NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN
LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường
năm 2005;
Căn cứ
Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ Quy định tổ
chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh
nghiệp nhà nước;
Căn cứ Quyết định số
256/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê
duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm
2020;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
45/2010/TTLT-BTC-TNMT ngày 30 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tài
nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường;
Xét Tờ trình số 81/TTr-UBND
ngày 17 tháng 6 năm 2010 của UBND tỉnh về đề nghị ban hành Nghị quyết về một số
giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Luật Bảo vệ môi trường; Báo cáo thẩm tra số
574/BC-KTNS ngày 02 tháng 7 năm 2010 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; tổng
hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành một số giải pháp nhằm đẩy mạnh thực
hiện Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2010 - 2015:
I. TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC
NÂNG CAO NHẬN THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
1. Các cấp, các ngành tăng cường
công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân trong việc bảo
vệ môi trường; phổ biến, quán triệt rộng rãi các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao vai trò giám
sát của cộng đồng về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư.
2. Các cơ quan thông tin, tuyên
truyền ở địa phương hàng năm xây dựng kế hoạch để tổ chức tuyên truyền thường
xuyên về công tác bảo vệ môi trường.
3. Tất cả các trường học trong
toàn tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nội dung bảo vệ môi trường
trong trường học, trong đó chú trọng giáo dục truyền thống yêu thiên nhiên, nếp
sống gần gũi, gắn bó và bảo vệ môi trường.
4. Chủ các cơ sở sản xuất kinh
doanh có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và xây dựng
kế hoạch thực hiện theo quy định của pháp luật phù hợp với phương án sản xuất
kinh doanh của đơn vị mình.
5. Các tổ, bản, khu dân cư đưa
nội dung bảo vệ môi trường vào quy ước, hương ước để tổ chức thực hiện theo quy
định của Luật Bảo vệ môi trường.
II. NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN
LÝ NHÀ NƯỚC VỀ MÔI TRƯỜNG
1. Kiện toàn tổ chức, chức năng
nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp, đảm bảo phòng
tài nguyên môi trường cấp huyện có cán bộ chuyên trách làm quản lý môi trường;
cấp xã bố trí chức danh công chức địa chính - xây dựng - môi trường; các sở,
ban, ngành, đơn vị, các tổ chức kinh doanh cần bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm
công tác bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất,
trang thiết bị môi trường cho các cơ quan quản lý môi trường các cấp.
2. Xây dựng
quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cần gắn với công tác bảo vệ môi
trường.
3. Đẩy mạnh
công tác điều tra cơ bản; quan trắc, thống kê và lập cơ sở dữ liệu môi trường;
điều tra, đánh giá và đăng ký chủ nguồn thải đối với chất thải nguy hại.
4. Nghiên
cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ tiên tiến trong xử lý ô
nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường.
III. XÂY DỰNG, TỔ CHỨC THỰC HIỆN MỘT SỐ DỰ ÁN, ĐỀ ÁN, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VỀ MÔI TRƯỜNG
1. Xây dựng quy
hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh giai đoạn 2010 - 2020 định hướng đến năm 2025 theo các Điều 29, 50, 76, 80 và Điều 96 Luật Bảo vệ
môi trường năm 2005.
2. Xây dựng
và thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường của tỉnh giai đoạn từ năm 2010 đến
năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
3. Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về
chất thải theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008
của Chính phủ.
4. Lập và
tổ chức thực hiện quy hoạch xử lý chất thải rắn thông thường cấp tỉnh, cấp huyện
và quy hoạch nghĩa trang nhân dân cấp huyện.
5. Từ nay
đến năm 2015 đầu tư xây dựng các dự án xử lý chất thải lỏng và chất thải rắn
cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và trung tâm giáo dục lao động cấp
huyện.
6. Dự án xử
lý nước thải tại thành phố Sơn La và các huyện, các nhà máy.
7. Dự án trồng rừng phòng hộ, khoanh nuôi
bảo vệ rừng vùng đầu nguồn công trình thủy điện Sơn La, Hòa Bình và các công
trình thủy điện khác
8. Dự án
xây dựng mô hình tự quản lý môi trường tại các khu, điểm tái định cư công trình
thủy điện.
9. Dự án
quan trắc môi trường và giám sát ô nhiễm hàng năm trong đó có các dự án thủy điện
và khai thác khoáng sản.
10. Điều
tra, khảo sát, đánh giá lập đề án bảo tồn đa dạng sinh học.
11. Lập và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng các khu giết mổ gia súc tập
trung của các huyện và thành phố.
IV. ĐẢM BẢO KINH PHÍ CHI CHO
SỰ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG HÀNG NĂM
1. Hàng
năm UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường
không thấp hơn 1% tổng chi cân đối của ngân sách nhà nước cấp tỉnh trong dự
toán ngân sách hàng năm.
2. Kinh
phí sự nghiệp môi trường hàng năm được phân bổ trực tiếp cho các ngành, đơn vị
và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp
xã quản lý ngay từ đầu kỳ kế hoạch năm.
3. Xây dựng
cơ chế tài chính phân bổ các nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường để hỗ trợ đầu
tư trở lại cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
V. TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH
TRA, KIỂM TRA, GIÁM SÁT THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
1. Thường xuyên
xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát môi trường đối với các dự án, đề
án và cam kết, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt;
2. Đẩy mạnh
việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,
các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực
bảo vệ môi trường.
VI. TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC VỀ BẢO
VỆ MÔI TRƯỜNG
1. Phối hợp
bảo vệ môi trường với các tỉnh trong khu vực và các tỉnh giáp ranh thuộc Nước Cộng
hoà dân chủ nhân dân Lào.
2. Xây dựng
một số dự án đầu tư bảo vệ môi trường nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các tổ
chức quốc tế để thu hút sự hỗ trợ các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường.
Điều 2. Hiệu lực
thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành
sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh khoá XII thông qua.
Điều 3. Tổ chức
thực hiện
1. UBND tỉnh xây dựng chương
trình, kế hoạch tổ chức thực hiện; tăng cường chỉ đạo, điều hành, đổi mới
phương pháp tổ chức thực hiện, đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.
2. Thường trực HĐND, các Ban HĐND
tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc triển
khai thực hiện Nghị quyết này.
Nghị
quyết này được HĐND tỉnh Sơn La khoá XII, kỳ họp thứ 14 thông qua./.