Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 17/2024/TT-BTC hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu: 17/2024/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Bùi Văn Khắng
Ngày ban hành: 14/03/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Hình thức kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước từ 01/5/2024

Ngày 14/3/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 17/2024/TT-BTC hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước.

Hình thức kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước từ 01/5/2024

Theo đó, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ Ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước theo các hình thức sau:

- Thanh toán trước, kiểm soát sau:

+ Thanh toán trước, kiểm soát sau là hình thức thanh toán áp dụng đối với từng lần thanh toán của các hợp đồng thanh toán nhiều lần, trừ lần thanh toán cuối cùng. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trong thời hạn 01 ngày làm việc; đồng thời, gửi 01 chứng từ báo nợ cho đơn vị để xác nhận đã thực hiện thanh toán, gửi 01 chứng từ báo có cho đơn vị (nếu đơn vị thụ hưởng mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước).

+ Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát hồ sơ theo chế độ quy định.

+ Trường hợp sau khi kiểm soát phát hiện khoản chi không đảm bảo đúng chế độ quy định, Kho bạc Nhà nước có văn bản thông báo kết quả kiểm soát chi (theo Mẫu số 01 kèm theo Thông tư 17/2024/TT-BTC) gửi đơn vị sử dụng ngân sách; sau đó thực hiện xử lý thu hồi giảm trừ giá trị thanh toán vào lần thanh toán liền kề tiếp theo, trường hợp lần thanh toán liền kề tiếp theo không đủ khối lượng hoàn thành/dự toán để giảm trừ thì thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Thông tư 17/2024/TT-BTC.

- Kiểm soát trước, thanh toán sau:

Kiểm soát trước, thanh toán sau là hình thức thanh toán áp dụng đối với tất cả các khoản chi, trong đó, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo đúng thời gian quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định.

Xem chi tiết nội dung tại Thông tư 17/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/5/2024 và thay thế Thông tư 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020.

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2024/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2024

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN KIỂM SOÁT, THANH TOÁN CÁC KHOẢN CHI THƯỜNG XUYÊN QUA KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí;

Căn cứ Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị;

Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Nghị định số 85/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;

Căn cứ Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 09 năm 2023 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô;

Căn cứ Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;

Căn cứ Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

1.1. Thông tư này hướng dẫn cơ chế kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước từ các nguồn:

a) Nguồn Ngân sách nhà nước (NSNN);

b) Nguồn phí được để lại theo chế độ quy định và các nguồn từ khoản thu hợp pháp khác của cơ quan nhà nước;

c) Nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng, học phí của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4) và nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 23 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định số 60/2021/NĐ-CP).

1.2. Thông tư này không hướng dẫn đối với các khoản chi của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; các khoản chi có cơ chế hướng dẫn riêng theo quy định của cấp có thẩm quyền.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân giao dịch với hệ thống Kho bạc Nhà nước; Kho bạc Nhà nước; Cơ quan tài chính các cấp.

Điều 2. Nguyên tắc kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước

1. Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật NSNN số 83/2015/QH13, cụ thể:

1.1. Chi NSNN chỉ được thực hiện khi đã có trong dự toán ngân sách được giao, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 của Luật NSNN; đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi, số dư tài khoản của đơn vị còn đủ để chi.

1.2. Kho bạc Nhà nước kiểm tra tính hợp pháp của chứng từ chi và các hồ sơ kèm theo chứng từ chi thuộc thủ tục hành chính gửi Kho bạc Nhà nước được quy định tại các Nghị định của Chính phủ. Trường hợp chứng từ chi và các hồ sơ kèm theo chứng từ chi đơn vị sử dụng ngân sách gửi Kho bạc Nhà nước cố tình giả mạo, thay thế nội dung, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Đối với các hồ sơ không thuộc thủ tục hành chính gửi Kho bạc Nhà nước được quy định tại các Nghị định của Chính phủ, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm kiểm soát nội dung thanh toán, hồ sơ thanh toán theo đúng quy định của pháp luật.

1.3. Kho bạc Nhà nước kiểm soát định mức (mức chi) theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo cơ chế tự chủ thì kiểm soát đảm bảo theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ và phù hợp với dự toán được giao tự chủ.

2. Các khoản chi thực hiện theo nguyên tắc tạm ứng thanh toán theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước (Nghị định số 163/2016/NĐ-CP).

3. Các khoản chi tạm ứng và thanh toán bằng tiền mặt phải được thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư hướng dẫn quản lý thu chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước của Bộ Tài chính.

4. Trường hợp các khoản chi NSNN thực hiện bằng hình thức giao dịch điện tử qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước, việc kiểm soát, thanh toán của Kho bạc Nhà nước phải tuân thủ quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước tại: Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước (Nghị định số 11/2020/NĐ-CP); Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Thông tư số 87/2021/TT-BTC ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Bộ Tài chính quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước.

Điều 3. Hình thức kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước

Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ NSNN qua Kho bạc Nhà nước theo các hình thức sau:

1. Thanh toán trước, kiểm soát sau:

1.1. Thanh toán trước, kiểm soát sau là hình thức thanh toán áp dụng đối với từng lần thanh toán của các hợp đồng thanh toán nhiều lần, trừ lần thanh toán cuối cùng. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trong thời hạn 01 ngày làm việc; đồng thời, gửi 01 chứng từ báo nợ cho đơn vị để xác nhận đã thực hiện thanh toán, gửi 01 chứng từ báo có cho đơn vị (nếu đơn vị thụ hưởng mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước).

1.2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát hồ sơ theo chế độ quy định.

1.3. Trường hợp sau khi kiểm soát phát hiện khoản chi không đảm bảo đúng chế độ quy định, Kho bạc Nhà nước có văn bản thông báo kết quả kiểm soát chi (theo Mẫu số 01 kèm theo Thông tư này) gửi đơn vị sử dụng ngân sách; sau đó thực hiện xử lý thu hồi giảm trừ giá trị thanh toán vào lần thanh toán liền kề tiếp theo, trường hợp lần thanh toán liền kề tiếp theo không đủ khối lượng hoàn thành/dự toán để giảm trừ thì thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Thông tư này.

2. Kiểm soát trước, thanh toán sau:

Kiểm soát trước, thanh toán sau là hình thức thanh toán áp dụng đối với tất cả các khoản chi, trong đó, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo đúng thời gian quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ theo quy định.

Điều 4. Thu hồi giảm chi hoặc thu hồi nộp NSNN

1. Đơn vị sử dụng ngân sách gửi Kho bạc Nhà nước Giấy nộp trả kinh phí (theo mẫu C2-05a/NS) ban hành kèm theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP để nộp trả kinh phí theo đúng quy định.

Trường hợp khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi của nhà nước theo kết luận, kiến nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đơn vị sử dụng ngân sách hoặc Kho bạc Nhà nước phát hiện sau khi kiểm soát, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm thực hiện nộp trả NSNN.

2. Kho bạc Nhà nước thực hiện: Thu hồi giảm chi NSNN (trường hợp chưa quyết toán ngân sách) hoặc thu hồi nộp NSNN (trường hợp đã quyết toán ngân sách); thực hiện hạch toán kế toán theo đúng quy định.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Nội dung kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước

1. Kho bạc Nhà nước kiểm soát, thanh toán theo nguyên tắc quy định tại Điều 2 Thông tư này và kiểm soát các nội dung cụ thể như sau:

1.1. Trường hợp giao dịch trực tiếp qua Kho bạc Nhà nước, dấu và chữ ký trên chứng từ chuyển tiền khớp đúng với mẫu dấu và mẫu chữ ký đăng ký giao dịch tại Kho bạc Nhà nước; Trường hợp thực hiện qua Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước, việc ký số trên các chứng từ chuyển tiền phải đúng họ tên, chức danh các thành viên theo quyết định của cấp có thẩm quyền, đã thực hiện đăng ký với Kho bạc Nhà nước.

Nội dung và số tiền, hạch toán kế toán tại chứng từ chuyển tiền phù hợp với các hồ sơ có liên quan kèm theo.

1.2. Nội dung chi phải phù hợp với mã nội dung kinh tế theo quy định của Mục lục NSNN hiện hành (không bao gồm các khoản chi từ Tài khoản tiền gửi).

1.3. Mức tạm ứng đảm bảo theo đúng quy định tại Điều 6 Thông tư này. Nội dung đề nghị thanh toán tạm ứng phải phù hợp với nội dung đề nghị tạm ứng. Trường hợp đơn vị chưa xác định được chính xác nội dung chi, thực hiện tạm ứng vào tiểu mục khác của mục tương ứng với khoản chi, Kho bạc Nhà nước thanh toán tạm ứng trong phạm vi các tiểu mục trong cùng nhóm mục tương ứng với nội dung đã tạm ứng.

1.4. Đối với các khoản chi phải gửi Hợp đồng đến Kho bạc Nhà nước (khoản chi có giá trị hợp đồng trên 50 triệu đồng), Kho bạc Nhà nước căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán của đơn vị sử dụng ngân sách, các điều khoản thanh toán, tạm ứng được quy định trong hợp đồng và tổng giá trị Hợp đồng để tạm ứng, thanh toán cho đối tượng thụ hưởng.

Trường hợp hợp đồng có quy định phải bảo lãnh tạm ứng, Kho bạc Nhà nước kiểm soát đảm bảo thời gian hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi đơn vị sử dụng ngân sách thu hồi hết số tiền tạm ứng, khi bảo lãnh tạm ứng hết thời hạn nhưng đơn vị sử dụng ngân sách chưa thanh toán hết số tiền tạm ứng, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm đôn đốc đơn vị sử dụng ngân sách phối hợp với nhà thầu làm thủ tục gia hạn bảo lãnh tạm ứng hoặc thanh toán tạm ứng theo quy định.

1.5. Kiểm soát đối với Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo Mẫu số 08a ban hành kèm theo Phụ lục II Nghị định số 11/2020/NĐ-CP:

a) Đối với khoản chi mua sắm hàng hóa:

Kho bạc Nhà nước kiểm soát nội dung công việc, đơn vị tính, số lượng, đơn giá đảm bảo theo đúng quy định của hợp đồng, không vượt giá trị hợp đồng. Riêng đối với chi mua thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư y tế sử dụng trong quá trình điều trị khám chữa bệnh thực hiện theo quy định tại tiết b điểm 2.2 khoản 2 Điều này.

b) Đối với khoản chi dịch vụ:

Đơn vị sử dụng ngân sách căn cứ nội dung Hợp đồng, Biên bản nghiệm thu để lập Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành gửi Kho bạc Nhà nước cho phù hợp, đảm bảo thể hiện đúng nội dung công việc và giá trị thanh toán theo hợp đồng để Kho bạc Nhà nước có cơ sở kiểm soát, thanh toán. Kho bạc Nhà nước kiểm soát nội dung công việc và giá trị thanh toán (đơn vị tính, số lượng, đơn giá nếu có) đảm bảo theo đúng quy định của hợp đồng, không vượt giá trị hợp đồng.

1.6. Kiểm soát đối với Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Phụ lục II Nghị định số 11/2020/NĐ-CP:

Đơn vị kê khai theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Phụ lục II Nghị định số 11/2020/NĐ-CP, trong đó lưu ý: Chứng từ chi tại đơn vị là các chứng từ được quy định theo hệ thống chứng từ tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Kho bạc Nhà nước kiểm soát Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng đảm bảo mã nội dung kinh tế khớp đúng với Giấy rút dự toán, nội dung thanh toán, tổng số tiền phù hợp với Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi và không vượt định mức quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

1.7. Đối với các khoản chi có yêu cầu bảo mật:

Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm trong việc xác định nội dung chi thuộc yêu cầu bảo mật và việc kiểm soát nội dung thanh toán, hồ sơ thanh toán theo đúng quy định của pháp luật. Trên Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi đơn vị sử dụng ngân sách ghi nội dung thanh toán và nội dung sau: "Khoản chi có yêu cầu bảo mật". Kho bạc Nhà nước kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi để thanh toán theo đề nghị của đơn vị.

1.8. Trường hợp phải thực hiện mua sắm theo phương thức tập trung: Kho bạc Nhà nước kiểm soát đảm bảo: Có trong danh mục mua sắm tập trung được cấp có thẩm quyền ban hành (theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15), đảm bảo hợp đồng phù hợp với Thỏa thuận khung (thỏa thuận khung được đơn vị mua sắm tập trung đăng tải theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 77 Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).

2. Ngoài các nội dung kiểm soát nêu tại khoản 1 Điều này, đối với một số nội dung chi cụ thể Kho bạc Nhà nước kiểm soát như sau:

2.1. Đối với các khoản chi lương và phụ cấp theo lương (các khoản phụ cấp theo lương theo hệ thống mục lục ngân sách hiện hành); tiền công lao động theo hợp đồng; tiền thu nhập tăng thêm, chi hỗ trợ, trợ cấp, phụ cấp khác, khoán, khen thưởng:

a) Kho bạc nhà nước kiểm soát đảm bảo không vượt chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không vượt số lượng lao động hợp đồng, theo đúng nguồn kinh phí thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 12 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; không vượt số lượng tại Văn bản phê duyệt số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Trong trường hợp đầu năm chưa có văn bản phê duyệt chỉ tiêu biên chế của cấp có thẩm quyền thì Kho bạc Nhà nước thực hiện việc kiểm soát căn cứ vào văn bản giao chi tiêu biên chế của cấp có thẩm quyền năm trước liền kề và văn bản đề nghị, cam kết của đơn vị sử dụng ngân sách. Trường hợp có sự thay đổi so với tháng trước về chỉ tiêu, biên chế, đơn vị ghi rõ tại phần thuyết minh Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng theo Mẫu số 09 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP.

b) Kiểm tra, đảm bảo khớp đúng giữa chi tiết và tổng số; khớp đúng tổng số tiền trên Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng với Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi đã được thủ trưởng đơn vị ký duyệt.

c) Đối với khoản chi thu nhập tăng thêm:

- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4): Kho bạc Nhà nước kiểm soát đảm bảo theo đúng Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 60/2021/NĐ-CPkhoản 3 Điều 10 Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (Thông tư số 56/2022/TT-BTC).

- Đối với cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ: Kho bạc Nhà nước kiểm soát đảm bảo theo đúng Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và theo quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Liên Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước (Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV).

d) Đối với chi hỗ trợ, trợ cấp, phụ cấp khác, khoán, khen thưởng:

- Trường hợp chi hỗ trợ, trợ cấp, phụ cấp khác (không bao gồm các khoản phụ cấp theo lương theo hệ thống mục lục ngân sách hiện hành), khoán, khen thưởng được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật, quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị:

Kho bạc Nhà nước kiểm tra Chứng từ chuyển tiền; Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng (trường hợp chứng từ chuyển tiền của đơn vị sử dụng NSNN không thể hiện được hết nội dung chi, số lượng, định mức, đơn giá thực tế đối với những khoản chi có quy định định mức tại Quy chế chi tiêu nội bộ, văn bản quy phạm pháp luật) và Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng đảm bảo không vượt định mức đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Riêng đối với chi trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thực hiện theo quy định tại tiết a điểm 2.3 khoản 2 Điều này.

- Trường hợp chi hỗ trợ, trợ cấp, phụ cấp khác theo Quyết định của cấp có thẩm quyền:

Kho bạc Nhà nước kiểm soát đảm bảo không vượt Dự toán được cấp thẩm quyền giao; kiểm soát Chứng từ chuyển tiền; Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng (trường hợp chứng từ chuyển tiền của đơn vị sử dụng NSNN không thể hiện được hết nội dung chi, số lượng, định mức, đơn giá thực tế đối với những khoản chi có quy định định mức tại Quyết định của cấp có thẩm quyền) và Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng đảm bảo không vượt định mức quy định tại quyết định của cấp có thẩm quyền.

2.2. Đối với chi mua sắm:

a) Đối với chi mua sắm tài sản công là xe ô tô và phương tiện vận tải khác; máy móc, thiết bị:

- Trường hợp không thực hiện mua sắm theo phương thức tập trung:

+ Kho bạc Nhà nước kiểm soát đảm bảo không vượt đơn giá tối đa theo tiêu chuẩn, định mức quy định tại Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 09 năm 2023 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (Nghị định số 72/2023/NĐ-CP); Nghị định số 85/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân (Nghị định số 85/2018/NĐ-CP); Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị (Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg); và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan.

+ Đối với tài sản chuyên dùng: Kho bạc Nhà nước kiểm soát đảm bảo có trong danh mục máy móc, thiết bị chuyên dùng (chủng loại) tại Văn bản quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của cấp có thẩm quyền ban hành.

- Trường hợp phải thực hiện mua sắm theo phương thức tập trung:

Kho bạc Nhà nước căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán của đơn vị sử dụng ngân sách, các điều khoản được quy định trong hợp đồng, Biên bản nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận tài sản (theo Mẫu số 06/TSC-MSTT kèm theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) để kiểm soát đảm bảo: Tên tài sản, đơn vị tính, số lượng, giá mua theo đúng quy định của hợp đồng, không vượt giá trị hợp đồng và đơn giá tối đa theo tiêu chuẩn, định mức quy định tại Nghị định số 72/2023/NĐ-CP; Nghị định số 85/2018/NĐ-CP; Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg; và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan.

+ Đối với tài sản chuyên dùng: Kho bạc Nhà nước kiểm soát đảm bảo có trong danh mục máy móc, thiết bị chuyên dùng (chủng loại) tại Văn bản quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của cấp có thẩm quyền ban hành.

b) Đối với chi mua thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư y tế sử dụng trong quá trình điều trị khám chữa bệnh (không bao gồm mua sắm máy móc, thiết bị; xe ô tô và phương tiện vận tải khác được quy định tại tiết a điểm 2.2 khoản 2 Điều này):

Kho bạc Nhà nước căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán của đơn vị sử dụng ngân sách, các điều khoản được quy định trong hợp đồng, thực hiện kiểm soát tổng số tiền của các hóa đơn kê khai trên Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành (theo Mẫu số 08a ban hành kèm theo Phụ lục II Nghị định số 11/2020/NĐ-CP) đảm bảo không vượt giá trị hợp đồng. Đơn vị sử dụng ngân sách căn cứ Biên bản nghiệm thu để lập Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành, trong đó tại cột nội dung công việc (cột số 2) kê khai số hóa đơn và ngày, tháng, năm của hóa đơn, tại cột thành tiền (cột số 6) kê khai số tiền tương ứng với giá trị của từng hóa đơn. Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và đơn giá, chủng loại thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư y tế sử dụng trong quá trình điều trị khám chữa bệnh đề nghị thanh toán, đảm bảo theo đúng quy định tại Hợp đồng; Thỏa thuận khung (trường hợp phải thực hiện mua sắm theo phương thức tập trung); Biên bản nghiệm thu giữa đơn vị sử dụng ngân sách và nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ.

2.3. Đối với kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội:

a) Đối với chi trợ cấp, phụ cấp cho người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội:

- Trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách trực tiếp thanh toán cho đối tượng thụ hưởng:

+ Trường hợp chi trả cho đối tượng thụ hưởng bằng tiền mặt:

Hằng tháng, đơn vị sử dụng ngân sách lập Giấy rút dự toán (tạm ứng) gửi Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước thực hiện tạm ứng trên cơ sở đề nghị của đơn vị.

Sau khi chi trả cho đối tượng thụ hưởng, đơn vị sử dụng ngân sách lập Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng, Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng để đề nghị thanh toán tạm ứng với Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước căn cứ Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng và Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng do đơn vị gửi, thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này và theo đúng định mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định số 20/2021/NĐ-CP) và Thông tư số 76/2021/TT-BTC ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (Thông tư số 76/2021/TT-BTC); Thông tư số 44/2022/TT-BTC ngày 21 tháng 7 năm 2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (Thông tư số 44/2022/TT-BTC).

Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm quản lý nguồn kinh phí và tổ chức thực hiện chi trả kịp thời, đúng chế độ, đúng đối tượng theo quy định.

+ Trường hợp chi trả cho đối tượng thụ hưởng theo hình thức chuyển khoản:

Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát Chứng từ chuyển tiền; Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng (trường hợp chứng từ chuyển tiền của đơn vị sử dụng NSNN không thể hiện được hết nội dung chi, số lượng, định mức, đơn giá thực tế đối với những khoản chi có quy định định mức tại các văn bản quy phạm pháp luật) và Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng theo quy định tại khoản 1 Điều này và theo đúng định mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, Thông tư số 76/2021/TT-BTC và Thông tư số 44/2022/TT-BTC.

- Trường hợp thông qua tổ chức dịch vụ chi trả.

+ Hằng tháng, đơn vị sử dụng ngân sách lập Giấy rút dự toán (tạm ứng); Bảng kê chứng từ thanh toán/tạm ứng; Hợp đồng giữa đơn vị sử dụng ngân sách và tổ chức dịch vụ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước (Hợp đồng gửi lần đầu và gửi khi có bổ sung, điều chỉnh), Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát theo quy định tại khoản 1 Điều này và theo đúng định mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, Thông tư số 76/2021/TT-BTC và Thông tư số 44/2022/TT-BTC; thực hiện tạm ứng từ tài khoản dự toán của đơn vị sử dụng ngân sách sang tài khoản của tổ chức dịch vụ chi trả theo đúng quy định tại hợp đồng dịch vụ giữa hai bên.

+ Trường hợp Tổ chức dịch vụ chi trả mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước, khi rút kinh phí từ tài khoản tiền gửi mở tại Kho bạc Nhà nước để thanh toán cho đối tượng thụ hưởng: Kho bạc Nhà nước kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của ủy nhiệm chi, trong phạm vi số dư tài khoản tiền gửi.

+ Hằng tháng, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm quyết toán với tổ chức dịch vụ chi trả về số tiền đã tạm ứng tại Kho bạc Nhà nước, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng và Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng, Bảng kê kinh phí đã chi trả cho đối tượng theo Mẫu số 10 Phụ lục II kèm theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP (trường hợp áp dụng đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì đơn vị sử dụng ngân sách sửa tên biểu thành: Bảng kê kinh phí đã chi trả cho đối tượng bảo trợ xã hội) để Kho bạc Nhà nước kiểm soát, thanh toán tạm ứng theo đúng định mức quy định tại Thông tư số 44/2022/TT-BTC, Thông tư số 76/2021/TT-BTC.

+ Tổ chức dịch vụ chi trả có trách nhiệm quản lý kinh phí và tổ chức thực hiện chi trả đủ số tiền trợ cấp, phụ cấp đến đối tượng thụ hưởng theo đúng thời gian quy định, chịu trách nhiệm bồi hoàn số tiền mất, thất thoát.

b) Đối với chi hỗ trợ cho các dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì các công trình ghi công liệt sĩ; cơ sở vật chất cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, đón tiếp người có công với cách mạng theo quy định tại Thông tư số 44/2022/TT-BTC:

Kho bạc Nhà nước căn cứ quyết định phân bổ (hỗ trợ vốn) của cấp có thẩm quyền theo phân cấp của địa phương, Giấy rút dự toán của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội (hoặc cơ quan được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao dự toán) thực hiện chuyển tiền sang tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư mở tại Kho bạc Nhà nước. Khi chi từ tài khoản tiền gửi, Kho bạc Nhà nước kiểm soát theo quy định.

2.4. Đối với kinh phí giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên:

a) Đối với kinh phí giao nhiệm vụ:

Kho bạc Nhà nước căn cứ Dự toán được cấp có thẩm quyền giao, Quyết định của cơ quan quản lý cấp trên giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập, Văn bản nghiệm thu nhiệm vụ được giao giữa cơ quan quản lý cấp trên và đơn vị sự nghiệp công lập để kiểm soát, trong đó lưu ý:

- Nội dung được giao nhiệm vụ thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu (theo Biểu 01 của Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP) hoặc Quyết định của cấp có thẩm quyền về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ.

- Kinh phí giao nhiệm vụ kiểm soát như đối với nguồn kinh phí chi nhiệm vụ thường xuyên không giao tự chủ theo quy định tại tiết a điểm 5.1 khoản 5 Điều này và các quy định về tạm ứng, thanh toán; nghiệm thu nhiệm vụ được giao tại Quyết định của cơ quan quản lý cấp trên giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Đối với kinh phí đặt hàng cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc:

- Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát đảm bảo: Sản phẩm, dịch vụ được đặt hàng thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu (theo Phụ lục số IPhụ lục số II ban hành kèm theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP) hoặc Quyết định của cấp có thẩm quyền về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thực hiện theo phương thức đặt hàng; có đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để đặt hàng.

- Căn cứ phương thức thanh toán quy định tại Quyết định của cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP (Quyết định đặt hàng); Kho bạc Nhà nước thực hiện tạm ứng vào tài khoản tiền gửi của đơn vị sự nghiệp công lập mở tại Kho bạc Nhà nước theo đúng mức tạm ứng quy định tại Quyết định đặt hàng. Khi chi từ tài khoản tiền gửi của đơn vị sự nghiệp công lập, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ và phù hợp với: Quyết định giao quyền tự chủ của cấp có thẩm quyền; định mức (mức chi) theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Khi thanh toán tạm ứng, Kho bạc Nhà nước căn cứ quy định về thanh toán, nghiệm thu tại Quyết định đặt hàng và biên bản nghiệm thu đặt hàng giữa cơ quan cấp trên và đơn vị sự nghiệp công lập (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP) để kiểm soát theo đúng đơn giá, giá đặt hàng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp đơn vị đã tạm ứng vượt số lượng, khối lượng sản phẩm, dịch vụ công đặt hàng được nghiệm thu, đơn vị phải thu hồi và nộp lại số tiền đã tạm ứng vượt so với số lượng, khối lượng đã được nghiệm thu.

c) Đối với kinh phí hợp đồng đặt hàng, đấu thầu cho nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, Kho bạc Nhà nước kiểm soát:

- Sản phẩm, dịch vụ đặt hàng thuộc danh mục Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu (Phụ lục số IPhụ lục số II ban hành kèm theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP) hoặc Quyết định của cấp có thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thực hiện theo phương thức đặt hàng;

- Kho bạc Nhà nước căn cứ quy định tại hợp đồng đã được ký kết giữa cơ quan đặt hàng với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích (theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP) và biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng (theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP) để kiểm soát theo đúng đơn giá, giá đặt hàng, mức trợ giá, giá tiêu thụ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

2.5. Đối với chi chương trình mục tiêu quốc gia sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp:

Kho bạc Nhà nước căn cứ các hồ sơ kiểm soát chi theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP để kiểm soát đảm bảo đúng theo quy định tại khoản 1 Điều này và định mức quy định tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15 tháng 8 năm 2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn NSNN thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

2.6. Đối với các khoản chi mà đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước thanh toán tự động theo định kỳ cho một số nhà cung cấp dịch vụ hoặc đơn vị được nhà cung cấp dịch vụ ủy quyền thu hộ (như điện, nước, viễn thông):

Kho bạc Nhà nước căn cứ vào văn bản ủy quyền thanh toán của đơn vị sử dụng ngân sách cho Kho bạc Nhà nước và số dư tài khoản dự toán, tài khoản tiền gửi của đơn vị để định kỳ tự động thanh toán cho nhà cung cấp dịch vụ (điện/nước/viễn thông) theo đúng Bảng kê số tiền đơn vị sử dụng ngân sách phải thanh toán do các nhà cung cấp dịch vụ lập hoặc đơn vị được nhà cung cấp dịch vụ ủy quyền thu hộ lập gửi Kho bạc Nhà nước; đồng thời, sau khi thanh toán, Kho bạc Nhà nước gửi đơn vị 01 liên chứng từ giấy (chứng từ báo nợ) để xác nhận đã thực hiện thanh toán.

2.7. Đối với chi đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ở nước ngoài bằng NSNN:

Đơn vị sử dụng ngân sách lập Giấy rút dự toán ngân sách bằng ngoại tệ trên cơ sở tổng số tiền tại danh sách chuyển kinh phí đào tạo cho lưu học sinh theo từng nước/trường, từng loại ngoại tệ và gửi đến Kho bạc Nhà nước kèm theo các hồ sơ quy định tại Điều 7 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP; danh sách chuyển kinh phí đào tạo cho lưu học sinh phải đầy đủ các nội dung sau: Họ và tên lưu học sinh; tên nước lưu học sinh đang theo học; nội dung chi; số tiền bằng ngoại tệ cho từng lưu học sinh; tên tài khoản người hưởng (tên cơ sở đào tạo nước ngoài hoặc đơn vị cá nhân được hưởng); số tài khoản người hưởng; mã Swift code của ngân hàng người hưởng hoặc tên và địa chỉ đầy đủ của ngân hàng người hưởng; ngân hàng trung gian (nếu có); phí chuyển tiền; khác (nếu có).

Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, hợp lệ và tính chính xác của các nội dung trong danh sách chuyển kinh phí đào tạo cho lưu học sinh và các hồ sơ gửi đến Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định.

Kho bạc Nhà nước căn cứ Dự toán được giao, hồ sơ đơn vị gửi đến và các quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 05 tháng 12 năm 2007 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao hướng dẫn chế độ, cấp phát và quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài bằng nguồn vốn NSNN (Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG), Thông tư liên tịch số 206/2010/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG ngày 15 tháng 12 năm 2010 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 144/2007/TTLT-BTC-BGDĐT-BNG để kiểm soát và làm thủ tục đề nghị Ngân hàng chuyển tiền từ tài khoản thanh toán của Kho bạc Nhà nước đến từng đối tượng học sinh.

2.8. Đối với chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng NSNN:

Kho bạc Nhà nước căn cứ hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và quy định về kiểm soát, thanh toán tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Liên Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Liên Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10 tháng 1 năm 2023 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2.9. Đối với các khoản chi đoàn ra:

Kho bạc Nhà nước căn cứ hồ sơ theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và tiêu chuẩn, định mức quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện kiểm soát, thanh toán cho đơn vị.

3. Đối với các khoản chi từ tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước:

Kho bạc Nhà nước căn cứ vào nguồn hình thành và nội dung chi để thực hiện kiểm soát, thanh toán từ tài khoản tiền gửi của đơn vị sử dụng ngân sách:

3.1. Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán từ tài khoản tiền gửi đối với các nguồn hình thành như sau:

a) Nguồn hình thành từ NSNN theo quy định:

Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và theo quy định tại Thông tư số 55/2017/TT-BTC ngày 19 tháng 05 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thông tư số 369/2017/TT-BTC ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cấp kinh phí thường xuyên từ NSNN để thực hiện nhiệm vụ chi quốc phòng của Bộ Quốc phòng; Thông tư số 1539/2017/TT-BTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý, sử dụng NSNN đối với các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam (đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhiệm vụ chi quốc phòng của Bộ Quốc phòng, các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam).

b) Nguồn hình thành từ nguồn thu phí được để lại cho đơn vị sử dụng theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí:

Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và kiểm soát nội dung chi đúng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí (Nghị định số 120/2016/NĐ-CP); Nghị định số 82/2023/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 120/2016/NĐ-CP và quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn thu, nộp quản lý và sử dụng từng loại phí.

c) Nguồn hình thành từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng, học phí theo mức giá quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4):

Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

d) Nguồn hình thành từ nguồn kinh phí tiết kiệm được, được trích quỹ đối với cơ quan nhà nước:

Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, các nội dung được phép chi từ các quỹ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

d) Tiền gửi có nguồn hình thành từ các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật của cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính:

Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Riêng đối với chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành: Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

3.2. Đối với tiền gửi có nguồn hình thành không thuộc điểm a khoản 3 Điều này, Kho bạc Nhà nước kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của Ủy nhiệm chi, trong phạm vi số dư tài khoản tiền gửi.

4. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP:

4.1. Các nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để kiểm soát, thanh toán theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 23 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm 3.1 khoản 3 Điều này trong đó lưu ý:

a) Đối với kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ: Kiểm soát đảm bảo theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ và Quyết định giao quyền tự chủ của cấp có thẩm quyền; chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, cụ thể:

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2): Thực hiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

- Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3): Thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

- Đơn vị sự nghiệp công do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4): Thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

b) Đối với kinh phí chi thường xuyên không giao tự chủ: Kho bạc Nhà nước kiểm soát đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đối với từng nguồn kinh phí theo quy định tại Điều 13, Điều 17, Điều 21 Nghị định số 60/2021/NĐ-CPkhoản 5 Điều 11 Thông tư số 56/2022/TT-BTC.

4.2. Đối với các nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 23 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, trường hợp đơn vị sự nghiệp công đề nghị mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước không kiểm soát chi, thực hiện chi trả theo đề nghị của đơn vị sự nghiệp công. Đơn vị sự nghiệp công chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và chi tiêu theo đúng quy định của pháp luật.

4.3. Đối với phân phối kết quả tài chính trong năm:

- Đơn vị sự nghiệp công lập Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi để đề nghị Kho bạc Nhà nước trích quỹ hoặc tạm trích quỹ theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 56/2022/TT-BTC. Kho bạc Nhà nước căn cứ đề nghị trích lập quỹ của đơn vị sự nghiệp công thực hiện trích quỹ và chuyển tiền sang tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước của đơn vị sự nghiệp công theo đề nghị của đơn vị. Kho bạc Nhà nước không kiểm soát việc sử dụng các quỹ. Đơn vị sự nghiệp công chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và chi tiêu theo đúng quy định của pháp luật.

Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công nhóm 4, đối với các khoản chi từ kinh phí tiết kiệm được, Kho bạc Nhà nước kiểm soát đảm bảo theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, khoản 3 Điều 10 Thông tư số 56/2022/TT-BTC.

5. Đối với cơ quan nhà nước:

5.1. Đối với cơ quan nhà nước thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP:

a) Đối với kinh phí chi quản lý hành chính theo dự toán NSNN được cấp có thẩm quyền giao: Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm 3.1 khoản 3 Điều này, theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ và chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, trong đó lưu ý:

- Đối với kinh phí NSNN giao thực hiện chế độ tự chủ:

+ Kho bạc Nhà nước kiểm soát kinh phí giao thực hiện chế độ tự chủ theo đúng quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV.

+ Kinh phí chi thường xuyên được để lại cho đơn vị đối với nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí (nếu có):

Căn cứ dự toán chi từ nguồn thu phí do cơ quan có thẩm quyền giao; chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NSNN do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán cho đơn vị theo các nội dung chi quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP.

- Đối với kinh phí NSNN giao nhưng không thực hiện chế độ tự chủ: Kho bạc Nhà nước kiểm soát nội dung chi theo đúng quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV và tiêu chuẩn, định mức quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

b) Kiểm soát việc sử dụng kinh phí tiết kiệm được trong năm:

- Kho bạc Nhà nước kiểm soát việc sử dụng kinh phí tiết kiệm được theo đúng các nội dung quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV.

- Đối với thu nhập tăng thêm, chi phúc lợi, chi khen thưởng từ nguồn kinh phí tiết kiệm được, Kho bạc Nhà nước kiểm soát theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV.

- Số kinh phí tiết kiệm được, cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển vào quỹ dự phòng ổn định thu nhập theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV. Đối với Quỹ dự phòng để ổn định thu nhập: Đơn vị sử dụng ngân sách lập Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi để đề nghị Kho bạc Nhà nước trích quỹ dự phòng để ổn định thu nhập. Kho bạc Nhà nước căn cứ đề nghị trích lập quỹ của đơn vị thực hiện trích quỹ và chuyển tiền sang tài khoản tiền gửi quỹ của đơn vị. Kho bạc Nhà nước kiểm soát việc sử dụng quỹ theo quy định tại điểm 3.1 khoản 3 Điều này.

5.2. Đối với cơ quan nhà nước thực hiện theo cơ chế tài chính đặc thù theo văn bản quy phạm pháp luật:

Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm 3.1 khoản 3 Điều này và các quy định về quản lý kinh phí hoạt động, về sử dụng kinh phí tiết kiệm được trong năm tại các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tài chính đặc thù cho cơ quan nhà nước đó.

6. Đối với các khoản chi theo hình thức lệnh chi tiền:

Kho bạc Nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 19 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN.

Điều 6. Tạm ứng và thanh toán tạm ứng

1. Tạm ứng áp dụng đối với khoản chi NSNN của đơn vị sử dụng ngân sách chưa có đủ điều kiện thực hiện việc thanh toán trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước.

2. Nội dung tạm ứng: Theo quy định của hợp đồng (đối với trường hợp thực hiện theo hợp đồng) và theo đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách (đối với trường hợp không có hợp đồng hoặc hợp đồng có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng).

3. Mức tạm ứng:

3.1. Đối với những khoản chi có giá trị hợp đồng trên 50 triệu đồng, mức tạm ứng theo quy định tại hợp đồng đã ký kết của đơn vị sử dụng NSNN và nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đơn vị sử dụng ngân sách được tạm ứng vốn một lần hoặc nhiều lần cho một hợp đồng nhưng tối đa không vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết và không vượt quá dự toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho khoản chi đó, trừ trường hợp sau:

a) Đối với hàng hóa nhập khẩu, thiết bị chuyên dùng do đơn vị sử dụng ngân sách phải nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài (hoặc thông qua một đơn vị nhập khẩu ủy thác) phải mở thư tín dụng (L/C) tại ngân hàng và trong hợp đồng nhà cung cấp yêu cầu phải tạm ứng lớn hơn nhưng không vượt quá dự toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho khoản chi đó.

b) Đối với các trường hợp đặc thù khác có hướng dẫn riêng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, việc tạm ứng được thực hiện trong phạm vi dự toán được giao, theo hợp đồng ký kết giữa đơn vị sử dụng ngân sách và nhà cung cấp và theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

3.2. Đối với những khoản chi không có hợp đồng và những khoản chi có giá trị hợp đồng không vượt quá 50 triệu đồng: Mức tạm ứng theo đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách và trong phạm vi dự toán được giao. Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về mức đề nghị tạm ứng theo đúng quy định.

4. Thanh toán tạm ứng: Đơn vị sử dụng ngân sách phải thực hiện thanh toán tạm ứng với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch cụ thể như sau:

4.1. Đối với các khoản chi không có hợp đồng hoặc khoản chi không phải gửi hợp đồng đến Kho bạc Nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách phải thanh toán tạm ứng chậm nhất với Kho bạc Nhà nước vào ngày cuối cùng của tháng kế tiếp tháng tạm ứng (trừ khoản chi trợ cấp, phụ cấp theo quy định tại Thông tư số 44/2022/TT-BTC và Thông tư số 76/2021/TT-BTC).

4.2. Đối với các khoản chi phải gửi Hợp đồng đến Kho bạc Nhà nước (trường hợp hợp đồng có giá trị trên 50 triệu đồng), đơn vị sử dụng ngân sách thanh toán tạm ứng bắt đầu ngay từ lần thanh toán khối lượng hoàn thành đầu tiên của Hợp đồng, mức thanh toán tạm ứng từng lần do đơn vị sử dụng ngân sách thống nhất với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và quy định cụ thể trong Hợp đồng, đảm bảo thanh toán hết tạm ứng khi giá trị thanh toán (bao gồm cả tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành) đạt 80% giá trị hợp đồng.

4.3. Khi thanh toán tạm ứng, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm gửi đến Kho bạc Nhà nước Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng; Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng (đối với những khoản chi không có hợp đồng hoặc những khoản chi có hợp đồng với giá trị không quá 50 triệu đồng); Các hồ sơ, chứng từ tương ứng có liên quan theo quy định để Kho bạc Nhà nước kiểm soát, thanh toán (trừ các hồ sơ đã gửi khi tạm ứng).

a) Trường hợp đủ điều kiện quy định, Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán tạm ứng cho đơn vị sử dụng ngân sách, cụ thể:

- Nếu số tiền đề nghị thanh toán lớn hơn số đã tạm ứng: Căn cứ vào Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng của đơn vị (đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát và chấp nhận thanh toán), Kho bạc Nhà nước làm thủ tục chuyển từ tạm ứng sang thanh toán (số tiền đã tạm ứng); đồng thời, đơn vị lập thêm Giấy rút dự toán/Ủy nhiệm chi gửi Kho bạc Nhà nước để thanh toán cho đơn vị số chênh lệch giữa số tiền Kho bạc Nhà nước chấp nhận thanh toán và số tiền đã tạm ứng.

- Nếu số tiền đề nghị thanh toán nhỏ hơn số tiền đã tạm ứng: căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán tạm ứng của đơn vị (đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát và chấp nhận thanh toán), Kho bạc Nhà nước làm thủ tục chuyển từ tạm ứng sang thanh toán (bằng số tiền Kho bạc Nhà nước chấp nhận thanh toán tạm ứng), số tiền chênh lệch sẽ được theo dõi để thu hồi hoặc thanh toán vào lần thanh toán sau.

- Nếu số tiền đề nghị thanh toán bằng số tiền đã tạm ứng: căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán tạm ứng của đơn vị (đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát và chấp nhận thanh toán), Kho bạc Nhà nước làm thủ tục chuyển từ tạm ứng sang thanh toán (bằng số tiền Kho bạc Nhà nước chấp nhận thanh toán tạm ứng).

b) Tất cả các khoản đã tạm ứng (kể cả tạm ứng bằng tiền mặt và bằng chuyển khoản) để chi theo dự toán NSNN đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán chưa đủ hồ sơ, thủ tục thanh toán được xử lý theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 163/2016/NĐ-CPĐiều 26 Thông tư số 342/2016/TT-BTC.

5. Bảo lãnh tạm ứng:

Đối với các hợp đồng có thỏa thuận về bảo lãnh tạm ứng trong điều khoản của hợp đồng:

5.1. Trước khi Kho bạc Nhà nước thực hiện việc tạm ứng hợp đồng cho đơn vị sử dụng ngân sách để tạm ứng vốn cho nhà thầu hoặc nhà cung cấp, đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến Kho bạc Nhà nước bảo lãnh tạm ứng của nhà thầu hoặc nhà cung cấp đã có hiệu lực với giá trị không nhỏ hơn khoản tiền tạm ứng.

5.2. Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được giảm trừ tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần thanh toán giữa đơn vị sử dụng ngân sách và nhà thầu hoặc nhà cung cấp. Đơn vị sử dụng ngân sách đảm bảo và chịu trách nhiệm về giá trị của bảo lãnh tạm ứng của nhà thầu hoặc nhà cung cấp không nhỏ hơn số dư tiền tạm ứng còn lại.

5.3. Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi đơn vị sử dụng ngân sách thanh toán hết số tiền tạm ứng và phải được quy định cụ thể trong hợp đồng và trong văn bản bảo lãnh tạm ứng. Trường hợp bảo lãnh tạm ứng hết thời hạn nhưng đơn vị sử dụng ngân sách chưa thanh toán hết số tiền tạm ứng, đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm làm thủ tục gia hạn bảo lãnh tạm ứng và gửi Kho bạc Nhà nước để làm căn cứ kiểm soát chi theo quy định. Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm theo dõi về thời gian hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng.

Chương III

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN TÀI CHÍNH, KHO BẠC NHÀ NƯỚC VÀ CÁC ĐƠN VỊ SỬ DỤNG NGÂN SÁCH

Điều 7. Trách nhiệm quyền hạn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan tài chính)

1. Đảm bảo tồn quỹ NSNN các cấp để đáp ứng các nhu cầu chi của NSNN theo quy định của Luật NSNN, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn Luật. Trường hợp tồn quỹ ngân sách các cấp không đáp ứng đủ nhu cầu chi, cơ quan tài chính được quyền yêu cầu (bằng văn bản) gửi Kho bạc Nhà nước tạm dừng thanh toán một số khoản chi về mua sắm, sửa chữa theo từng nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo cân đối quỹ NSNN, nhưng không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính được giao của đơn vị.

2. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi tiêu và sử dụng ngân sách ở các đơn vị sử dụng ngân sách, trường hợp phát hiện các khoản chi vượt nguồn cho phép, không đúng chế độ quy định hoặc đơn vị không chấp hành chế độ báo cáo, thì có quyền yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm dừng thanh toán.

3. Chịu trách nhiệm nhập dự toán chi ngân sách vào hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (sau đây gọi tắt là TABMIS) và phê duyệt TABMIS theo quy định về hướng dẫn quản lý điều hành NSNN trong điều kiện áp dụng hệ thống TABMIS.

4. Đối với những khoản chi do cơ quan tài chính quyết định chi bằng hình thức “lệnh chi tiền”: Cơ quan tài chính chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát theo đúng quy định tại Điều 19 Thông tư số 342/2016/TT-BTC.

Điều 8. Trách nhiệm, quyền hạn của Kho bạc Nhà nước

1. Chấp hành đúng các quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP, trường hợp bất khả kháng do sự cố hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hoặc các nguyên nhân khách quan khác, thì được kéo dài thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, nhưng phải có thông báo rõ thời hạn giải quyết thủ tục hành chính cuối cùng cho đơn vị.

2. Tham gia với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra tình hình sử dụng ngân sách; xác nhận số thực chi, số tạm ứng, số dư kinh phí cuối năm ngân sách của các đơn vị sử dụng ngân sách tại Kho bạc Nhà nước.

3. Thực hiện kiểm soát, thanh toán theo quy định tại Điều 2 và Điều 5 Thông tư này. Trường hợp không đảm bảo theo quy định, Kho bạc Nhà nước thực hiện từ chối thanh toán đồng thời gửi Thông báo bằng văn bản đến đơn vị (theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Kho bạc Nhà nước không chịu trách nhiệm về chứng từ chi và các hồ sơ kèm theo chứng từ chi không thuộc thủ tục hành chính gửi Kho bạc nhà nước được quy định tại các Nghị định của Chính phủ.

4. Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tạm dừng thanh toán theo yêu cầu của cơ quan tài chính (bằng văn bản) đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này.

5. Thường xuyên đôn đốc các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện đúng quy định về tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng sau khi phát hiện các khoản tạm ứng đã quá hạn theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

6. Tổ chức công tác kiểm soát, thanh toán theo quy trình nghiệp vụ, thanh toán kịp thời, đầy đủ, thuận tiện cho đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo đơn giản thủ tục hành chính và quản lý chặt chẽ vốn NSNN.

Điều 9. Trách nhiệm, quyền hạn của đơn vị sử dụng ngân sách

1. Tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan trong quá trình quản lý, sử dụng kinh phí NSNN cấp và quy định tại Điều 17 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP.

2. Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp theo quy định của pháp luật đối với chứng từ chuyển tiền và các hồ sơ kèm theo chứng từ chuyển tiền thuộc thủ tục hành chính gửi Kho bạc nhà nước được quy định tại các Nghị định của Chính phủ; đồng thời chịu trách nhiệm nghiệm thu khối lượng mua sắm, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

3. Đối với chứng từ chuyển tiền và các mẫu biểu ban hành kèm theo thuộc các thủ tục hành chính quy định tại các Nghị định của Chính phủ: Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm kê khai đảm bảo khớp đúng giữa chi tiết và tổng số; Đối với các khoản chi được kê khai trên Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng, đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác của các chỉ tiêu: Tên đối tượng thụ hưởng, tài khoản ngân hàng, xác định số tiền thực nhận cho từng đối tượng thụ hưởng sau khi đã trích trừ các khoản phải khấu trừ vào lương, đảm bảo đúng mức lương, phụ cấp, các khoản phải khấu trừ vào lương theo đúng quy định.

4. Đối với chi mua sắm:

4.1. Trường hợp không thực hiện mua sắm theo phương thức tập trung: Đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về chất lượng, khối lượng, chủng loại, đơn giá đã thực hiện mua sắm, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành (đối với máy móc, thiết bị, ô tô chuyên dùng).

4.2. Trường hợp tài sản, hàng hóa thuộc danh mục mua sắm tập trung: Đơn vị mua sắm tập trung và đơn vị sử dụng tài sản chịu trách nhiệm mua sắm tập trung theo đúng danh mục và quy trình, thủ tục mua sắm theo đúng quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về chất lượng, khối lượng, chủng loại, đơn giá đã thực hiện mua sắm, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành (đối với máy móc, thiết bị, ô tô chuyên dùng) và đảm bảo hợp đồng mua sắm tài sản phù hợp với thỏa thuận khung (trường hợp mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung).

5. Đối với kinh phí giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN, đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và quy định của các pháp luật hiện hành khác.

6. Chịu trách nhiệm đảm bảo tính pháp lý, đầy đủ, chính xác và trung thực đối với hồ sơ, chứng từ điện tử và chữ ký số trên hồ sơ kiểm soát chi gửi Kho bạc Nhà nước qua Trang thông tin dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 05 năm 2024.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì sẽ áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

3. Thông tư này thay thế Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ Ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và cấp dưới tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, phối hợp giải quyết./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tài chính, Ngân sách;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan Trung ương của các Hội, Đoàn thể;
- Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp;
- Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, KBNN (240 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Văn Khắng

Mẫu số 01

KHO BẠC NHÀ NƯỚC
KHO BẠC NHÀ NƯỚC ….
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /TB-KB...

…., ngày ... tháng ... năm ...

THÔNG BÁO

Về việc kết quả kiểm soát chi sau khi thực hiện theo hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”

Sau khi kiểm soát, Kho bạc Nhà nước …………. thông báo kết quả kiểm soát chi như sau:

Kho bạc Nhà nước ……….. đã thanh toán số tiền (số tiền bằng chữ) cho khoản chi ………. tại chứng từ số …….. ngày ….. tháng ….. năm …… theo hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”. Sau khi kiểm soát sau, Kho bạc Nhà nước ……………. phát hiện khoản chi chưa đúng quy định, Kho bạc Nhà nước.... đề nghị:

□ Giảm trừ giá trị thanh toán vào lần thanh toán liền kế tiếp, số tiền: ………. (số tiền bằng chữ …………..).

Lý do: .........................................................................................................................

□ Thu hồi nộp NSNN số tiền: ……. (số tiền bằng chữ ……………..).

Lý do: .........................................................................................................................

Kho bạc Nhà nước …………………………… xin thông báo cho đơn vị biết để có biện pháp xử lý./.


Nơi nhận:
- Đơn vị...;
- Lưu: VT, viết tắt đơn vị soạn thảo (...bản).

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

Mẫu số 02

KHO BẠC NHÀ NƯỚC
KHO BẠC NHÀ NƯỚC ….
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: /TB-KB...

…., ngày ... tháng ... năm ...

THÔNG BÁO

Về việc từ chối thanh toán

Sau khi kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước thông báo kết quả kiểm soát chi như sau:

Kho bạc Nhà nước từ chối khoản chi ………………. tại chứng từ số ……. ngày ….. tháng.. ..năm …..

Số tiền: .......................................................................................................................

Số tiền bằng chữ: .......................................................................................................

Lý do:

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

Kho bạc Nhà nước …………… xin thông báo cho đơn vị biết để có biện pháp xử lý./.


Nơi nhận:
- Đơn vị...;
- Lưu: VT, viết tắt đơn vị soạn thảo (...bản).

GIÁM ĐỐC
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

MINISTRY OF FINANCE
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 17/2024/TT-BTC

Hanoi, March 14, 2024

 

CIRCULAR

ON GUIDELINES FOR THE CONTROL AND PAYMENT OF RECURRING EXPENDITURES THROUGH THE STATE TREASURY

Pursuant to the Law on State Budget dated June 25, 2015;

Pursuant to Decree No. 163/2016/ND-CP dated December 21, 2016 of the Government on elaboration of the Law on State Budget;

Pursuant to Decree No. 130/2005/ND-CP dated October 17, 2005 of the Government, regulating the autonomy and self-accountability regime for the use of personnel quotas and administrative management funding in regulatory agencies;

Pursuant to Decree No. 117/2013/ND-CP dated October 7, 2013 of the Government on amendments to Decree No. 130/2005/ND-CP on autonomy and self-accountability regime for the use of personnel quotas and administrative management funding in regulatory agencies;

Pursuant to Decree No. 60/2021/ND-CP dated June 21, 2021 of the Government on financial autonomy mechanism of public service entities;

Pursuant to Decree No. 120/2016/ND-CP dated August 23, 2016 of the Government on elaboration of and guidelines for the Law on Fees and Charges;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Pursuant to Decision No. 50/2017/QD-TTg dated December 31, 2017 of the Prime Minister on standards and norms for the use of machinery and equipment;

Pursuant to Decree No. 151/2017/ND-CP dated December 26, 2017 of the Government on elaboration of the Law on Management and Use of Public Property;

Pursuant to Decree No. 85/2018/ND-CP dated May 30, 2018 of the Government on standards and norms for the use of automobiles at units within the People’s Armed Forces;

Pursuant to Decree No. 72/2023/ND-CP dated September 26, 2023 of the Government on standards and norms for the use of automobiles;

Pursuant to Decree No. 32/2019/ND-CP dated April 10, 2019 of the Government on the assignment, ordering, or bidding for the provision of public products and services using the state budget from recurring expenditure funding;

Pursuant to Decree No. 11/2020/ND-CP dated January 20, 2020 of the Government on administrative procedures within the field of the State Treasury;

Pursuant to the Government's Decree No. 14/2023/ND-CP dated April 20, 2023 defining functions, tasks, powers and apparatus of the Ministry of Finance;

At the request of the Director General of the State Treasury,

The Minister of Finance hereby issues this Circular on guidelines for the control and payment of recurring expenditures through the State Treasury.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope and regulated entities

1. Scope:

1.1. This Circular provides guidance on the mechanism for controlling and making payments for recurring expenditures through the State Treasury from the following sources:

a) State Budget funds;

b) Fees retained under the prescribed regime and other lawful revenue sources of regulatory agencies;

c) Revenues from medical examination and treatment services, preventive health services, tuition fees of partially self-funded public sector entities (Group 3 entities) and public sector entities fully funded by the State (Group 4 entities), and legal fees and charges collected by public sector entities as stipulated in Clause 2 and Clause 3, Article 23 of the Government's Decree No. 60/2021/ND-CP dated June 21, 2021, on the financial autonomy mechanism of public sector entities (Decree No. 60/2021/ND-CP).

1.2. This Circular does not provide guidance on expenditures of Vietnamese representative agencies abroad or expenditures subject to separate guidance mechanisms as prescribed by competent authorities.

2. Regulated entities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 2. Principles of control and payment through the State Treasury

1. The State Treasury shall conduct control and payment in accordance with Clause 5, Article 56 of the State Budget Law No. 83/2015/QH13, in specific:

1.1. State Budget expenditures shall only be made when they are included in the assigned budget estimate, except as provided for in Article 51 of the State Budget Law; have been approved for disbursement by the head of the budget spending unit, the project owner, or an authorized person; and the unit's account balance is sufficient for the disbursement.

1.2. The State Treasury shall verify the legality of payment vouchers and supporting documents submitted as part of the required administrative procedures to the State Treasury as stipulated in Government Decrees. In cases where the payment vouchers and accompanying documents submitted by the budget spending unit to the State Treasury are deliberately falsified or have their contents replaced, the budget spending unit shall bear responsibility in accordance with the law.

For documents not falling under the administrative procedures for submission to the State Treasury as prescribed in Government Decrees, the budget spending unit is responsible for controlling the payment description and payment documents in compliance with legal regulations.

1.3. The State Treasury shall control the spending limits in accordance with the provisions of legal documents.  In cases where regulatory agencies and units have been authorized by the competent authorities to operate under an autonomous mechanism, control shall be ensured in compliance with internal expenditure regulations and in line with the autonomous budget estimates.

2. Advance settlements of expenditures shall be executed under the principle as stipulated in Clause 5, Article 34 of the Government's Decree No. 163/2016/ND-CP dated December 21, 2016, on elaboration of the Law on State Budget (Decree No. 163/2016/ND-CP).

3. Cash payments and advance settlements must be made in strict adherence to the guidelines outlined in the Circular issued by the Ministry of Finance on cash receipt and payment management through the State Treasury system.

4. In cases where State Budget expenditures are made electronically via the State Treasury's Public service portal, the State Treasury's control and payment process must comply with regulations on electronic transactions in State Treasury operations as stipulated in: Government Decree No. 165/2018/ND-CP dated December 24, 2018, on electronic transactions in financial activities; Government Decree No. 11/2020/ND-CP dated January 20, 2020, on administrative procedures in the State Treasury domain (Decree No. 11/2020/ND-CP); Government Decree No. 45/2020/ND-CP dated April 8, 2020, on the implementation of administrative procedures in the electronic environment; Circular No. 87/2021/TT-BTC dated October 8, 2021, of the Ministry of Finance regulating electronic transactions in State Treasury operations. 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The State Treasury shall control and pay recurring expenditures from the State Budget through the following methods:

1. Post-payment verification:

1.1. Post-payment verification is the payment method applied to individual payments under contracts with multiple payment installments, except for the final payment. Upon receiving complete and legally valid documentation, the State Treasury shall process the payment to the beneficiary within 1 working day; concurrently, it shall send 1 debit advice to the unit to confirm payment execution and send 1 credit advice to the unit (if the beneficiary holds an account at the State Treasury).

1.2. Within 1 working day from the payment date, the State Treasury shall conduct document verification in accordance with the prescribed regime.

1.3. If, after verification, it is discovered that the expenditure does not comply with regulations, the State Treasury shall issue a written notification of the expenditure verification results (using Form No. 01 enclosed with this Circular) to the budget spending unit; subsequently, it shall recover this payment by deducting it from the subsequent payment. If the subsequent payment does not have sufficient completed volume/budget allocation for deduction, the recovery shall be executed as stipulated in Clause 2, Article 4 of this Circular.

2. Pre-payment verification:

Pre-payment verification is the payment method applied to all expenditures, whereby the State Treasury conducts control and payment within the timeframe stipulated in Decree No. 11/2020/ND-CP after receiving complete and legally valid documentation as required.

Article 4. Recovery by deductions from subsequent payments or by direct refund to the State Budget

1. The budget spending unit shall submit to the State Treasury a "Payment Return Slip" (using Form C2-05a/NS) issued with Decree No. 11/2020/ND-CP to refund expenditures in accordance with regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The State Treasury shall proceed the recovery by: deductions from subsequent payments (in cases where the budget has not been finalized) or by direct refund to the State Budget (in cases where the budget has been finalized); and record accounting entries in compliance with regulations.

Chapter II

SPECIFIC REGULATIONS

Article 5. Details of expenditure control through the State Treasury

1. The State Treasury shall control and make payments according to the principles stipulated in Article 2 of this Circular and shall verify the following specific details:

1.1. For transactions conducted directly through the State Treasury, the seal and signature on the money transfer voucher must match the registered seal and signature specimen on file at the State Treasury. For transactions conducted via the State Treasury's Public Service Portal, the digital signature on money transfer vouchers must accurately reflect the full name and title of the authorized personnel as per the decision of the competent authority and registered with the State Treasury.

The transfer description, amount, and accounting entries on the money transfer voucher must be consistent with the accompanying supporting documents.

1.2. The expenditure description must align with the expenditure code specified in the current State Budget nomenclature (excluding expenditures from deposit accounts).

1.3. The advance amount must comply with the provisions of Article 6 of this Circular. The description of the advance settlement request must be consistent with the description of the initial advance request. If the budget spending unit cannot precisely determine the expenditure description, the advance shall be made to the "other" sub-item of the item corresponding to the expenditure. The State Treasury shall make advance settlements within the sub-items of the same item group corresponding to the description of the advance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If the contract stipulates the need for an advance guarantee, the State Treasury shall verify that the validity period of the contract's advance guarantee extends until the budget spending unit has fully recovered the advance amount. If the advance guarantee expires before the budget spending unit has fully settled the advance, the State Treasury shall be responsible for urging the budget spending unit to coordinate with the contractor to extend the advance guarantee or settle the advance settlement as regulated.

1.5. Verification of the "Schedule of Completed Work Value" (Form No. 08a enclosed with Appendix II of Decree No. 11/2020/ND-CP:

a) For goods procurement expenditures:

The State Treasury shall verify the work description, unit of measure, quantity, and unit price to ensure compliance with the contract provisions and that the total value does not exceed the contract value. Expenditures for the purchase of medicines, intravenous fluids, chemicals, and medical supplies used in the medical examination and treatment process shall be subject to the regulations in Section b, Point 2.2, Clause 2 of this Article.

b) For service expenditures:

The budget spending unit shall, based on the content of the Contract and the Acceptance Certificate, prepare and submit to the State Treasury a "Schedule of Completed Work Value," ensuring it accurately reflects the work description and payment value as per the contract, providing a basis for the State Treasury's control and payment. The State Treasury shall verify the work description and payment value (unit of measure, quantity, and unit price, if applicable) to ensure compliance with the contract provisions and that the total value does not exceed the contract value.

1.6. Verification of the List of Payment/Advance Details (Form No. 07 enclosed with Appendix II of Decree No. 11/2020/ND-CP):

The budget spending unit shall complete Form No. 07 enclosed with Appendix II of Decree No. 11/2020/ND-CP, noting that payment vouchers at the unit are those stipulated in the voucher system of Circular No. 107/2017/TT-BTC dated October 10, 2017, of the Ministry of Finance, guiding the accounting regime for administrative and public sector activities. The State Treasury shall verify the List of Payment/Advance Details to ensure that the expenditure code matches the Budget Withdrawal Request, and that the payment description and total amount are consistent with the Budget Withdrawal Request/Payment Order and do not exceed the spending limits stipulated in prevailing legal documents and the unit's internal spending regulations.

1.7. For expenditures with confidentiality requirements:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1.8. In cases where procurement must be carried out through centralized method: The State Treasury shall ensure that the procurement is included in the centralized procurement list issued by the competent authority (as stipulated in Clause 2, Article 53 of the Law on Bidding No. 22/2023/QH15) and that the contract complies with the Framework Agreement (the framework agreement is published by the centralized procurement unit as prescribed in Point a, Clause 3, Article 77 of Decree No. 151/2017/ND-CP dated December 26, 2017, of the Government on elaboration of the Law on Management and Use of Public Assets).

2. In addition to the control details outlined in Clause 1 of this Article, for specific expenditure descriptions, the State Treasury shall conduct the following verifications:

2.1. For salary and salary-based allowance expenditures (salary-based allowances according to the current State Budget nomenclature); wages under contracts; additional income payments; financial supports, subsidies, other allowances, fixed allowances; and rewards:

a) The State Treasury shall ensure that these payments do not exceed the personnel quota approved by the competent authority; do not exceed the number of contract employees, and are in accordance with the funding sources as stipulated in Articles 7, 8, 9, and 12 of Decree No. 111/2022/ND-CP dated December 30, 2022, of the Government regarding contracts for certain types of work within administrative agencies and public sector entities; and do not exceed the number specified in the official document approving the number of commune-level part-time public staff issued by the Province-level People's Council and the District-level People’s Committee as stipulated in Article 33 of Decree No. 33/2023/ND-CP dated June 10, 2023, of the Government on commune-level officials and part-time public staff at the commune level, in hamlets, and neighborhoods. If, at the beginning of the year, there is no official document approving the personnel quota from the competent authority, the State Treasury shall conduct verification based on the document allocating personnel quota from the competent authority for the preceding year and the request and commitment from the budget spending unit. In case of any changes compared to the previous month regarding targets, personnel quota, the unit shall clearly state this in the explanatory section of the "Payment List for Beneficiaries" (Form No. 09 enclosed with Appendix II of Decree No. 11/2020/ND-CP).

b) Verify and ensure consistency between the detailed amounts and the total amount; and ensure the total amount on the "Payment List for Beneficiaries" matches the Budget Withdrawal Request/Payment Order approved by the head of the unit.

c) For additional income expenditures:

- For public sector entities fully funded by the state (Group 4 entities): The State Treasury shall ensure compliance with the unit's internal spending regulations and the provisions of Clause 2, Article 22 of Decree No. 60/2021/ND-CP and Clause 3, Article 10 of Circular No. 56/2022/TT-BTC dated September 16, 2022, of the Ministry of Finance, and the disposal of assets and finances during the reorganization or dissolution of public sector entities (Circular No. 56/2022/TT-BTC).

- For regulatory agencies operating under an autonomous regime: The State Treasury shall ensure compliance with the unit's internal spending regulations and the provisions of Joint Circular No. 71/2014/TTLT-BTC-BNV dated May 30, 2014, of the Ministry of Finance and the Ministry of Home Affairs on autonomy and self-accountability for the use of administrative management expenses for regulatory agencies (Joint Circular No. 71/2014/TTLT-BTC-BNV).

d) For financial supports, subsidies, other allowances, fixed allowances, and rewards:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The State Treasury shall verify the money transfer voucher; the List of Payment/Advance Details (if the money transfer voucher of the budget spending unit does not fully reflect the expenditure description, quantity, spending limits, and actual unit prices for expenditures with spending limits stipulated in the internal spending regulations or legal documents); and the Payment List for Beneficiaries to ensure that they do not exceed the spending limits specified in legal documents or the unit's internal spending regulations.

Specifically, for subsidies and allowances for people with meritorious services to the revolution and people directly participating in the resistance war managed by the Labor - Invalids and Social Affairs sector, and for social assistance for social protection beneficiaries, implementation shall comply with the provisions in Section a, Point 2.3, Clause 2 of this Article.

- In cases where the expenditure on support, subsidy, and other allowance is based on a decision of the competent authority:

The State Treasury shall ensure that this expenditure does not exceed the budget allocated by the competent authority; and verify the money transfer voucher; the List of Payment/Advance Details (if the money transfer voucher of the budget spending unit does not fully reflect the expenditure description, quantity, spending limits, and actual unit prices for expenditures with spending limits stipulated in the decision of the competent authority); and the Payment List for Beneficiaries to ensure that they do not exceed the spending limits specified in the decision of the competent authority.

2.2. For procurement expenditures:

a) For the procurement of public assets being automobiles and other means of transport; machinery and equipment:

- In cases where procurement is not carried out through centralized method:

+ The State Treasury shall ensure that the unit price does not exceed the maximum price according to the standards and norms stipulated in Decree No. 72/2023/ND-CP dated September 26, 2023, of the Government regulating the standards and norms for the use of automobiles (Decree No. 72/2023/ND-CP); Decree No. 85/2018/ND-CP dated May 30, 2018, of the Government regulating the standards and norms for the use of automobiles in People's Armed Forces units (Decree No. 85/2018/ND-CP); Decision No. 50/2017/QD-TTg dated December 31, 2017, of the Prime Minister regulating the standards and norms for the use of machinery and equipment (Decision No. 50/2017/QD-TTg); and other relevant guiding legal documents.

+ For specialized assets: The State Treasury shall ensure that they are included in the list of specialized machinery and equipment (by type) in the document regulating the standards and norms for the use of specialized machinery and equipment issued by the competent authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The State Treasury shall, based on the payment request from the budget spending unit and the terms stipulated in the contract, the Acceptance Certificate, and the asset handover and receipt record (using Form No. 06/TSC-MSTT enclosed with Decree No. 151/2017/ND-CP dated December 26, 2017, of the Government on elaboration of the Law on Management and Use of Public Assets), verify and ensure that: The asset name, unit of measure, quantity, and purchase price comply with the contract provisions, do not exceed the contract value, and do not exceed the maximum unit price according to the standards and norms stipulated in Decree No. 72/2023/ND-CP; Decree No. 85/2018/ND-CP; Decision No. 50/2017/QD-TTg; and other relevant guiding legal documents.

+ For specialized assets: The State Treasury shall ensure that they are included in the list of specialized machinery and equipment (by type) in the document regulating the standards and norms for the use of specialized machinery and equipment issued by the competent authority.

b) For expenditures on medicines, intravenous fluids, chemicals, and medical supplies used in the examination and treatment process (excluding the procurement of machinery and equipment; automobiles and other means of transport as stipulated in Section a, Point 2.2, Clause 2 of this Article):

The State Treasury shall, based on the payment request from the budget spending unit and the terms stipulated in the contract, verify the total amount of the invoices listed on the Schedule of Completed Work Value (using Form No. 08a enclosed with Appendix II of Decree No. 11/2020/ND-CP) to ensure it does not exceed the contract value.  The budget spending unit shall, based on the Acceptance Certificate, prepare the Schedule of Completed Work Value, where the invoice number and date are listed in the work description column (column No. 2), and the corresponding amount for each invoice is listed in the total amount column (column No. 6). The budget spending unit is responsible for the quantity, quality, unit price, and type of medicines, intravenous fluids, chemicals, and medical supplies used in the examination and treatment process for which payment is requested, ensuring compliance with the Contract; the Framework Agreement (in cases where procurement must be carried out through centralized method); and the Acceptance Certificate between the budget spending unit and the goods and services provider.

2.3. For recurring expenditure to implement policies and preferential regimes for people with meritorious services to the revolution, their relatives, and people directly participating in the resistance war managed by the Labor - Invalids and Social Affairs sector, and for social assistance for social protection beneficiaries:

a) For subsidies and allowances for people with meritorious services to the revolution and people directly participating in the resistance war managed by the Labor - Invalids and Social Affairs sector, and for social assistance for social protection beneficiaries:

- In cases where the budget spending unit directly makes payments to beneficiaries:

+ In cases where payments to beneficiaries are made in cash:

Each month, the budget spending unit shall prepare a Budget Withdrawal Request (advance) and submit it to the State Treasury. The State Treasury shall make the advance settlement based on the unit's request.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The budget spending unit is responsible for managing the funds and ensuring timely payment in accordance with regulations and to the correct beneficiaries.

+ In cases where payments to beneficiaries are made via bank transfer:

The State Treasury shall verify the money transfer voucher; the List of Payment/Advance Details (if the money transfer voucher of the budget spending unit does not fully reflect the expenditure description, quantity, spending limits, and actual unit prices for expenditures with spending limits stipulated in legal documents); and the Payment List for Beneficiaries as stipulated in Clause 1 of this Article and in accordance with the spending limits specified in Decree No. 20/2021/ND-CP, Circular No. 76/2021/TT-BTC, and Circular No. 44/2022/TT-BTC.

- In cases where payments are made through a payment service provider:

+ Each month, the budget spending unit shall prepare a Budget Withdrawal Request (advance); a List of Payment/Advance Vouchers; and the contract between the budget spending unit and the payment service provider and submit them to the State Treasury (the contract is submitted for the first time and then resubmitted when there are additions or adjustments). The State Treasury shall conduct verification as stipulated in Clause 1 of this Article and in accordance with the spending limits specified in Decree No. 20/2021/ND-CP, Circular No. 76/2021/TT-BTC, and Circular No. 44/2022/TT-BTC; and make an advance settlement from the budget spending unit's budget account to the payment service provider's account in accordance with the service contract between the two parties.

+ If the payment service provider holds a deposit account at the State Treasury, when withdrawing funds from this account to make payments to beneficiaries: the State Treasury shall verify the legality and validity of the Payment Order within the deposit account balance.

Each month, the budget spending unit is responsible for settling with the payment service provider for the amount advanced at the State Treasury, and submitting to the State Treasury a Advance Settlement Request Form, a List of Payment/Advance Details, and a List of Expenditures Paid to Beneficiaries (Form No. 10 enclosed with Appendix II of Decree No. 11/2020/ND-CP) (for social protection beneficiaries, the budget spending unit shall change the name of the form to:  List of Expenditures Paid to Social Protection Beneficiaries) for the State Treasury to verify and settle the advance settlement in accordance with the spending limits specified in Circular No. 44/2022/TT-BTC and Circular No. 76/2021/TT-BTC.

+ The payment service provider is responsible for managing the funds and ensuring full payment of subsidies and allowances to beneficiaries within the stipulated timeframe, and is liable for any lost or misappropriated funds.

b) For support expenditures for projects to renovate, repair, upgrade, and maintain martyr memorial constructions; and facilities for nurturing, caring for, and receiving people with meritorious services to the revolution as stipulated in Circular No. 44/2022/TT-BTC:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.4. For budgets allocated for tasks, orders, and bidding to provide public services using state budget funds from recurring expenditure sources:

a) For task-assigned budgets:

The State Treasury shall rely on the estimate allocated by competent authorities, the decision of the superior authority assigning the task of providing public services using state budget funds to the public sector entity, and the acceptance document of the assigned task between the superior authority and the public sector entity for control purposes. The following should be noted:

- The assigned task must fall within the list of public services using state budget funds for assigned tasks, orders, or bidding (according to Table 1 of Appendix I enclosed with Decree No. 32/2019/ND-CP) or the decision of the competent authority on the list of public services using state budget funds implemented through task assignment.

- Task-assigned budgets are controlled in the same way as non-autonomous recurring expenditure budgets as prescribed in Point a, Clause 5.1, Article 5 of this Circular and regulations on advance settlements, payments, and acceptance of assigned tasks in the decision of the superior authority assigning the task of providing public services using state budget funds to public sector entities.

b) For budgets ordered for subordinate public sector entities:

- The State Treasury shall carry out controls to ensure that the products and services ordered are included in the list of public services using state budget funds for assigned tasks, orders, or bidding and the list of public utility products and services ordered or bid (according to Appendix I and Appendix II enclosed with Decree No. 32/2019/ND-CP) or the decision of the competent authority on the list of public services using state budget funds implemented through ordering; and that there are unit prices and public service prices issued by competent authorities as a basis for ordering.

- Based on the payment method specified in the decision of the superior authority ordering subordinate public sector entities to provide public services using state budget funds according to Form No. 1 enclosed with Decree No. 32/2019/ND-CP (Order Decision); the State Treasury shall make an advance settlement to the deposit account of the public sector entity held at the State Treasury according to the advance amount specified in the Order Decision.  When disbursing from the deposit account of the public sector entity, the State Treasury shall carry out controls in accordance with internal spending regulations and comply with the decision on autonomy delegation of the competent authority; and spending limits as prescribed in legal documents.

When settling advance settlements, the State Treasury shall rely on the regulations on payment and acceptance in the Order Decision and the order acceptance minutes between the superior authority and the public sector entity (according to Form No. 2 enclosed with Decree No. 32/2019/ND-CP) to control in accordance with the unit prices and order prices specified in legal documents.  If the entity has made an advance settlement exceeding the quantity or volume of the accepted ordered public products and services, the entity must recover the excess amount by direct refund to the State Budget.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The products and services ordered are included in the list of public services using state budget funds for assigned tasks, orders, or bidding and the list of public utility products and services ordered or bid (according to Appendix I and Appendix II enclosed with Decree No. 32/2019/ND-CP) or the decision of the competent authority on issuance of the list of public services using state budget funds implemented through ordering;

- The State Treasury shall rely on the provisions of the signed contract between the ordering entity and the other public service provider; manufacturer and supplier of public utility products and services (according to Form No. 3 enclosed with Decree No. 32/2019/ND-CP) and the minutes of acceptance and contract liquidation (according to Form No. 4 enclosed with Decree No. 32/2019/ND-CP) to control in accordance with the unit prices, order prices, subsidy levels, and selling prices specified in legal documents.

2.5. For expenditures on national target programs using public service funds:

The State Treasury shall rely on the expenditure control documents as prescribed in Clause 5, Article 7 of Decree No. 11/2020/ND-CP to ensure control in accordance with Clause 1 of this Article and the spending limits specified in Circular No. 55/2023/TT-BTC dated August 15, 2023, of the Ministry of Finance on the management, use, and settlement of public service funds from state budget funds for the implementation of national target programs in the 2021-2025 period.

2.6. For expenditures that budget spending units authorize the State Treasury to automatically pay on a periodic basis to certain service providers or units authorized by service providers to collect on their behalf (such as electricity, water, telecommunications):

The State Treasury will rely on the payment authorization document from the budget spending unit and the balance of the unit's estimate account and deposit accounts to automatically make recurring payments to the service provider (electricity/water/telecommunications). These payments will be made according to the List of amounts payable by the budget spending unit, which is prepared by the service providers or their authorized collection agents and sent to the State Treasury. After making the payment, the State Treasury will send the unit a debit advice to confirm the payment.

2.7. For expenditures on training and developing human resources overseas using the state budget:

Budget spending units will prepare a Budget Withdrawal Slip in foreign currency based on the total amount in the list of training funds transferred to overseas students for each country/school and each type of foreign currency. This will be sent to the State Treasury along with the documents specified in Article 7 of Decree No. 11/2020/ND-CP. The list of training funds transferred to overseas students must include the following: overseas student's full name; name of country where the overseas student is studying; payment description; amount in foreign currency for each overseas student; beneficiary's account name (name of the foreign training institution or individual beneficiary); beneficiary's account number; Swift code of the beneficiary's bank or the full name and address of the beneficiary's bank; intermediary bank (if any); bank transfer fees; other (if any).

Budget spending units are responsible for the legality, validity, and accuracy of the information in the list of training funds transferred to overseas students and the documents sent to the State Treasury as required.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2.8. For expenditures on science and technology tasks using the state budget:

The State Treasury will rely on the documents as prescribed in Decree No. 11/2020/ND-CP and the regulations on control and payment in: Joint Circular No. 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC dated December 30, 2015, of the Ministry of Science and Technology and the Ministry of Finance regulating fixed allowances for science and technology tasks using the state budget; Joint Circular No. 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN dated April 22, 2015, of the Ministry of Science and Technology and the Ministry of Finance guiding the spending limits for formulating, allocating estimates, and settling expenditures for science and technology tasks using the state budget; Circular No. 03/2023/TT-BTC dated January 10, 2023, of the Ministry of Finance regulating the formulation of estimates, management, use, and settlement of state budget funds for science and technology tasks.

2.9. For expenditures for outbound delegations:

The State Treasury will rely on the documents specified in Article 7 of Decree No. 11/2020/ND-CP and the standards and norms stipulated in Circular No. 102/2012/TT-BTC dated June 21, 2012, of the Ministry of Finance regulating the regime for business trip allowances for officials on short-term business trips overseas funded by the state budget to control and make payments to units.

3. For expenditures from deposit accounts at the State Treasury:

The State Treasury will rely on the source of funds and the payment description to control and make payments from the deposit accounts of budget spending units:

3.1. The State Treasury will control and make payments from deposit accounts for the following sources of funds:

a) Funds originating from the state budget as regulated:

The State Treasury will control and make payments according to the provisions in Clause 1 and Clause 2 of this Article and the following: Circular No. 55/2017/TT-BTC dated May 19, 2017, of the Ministry of Finance on elaboration of the management and use of state budget funds for certain activities in the fields of security, order, and social safety; Circular No. 369/2017/TT-BTC dated April 11, 2017, of the Ministry of Finance on guidelines for the allocation of recurrent budget from the state budget for national defense expenditures of the Ministry of National Defense; Circular No. 1539/2017/TT-BTC dated December 29, 2017, of the Ministry of Finance on elaboration of the management and use of state budget funds for agencies of the Communist Party of Vietnam (for the fields of security, order, and social safety, national defense expenditures of the Ministry of National Defense, and agencies of the Communist Party of Vietnam).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The State Treasury will control and make payments according to the provisions in Clause 1 and Clause 2 of this Article and control the expenditure details to comply with Decree No. 120/2016/ND-CP dated August 23, 2016, of the Government on elaboration of and guidelines for the Law on Fees and Charges (Decree No. 120/2016/ND-CP); Decree No. 82/2023/ND-CP dated November 28, 2023, of the Government on amendments to Decree No. 120/2016/ND-CP and regulations of the Ministry of Finance on guidelines for the collection, payment, management, and use of each type of fee.

c) Funds originating from revenues from medical examination and treatment services, preventive health services, and tuition fees at the price levels prescribed by competent regulatory agencies for partially self-funded public sector entities (Group 3 entities) and public sector entities fully funded by the State (Group 4 entities):

The State Treasury shall conduct control and payment in accordance with Clause 1 and Clause 2 of this Article.

d) Funds originating from saved funds and funds deducted for regulatory agencies:

The State Treasury will control and make payments according to the provisions in Clause 1 and Clause 2 of this Article, the unit's internal spending regulations, and the expenditures allowed from the funds as prescribed in Joint Circular No. 71/2014/TTLT-BTC-BNV and relevant current legal regulations.

dd) Deposits originating from other legal revenues as prescribed by law for regulatory agencies that exercise autonomy and self-accountability in the use of personnel quotas and administrative management budget:

The State Treasury shall conduct control and payment in accordance with Clause 1 and Clause 2 of this Article.

Specifically for expenditures on verification and approval of the settlement of public investment capital for completed projects:  Implementation shall comply with the provisions in Clause 2, Article 46 of Decree No. 99/2021/ND-CP dated November 11, 2021, of the Government on the management, payment, and settlement of projects using public investment capital.

3.2. For deposits originating from sources not specified in Point a, Clause 3 of this Article, the State Treasury shall verify the legality and validity of the Payment Order within the balance of the deposit account.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4.1. Financial resources of public sector entities shall have accounts opened at the State Treasury for control and payment in accordance with the provisions of Clause 2 and Clause 3, Article 23 of Decree No. 60/2021/ND-CP.

The State Treasury shall carry out control and payment in accordance with the provisions of Clause 1, Clause 2, and Point 3.1, Clause 3 of this Article, with the following notes:

a) For recurring expenditure funds granted under autonomy:  Control must comply with internal spending regulations and the decision on autonomy delegation issued by the competent authority; along with regimes, standards, and spending limits set by the regulatory authorities, in specific:

- Public sector entities that are self-funded for both recurring expenditure and investment (Group 1 entities) and public sector entities that are self-funded for recurring expenditure (Group 2 entities): Shall comply with the provisions of Article 12 of Decree No. 60/2021/ND-CP.

- Partially self-funded public sector entities (Group 3 entities): Shall comply with the provisions of Article 16 of Decree No. 60/2021/ND-CP.

- Public sector entities fully funded by the State (Group 4 entities): Shall comply with the provisions of Article 20 of Decree No. 60/2021/ND-CP.

b) For recurring expenditure funds not granted under autonomy:  The State Treasury shall control to ensure compliance with the standards and norms prescribed in current legal documents for each funding source as prescribed in Article 13, Article 17, Article 21 of Decree No. 60/2021/ND-CP and Clause 5, Article 11 of Circular No. 56/2022/TT-BTC.

4.2. For financial resources of public sector entities holding accounts at commercial banks as prescribed in Clauses 1 and 4, Article 23 of Decree No. 60/2021/ND-CP, if a public sector entity requests to open a deposit account at the State Treasury, the State Treasury shall not control spending but shall make payments based on the entity’s request.  The public sector entity is responsible for managing, utilizing, and spending funds in accordance with legal regulations.

4.3. For the distribution of financial results within the year:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



For Group 4 public sector entities, regarding expenditures from saved funds, the State Treasury will control the expenditures according to the entity’s internal spending regulations and in compliance with Article 22 of Decree No. 60/2021/ND-CP and Clause 3, Article 10 of Circular No. 56/2022/TT-BTC.

5. For regulatory agencies:

5.1. For regulatory agencies that operate under autonomy and are self-accountable in accordance with Decree No. 130/2005/ND-CP, dated October 17, 2005, on autonomy and self-accountability regarding use of personnel quotas and administrative expenses for regulatory agencies, and Decree No. 117/2013/ND-CP, dated October 7, 2013 on amendments to Decree No. 130/2005/ND-CP:

a) For funding for administrative management expenditures according to the state budget estimates allocated by competent authorities:  The State Treasury shall control and make payments as stipulated in Clauses 1, 2, and 3.1, Clause 3 of this Article, strictly adhering to the entity’s internal spending regulations, as well as the standards and spending limits set by the competent authority, with particular attention to the following:

- For State Budget allocations intended for autonomous operations:

+ The State Treasury shall control the funds allocated for autonomous operations as specified in Clauses 5 and 6, Article 3 of Joint Circular No. 71/2014/TTLT-BTC-BNV.

+ Recurring expenditure funds retained by the entity from revenue sources as per the Law on Fees and Charges (if applicable):

Based on the expenditure estimates from fee revenue approved by competent authorities, and the State Budget standards and spending limits set by the competent authority, the State Treasury shall control and make payments for the entity following the expenditure categories specified in Decree No. 120/2016/ND-CP.

- For State Budget allocations not used for autonomous operations: The State Treasury shall control expenditure details as stipulated in Article 4 of Joint Circular No. 71/2014/TTLT-BTC-BNV and the applicable standards and spending limits outlined in the current legal documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- The State Treasury controls the use of saved funds according to the provisions specified in point b, Clause 7, Article 3 of Joint Circular No. 71/2014/TTLT-BTC-BNV.

- For additional income, welfare expenditures, and bonuses from saved funds, the State Treasury controls these in accordance with Clause 3, Article 5 of Joint Circular No. 71/2014/TTLT-BTC-BNV.

- Any unused saved funds at the end of the year will be transferred to the Income stabilization reserve fund, as stipulated in point b, Clause 7, Article 3 of Joint Circular No. 71/2014/TTLT-BTC-BNV. For the Income stabilization reserve fund:  The budget spending unit submits a Budget Withdrawal Slip or a Payment Order to request the State Treasury to allocate the reserve fund for income stabilization. The State Treasury will allocate the funds and transfer them to the unit’s reserve fund deposit account.  The State Treasury shall control the use of the reserve fund according to point 3.1, Clause 3 of this Article.

5.2. For regulatory agencies operating under a special financial mechanism as prescribed by legal documents:

The State Treasury controls and processes payments according to Clauses 1, 2, and point 3.1, Clause 3 of this Article and the regulations on the management of operational funds, as well as the use of saved funds during the year, specified in legal documents related to the special financial mechanism for that particular regulatory agency.

6. For expenditures made through the payment order method:

The State Treasury follows the provisions of Article 19 of Circular No. 342/2016/TT-BTC, dated December 30, 2016, of the Ministry of Finance on elaboration of and guidelines for Decree No. 163/2016/ND-CP, dated December 21, 2016 on elaboration of the Law on State Budget.

Article 6. Advances and settlement of advances

1. Advances apply to State Budget expenditures by budget spending units that do not yet meet the conditions for direct payment from the State Treasury.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Advance amount:

3.1. For expenditures with a contract value over 50 million VND, the advance amount is based on the terms of the signed contract between the budget spending unit and the goods or service provider. The budget spending unit may request one or multiple advances for a contract, but the total advance must not exceed 50% of the contract value at the time of signing and must not exceed the annual budget estimate approved by the competent authority for that expenditure, except in the following cases:

a) For imported goods and specialized equipment that the budget spending unit must import directly from abroad (or through an authorized importer), a letter of credit (L/C) must be opened at a bank and the supplier contract requires a larger advance, but the advance must not exceed the annual budget estimate approved by the competent authority for that expenditure.

b) For other special cases with specific guidance from a competent government authority, the advance shall be made within the allocated budget estimate, according to the signed contract between the budget spending unit and the supplier, and based on the decision of the competent authority.

3.2. For expenditures without a contract or for contract values not exceeding 50 million VND:  the advance amount is based on the request of the budget spending unit and within the allocated budget estimate. The budget spending unit is responsible for ensuring that the requested advance complies with regulations.

4. Advance settlement: The budget spending unit must settle the advance with the State Treasury where the transaction is conducted, as follows:

4.1. For expenditures without a contract or expenditures that do not require the contract to be submitted to the State Treasury, the budget spending unit must settle the advance with the State Treasury no later than the last day of the month following the month of the advance (except for expenditures for allowances and benefits as regulated in Circular No. 44/2022/TT-BTC and Circular No. 76/2021/TT-BTC).

4.2. For expenditures requiring the contract to be submitted to the State Treasury (for contracts valued over 50 million VND), the budget spending unit must begin settling the advance from the first payment for the completed portion of the contract. The amount of each advance settlement is determined by the agreement between the budget spending unit and the goods or service provider and is specified in the contract, ensuring that the total advance is fully settled when the total payment (including both the advance and payments for completed portions) reaches 80% of the contract value.

4.3. When settling an advance, the budget spending unit is responsible for submitting the Advance Settlement Request Form to the State Treasury; the List of Payment/Advance Details (for expenditures without a contract or expenditures with a contract valued at no more than 50 million VND); and relevant documents and corresponding records as required for the State Treasury to verify and process the payment (except for documents already submitted during the advance process).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- If the requested settlement amount is greater than the amount advanced: Based on the unit’s Advance Settlement Request Form (which has been verified and accepted by the State Treasury for payment), the State Treasury will transfer the amount from the advance to settlement (the amount already advanced). The unit will also issue an additional Budget Withdrawal Slip/Payment Order to the State Treasury to settle the difference between the amount approved by the State Treasury and the amount advanced.

- If the requested settlement amount is less than the amount advanced: Based on the unit’s Advance Settlement Request Form (which has been verified and accepted by the State Treasury for payment), the State Treasury will transfer the amount from the advance to settlement (based on the amount the State Treasury has approved for advance settlement), and the difference will be tracked for recovery or applied to the next payment.

- If the requested settlement amount equals the amount advanced: Based on the unit’s Advance Settlement Request Form (which has been verified and accepted by the State Treasury for payment), the State Treasury will transfer the amount from the advance to settlement (based on the amount the State Treasury has approved for advance settlement).

b) All advances (whether in cash or via bank transfer) for expenditures within the State Budget estimate that have not been fully documented or settled by the end of the financial adjustment period will be handled in accordance with Article 42 of Decree No. 163/2016/ND-CP and Article 26 of Circular No. 342/2016/TT-BTC.

5. Advance guarantee:

For contracts with provisions on advance guarantees in the contract terms:

5.1. Before the State Treasury processes an advance for the budget spending unit to fund a contractor or supplier, the budget spending unit must submit a valid advance guarantee from the contractor or supplier to the State Treasury, with a value not less than the advance amount.

5.2. The value of the advance guarantee will be reduced in proportion to the amount of the advance recovered through each payment between the budget spending unit and the contractor or supplier.  The budget spending unit is responsible for ensuring that the value of the contractor or supplier's advance guarantee is not less than the remaining advance balance.

5.3. The validity of the advance guarantee must be extended until the budget spending unit has fully settled the advance and must be specifically stipulated in both the contract and the advance guarantee document. If the advance guarantee expires before the full settlement of the advance, the budget spending unit is responsible for extending the guarantee and submitting the extension to the State Treasury as a basis for expenditure control in accordance with regulations.  The budget spending unit is responsible for monitoring the validity period of the advance guarantee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



RESPONSIBILITIES AND AUTHORITIES OF THE FINANCIAL AGENCIES, THE STATE TREASURY, AND BUDGET SPENDING UNITS

Article 7. Responsibilities and authorities of the Ministry of Finance, Province-level Departments of Finance, and District-level Divisions of Finance and Planning (hereinafter referred to as financial agencies)

1. Ensure the balance of State Budget funds at all levels to meet the expenditure needs of the State Budget in accordance with the Law on State Budget, Decree No. 163/2016/ND-CP, and related guiding documents. In cases where the balance of budget funds at any level is insufficient to meet expenditure needs, financial agencies are authorized to request (in writing) the State Treasury to temporarily suspend payments for certain procurement and repair expenditures according to specific tasks, in order to ensure the balance of State Budget funds, without affecting the execution of key tasks assigned to the units.

2. Inspect and supervise the spending and use of the budget by budget spending units. If any expenditures are found to exceed the allowed budget, are not in compliance with the applicable regulations, or if the unit fails to adhere to reporting requirements, the financial agencies have the authority to request the State Treasury to temporarily suspend payments.

3. Be responsible for inputting budget expenditure estimates into the Treasury and Budget Management Information System (hereinafter referred to as TABMIS) and approving TABMIS according to the guidelines for State Budget management under the TABMIS system.

4. For expenditures decided by the financial agencies in the form of a "payment order":  The financial agencies are responsible for conducting checks and controls in accordance with the provisions of Article 19 of Circular No. 342/2016/TT-BTC.

Article 8. Responsibilities and authorities of the State Treasury

1. Comply with the provisions of Clause 3, Article 15 of Decree No. 11/2020/ND-CP. In cases of force majeure due to information technology system failures or other objective causes, the time limit for administrative procedures may be extended, but the final time frame for resolving administrative procedures must be clearly communicated to the unit.

2. Coordinate with financial agencies and competent government authorities in inspecting the use of the budget; confirm the actual expenditures, advances, and remaining funds at the end of the fiscal year for budget spending units with accounts at the State Treasury.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The State Treasury is responsible for temporarily suspending payments upon the written request of the financial agency in the cases specified in Clause 2, Article 7 of this Circular.

5. Regularly remind budget spending units to comply with regulations on advances and the recovery of advances once overdue advances are identified, as stipulated in Article 6 of this Circular.

6. Organize the control and payment processes according to business procedures, ensuring timely, complete, and convenient payments for budget spending units, while simplifying administrative procedures and ensuring the strict management of State Budget funds.

Article 9. Responsibilities and authorities of budget spending units

1. Comply fully with the provisions of the Law on State Budget, the Law on Public Investment, the Law on Bidding, the Law on Construction, and other relevant legal regulations in the management and use of State Budget funds, as stipulated in Article 17 of Decree No. 11/2020/ND-CP.

2. The budget spending unit is responsible for the accuracy and legality, in accordance with legal regulations, of money transfer vouchers and the associated documents submitted to the State Treasury as part of administrative procedures under Government Decrees. Additionally, the unit is responsible for the acceptance of the purchased goods or services as per legal regulations.

3. For money transfer vouchers and forms issued as part of administrative procedures under Government Decrees, the budget spending unit is responsible for ensuring the details and totals match correctly. For expenditures listed in the Payment List for Beneficiaries, the unit is responsible for the accuracy of key information: beneficiary names, bank account details, and determining the net amount received by each beneficiary after deducting mandatory withholdings from salaries, ensuring the correct salaries, allowances, and deductions as per regulations.

4. Regarding procurement:

4.1. In cases where centralized procurement is not applied,  the budget spending unit is responsible for the quality, quantity, type, and unit price of the purchased goods, ensuring compliance with the standards and limits set out in legal documents, and regulations on the use of specialized machinery and equipment issued by competent authorities (for machinery, equipment, and specialized vehicles).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. For funds allocated through task assignment, order placement, or bidding to provide public products and services using the State Budget, the budget spending unit must comply with Decree No. 32/2019/ND-CP and other applicable legal regulations.

6. The budget spending unit is responsible for ensuring the legality, completeness, accuracy, and honesty of electronic documents, vouchers, and digital signatures in expenditure control records submitted to the State Treasury via the State Treasury’s online public service portal, in accordance with the Law on Electronic Transactions and other current legal regulations.

Chapter IV

IMPLEMENTATION

Article 10. Entry in force

1. This Circular comes into force as of May 1, 2024.

2. During implementation, if any legal documents referenced in this Circular are amended, supplemented, or replaced by new documents, the amendments, supplements, or replacements shall apply.

3. This Circular replaces Circular No. 62/2020/TT-BTC dated June 22, 2020, of the Ministry of Finance, which provided guidelines on controlling and processing recurring expenditures from the State Budget through the State Treasury.

Article 11. Implementation

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 



PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Bui Van Khang

 

Form No. 01

STATE TREASURY
STATE TREASURY OF …
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No.         /TB-KB…

[Location]……………, [date]………………..

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



NOTICE

Regarding the results of expenditure control following the “post-payment verification”

After conducting a verification, the State Treasury of ………… would like to inform the results of expenditure control as follows:

The State Treasury of ……….. has processed the payment of (amount in words) for the expenditure ………. on voucher number …….. dated …... month …... year ……. following the "post-payment verification" method.  After post-payment verification, the State Treasury of …………. discovered that the expenditure did not comply with the regulations. The State Treasury of … requests:

□ To deduct the payment amount in the next immediate payment, amount: ………. (amount in words …………..).

Reason: .........................................................................................................................

□ To recover and return the amount to the State Budget, amount:  ……. (amount in words …………..).

Reason: .........................................................................................................................

The State Treasury of ………………… hereby informs the unit for appropriate handling./.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.





DIRECTOR
(Signature, full name and seal)

 

Form No. 02

STATE TREASURY
STATE TREASURY OF
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No.         /TB-KB…

[Location]……………, [date]………………..

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Regarding the refusal of payment

After conducting expenditure control, the State Treasury would like to inform the results as follows:

The State Treasury refuses to process the expenditure ………………. on voucher number ……. dated …... month …... year …...

Amount: .......................................................................................................................

Amount in words: .......................................................................................................

Reason:

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

The State Treasury of …………… hereby informs the unit for appropriate handling./.

 



DIRECTOR
(Signature, full name and seal)

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 17/2024/TT-BTC ngày 14/03/2024 hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên qua Kho bạc Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


59.739

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.6.223
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!