Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 118/2008/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên Người ký: Đào Tấn Lộc
Ngày ban hành: 05/12/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/2008/NQ-HĐND

Tuy Hòa, ngày 05 tháng 12 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 160/2005/NÐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

Sau khi xem xét Tờ trình số 49/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên về việc đề nghị thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Phú Yên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Phú Yên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, gồm:

1. Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản tỉnh Phú Yên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (trừ các khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng).

2. Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

(Các nội dung cơ bản theo văn bản đính kèm)

Hội đồng nhân dân tỉnh lưu ý: Tài nguyên khoáng sản tỉnh ta có hạn, cần được quy hoạch, điều tra, quản lý sử dụng chặt chẽ, có hiệu quả; không để lãng phí tài nguyên, hạn chế tối đa xuất khẩu quặng khoáng sản; gắn chặt việc khai thác, chế biến, sử dụng với việc bảo vệ nghiêm ngặt về môi trường, tạo việc làm cho người lao động và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên khóa V, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 05 tháng 12 năm 2008./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đào Tấn Lộc

 

QUY HOẠCH

THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Nghị quyết số 118/2008/NQ-HĐND ngày 05 tháng 12 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên khóa V, kỳ họp thứ 12)

I. PHẠM VI VÀ MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Phạm vi

- Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: cát (sỏi) lòng sông, đá xây dựng (trừ đá ốp lát) và đất sét sử dụng làm gạch, ngói.

- Các loại khoáng sản khác (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng).

2. Mục tiêu

- Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản có hiệu quả, phát huy tiềm năng gắn liền với công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Quản lý chặt chẽ các nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội và góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà.

II. HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

1. Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

a) Đối với đá xây dựng:

Theo số liệu khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh hiện có 28 điểm (mỏ) đá với trữ lượng khoảng: 16 triệu m3, trong đó:

- Đá xay công nghiệp: Tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Tuy An với 10 điểm khai thác (chiếm 50%), còn lại phân bố ở các huyện: Phú Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa. Chính vì sự phân bố không đồng đều về cự ly đã góp phần làm tăng giá thành xây dựng công trình;

- Đá chẻ: Hiện nay có 8 điểm khai thác đá chẻ phục vụ các công trình xây dựng phân bố rải rác ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, nhiều nhất ở khu vực Hảo Sơn huyện Đông Hòa. Quy mô khai thác nhỏ, công nghệ thủ công;

b) Đối với cát (sỏi) xây dựng: Trước đây, quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác và sử dụng cát sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã được Công ty Địa chất và khoáng sản thuộc Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam nghiên cứu xác lập và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2099/QĐ-UB ngày 06 tháng 8 năm 2002; với 30 mỏ (doi) cát, trữ lượng: 150 triệu m3;

c) Đối với đất sét: Trung bình những năm gần đây, các cơ sở sản xuất cung cấp cho thị trường khoảng 221 triệu sản phẩm gạch ngói, tương đương với việc khai thác khoảng 375.000m3 đất sét. Riêng Nhà máy gạch tuy nen chỉ cung cấp cho thị trường khoảng 23 triệu sản phẩm (chiếm 11%), còn lại là các điểm sản xuất thủ công nằm rải rác ở các địa phương, tập trung nhiều nhất ở xã Hòa Vinh, huyện Đông Hòa với hơn 20 lò, mỗi năm sản xuất khoảng 15 triệu sản phẩm và hiện đang là nguồn gây ô nhiễm có chiếu hướng báo động trên địa bàn tỉnh;

d) Đối với đất (cát) san nền: Thực trạng đất (cát) san nền phục vụ cho việc làm đường giao thông và san lấp mặt bằng xây dựng các công trình phân bố ở từng địa phương. Riêng các huyện miền núi trữ lượng đất đồi rất lớn, rãi đều ở các xã. Khi công trình thi công ở địa phương nào thì khai thác tại nơi gần nhất nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển. Các huyện ở đồng bằng thì trữ lượng đất đồi hạn chế nên một số nơi khai thác các doi cát bị nhiễm mặn, cát tạp chất, cát hạt lớn, tận thu đất sau khi khai thác các mỏ đá... để phục vụ cho việc san lấp mặt bằng.

2. Đối với các loại khoáng sản khác (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng)

a) Đối với quặng sắt: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Yên có Công ty TNHH luyện kim Sơn Giang đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cấp phép khai thác quặng sắt Phong Hanh với công suất 80.000 tấn/năm để phục vụ cho dự án luyện cán thép 100.000 tấn/năm trên địa bàn. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu chỉ dựa vào trữ lượng quặng sắt hiện có ở Phú Yên, thì dự án này thiếu khả năng cạnh tranh và khó có thể trở thành hiện thực;

b) Đối với quặng vàng: Hiện nay Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã cấp phép đầu tư khai thác, chế biến mỏ vàng Hòn Mò O cho Công ty TNHH liên doanh khoáng sản Chúng Thao Hằng Tân, Công ty này đang tiến hành các thủ tục tiếp theo để được khai thác;

c) Đối với diatomit: Hiện nay Công ty cổ phần khoáng sản Phú Yên được phép khai thác mỏ diatomit Hòa Lộc với tổng diện tích 66ha. Sản lượng khai thác hàng năm khoảng 6.000-7.000 tấn/năm. Sản phẩm chủ yếu làm chất xử lý nước hồ nuôi tôm;

d) Bôxit: Hiện nay Công ty cổ phần khoa học sản xuất mỏ đang lập các thủ tục thăm dò mỏ bôxit khu vực An Xuân và Vân Hòa, trên diện tích 16,838km2. Do trữ lượng nhỏ và không tập trung, nên Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường ủy quyền cho Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép thăm dò đối với khu vực mỏ này;

e) Đá oplat và trang trí: Hiện đã đăng ký được 15 mỏ đá oplat, trong số đó có 7 điểm đã được tìm kiếm, thăm dò và đang khai thác gồm 4 điểm đá đen: Bình Thành, An Thọ, Sơn Xuân, Sông Hinh và 3 điểm đá màu hồng: Núi Hương, Cần Lương, Hòa Tâm. Còn lại các điểm khác như: Đa Lộc, Hòa Lộc 1, Buôn Mã Voi (đá đen), Hòa Lộc 2 (đá vằn vện), Hảo Sơn (đá xám trắng), Đèo Hóc Giách, Xuân Cảnh và Mỹ Khê (đá màu hồng) mới chỉ được khảo sát sơ bộ. Nhìn chung, đá có các tính chất cơ lý, màu sắc, độ bóng sản phẩm, sức tô điểm... đáp ứng yêu cầu làm đá oplat. Đặc biệt nhóm đá màu đen có màu sắc đẹp đang được thị trường thế giới rất ưa chuộng;

g) Nước khoáng: Mỏ nước khoáng Phú Sen đã được khai thác từ 1997. Các điểm, mỏ còn lại Phước Long, Triêm Đức, Phú Sen, Sơn Thành và Mỹ Thành mới ở giai đoạn khảo sát;

h) Đối với các khoáng sản khác: Ngoài ra trên địa bàn có một số điểm mỏ khai thác quy mô nhỏ các khoáng sản khác (không kể các mỏ vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng) như fluorit (2.000-3.000tấn/năm), ilmenhit,… Sản phẩm chủ yếu là quặng thô hoặc tinh quặng, với quy mô nhỏ, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

III. TRỮ LƯỢNG VÀ TIỀM NĂNG KHAI THÁC

1. Tiềm năng, trữ lượng khai thác khoáng sản sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường

a) Cát, sỏi lòng sông:

- Tiềm năng tự nhiên: 370 triệu m3;

- Tiềm năng thu hồi: 160 triệu m3, phân bố dọc theo các sông Ba (Đà Rằng), sông Bánh Lái - Bàn Thạch , sông Tam Giang (Sông Cầu) và sông Cái;

- Trữ lượng khai thác:   

+ Sông Ba: 134 triệu m3;

+ Sông Cái: 16 triệu m3;

+ Sông Bánh Lái: 2,5 triệu m3;

+ Sông Tam Giang: 0,3 triệu m3;

b) Đá xây dựng thông dụng:

- Tiềm năng tự nhiên: 250.000 triệu m3;

- Tiềm năng thu hồi: 25.000 triệu m3;

- Trữ lượng khai thác: 16 triệu m3;

c) Đất sét (gạch ngói):

- Tiềm năng tự nhiên: 230 triệu m3;

- Tiềm năng thu hồi: 40 triệu m3;

- Trữ lượng khai thác: 7 triệu m3.

2. Tiềm năng, trữ lượng khai thác các loại khoáng sản khác (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng)

a) Khoáng sản kim loại:

- Nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt:

+ Sắt: gồm có: điểm quặng Đá Dăng, điểm quặng sắt Dân Phú, mỏ sắt Phong Hanh, điểm quặng sắt Sơn Nguyên, điểm quặng sắt Mò O. Tổng trữ lượng hai mỏ sắt Phong Hanh và Sơn Nguyên khoảng 1,2 triệu tấn, rất nhỏ;

+ Molibden: điểm quặng molibden Bình Chánh: hàm lượng molibden 2-3%. Chưa được điều tra kỹ;

- Nhóm khoáng sản kim loại cơ bản: Phú Yên có quặng thiếc. Điểm khoáng hóa thiếc Đá Dăng, Đông Tác, Mỹ Thạnh Đông, Trương Thịnh, Phú Thuận đều là sa khoáng với hàm lượng thấp, chưa được điều tra kỹ;

- Nhóm khoáng sản kim loại nhẹ:

+ Nhôm: Khoáng sản nhôm gồm các mỏ và điểm quặng bôxit Mỹ Lương, Tuy An, Mỹ Thạnh, Gò Đu, Hòn Lúp, Kim Sơn đều là quy mô: điểm quặng. Mỏ bôxit An Xuân có quy mô vừa. Đã thăm dò xác định trữ lượng cấp C1: 3,890 triệu tấn; C2: 0,940 triệu tấn;

+ Titan: Phú Yên có khá nhiều titan sa khoáng ven biển. Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan, giai đoạn 2007-2015, định hướng đến năm 2025 đã được phê duyệt (tại Quyết định số 104/2007/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ), tài nguyên quặng titan khu vực Sông Cầu và Tuy An của tỉnh Phú Yên được dự báo khoảng 700.000 tấn;

- Nhóm khoáng sản kim loại quý (vàng): Phú Yên có nhiều biểu hiện khoáng hóa, điểm quặng và mỏ vàng. Tổng hợp lại có thể khoanh 5 vùng triển vọng về vàng ở tỉnh Phú Yên: bao gồm Bắc Phú Yên, Sơn Phước, Sơn Nguyên, Trảng Sim, Sông Hinh. Tổng trữ lượng tiềm năng khoảng 62 tấn. Trong đó vàng 11 tấn, bạc 51 tấn;

b) Nhóm đá ốp lát và trang trí: phần lớn diện tích tỉnh Phú Yên là các đá magma nên các đá ốp lát và trang trí khá phong phú, gồm 16 điểm đá ốp lát: Đa Lộc, Xuân Cảnh, Bình Thành, Cần Lương, Hòa Lộc 1, Hòa Lộc 2, Đèo Hóc Giách, An Thọ, Sơn Xuân, Buôn Mả Voi, Núi Hương, Sông Hinh, Mỹ Khê, Hòa Tâm 1 và điểm Hảo Sơn. Tổng trữ lượng tiềm năng khoảng 100 triệu m3;

c) Khoáng chất công nghiệp:

- Diatomit:

Về chất lượng: Diatomit Phú Yên phân bố trên diện rộng hàng 100km2 thuộc các xã An Xuân, An Nghiệp, An Thọ, An Lĩnh huyện Tuy An và xã Xuân Phước huyện Đồng Xuân; trong đó mỏ Hòa Lộc có chất lượng tốt nhất (hàm lượng SiO2 trung bình trên 65%), phân bố liên tục và ngay trên bề mặt địa hình nên điều kiện khai thác thuận tiện; các mỏ còn lại quặng phân bố không liên tục, tạp chất có hại như sắt (Fe2O3) cao, lớp phủ dày, kết cấu hạ tầng kém nên điều kiện khai thác khó;

Về trữ lượng: dự báo tổng trữ lượng quặng diatomit Phú Yên khoảng 69 triệu m3, trong đó khu mỏ Hòa Lộc có trữ lượng lớn nhất (61 triệu m3), chiếm hơn 88% tổng trữ lượng diatomit toàn tỉnh. Các mỏ còn lại trữ lượng nhỏ, phân bố ở địa hình thấp, thân quặng ở dạng thấu kính, chủ yếu phát triển theo đường phương, ít phát triển theo diện rộng nên quy mô nhỏ;

- Nguyên liệu hóa chất: trong nhóm nguyên liệu hóa chất, tỉnh Phú Yên có fluorit và đá vôi:

+ Điểm fluorit Xuân Lãnh, điểm fluorit Phú Mỡ. Tổng trữ lượng khoảng 300.000 tấn;

+ Điểm đá vôi buôn Thu;

- Mỏ khoáng Felspat buôn Keng, huyện Sông Hinh, có trữ lượng nhỏ. Khu vực này đã được bàn giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh để cấp phép khai thác tận thu;

- Nguyên liệu sứ gốm: điểm kaolin Phong Hậu, điểm pegmatit buôn Keng, điểm sét sứ gốm Định Trung;

- Nguyên liệu chịu lửa: điểm marsalit Hòa Đa, điểm marsalit Đồng Hòa;

- Nguyên liệu mài: điểm granat Suối Dục;

- Các khoáng chất công nghiệp khác:

+ Than bùn Hảo Sơn, than bùn Mỹ Điền: tổng trữ lượng khoảng 1,2 triệu m3;

+ Các điểm đá vôi san hô Sông Cầu, sét bentonit Trà Rằng, sét bentonit Sơn Hòa, talc Phong Hanh chưa được điều tra;

d) Đá quý, bán quý: các đá quý, bán quý có mặt ở tỉnh Phú Yên bao gồm các điểm saphyr nhỏ, nằm dưới lòng đất khoảng 15-20m trữ lượng nhỏ không đáng kể;

e) Nước khoáng: gồm các điểm nước khoáng Phước Long, Triêm Đức, Phú Sen, Sơn Thành và Mỹ Thành. Các điểm nước khoáng mới chỉ được khảo sát; riêng điểm Phú Sen đã được khai thác từ 1997.

IV. ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH

1. Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

a) Đá xây dựng: tiếp tục mở rộng, nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở khai thác đá xây dựng đáp ứng yêu cầu thị trường trong tỉnh hoặc có thể cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh, đặc biệt là nhu cầu đá xây dựng cho các khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh, đồng thời kiên quyết tiến hành đóng cửa các mỏ đá có vị trí thuộc ranh giới quy hoạch xây dựng đô thị và điểm dân cư nông thôn;

Các cơ sở sản xuất đá xây dựng phải đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, cảnh quan du lịch, di tích lịch sử, văn hóa và từng bước hiện đại hóa công nghiệp sản xuất đá xây dựng;

b) Cát, sỏi lòng sông: tổ chức sắp xếp lại các điểm khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh; phân vùng khai thác hợp lý để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các công trình thủy lợi, công trình giao thông, ít tác động đến dòng chảy của các sông. Tổ chức các khu bãi chứa cát, sỏi tập trung và có kế hoạch cung ứng cát, sỏi cho phù hợp với từng địa phương;

c) Đất sét: tổ chức lại sản xuất kinh doanh vật liệu xây thủ công ở các địa phương, nhằm giảm tối đa sử dụng đất canh tác và các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường. Từng bước phát triển sản phẩm gạch không nung ở những vùng không có nguyên liệu nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công;

Tiếp tục hoàn thiện công nghệ và ổn định sản xuất cho cơ sở gạch tuynen hiện có và khuyến khích đầu tư các cơ sở sản xuất gạch tuynen 30-50 triệu viên/năm. Đồng thời, đầu tư xây dựng thêm một số dây chuyền gạch tuynen quy mô nhỏ với công suất 7 hoặc 10 triệu viên/năm bằng thiết bị công nghệ lò đứng liên tục. Từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư mới một số dây chuyền sản xuất gạch tuy nen tại một số huyện Tuy An (xã An Định), Tây Hòa (xã Sơn Thành Tây), Phú Hòa (xã Hòa Định Đông);

Đầu tư xây dựng một số cơ sở sản xuất gạch block công suất mỗi cơ sở 10 triệu tấn sản phẩm/năm ở Khu công nghiệp Hòa Hiệp và Đông Bắc Sông Cầu;

Đến năm 2020 năng lực sản xuất gạch ngói của tỉnh đạt là 380 triệu sản phẩm, trong đó: gạch nung lò tuy nen 200 triệu viên; gạch nung lò đứng liên tục 40 triệu viên; gạch bloc 140 triệu viên;

d) Đất (cát) san nền: hiện trạng thực tế đã cho thấy vấn đề đất (cát) san nền rất cần thiết cho việc xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông... Nhằm đảm bảo ít ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan thiên nhiên, đô thị và các công trình văn hóa, di tích lịch sử..., cần phải quy hoạch thăm dò sắp xếp lại các điểm khai thác cho phù hợp.

2. Đối với các loại khoáng sản khác (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu sản xuất xi măng)

a) Đối với diatomit: đã đựơc Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 2058/QĐ-UBND ngày 06 tháng 11 năm 2007 nội dung như sau:

- Vùng Hòa Lộc: thuộc khu vực quản lý của Trung ương, đã đưa vào quy hoạch khoáng sản của cả nước. Định hướng sản xuất bột trợ lọc và các sản phẩm cao cấp khác;

- Các vùng mỏ diatomit An Lĩnh, An Xuân, An Hiệp, An Thọ:

Giao lại cho tỉnh quản lý, cấp phép để khai thác, sản xuất các sản phẩm xử lý nư­ớc nuôi tôm theo một tiêu chuẩn chất lượng thống nhất dư­ới sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà n­ước hoặc các sản phẩm diatomit khác;

Khuyến khích thăm dò bổ sung để đánh giá lại trữ l­ượng, chất l­ượng quặng, tính khả tuyển, khả luyện, lĩnh vực sử dụng, nhằm định h­ướng cho quá trình khai thác và chế biến sau này. Trong tư­ơng lai, không loại trừ ph­ương án liên doanh với nư­ớc ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể tham gia xuất khẩu;

b) Đối với quặng sắt: các điểm sắt đều có qui mô điểm quặng, hoặc mỏ nhỏ. Mỏ Phong Hanh đã được thăm dò. Các điểm còn lại cần thăm dò tr­ước khi khai thác;

Quặng sắt Phú Yên không nằm trong quy hoạch quốc gia trong giai đoạn đến 2020 nên có thể khai thác, tinh tuyển để tiêu thụ trong và ngoài nước. Trước đây chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phải xây dựng cơ sở luyện thép tại Phú Yên, trên cơ sở vừa sử dụng quặng Phú Yên vừa mua nguyên liệu trong và ngoài nước để xây dựng nhà máy thép, với công suất 100.000 tấn/năm. Song với tình hình hiện nay, với nhiều yếu tố tác động cả trong nước và nước ngoài, nếu xây dựng một nhà máy có công suất 100.000 tấn/năm sẽ không có hiệu quả, hơn nữa việc sản xuất thép sẽ gây ô nhiễm và vị trí dự kiến đặt nhà máy nằm trong khu quy hoạch của dự án Sama Dubai. Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trương sẽ dừng xây dựng nhà máy luyện cán thép, mà chỉ làm đến công đoạn tỉnh tuyển, nâng hàm lượng để bán trong nước hoặc xuất khẩu;

c) Đối với vàng: tích cực thu hút và tạo điều kiện cho các công ty khai thác vàng trong n­ước và ngoài n­ước đầu tư­ vào thăm dò và khai thác vàng gốc theo quy mô công nghiệp, trước mắt tại khu vực Sông Hinh, Sơn Phước và Sơn Nguyên. Đồng thời nghiên cứu tổ chức tận thu các khoáng sản có ích trong quá trình khai thác vàng như­ bạc, đồng. Phấn đấu đến 2020 sản lư­ợng vàng khai thác đạt khoảng 300-500 kg/năm;

- Vùng Bắc Phú Yên: hàm l­ượng Au: 0,2-0,4g/t. Sự có mặt nhiều điểm khoáng hóa vàng trong khu vực là dấu hiệu cần thiết để điều tra chuyên khoáng vàng ở tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/10.000;

- Vùng Sơn Phư­ớc: đây là vùng rất triển vọng về vàng, trong đó: các điểm vàng: Cà Lúi, Sơn Hội, Tân Hội, Tân Hòa, Núi Cà Tơn, Sơn Phước, Núi Hòn Táo: mức độ đã điều tra: tìm kiếm; quy mô mỏ nhỏ. Cần tìm kiếm mở rộng;

- Vùng Sơn Nguyên:

+ Các điểm vàng: Suối Dục, Nguyên Hanh, Tây Bắc Lỗ Hùm, Suối Vực: mức độ đã điều tra: tìm kiếm; quy mô: điểm khoáng hoá. Không cần tìm kiếm mở rộng;

+ Các điểm vàng: Đá Bàn, Suối Chăm, Suối Cau, Thôn 53: mức độ điều tra: khảo sát; quy mô điểm quặng. Cần tìm kiếm ở tỷ lệ 1/10.000;

- Vùng Trảng Sim: điểm mỏ quặng vàng ở vùng này đư­ợc phát hiện trong quá trình lập bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1/50.000, tìm kiếm chi tiết hóa tỷ lệ 1/10.000 và 1/2.000. Đã được Bộ Công thương quy hoạch, thuộc Trung ương quản lý;

Điểm vàng Trảng Sim: vùng đã đ­ược tìm kiếm chi tiết tỷ lệ 1/10.000 và 1/2.000, không cần điều tra thêm;

- Vùng Sông Hinh:

+ Các điểm vàng: riêng các điểm: buôn Keng, buôn Lê Diêm đã được Bộ Công thương quy hoạch, thuộc Trung ương quản lý;

+ Các điểm còn lại chưa được điều tra kỹ cần tìm kiếm thăm dò;

+ Điểm vàng Mò O: tiến hành xây dựng nhà máy tuyển luyện vàng với công suất sau: giai đoạn 2008-2010: 90.000 tấn quặng/năm, sau 2010 nâng lên: 165.000 tấn quặng/năm;

d) Nhóm đá ốp lát và trang trí: đá ốplát Phú Yên có trữ lượng lượng lớn, màu sắt phong phú. Do đó cần tạo điều kiện cho các nhà máy sản xuất đá ốplát xuất khẩu phát huy hết công suất và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 1 triệu m2 sản phẩm các loại/năm;

e) Bôxit: Tiến hành điều tra nâng cấp trữ lượng và cũng chỉ xây dựng cơ sở sản xuất tinh tuyển quặng để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu;

g) Nước khoáng: kêu gọi các nhà đầu tư vào thăm dò và xây dựng dự án đa mục tiêu;

h) Các khoáng sản khác: có mặt trên địa bàn còn một số khoảng sản khác có quy mô nhỏ, có thể tổ chức khai thác quy mô nhỏ hoặc tận thu như­: inmenhit, felspat, pegmatit, than bùn,… trong giai đoạn đến 2020.

V. GIẢI PHÁP

1. Để hỗ trợ cho việc khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn, tỉnh Phú Yên cần tăng cường phát triển hạ tầng cơ sở, nhất là ở những vùng phía Tây như Sơn Hòa, Sông Hinh,… nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào phát triển ngành khai thác mỏ nói riêng và kinh tế xã hội nói chung ở những địa phương trên. Đồng thời đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, cảng biển phục vụ cho khai thác, chế biến, vận chuyển, xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ khoáng sản.

Nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện các Khu cụm công nghiệp để tập hợp, thu hút đầu tư vào chế biến các sản phẩm khai khoáng, xử lý môi trường tập trung.

2. Tập trung thu hút nguồn lực ưu tiên cho công tác điều tra cơ bản về địa chất, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiến hành công tác thăm dò địa chất một cách đồng bộ để có cơ sở vững chắc cho việc triển khai thực hiện các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt đối với vàng và diatomit.

- Xây dựng đồng bộ quy hoạch, phê duyệt, công bố rộng rãi quy hoạch tổng thể về tài nguyên khoáng sản, trong đó có xác định các khu vực cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản, để có căn cứ định hướng phát triển các hoạt động điều tra thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn.

- Ngoài các mỏ khoáng sản đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) cấp phép trước đây; đề nghị Chính phủ phân cấp quản lý và cấp phép toàn bộ các khoáng sản còn lại trên địa bàn cho Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, kể cả các khoáng sản vàng, nhằm khắc phục tình trạng bất cập trong quản lý tài nguyên, cũng như tạo điều kiện cho địa phương chủ động tổ chức xây dựng, hoàn thiện và ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường làm cơ sở cho công tác quản lý trên địa bàn.

3. Đối với dự án thăm dò, khai thác và chế biến sử dụng khoáng sản phải được xem xét khá toàn diện về quy mô, công nghệ, hiệu quả kinh tế, xã hội, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm cho người lao động./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 118/2008/NQ-HĐND ngày 05/12/2008 về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Phú Yên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên khóa V, kỳ họp thứ 12 ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.250

DMCA.com Protection Status
IP: 3.141.100.120
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!