THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 28/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG
Tiêm chủng phòng bệnh là một trong
những chính sách trung tâm trong các hoạt động y tế công cộng trên toàn thế
giới. Sử dụng vắc xin không những có thể phòng được bệnh cho những người được
tiêm chủng mà còn có thể bảo vệ được cho những người chưa được tiêm chủng mà
tiếp xúc với nguồn bệnh, bảo vệ cộng đồng. Đối với những bệnh đã có vắc xin dự
phòng, tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để phòng ngừa dịch
bệnh, làm giảm mạnh số trường hợp mắc và tử vong.
Trong hơn 30 năm qua, công tác tiêm
chủng đặc biệt là Chương trình tiêm chủng mở rộng ở nước ta đã đạt được những
thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc giảm tỷ lệ mắc và tử vong một
số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, giúp Việt Nam bảo vệ thành công thành
tựu thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh từ
năm 2005 đến nay. Các hoạt động tiêm chủng dịch vụ ngày càng phát triển, đã góp
phần giúp cho người dân được tiếp cận thêm với nhiều loại vắc xin phòng bệnh.
Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực và trên thế giới có khả năng sản
xuất vắc xin. Các vắc xin sản xuất trong nước về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu
về vắc xin được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay và một
phần tiêm chủng dịch vụ.
Tuy nhiên, công tác tiêm chủng đang
đứng trước những thách thức lớn:
- Đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp
cho công tác sản xuất vắc xin chưa đáp ứng nhu cầu. Việc nghiên cứu vắc xin
mới, vắc xin phối hợp còn hạn chế, chưa sản xuất được các vắc xin thế hệ mới.
Vắc xin sản xuất trong nước chủ yếu là vắc xin đơn giá, các vắc xin phối hợp,
vắc xin thế hệ mới phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài trong khi nhu
cầu sử dụng vắc xin phối hợp để phòng được nhiều bệnh cùng lúc ngày càng tăng.
- Cơ sở vật chất tại một số cơ sở
tiêm chủng chưa đáp ứng đủ điều kiện. Hệ thống dây chuyền lạnh sau thời gian
dài hoạt động đã xuống cấp, thiếu hụt ở nhiều nơi. Đội ngũ cán bộ làm công tác
tiêm chủng thiếu về số lượng, hay thay đổi.
- Một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng chưa được điều tra, kết luận và thông
tin kịp thời, đầy đủ đã gây lo lắng cho cộng đồng, bức xúc
trong dư luận, tăng thêm áp lực cho cán bộ tiêm chủng, có thể ảnh hưởng tiêu
cực đến tỷ lệ tiêm chủng trong khi công tác tuyên truyền
vận động về tiêm chủng chưa mang lại hiệu quả tích cực.
Những khó khăn nêu trên đã ảnh hưởng
không nhỏ tới công tác tiêm chủng, nếu không kịp thời khắc phục sẽ ảnh hưởng
lâu dài đến việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Để tiếp tục giữ vững và duy trì những
thành quả trong phòng, chống dịch bệnh mà công tác tiêm chủng đã đem lại từ nhiều năm qua; nâng cao chất lượng, đẩy mạnh hoạt động
sản xuất, sử dụng vắc xin trong nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ Y tế chịu trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành
liên quan bảo đảm đủ nguồn vắc xin cung ứng cho công tác tiêm chủng, đáp ứng
nhu cầu phòng bệnh chủ động của người dân.
b) Tăng cường công tác tập huấn,
hướng dẫn tiêm chủng an toàn, giám sát và xử trí kịp thời các trường hợp tai
biến nặng sau tiêm chủng, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tham gia công
tác tiêm chủng.
c) Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ
thông tin trong quản lý công tác tiêm chủng trên cả nước, đặc biệt chú trọng
đến việc áp dụng tại tuyến cơ sở.
d) Tăng cường xã hội hóa công tác
tiêm chủng nhằm huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống tiêm chủng, tăng
thêm các hình thức dịch vụ tiêm chủng, sử dụng thêm nhiều loại vắc xin mới, vắc
xin phối hợp.
đ) Xây dựng kế hoạch, lộ trình bổ
sung vắc xin mới vào tiêm chủng mở rộng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế
giới, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
e) Xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản
phục vụ hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu góp
phần đổi mới cơ chế tài chính cho tuyến y tế cơ sở.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm:
a) Tăng cường chỉ đạo triển khai công
tác tiêm chủng trên địa bàn. Khẩn trương khắc phục những khó khăn tồn tại, đầu
tư đủ nguồn lực cho công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tất cả các điểm tiêm
chủng có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như cán bộ làm công tác tiêm
chủng theo các quy định chuyên môn đã ban hành. Tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra toàn diện các cơ sở tiêm chủng, bao gồm cả tiêm chủng dịch vụ trong và
ngoài công lập trên địa bàn.
b) Chỉ đạo tăng cường công tác tập
huấn, hướng dẫn an toàn tiêm chủng theo các qui định, hướng dẫn của Bộ Y tế, tổ
chức tiêm chủng đúng quy trình chuyên môn, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Xử trí
kịp thời các sự cố tiêm chủng, quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.
c) Cung cấp kịp thời thông tin về
tiêm chủng, không để tình trạng đưa tin thiếu chính xác, không đầy đủ tạo dư
luận không tốt trong cộng đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến việc tham gia tiêm chủng
của người dân. Phối hợp với ngành Y tế thường xuyên tuyên truyền về nguy cơ mắc
bệnh nếu không tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; trách nhiệm của cha mẹ trong việc
đăng ký và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo quy định.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách
nhiệm:
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục kiểm tra
thông tin về tình trạng tiêm chủng của trẻ trước khi nhập học, nhắc nhở tiêm
chủng bù nếu trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ; phối hợp với cơ sở y tế trong
triển khai công tác tiêm chủng.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách
nhiệm:
a) Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng cơ
chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư vào sản xuất vắc xin,
đặc biệt là vắc xin phối hợp, vắc xin thế hệ mới sử dụng trong tiêm chủng mở
rộng.
b) Tăng cường đầu tư kinh phí cho cơ
sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất các loại vắc xin an toàn, hiệu
quả.
5. Bộ Tài chính
chịu trách nhiệm:
a) Phối hợp với Bộ Y tế bố trí kinh
phí cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, tăng chủng
loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng phù hợp với khả năng ngân sách theo quy
định của pháp luật về ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa, tài trợ của
các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan khẩn trương xây dựng và tính
giá vắc xin sản xuất trong nước cung cấp cho Tiêm chủng mở rộng theo nguyên tắc
tính đúng, tính đủ theo lộ trình.
6. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp
với Bộ Y tế xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích và
trực tiếp hỗ trợ các cơ sở sản xuất vắc xin trong nước nghiên cứu phát triển,
tiếp nhận chuyển giao để làm chủ công nghệ sản xuất vắc xin thế hệ mới, đặc
biệt là vắc xin phối hợp đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước, hướng tới xuất khẩu và nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất vắc xin
trong nước.
7. Bộ Thông tin và Truyền thông phối
hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan liên quan, chủ động, kịp thời
cung cấp thông tin về lợi ích và hiệu quả của tiêm chủng cho các cơ quan thông
tấn báo chí có tôn chỉ, mục đích phù hợp và hệ thống thông tin cơ sở để đẩy
mạnh công tác thông tin, truyền thông đảm bảo tính khách quan, kịp thời, chính
xác nhằm khuyến khích và hướng dẫn người dân tích cực tham gia tiêm chủng, bảo
vệ bản thân và cộng đồng, phòng chống dịch bệnh.
8. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận
tổ quốc Việt Nam chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với
ngành y tế và chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền,
vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác tiêm
chủng, người dân tích cực hưởng ứng đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
Bộ Y tế có trách nhiệm theo dõi, đôn
đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính Phủ
theo quy định./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, QHĐP, TH;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b) vt.
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Vũ Đức Đam
|