo
ATTP trong chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật
trên địa bàn Thành phố Hà Nội;
- Tăng cường kiểm tra các cơ sở giết
mổ, dẹp bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo ATTP.
6. Công tác quản
lý các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại
- Triển khai đầu tư phát triển hệ thống
chợ trên phạm vi địa bàn Thành phố thông qua kết hợp giữa cải tạo và nâng cấp hệ
thống chợ hiện có với việc mở rộng và phát triển thêm các chợ mới theo quy hoạch.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm
soát, rà soát tại các chợ cóc, chợ tạm, trung tâm thương mại trên địa bàn
- Tăng cường công tác thanh, kiểm tra,
kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định
của pháp luật về an toàn thực phẩm tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại,
kiên quyết xử lý các vi phạm, đặc biệt đối với những loại thực phẩm có nguy cơ
cao mất an toàn kinh doanh trong các chợ.
7. Công tác đảm bảo
kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động ATTP
- Đầu tư kinh phí địa phương, bố trí
nhân lực phù hợp, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện
phục vụ công tác truyền thông, kiểm tra giám sát, kiểm nghiệm ATTP, phòng chống
ngộ độc thực phẩm.
III. PHÂN CÔNG THỰC
HIỆN
1. Sở Y tế
- Sở Y tế là cơ quan Thường trực Ban
Chỉ đạo VSATTP Thành phố.
- Tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo ATTP
Thành phố, tổ đáp ứng nhanh xử lý sự cố về ATTP. Xây dựng kế hoạch hoạt động
ATTP theo năm, tháng trọng điểm về công tác ATTP và triển khai các chương
trình, đề án về ATTP sau khi được phê duyệt, theo dõi đôn đốc tiến độ hoạt động.
- Tham mưu giúp UBND Thành phố ban
hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác ATTP trên địa bàn Thành phố thuộc
lĩnh vực được phân công quản lý.
- Là đầu mối triển khai thí điểm
thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận huyện, 10 xã phường, thị trấn theo kế hoạch
của UBND Thành phố, đánh giá kết quả.
- Định kỳ tổ chức đoàn thanh kiểm tra
liên ngành, chuyên ngành, kiểm tra tình hình ATTP trên địa bàn.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở chuyên ngành tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm
tra đột xuất đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của các ngành khác
khi có chỉ đạo của UBND Thành phố, Bộ Y tế; khi phát hiện thực phẩm, phụ gia thực
phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực
phẩm lưu thông trên địa bàn vi phạm có
nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng; khi có sự khác
biệt trong kết luận thanh tra của các sở chuyên ngành; theo đề nghị của sở
chuyên ngành.
- Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến về
ATTP, định kỳ kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình ATTP các cấp.
- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên
môn ATTP cho các tuyến.
- Thường xuyên trao đổi thông tin
trong công tác thanh kiểm tra, các vướng mắc về triển khai văn bản Quy phạm
pháp luật về ATTP trên địa bàn.
- Tổ chức triển khai các biện pháp
thông tin truyền thông, phổ biến kiến thức, văn bản pháp luật về ATTP cho người
quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và cộng đồng. Chỉ đạo
việc cam kết đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Cơ sở
sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm cam kết thực hiện không bán phụ gia thực
phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế. Cam kết đối với cơ sở
tổ chức bữa ăn tập trung đông người (cưới giỗ, hiếu hỉ...)
- Thực hiện các hoạt động chuyên
ngành thuộc lĩnh vực Y tế:
+ Triển khai thực hiện 02 dự án ngành
y tế chủ trì thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia Y tế - Dân số năm 2016.
+ Tiếp tục duy trì các hoạt động mô
hình “Cải thiện An toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống” tại các phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố Hà Nội. Duy trì, nhân rộng mô hình điểm kiểm soát thức ăn đường phố, ATTP tuyến phố văn minh, tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống,
mô hình cảnh báo nhanh sự cố về ATTP. Lựa chọn quận, huyện
xây dựng mô hình ATTP chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm
tại các bữa cỗ tập trung đông người, ATTP tuyến phố ẩm thực.
+ Tổ chức diễn tập phòng chống NĐTP
và các bệnh truyền qua thực phẩm.
+ Đảm bảo ATTP phục vụ các đợt cao
điểm như dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Tháng Hành động vì
ATTP, Tết Trung thu.
+ Đảm bảo ATTP phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các hội nghị, sự kiện diễn ra trên địa bàn
Thành phố.
+ Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; hậu
kiểm sản phẩm và các cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ
chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng
thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, cơ sở
kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn theo phân cấp. Xử lý vi phạm pháp luật về ATTP trong quá trình sản
xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công
quản lý.
+ Tổ chức tiếp nhận bản công bố hợp quy và xác nhận công bố phù hợp quy định an
toàn thực phẩm; xác nhận nội dung quảng cáo thực phạm, xác
nhận kiến thức về ATTP theo phân cấp; cấp giấy chứng nhận
cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ
ăn uống, thức ăn đường phố theo phân cấp.
+ Là đầu mối giám sát ngộ độc thực phẩm
và các bệnh truyền qua thực phẩm. Duy trì hệ thống giám sát, thông tin, phát hiện
tình hình ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm
từ Thành phố tới quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
+ Chủ động giám sát các chuyên đề
nguy cơ cao: Dịch vụ ăn uống, nước uống đóng chai và các nhóm ngành hàng khác
theo phân cấp. Giám sát các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, cảnh báo thực phẩm
không an toàn.
+ Tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm
ATTP: Trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh thực
hiện nâng cao chất lượng kiểm nghiệm theo yêu cầu nhiệm vụ.
+ Thực hiện các hoạt động khác: Phục
vụ đảm bảo ATTP Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các kỳ họp Quốc hội, các hội
nghị lớn trong nước và quốc tế và các nhiệm vụ đột xuất được giao.
- Tổng hợp báo cáo hoạt động bảo đảm
ATTP 5 năm giai đoạn 2011-2015 và xây dựng kế hoạch bảo đảm ATTP giai đoạn
2015-2020. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, năm, tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động theo quy định.
+ Là đầu mối tổng hợp, báo cáo tình
hình ATTP tại địa phương gửi UBND Thành phố, Bộ Y tế.
2. Sở Nông nghiệp
và Phát triển Nông thôn
- Thực hiện các hoạt động chuyên
ngành thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:
+ Xây dựng triển khai dự án “Đảm bảo
chất lượng VSATTP trong sản xuất nông, lâm, thủy sản” thuộc chương trình mục
tiêu quốc gia Y tế - Dân số năm 2016.
+ Thanh tra, kiểm tra quá trình sản
xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập
khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc; thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản
phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ
trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm từ mật ong; thực phẩm biến
đổi gen; muối; gia vị; đường; chè; cà phê; cacao; hạt
tiêu, hạt điều và các nông sản thực phẩm;
dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý theo phân
cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm
đối với các chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản và cơ sở kinh doanh độc lập nông
lâm thủy sản.
+ Tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại
cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản và cấp giấy chứng nhận cơ
sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm
thủy sản theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Tăng cường tổ chức cấp giấy xác nhận
kiến thức về ATTP, xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm theo phân cấp của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trường
hợp xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm có công bố tác dụng tới sức khỏe phải
có ý kiến của ngành Y tế).
+ Thực hiện công tác truy xuất nguồn
gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định.
+ Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới một số
chuỗi ATTP và tiếp tục thực hiện hỗ trợ duy trì các chuỗi ATTP đã được xây dựng
từ năm 2010 đến nay nhằm hình thành và cung cấp thực phẩm an toàn cho tiêu dùng
và xuất khẩu. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đảm bảo an toàn thực
phẩm nông lâm thủy sản. Triển khai quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an
toàn năm 2016.
+ Nâng cao năng lực hệ thống kiểm
nghiệm đảm bảo chất lượng ATTP. Triển khai Chương trình “Kiểm tra chất lượng
ATTP và trang thiết bị kiểm tra nhanh các chỉ tiêu về ATTP tại các chợ đầu mối
nông sản thực phẩm”.
- Hoàn thiện quy trình và đưa vào sử
dụng thiết bị tiêu hủy gia cầm.
- Tổ chức thông tin truyền thông về
việc đảm bảo ATTP trong nuôi trồng, giết mổ, thu hái, bảo quản các loại nông,
lâm, thủy sản và muối. Chỉ đạo việc cam kết đối với các hộ dân cam kết không sản
xuất rau không an toàn; các cơ sở giết mổ cam kết thực hiện không giết mổ gia
súc, gia cầm không an toàn;
- Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ
quản lý và người sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản, muối, về công tác
ATTP trong nông nghiệp.
- Quy hoạch và phát triển vùng rau an
toàn, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn: Duy trì diện tích rau an toàn,
phát triển vùng trồng rau an toàn tăng thêm 500 ha. Tiếp tục thực hiện Đề án “sản
xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2016”.
- Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành
các cấp. Xử lý vi phạm về ATTP đúng pháp luật.
- Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp
với các tỉnh về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: phòng chống dịch bệnh, kiểm
dịch, kiểm soát giết mổ động vật và sản
phẩm động vật; sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản...
- Phát triển hệ thống cửa hàng kinh
doanh rau, quả an toàn, sản phẩm thủy sản, thịt gia súc gia cầm sạch. Phối hợp với Sở Công thương, Tổng công ty
thương mại Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng hệ thống phân phối thực phẩm an toàn.
- Tăng cường công tác tham mưu, phối
hợp với các huyện, thị xã đề xuất tháo gỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến
độ xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung trên địa bàn Thành phố, hướng
dẫn UBND các huyện đầu tư xây dựng các khu giết mổ tập trung bán công
nghiệp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát,
phối hợp với các cấp chính quyền trong việc thu hẹp tiến tới chấm dứt hoạt động
giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, vệ
sinh môi trường. Thực hiện quy hoạch hệ thống
giết mổ, chế biến gia súc gia cầm trên địa bàn Thành phố đến năm 2020, quy hoạch
mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, kiên quyết xử lý các vi phạm trong giết mổ.
- Thực hiện chế độ báo cáo đột xuất
và định kỳ theo quy định.
3. Sở Công
thương
- Thực hiện các hoạt động đảm bảo an
toàn thực phẩm chuyên ngành thuộc lĩnh vực Công thương được phân cấp quản lý:
+ Xây dựng triển khai thực hiện dự án
“Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm ngành
Công thương” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia Y tế - Dân số năm 2016.
+ Quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm
nghiệm ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất
khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế
biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa
đựng thuộc phạm vi quản lý. Xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP.
+ Tổ chức việc cấp giấy chứng nhận cơ
sở đủ điều kiện ATTP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm
thuộc phạm vi quản lý, cấp giấy xác nhận cam kết tạm thời đối với cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ theo Quyết định 531/QĐ-SCT ngày 13/8/2015 của Sở
Công Thương.
+ Tổ chức việc cấp giấy xác nhận kiến
thức về ATTP, xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm đối với các thực phẩm thuộc
lĩnh vực được phân công quản lý theo phân cấp
của Bộ Công thương.
+ Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm
đối với các chợ, siêu thị, và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng
hóa thực phẩm. Xây dựng mạng lưới các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
+ Thực hiện việc kiểm tra phòng chống
thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường đối với tất cả các loại thực
phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.
+ Đẩy nhanh việc cải tạo, nâng cấp,
xây dựng và quản lý mạng lưới chợ theo quy hoạch, tạo điều kiện về cơ sở vật chất,
trang thiết bị để nâng cấp chất lượng ATTP tại các chợ. Phấn đấu các chợ nội
thành trong quy hoạch đã được phân hạng kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng
gia súc gia cầm.
+ Hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất thực
phẩm tập trung công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của ngành Công thương trên địa
bàn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng
tiên tiến HACCP, ISO 22000. Phấn đấu 60% số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tập
trung công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của ngành Công thương được hướng dẫn áp dụng hệ
thống quản lý chất lượng tiên
tiến HACCP, ISO 22000.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên
truyền chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành thực hiện các biện pháp đảm bảo
ATTP trong kinh doanh thực phẩm.
- Kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm
vào Hà Nội trong lĩnh vực được phân công quản lý. Có kế hoạch phối hợp với sở Công thương các tỉnh, thành phố
trong khâu lưu thông phân phối thực phẩm sạch trên địa bàn.
- Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra
liên ngành các cấp.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27/12/2012 của
Thủ tướng chính phủ về Đề án phòng ngừa ngăn chặn, vận chuyển và kinh doanh gia
cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.
- Phối hợp với các Doanh nghiệp, các
cơ quan chức năng để xác định chuỗi cửa hàng cung ứng hàng hóa đảm bảo an toàn
thực phẩm, các nhãn hàng đảm bảo chất lượng để người tiêu dùng lựa chọn tin cậy.
Chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tham gia các Đoàn liên ngành an toàn thực phẩm
do các cấp quận, huyện thành lập theo Quyết định 38/2015/QĐ-TTg ngày 09/09/2015 của Thủ tướng Chính Phủ.
- Thực hiện đề án “Thí
điểm triển khai mô hình quản lý Nhà nước về kiểm tra, kiểm soát
rau an toàn và thịt sạch lưu thông trên địa bàn Thành
phố Hà Nội”.
- Tiếp tục triển khai Chương trình “Hà
Nội sạch” theo Kế hoạch số 2987/KH-SCT ngày 31/8/2015 về việc đảm bảo an
toàn thực phẩm trong sản xuất và Kế hoạch số 2454/KH-SCT ngày 28/7/2015 về việc đảm bảo ATTP trong kinh doanh.
- Thực hiện chế độ báo cáo đột xuất
và định kỳ theo quy định.
4. Công an
Thành phố
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành tham
gia đoàn kiểm tra liên ngành các cấp. Phổ biến kiến thức, các quy định pháp luật
về ATTP cho các đơn vị trong ngành tham
gia công tác bảo đảm ATTP.
- Phối
hợp với các sở, ngành chức năng kiểm soát chất lượng ATTP hàng hóa thực
phẩm lưu thông trên địa bàn Thành phố.
- Điều tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi
phạm các quy định về ATTP. Chấm dứt hoạt động các cơ sở thực phẩm bày bán tại
các địa điểm không được phép bán hàng: hàng rong cổng trường, lấn chiếm vỉa hè,
chợ cóc chợ tạm không bảo đảm vệ sinh.
5. Sở Khoa học
và Công nghệ
- Tiếp tục triển khai chương trình hỗ
trợ các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ISO 22 000 về an
toàn thực phẩm.
- Tăng cường đầu tư trang thiết bị
cho phòng kiểm nghiệm đảm bảo kiểm nghiệm tốt các chỉ tiêu chất lượng liên quan
đến ATTP.
- Ưu tiên các đề tài dự án và ứng dụng
tiến bộ kỹ thuật thuộc lĩnh vực ATTP.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các
quận, huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc quản lý tốt
công tác đảm bảo ATTP trường học. Phối hợp với ngành Y tế tổ chức Hội thi bếp
ăn tập thể trường học ATTP. Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền
qua thực phẩm.
- Thực hiện cam kết bảo đảm ATTP/cấp
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định. Đảm bảo 100% các bếp ăn
tập thể, bếp ăn bán trú có hợp đồng với
các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, và kiểm tra nguồn gốc thực phẩm.
- Tiếp tục duy trì các mô hình điểm bếp
ăn bán trú để triển khai nhân rộng.
- Phối
hợp tổ chức đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho cán bộ quản
lý ATTP tại các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú.
- Chỉ đạo các trường học thường xuyên
tuyên truyền, giáo dục cho học sinh các biện pháp đảm bảo ATTP để các em thực
hành đúng về ATTP. Phát huy vai trò của Ban phụ huynh trong giám sát ATTP tại bếp
ăn tập thể. Phối hợp với đơn vị chức năng
của địa phương để giám sát chặt chẽ và giải quyết không để hàng rong xung quanh
cổng trường.
7. Sở Thông tin
và Truyền thông
Đẩy mạnh công tác thông tin truyền
thông về ATTP bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả. Chỉ đạo các đơn vị
truyền thông trong ngành viết bài, đưa tin về các hoạt động
ATTP trên địa bàn, thực hiện đúng các quy định về
quảng cáo thực phẩm. Phối hợp với sở ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã
kiểm tra giám sát việc chấp hành quy định về nội dung quảng cáo các sản phẩm thực phẩm theo quy định pháp luật hiện
hành. Chỉ đạo ưu tiên các phương tiện truyền thông đại chúng dành thời lượng
thích hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP. Đồng thời xử lý nghiêm khắc
những cá nhân, đơn vị đưa tin sai lệch làm ảnh hưởng không tốt đến công tác bảo
đảm ATTP, gây hoang mang.
Thông báo chính xác, rộng rãi trên
các phương tiện thông tin đại chúng các mặt hàng, sản phẩm, cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATTP và các cơ sở chưa đảm bảo ATTP. Tuyên truyền
Luật ATTP, Nghị định 38/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật mới về ATTP, tuyên truyền trách nhiệm
của các cá nhân đặc biệt là của người sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo An toàn thực phẩm cho mọi
người; tuyên truyền cho người dân các phương pháp tự bảo vệ bản thân khi sử dụng
thực phẩm; Giới thiệu rộng rãi các cơ sở cung cấp thực phẩm sạch; Nêu kinh nghiệm
ở một số địa phương làm tốt công tác ATTP.
8. Đài phát thanh
và Truyền hình Hà Nội
Chủ trì, triển khai thực hiện tuyên
truyền về ATTP, phối hợp với ngành y tế
và các ngành, chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền cụ thể ngay từ đầu năm. Thời lượng phát
sóng: Dành 1-2 phút cho chuyên mục an toàn thực phẩm với tần suất 2 - 3 lần/tuần. Hình thức
tuyên truyền: Sản xuất,
phát sóng các tin, bài, phóng sự, tọa đàm, chạy chữ truyền hình, bình luận
chuyên sâu vấn đề nổi cộm về ATTP, khách mời trường quay về các nội dung ATTP.
9. Báo Hà Nội Mới, Báo Kinh tế
Đô thị
Thực hiện đưa tin bài ảnh, phóng sự về
thực trạng tình hình ATTP trên địa bàn, tuyên truyền phổ biến kiến thức, các
quy định pháp luật về ATTP.
- Báo Hà Nội Mới: Mở chuyên mục “Vì sức khỏe cộng đồng” trên trang 5 và chuyên mục “Mua
gì, bán gì, ở đâu?” trên trang 3 của các số báo ra ngày thứ Hai hằng tuần; đồng
thời, mỗi tuần đăng tải từ 4-6 tin, bài, ảnh phản ánh về các vấn đề liên quan đến
an toàn thực phẩm, đưa đầy đủ các thông tin tình hình quản lý an toàn thực phẩm
trên toàn Thành phố ở tất cả các ấn phẩm của Báo Hà Nội mới
- Báo Kinh
tế Đô thị: Xây dựng chuyên trang “An toàn thực phẩm” trên các số báo ra ngày thứ 6
hàng tuần. Đồng thời, mỗi tuần đăng tải từ 4-6 tin, bài, ảnh phản ánh về các vấn
đề liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm, đưa đầy đủ các thông tin tình hình
quản lý an toàn thực phẩm trên toàn Thành phố. Ngoài ra, đăng tải đầy đủ các
thông tin thời sự liên quan đến an toàn thực phẩm trên các số báo ra hàng ngày
và các ấn phẩm của báo Kinh tế & đô thị. Xây dựng
chuyên mục: “An toàn thực phẩm” đặt trên trang chủ báo điện tử kinh tế & Đô thị, cập nhật tin, bài,
ảnh 24/24 giờ trong ngày. Tổ chức sản xuất các clip về “An toàn thực phẩm” trên
báo Kinhtedothi điện tử; Tổ chức các cuộc Tọa đàm trực tuyến theo định kỳ hoặc
khi có sự kiện thời sự.
10. Sở Văn hóa
và Thể thao: Quản lý nhà nước các hoạt động quảng
cáo ngoài trời liên quan đến An toàn thực phẩm, tuyên truyền các thông điệp
ATTP tại các điểm tập trung đông người và đầu mối giao thông.
11. Sở Du lịch: Tuyên truyền đảm bảo ATTP tại các khách sạn và các điểm du lịch có dịch
vụ ăn uống.
- Phối hợp với các sở ngành liên quan
tổ chức kiểm tra ATTP tại các khách sạn phục vụ đại biểu dự họp, các điểm du lịch,
Lễ hội.
- Quản lý nhà nước các hoạt động quảng
cáo ngoài trời liên quan đến An toàn thực phẩm, tuyên truyền các thông điệp
ATTP tại các điểm tập trung đông người và
đầu mối giao thông.
- Phối hợp với ngành liên quan, UBND
quận, huyện, thị xã kiểm tra giám sát việc chấp hành nội dung quảng cáo các sản
phẩm thực phẩm theo quy định pháp luật hiện hành.
12. Sở Tài chính
Đảm bảo kịp thời kinh phí cho công
tác ATTP trên địa bàn Thành phố.
Hướng dẫn thu-chi, thanh quyết toán
cho các hoạt động đảm bảo ATTP của các đơn vị theo quy định hiện hành.
13. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Có kế hoạch đảm bảo nguồn kinh phí
cho các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn Thành phố, đảm bảo nguồn lực cần
thiết đầu tư các dự án thuộc chương trình ATTP.
14. Các sở, ban,
ngành, hội, đoàn thể khác của Thành phố: Theo chức năng nhiệm vụ của mỗi đơn vị:
- Đẩy mạnh công
tác tuyên truyền, vận động, tổ chức cho
cán bộ nhân viên, hội viên và gia đình, nhân dân tham gia học tập, tìm hiểu các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm
và gương mẫu thực hiện Luật an toàn thực phẩm.
- Chủ động phòng chống ngộ độc thực
phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
- Giám sát, phát hiện, thông báo cho
cơ quan chức năng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng thực phẩm kém
chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Đánh
giá tác động môi trường các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, chế biến,
kinh doanh thực phẩm và nuôi trồng thủy hải sản. Tổ chức và phối hợp với các ngành liên quan trong việc tiêu hủy sản phẩm thực phẩm
theo quy định. Kiểm tra, cấp phép xả thải đối với các cơ sở sản xuất, kinh
doanh chế biến thực phẩm
theo quy định.
- Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Thành phố:
Triển khai công tác vận động, giáo dục phát động các phong
trào bảo đảm an toàn thực phẩm
gắn với cuộc vận động xây dựng làng, xã văn hóa ở khu dân
cư, nhằm thúc đẩy hình thành hành vi
sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng
các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn
trong cộng đồng.
- Hội liên hiệp Phụ nữ Thành phố: Thường
xuyên phát động phong trào phụ nữ toàn Thành phố tham gia vào công tác bảo đảm
an toàn thực phẩm. Phối hợp với các sở,
ngành chức năng tổ chức các chương trình tập
huấn, thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm cho phụ nữ, đặc biệt là các
bà nội trợ, chị em kinh doanh, sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ lẻ.
- Hội Nông dân Thành phố: Chủ trì
phát động các phong trào sáng kiến, việc làm tốt về bảo đảm an toàn thực phẩm,
tích cực đấu tranh với các hành vi mất an toàn thực phẩm trong cộng đồng, làng
xã. Phối hợp tổ chức hoạt động tập huấn, hướng dẫn cho các hội viên về sản xuất
thực phẩm an toàn, phương pháp chế biến,
bảo quản khoa học, sử dụng đúng cách các hóa chất bảo vệ thực vật và an toàn thức
ăn chăn nuôi, phân bón. Phối hợp với các ban, ngành phổ biến, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật tiên tiến bảo đảm an toàn thực phẩm trong
sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm.
- Ban quản lý các khu Công nghiệp và
Chế xuất: bảo đảm an toàn thực phẩm tại khu công nghiệp, đôn đốc các doanh nghiệp
thực hiện các quy định về ATTP.
15. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
- Chịu trách nhiệm trước UBND Thành
phố về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Điều tra xử lý thông tin báo nêu về mất ATTP trên địa bàn theo phân cấp.
- Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt
động của Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP quận, huyện, thị xã. Tổ chức hội thảo vai trò của chính quyền và các đoàn thể trong việc bảo đảm
ATTP.
- Chỉ đạo, thực hiện các quy định của
Chính phủ, các bộ, ngành và UBND Thành phố về ATTP; Xây dựng và triển khai kế
hoạch công tác ATTP tới các xã, phường, thị trấn. Triển khai chương trình “Chung tay vì an toàn thực phẩm”
giai đoạn 2015-2020 tuyên truyền phổ biến kiến thức ATTP, nâng
cao nhận thức, thực hành của người quản lý lãnh đạo, người chế biến kinh doanh,
người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn quản lý theo các nội dung tuyên truyền
ATTP. Chỉ đạo các ban ngành đoàn thể và UBND xã, phường, thị trấn có kế hoạch cụ
thể triển khai thực hiện. Chỉ đạo tổ chức Hội thi về ATTP. Tổ chức các hộ dân
cam kết không sản xuất rau không an toàn; các cơ sở giết mổ, sản xuất chế biến
thực phẩm cam kết thực hiện không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn. Cơ sở
sản xuất kinh doanh phụ gia thực phẩm cam kết không sản xuất kinh doanh tiêu
dùng phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Tổ chức ký cam kết
ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn
uống, thức ăn đường phố, cam kết ATTP tại các Lễ Hội và bữa
ăn tập trung đông người (bữa ăn 30 người trở lên, cỗ cưới, giỗ, hiếu hỉ...).
- Chỉ đạo các xã, phường tăng cường
quản lý, thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập
trung quản lý dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tạo ra sự chuyển biến rõ rệt.
- Chịu trách nhiệm triển khai các hoạt
động quản lý về an toàn thực phẩm theo Điều 65 Luật an toàn thực phẩm; Khoản 6,
Điều 23 Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo
chương IV Thông tư 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ
điều kiện an toàn thực phẩm, ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở
phân cấp tại quận, huyện, thị xã, theo các văn bản hiện hành của các Bộ Y tế,
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương và Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Đối với cơ sở thực phẩm thuộc Bộ Y
tế, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã
thực hiện quản lý, cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm
cho cơ sở kinh doanh thực phẩm có giấy đăng ký kinh doanh
quận, huyện, thị xã cấp, thuộc diện không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành của Bộ Y tế. Đối với
cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã (hoặc Phòng y tế nếu được ủy quyền) cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện
an toàn thực phẩm, xác nhận kiến thức về
an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh
doanh dịch vụ ăn uống có giấy đăng ký kinh doanh do quận,
huyện, thị xã cấp. Xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và ký cam kết đảm bảo
an toàn thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, căng tin tại các trường mầm non, tiểu
học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, bệnh viện tuyến
huyện, cụm công nghiệp trên địa bàn quản lý; các bếp ăn tập
thể của các cơ quan tổ chức khác có quy mô từ 50 suất đến dưới 200 suất ăn/một
lần phục vụ.
- Đối với các cơ sở sản xuất, kinh
doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã quản lý
theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn và theo phân công, phân cấp tại Quyết định số
2582/2015/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2015 của Ủy
ban nhân dân Thành phố Hà Nội về ”Phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý vật
tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của
Thành phố Hà Nội”.
- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh
thực phẩm thuộc Bộ Công thương quản lý, Ủy ban
nhân dân quận, huyện, thị xã thực hiện cấp
giấy xác nhận kiến
thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ có giấy đăng ký kinh doanh do quận,
huyện, thị xã cấp; những doanh nghiệp do
sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy
đăng ký kinh doanh có số lao động dưới 10 người. Đăng ký
cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không thuộc
phạm vi điều chỉnh của Thông tư 58/2014/TT-BCT ngày 22/12/2014 của Bộ Công thương về “Quy
định cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc
trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương”; (trừ cơ sở không
có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giao cho UBND xã phường thị trấn ký cam kết).
- Thực hiện hoặc phối hợp tổ chức triển
khai các chương trình, dự án, đề án về an toàn thực phẩm được giao trên địa
bàn.
- Chỉ đạo tiếp tục triển khai mô
hình cải thiện An toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại xã,
phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Duy trì, nhân rộng mô hình điểm kiểm soát thức ăn đường phố, ATTP tuyến phố văn minh,
tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống,
mô hình cảnh báo nhanh sự cố về ATTP. Xây dựng mô hình ATTP
chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm tại
các bữa cỗ tập trung đông người, ATTP tuyến phố theo sự chỉ đạo hướng dẫn của Sở Y tế. Chấm dứt hoạt động của các cơ sở
kinh doanh thức ăn đường phố bày bán không đúng nơi quy định,
lấn chiếm vỉa hè lòng đường.
- Chỉ đạo tổ chức công tác giám sát,
điều tra xử lý khi có ngộ độc thực phẩm và bệnh dịch lây truyền qua thực phẩm.
- Từng bước triển khai thực hiện đầu
tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm thủ công tập trung căn cứ theo quy hoạch
hệ thống giết mổ chế biến gia súc gia cầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm
2020 được phê duyệt. Chấm dứt hoạt động của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm
bảo ATTP.
- Duy trì và phát triển các vùng trồng
rau an toàn theo kế hoạch.
- Phối hợp với các đơn vị quy hoạch,
bố trí địa điểm xây dựng hệ thống cửa hàng kinh doanh rau an toàn, thực phẩm an toàn.
- Đảm bảo kinh phí cho các hoạt động
về ATTP trên địa bàn.
- Báo cáo định kỳ, đột xuất về công
tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn gửi cơ quan thường trực Sở Y tế, để
tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
IV. KINH PHÍ
- Kinh phí hoạt động công tác ATTP của
các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố.
- Kinh phí chương trình ATTP Thành phố.
- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
- Các đơn vị hoàn thành kế hoạch và
triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch ngay từ tháng 01 năm 2016.
- Báo cáo Chương trình truyền thông
“Chung tay vì ATTP”, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Bính Thân 2015, Tháng hành
động vì ATTP, Tết Trung thu theo kế hoạch. Định kỳ báo cáo hàng quý vào ngày 30
tháng cuối quý. Báo cáo kết quả năm 2016 ngày 15/12/2016. Định kỳ, Ban chỉ đạo
VSATTP Thành phố kiểm tra công tác triển khai, tiến độ thực hiện công tác ATTP
của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã vào dịp kiểm tra ATTP Tết Dương lịch, Tết
Nguyên đán và Tháng Hành động vì ATTP, Tết Trung thu.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện,
thị xã triển khai thực hiện tốt kế hoạch này, định kỳ báo cáo UBND Thành phố
(qua Sở Y tế để tổng hợp, đơn vị nhận báo
cáo: Chi cục ATVSTP Hà Nội, 70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. Đt, Fax
043.7759839. Email: [email protected].)
Nơi nhận:
- Bộ Y tế; (để báo cáo)
- Văn phòng Chính phủ; (để báo cáo)
- Thường trực Thành ủy; (để báo cáo)
- Thường trực HĐND TP; (để báo cáo)
- Đ/c Chủ tịch UBND TP; (để
báo cáo)
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- UBND các Q, H, TX;
- VPUBTP: CVP, các PCVP; Phòng: VX, CT, NN, TH;
- Lưu VP, VX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sửu
|