ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 24/CT-UBND
|
Tiền Giang, ngày
20 tháng 12 năm 2018
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG
NGUỒN NƯỚC, KHÔNG ĐỂ TÁI DIỄN TÌNH TRẠNG LỤC BÌNH BÙNG PHÁT TRỞ LẠI TRÊN CÁC
SÔNG, KÊNH, RẠCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Ngày 29/6/2018, Ủy ban nhân dân
tỉnh ban hành Kế hoạch số 185/KH- UBND về thực hiện trục vớt lục bình ở các tuyến
sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, đến ngày 31/8/2018, lục
bình trên các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cơ bản được
trục vớt, trục đẩy. Tuy nhiên, bên cạnh việc thực hiện trục vớt lục bình, về
lâu dài cần có giải pháp quản lý chất lượng nguồn nước vì đây là nguồn dinh dưỡng,
là môi trường sống của lục bình sinh sôi, phát triển.
Lục bình là một loài thực vật
ngoại lai rất khó kiểm soát, có khả năng sinh sản nhanh chóng, hoa lục bình mỗi
năm có thể cho đến 3.000 hạt và các hạt giống này tồn tại lên đến 20 năm. Lục
bình ảnh hưởng không chỉ đến tính đa dạng sinh học mà còn ảnh hưởng đến các hoạt
động phát triển kinh tế - xã hội. Lục bình phát triển làm giảm tính đa dạng
sinh học do sự phát triển mạnh mẽ của lục bình ngăn chặn sự phát triển các
phiêu sinh vật, thực vật khác; làm suy giảm ô xy trong nước do hạn chế cơ chế
trao đổi khí và gây ô nhiễm nguồn nước do lục bình chết, thối rữa. Lục bình
cũng là nơi sinh sống của nhiều loài có khả năng gây bệnh như muỗi. Sự phát triển
dày đặc của lục bình làm hạn chế hoạt động đi lại đường thủy và ảnh hưởng đến
các hoạt động khác như: tưới tiêu, đánh bắt thủy sản,... Một trong những nguyên
nhân phát triển nhanh của lục bình trên các hệ thống sông, kênh, rạch hiện nay
là do tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường nước từ hoạt động công nghiệp,
sinh hoạt, nông nghiệp (chăn nuôi, sử dụng phân bón quá mức trong trồng trọt),
khiến lục bình phát triển quá nhanh, sinh sản nhiều hơn chết đi nên chúng trở
nên dày đặc.
Sự phát triển của lục bình có
quan hệ mật thiết với hàm lượng ni-tơ, phốt- pho trong nước. Vì vậy, việc kiểm
soát lục bình đòi hỏi phải kiểm soát hàm lượng các chất dinh dưỡng này. Do đó,
để lục bình không bùng phát trở lại, không thể chỉ giới hạn trong phạm vi của
dòng sông, kênh, rạch mà còn phải quan tâm đến kiểm soát nguồn thải, quản lý chất
lượng nước trên toàn bộ lưu vực. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ
giữa các ngành, địa phương và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Nhằm góp phần bảo vệ môi trường,
kiểm soát chất lượng các nguồn nước trên địa bàn tỉnh, tránh để tái diễn tình
trạng lục bình phát triển nhanh trên các hệ thống sông, kênh, rạch như thời
gian qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1.
Yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương tiếp tục
triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số
3222/UBND-KT ngày 25/7/2018 về việc giao quản lý duy trì thông thoáng lòng
sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
2. Sở Tài
nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với các
ngành, địa phương và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân về
tác hại của việc lục bình phát triển quá mức, nguyên nhân và cách phòng tránh
cũng như ý nghĩa của việc trục vớt lục bình.
- Phối hợp với các ngành, địa
phương và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân về tác hại c
ủa việc lục bình phát triển quá mức, nguyên nhân và cách phòng tránh cũng như ý
nghĩa của việc trục vớt lục bình.
- Có giải pháp tăng cường quản lý
các nguồn thải thuộc phân cấp ; thường xuyên giám sát, kiểm tra hoạt động xả thải
đối với các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở
lên; kiên quyết xử lý/ kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp xả nước
thải vượt quy chuẩn ra môi trường.
- Định kỳ giám sát chất lượng
nước mặt tại các sông, kênh, rạch để có dự báo diễn biến và tham mưu kịp thời Ủy
ban nhân dân tỉnh giải pháp khắc phục khi chất lượng nguồn nước suy giảm.
- Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác bảo vệ,
phục hồi môi trường nước, góp phần hạn chế tình trạng lục bình tái bùng phát.
- Theo dõi, đôn đốc và báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện chỉ thị này.
3. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tăng cường triển khai thực hiện
pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa
bàn tỉnh; trong đó, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi xử lý chất thải đúng
quy định, không để chất thải chăn nuôi xả trực tiếp ra nguồn tiếp nhận; đồng thời,
phổ biến đến người nông dân về việc sử dụng phân bón hợp lý, tránh lạm dụng
phân bón hóa học là nguyên nhân làm tăng hàm lượng các chất dinh dưỡng ni-tơ,
phốt-pho có trong phân bón thải vào môi trường, là nguồn dinh dưỡng chính dẫn đến
tình trạng lục bình sinh sôi, phát triển.
- Nghiên cứu các giải pháp nâng
cao hiệu quả khai thác và sử dụng lục bình, góp phần làm giảm lượng lục bình
trên các tuyến sông, kênh, rạch trong trường hợp chúng sinh sôi trở lại (sử dụng
làm hàng thủ công mỹ nghệ, phân hữu cơ, biogas, giá thể trồng nấm, thức ăn chăn
nuôi, thức ăn cho trùng Quế,…) và tuyên truyền đến người dân giải pháp thực hiện
có hiệu quả; đặc biệt, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật để diệt lục
bình vì có thể ảnh hưởng đến sinh vật và môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước.
- Về lâu dài, nghiên cứu, tham
mưu đề xuất các giải pháp thống nhất các tỉnh, thành có sông, kênh, rạch giáp
ranh với tỉnh Tiền Giang cùng kiểm soát sự phát triển trở lại của lục bình; ban
hành Phương án quản lý, duy trì thông thoáng lòng sông, kênh, rạch trên địa bàn
tỉnh Tiền Giang.
4. Sở Y tế:
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng,
cải tạo hệ thống xử lý nước thải y tế, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế thu
gom, xử lý nước thải y tế và vận hành thường xuyên, đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn
môi trường.
5. Sở Khoa
học và Công nghệ:
Đề xuất các đề tài liên quan để
nghiên cứu, xác định nguyên nhân sự bùng phát của cây lục bình trên địa bàn tỉnh
Tiền Giang và đề xuất biện pháp xử lý hiệu quả.
6. Sở Tài
chính:
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành tỉnh có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn
chi thường xuyên để thực hiện.
7. Công an
tỉnh:
Tăng cường phối hợp với các sở,
ngành tỉnh có liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường công tác kiểm tra
việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở
sản xuất, kinh doanh, d ịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước để phòng
ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường
theo đúng quy định của pháp luật.
8. Sở Thông
tin và Truyền thông:
Định hướng thông tin tuyên truyền
về việc tăng cường bảo vệ môi trường, kiểm soát chất lượng nguồn nước, không để
tái diễn tình trạng lục bình phát triển nhanh trên các sông, kênh, rạch trên địa
bàn tỉnh để các Đài Truyền thanh tỉnh, huyện, xã thống nhất nội dung thông tin
tuyên truyền đến đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn hưởng ứng góp phần
nâng cao nhận thức và hành vi của quần chúng nhân dân trong bảo vệ môi trường,
kiểm soát chất lượng nguồn nước.
9. Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh, đề nghị Báo Ấp Bắc: tăng thời lượng phát
sóng, xây dựng chuyên trang, chương trình cổ động, bài viết, phóng sự về tác hại
của việc lục bình phát triển quá mức; định hướng các giải pháp không để tái diễn
tình trạng lục bình phát triển nhanh trên các sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh
nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường, kiểm soát chất lượng
nguồn nước.
10. Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Mỹ Tho:
- Thực hiện và chỉ đạo Ủy ban
nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà
nước về bảo vệ môi trường được nêu tại khoản 2, khoản 3, Điều 143 của Luật Bảo
vệ môi trường năm 2014; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu
để xảy ra ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn và trong phạm vi phụ trách.
- Tăng cường triển khai thực hiện
pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp thuộc phân
cấp quản lý; xây dựng kế hoạch, kinh phí định kỳ nạo vét lòng sông, kênh, rạch
để tăng sự lưu thông dòng chảy, tăng khả năng tự làm sạch của nguồn nước, giảm
thiểu ô nhiễm môi trường.
- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và
Môi trường tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến người dân không vứt rác, xác súc vật
xuống kênh rạch gây ô nhiễm nguồn nước; có giải pháp tăng cường quản lý, kiểm
tra các nguồn thải thuộc phân cấp; kiên quyết xử lý/kiến nghị cấp có thẩm quyền
xử lý các trường hợp xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường.
- Nghiêm túc thực hiện và duy
trì tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; trong đó, chỉ đạo Ủy ban
nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý, phát hiện, xử lý
nghiêm các trường hợp xả rác, xác súc vật xuống sông, kênh, rạch; đồng thời
tuyên truyền nhân dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn không lạm dụng phân
bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp và thực hiện thu gom bao
bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng theo quy định. Chỉ đạo Ủy ban nhân
dân các xã, phường, thị trấn có kế hoạch tuyên truyền vận động nhân dân chủ động
tham gia vớt lục bình tại các vị trí kênh, rạch quanh nhà, nơi sản xuất, không
để lục bình phát triển trở lại.
- Thực hiện kêu gọi đầu tư xây
dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu vực đô thị, thị trấn, thị tứ.
- Kịp thời báo cáo Sở Tài
nguyên và Môi trường các trường hợp ô nhiễm môi trường vượt quá khả năng xử lý.
11. Đề nghị
Đoàn thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tiền Giang:
- Tiếp tục phát huy vai trò
tình nguyện của lực lượng đoàn viên, thanh niên. Tuyên truyền, vận động lực lượng
đoàn viên, thanh niên tham gia thực hiện các công trình thanh niên liên quan trục
vớt lục bình, rác thải và tập kết lục bình, rác thải về nơi chờ thu gom, xử lý.
- Nghiên cứu, tham mưu kế hoạch
đảm nhận công trình thanh niên quản lý lục bình, cỏ dại, rác thải trên các tuyến
sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.
12. Đề nghị
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:
- Các tổ chức thành viên của Ủy
Ban mặt trận tổ quốc tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình: tuyên
truyền, vận động các thành viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về
tác hại của việc lục bình phát triển quá mức, nguyên nhân cũng như cách phòng
tránh, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo
vệ nguồn nước.
- Tăng cường thực hiện chức
năng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt
là bảo vệ nguồn nước đối với các tổ chức, cá nhân.
13. Chế độ
báo cáo: Định kỳ sáu tháng (trước ngày 30/6 và 31/12), các sở,
ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Mỹ Tho gửi báo cáo
kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh (trước 15/7 và 15/01).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã và thành phố Mỹ Tho khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai, có
báo cáo sơ, tổng kết việc thực hiện niệm vụ và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Anh Tuấn
|