BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-----
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số:
78/2008/QĐ-BNN
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC NGHIÊN CỨU LÂM NGHIỆP VIỆT
NAM ĐẾN NĂM 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG
THÔN
Căn cứ Nghị định
số 01/2008/NĐ-CP ngày 3 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ (số 21/2000/QH10 ngày 09/6/2000) của Quốc hội
nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 được phê
duyệt theo Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp Việt Nam đến năm
2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Hiện trạng nghiên cứu lâm nghiệp Việt Nam
a)
Thành tựu
Trong thời gian
qua, nghiên cứu khoa học lâm nghiệp đã đóng góp ngày càng nhiều và có hiệu quả
vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp nói riêng, sự phát triển nông nghiệp và
phát triển nông thôn nói chung. Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, kể
cả công nghệ nhập được tăng cường, góp phần rút ngắn thời gian nghiên cứu và phục
vụ có hiệu quả cho sản xuất. Số công trình được áp dụng vào sản xuất tăng từ
27% giai đoạn 1976-1990 lên 41% giai đoạn 1991-1995, 53% giai đoạn 1996-2000 và
56% giai đoạn 2001-2004.
Số đơn vị tham gia
nghiên cứu ngày càng tăng, đầu tư cho nghiên cứu được cải thiện, mức đầu tư
tăng, nguồn vốn phong phú hơn; ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước cho nghiên cứu
khoa học, các dự án hợp tác quốc tế: Các dự án bảo vệ và phát triển rừng do nước
ngoài tài trợ, chương trình PAM và một số chương trình quốc gia cũng đóng góp
đáng kể cho nghiên cứu khoa học lâm nghiệp như: 327, 661, …
Trong một số lĩnh
vực mũi nhọn như chọn tạo giống, nhân giống … thành tựu nghiên cứu của Việt Nam
đã đạt được trình độ của các nước trong khu vực và một số nước tiên tiến. Kết
quả nghiên cứu đã được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất. Nhiều giống
quốc gia, giống tiến bộ kỹ thuật đối với Bạch đàn, Keo, Phi lao… có năng suất
cao và khả năng chống chịu đã được công nhận. Công nghệ mô hom đã trở thành kỹ
thuật khá phổ biến để tạo cây con hàng loạt có chất lượng đồng đều.
Những thành tựu đạt
được trên một số lĩnh vực cụ thể:
- Phân loại đất rừng,
đánh giá về tiềm năng và độ thích hợp của đất đối với một số loài cây trồng rừng
chủ yếu, phân hạng đất, phân chia lập địa.
- Phân loại thảm
thực vật rừng Việt Nam, xác định đặc điểm chủ yếu các hệ sinh thái rừng lá rộng
thường xanh, rừng lá kim, rừng rụng lá, rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn.
- Đánh giá đa dạng
sinh học các hệ sinh thái rừng Việt Nam; các loài đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ
bị tuyệt chủng; đề xuất các phương thức bảo tồn và đã bảo tồn một số nguồn
gien.
- Xây dựng cơ sở
khoa học công nghệ để quản lý bền vững rừng tự nhiên.
- Xác định các
loài cây trồng rừng trên đất trống đồi núi trọc; Cải thiện giống, nhân giống, kỹ
thuật thâm canh rừng trồng đạt năng suất cao (Keo, Bạch đàn).
- Đề xuất công nghệ
chế biến gỗ rừng trồng (sấy, chế độ xẻ, ván nhân tạo, băm dăm,…), bảo quản một
số lâm sản.
- Xác định các
tính chất cơ bản của gỗ làm cơ sở sử dụng và phân chia các nhóm gỗ.
- Dự báo thị
trường lâm sản và đề xuất một số luận cứ để xây dựng chính sách lâm nghiệp làm
động lực phát triển ngành.
- Ban hành hàng
trăm tiêu chuẩn Nhà nước và tiêu chuẩn ngành, quy trình, quy phạm kỹ thuật.
b)
Về những thiếu sót và tồn tại
Một trong những tồn
tại lớn trong nghiên cứu khoa học về lâm nghiệp là số các kết quả nghiên cứu được
đưa vào sản xuất còn hạn chế và nghiên cứu chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản
xuất. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là:
- Công tác thông
tin, dự báo phát triển ngành còn yếu và thiếu một chiến lược nghiên cứu khoa học
công nghệ cho ngành, việc xác định phương hướng, mục tiêu nghiên cứu và lựa chọn
các đề tài ưu tiên chưa chuẩn xác, hiệu quả nghiên cứu chưa cao, chưa gắn chặt
với thực tiễn sản xuất và thị trường.
Còn nhiều khoảng
trống trong nghiên cứu như: các nghiên cứu cơ bản để tạo ra giải pháp kỹ thuật
và công nghệ mới; nghiên cứu quản lý tài nguyên rừng và đất rừng; nghiên cứu về
tổ chức và quản lý nghề rừng; về thị trường lâm sản; về định giá rừng và các dịch
vụ môi trường của rừng; nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu: các tác động
và các giải pháp thích ứng, nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ
của nước ngoài...
- Tổ chức nghiên cứu
chưa hợp lý. Trong quá trình xây dựng kế hoạch nghiên cứu chưa chú ý đến đối tượng
cây rừng có chu kỳ sản xuất dài ngày, đề tài nghiên cứu thường bị gián đoạn,
chia cắt. Chưa có sự tham gia của người sử dụng kết quả nghiên cứu trong quá
trình xác định nội dung, triển khai thực hiện và đánh giá kết quả nghiên cứu.
- Thiếu động lực
cho nghiên cứu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các chính sách hiện tại
chưa thực sự khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nhất là chính sách đãi
ngộ, sử dụng cán bộ nghiên cứu khoa học chưa có sức hấp dẫn cán bộ giỏi làm
nghiên cứu lâm nghiệp, hạn chế tính năng động, tự chủ và sáng tạo.
- Cán bộ nghiên cứu
thiếu, yếu và chưa đồng bộ, nhất là lực lượng nghiên cứu ở các địa phương và cơ
sở; chưa hình thành các tập thể các nhà khoa học theo từng lĩnh vực chuyên môn
với các trình độ khác nhau và ít tính kế thừa; khi chuyển sang cơ chế thị trường
và lâm nghiệp chuyển hướng sang lâm nghiệp xã hội, đội ngũ cán bộ chưa được
trang bị kiến thức và phương pháp tiếp cận phù hợp nên ít nhạy bén và hiệu quả
nghiên cứu thấp.
- Sự phối hợp giữa
các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, giữa nghiên cứu với phổ cập và sản xuất,
đào tạo chưa chặt chẽ. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình khoa
học công nghệ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và chương trình
phát triển ngành. Hiệu quả kinh tế của các hoạt động nghiên cứu và chuyển giao
công nghệ chưa được chú ý đúng mức.
- Điều kiện nghiên
cứu vừa thiếu vừa lạc hậu. Trang thiết bị thí nghiệm chưa đáp ứng yêu cầu; rừng
nghiên cứu, thí nghiệm chưa có quy chế quản lý phù hợp. Kinh phí cho nghiên cứu
rất thấp và cách xa yêu cầu.
2.
Tổ chức nghiên cứu lâm nghiệp
a) Hệ thống tổ chức nghiên cứu:
Hệ thống các tổ chức
nghiên cứu khoa học lâm nghiệp đã hình thành khá đồng bộ, trong đó Viện Khoa học
lâm nghiệp Việt Nam là tổ chức nghiên cứu chủ yếu, là cơ quan nghiên cứu lâm
nghiệp đầu ngành. Đã hình thành một số tổ chức nghiên cứu khoa học lâm nghiệp độc
lập thuộc Hội Khoa hoc kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam và các Trường đại học lâm
nghiệp Việt Nam. Nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan trong ngành lâm nghiệp
cũng đã tham gia nghiên cứu khoa học lâm nghiệp. Tuy nhiên, tiềm năng nghiên cứu,
nhất là ở các Vườn quốc gia và các cơ sở lâm nghiệp nhìn chung chưa được phát
huy, một số lĩnh vực cần thiết ít được chú ý đầu tư nghiên cứu, các cơ sở sản
xuất kinh doanh lâm nghiệp nói chung chưa có đầu tư thoả đáng cho nghiên cứu
lâm nghiệp..
- Viện Khoa học
Lâm nghiệp Việt Nam là cơ quan nghiên cứu lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, được thành lập vào năm 1961 và tổ chức lại vào năm 1988.
Trước năm 1988, trên cơ sở tách ra từ Viện khoa học lâm nghiệp cũ, đã có các tổ
chức nghiên cứu khoa học lâm nghiệp hoạt động độc lập là: Viện Lâm nghiệp, Viện
Công nghiệp rừng, Viện Kinh tế lâm nghiệp trực thuộc Bộ Lâm nghiệp (và Tổng cục
lâm nghiệp).
Chức năng, nhiệm vụ
của Viện Khoa học lâm nghiệp hiện nay bao gồm: nghiên cứu khoa học kỹ thuật về
lâm sinh, công nghiệp rừng và kinh tế lâm nghiệp phục vụ cho công tác quản lý
và sản xuất của Ngành; xây dựng và thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội
và khoa học kỹ thuật của ngành; xây dựng quy chế quản lý và các quy trình, quy
phạm, định mức, tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật lâm nghiệp; đào tạo cán bộ trên đại
học trong lĩnh vực lâm sinh và chế biến lâm sản, bồi dưỡng nâng cao trình độ,
năng lực cho cán bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện hợp tác quốc tế, dịch vụ tư
vấn về khoa học kỹ thuật của ngành.
Viện Khoa học lâm
nghiệp Việt Nam có Hội đồng Khoa học, các phòng chức năng, các phòng nghiên cứu,
các trung tâm nghiên cứu chuyên đề, trung tâm chuyển giao công nghệ và trung
tâm vùng với đội ngũ cán bộ khoa học đa ngành, hệ thống các phòng thí nghiệm, nhà
xưởng và trên 10.000 ha rừng nghiên cứu thí nghiệm.
Trong những năm
qua, ưu thế về nghiên cứu khoa học lâm nghiệp của Viện khoa học lâm nghiệp VN vẫn
chủ yếu là những vấn đề về nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về lâm sinh, lâm học.
Những vấn đề về công nghiệp rừng và kinh tế quản lý ngành lâm nghiêp chưa được
quan tâm nhiều.
- Các tổ chức
nghiên cứu khoa học của Trường Đại học lâm nghiệp: Trung tâm môi trường sinh
thaí ..., Trung tâm Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy (nay là Viện Nghiên cứu cây
nguyên liệu giấy thuộc Tổng công ty giấy Việt Nam), các trung tâm, các viện của
Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp là các tổ chức nghiên cứu khoa học lâm nghiệp
về các lĩnh vực khác nhau về lâm nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực về môi trường
sinh thái rừng, về quản lý, kinh tế lâm nghiệp.. Các tổ chức này đã thu hút được
nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật lâm nghiệp đang làm việc tại các cơ quan đơn vị
hay đã nghỉ hưu vào nghiên cứu lâm nghiệp khá hiệu quả.
- Tham gia nghiên
cứu khoa học lâm nghiệp còn có các đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau
trong ngành lâm nghiệp, như: Viện Điều tra quy hoạch rừng, 3 trung tâm kỹ thuật
bảo vệ rừng (thuộc Cục Kiểm lâm). (Kiểm lâm vùng 1 ở Quảng Ninh, vùng 2 ở Thanh
Hoá và vùng 3 ở Thành phố Hồ Chí Minh), Các trường trung cấp và trường công
nhân kỹ thuật lâm nghiệp, Các Vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc
trung ương và địa phương.
Các cơ sở sự nghiệp
thuộc các ngành khác, như các khoa lâm nghiệp của Đại học Nông lâm Thái nguyên,
Đại học Nông lâm Huế, Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Tây Nguyên và một
số trường khác như Đại học Nông nghiệp I, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Quốc gia
Hà Nội… , Các viện nghiên cứu như Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện
nghiên cứu rau quả, Viện Thổ nhưỡng nông hoá, Viện Chính sách và chiến lược
phát triển nông nghiệp nông thôn… cũng tham gia nghiên cứu các đề tài và trực
tiếp phục vụ các chương trình quốc gia về Lâm nghiệp như Chương trình 327, 661…
- Các cơ sở thuộc
khối sản xuất kinh doanh, như: Công ty Giống lâm nghiệp, Tổng Công ty lâm nghiệp
Việt Nam.. cũng triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu về các lĩnh vực khác
nhau, đặc biệt trên các lĩnh vực về giống như: chọn giống, nhân giống, xây dựng
vườn giống, rừng giống và nghiên cứu các loài cây cung cấp nguyên liệu giấy.
- Tham gia nghiên
cứu khoa học lâm nghiệp còn có các cơ sở ở các địa phương: Nông lâm trường thực
nghiệm, Trung tâm khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Khuyến
lâm, Lâm trường thực nghiệm… có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến nghiên cứu
khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ hay phổ cập…
Nhiều tổ chức quốc
tế đã quan tâm đến nghiên cứu lâm nghiệp và hỗ trợ, hợp tác với các đối tác
trong nước thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu lâm nghiệp, điển hình như:
FAO, CIFOR, APAFRI, ACIAR, CSIRO, DANIDA, JICA, SIDA, SAREC, UNDP, IUCN, TBI,
GTZ…
b) Nguồn lực nghiên cứu:
- Nguồn nhân lực:
Trong những năm gần đây, việc đào tạo cán bộ nghiên cứu, giảng dạy ở trong và
ngoài nước được tăng cường mạnh mẽ và đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ trẻ trong các cơ
quan nghiên cứu, trường đại học tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, cán bộ đầu đàn
trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu lâm nghiệp (như: lâm học), vẫn còn thiếu hoặc
chưa tự khẳng định mình. Năng lực nghiên cứu của cán bộ trẻ vẫn chưa đồng đều
và số cán bộ nghiên cứu giỏi chưa nhiều.
- Trang thiết bị
nghiên cứu nhìn chung còn lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực và hoặc so với
các lĩnh vực nông nghiệp trong nước. Ngành Lâm nghiệp chưa có phòng thí nghiệm
trọng điểm Quốc gia hoặc được đầu tư lớn, tập trung.
c) Cơ chế quản lý nghiên cứu:
- Cơ chế quản lý
khoa học và công nghệ đã có nhiều đổi mới, nhất là sau khi Luật Khoa học và
Công nghệ ra đời; việc xác định kế hoạch nghiên cứu đã được chuyển từ hình thức
giao nhiệm vụ sang tuyển chọn và đấu thầu công khai, tạo sự cạnh tranh lành mạnh
và bình đẳng giữa các thành phần tham gia nghiên cứu và góp phần nâng cao hiệu
quả nghiên cứu. Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ 2010 và Nghị định
115/2005/NĐ-CP của Chính phủ đã đề cập và qui định cơ chế tự chủ, tự chịu trách
nhiệm của tổ chức khoa học công nghệ công lập.
- Về thực hiện các
chương trình, đề tài nghiên cứu: Trước 1980, các đề tài được tập hợp thành các
chương trình của ngành; từ năm 1981, các chương trình tiến bộ kỹ thuật có mục
tiêu được xây dựng theo 2 cấp: Nhà nước và ngành. Ngoài các Chương trình trọng
điểm cấp Nhà nước và cấp ngành còn các đề tài độc lập và các nhiệm vụ nghiên cứu
thường xuyên. Thiếu các chương trình nghiên cứu dài hạn phù hợp với đặc thù của
ngành lâm nghiệp là cây dài ngày gây khó khăn không nhỏ cho quá trình xây dựng
kế hoạch nghiên cứu hàng năm.
- Công tác quản lý
nghiên cứu có sự phân công ngày càng rõ hơn giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và
các Bộ chuyên ngành cũng như việc phân cấp giữa các nhiệm vụ cấp Nhà nước, cấp
ngành và cấp cơ sở.
- Cơ chế quản lý
tài chính trong nghiên cứu chậm được đổi mới, chưa khuyến khích hoạt động khoa
học công nghệ và thu hút tài năng; đặc điểm này càng rõ trong nghiên cứu lâm
nghiệp, vì đây là lĩnh vực đặc thù với nhiều khó khăn về địa bàn, thời gian dài
và rủi ro lớn.
- Cơ chế kiểm tra,
đánh giá, nghiệm thu... tuy có nhiều cải tiến nhưng vẫn nặng về thủ tục và hình
thức.
- Thiếu cơ chế quản
lý kết quả nghiên cứu để bảo đảm các kết quả nghiên cứu được sử dụng hiệu quả,
thiếu sự phối hợp với mạng lưới khuyến lâm để đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Thiếu hệ thống quản lý thông tin để phục vụ các đối tượng khác nhau như nhà quản
lý, hoạch định chính sách, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo và các cơ sở sản xuất
kinh doanh.
3.
Mục tiêu, nội dung Chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp tới năm 2020
a) Mục tiêu
- Mục tiêu tổng
quát
Nghiên cứu lâm
nghiệp nhằm góp phần định hướng phát triển lâm nghiệp, thực hiện có hiệu quả
Chiến lược phát triển lâm nghiệp và kế hoạch tổng thể nghiên cứu nông nghiệp Việt
Nam tới năm 2020; phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp,
nông thôn Việt Nam tới năm 2020.
- Mục tiêu cụ thể
+ Định hướng phát
triển ngành: Cung cấp cơ sở khoa học định hướng phát triển ngành theo hướng xã
hội hoá nghề rừng, đồng thời phát huy chức năng cung cấp hàng hóa và dịch vụ
môi trường của rừng.
+ Mục tiêu sản xuất
lâm nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học: Nâng cao hiệu quả nghiên cứu, gắn
nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất, nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa
học đối với phát triển của ngành đạt các chỉ tiêu sau:
Nâng cao năng suất
rừng tự nhiên lên 1,5 lần cho nhóm cây có giá trị kinh tế;
Phát triển rừng trồng
sản xuất với một số loài cây chủ lực có năng suất cao và bền vững (tăng 1,5 - 2
lần);
Bảo vệ và phát huy
giá trị phòng hộ của các loại rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn và
phòng hộ ven biển.
Bảo tồn, phát triển
và sử dụng bền vững nguồn đa dạng sinh học, các nguồn gen của rừng, kể cả các
nguồn lâm sản ngoài gỗ;
Cải tiến công nghệ
đảm bảo khai thác tác động thấp đối với rừng tự nhiên, phát triển công nghệ chế
biến gỗ qui mô vừa và nhỏ, đa dạng hoá sử dụng nguồn nguyên liệu.
+ Tăng cường năng
lực nghiên cứu:
Tăng cường năng lực
nghiên cứu và cải tiến hệ thống tổ chức nghiên cứu, kết hợp nghiên cứu với đào
tạo, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm đưa trình
độ khoa học công nghệ lâm nghiệp đạt ngang tầm các nước trong khu vực. Các mục
tiêu cụ thể cần đạt được là:
Hệ thống tổ chức
nghiên cứu phù hợp, có hiệu quả; thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa nghiên cứu
- đào tạo - phổ cập.
Cán bộ nghiên cứu
được đào tạo đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế, có các
cán bộ nghiên cứu đầu ngành đủ năng lực và có tính kế thừa.
Cơ sở hạ tầng và
thiết bị nghiên cứu hiện đại được tăng cường phù hợp với trình độ chung của khu
vực.
Xây dựng hệ thống
công nghệ thông tin, có cơ sở dữ liệu đủ mạnh phục vụ cho nghiên cứu và triển
khai áp dụng các kết quả nghiên cứu lâm nghiệp vào thực tiễn sản xuất.
b) Ưu tiên nghiên cứu:
Căn cứ vào Chiến
lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và Chiến lược phát triển
khoa học công nghệ 2010 đã được phê duyệt, các ưu tiên nghiên cứu được sắp xếp
theo các lĩnh vực và chia theo 3 cấp độ ưu tiên: ưu tiên cao, ưu tiên trung
bình và ưu tiên thấp.
Các vấn đề ưu tiên
nghiên cứu được sắp xếp trong 6 lĩnh vực: 1) Quy hoạch, giám sát, đánh giá rừng
và tài nguyên rừng; 2) Chính sách và thể chế lâm nghiệp; 3) Quản lý rừng bền vững;
4) Môi trường rừng và đa dạng sinh học; 5) Lâm học và kỹ thuật lâm sinh (rừng tự
nhiên, rừng trồng, lâm sản ngoài gỗ); 6) Công nghiệp rừng, Bảo quản và chế biến
lâm sản.
Quy hoạch, giám
sát, đánh giá rừng và tài nguyên rừng, gồm:
+ Quy hoạch sử dụng
rừng và đất lâm nghiệp ở tầm vĩ mô và vi mô.
+ Nghiên cứu và áp
dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến trong điều tra, theo dõi diễn
biến tài nguyên rừng.
+ Xây dựng hệ thống
hồ sơ quản lý, hệ thống các chỉ tiêu đánh giá và giám sát tài nguyên rừng.
Chính sách và thể
chế lâm nghiệp, gồm:
+ Dự báo xu hướng
phát triển lâm nghiệp trong từng giai đoạn (nhu cầu, thị trường, năng lực cung
cấp)
+ Tổng kết thực tiễn,
đánh giá tình hình thực hiện các cơ chế chính sách và các chương trình, dự án lớn,
đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách mới về lâm nghiệp, như: chính sách về
xã hội hóa ngành lâm nghiệp, giao đất, giao rừng; các chính sách về cơ chế chia
sẻ lợi ích từ rừng, chính sách đầu tư, tín dụng và dịch vụ môi trường rừng, về
vai trò của rừng trong việc xóa đói giảm nghèo và đóng góp của ngành trong nền
kinh tế quốc dân...
+ Hệ thống quản lý
nhà nước về lâm nghiệp, hệ thống quản lý rừng và tổ chức sản xuất về lâm nghiệp,
hệ thống các định mức kinh tế kỹ thuật ngành lâm nghiệp...
+ Phát triển lâm
nghiệp trong cơ chế thị trường.
Quản lý rừng bền vững,
gồm:
+ Các hình thức quản
lý và phát triển các loại rừng.
+ Các phương thức
khai thác sử dụng rừng bền vững, kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng.
+ Xây dựng bộ tiêu
chuẩn quốc gia về quản lí rừng bền vững.
Môi trường rừng và
đa dạng sinh học, gồm:
+ Rừng với bảo vệ
môi trường, biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Khả năng phòng hộ của
các loại rừng.
+ Lượng giá các
giá trị của rừng về môi trường và cảnh quan.
+ Đa dạng sinh học
rừng tự nhiên và nâng cao tính đa dạng sinh học rừng trồng.
+ Bảo tồn, sử dụng
các nguồn gien các loài động, thực vật bản địa quý hiếm.
+ Nghiên cứu phát
triển lâm nghiệp đô thị.
Lâm học và kỹ thuật
lâm sinh, gồm:
+ Rừng tự nhiên: đặc
điểm các hệ sinh thái rừng tự nhiên chủ yếu ở Việt Nam; Hệ thống các kỹ thuật
lâm sinh nhằm nâng cao chất lượng rừng tự nhiên bị thoái hoá theo hướng thâm
canh; kỹ thuật khai thác bền vững rừng tự nhiên và phục hồi rừng sau khai thác.
+ Rừng trồng: cơ sở
khoa học xác định một số loài cây kinh tế chủ lực cho các vùng sinh thái; cải
thiện giống các loài cây trồng chủ yếu (năng suất, chất lượng và tính chống chịu);
thâm canh rừng trồng sản xuất (gỗ nhỏ và gỗ lớn); cơ sở khoa học và hệ thống kỹ
thuật xây dựng rừng phòng hộ; các giải pháp kỹ thuật trồng rừng và xúc tiến tái
sinh phục hồi rừng cho một số hệ sinh thái đặc thù (rừng ngập mặn, rừng khộp);
các giải pháp quản lý, phòng trừ sâu bệnh hại rừng, cháy rừng.
+ Lâm sản ngoài gỗ:
đánh giá tài nguyên lâm sản ngoài gỗ (LSNG); khai thác và phát triển bền vững
LSNG quy mô hộ gia đình và trang trại; gây trồng, chế biến, bảo quản các loài
lâm sản có giá trị kinh tế và có tiềm năng phát triển.
Công nghiệp rừng,
bảo quản và chế biến lâm sản, gồm:
+ Xây dựng cơ sở dữ
liệu về đặc tính gỗ và LSNG Việt Nam.
+ Đánh giá tiềm
năng phát triển các nguồn nguyên liệu gỗ và LSNG. Đa dạng hóa sử dụng nguồn
nguyên liệu.
+ Công nghệ khai
thác lâm sản tác động thấp rừng tự nhiên; ứng dụng các công nghệ tiên tiến
trong khai thác rừng trồng.
+ Công nghệ bảo quản
và thuốc bảo quản lâm sản an toàn với môi trường.
+ Công nghệ chế biến
lâm sản quy mô vừa và nhỏ.
+ Xây dựng hệ thống
tiêu chuẩn về gỗ và sản phẩm gỗ.
Giai đoạn 2008 -
2010, dành ưu tiên cao cho các chủ đề: xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá và
giám sát tài nguyên rừng; chính sách giao đất, giao rừng, đồng quản lí các loại
rừng và dịch vụ môi trường rừng, chính sách hưởng lợi, phát triển lâm nghiệp xã
hội, định giá rừng, xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản lí rừng bền vững,
lượng giá giá trị môi trường của rừng và cảnh quan, quản lí thiên tai và rủi ro
môi trường; cải thiện giống; thâm canh rừng trồng cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ
và cải tạo rừng tự nhiên và rừng trồng nhằm cung cấp gỗ lớn; đánh giá thị trường
lâm sản, nghiên cứu phát triển công nghệ bảo quản, chế biến lâm sản quy mô vừa
và nhỏ...
c) Tăng cường năng lực nghiên cứu
- Sắp xếp hệ thống
tổ chức nghiên cứu
+ Mục tiêu chính của
sắp xếp hệ thống tổ chức nghiên cứu là nâng cao hơn nữa hiệu quả nghiên cứu, hạn
chế trùng lặp trong các đề tài nghiên cứu. Những vấn đề trọng yếu được quan tâm
là:
Định rõ chức năng,
nhiệm vụ của từng tổ chức nghiên cứu, từng bước định hình các “mũi nhọn” của
các tổ chức nghiên cứu trong toàn hệ thống nghiên cứu khoa học lâm nghiệp.
Thu hút mọi nguồn
nhân lực trong toàn hệ thống trong nghiên cứu khoa học lâm nghiệp thông qua sự
phối kết hợp trong nghiên cứu, tổ chức tốt thông tin nghiên cứu, đào tạo..
Sắp xếp hệ thống tổ
chức nghiên cứu trong toàn quốc và trong từng cơ quan nghiên cứu cho phù hợp với
tình hình, nhiệm vụ mới.
+ Mối quan hệ phối
hợp của các tổ chức nghiên cứu:
Hệ thống nghiên cứu
nông nghiệp (bao gồm lâm nghiệp) hiện nay được tổ chức theo ba cấp: cấp quốc
gia, cấp vùng và cấp tỉnh. Xu hướng sắp xếp hệ thống tổ chức nghiên cứu nông
nghiệp sẽ giảm dần cơ quan nghiên cứu ở Trung ương, mở rộng cơ quan nghiên cứu
cấp vùng và cấp tỉnh.
Ở Trung ương, Viện
Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam là viện nghiên cứu đầu ngành về lâm nghiệp. Viện
đã hình thành hệ thống các trung tâm nghiên cứu chuyên đề, trung tâm vùng, tạo
thành một thể thống nhất trong hệ thống tổ chức nghiên cứu của Viện. Trong thời
gian tới, từng bước nâng cao tính độc lập và tự chủ của các trung tâm nghiên cứu
này nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tế phát triển của ngành.
Khuyến khích phát
triển và hoạt động của các tổ chức nghiên cứu khoa học lâm nghiệp khác, ngoài
Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam, nhất là các tổ chức nghiên cứu ngoài nhà nước.
Ở các địa phương
và cơ sở, khuyến khích các nghiên cứu mang tính tổng kết thực tiễn, khuyến
khích các thành phần kinh tế cùng tham gia nghiên cứu lâm nghiệp; có thể hình
thành các trung tâm nghiên cứu ở những nơi có nhu cầu cấp thiết và có đủ điều
kiện về nguồn lực.
Đưa nhiệm vụ
nghiên cứu khoa học lâm nghiệp như một nhiệm vụ thường xuyên của mình đối với
các tổ chức trong hệ thống các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, các Công
ty lâm nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Tăng cường sự phối
hợp giữa các cơ quan nghiên cứu thông qua hệ thống thông tin nghiên cứu chia sẻ
chung, cùng tham gia các chương trình nghiên cứu, các đề tài nghiên cứu có yêu
cầu trên diện rộng hay đa ngành, đa lĩnh vực...
+ Với việc hình
thành các tổ chức nghiên cứu đa dạng, từng bước xác định rõ hơn chức năng, nhiệm
vụ của từng tổ chức nghiên cứu cho phù hợp và thiết lập mối quan hệ của hệ thống
tổ chức nghiên cứu.
Viện Khoa học Lâm
nghiệp Việt Nam phải ưu tiên và hướng tới các nghiên cứu đón đầu, có tính đột
phá, lâu dài và cơ bản hơn, mang ý nghĩa chiến lược. Viện/Trung tâm vùng chủ yếu
tập trung nghiên cứu các vấn đề cụ thể, trước mắt của vùng và kết hợp nghiên cứu
những vấn đề về phát triển chiến lược của vùng.
Các trường đại học,
ngoài nhiệm vụ tham gia nghiên cứu phục vụ sản xuất, hướng tới những nghiên cứu
có tính chất cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và hoàn thiện các
giáo trình.
+ Từng bước hoàn
thiện cơ cấu tổ chức nghiên cứu trong cùng một Viện/ Trung tâm cho phù hợp với
đặc thù nghiên cứu lâm nghiệp. Phát triển các trung tâm nghiên cứu trên từng
lĩnh vực, các nghiên cứu chuyên đề, các trung tâm vùng, các trung tâm chuyển
giao kỹ thuật. Có thể hình thành các tổ chức nghiên cứu linh hoạt trong một thời
gian nhất định như các nhóm nghiên cứu chuyên đề và đa lĩnh vực...
+ Chú trọng xây dựng
quan hệ hợp tác trong nghiên cứu, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa viện
nghiên cứu với các trường đại học, các viện vùng và phát triển quan hệ hợp tác
với các tổ chức trong và ngoài ngành, các tổ chức phi chính phủ.
+ Chuyển đổi mạnh
hệ thống quản lý về kế hoạch và tài chính các tổ chức nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu
mới của các tổ chức khoa học công nghệ tự trang trải kinh phí và doanh nghiệp
khoa học. Các tổ chức nghiên cứu phải hướng tới đa lĩnh vực, có năng lực cạnh
tranh, tham gia đấu thầu các đề tài, dự án trong nước và quốc tế, có uy tín để
liên doanh, liên kết trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
- Phát triển nguồn
nhân lực
Đào tạo nguồn nhân
lực cho nghiên cứu lâm nghiệp theo những định hướng cơ bản sau:
+ Đào tạo toàn diện,
chuyên sâu và đồng bộ: đào tạo chuyên sâu ưu tiên ở các cơ quan nghiên cứu
Trung ương, đào tạo toàn diện ưu tiên cho các cán bộ nghiên cứu ở địa phương.
+ Đào tạo đồng bộ
và hài hoà giữa cán bộ nghiên cứu có học vị như Thạc sỹ, Tiến sỹ với các Kỹ sư
thực hành, các Kỹ thuật viên.
+ Chú trọng đúng mức
đào tạo nguồn nhân lực nữ trong nghiên cứu.
+ Đào tạo nguồn
nhân lực cho các Viện, cơ quan nghiên cứu phải đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng
đào tạo ở các trường đại học, nhất là các trường đại học lâm nghiệp, nông - lâm
nghiệp.
- Tăng cường hạ tầng
cơ sở và thiết bị nghiên cứu
Tăng cường hạ tầng
cơ sở và thiết bị nghiên cứu, đặc biệt quan tâm tới các hiện trường thí nghiệm,
rừng thí nghiệm, các hệ thống vườn ươm, vườn sưu tập, vườn giống, các cơ sở
nghiên cứu ở địa phương, ở các trung tâm vùng, viện vùng. Những hiện trường nghiên
cứu định vị, đặc biệt đối với rừng tự nhiên, phải được duy trì lâu dài.
Nghiên cứu, đề xuất
cơ chế quản lý và sử dụng rừng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở nghiên cứu
khoa học và rừng nghiên cứu khoa học tại các cơ sở sản xuất hay sự nghiệp khác.
Tăng cường thiết bị
nghiên cứu theo hướng tiếp cận tới những phương pháp nghiên cứu hiện đại, tiên
tiến, trong đó:
+ Ưu tiên các thiết
bị hiện đại cho các tổ chức nghiên cứu ở Trung ương.
+ Dành các thiết bị
phù hợp với các nghiên cứu thông thường và chuyên dụng bố trí nghiên cứu hiện
trường ở địa phương và cơ sở.
+ Thiết bị nghiên
cứu hiện đại gắn với việc đào tạo các chuyên gia, kỹ thuật viên lành nghề.
- Phát triển hệ thống
thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu nghiên cứu theo các định hướng cơ bản sau:
+ Đầu tư xây dựng
các hệ thống thông tin cần thiết như thư viện, mạng internet, mạng LAN, trang
Web để hình thành hệ thống mạng lưới thông tin có thể cập nhật được từ bên
ngoài và trong nội bộ cơ quan nghiên cứu.
+ Xây dựng cơ sở dữ
liệu trong lâm nghiệp, đặc biệt trong nghiên cứu và xây dựng các hiện trường
nghiên cứu dài hạn (long-term sites) phục vụ các nghiên cứu dài hạn, đa ngành.
Quy định cụ thể những
thông tin, các cơ sở dữ liệu cần được cập nhật trong hệ thống thông tin nghiên
cứu lâm nghiệp sau nghiệm thu mỗi đề tài do ngân sách nhà nước đầu tư.
- Xây dựng kế hoạch
thực hiện chiến lược
Kế hoạch xây dựng
phải hướng tới giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời phải chú trọng
các vấn đề nghiên cứu cơ bản, lâu dài và dự báo vấn đề mới trong tương lai. Xây
dựng kế hoạch dài hạn và trung hạn, đón trước các yêu cầu của sản xuất, đảm bảo
sự đồng bộ và mang tính kế thừa.
Nghiên cứu lâm
nghiệp không chỉ giải quyết các vấn đề kỹ thuật mà cả các vấn đề xã hội, giải
quyết đồng bộ từ khâu đầu (gây trồng) đến khâu cuối (tiêu thụ), kế hoạch chiến
lược phải chỉ ra được tầm quan trọng của mạng lưới nghiên cứu (research
network) và hợp tác nghiên cứu giữa các đơn vị trong mỗi cơ quan, giữa các tổ
chức nghiên cứu trong và ngoài nước.
- Áp dụng công nghệ
hiện đại vào nghiên cứu
Áp dụng các công
nghệ, kỹ thuật hiện đại, phù hợp vào thực hiện các đề tài nhằm tăng hiệu quả,
chất lượng và độ tin cậy khoa học của các kết quả nghiên cứu như công nghệ sinh
học trong chọn giống, lai tạo giống, nhân giống, đánh giá đa dạng di truyền cho
bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học (kỹ thuật chuyển gen, Isoenzyme, chỉ thị
phân tử), bảo vệ thực vật (chế phẩm sinh học), sử dụng đồng vị phóng xạ trong
nghiên cứu môi trường, công nghệ mới trong bảo quản, chế biến lâm sản… Sớm tiếp
cận với các công nghệ hiện đại trong đánh giá diễn biến tài nguyên rừng, kiểm
soát lửa rừng.
- Tiếp cận thông
tin nghiên cứu
Tăng cường tiếp cận
với các nguồn thông tin trong nước và quốc tế. Các số liệu, tài liệu nghiên cứu
của các nhà nghiên cứu hoặc của các cơ quan nghiên cứu được quản lý và tạo cơ hội
chia sẻ, để mọi người được quyền sử dụng khi có nhu cầu.
Các nguồn thông
tin luôn được bổ sung, lưu trữ và chuyển giao.
Các nhà nghiên cứu
tiếp cận và cập nhật đầy đủ các nguồn thông tin mới nhất thông qua nắm vững các
kỹ năng sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại.
Tiếp cận các kiến
thức bản địa từ người dân địa phương trong các lĩnh vực liên quan tới nghề rừng
và quản lý rừng.
- Mở rộng quan hệ
hợp tác quốc tế
Xem phát triển
quan hệ quốc tế là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo cơ hội thuận lợi thực hiện các
mục tiêu đã đề ra. Phát triển hợp tác quốc tế đi theo các định hướng sau:
+ Xác định rõ các
nước, tổ chức quốc tế và thế mạnh của họ để xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài,
cùng có lợi trên cơ sở mối quan tâm chung. Có thể phân chia thành các nhóm chủ
yếu như:
Các nước trong khu
vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Các nước có nền
khoa học lâm nghiệp tiên tiến: Ôxtrâylia, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Pháp, New
Zealand, Mỹ, Canađa, Đức…
Các tổ chức quốc tế
và đối tác tài trợ: FAO, UNDP, IUFRO, APAFRI, CIFOR, IDRC, ACIAR, Tropenbos, Quỹ
FORD, JICA, INBAR, IPGRI, GTZ…
+ Đẩy mạnh hợp tác
nghiên cứu song phương và đa phương, đặc biệt các nghiên cứu thuộc lĩnh vực cải
thiện giống, lai giống, chế biến lâm sản, môi trường rừng, đa dạng sinh học.
+ Đẩy mạnh đào tạo
cán bộ thông qua hoạt động hợp tác quốc tế. Khuyến khích xây dựng và tham gia
thực hiện các dự án hợp tác quốc tế, coi đó là cơ hội tiếp cận thông tin mới,
phương pháp nghiên cứu và công nghệ hiện đại, học hỏi kinh nghiệm, bổ sung kinh
phí.
- Đẩy mạnh chuyển
giao công nghệ
Các đề tài nghiên
cứu phải có đầu ra và kết quả rõ ràng (có mô hình rừng trồng thí nghiệm, giống
mới, công nghệ mới, máy móc mới…) có sức thuyết phục. Một số kết quả nghiên cứu
cần thiết phải được chuyển thành các quy trình hay hướng dẫn kỹ thuật để có cơ
hội chuyển giao. Các kỹ thuật, kết quả mới phải sớm được triển khai từ diện thí
nghiệm ra các khảo nghiệm lớn hơn. Các đề tài có kết quả nghiên cứu khả quan,
có nhu cầu triển khai tiếp được ưu tiên trong việc bố trí kế hoạch nghiên cứu,
nhất là trong ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Tăng cường đội ngũ
khuyến lâm để họ vừa là người tuyên truyền, quảng bá công nghệ đến người mua, vừa
là người chuyển giao, thông qua các lớp tập huấn, hướng dẫn.
Đẩy mạnh việc liên
kết giữa nhà nghiên cứu, người trồng rừng, đội ngũ khuyến lâm và các cơ sở chế
biến sao cho các nghiên cứu có mục tiêu cụ thể và thực tế hơn, đáp ứng các yêu
cầu của sản phẩm và người sản xuất. Đặc biệt lưu ý tới các lâm trường, công ty
trồng rừng nguyên liệu, các trang trại vì đây là nơi áp dụng nhanh các kết quả
có triển vọng.
Liên kết nghiên cứu
với các cơ sở giáo dục, đào tạo nhằm bổ sung kết quả mới vào giáo trình giảng dạy
đại học, cao học ở các trường đại học, dạy nghề và bổ sung kiến thức mới cho
sinh viên, học viên. Mối liên kết này được triển khai thông qua các đề tài
nghiên cứu hợp tác và các chuyên đề giảng dạy.
Chuyển giao công
nghệ là một nhiệm vụ cấp bách của các tổ chức, các cơ quan nghiên cứu trong thời
gian tới.
- Giám sát và đánh
giá
Các chương trình,
đề tài, dự án nghiên cứu hiện đã được các cơ quan quản lý của các Bộ, Hội đồng
khoa học Bộ và các cơ quan nghiên cứu giám sát, đánh giá định kỳ và nghiệm thu
kết thúc. Trong quá trình đánh giá chú ý xem xét điều chỉnh mục tiêu, nội dung
nghiên cứu cho phù hợp; đánh giá lợi ích và kết quả mong đợi của đề tài làm cơ
sở đánh giá hiệu quả của đề tài khi kết thúc. Chú trọng sự tham gia của người sử
dụng kết quả đề tài khi đánh giá. Sản phẩm của đề tài và kết quả chuyển giao
vào sản xuất phải được đặc biệt chú ý trong khi đánh giá đề tài.
4.
Các giải pháp thực hiện Chiến lược
a) Giải pháp
về tổ chức
- Tạo lập các mạng lưới nghiên cứu lâm nghiệp ở Trung ương và ở các vùng để trao
đổi thông tin, phối hợp cộng tác trong nghiên cứu, đề xuất các nội dung nghiên
cứu đa ngành. Mạng lưới được đặt trong mối quan hệ với các Cục, Vụ của các Bộ,
các cơ sở cấp tỉnh.
- Xác định rõ hơn
chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu đặc thù và chủ yếu của các tổ chức nghiên cứu.
- Hình thành các
cơ chế hợp tác thông qua các bản thoả thuận, ghi nhớ giữa các đơn vị nghiên cứu
và đào tạo, phát triển mối quan hệ hợp tác song phương dưới nhiều hình thức.
- Định hình các tổ
chức nghiên cứu phù hợp để chuyển đổi thành các doanh nghiệp khoa học hoặc tổ
chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí vào năm 2008 - 2009.
b) Giải pháp về phát triển nguồn lực
- Phát triển nguồn
nhân lực
+ Xây dựng kế hoạch
dài hạn và thực hiện các chính sách đào tạo cán bộ nghiên cứu, đặc biệt là cán
bộ trẻ và cán bộ nữ. Đào tạo cán bộ trẻ thông qua các lớp tập huấn (phương pháp
nghiên cứu, các chuyên đề nghiên cứu...), tạo điều kiện cho cán bộ trẻ tham gia
cộng tác hoặc chủ trì các đề tài trong nước và hợp tác quốc tế. Đẩy mạnh quá
trình tự đào tạo của các cán bộ trẻ và coi đó là trách nhiệm của chính họ.
Từng bước bố trí
cán bộ nghiên cứu tham gia thường xuyên vào các hoạt động thực tiễn sản xuất và
giảng dạy và ngược lại.
+ Lựa chọn các
lĩnh vực ưu tiên để đào tạo cán bộ nữ, đặc biệt trong giảng dạy, nghiên cứu
như: Công nghệ sinh học, chế biến lâm sản, kinh tế chính sách và môi trường rừng.
+ Quy hoạch đào tạo,
phân công, sử dụng cán bộ hợp lý là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan
nghiên cứu và được thể hiện trong các kế hoạch cụ thể.
+ Xây dựng các giải
pháp nâng cao chất lượng đào tạo ở các Trường đại học và trung cấp.
- Phát triển hạ tầng
cơ sở nghiên cứu: có kế hoạch và giải pháp bảo vệ, duy trì và theo dõi các hiện
trường nghiên cứu định vị, lâu dài.
- Tăng cường thiết
bị nghiên cứu gắn với đào tạo chuyên gia, kỹ thuật viên lành nghề và sử dụng hiệu
quả thiết bị nghiên cứu đã có trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với các đề tài nghiên
cứu và hợp tác trong sử dụng thiết bị. Ưu tiên các đề tài nghiên cứu có liên
quan tới sử dụng trang thiết bị hiện đại ở các cơ sở đã được trang bị.
- Giải quyết tốt vấn
đề kinh phí dành cho bảo dưỡng thiết bị thông qua nguồn kinh phí được cấp và
đóng góp từ các đề tài hoặc từ việc bán các sản phẩm nghiên cứu.
c) Giải pháp về nguồn vốn
- Bên cạnh nguồn
kinh phí từ ngân sách nhà nước, tăng cường huy động nguồn kinh phí từ các nhà sản
xuất, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ trong và ngoài nước để tăng thêm nguồn
kinh phí cho các công trình nghiên cứu lâm nghiệp.
- Nâng cấp đội ngũ
cán bộ khoa học, cơ sở vật chất và định hướng nghiên cứu phù hợp với kinh tế thị
trường, thông qua đó đáp ứng các nhu cầu thực tiễn sản xuất và thu hút kinh phí
đầu tư, tạo mối liên kết với sản xuất. Tổ chức các nhóm nghiên cứu (Research
team) đa ngành, năng động, triển khai các đề tài nghiên cứu có hiệu quả, thích ứng
với đòi hỏi của các doanh nghiệp, các nhà tài trợ.
- Liên kết chặt chẽ
giữa các cơ sở nghiên cứu, các viện với các trường đại học và cơ sở đào tạo để
phối hợp, cộng tác nghiên cứu.
d) Giải pháp về chính sách hỗ trợ
Thực hiện tốt các
chính sách của Nhà nước:
- Chính sách khuyến
khích các nhà nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học
đầu đàn (GS, PGS, TS), các nhà khoa học nữ phát huy năng lực nghiên cứu của
mình.
- Chia sẻ chi phí
nghiên cứu và chia sẻ lợi ích thu được từ nghiên cứu (đóng góp của nhà sản xuất
và công nghiệp vào nghiên cứu…). Thực hiện nghiêm túc quyền tác giả, quyền sở hữu
trí tuệ trong nghiên cứu.
- Chính sách khuyến
khích các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1.
Tiến độ thực hiện
Chiến lược nghiên
cứu lâm nghiệp được thực hiện theo 2 giai đoạn: 2008-2010 và 2011-2020
a) Giai đoạn 2008-2010:
- Hoàn thiện, phê
duyệt và giới thiệu văn bản chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp tới các đối tác,
các cơ quan Trung ương và địa phương.
- Thực hiện các nội
dung của chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp và xây dựng kế hoạch hành động nghiên
cứu lâm nghiệp.
- Thiết lập mạng
lưới nghiên cứu lâm nghiệp, mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu, giảng
dạy có liên quan tới lĩnh vực lâm nghiệp.
- Xác định các nguồn
kinh phí cho nghiên cứu, tiếp cận với các đối tác, các nhà đầu tư trong và
ngoài nước, phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, đặc biệt
với các tổ chức quốc tế có quan hệ truyền thống với Việt Nam như tổ chức SIDA,
ACIAR, JICA, Tropenbos, FAO, UNDP, IUFRO, APAFRI, IUCN, CIFOR, Quỹ FORD...
- Công bố rộng rãi
các chủ đề, đề tài nghiên cứu và tuyển chọn các cơ quan, cá nhân thực hiện. Đẩy
mạnh việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
- Tổng kết đánh
giá hiệu quả của chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp giai đoạn 2008-2010. Định hướng
lại, bổ sung và điều chỉnh chiến lược giai đoạn 2011-2020 cho phù hợp với thực
tiễn phát triển của xã hội và ngành lâm nghiệp, đặc biệt về mục tiêu, các lĩnh
vực ưu tiên nghiên cứu trong giai đoạn mới.
b) Giai đoạn 2011-2020
- Tổ chức thực thi
các đề tài nghiên cứu giai đoạn mới.
- Ổn định hệ thống
tổ chức nghiên cứu.
- Tập trung thực
hiện các giải pháp nâng cao tiềm lực và trình độ nghiên cứu ngang tầm các nước
trong khu vực, chú trọng các viện nghiên cứu và trung tâm vùng.
- Đánh giá kết quả
thực hiện chiến lược trong toàn giai đoạn 2008-2020, đóng góp khoa học công nghệ
trong việc hoàn thành chiến lược phát triển ngành và tỷ trọng GDP.
2.
Kết hợp chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp với các chiến lược, kế hoạch hành động
quốc gia có liên quan
Trong quá trình thực
hiện chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp, luôn xem xét kết hợp với chiến lược phát
triển ngành, những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn sản xuất thông qua các chương
trình phát triển và hỗ trợ ngành, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, kế hoạch tổng
thể nghiên cứu nông nghiệp Việt Nam, kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học
Việt Nam, chiến lược quản lý đất ngập nước ở Việt Nam và các chiến lược khai
thác có liên quan đến tài nguyên rừng và ngành lâm nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi
trường trong việc thực hiện các chương trình của chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp
với các chương trình hành động quốc gia về bảo vệ và phát triển rừng, môi trường
sinh thái và bảo vệ phát triển đa dạng sinh học.
3.
Phân công trách nhiệm và phối hợp thực hiện chiến lược
- Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên
và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính... và Uỷ ban nhân dân các tỉnh
xây dựng kế hoạch nghiên cứu để thực hiện chương trình nghiên cứu lâm nghiệp
cho cả giai đoạn chiến lược và từng năm.
- Viện Khoa học
lâm nghiệp Việt Nam, các tổ chức nghiên cứu khoa học lâm nghiệp khác, các tổ chức
có tham gia nghiên cứu khoa học lâm nghiệp cụ thể hoá chiến lược này thành những
nhiệm vụ cụ thể, khai thác mọi nguồn kinh phí hợp pháp cho nghiên cứu và đầu tư
xây dựng tiềm lực nghiên cứu.
4.
Giám sát và đánh giá việc thực hiện chiến lược
Hàng năm, căn cứ
vào các mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các
Bộ, Ngành liên quan và UBND các tỉnh đánh giá thực hiện chiến lược nghiên cứu lâm
nghiệp 2008 - 2020 và việc thực hiện kế hoạch hành động cho từng năm. Năm 2010,
tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chiến lược giai đoạn 2008 - 2010 và chuẩn bị
định hướng, điều chỉnh kế hoạch cho giai đoạn sau.
Điều 3. Quyết định
này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Chánh Văn
phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục trưởng Cục Lâm
nghiệp, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hứa Đức Nhị
|