UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
54/2005/QĐ-UBND
|
Nha Trang,
ngày 05 tháng 7 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH
TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN SAN HÔ
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH
HÒA
Căn
cứ Luật tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam thông qua ngày 26/11/2003;
Căn
cứ Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn
cứ Luật Bảo vệ Môi trường được Quốc hội thông qua ngày 27/12/1993 và Nghị định
175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi
trường;
-
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại tờ trình số 206/TNMT
ngày 22/6/2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tạm thời về
quản lý tài nguyên san hô trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,
thành phố trong tỉnh; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành và các cơ quan
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Trọng Hòa
|
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN SAN HÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HOÀ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54/2005/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2005
của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và
đối tượng điều chỉnh
1.
Mọi tổ chức, cá nhân (kể cả người nước ngoài) hoạt động khảo sát, điều tra,
thăm dò, nuôi trồng, chế biến, trưng bày, kinh doanh, vận chuyển tài nguyên san
hô và các sản phẩm có nguồn gốc san hô, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa phải chấp
hành nghiêm Quy định này.
2.
Tài nguyên san hô và các sản phẩm có nguồn gốc san hô đang tồn tại, lưu giữ
hoặc đang vận chuyển trong tỉnh Khánh Hòa, các rạn san hô nằm trong phạm vi
biển ven bờ tỉnh Khánh Hòa đến độ sâu 50m thuộc đối tượng thực hiện Quy định
này.
3.
Các dự án do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các loại
trang trại, các cơ sở nuôi trồng san hô dưới nước nhằm sản xuất, kinh doanh san
hô sống được ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương và quy mô đầu tư, không
thuộc đối tượng thi hành quy định này.
Điều 2. Giải thích
từ ngữ
Các
thuật ngữ sau đây trong quy định này được hiểu như sau:
- Tài nguyên San hô: là tất cả các loại san hô sống
hoặc chết tồn tại ở dưới nước, trên bãi triều hoặc chôn vùi trong đất đá trên
đất liền hoặc trên đảo.
- San hô sống: là san hô còn sống dưới nước hoặc
trong bãi triều.
- Rạn san hô: là hệ sinh thái bao gồm san hô sống,
các sinh vật và các thành tạo, yếu tố phi sinh vật như đá, cuội, sạn, cát, san
hô chết, vỏ, xương các loại thủy sản tồn tại tự nhiên dưới nước hoặc trong bãi triều.
- San hô chết: là phần xương, vỏ còn lại sau khi
san hô chết đi, được chia làm hai loại:
+ San hô chết hiện đại: là san hô chết hằng năm do các tác nhân tự
nhiên hoặc nhân tạo như sóng biển, môi trường, các tác nhân cơ học, hóa học. .
.và tồn tại trong các rạn san hô, trên các bãi cát ven biển, bãi triều, hốc
đá ...
+ San hô chết quá khứ: là san hô chết được chôn vùi nhiều năm dưới các
tầng đất đá trên đất liền, trên đảo, dưới nước.
Điều 3. Nghiêm cấm các hành vi trái phép sau đây:
1.
Sử dụng, khai thác, và các tác động khác làm hủy hoại, suy thoái môi trường
sống và sự tồn tại của rạn san hô.
2.
Khai thác, thu nhặt, làm chết hoặc phá hoại bằng các tác động khác nhau đối với
san hô sống.
3.
Khai thác, thu nhặt, phá hủy các loại san hô đã liên kết thành thềm trong phạm
vi bãi triều hoặc trên diện tích mặt bằng mà nếu khai thác sẽ dẫn đến phá hủy
cấu trúc của thềm, gây xói lở bờ biển và ảnh hưởng đến sự tồn tại của rạn san
hô.
4.
Khai thác, thu nhặt, di chuyển nhằm các mục đích khác nhau đối với san hô sống,
san hô chết hiện đại tồn tại dưới dạng các khối, cành, mảnh vỡ trong các rạn
san hô; các loại đá cuội, sạn, cát, vỏ, xương các loại thủy sản trong các khu
vực được các cơ quan có thẩm quyền xác định là Khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực
cấm khai thác, thu lượm.
5.
Sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, trưng bày các loại hàng hóa, mỹ nghệ, vật lưu
niệm làm từ san hô có nguồn gốc bất hợp pháp.
6.
Sản xuất, kinh doanh mặt hàng là san hô sống hoặc sử dụng san hô sống trong các
bể trưng bày, bảo quản thủy sản.
Điều 4. Lưu giữ,
trưng bày san hô sống:
Các
tổ chức, cá nhân nuôi trồng, lưu giữ, trưng bày san hô sống chỉ được thực hiện
nhằm mục đích khoa học và phải được sự đồng ý của ủy ban Nhân dân tỉnh, Bộ thủy
sản, hoặc là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do Viện Khoa học và Công nghệ Việt
Nam, Viện Hải Dương Học Nha Trang chủ trì, thực hiện. Các bảo tàng mẫu vật San
Hô không được phép kinh doanh San Hô.
Chương II:
CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, HOẠT ĐỘNG SỬ DỤNG, CHẾ BIẾN VÀ
KINH DOANH SAN HÔ
Điều 5. Về khảo sát, điều tra, nghiên cứu tài nguyên san hô
Mọi
tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành các hoạt động điều tra, khảo sát các tài
nguyên san hô hoặc nghiên cứu, triển khai, thử nghiệm có liên quan đến rạng san
hô trong tự nhiên, phải có phương án và được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điểu 6. Về sử dụng mặt bằng, mặt nước trên các vùng san hô
Mọi
tổ chức, cá nhân khi muốn sử dụng mặt bằng, mặt nước trên các vùng san hô phải
có dự án, có đánh giá tác động môi trường (hoặc đăng ký đạt tiêu chuẩn môi
trường) và được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được hoạt động.
Các
hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trực tiếp trên các rạng san hô chỉ được thực hiện
trên các đối tượng không làm hạn chế, suy thoái môi trường, điều kiện phát
triển của rạng san hô và phù hợp với đối tượng nuôi trồng thuỷ sản được Uỷ ban
Nhân dân tỉnh duyệt.
Điều 7. Về sử dụng san hô chết
Các
dự án đầu tư, xây dựng, nuôi trồng thuỷ sản được cấp phép hoạt động trên vùng
có san hô chết phải có phương án sử dụng hợp lý tài nguyên san hô do thi công,
đào đắp công trình, ao hồ tạo ra. Phương án này phải được sự chấp thuận của Uỷ
ban nhân dân tỉnh trước khi thực hiện.
Điều 8. Đối với cơ sở hoạt động và phương tiện vận chuyển
Các
tổ chức, cá nhân đang hoạt động sản xuất kinh doanh có sử dụng nguyên liệu san
hô chết từ các nguồn khác nhau, chưa có giấy phép sử dụng san hô của Uỷ ban
nhân dân tỉnh, phải chấm dứt hoạt động trong vòng 3 tháng sau khi quy định này
có hiệu lực.
Các
lò nung, chế biến vôi từ san hô, chỉ được tiếp tục hoạt động bằng các nguồn
nguyên liệu san hô hiện có tại cơ sở trước khi qui định này có hiệu lực và chỉ
được hoạt động đến hết năm 2005.
Các
phương tiện không được vận chuyển san hô và sản phẩm làm từ san hô có nguồn gốc
bất hợp pháp. Các chủ phương tiện vận chuyển khách du lịch có trách nhiệm nhắc
nhở và ngăn du khách không được mang theo san hô và sản phẩm san hô bất hợp
pháp.
Chương III:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Sở Thủy sản:
Theo chức năng tham mưu trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản, có trách
nhiệm kiểm tra đôn đốc việc thực hiện quy định này đối với các đối tượng san hô
dưới nước; phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền giáo dục về bảo vệ
và phát triển nguồn lợi thủy sản nói chung, tài nguyên san hô nói riêng; tổ
chức vận động xây dựng mô hình nhân dân tự quản, mô hình đồng quản lý các hệ
sinh thái san hô ven bờ; tổ chức nghiên cứu, phổ biến, áp dụng các tiến bộ kỷ
thuật trong lĩnh vực phục hồi rạn san hô; chỉ đạo Chi cục khai thác và bảo vệ
nguồn lợi thủy sản tăng cường việc kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm đối
với các rạn san hô dưới nước theo đúng quy định của pháp luật; tham mưu cho ủy
ban nhân dân tỉnh cấp phép cho đối tượng có nhu cầu lưu giữ, trưng bày thủy sản
có san hô sống, nuôi trồng sản xuất san hô, xây dựng trang trại san hô, kinh
doanh san hô sống; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm các trường hợp xây
dựng, trưng bày, sản xuất kinh doanh trái phép san hô sống, các bể trưng bày,
lưu giữ thủy sản có san hô sống.
Điều 10. Sở Tài
nguyên Môi trường: Thực hiện chức năng
tham mưu trong lĩnh vực quản lý tài nguyên môi trường, chủ trì phối hợp với các
cơ quan chức năng, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển kiểm
tra, khảo sát, đánh giá nguồn tài nguyên san hô là các rạn, bãi san hô chết
trên đất liền, trên các đảo, đề xuất quy hoạch và biện pháp sử dụng hợp lý, an
toàn cho môi trường, bảo vệ cảnh quan; thực hiện việc thẩm định đánh giá tác
động môi trường các dự án đầu tư trong khu vực có san hô; kiểm tra, xử lý vi
phạm theo quy định của luật Bảo vệ Môi trường đối với các đối tượng sử dụng,
khai thác, chế biến san hô trái qui định.
Điều 11. Sở Du lịch Thương mại: Phổ biến những nội dung quy định đến các tổ chức, cá nhân kinh
doanh du lịch, thương mại và du khách; chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường phối
hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp thu mua, vận chuyển,
tiêu thụ san hô trái phép theo qui định hiện hành.
Điều 12. Bộ chỉ huy
Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh:
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có trách
nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc
kiểm tra hát hiện, xử lý theo quy định pháp luật đối với các đối tượng khai thác,
vận chuyển, tiêu thụ san hô trái phép (kể cả san hô có nguồn gốc từ các địa
phương khác).
Điều 13. Cục Hải
quan Khánh Hòa: Hướng dẫn, kiểm tra
các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thực hiện đúng quy
định của trung ương và của tỉnh về xuất nhập khẩu san hô. Phối hợp với Hải quan
các tỉnh, ngăn chặn việc xuất khẩu trái phép các sản phẩm có liên quan đến san
hô.
Điều 14. Cơ quan
đăng ký kinh doanh: Không cấp giấy
phép kinh doanh các hoạt động, các mặt hàng cấm trong Quy định này. Đối với các
trường hợp đã cấp đăng ký kinh doanh trước ngày Quy định này có hiệu lực, nay
không phù hợp với Quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm hướng dẫn
cho tổ chức cá nhân đăng ký thay đổi ngành nghề. Trong thời hạn 3 tháng, kể từ
khi được hướng dẫn, nếu tổ chức cá nhân không thực hiện đăng ký thay đổi ngành
nghề, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh.
Điều 15. Ban quản
lý khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang: Thực
hiện chức năng nhiệm vụ được giao, tuyên truyền phổ biến nội dung quy định này
cho các đối tượng hoạt động trong vùng vịnh Nha Trang; chủ trì phối hợp với các
tổ chức, cơ quan liên quan kiểm tra xử lý vi phạm đối với các tổ chức cá nhân
có hành vi khai thác, thu lượm, vận chuyển san hô, vỏ, xương các loại thủy sản,
đá cuội trên biển và các đảo trong phạm vi vùng vịnh Nha Trang trái với quy
định này và các quy định hiện hành.
Điều 16. Sở Văn hóa Thông tin, Đài Phát thanh Truyền hình,
Báo Khánh Hòa: Phối hợp với các cơ
quan chức năng đẩy mạnh việc tuyên truyền, kịp thời phản ánh các hoạt động, kết
quả bảo vệ, nghiên cứu, phục hồi, sử dụng hợp lý tài nguyên san hô; đưa tin phê
phán các hành vi khai thác, chế biến, vận chuyển, mua bán san hô trái phép gây
tác hại xấu đến môi trường sinh thái, làm cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại nguồn
lợi thủy sản, san hô.
Điều 17: Uỷ ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố: Tuyên
truyền vận động nhân dân, các tổ chức, cơ quan đơn vị trên địa bàn tự giác chấp
hành nội dung quy định này; thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm đúng quy
định hiện hành; thực hiện việc kiểm tra và xử lý các chủ đầu tư dự án, các cơ
sở đang hoạt động sản xuất vôi từ nguyên liệu san hô vi phạm các nội dung quy
định tại Điều 7 và 8 của Quy định này; chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã phường
chủ động phổ biến, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu rõ
nội dung quy định; tổ chức, vận động nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ rạn san
hô; phối hợp với các lực lượng chuyên ngành điều tra phát hiện, xử lý theo quy
định pháp luật đối với các đối tượng hủy hoại rạn san hô, khai thác, vận
chuyển, chế biến và tiêu thụ san hô trái phép trên địa bàn.
Chương IV:
ĐIỂU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Giao cho sở Thủy sản, sở Tài nguyên Môi trường theo dõi
tổng hợp và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện qui định này về cho ủy ban
Nhân dân tỉnh.
Điều 19. Lãnh đạo các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân kinh
doanh, trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, cần chỉnh sửa bổ
sung quy định này, gởi đề xuất về Sở Thủy sản, Sở Tài nguyên Môi trường để tổng
hợp, trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định./.