BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
139/2017/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 12 năm 2017
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ SỰ NGHIỆP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT
TRIỂN VĂN HÓA GIAI ĐOẠN 2016-2020.
Căn cứ Luật Ngân
sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP
ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn
2016-2020.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành
chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định
quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Phát triển
văn hóa giai đoạn 2016-2020.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Thông tư này quy định quản lý, sử dụng nguồn
kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu Phát
triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 (sau đây viết tắt là Chương trình).
b) Đối với các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc
các khoản hỗ trợ có mục đích, địa chỉ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài
nước cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa thì thực hiện
theo quy định của nhà tài trợ (nếu có) hoặc theo quy định của cơ quan chủ quản
sau khi có sự thỏa thuận của đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính (nếu có); trường
hợp nhà tài trợ hoặc đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài chính không có quy định
riêng thì áp dụng theo quy định tại Thông tư này.
2. Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ
chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ
ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình.
Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện Chương trình gồm ngân sách trung
ương, ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác.
1. Ngân sách trung ương
a) Bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng
năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung
ương (sau đây viết tắt là Bộ, cơ quan trung ương) để thực hiện nhiệm vụ được
giao của Chương trình;
b) Bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để triển
khai các Dự án của Chương trình, trong đó ưu tiên cho các dự án quan trọng, cho
các tỉnh khó khăn, không tự cân đối được ngân sách;
2. Ngân sách địa phương
a) Đảm bảo nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực
hiện Chương trình tại địa phương theo quy định tại Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng
Chính phủ.
b) Chủ động bố trí ngân sách địa phương để cùng với
ngân sách trung ương hỗ trợ triển khai có hiệu quả các Dự án và kinh phí thực
hiện các nhiệm vụ do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định tại Quyết định
số 936/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của
Thủ tướng Chính phủ.
3. Nguồn vốn huy động hợp pháp khác
Nguồn vốn huy động hợp pháp khác bao gồm: vốn ODA,
vốn tín dụng, vốn huy động hợp pháp khác; kết hợp với các nguồn hỗ trợ từ ngân
sách trung ương, nguồn cân đối ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của
Chương trình.
Điều 3. Nguyên tắc phân bổ kinh
phí sự nghiệp ngân sách trung ương
1. Tập trung phân bổ kinh phí cho các nhiệm vụ trọng
tâm của từng dự án; không phân bổ kinh phí phân tán, dàn trải.
2. Ưu tiên phân bổ cho các địa phương tập trung nhiều
di tích văn hóa, di sản văn hóa; có tiềm năng phát triển văn hóa cơ sở và các
loại hình nghệ thuật truyền thống; các địa bàn miền núi, biên giới, biển đảo;
các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông
Cửu Long.
Điều 4. Nội dung, tiêu chí, mức
phân bổ kinh phí từ ngân sách trung ương thực hiện Dự án Bảo tồn và phát huy
giá trị di sản văn hóa
1. Nội dung chi:
a) Chi tu bổ các di tích lịch sử tiêu biểu, khu căn
cứ cách mạng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế
quốc Mỹ.
b) Hỗ trợ chống xuống cấp tu bổ cấp thiết khoảng
400 di tích cấp quốc gia. Kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia chỉ mang
tính chất hỗ trợ, cùng với nguồn vốn của địa phương, xã hội hóa để tu bổ, bảo
quản và gia cố các hạng mục nhỏ của di tích bị xuống cấp nghiêm trọng.
c) Chi hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về các di sản
văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới,
di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
d) Chi hỗ trợ thực hiện 80 dự án sưu tầm, bảo tồn
phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
đ) Chi xây dựng danh mục kiểm kê quốc gia và thực
hiện tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể theo địa giới hành chính và theo tộc
người; xác định danh mục và tập trung nguồn lực sưu tầm lưu giữ và phát huy các
giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu quốc gia.
e) Chi bảo tồn và phát huy giá trị các làng, bản,
buôn truyền thống tiêu biểu, để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch; bảo tồn
và phát triển văn hóa truyền thống của 16 dân tộc thiểu số có số dân dưới
10.000 người.
g) Chi phục dựng, bảo tồn 20 lễ hội tiêu biểu của đồng
bào dân tộc thiểu số
h) Chi tổ chức các lớp tập huấn, tham quan, khảo
sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài nước về công tác bảo
tàng, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
2. Tiêu chí, mức phân bổ:
a) Việc phân bổ dự toán từ ngân sách trung ương căn
cứ trên các dự án chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt; ưu tiên cân đối vốn đối với những dự án dở dang, cấp thiết. Mức
hỗ trợ cụ thể từ ngân sách Trung ương của Chương trình mục tiêu phát triển văn
hóa do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét cân đối trên cơ sở kết
quả thẩm định nội dung và dự toán kinh phí của từng dự án.
b) Việc sưu tầm lưu giữ các di sản văn hóa phi vật
thể được ưu tiên bố trí kinh phí đối với các di sản văn hóa phi vật thể đã và sẽ
được UNESCO ghi danh trong giai đoạn 2016 - 2020 là kiệt tác truyền khẩu và di
sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
c) Đối với các nội dung công việc thuộc dự án sưu tầm,
bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc Việt Nam do
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện: Mức phân bổ được căn cứ vào tính chất
quy mô của dự án do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định.
d) Chi bảo tồn và phát huy giá trị các làng, bản,
buôn truyền thống tiêu biểu, để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch. Mức hỗ
trợ cụ thể từ ngân sách Trung ương của Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa
do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét cân đối trên cơ sở kết quả
thẩm định nội dung và dự toán kinh phí của từng dự án.
đ) Đối với các nội dung công việc do địa phương thực
hiện được sử dụng từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa, thông tin của địa
phương. Ngân sách trung ương thông qua chương trình mục tiêu văn hóa hỗ trợ mỗi
địa phương từ 500 triệu đồng đến 1.000 triệu đồng cho cả giai đoạn 2016 - 2020
tùy theo quy mô và nội dung của các công việc do địa phương triển khai thực hiện.
e) Đối với nội dung chi quy định tại Điểm a, Điểm b,
Điểm c, Điểm đ, Điểm g và Điểm h Khoản 1 Điều 4 Thông tư này: Hỗ trợ theo nội
dung công việc và khả năng cân đối ngân sách.
Điều 5. Nội dung, tiêu chí, mức
phân bổ kinh phí từ ngân sách trung ương thực hiện Dự án Tăng cường đầu tư xây
dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa
1. Nội dung chi:
a) Chi hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 15 trung
tâm văn hóa cấp tỉnh.
b) Chi hỗ trợ trang thiết bị cho 30 trung tâm văn
hóa cấp huyện.
c) Chi khôi phục, gìn giữ và phát huy nghề tranh khắc
gỗ, nghề sơn mài truyền thống chất liệu sơn ta.
d) Chi hỗ trợ kho sách luân chuyển của thư viện tỉnh.
đ) Chi hỗ trợ trang thiết bị, sản phẩm văn hóa
thông tin cho các đồn Biên phòng và các đội tuyên truyền văn hóa Bộ đội biên
phòng để xóa các điểm trắng văn hóa tại vùng biên giới, ven biển, hải đảo.
e) Chi hỗ trợ ấn phẩm cho các xã đặc biệt khó khăn,
xã biên giới, xã an toàn khu theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các đội
thông tin lưu động cấp huyện khó khăn, các trường phổ thông dân tộc nội trú.
g) Chi hỗ trợ trang thiết bị 20 điểm vui chơi giải
trí cho trẻ em.
h) Chi xây dựng và dàn dựng các chương trình hoạt động
văn hóa cho các đối tượng thiếu nhi. Lồng ghép các hoạt động vui chơi, giải
trí, sinh hoạt văn hóa cho thiếu nhi trong thiết chế văn hóa các cấp.
i) Chi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ
cho các cán bộ công tác tại trung tâm văn hóa các cấp.
2. Tiêu chí, mức phân bổ:
a) Đối với nội dung chi hỗ trợ trang thiết bị hoạt
động cho trung tâm văn hóa cấp tỉnh: Không quá 2.000 triệu đồng/01 trung tâm
văn hóa, thể thao cấp tỉnh cho cả giai đoạn 2016 - 2020 (từ nguồn vốn sự nghiệp).
b) Đối với nội dung chi hỗ trợ trang thiết bị hoạt
động cho trung tâm văn hóa cấp huyện: Không quá 500 triệu đồng/01 trung tâm văn
hóa, thể thao cấp huyện cho cả giai đoạn 2016 - 2020 (từ nguồn vốn sự nghiệp).
c) Đối với nội dung hỗ trợ kho sách luân chuyển của
thư viện tỉnh: Không quá 500 triệu đồng/01 thư viện cho cả giai đoạn 2016 -
2020 (từ nguồn vốn sự nghiệp).
d) Chi hỗ trợ ấn phẩm cho các xã đặc biệt khó khăn,
xã biên giới, xã an toàn khu theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các đội
thông tin lưu động cấp huyện khó khăn, các trường phổ thông dân tộc nội trú:
Không quá 50 triệu đồng/01 xã cho cả giai đoạn 2016 - 2020 (từ nguồn vốn sự
nghiệp).
đ) Đối với nội dung chi hỗ trợ trang thiết bị điểm vui
chơi giải trí cho trẻ em: Mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương không quá 500 triệu
đồng/01 cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em cho cả giai đoạn 2016 - 2020 (nguồn
vốn sự nghiệp).
e) Đối với nội dung chi quy định tại Điểm c, Điểm đ,
Điểm h, và Điểm i Khoản 1 Điều 5 Thông tư này: Hỗ trợ theo nội dung công việc
và khả năng cân đối ngân sách.
Điều 6. Nội dung, tiêu chí, mức
phân bổ kinh phí từ ngân sách trung ương thực hiện Dự án Phát triển các loại
hình nghệ thuật biểu diễn
1. Nội dung chi:
a) Chi hỗ trợ nâng cấp 20 rạp biểu diễn nghệ thuật
tại địa phương.
b) Chi hỗ trợ 60 lượt trang thiết bị hoạt động cho
đoàn nghệ thuật biểu diễn.
c) Hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại cán bộ, diễn viên
theo từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các nghệ nhân, diễn viên không hưởng
lương từ ngân sách nhà nước.
d) Đào tạo bồi dưỡng lại diễn viên chuyên ngành biểu
diễn nghệ thuật.
đ) Xây dựng các chương trình nghệ thuật có giá trị
theo từng loại hình để chuyển giao cho các đơn vị nghệ thuật tổ chức dàn dựng
biểu diễn phục vụ công chúng.
2. Tiêu chí, mức phân bổ:
a) Đối với nội dung chi nâng cấp rạp biểu diễn nghệ
thuật tại địa phương: Không quá 5.000 triệu đồng/01 rạp cho cả giai đoạn 2016
-2020 (từ nguồn vốn sự nghiệp)
b) Đối với nội dung chi hỗ trợ trang thiết bị hoạt
động cho đoàn nghệ thuật biểu diễn: Không quá 1.000 triệu đồng/01 lượt trang
thiết bị hoạt động cho đoàn nghệ thuật biểu diễn (từ nguồn vốn sự nghiệp).
c) Đối với nội dung chi quy định tại Điểm c, Điểm d
và Điểm đ Khoản 1 Điều 6 Thông tư này: Hỗ trợ theo nội dung công việc và khả
năng cân đối ngân sách.
Điều 7. Kinh phí từ ngân sách địa
phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác
1. Căn cứ mức phân bổ từ ngân sách trung ương, Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân
tỉnh quyết định dự toán chi Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa phù hợp với
các quy định hiện hành và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương,
căn cứ vào khả năng ngân sách địa phương, các địa phương cân đối từ ngân sách địa
phương và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để bổ sung cùng nguồn hỗ trợ của
ngân sách trung ương thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình mục
tiêu Phát triển văn hóa trên địa bàn, trong đó ưu tiên nguồn vốn ODA cho công
tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Điều 8. Một số mức chi
1. Chi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp
vụ: Theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC
ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và
sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán
bộ, công chức nhà nước.
2. Chi tham quan, khảo sát, tập huấn, học tập kinh
nghiệm ở nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định
trên cơ sở đề xuất của Chủ nhiệm Chương trình: Theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ
Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công
tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí.
3. Chi dịch thuật, phiên dịch (bao gồm cả tiếng dân
tộc): Áp dụng mức chi dịch theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Bộ
Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại
Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi
tiêu tiếp khách trong nước.
4. Chi mua sắm các trang thiết bị cung cấp cho các
đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu
Phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020: Áp dụng theo quy định tại Luật Đấu thầu năm 2013, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Thông tư số 58/2016/TT-BTC
ngày 29 tháng 03 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn
nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước,
đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp,
tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; và các văn bản khác có liên quan.
5. Chi điều tra thống kê theo các nội dung chuyên
môn của từng dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nội dung: Áp dụng theo
quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày
30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán
kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.
6. Chi xây dựng hệ thống văn bản pháp quy phục vụ
việc quản lý, điều hành Chương trình: Theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ
Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân
sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn
thiện hệ thống pháp luật.
7. Chi tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, khảo
sát; chi hội nghị giao ban, sơ kết, tổng kết thực hiện Cuộc vận động: Thực hiện
theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày
28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội
nghị.
8. Chi xây dựng phim, vở diễn và phát triển các
chương trình, xuất bản các sản phẩm truyền thông: Thực hiện theo quy định hiện
hành về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
9. Căn cứ mức chi quy định tại Thông tư này về khả
năng cân đối nguồn ngân sách của địa phương, nguồn huy động hợp pháp khác: Hội
đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định mức chi thực hiện
các dự án của Chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và đảm
bảo theo quy định hiện hành.
10. Trường hợp trong quá trình triển khai thực hiện
có phát sinh các khoản chi đặc thù chưa được quy định trong các văn bản của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Thông tư này; Hội đồng nhân dân
tỉnh xem xét, quyết định phù hợp với khả năng ngân sách của Chương trình theo
quy định tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP
ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy trình chi tiết thi hành một số điều
của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với các khoản
phát sinh đặc thù ở trung ương. Thủ trưởng cơ quan đơn vị được giao dự toán đề
xuất với Bộ, ngành lĩnh vực tổng hợp, có văn bản gửi Bộ Tài chính quyết định ban
hành theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số
163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một
số điều của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 9. Công tác lập, chấp hành
và quyết toán ngân sách nhà nước
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp
với các cơ quan có liên quan xây dựng dự toán ngân sách thực hiện Chương trình mục
tiêu phát triển văn hóa tại địa phương, chi tiết cho từng mục tiêu của dự án gửi
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xem xét, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh/thành
phố để gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với quy trình lập dự toán ngân
sách theo quy định.
Căn cứ vào tổng mức kinh phí của Chương trình mục
tiêu phát triển văn hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch xây dựng phương án phân bổ kinh phí của Chương trình cho từng mục
tiêu, dự án và chi tiết cho các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh/thành phố trực
thuộc Trung ương phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ được giao gửi Bộ Tài chính, Bộ
Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của các Bộ,
ngành, địa phương trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt.
2. Việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí sự nghiệp Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Nghị định số
163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên
quan.
Các đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách của Chương
trình mục tiêu Phát triển văn hóa có trách nhiệm hạch toán và quyết toán kinh
phí thực hiện các dự án theo Chương trình, Loại, Khoản tương ứng của Mục lục
ngân sách nhà nước; mã số của Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa và quy định
của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành
Luật hiện hành.
Đối với các hoạt động, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị được
giao dự toán ký hợp đồng đặt hàng các cơ quan, đơn vị khác thực hiện; chứng từ
làm căn cứ thanh quyết toán lưu tại cơ quan, đơn vị được giao dự toán gồm: Hợp
đồng đặt hàng đã ký (kèm theo dự toán chi tiết được cơ quan chủ trì phê duyệt),
biên bản nghiệm thu số lượng, khối lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ hoàn
thành, giá thanh toán theo hợp đồng đã ký kết giữa cơ quan đặt hàng với đơn vị
cung cấp; ủy nhiệm chi hoặc phiếu chi và các tài liệu có liên quan khác. Các
hóa đơn, chứng từ chi tiêu cụ thể do cơ quan trực tiếp thực hiện Hợp đồng lưu
giữ.
3. Việc quản lý, thanh toán kinh phí tu bổ, cải tạo,
phục hồi các công trình thực hiện theo quy định tại Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18 tháng 9 năm 2017 của Bộ
Tài chính quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện
sửa chữa, bảo trì, cải tạo, mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất.
4. Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có
trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện Chương trình hàng năm và gửi Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15
tháng 02 năm 2018. Thông tư liên tịch số 51/2013/TTLT-BTC-BVHTTDL
ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015 hết hiệu lực từ ngày Thông
tư này có hiệu lực thi hành.
2. Các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để
áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy
phạm pháp luật mới thì áp dụng theo các văn bản mới đó.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề
nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các tổ chức chính trị - xã hội;
- Sở Tài chính, Sở VHTTDL, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ HCSN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Xuân Hà
|