Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 47/2014/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên Người ký: Dương Ngọc Long
Ngày ban hành: 11/11/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2014/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 11 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật số 17/2012/QH13 Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Nghị định số 113/2010/NĐ- CP ngày 03/12/2010 của Chính phủ quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường;

Căn cứ Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ về báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/01/2010 của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi lợn, trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học;

Căn cứ Thông tư số 33/2011/TT-BNNPTNT ngày 16/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện vệ sinh thú y;

Căn cứ Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại;

Căn cứ Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định 29/2011/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 63/2013/TT-BTNMT ngày 15/5/2013 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 399/TTr-STNMT ngày 15 tháng 10 năm 2014 về việc ban hành Quy định bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành tổ chức triển khai Quyết định này.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Dương Ngọc Long

 

QUY ĐỊNH

VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47 /2014/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Thái Nguyên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này áp dụng đối với hoạt động bảo vệ môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

2. Các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước có liên quan tới bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.Gia súc : là tên dùng để chỉ một hoặc nhiều loài động vật có vú được thuần hóa và nuôi vì mục đích để sản xuất hàng hóa như lấy thực phẩm, chất xơ hoặc lao động.

2. Gia cầm: là tên gọi chỉ chung cho các loài động vật có hai chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người nuôi giữ, nhân giống nhằm mục đích sản xuất trứng, lấy thịt hay lông vũ.

3. Nước mặt là nước tồn tại trên mặt đất liền, bao gồm: nước sông, suối, ao, hồ, kênh, mương, khe, rạch, đầm.

4. Nước dưới đất: là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất.

5. Đánh giá tác động môi trường: là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.

6. Chất thải lỏng: bao gồm nước thải (nước phân, nước tiểu, nước chứa máu của gia súc, gia cầm; nước vệ sinh từ chuồng trại, từ các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, và các loại chất lỏng khác (thuốc thú y dạng lỏng; dung dịch xử lý chuồng trại).

7. Chất thải ở thể rắn (gọi tắt là chất thải rắn): là phân, lông, các phế phẩm khác từ động vật; bã thức ăn chăn nuôi, xác động vật, bao bì thuốc thú y và các chất thải rắn khác thải ra trong quá trình chăn nuôi, giết mổ.

8. Chất thải ở thể khí (gọi tắt là chất thải khí): là các loại khí thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi như NH3, H2S, CO2, CH4 và các khí có mùi khác.

9. Chất thải nguy hại: là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. Chất thải nguy hại phát sinh từ cơ sở chăn nuôi bao gồm: vỏ bao bì thuốc thú y, xác gia súc, gia cầm chết do dịch bệnh; chế phẩm hoá chất khử trùng.

10. Quản lý chất thải : là hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy, thải loại chất thải.

Điều 4. Phân loại quy mô cơ sở nuôi

1. Cơ sở chăn nuôi tập trung với quy mô lớn: cơ sở chăn nuôi có quy mô từ 500 đầu gia súc trở lên đối với trâu, bò; từ 1.000 đầu gia súc trở lên đối với các gia súc khác; từ 20.000 đầu gia cầm trở lên; đối với đà điểu từ 200 con trở lên; đối với chim cút từ 100.000 con trở lên

2. Cơ sở chăn nuôi tập trung với quy mô vừa: cơ sở chăn nuôi có quy mô từ 05 con với mục đích nuôi sinh sản, phối giống, lấy sữa hoặc từ 10 con với mục đích nuôi lấy thịt đến dưới 500 con gia súc đối với trâu, bò; từ 10 con với mục đích nuôi sinh sản, phối giống hoặc 20 con với mục đích nuôi lấy thịt đến dưới 1.000 con gia súc đối với các gia súc khác; từ 100 đến dưới 20.000 con gia cầm; từ 20 con đến dưới 200 con đối với đà điểu; từ 1.000 con đến dưới 100.000 con đối với chim cút.

3. Cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ: cơ sở chăn nuôi có quy mô dưới 05 con với mục đích nuôi sinh sản, phối giống, lấy sữa hoặc dưới 10 con với mục đích nuôi lấy thịt đối với trâu, bò; dưới 10 con với mục đích nuôi sinh sản, phối giống hoặc dưới 20 con với mục đích nuôi lấy thịt đối với các gia súc khác; dưới 100 con gia cầm; đối với đà điểu dưới 20 con; đối với chim cút dưới 1.000 con.

Điều 5. Trách nhiệm chung về bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi

1. Thực hiện lập các hồ sơ về môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận.

2. Đối với các cơ sở chăn nuôi đã đi vào hoạt động nhưng chưa có các hồ sơ về môi trường, thực hiện lập đề án bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận.

2. Đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y theo phụ lục I của Quy định này. Trong trường hợp gia súc, gia cầm bị dịch, yêu cầu áp dụng phương pháp tiêu huỷ gia súc, gia cầm bị dịch theo phụ lục II, III của Quy định này.

3. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, bản cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận. Xây dựng chương trình quản lý môi trường và hệ thống quản lý môi trường.

4. Định kỳ quan trắc giám sát chất thải và môi trường xung quanh, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về kết quả thực hiện.

5. Nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và chất thải rắn.

6. Phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường từ các hoạt động tại cơ sở của mình.

7. Khắc phục ô nhiễm môi trường, bồi thường thiệt hại môi trường (nếu có) do hoạt động của cơ sở gây ra.

8. Chấp hành chế độ kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường.

9. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động trong trại chăn nuôi của mình.

Điều 6. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và các quy định khác có liên quan. Vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ địa phương này sang địa phương khác; động vật, sản phẩm động vật từ vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp ra các vùng khác

2. Thải chất thải chưa xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và vệ sinh thú y; hóa chất và chất thải nguy hại vào môi trường xung quanh.

3. Nhập khẩu, vận chuyển các loài động vật chưa qua kiểm dịch.

4. Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật về thú y, giống vật nuôi và bảo vệ môi trường.

Chương II

QUY ĐỊNH VỊ TRÍ, ĐỊA ĐIỂM VÀ XÂY DỰNG CHUỒNG TRẠI CHĂN NUÔI

Điều 7. Quy định về vị trí, địa điểm thực hiện dự án và quy định về xây dựng chuồng trại

1. Vị trí, địa điểm thực hiện dự án phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch chăn nuôi và quy hoạch sử dụng đất của địa phương, được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.

b) Có nguồn nước sạch đủ trữ lượng cho chăn nuôi và đảm bảo đạt quy chuẩn vệ sinh thú y nước uống cho gia cầm và lợn theo QCVN 01-15:2010/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện đảm bảo trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học QCVN 01-14:2010/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện đảm bảo trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học;

c) Đảm bảo khoảng cách xây dựng chuồng trại như sau:

+ Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô lớn: Khoảng cách từ cơ sở chăn đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt...tối thiểu 500m.

+ Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ: Khoảng cách từ cơ sở chăn nuôi đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt... tối thiểu 200m.

+ Đối với các gia đình ở khu dân cư tập trung không đảm bảo được khoảng cách không được chăn nuôi lợn và gia súc lớn, chỉ được phép chăn nuôi gia cầm từ 15 con trở xuống.

d) Diện tích xây dựng:

Phải có đủ diện tích mặt bằng và diện tích xây dựng các công trình phục vụ cho vệ sinh, phòng dịch, bảo vệ môi trường và xử lý chất thải, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường. Bố trí riêng biệt các khu chăn nuôi với các khu phụ trợ (khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi, khu tắm rửa, khu cách ly lợn ốm...).

2. Quy định về xây dựng chuồng trại phải đảm bảo quy định chuồng trại chăn nuôi theo phụ lục IV của Quy định này.

Chương III

QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU TƯ

Điều 8. Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Các dự án chăn nuôi phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm:

a) Các dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi có quy mô theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Quy định này;

b) Dự án cải tạo, mở rộng, nâng cấp, nâng công suất hoạt động của cơ sở chăn nuôi đang hoạt động tới quy mô tương đương với các đối tượng theo quy định tại Khoản 1, Điều 4, Quy định này.

2. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải lập lại trong các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi địa điểm thực hiện dự án;

b) Không triển khai thực hiện dự án trong thời gian ba mươi sáu (36) tháng, kể từ thời điểm ban hành quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;

c) Thay đổi quy mô, loại hình chăn nuôi làm gia tăng mức độ gây tác động xấu đến môi trường hoặc phạm vi chịu tác động do những thay đổi này gây ra.

3. Điều kiện của tổ chức, cá nhân thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo phụ lục V của Quy định này.

4. Thời điểm lập, trình thẩm định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường

a) Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự án đầu tư (báo cáo kinh tế, kỹ thuật/báo cáo nghiên cứu khả thi).

b) Chủ dự án phải trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có

thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng; nếu không thuộc đối tượng phải cấp phép xây dựng thì phải trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai dự án.

5. Báo cáo đánh giá tác động môi trường được lập và trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 9. Lập, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường

1. Chủ các dự án, tổ chức, cá nhân đề xuất các hoạt động chăn nuôi có quy mô tương đương với các đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 4 Quy định này phải lập, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường.

2. Dự án, đề xuất hoạt động chăn nuôi đã được đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường nhưng chưa đi vào vận hành phải lập và đăng ký lại bản cam kết bảo vệ môi trường trong các trường hợp sau:

a) Thay đổi địa điểm thực hiện;

b) Không triển khai thực hiện trong thời hạn hai bốn (24) tháng, kể từ ngày bản cam kết bảo vệ môi trường được đăng ký;

c) Tăng quy mô, thay đổi loại hình chăn nuôi làm gia tăng phạm vi gây tác động hoặc làm gia tăng các tác động tiêu cực đến môi trường không do chất thải gây ra hoặc làm gia tăng tổng lượng chất thải hoặc phát sinh các loại chất thải mới, chất thải có thành phần gây ô nhiễm cao hơn so với dự báo trong bản cam kết bảo vệ môi trường đã được đăng ký nhưng chưa tới mức phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Trường hợp dự án đầu tư, cơ sở chăn nuôi có thay đổi tính chất hoặc quy mô đến mức tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại Khoản 1, Điều 8, Quy định này, chủ dự án, chủ cơ sở phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

4. Thời điểm đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường

Chủ dự án, chủ cơ sở chăn nuôi phải đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường trước khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng.

5. Bản cam kết bảo vệ môi trường được đăng ký tại UBND cấp huyện nơi thực hiện hoạt động chăn nuôi; nếu diện tích chăn nuôi nằm trên địa bàn từ 2 huyện trở lên, chủ cơ sở có thể lựa chọn UBND cấp huyện thuận lợi cho chủ dự án để thực hiện việc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường.

Điều 10. Trách nhiệm của chủ dự án sau khi được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường

Thực hiện đầy đủ các nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường và bản cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và xác nhận và các yêu cầu nêu tại quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường và xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường theo phụ lục VI của Quy đinh này.

Chương IV

QUY ĐỊNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, CHĂN NUÔI

Điều 11. Thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép tài nguyên nước

1. Thực hiện thủ tục xin cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt:

a) Cơ sở chăn nuôi khai thác, sử dụng nước mặt với lưu lượng từ 50.000m3/ngày đêm trở lên phải xin phép Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, điều chỉnh Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt.

b) Cơ sở chăn nuôi khai thác, sử dụng nước mặt với lưu lượng từ trên 100 m3/ngày đêm đến dưới 50.000m3/ngày đêm phải xin phép Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt.

c) Cơ sở chăn nuôi khai thác, sử dụng nước mặt với lưu lượng nhỏ hơn 100 m3/ngày đêm không phải đăng ký xin cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt.

2. Thực hiện thủ tục xin cấp phép khai thác, sử dụng nước dưới đất:

a) Cơ sở chăn nuôi khai thác, sử dụng nước dưới đất với lưu lượng trên 3.000 m3/ngày đêm phải xin phép Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, điều chỉnh Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất.

b) Cơ sở chăn nuôi khai thác, sử dụng nước dưới đất với lưu lượng từ 10m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm phải xin phép Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất.

c) Cơ sở chăn nuôi khai thác, sử dụng nước dưới đất nhỏ hơn 10 m3/ngày đêm không phải đăng ký xin cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất.

3. Thực hiện thủ tục xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước:

a) Cơ sở chăn nuôi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng lớn hơn 3.000 m3/ngày đêm phải xin phép Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, điều chỉnh Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

b) Cơ sở chăn nuôi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng từ 5 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm phải xin Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

c) Cơ sở chăn nuôi xả nước thải vào nguồn nước với quy mô nhỏ hơn 5 m3/ngày đêm không chứa hoá chất độc hại và phóng xạ không phải đăng ký xin cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Điều 12. Quy định về quản lý chất thải rắn

1. Chủ cơ sở chăn nuôi phải thu gom, phân loại và lưu giữ chất thải rắn để xử lý theo quy định, cụ thể như sau:

a) Chất thải rắn phát sinh trong hoạt động chăn nuôi phải được thu gom hàng ngày và xử lý bằng các biện pháp thích hợp. Trường hợp tái sử dụng chất thải trong chăn nuôi phải được tiến hành bằng quy trình khép kín nhằm đảm bảo không để rò rỉ, rơi vãi, phát tán mùi hôi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động thu gom, tồn trữ và vận chuyển chất thải.

b) Các phương tiện vận chuyển, dụng cụ nuôi nhốt, chất độn chuồng và các vật dụng khác có liên quan trong hoạt động chăn nuôi và vận chuyển vật nuôi phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng.

c) Có nhà ủ phân, nền được làm bằng nguyên vật liệu chắc chắn, được chia thành các ô; phân gia súc, gia cầm được thu gom chuyển về nhà chứa phân, phân được đánh đống ủ theo phương pháp nhiệt sinh học hoặc phương pháp tiêu độc khử trùng khác trước khi sử dụng vào mục đích khác.

e) Bố trí lò thiêu xác hoặc hầm tiêu huỷ trong khu xử lý chất thải cách xa tối thiểu 20 m đối với giếng nước, nguồn nước mặt và chuồng nuôi.

2. Quản lý chất thải nguy hại theo đúng quy định cụ thể như sau:

a) Đối với vật nuôi, xác vật nuôi, các dụng cụ nuôi nhốt, chất độn chuồng trại ở các cơ sở chăn nuôi bị nhiễm dịch bệnh thuộc đối tượng phải công bố dịch bệnh, có nguy cơ lây nhiễm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe con người phải được thu gom và xử lý riêng theo đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại; theo quy định tại Pháp lệnh thú y và văn bản hướng dẫn.

b) Quản lý vỏ bao bì thuốc thú y theo đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại.

c) Thực hiện thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại đối với các cơ sở có khối lượng phát sinh chất thải nguy hại từ 120kg/năm trở lên đối với các chất thải nguy hại có chứa các thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng CTNH theo quy định tại QCVN 07:2009/BTNMT hoặc từ 600 (sáu trăm) kg/năm đối với CTNH có chứa các thành phần nguy hại khác.

d) Bố trí khu vực lưu giữ tạm thời CTNH đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, bảo quản CTNH trong các thiết bị lưu chứa CTNH đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Điều 13. Quy định về quản lý chất thải lỏng

1. Hệ thống tiêu thoát nước và thu gom nước thải phải luôn thông thoáng và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, không để ứ đọng làm phát tán mùi hôi gây ô nhiễm môi trường cũng như các yếu tố khác gây tác động xấu đến môi trường.

2. Cơ sở chăn nuôi phải có hệ thống xử lý nước thải phù hợp với quy mô công suất chăn nuôi. Nước thải phải được thu gom và xử lý các chỉ tiêu ô nhiễm đặc trưng như: BOD, COD, TSS, TDS, NH4+, tổng N, PO43-, tổng P, coliform, coli phân, salmonella, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo QCVN 01-15:2010/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện đảm bảo trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học/QCVN 01-14:2010/BNNPTNT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện đảm bảo trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học và QCVN 40:2011/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Khuyến khích áp dụng việc xử lý chất thải bằng hầm biogas. Xây dựng hầm biogas theo hướng dẫn tại Phụ lục IV Quy định này.

3. Chủ cơ sở chăn nuôi phải thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo phụ lục VII của Quy định này.

Điều 14. Quy định về xử lý khí thải, mùi hôi và tiếng ồn

1. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, vật nuôi và các phương tiện, dụng cụ dùng trong chăn nuôi; định kỳ thay mới chất độn chuồng trại nhằm giảm thiểu mùi hôi phát sinh trong hoạt động chăn nuôi.

2. Các chất khí, mùi hôi gây tác động xấu đến môi trường được phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, hệ thống xử lý chất thải hay từ hoạt động tái sử dụng chất thải chăn nuôi phải được xử lý bằng các biện pháp thích hợp, đảm bảo không để phát tán gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng không khí xung quanh đạt QCVN 05:2009/BTNMT.

3. Tiếng ồn phát ra từ vật nuôi, thiết bị hỗ trợ phải có biện pháp giảm thiểu đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư trong khu vực, đảm bảo đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn QCVN 26:2010/BTNMT.

Điều 15: Quy định về quan trắc giám sát môi trường

1. Đối với các cơ sở có hồ sơ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận hồ sơ môi trường:

- Thực hiện quan trắc 04 lần/năm đối với nguồn thải và 02 lần/năm đối với môi trường xung quanh theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt và báo cáo cơ quan có thẩm quyền kết quả thực hiện.

2. Đối với các cơ sở chưa có hồ sơ môi trường:

a) Thực hiện quan trắc tối thiểu 3 tháng/lần đối với các nguồn thải cụ thể: tại vị trí trước và sau hệ thống xử lý nước thải trước khi xả vào môi trường; chất lượng không khí tiếng ồn tại các chuồng trại chăn nuôi.

b) Thực hiện quan trắc tối thiểu 6 tháng/lần đối với môi trường xung quanh, cụ thể: chất lượng nguồn nước mặt tiếp nhận nước thải của cơ sở tại vị trí trước và sau điểm tiếp nhận; chất lượng môi trường không khí xung quanh chịu tác động bởi hoạt động của trang trại.

c) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về kết quả thực hiện quan trắc.

Điều 16. Quy định bồi thường thiệt hại môi trường

1. Tổ chức, cá nhân làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra, đồng thời chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại cho cơ quan tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại môi trường đã ứng trước kinh phí.

2. Trường hợp có từ hai tổ chức, cá nhân trở lên làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với môi trường, trách nhiệm chi trả chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại của từng tổ chức, cá nhân được xác định tương ứng với tỷ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại đối với môi trường.

Chương V

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI

Điều 17. Trách nhiệm của UBND tỉnh

1. UBND tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

2. UBND tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi; cấp xác nhận hoàn thành các công trình biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động.

Điều 18. Trách nhiệm của các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND cấp xã:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và có trách nhiệm:

a) Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các chủ trương, giải pháp về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

b) Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

d) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật xử lý chất thải cho các cơ sở chăn nuôi.

e) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các điểm tiêu hủy gia súc, gia cầm bị dịch.

f) Tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến bảo vệ môi trường trong chăn nuôi thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

g) Xây dựng cơ chế cho vay ưu đãi về bảo vệ môi trường tại Quỹ Bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu lực quản lý môi trường trong chăn nuôi.

2. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã:

a) Quản lý các hoạt động giết mổ, mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật nhằm đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y; phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

b) Kiểm soát, hạn chế phát sinh mới cơ sở chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ trong các hộ gia đình; Khuyến khích phát triển phương thức chăn nuôi, giết mổ tập trung theo hướng bán công nghiệp hoặc công nghiệp.

c) Tổ chức nghiên cứu, triển khai ứng dụng mô hình chăn nuôi bền vững trong điều kiện cụ thể của địa phương.

3. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm sau:

a) Tổ chức thực hiện các văn bản, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn.

b) Thông báo chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi theo thẩm quyền.

c) Phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo các phòng, ban chức năng chuyên môn tổ chức quy hoạch, công bố quy hoạch vùng chăn nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

d) Tổ chức công tác phòng, chống dịch bệnh đúng theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm gia súc, gia cầm tại địa phương.

e) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc; UBND cấp xã, phường, thị trấn tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành Quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

4. Uỷ ban nhân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm sau:

a) Tổ chức thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên phạm vi địa phương mình quản lý.

b) Kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm về môi trường đối với hoạt động chăn nuôi ở địa phương. Tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về môi trường.

c) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động chăn nuôi phải chấp hành nghiêm chỉnh Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy định này. Các Sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được giao tiến hành kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm Quy định này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh cần sửa đổi, bổ sung; Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tổng hợp tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 47/2014/QĐ-UBND ngày 11/11/2014 về quy định bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


11.219

DMCA.com Protection Status
IP: 3.136.26.156
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!