Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông báo 356/TB-VPCP 2024 kết luận xây dựng Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản

Số hiệu: 356/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Cao Huy
Ngày ban hành: 30/07/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 356/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2024

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN HỒNG HÀ VỀ VIỆC XÂY DỰNG, BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ TỰ SẢN, TỰ TIÊU VÀ ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM PHÁT TRIỂN ĐIỆN GIÓ NGOÀI KHƠI.

Ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Trụ sở làm việc Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương (Tờ trình số 4135/TTr-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2024, văn bản số 177/BC-BCT ngày 16 tháng 7 năm 2024 và văn bản số 181/BC-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2024) về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Sau khi nghe Bộ Công Thương báo cáo, ý kiến phát biểu của Các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận như sau:

1. Về Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu:

Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt về việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế để nghe báo cáo và chỉ đạo về các nội dung quan trọng của dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương vẫn chưa phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan để tiếp thu đầy đủ hoặc giải trình trong trường hợp không tiếp thu, nhất là các chính sách ưu đãi về giá, thuế đối với việc đầu tư hệ thống lưu trữ điện; việc cắt giảm, đơn giản hóa, công khai các thủ tục hành chính trong đăng ký đầu tư điện mặt trời tự sản tự tiêu...

Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là chính sách rất quan trọng để huy động nguồn lực xã hội thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm áp lực đầu tư phát triển nguồn điện cho nhà nước, nhất là việc phát triển điện năng lượng tái tạo có hệ thống lưu trữ là cơ sở quan trọng để sớm điều chỉnh cơ cấu các nguồn điện, giảm nguồn điện sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết tại COP26. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định này, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, phù hợp khi Nghị định được ban hành đi vào thực tiễn, hiệu quả, tuyệt đối không để sơ hở, trục lợi chính sách, tạo cơ chế xin-cho, đề nghị Bộ Công Thương:

a) Hoàn thiện khái niệm “tự sản, tự tiêu” đối với điện mặt trời mái nhà, trong đó bổ sung tỷ lệ bán lượng điện dư để làm rõ hơn nội hàm điện mặt trời tự sản, tự tiêu, lượng điện sản xuất được tiêu thụ 90% tổng công suất và được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất; Nghiên cứu, căn cứ cơ sở thực tiễn của nguồn điện, cơ cấu các nguồn điện theo đặc thù của từng vùng miền để có chính sách khuyến khích, huy động điện mặt trời đối với từng khu vực, vùng miền phù hợp, theo đó nghiên cứu, tính toán các cơ sở hợp lý, khoa học để quy định tỷ lệ bán điện dư lên lưới theo hướng khu vực miền Bắc được bán lên lưới lượng điện dư là 20% tổng công suất; khu vực miền Trung và miền Nam được bán lên lưới lượng điện dư là 10% tổng công suất. Xác định cơ cấu công suất điện áp mái mặt trời khu vực phía Bắc cần ưu tiên cao hơn các khu vực khác (do tỷ lệ khu vực phía Bắc huy động còn thấp, phụ tải cao có thể huy động cao hơn).

b) Làm rõ quy định về điện đấu nối lên lưới điện quốc gia và điện không đấu nối: Đối với điện mặt trời mái nhà không đấu nối lên hệ thống điện quốc gia sẽ không giới hạn công suất, đồng thời phải đơn giản tối đa thủ tục đăng ký, thời gian giải quyết đối với hình thức này. Đối với điện đấu nối lên hệ thống điện quốc gia cân nhắc để người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ đầu tư hệ thống pin mặt trời để sử dụng được áp dụng bình đẳng như nhau trong Nghị định này.

c) Về vấn đề kiểm soát an toàn hệ thống điện: quy định trách nhiệm của nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà có công suất lắp đặt 1 MW hoặc dưới 1 MW thì cần có cơ quan (Tổng công ty Điện lực/Điện lực Quận Huyện) quy định việc kiểm tra, kiểm soát và có các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn lưới điện đối với các công trình lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trong trường hợp phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện Quốc gia để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện.

d) Về giá điện: Nghiên cứu thêm giải pháp lượng điện dư phát lên lưới mà EVN mua thì có thể xem xét được bù trừ khi người dân mua điện của EVN hoặc giá điện dư thì EVN có thể mua theo giá thị trường tại thời điểm giá điện thấp nhất được chào trên thị trường điện. Tại Nghị định quy định nguyên tắc về giá điện, giá cụ thể sẽ do Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Điện lực.

e) Về quy trình, thủ tục: Bộ Công Thương chủ trì, làm việc ngay với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan rà soát các thủ tục hành chính theo pháp luật liên quan, nghiên cứu cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục đối với các công trình hiện hữu; tham chiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn khi lắp đặt các công trình điện, trong đó có điện mặt trời mái nhà. Các bộ, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan phải chủ động nghiên cứu, có văn bản góp ý về các thủ tục hành chính theo quản lý ngành, lĩnh vực, gửi Bộ Công Thương trước ngày 30 tháng 7 năm 2024 để tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo Nghị định.

f) Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát chính sách ưu đãi về thuế theo pháp luật về thuế do các đối tượng này được hưởng ưu đãi thuế theo pháp luật bảo vệ môi trường.

g) Về chính sách ưu đãi: nghiên cứu bổ sung thêm các chính sách ưu đãi đối với trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng thì có tính chất như nguồn điện nền nên không giới hạn, có thể mua 100% công suất điện dư và có phương án hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt...

h) Về các vấn đề xin ý kiến Thành viên Chính phủ: ngoài nội dung xin ý kiến toàn văn dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Thành viên Chính phủ đối với các nội dung:

(1) Về tỷ lệ điện bán lên lưới điện quốc gia: quy định khu vực miền Bắc được bán lên lưới lượng điện dư là 20% tổng công suất; Khu vực miền Trung và miền Nam được bán lên lưới lượng điện dư là 10% tổng công suất;

(2) Quy định việc tính toán, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để tăng thêm quy mô công suất nguồn điện mặt trời mái nhà khi đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật, chi phí giá thành và an toàn hệ thống.

(3) Quy định đơn giản, cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục đối với các công trình hiện hữu.

i) Căn cứ tình hình thực tế hiện nay đối với nguồn điện năng lượng tái tạo để thực hiện theo điểm a, khoản 1 Điều 29 của Nghị định 80/NĐ-CP ngày 3 tháng 7 năm 2024 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn và Điều 53 Luật Quy hoạch để tiến hành rà soát, đánh giá và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.

2. Về Đề án điện gió ngoài khơi:

- Nghị Quyết 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đề cập đến việc xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Thực hiện các chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, nghiên cứu việc giao các Tập đoàn kinh tế nhà nước (PVN, EVN) hoặc Bộ Quốc phòng triển khai các dự án thí điểm. Tuy nhiên, báo cáo tại văn bản số 181/BC-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2024 của Bộ Công Thương về triển khai Đề án chưa có đề xuất, kiến nghị cụ thể theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc họp, các đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ như: PVN cho biết đang triển khai nghiên cứu thực hiện dự án điện gió ngoài khơi và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao khu vực biển để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển (trong đó có đánh giá tiềm năng năng lượng gió và các loại năng lượng tái tạo khác trên biển); EVN cũng sẵn sàng thực hiện việc nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ; (đại diện Bộ Quốc phòng cho biết bộ không đủ năng lực đầu tư và xin không tham gia Đề án nêu trên). Do đó, đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp chặt chẽ với PVN, EVN thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 42/TB-VPCP ngày 5 tháng 2 năm 2024, Thông báo số 117/TB-VPCP ngày 25 tháng 3 năm 2021, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có đối tượng, phạm vi là các dự án thí điểm cụ thể, rõ ràng; các nội dung cần phải thực hiện từ khảo sát, chủ trương đầu tư đến thực hiện, hoàn thành đưa dự án vào vận hành khai thác, cơ quan thực hiện, thời gian hoàn thành; các nội dung vướng mắc do chưa có quy định của pháp luật, do pháp luật chưa rõ hoặc chồng chéo, đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết để thực hiện thí điểm. Đồng thời rà soát kỹ các quy định pháp luật hiện hành (Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Biển Việt Nam...), các vướng mắc đối với Đề án nêu trên, trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Công Thương khi xây dựng Đề án cần nghiên cứu, tính toán và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các nội dung như: Việc lựa chọn nhà đầu tư (chỉ định thầu hay đấu thầu, thẩm quyền quyết định của Chính phủ hay Thủ tướng Chính phủ hay cấp nào?); các vấn đề cần bảo đảm an ninh- quốc phòng; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hoặc việc chuyển nhượng dự án, cổ phần; việc sản xuất điện gió ngoài khơi cho nhu cầu sử dụng trong nước (phù hợp với Quy hoạch điện VIII), cho nhu cầu xuất khẩu; kết hợp phát triển điện gió ngoài khơi với hình thành hệ sinh thái với các trung tâm công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

3. Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại cuộc họp và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo số: 278/TB-VPCP ngày 24 tháng 6 năm 2024 và 4844/VPCP-CN ngày 10 tháng 7 năm 2024 để xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các chủ trương của Đảng, Luật Điện lực, các Nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định của pháp luật có liên quan; các Bộ, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan tại cuộc họp khẩn trương có ý kiến chính thức bằng văn bản đối với Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi gửi Bộ Công Thương trước ngày 30 tháng 7 năm 2024 để tổng hợp, hoàn thiện trình Chính phủ trước ngày 02 tháng 8 năm 2024 và chịu trách nhiệm về nội dung Dự thảo Nghị định theo khoản 1 Điều 7 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng, Phó TTg Trần Hồng Hà (để b/c);
- Các Bộ: CT, KHĐT, TNMT, TC, NNPTNT, XD, TP;
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- UBND thành phố Hà Nội;
- Các Tập đoàn: EVN, PVN, TKV;
- VPCP: BTCN, các PCN: Nguyễn Sỹ Hiệp, Cao Huy, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ: TH, NN, KTTH, ĐMDN;
- Lưu: VT, CN (2).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Cao Huy

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông báo 356/TB-VPCP ngày 30/07/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi do Văn phòng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.060

DMCA.com Protection Status
IP: 18.217.252.194
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!