ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3825/KH-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 19 tháng 6 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN VIỆC THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ BAO GÓI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT SAU SỬ
DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT
ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Bộ Tài nguyên và
Môi trường hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ
thực vật sau sử dụng (viết tắt là Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT),
UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh, với những nội
dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục
đích:
a) Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm
của người dân trong việc sử dụng và tác hại của việc thải bỏ bao gói thuốc bảo
vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng trên đồng ruộng và những tác động tiêu cực ảnh hưởng
đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
b) Nâng cao hiệu quả quản lý, sử
dụng, thu gom, vận chuyển và xử lý lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát
sinh trên địa bàn tỉnh; giai đoạn đến năm 2020 thu gom và xử lý 80% bao gói
thuốc BVTV sau sử dụng.
c) Tạo điều kiện phát triển sản xuất nông
nghiệp sạch, bền vững, cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần
xây dựng và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới và văn
minh đô thị.
2. Yêu cầu:
a) Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, đơn
vị liên quan và cộng đồng phải xác định được tầm quan trọng, mức độ ảnh hưởng của
việc sử dụng, thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV, từ đó quan tâm triển khai các
hoạt động một cách cụ thể, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế tại cơ
sở.
b) Tăng cường sự phối hợp giữa các
sở, ngành liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, chính quyền các cấp, các
tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan truyền thông trong công tác phổ biến,
tuyên truyền thường xuyên, phù hợp đến các tổ chức, cá nhân nhằm góp phần nâng
cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và
sử dụng bao gói thuốc BVTV.
c) Huy động các nguồn lực; các sở, ngành,
địa phương và các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện công tác quản lý, sử
dụng, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đảm bảo kịp thời, có hiệu quả.
II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN:
1. Nội dung:
a) Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao
nhận thức cho các tổ chức, hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp sử
dụng thuốc BVTV và thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
b) Nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ
quản lý cấp huyện, cấp xã để nắm vững kiến thức và các quy định liên quan để thực
hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân trong sử dụng, thu gom, vận
chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và bảo vệ môi trường.
c) Từng bước xây dựng và hoàn thiện kết
cấu hạ tầng (bể chứa, khu vực lưu chứa) đảm bảo cho công tác thu gom, lưu trữ
bao gói thuốc BVTV được thuận lợi, phù hợp với đặc điểm tình hình các vùng canh
tác nông nghiệp tại các huyện, thành phố.
d) Hướng dẫn, vận động các tổ chức, cá
nhân sử dụng thuốc BVTV thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng
quy định.
đ) Triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu
quả trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhất là đối với bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
e) Huy động các nguồn lực, nguồn tài trợ
hợp pháp; hướng tới xã hội hóa hoạt động tuyên truyền, thu
gom, vận chuyển và xử lý đối với loại chất thải này.
2. Giải pháp:
a) Công tác tuyên truyền:
- Thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình
thức, như: phát thanh, truyền hình, báo chí, internet, băng rôn,...; tuyên truyền
lồng ghép trong hoạt động của các tổ chức đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,
Đoàn Thanh niên, Tổ dân phố....);
- Thường xuyên nghiên cứu, xây dựng nội
dung các chương trình, kế hoạch truyền thông theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu
quả, phong phú, hấp dẫn, phù hợp, đồng bộ.
b) Phổ biến, cung cấp các thông tin, tài
liệu về cách thức sử dụng, phương thức thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc
BVTV cho cán bộ quản lý, công chức phụ trách môi trường cấp huyện, cấp xã, Hội
Nông dân, đơn vị quản lý (bể chứa, khu vực lưu chứa); các tổ chức, cá nhân sử
dụng thuốc BVTV.
c) Điều tra cơ bản đặc điểm các vùng canh
tác nông nghiệp tập trung, sử dụng nhiều thuốc BVTV; xác định, lựa chọn địa điểm xây dựng các bể chứa, khu vực lưu chứa bao gói
thuốc BVTV sau sử dụng phù hợp.
d) Xác định và giao nhiệm vụ cụ thể cho
đơn vị quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa ở từng địa phương và hướng dẫn các đơn
vị này lập sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định.
đ) Hợp đồng với đơn vị có chức năng để
vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
e) Tăng cường sự phối hợp giữa các
Sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan
nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao.
f) Tăng cường đối thoại với các tổ chức,
cá nhân sử dụng thuốc BVTV để có các giải pháp hữu ích trong việc thu gom, vận
chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
g) Hàng năm, lập kế hoạch và tổ chức thanh
tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sử dụng, phát sinh nhiều bao gói thuốc BVTV.
h) Tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo và
tham gia của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và các tổ chức chính
trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia thực
hiện tốt việc sử dụng, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử
dụng trên địa bàn.
i) Đầu tư kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu
quả sử dụng các nguồn lực đầu tư hiện có cho công tác bảo vệ môi trường nói
chung và công tác quản lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng nói riêng. Tranh thủ
nguồn lực từ Trung ương; huy động các nguồn lực từ các tổ chức, thành phần kinh
tế tham gia công tác bảo vệ môi trường; thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến
khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động bảo vệ môi
trường nói chung và việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao
gói thuốc BVTV sau sử dụng nói riêng.
k) Tổng hợp, báo cáo tình hình phát sinh,
thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn quản lý; đồng thời,
bố trí kinh phí kịp thời để thực hiện công tác này hàng năm.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN:
1. Cân đối từ nguồn kinh phí sự
nghiệp môi trường theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.
2. Huy động các nguồn lực, nguồn kinh
phí hợp pháp khác (từ các chương trình, dự án, tài trợ của
các tổ chức, cá nhân,...).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Tài
nguyên và Môi trường:
a) Là cơ quan đầu mối, giúp UBND tỉnh
trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành;
UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và cơ quan, đơn vị có liên
quan tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch này và
các nội dung tại Thông tư liên tịch 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT.
b) Trước ngày 30/3 hàng năm:
- Tổng hợp báo cáo, gửi Bộ Tài nguyên
và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh tình hình,
kết quả thu gom, xử lý bao gói thuộc BVTV trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét điều
chỉnh, bổ sung Kế hoạch (nếu có) để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.
2. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi, tổng hợp, đánh giá
hiện trạng các vùng canh tác nông nghiệp, nhu cầu sử dụng, phát sinh bao gói
thuốc BVTV sau sử dụng tại các địa phương; đồng thời, xem xét các nguồn kinh
phí từ các chương trình, dự án, đề án có thể lồng ghép vào Kế hoạch này, gửi Sở
Tài nguyên và Môi trường tổng hợp và phối hợp thực hiện đảm bảo kịp thời, hiệu
quả.
3. Sở
Thông tin và Truyền thông, Đài PTTH Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng và các cơ quan thông
tin đại chúng trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan thường
xuyên phổ biến, tuyên truyền về các nội dung liên quan đến việc sử dụng, thu
gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV trên địa bàn
tỉnh.
4. UBND
các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:
a) Tăng cường công tác tuyên truyền để
cán bộ, nhân dân hiểu lợi ích của việc sử dụng, thu gom, vận chuyển và xử lý bao
gói thuốc BVTV sau sử dụng là giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo
vệ chính cuộc sống của nhân dân, cộng đồng để các tổ chức, doanh nghiệp, nhân
dân thực hiện phù hợp, đạt hiệu quả.
b) Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban,
ngành, cơ quan và đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế
hoạch này tại địa phương.
c) Kịp thời xây dựng kế hoạch, dự trù
nguồn kinh phí và lộ trình để thống nhất với Sở Tài nguyên và Môi trường triển
khai thực hiện theo Kế hoạch hàng năm tại địa phương.
5. Các
sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố chủ động thực hiện và phối hợp với
các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Phụ
lục kèm theo Kế hoạch này và các nội dung khác có liên quan; hàng năm báo cáo
UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 30/02.
6. Đề
nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ
quan chức năng, các địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền các tổ chức, cá
nhân chấp hành tốt việc sử dụng, thu gom, vận chuyển và xử
lý bao gói thuốc BVTV theo quy định.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn,
vướng mắc, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh
bằng văn bản, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND
tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời./.
Nơi nhận:
- Các Bộ: TN&MT,
NN& PTNT;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, Tp.Đà Lạt và Bảo Lộc;
- LĐVP; các CV VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, MT.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm S
|
CÁC NỘI DUNG, NHIỆM VỤ
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH THỰC HIỆN VIỆC THU GOM VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ BAO GÓI THUỐC BẢO
VỆ THỰC VẬT
(Kèm theo Kế hoạch số 3825/UBND-KH ngày 19/6/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng)