ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
09/2023/QĐ-UBND
|
Bình Định, ngày
13 tháng 03 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG THU GOM, LƯU GIỮ, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ
LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường
ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số
08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số
20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản
lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế;
Căn cứ Thông tư số
02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 67/TTr-STNMT ngày 18 tháng 01 năm 2023
và ý kiến của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 447/BC-STP ngày 02/12/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định hoạt động thu gom, lưu giữ, vận chuyển
và xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 3 năm 2023.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường,
Y tế, Giao thông vận tải, Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UB MTTQ VN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đài Phát thanh Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Trung tâm TH-CB tỉnh;
- Lưu: VT, K10, K15, K19
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tuấn Thanh
|
QUY ĐỊNH
HOẠT ĐỘNG THU GOM, LƯU GIỮ, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN
Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Kèm theo Quyết định số 09/2023/QĐ-UBND ngày 13 tháng 03 năm 2023 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định chi tiết
một số nội dung về hoạt động thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn
y tế (không bao gồm chất thải rắn sinh hoạt của các cơ sở phát sinh chất thải rắn
y tế) trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Những nội dung liên quan đến
phát sinh, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế
chưa được quy định tại Quy định này thì được thực hiện theo các quy định pháp
luật hiện hành.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Các cơ sở y tế và các cơ quan,
tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có phát sinh chất thải rắn y tế hoặc có liên quan
đến hoạt động thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế trên địa
bàn tỉnh Bình Định.
Điều 3.
Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ sở y tế bao gồm cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh có giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám
bệnh, chữa bệnh; cơ sở y tế dự phòng; cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe; cơ sở
nghiên cứu, xét nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định, thử nghiệm về y, dược; cơ sở sản
xuất kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa dùng trong lĩnh vực y, dược.
2. Chất thải rắn y tế là chất
thải rắn phát sinh từ các hoạt động, hàng hóa, dịch vụ liên quan đến lĩnh vực y
tế, chăm sóc sức khỏe con người.
Chất thải rắn y tế bao gồm chất
thải rắn y tế nguy hại và chất thải rắn y tế thông thường.
3. Chất thải rắn y tế nguy hại
bao gồm chất thải rắn y tế lây nhiễm và chất thải rắn y tế nguy hại không lây
nhiễm.
4. Chất thải rắn y tế thông thường
bao gồm chất thải rắn y tế thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu
sản xuất và chất thải rắn y tế thông thường phải xử lý; được phân định tại khoản
4 Điều 4 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ
Y tế quy định quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế (sau
đây viết tắt là Thông tư số 20/2021/TT-BYT).
5. Chủ nguồn thải là tổ chức,
cá nhân sở hữu hoặc được giao quản lý, điều hành cơ sở phát sinh chất thải.
6. Chủ xử lý chất thải là tổ chức,
cá nhân sở hữu hoặc được giao quản lý, điều hành cơ sở xử lý chất thải, bãi
chôn lấp chất thải.
Chương II
QUY ĐỊNH THU GOM, LƯU GIỮ,
VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ
Điều 4. Quy
định về hoạt động thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn y tế của chủ
nguồn thải
1. Thu gom, lưu giữ chất thải rắn
y tế
a) Chất thải rắn y tế thông thường
được thu gom, lưu giữ như đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường quy định
tại Điều 33 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng
Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo
vệ môi trường (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT), cụ thể như
sau:
- Chất thải rắn y tế thông thường
phải được lưu giữ trực tiếp tại kho, khu vực lưu chứa chất thải hoặc phải chứa,
đựng trong các thiết bị, dụng cụ đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường.
- Thiết bị, dụng cụ lưu chứa chất
thải rắn y tế thông thường phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Bảo đảm lưu giữ an toàn,
không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ;
+ Bao bì mềm được buộc kín, bao
bì cứng có nắp đậy kín để bảo đảm ngăn chất thải rò rỉ hoặc rơi vãi ra môi trường;
+ Kết cấu cứng chịu được va chạm,
không bị hư hỏng, biến dạng, rách vỡ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình
sử dụng.
- Kho hoặc khu vực lưu chứa chất
thải rắn y tế thông thường trong nhà phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Có cao độ nền bảo đảm không bị
ngập lụt;
+ Mặt sàn bảo đảm kín, không rạn
nứt, không bị thẩm thấu và tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào;
+ Có mái che kín mưa cho toàn bộ
khu vực chứa;
+ Nhà kho phải đáp ứng tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật xây dựng theo quy định của pháp luật.
- Khu vực lưu chứa chất thải rắn
y tế thông thường ngoài trời phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Có bờ bao, hệ thống thu gom,
xử lý nước mưa chảy tràn, nước thải phát sinh trong quá trình lưu giữ chất thải
rắn y tế thông thường bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
+ Có cao độ nền bảo đảm không bị
ngập lụt; nền bảo đảm kín, không rạn nứt, không bị thẩm thấu, đủ độ bền chịu được
tải trọng của phương tiện vận chuyển và lượng chất thải rắn y tế thông thường
lưu giữ;
+ Có biện pháp giảm thiểu bụi
phát sinh từ bãi lưu chứa chất thải rắn y tế thông thường (đối với loại chất thải
có phát sinh bụi).
b) Chất thải rắn y tế lây nhiễm
được thu gom, lưu giữ theo quy định tại khoản 1 Điều 7, khoản 1, khoản 2, khoản
3, khoản 5 Điều 8 Thông tư số 20/2021/TT-BYT , cụ thể như sau:
- Thu gom chất thải rắn y tế
lây nhiễm:
+ Cơ sở y tế quy định luồng đi
và thời điểm thu gom chất thải rắn y tế lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến
khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế;
+ Dụng cụ thu gom chất thải rắn
y tế lây nhiễm phải bảo đảm kín, không rò rỉ dịch thải trong quá trình thu gom;
+ Chất thải rắn y tế lây nhiễm
phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực chứa chất thải trong cơ sở y tế.
Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải
phải có nắp đậy kín;
+ Chất thải rắn y tế có nguy cơ
lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ ở gần nơi phát sinh chất thải để loại bỏ mầm bệnh
bằng thiết bị khử khuẩn. Đối với cơ sở y tế không có thiết bị khử khuẩn chất thải,
trước khi thu gom túi đựng chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải buộc kín miệng
túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi
và bỏ vào thùng thu gom chất thải lây nhiễm, bên ngoài thùng có dán nhãn “CHẤT
THẢI CÓ NGUY CƠ LÂY NHIỄM CAO”, được thu gom, lưu giữ riêng tại khu vực lưu chứa
chất thải lây nhiễm;
+ Tần suất thu gom chất thải rắn
y tế lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu vực lưu chứa chất thải trong khuôn viên
cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải
rắn y tế lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, chất thải rắn y tế lây nhiễm được
thu gom với tần suất tối thiểu một lần một ngày, chất thải rắn y tế lây nhiễm sắc
nhọn được thu gom tối thiểu là một lần một tháng.
- Cơ sở y tế bố trí khu vực lưu
chứa chất thải rắn y tế lây nhiễm trong khuôn viên cơ sở y tế đáp ứng các yêu cầu
kỹ thuật theo quy định tại Mục B Phụ lục
số 03 ban hành kèm theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT .
- Thời gian lưu giữ chất thải rắn
y tế lây nhiễm:
+ Đối với chất thải rắn y tế
lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ không quá 02 ngày trong
điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất thải rắn y tế lây nhiễm trong
thiết bị bảo quản lạnh ở nhiệt độ dưới 8°C, thời gian lưu giữ tối đa không quá
07 ngày;
+ Đối với chất thải rắn y tế
lây nhiễm được vận chuyển từ các trạm y tế cấp xã, các phòng khám đa khoa khu vực
trực thuộc trung tâm y tế cấp huyện về trung tâm y tế cấp huyện, phải chuyển
giao cho cơ sở xử lý chất thải ngay trong ngày. Trường hợp chưa chuyển giao
ngay trong ngày, phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa
không quá 02 ngày;
+ Đối với cơ sở y tế có lượng
chất thải rắn y tế lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, thời gian lưu giữ không
quá 03 ngày trong điều kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì
được buộc kín hoặc thiết bị lưu chứa được đậy nắp kín.
c) Chất thải rắn y tế nguy hại
không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ theo quy định tại khoản 2 Điều 7, khoản
1, khoản 2, khoản 4 Điều 8 Thông tư số 20/2021/TT-BYT và Điều 35 Thông tư số
02/2022/TT-BTNMT , cụ thể như sau:
- Thu gom chất thải rắn y tế
nguy hại không lây nhiễm:
+ Chất thải rắn y tế nguy hại
không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu vực lưu chứa chất thải
trong cơ sở y tế;
+ Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã
qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp
bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp, bảo đảm không bị rò rỉ, phát tán hơi thủy
ngân ra môi trường.
- Thời gian lưu giữ chất thải rắn
y tế nguy hại không lây nhiễm: thời gian lưu giữ không quá 01 năm kể từ thời điểm
phát sinh chất thải. Trường hợp lưu giữ quá 01 năm do chưa có phương án vận
chuyển, xử lý hoặc chưa tìm được cơ sở xử lý chất thải nguy hại phù hợp thì cơ
sở y tế phải báo cáo định kỳ hàng năm về việc lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ
sở với Sở Tài nguyên và Môi trường bằng văn bản riêng hoặc kết hợp trong báo
cáo kết quả quản lý chất thải y tế, báo cáo môi trường định kỳ của đơn vị cho Sở
Y tế hoặc Bộ Y tế (đối với các cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế) và cơ quan quản
lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
- Bao bì đựng chất thải rắn y tế
nguy hại không lây nhiễm phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Bao bì (vỏ cứng hoặc vỏ mềm)
bảo đảm lưu giữ an toàn chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm, không bị
hư hỏng, rách vỡ vỏ;
+ Bao bì mềm được buộc kín và
bao bì cứng có nắp đậy kín để bảo đảm ngăn chất thải rò rỉ hoặc bay hơi.
- Thiết bị lưu chứa chất thải rắn
y tế nguy hại không lây nhiễm (có vỏ cứng với kích cỡ lớn như bồn, bể, công ten
nơ hoặc thiết bị tương tự khác) phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Bảo đảm lưu chứa an toàn chất
thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm, có gia cố hoặc thiết kế đặc biệt tại điểm
tiếp nối và vị trí xếp, dỡ hoặc nạp, xả chất thải để tránh rò rỉ;
+ Kết cấu cứng chịu được va chạm,
không bị hư hỏng, biến dạng, rách vỡ bởi trọng lượng chất thải lưu chứa trong
quá trình sử dụng;
+ Có biển dấu hiệu cảnh báo
theo tiêu chuẩn Việt Nam về dấu hiệu cảnh báo liên quan đến chất thải nguy hại
và có kích thước tối thiểu 30 cm mỗi chiều;
+ Thiết bị lưu chứa chất thải rắn
y tế nguy hại không lây nhiễm có thành phần nguy hại dễ bay hơi phải có nắp đậy
kín và biện pháp kiểm soát bay hơi, đặc biệt tại điểm nạp, xả, phải có biện pháp
kiểm soát nạp đầy tràn để bảo đảm mức chứa cao nhất cách giới hạn trên của thiết
bị lưu chứa 10 cm. Trường hợp thiết bị lưu chứa chất thải rắn y tế nguy hại
không lây nhiễm không có các thành phần nguy hại dễ bay hơi thì có thể không cần
nắp đậy kín nhưng phải có nắp hoặc biện pháp che hoàn toàn nắng, mưa và biện
pháp kiểm soát gió trực tiếp vào bên trong;
+ Thiết bị lưu chứa có dung
tích từ 02 m3 trở lên và đáp ứng các quy định bảo vệ môi trường, được
đặt ngoài trời nhưng phải bảo đảm kín khít, không bị nước mưa lọt vào. Trường hợp
lưu chứa loại chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm có khả năng phản ứng
hóa học với nhau trong cùng thiết bị lưu chứa thì phải có biện pháp cách ly, bảo
đảm các loại chất thải rắn nguy hại không tiếp xúc với nhau trong quá trình lưu
chứa.
- Khu vực lưu chứa chất thải rắn
y tế nguy hại không lây nhiễm:
+ Khu vực lưu chứa (không bắt
buộc phải xây dựng dưới dạng kho) phải đáp ứng các yêu cầu sau: mặt sàn trong
khu vực lưu chứa bảo đảm kín khít, không bị thẩm thấu và tránh nước mưa chảy
tràn từ bên ngoài vào; có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu chứa,
trừ các thiết bị lưu chứa chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm với dung
tích lớn hơn 02 m3 thì được đặt ngoài trời; có biện pháp hoặc thiết
kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong; có biện pháp cách ly với các loại chất
thải nguy hại có khả năng phản ứng hóa học với nhau;
+ Khu vực lưu chứa phải trang bị
các dụng cụ, thiết bị, vật liệu sau: có đầy đủ thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa
cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; có biển dấu hiệu cảnh
báo, phòng ngừa phù hợp với loại chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm được
lưu giữ theo tiêu chuẩn Việt Nam về dấu hiệu cảnh báo liên quan đến chất thải
nguy hại và có kích thước tối thiểu 30 cm mỗi chiều.
- Chứng từ chất thải nguy hại
theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục
III ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT .
2. Chất thải rắn y tế thông thường
không sử dụng để tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng phải được chuyển giao
cho cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp.
3. Chất thải rắn y tế nguy hại
phải được chuyển giao cho cơ sở có giấy phép môi trường có chức năng xử lý chất
thải rắn y tế nguy hại.
4. Các trạm y tế cấp xã, các
phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc trung tâm y tế cấp huyện chuyển giao chất
thải rắn y tế nguy hại cho trung tâm y tế cấp huyện trực tiếp quản lý để lưu giữ
tạm thời hoặc chuyển giao cho chủ xử lý chất thải do trung tâm y tế cấp huyện
đã ký hợp đồng chuyển giao.
5. Trường hợp xảy ra dịch bệnh
nguy hiểm, các cơ sở y tế phải kịp thời điều chỉnh hoạt động thu gom, lưu giữ,
chuyển giao chất thải rắn y tế lây nhiễm. Các chủ nguồn thải chất thải y tế
khác thực hiện thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn y tế lây nhiễm theo
các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết của cơ quan chức năng để ứng phó với dịch
bệnh (nếu có).
Điều 5. Quy
định về hoạt động vận chuyển chất thải rắn y tế
1. Vận chuyển chất thải rắn y tế
thông thường
a) Phương tiện, thiết bị vận
chuyển phải đáp ứng các quy định tại Điều 34 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT , cụ
thể như sau:
- Phương tiện vận chuyển chất
thải rắn y tế thông thường phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo
vệ môi trường theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải.
- Chất thải rắn y tế thông thường
được lưu giữ trong thiết bị lưu chứa chất thải hoặc lưu giữ trực tiếp trên các
phương tiện vận chuyển. Thiết bị lưu chứa chất thải rắn y tế thông thường được
lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển và phải đáp ứng
các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 4 quy định này.
- Phương tiện vận chuyển chất
thải rắn y tế thông thường phải bảo đảm không rơi vãi chất thải rắn y tế thông
thường, phát tán bụi, mùi trong quá trình vận chuyển.
- Xe tải thùng hở phải phủ bạt
kín che nắng, mưa trong quá trình thu gom, lưu chứa, vận chuyển chất thải rắn y
tế thông thường.
- Phương tiện vận chuyển chất
thải rắn y tế thông thường đang hoạt động phải có dòng chữ “VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI”
ở hai bên thành của phương tiện với chiều cao ít nhất là 15 cm, kèm theo tên cơ
sở, địa chỉ, số điện thoại liên hệ.
- Mẫu biên bản bàn giao chất thải
rắn y tế thông thường phải xử lý theo quy định tại Mẫu số 03 Phụ lục III ban hành kèm
theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT .
b) Đơn vị vận chuyển chỉ được ký
hợp đồng thu gom, vận chuyển với chủ nguồn thải đối với nhóm chất thải rắn y tế
thông thường không sử dụng để tái chế khi đã ký hợp đồng chuyển giao cho các cơ
sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường có chức năng phù hợp, hoặc khi
đơn vị vận chuyển có chức năng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường.
2. Vận chuyển chất thải rắn y tế
lây nhiễm: Phương tiện, thiết bị vận chuyển phải bảo đảm đáp ứng các quy định tại
khoản 3 Điều 42 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và các yêu cầu đặc thù về bảo vệ môi
trường, cụ thể như sau:
a) Thiết bị lưu chứa chất thải
rắn y tế lây nhiễm (có vỏ cứng với kích cỡ lớn như bồn, bể, công ten nơ hoặc
thiết bị tương tự khác) phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Vỏ có khả năng chống được ăn
mòn, không bị gỉ, không phản ứng hóa học với chất thải nguy hại chứa bên trong,
có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu, có gia cố hoặc thiết kế đặc biệt tại điểm
tiếp nối và vị trí xếp, dỡ hoặc nạp, xả chất thải để tránh rò rỉ.
- Kết cấu cứng chịu được va chạm,
không hư hỏng, biến dạng, rách vỡ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử
dụng.
- Có dấu hiệu cảnh báo theo quy
định.
- Thiết bị lưu chứa chất thải rắn
y tế lây nhiễm phải có nắp hoặc biện pháp khác để che hoàn toàn nắng, mưa và biện
pháp kiểm soát gió trực tiếp vào bên trong.
b) Chất thải rắn y tế lây nhiễm
trước khi vận chuyển phải đóng gói trong các bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa
theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế, bảo đảm không bị bục, vỡ
hoặc phát tán chất thải trong quá trình vận chuyển.
c) Dụng cụ, thiết bị lưu chứa
chất thải rắn y tế lây nhiễm lắp đặt trên phương tiện vận chuyển phải có thành,
đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu va chạm, không bị rách, vỡ, rò rỉ chất thải, bảo
đảm an toàn trong quá trình vận chuyển; được lắp cố định hoặc có thể tháo rời
trên phương tiện vận chuyển và bảo đảm không bị rơi, đổ trong quá trình vận
chuyển chất thải.
d) Phương tiện vận chuyển chất
thải rắn y tế lây nhiễm phải có thùng hoặc khoang kín được bảo ôn; kích thước của
thùng chứa gắn trên phương tiện vận chuyển thực hiện theo quy định của pháp luật
về giao thông vận tải.
3. Vận chuyển chất thải rắn y tế
nguy hại không lây nhiễm: Phương tiện, thiết bị vận chuyển phải đáp ứng các quy
định tại Điều 37 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT , cụ thể như sau:
a) Thiết bị lưu chứa chất thải
rắn y tế nguy hại không lây nhiễm được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên
phương tiện vận chuyển phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại điểm a khoản 2 Điều
này.
b) Yêu cầu đặc thù cho phương
tiện vận chuyển rắn y tế nguy hại không lây nhiễm: Xe tải thùng hở phải phủ bạt
kín che nắng, mưa trong quá trình thu gom, lưu chứa, vận chuyển chất thải nguy
hại.
c) Khu vực chứa chất thải rắn y
tế nguy hại không lây nhiễm trên tàu thủy, xà lan, tàu hỏa phải bảo đảm các yêu
cầu sau:
- Có sàn, vách xung quanh bảo đảm
kín khít, đặc biệt tại đường tiếp giáp giữa sàn và vách, sử dụng vật liệu chống
thấm, không cháy, chịu ăn mòn, không có khả năng phản ứng hóa học với chất thải
nguy hại; sàn có đủ độ bền để chịu được tải trọng chất thải nguy hại cao nhất
theo tính toán.
- Có mái hoặc phủ bạt che hoàn
toàn nắng, mưa, trừ các thiết bị lưu chứa chất thải rắn y tế nguy hại không lây
nhiễm với dung tích lớn hơn 02 m3 thì được đặt ngoài trời; có biện
pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong.
d) Phương tiện vận chuyển chất
thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm khi đang hoạt động phải được trang bị
các thiết bị, dụng cụ, vật liệu sau:
- Có đầy đủ thiết bị phòng cháy
chữa cháy theo quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
- Hộp sơ cứu vết thương; bình
chứa dung dịch sođa gia dụng để trung hòa khẩn cấp vết bỏng axít trong trường hợp
vận chuyển chất thải có tính axít.
- Thiết bị thông tin liên lạc.
- Dấu hiệu cảnh báo lắp linh hoạt
tùy theo loại chất thải nguy hại được vận chuyển ít nhất ở hai bên của phương
tiện; có dòng chữ “VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI” với chiều cao chữ ít nhất 15 cm kèm
theo tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại liên hệ được đặt cố định ít nhất ở hai
bên của phương tiện; vật liệu và mực của dấu hiệu, các dòng chữ nêu trên không
bị mờ và phai màu; trường hợp vận chuyển bằng xe gắn máy thì kích thước dấu hiệu
cảnh báo được lựa chọn cho phù hợp với thực tế.
- Các bảng hướng dẫn rút gọn về
quy trình vận hành an toàn phương tiện vận chuyển và xếp dỡ hay nạp xả chất thải
nguy hại, quy trình ứng phó sự cố (kèm theo danh sách điện thoại của các cơ
quan quản lý môi trường, công an, cấp cứu, cứu hỏa của địa phương trên địa bàn
hoạt động), đặt ở cabin hoặc khu vực điều khiển theo quy định của pháp luật, được
in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ.
4. Việc vận chuyển chất thải rắn
y tế nguy hại được thực hiện bởi các cơ sở được cấp giấy phép môi trường có chức
năng xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Riêng đối với các trạm y tế cấp xã,
phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc trung tâm y tế cấp huyện, được phép sử dụng
các loại phương tiện vận chuyển là xe mô tô, xe gắn máy để vận chuyển chất thải
rắn y tế nguy hại về trung tâm y tế cấp huyện. Xe mô tô, xe gắn máy phải có
thùng chứa và được gắn chặt trên giá để hàng (phía sau vị trí ngồi lái) của xe
mô tô, xe gắn máy; kích thước của thùng chứa gắn trên xe mô tô, xe gắn máy thực
hiện theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
5. Tuyến đường và thời gian vận
chuyển:
a) Tuyến đường: được hoạt động
trên các tuyến đường giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh (trừ các tuyến đường
cấm theo quy định);
b) Thời gian: được hoạt động
trong các khung giờ theo quy định chung. Đồng thời, đối với khu vực nội thành,
nội thị, các phương tiện đang chuyên chở chất thải y tế nguy hại không được lưu
thông trên đường trong giờ cao điểm (sáng từ 06h00’ đến 08h00’, chiều từ 16h30’
đến 18h30’).
6. Trường hợp xảy ra dịch bệnh
nguy hiểm, chủ xử lý chất thải phải kịp thời điều chỉnh hoạt động vận chuyển,
lưu giữ chất thải rắn y tế lây nhiễm theo các văn bản quy định, hướng dẫn chi
tiết của cơ quan chức năng để ứng phó với dịch bệnh (nếu có).
Điều 6. Quy
định về hoạt động xử lý chất thải rắn y tế
1. Xử lý chất thải rắn y tế
thông thường: Cơ sở dịch vụ xử lý chất thải rắn y tế thông thường phải đảm bảo
thực hiện quy định khoản 3 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
a) Bảo đảm các hệ thống, phương
tiện, thiết bị, lưu giữ, xử lý chất thải rắn y tế thông thường bao gồm sơ chế,
tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng chất thải rắn y tế
thông thường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định.
b) Trường hợp có phát sinh chất
thải nguy hại từ cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn y tế thông thường
thì phải thực hiện trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định.
c) Báo cáo định kỳ, đột xuất về
tình hình phát sinh, xử lý chất thải rắn y tế thông thường theo yêu cầu của cơ
quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
d) Sử dụng biên bản bàn giao chất
thải rắn y tế thông thường phải xử lý đối với mỗi lần nhận chuyển giao; lập nhật
ký vận hành các hệ thống, phương tiện, thiết bị xử lý bao gồm sơ chế, tái sử dụng,
tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng chất thải rắn y tế thông thường; sổ
theo dõi số lượng các sản phẩm tái chế hoặc thu hồi từ chất thải rắn y tế thông
thường (nếu có).
2. Xử lý chất thải rắn y tế
nguy hại: Cơ sở dịch vụ xử lý chất thải rắn y tế nguy hại phải đảm bảo thực hiện
quy định tại Điều 85 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
a) Đáp ứng đầy đủ yêu cầu quy định
tại khoản 3 Điều 84 của Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
- Phù hợp với Quy hoạch bảo vệ
môi trường quốc gia hoặc quy hoạch có nội dung về xử lý chất thải rắn y tế nguy
hại, trừ trường hợp cơ sở đồng xử lý chất thải nguy hại.
- Bảo đảm khoảng cách an toàn về
môi trường theo quy định.
- Công nghệ xử lý chất thải rắn
y tế nguy hại phải được thẩm định, có ý kiến theo quy định của pháp luật về
chuyển giao công nghệ; khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, kỹ
thuật hiện có tốt nhất, công nghệ xử lý kết hợp với thu hồi năng lượng.
- Có giấy phép môi trường.
- Có nhân sự phụ trách về bảo vệ
môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp.
- Có quy trình vận hành an toàn
công nghệ, phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp.
- Có kế hoạch quản lý môi trường
gồm nội dung kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải; an toàn lao động, vệ sinh
lao động; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; đào tạo, tập huấn định kỳ hằng
năm; chương trình giám sát môi trường; đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại;
phương án xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường sau khi kết thúc hoạt động.
- Ký quỹ bảo vệ môi trường
trong trường hợp có hoạt động chôn lấp chất thải.
b) Thu gom, vận chuyển, tiếp nhận,
xử lý số lượng, loại chất thải rắn y tế nguy hại theo đúng nội dung giấy phép
môi trường được cấp.
c) Bảo đảm hệ thống, phương tiện,
thiết bị lưu giữ, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật,
quy trình quản lý theo quy định.
d) Thực hiện trách nhiệm của chủ
nguồn thải chất thải nguy hại đối với chất thải nguy hại phát sinh từ quá trình
hoạt động mà không có khả năng xử lý.
đ) Đăng ký với cơ quan cấp phép
môi trường theo thẩm quyền để được chấp thuận khi có nhu cầu liên kết vận chuyển
chất thải nguy hại không có trong giấy phép môi trường của mình cho chủ cơ sở
thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại khác có chức năng phù hợp theo quy định
của Chính phủ.
e) Lập, sử dụng, lưu trữ và quản
lý chứng từ chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại và hồ sơ,
tài liệu, nhật ký liên quan đến công tác quản lý chất thải nguy hại theo quy định.
g) Công khai, cung cấp thông
tin về loại, số lượng chất thải rắn y tế nguy hại thu gom, xử lý, phương pháp xử
lý; thông tin về tên, địa chỉ chủ nguồn thải chất thải rắn y tế nguy hại được
thu gom, xử lý và các thông tin về môi trường khác cần phải công khai, cung cấp
thông tin theo quy định tại Điều 114 của Luật Bảo vệ môi trường.
3. Đối với chủ xử lý chất thải
có trụ sở đặt tại tỉnh Bình Định, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh nguy hiểm,
cơ quan chức năng có quyền chỉ định, đặt hàng hoặc điều chỉnh, điều tiết hoạt động
xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm và các loại chất thải khác của chủ xử lý chất
thải để phù hợp với tình hình thực tế ứng phó với dịch bệnh. Chủ xử lý chất thải
có trách nhiệm chấp hành các văn bản quy định, yêu cầu của cơ quan chức năng (nếu
có).
4. Mô hình xử lý chất thải rắn
y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Bình Định theo mô hình tập trung xử lý tại cơ sở
có chức năng xử lý chất thải rắn y tế nguy hại.
5. Thông tin về tổ chức có chức
năng thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại
trên địa bàn tỉnh
Đơn vị nhận chuyển giao chất thải
rắn y tế nguy hại phải có giấy phép môi trường hoặc giấy phép xử lý chất thải
nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, trong đó có nội dung thu gom, vận
chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Chương
III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN
VỊ LIÊN QUAN
Điều 7.
Trách nhiệm của các chủ nguồn thải
1. Thực hiện các hoạt động quản
lý chất thải rắn y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở của mình theo đúng các quy
định của pháp luật, từ khi chất thải phát sinh cho đến khi chất thải được chuyển
giao cho chủ xử lý chất thải theo đúng quy định.
2. Báo cáo định kỳ, đột xuất về
tình hình quản lý chất thải rắn y tế của chủ nguồn thải theo yêu cầu của cơ
quan chức năng.
Điều 8.
Trách nhiệm của tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế
1. Thực hiện các hoạt động thu
gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý chất thải rắn y tế theo đúng các quy định của
pháp luật và văn bản quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng.
2. Báo cáo định kỳ, đột xuất về
tình hình tiếp nhận, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế của chủ xử lý chất
thải theo yêu cầu của cơ quan chức năng.
3. Đảm bảo các điều kiện an
toàn khi đưa phương tiện vận chuyển chất thải rắn y tế vào hoạt động trên các
tuyến đường.
Điều 9.
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế,
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan có liên quan chỉ đạo,
hướng dẫn các cơ sở y tế và các chủ nguồn thải khác, các đơn vị vận chuyển chất
thải, các chủ xử lý chất thải hoạt động trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai
thực hiện Quy định này và các quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động thu
gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế
kiểm tra, thanh tra công tác quản lý chất thải y tế ngoài khuôn viên cơ sở y tế
theo quy định của Thông tư số 02/2022/TT- BTNMT, kiểm tra công tác bảo vệ môi
trường đối với các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về bảo vệ môi
trường cấp tỉnh. Kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối
với các cơ sở xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh.
c) Chủ trì, phối hợp với các
đơn vị có liên quan xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định điều
chỉnh, bổ sung nội dung của Quy định này khi các quy định của pháp luật có thay
đổi hoặc quá trình triển khai Quy định này có những phát sinh cần phải điều chỉnh
phù hợp với thực tế.
2. Sở Y tế
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra
các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý trong việc triển khai thực hiện quản lý chất
thải rắn y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế từ khi chất thải phát sinh
cho đến khi chất thải được chuyển giao cho đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải
theo quy định của Thông tư số 20/2021/TT-BYT .
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường trong việc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này của
các cơ sở y tế.
3. Công an tỉnh
a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường, Sở Y tế trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường của
cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
b) Giám sát, kiểm tra, kịp thời
ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động vận chuyển chất thải y tế.
c) Kiểm tra đối với các tổ chức,
cá nhân có dấu hiệu hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội
phạm môi trường trong hoạt động thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn
y tế trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Giao thông vận tải: Giám
sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh
vận tải bằng xe ô tô đối với các đơn vị vận chuyển chất thải rắn y tế.
5. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
a) Chỉ đạo các phòng, ban, đơn
vị liên quan thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt
động quản lý chất thải rắn y tế đối với các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý nhà
nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn;
b) Phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường, Sở Y tế trong quản lý và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các chủ
nguồn thải, các đơn vị vận chuyển chất thải, các chủ xử lý chất thải hoạt động
trên địa bàn trong việc triển khai thực hiện Quy định này và các quy định của
pháp luật hiện hành về hoạt động thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải
rắn y tế.
6. Trách nhiệm của các tổ chức
khác có liên quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, đơn
vị có liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện Quy định này và các quy định
pháp luật có liên quan.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10.
Điều khoản chuyển tiếp
Các cơ sở y tế, chủ nguồn thải
khác và các chủ vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh đang thực hiện hoạt
động quản lý, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế có những nội
dung chưa phù hợp theo Quy định này, trước ngày 31 tháng 3 năm 2023 phải hoàn
thành việc cập nhật, điều chỉnh các hoạt động tại cơ sở của mình theo đúng Quy
định này.
Điều 11.
Điều khoản thi hành
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, địa phương và
các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quy định này, định kỳ tổng hợp, báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thực hiện theo
quy định.
2. Trong trường hợp các văn bản
quy phạm pháp luật viện dẫn ở Quy định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì
áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
3. Các sở, ban, ngành, Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quy định này
và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực hiện.
4. Trong quá trình tổ chức thực
hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở
Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp./.