THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số : 78/2007/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm
2007
|
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHÒNG, CHỐNG ĐỘNG ĐẤT, SÓNG THẦN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm
2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Trưởng
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phòng, chống động đất,
sóng thần.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày
đăng Công báo. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ
đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm
tra việc thực hiện Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Chủ
tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- VP Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương;
- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, các đơn vị trực thuộc, Website CP, Công
báo;
- Lưu: Văn thư, NN (5).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|
QUY CHẾ
PHÒNG,
CHỐNG ĐỘNG ĐẤT, SÓNG THẦN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 78/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2007của
Thủ tướng Chính phủ)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng
áp dụng
1. Quy chế này quy định việc tổ chức công
tác phòng, chống động đất, sóng thần, bao gồm các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó
và khắc phục hậu quả khi xảy ra động đất, sóng thần.
2. Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá
nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.
Điều 2. Phân vùng động đất, sóng thần
1. Việc phân vùng động đất, sóng thần phải
dựa trên cơ sở số liệu quan trắc, tính toán trong nước và tham khảo các số liệu,
kết quả nghiên cứu của khu vực, thế giới để xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng
phó ở các vùng có nguy cơ động đất, sóng thần.
2. Nội dung phân vùng động đất, sóng thần
bao gồm:
a) Xác định những khu vực trên đất liền có
nguy cơ động đất;
b) Xây dựng các kịch bản sóng thần tương ứng
với từng cấp động đất ở các vùng biển có nguy cơ sóng thần;
c) Dự kiến mức độ và phạm vi ảnh hưởng của
động đất, sóng thần đến dân sinh kinh tế, các công trình hạ tầng, công trình kiến
trúc ở từng khu vực.
Điều 3. Quy hoạch phát triển kinh tế -
xã hội trong vùng có nguy cơ động đất, sóng thần
1. Việc lập, phê duyệt quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội tại các vùng có nguy cơ động đất, sóng thần phải khảo sát,
tính toán đến yếu tố tác động của động đất, sóng thần để hạn chế thiệt hại và bảo
đảm phát triển bền vững.
2. Đối với vùng ven biển có nguy cơ sóng thần:
a) Rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch
cho phù hợp để hạn chế ảnh hưởng của sóng thần đối với các khu đô thị, khu dân
cư tập trung, công nghiệp và du lịch ven biển, hải đảo;
b) Xây dựng quy hoạch bảo tồn các cồn cát
ven biển và trồng rừng phòng hộ.
3. Việc xây dựng công trình trong vùng có
nguy cơ động đất phải có giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn, đặc biệt đối với
hồ chứa nước lớn, nhà máy hoá chất độc hại, nhà cao tầng và các công trình cơ sở
hạ tầng khác.
Điều 4. Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng trong vùng có nguy cơ động
đất, sóng thần
1. Xây dựng và ban hành quy chuẩn thiết kế
xây dựng công trình ở các vùng có nguy cơ động đất, sóng thần.
2. Đối với các vùng có nguy cơ động đất,
sóng thần thì mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn thiết kế
xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Điều 5. Xây dựng công trình phòng ngừa
sóng thần
1. Xây dựng
hệ thống báo động trực canh ven biển cho các vùng có nguy cơ cao để tiếp nhận,
xử lý thông tin và phát báo động khi có tin cảnh báo sóng thần.
2. Những vùng có nguy cơ ảnh hưởng sóng thần
phải có quy hoạch, kế hoạch trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; xây dựng,
nâng cấp tuyến đê biển vững chắc đảm bảo phòng, chống bão và giảm tác động của
sóng thần.
3. Hàng năm, Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân
sách để xây dựng, nâng cấp đê biển, trồng rừng phòng hộ ven biển, xây dựng và
duy trì hoạt động các trạm báo động trực canh sóng thần.
Điều 6. Lập phương án phòng, chống động đất,
sóng thần
Đối với những vùng có nguy cơ động đất,
sóng thần, hàng năm các địa phương và các Bộ, ngành liên quan phải xây dựng
phương án phòng tránh, tổ chức diễn tập bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
phương án đảm bảo thông tin liên lạc; tổ chức sơ tán dân; phương án tìm kiếm cứu
nạn và khắc phục hậu quả và vệ sinh môi trường.
Điều 7. Tuyên truyền, giáo dục về động đất,
sóng thần
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục
nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng về động đất, sóng thần và các giải pháp
phòng, tránh.
2. Phương thức tuyên truyền, giáo dục bao gồm:
các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài phát thanh, truyền hình; các tạp
chí, tờ rơi về kiến thức động đất và sóng thần. Đưa kiến thức cơ bản về phòng,
tránh động đất và sóng thần vào chương trình giảng dạy của các cấp học. Tổ chức
hội thảo, tập huấn, tổng kết, rút kinh nghiệm về động đất, sóng thần.
Chương 2:
TỔ CHỨC ỨNG PHÓ KHI XẢY RA ĐỘNG ĐẤT, SÓNG THẦN
Điều 8. Tổ chức thông tin về động đất, cảnh
báo sóng thần
1. Phát tin động đất, cảnh báo sóng thần được
thực hiện thông qua các kênh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt
Nam, hệ thống thông tin nội bộ của các Bộ, ngành, các phương tiện thông tin đại
chúng khác, kể cả việc sử dụng mạng viễn thông để nhắn tin cảnh báo.
2. Khi nhận được tin động đất, cảnh báo
sóng thần của Viện Vật lý Địa cầu thì Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình
Việt Nam có trách nhiệm dừng ngay chương trình đang phát để thực hiện việc phát
tin động đất, cảnh báo sóng thần.
3. Việc báo tin động đất, cảnh báo sóng thần
đến các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng Quy chế báo tin động đất, cảnh
báo sóng thần ban hành kèm theo Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11
năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Khi nhận được tin động đất, cảnh báo
sóng thần, chính quyền địa phương các cấp, các trạm báo động trực canh sóng thần,
Đài phát thanh và truyền hình địa phương, Đài thông tin duyên hải và mọi tổ chức,
cá nhân có trách nhiệm sử dụng mọi phương tiện, thiết bị thông tin hiện có để
thông báo kịp thời tin trên đến cộng đồng trong khu vực bị ảnh hưởng để chủ động
phòng, tránh.
5. Khi kết thúc động đất, sóng thần, cơ
quan báo tin, phát tin phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng
và các cơ quan liên quan như khi phát tin cảnh báo.
Điều 9. Tổ chức ứng phó
1. Viện Vật lý Địa cầu tổ chức trực ban
24/24 giờ để theo dõi, thu thập, xử lý thông tin và phát tin động đất, sóng thần
theo quy định.
2. Các trạm báo động trực canh phải
tổ chức trực ban 24/24 giờ để nhận và phát tin cảnh báo và báo động về động đất,
sóng thần.
3. Ban
Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương trong vùng có nguy cơ xảy ra động đất, sóng thần phải tổ chức trực
ban 24/24 giờ để chỉ đạo các biện pháp ứng phó kịp thời.
4. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão
Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và các cơ quan liên quan tổ chức
trực ban 24/24 giờ để chỉ đạo công tác đối phó và khắc phục hậu quả động đất,
sóng thần.
Điều 10. Tổ chức sơ
tán
1. Khi
nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng
phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.
2. Ủy ban nhân dân các cấp khi nhận được tin
động đất, cảnh báo sóng thần phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến
nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện
trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời có biện pháp bảo đảm
an ninh, trật tự trong khu vực.
Điều 11. Tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn
1. Việc tổ chức tìm kiếm cứu nạn thực hiện
theo Quyết định số 63/2000/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2000 của Thủ tướng Chính
phủ.
2. Ngay sau khi xảy ra động đất, sóng thần,
chính quyền các cấp phải huy động mọi nguồn lực tại chỗ theo quy định để cứu
người bị nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích đồng thời tổng hợp
thông tin và báo cáo khẩn cấp đến cấp có thẩm quyền để chỉ đạo các biện pháp cần
thiết, hạn chế thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra.
Chương 3:
CÔNG TÁC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
Điều 12. Nội dung khắc phục hậu quả động
đất, sóng thần
1. Tiếp tục tìm kiếm người mất tích, cứu chữa
người bị thương, mai táng người chết.
2. Đánh giá nhanh thiệt hại và nhu cầu cứu
trợ khẩn cấp.
3. Bố trí nơi ở tạm cho những người bị mất
nhà cửa.
4. Hỗ trợ
dịch vụ y tế, phòng, chống dịch bệnh cho khu vực bị ảnh hưởng.
5. Cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống,
quần áo và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người bị thiệt hại.
6. Thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường khu vực
bị ảnh hưởng.
7. Hỗ trợ nguồn lực để khôi phục nhà ở; các
công trình cấp điện, cấp nước, trạm y tế, trường học, giải toả ách tắc giao
thông.
8. Hỗ trợ nguồn lực để khôi phục các công
trình thuỷ lợi, giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng khác, hỗ trợ sản xuất
của nhân dân.
9. Đánh giá tổng hợp tình hình, xây dựng kế
hoạch khôi phục sản xuất, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội sau
thiên tai.
Điều 13. Tổ chức khắc
phục hậu quả
1. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm
huy động nguồn lực trên địa bàn để khắc phục hậu quả, đồng thời báo cáo kịp thời
lên cơ quan cấp trên và các cơ quan chức năng có thẩm quyền để chỉ đạo xử lý.
2. Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng
nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả
thuộc Bộ, ngành mình và hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng do động đất, sóng thần
gây ra.
3. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung
ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống và khắc phục hậu
quả khi xảy ra động đất, sóng thần; tổng hợp chung, đề xuất biện pháp xử lý,
báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp cần thiết.
Điều 14. Kinh phí hỗ
trợ khắc phục hậu quả động đất, sóng thần
1. Khi có động đất, sóng thần xảy ra, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của địa
phương để xử lý ngay những vấn đề cấp bách. Trường hợp vượt quá khả năng xử lý
của địa phương thì phải báo cáo kịp thời lên Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước đóng góp, ủng hộ giúp đỡ nạn nhân bị ảnh hưởng để sớm
khắc phục hậu quả.
Chương 4:
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
Điều 15. Trách nhiệm của
Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng động đất, sóng thần
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng động đất, sóng thần có
trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần ban
hành theo Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng
Chính phủ, đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể
sau:
1. Chỉ đạo lập, phê duyệt và quản lý thực
hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương theo thẩm quyền phù hợp
với phân vùng động đất, sóng thần được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Chỉ đạo trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, bảo
tồn cồn cát ven biển; xây dựng, nâng cấp tuyến đê biển để phòng chống bão và
sóng thần; xây dựng và quản lý các trạm báo động trực canh cảnh báo sóng thần.
3. Chỉ đạo lập và tổ chức thực hiện phương
án phòng chống động đất, sóng thần tại địa phương; làm tốt công tác tuyên truyền,
nâng cao nhận thức và phổ biến biện pháp phòng tránh động đất, sóng thần cho cộng
đồng.
4. Tổ chức trực ban thường xuyên để tiếp nhận,
xử lý kịp thời thông tin cảnh báo và chỉ đạo ứng phó khi xảy ra động đất, sóng
thần; tổ chức thực hiện việc sơ tán dân và công tác tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra
động đất, sóng thần.
5. Đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ, tổ
chức khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân vùng bị
thiên tai; đồng thời tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm sau khi xảy ra động đất,
sóng thần.
Điều 16. Trách nhiệm của
các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương
Các Bộ, ngành, cơ quan có trách nhiệm tổ chức
thực hiện tốt Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần ban hành kèm theo
Quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ,
đồng thời thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam
a) Chỉ đạo
Viện Vật lý Địa cầu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao tại Quy chế này và Quy chế
báo tin động đất, cảnh báo sóng thần ban hành theo Quyết định số
264/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và
Môi trường chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xây dựng bản đồ phân vùng động
đất, sóng thần; phê duyệt và công bố kết quả phân vùng để các Bộ, ngành địa
phương thực hiện theo quy định;
c) Chỉ đạo Viện Vật lý Địa cầu báo tin động
đất, cảnh báo sóng thần kịp thời đến Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt
Nam, các doanh nghiệp thông tin di động và các cơ quan hữu quan; thông báo tin
cuối cùng về động đất, sóng thần;
d) Có trách nhiệm bố trí cán bộ, phương tiện,
trang thiết bị theo quy định để Viện Vật lý Địa cầu hoàn thành tốt các nhiệm vụ
được giao.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo
tin động đất, cảnh báo sóng thần theo Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng
thần ban hành theo Quyết định 264/2006/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2006 của Thủ
tướng Chính phủ và thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:
a) Tổ chức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành
về lĩnh vực báo tin động đất, cảnh báo sóng thần;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên
quan xây dựng các kịch bản về cảnh báo sóng thần, trình Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt;
c) Tổ chức quan trắc và truyền số liệu mực nước biển phục
vụ trao đổi quốc tế và phục vụ công tác cảnh báo sóng thần;
d) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến
thức về phòng ngừa, ứng phó động đất, sóng thần;
đ) Chỉ đạo,
hướng dẫn việc xử lý môi trường do động đất, sóng thần gây ra.
3. Bộ Bưu chính, Viễn thông
a) Chỉ đạo các doanh nghiệp Bưu chính, Viễn
thông đảm bảo liên lạc để chuyển kịp thời thông tin cảnh báo về động đất, sóng
thần từ Viện Vật lý Địa cầu đến Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt
Nam và các cơ quan hữu quan; đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo,
điều hành việc phòng, chống và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần;
b) Chỉ đạo
các doanh nghiệp thông tin di động chuyển thông tin cảnh báo động đất và sóng
thần do Viện Vật lý Địa cầu cung cấp đến các thuê bao di động trong khu vực bị ảnh
hưởng dưới hình thức tin nhắn.
4. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình
Việt Nam
a) Xây dựng
phương thức tiếp nhận tin động đất, cảnh báo sóng thần từ Viện Vật lý Địa cầu đến
các Đài, bảo đảm chuẩn xác và kịp thời;
b) Trong
trường hợp khẩn cấp và khả năng động đất, sóng thần có thể gây hậu quả thì phải
dừng ngay các chương trình đang phát để phát tin kịp thời về động đất và cảnh
báo sóng thần;
c) Tăng
cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức cộng đồng về công tác
phòng, tránh động đất, sóng thần;
d) Đưa tin kịp thời về diễn biến, các hoạt
động ứng phó, khắc phục hậu quả động đất, sóng thần; thông báo chỉ đạo của Thủ
tướng Chính phủ, các cơ quan hữu quan về các biện pháp phòng, tránh, ứng
phó và khắc phục hậu quả.
5. Bộ Xây
dựng
a) Chỉ đạo
việc rà soát quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch
phù hợp với phân vùng động đất, sóng thần;
b) Rà
soát, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng công trình phù hợp, đảm bảo
giảm thiểu tác động ảnh hưởng của động đất và sóng thần;
c) Kiểm
tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn
thiết kế xây dựng đối với các vùng có nguy cơ động đất, sóng thần theo quy định.
6. Bộ
Giao thông vận tải
a) Chỉ đạo Đài thông tin Duyên hải thường
trực nhận và phát tin cảnh báo kịp thời về sóng thần; các Trung tâm cứu hộ hàng
hải thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn khi xẩy ra sóng thần;
b) Xây dựng phương án huy động phương tiện
phục vụ sơ tán dân, tìm kiếm, cứu nạn khi xảy ra động đất, sóng thần.
7. Bộ Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo việc đưa kiến thức cơ bản về động đất,
sóng thần và các biện pháp phòng, tránh vào chương trình giáo dục ở các cấp học.
8. Bộ Ngoại giao
a) Chỉ
đạo và hướng dẫn các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại
giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các nước và các tổ
chức quốc tế hợp tác, giúp đỡ trong công tác tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu
quả động đất, sóng thần hoặc sự cố tai nạn ngoài lãnh thổ và vùng biển Việt
Nam; các cơ quan đại diện của ta ở các nước có đường biên giới chung và biển liền
kề thiết lập cơ chế cung cấp thông tin, bao gồm nhận và truyền tin về khả năng
xảy ra động đất và sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam;
b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan liên quan tăng cường hợp tác
với các nước, cũng như tham gia vào các tổ chức quốc tế hoặc các hệ thống quốc
tế về động đất, sóng thần trong việc cung cấp thông tin về động đất, sóng thần
có thể ảnh hưởng hoặc gây thiệt hại đối với nước ta; trao đổi kinh nghiệm và
tranh thủ sự giúp đỡ kỹ thuật trong việc dự báo động đất và cảnh báo sóng thần;
c) Phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm
kiếm, cứu nạn và các cơ quan liên quan xây dựng phương thức hợp tác quốc tế
trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra sóng thần trong khu vực.
9. Bộ Quốc phòng có phương án, kế hoạch bố
trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống khẩn
cấp và khắc phục hậu quả khi xảy ra động đất, sóng thần.
10. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ
được giao tại Quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần và các văn bản quy
phạm pháp luật khác liên quan. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm
vụ cụ thể sau đây:
a) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan
triển khai kịp thời công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có động đất,
sóng thần;
b) Cung cấp kịp thời thông tin thực tế liên
quan đến động đất, sóng thần cho Viện Vật lý Địa cầu;
c) Chỉ đạo hướng dẫn các địa phương xây dựng
các phương án tìm kiếm cứu nạn cho các vùng có nguy cơ xẩy ra động đất, sóng thần.
11. Bộ Công an có kế hoạch và phương án đảm
bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội trong vùng có động đất, sóng thần; chỉ đạo
các lực lượng của ngành phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội, các ngành, địa
phương tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.
12. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung
ương
a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm,
cứu nạn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo việc phòng ngừa, ứng phó
và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần;
b) Chỉ đạo việc lập quy hoạch và xây
dựng hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho các vùng có nguy cơ
cao;
c) Kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa
phương thực hiện Quy chế này; tổng hợp tình hình, chỉ đạo và đề xuất Thủ tướng
Chính phủ các biện pháp cần thiết để ứng phó kịp thời.
13. Các Bộ, ngành khác khi xây dựng các kế hoạch,
chính sách của Bộ, ngành phải lưu ý đến việc phòng ngừa động đất, sóng thần; đồng
thời có trách nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra động đất,
sóng thần.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Khen thưởng,
kỷ luật
1. Tổ chức, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ được giao thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.
2. Tổ chức, cá nhân không hoàn thành
nhiệm vụ được giao hoặc cản trở việc thi hành Quy chế này thì tùy theo tính chất,
mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng
Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành, địa phương và các cơ quan liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm
tra việc thực hiện Quy chế này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Quy
chế và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung khi cần thiết./.