QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ QUỸ BẢO VỆ MÔI
TRƯỜNG TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1874/QĐ-UBND, ngày 08/5/2009 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
Chương I
ĐỊA VỊ PHÁP LÝ, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ QUỸ BẢO
VỆ MÔI TRƯỜNG
Điều 1. Địa vị pháp lý
Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương (sau
đây gọi tắt là Hội đồng) là cơ quan quản lý của Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bình
Dương (sau đây gọi tắt là Quỹ) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định
thành lập. Hội đồng chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quản
lý, điều hành hoạt động của Quỹ.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Hội đồng có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Hoạch định chiến lược phát triển của Quỹ, quyết định
phương hướng và kế hoạch hoạt động, kế hoạch huy động, phát triển vốn của Quỹ;
2. Ban hành quy chế tài trợ, cho vay vốn của Quỹ; quy chế tổ
chức và hoạt động của cơ quan điều hành nghiệp vụ Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, Hội đồng
tư vấn và các quy định cần thiết khác của Quỹ.
3. Ban hành Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn để hỗ trợ
Quỹ trong việc xét chọn, thẩm định tính khả thi và tài chính các dự án xin tài
trợ, vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay của Quỹ ;
4. Ban hành các Quy định thực hiện hợp đồng tài trợ, cho
vay;
5. Phê duyệt kế hoạch và báo cáo hoạt động của Ban Kiểm
soát Quỹ;
6. Phê duyệt Quy định chế độ sử dụng các Quỹ (Quỹ phát triển
sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập) và kế
hoạch sử dụng các Quỹ nói trên do Giám đốc Quỹ trình;
7. Giám sát, kiểm tra hoạt động của cơ quan điều hành nghiệp
vụ Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ trong việc thực hiện quy định của Nhà nước, Điều lệ tổ
chức và hoạt động của Quỹ và các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;
8. Quy định cụ thể về tiêu chí xét chọn, đánh giá dự án xin
tài trợ, vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay từ nguồn vốn của Quỹ;
9. Thực hiện các báo cáo định kỳ, đột xuất với Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính và kết quả hoạt động
của Quỹ;
10. Xem xét, giải quyết các khiếu nại có liên quan đến hoạt
động của Quỹ.
11. Hội đồng quản lý Quỹ được sử dụng con dấu của Quỹ trong
việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Điều lệ.
Chương II
TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 3. Thành phần của Hội đồng Quản lý Quỹ
Hội đồng Quản lý Quỹ gồm:
- Chủ tịch;
- Phó Chủ tịch;
- Các Ủy viên;
Điều 4. Chủ tịch Hội đồng
Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Lãnh đạo Hội đồng hoạt động theo Điều lệ tổ chức và họat
động của Quỹ và các quy định của Quy chế này;
2. Chỉ đạo định hướng chiến lược phát triển Quỹ;
3. Chỉ đạo thực hiện các chế độ quy định để đảm bảo các điều
kiện cho mọi hoạt động của Hội đồng;
4. Chủ trì các phiên họp của Hội đồng;
5. Ban hành các văn bản có liên quan đến hoạt động của Quỹ;
6. Ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng thực hiện một số nhiệm
vụ và quyền hạn thuộc thẩm quyền. Người được ủy quyền chịu trách nhiệm trước Chủ
tịch Hội đồng về các công việc được uỷ quyền.
Điều 5. Phó Chủ tịch Hội đồng
Phó Chủ tịch Hội đồng làm nhiệm vụ thường trực Hội đồng, có
nhiệm vụ và quyền hạn:
- Thừa ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo và theo dõi mọi
hoạt động của Quỹ, cơ quan điều hành Quỹ;
- Chủ trì các phiên họp Hội đồng khi Chủ tịch Hội đồng đi vắng;
- Chỉ đạo nội dung, duyệt chương trình làm việc, các báo
cáo và các vấn đề được đưa ra thảo luận, quyết định ở các phiên họp Hội đồng;
- Xem xét, tham mưu Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ ban hành
các Quyết định tài trợ, cho vay, hỗ trợ lãi suất vay do cơ quan điều hành nghiệp
vụ trình.
Điều 6. Ủy viên Hội đồng
1. Nhiệm vụ của Ủy viên Hội đồng:
a) Tham gia đầy đủ các phiên họp và các hoạt động của Hội đồng;
b) Nghiên cứu trước tài liệu để đóng góp ý kiến về những vấn
đề sẽ đưa ra thảo luận, quyết định ở Hội đồng;
c) Giữ gìn tài liệu và số liệu theo quy định về bảo mật của
nhà nước.
2. Ủy viên Hội đồng có quyền hạn:
a) Được cung cấp những thông tin cần thiết về các vấn đề có
liên quan tới các phiên họp và các hoạt động của Hội đồng;
b) Được quyền tham gia thảo luận, kiến nghị và biểu quyết
những vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của Hội đồng;
Điều 7. Thư ký
Phó Giám đốc Quỹ làm thư ký của Hội đồng, có trách nhiệm
chuẩn bị nội dung, tài liệu, tổ chức các hội nghị của Hội đồng và ghi biên bản
các phiên họp Hội đồng.
Điều 8. Nhiệm kỳ công tác của Hội đồng
Nhiệm kỳ công tác của Hội đồng là 5 năm. Việc bổ nhiệm,
thay đổi thành viên Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trên
cơ sở đề xuất của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ.
Chương III
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 9. Hoạt động của Hội đồng
1. Hội đồng quản lý Quỹ làm việc theo chế độ tập thể, quyết
định theo đa số trên tổng số thành viên của Hội đồng.
2. Các thành viên của Hội đồng hoạt động theo chế độ kiêm
nhiệm, có nhiệm vụ tham gia đầy đủ các hoạt động theo quy chế của Hội đồng, được
hưởng thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của Nhà nước.
Điều 10. Các phiên họp của Hội đồng
1. Hội đồng họp thường kỳ 3 tháng/lần để xem xét và quyết định
những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.
2. Khi cần thiết, Hội đồng có thể họp bất thường để giải
quyết các vấn đề cấp bách do Chủ tịch Hội đồng, hoặc Giám đốc Quỹ hoặc Trưởng
Ban Kiểm soát Quỹ, hoặc ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng đề nghị.
Điều 11. Chuẩn bị tài liệu cho các phiên họp Hội đồng
1. Thư ký Hội đồng có nhiệm vụ chuẩn bị các tài liệu và
thông qua Phó Chủ tịch Hội đồng những nội dung sẽ đưa ra thảo luận và quyết định
ở Hội đồng;
2. Các tài liệu được chuyển đến các thành viên Hội đồng trước
khi họp 3 ngày. Tài liệu của các phiên họp bất thường phải chuyển đến các thành
viên Hội đồng chậm nhất là 1 ngày trước phiên họp.
Điều 12. Tổ chức họp Hội đồng
1. Các phiên họp thường kỳ của Hội đồng phải có ít nhất 2/3
tổng số thành viên chính thức của Hội đồng tham dự và phải do Chủ tịch Hội đồng
hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền chủ trì. Các phiên họp bất thường phải
có ít nhất 1/2 tổng số thành viên của Hội đồng tham dự;
2. Nội dung và các quyết định của cuộc họp Hội đồng phải được
ghi thành biên bản và gửi đến các thành viên của Hội đồng;
3. Khi cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể tổ chức họp mở rộng
với sự tham gia của đại biểu một số ngành, cơ quan, đơn vị và một số chuyên gia
có uy tín. Các đại biểu này không tham gia biểu quyết về những vấn đề của Hội đồng.
Điều 13. Phương thức làm việc của Hội đồng
Phương thức làm việc của Hội đồng là nêu vấn đề thảo luận,
góp ý kiến và biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín để lấy ý kiến đa số. Việc
biểu quyết công khai hay bỏ phiếu kín sẽ do toàn thể Hội đồng quyết định.
Các phiên họp phải do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch hội đồng
được ủy quyền chủ trì. Hội đồng quyết định các vấn đề theo đa số, trong trường
hợp biểu quyết có số phiếu bằng nhau thì bên có phiếu của người chủ tọa cuộc họp
là quyết định. Nội dung, mọi ý kiến phát biểu, kiến nghị của từng thành viên Hội
đồng và kết luận của cuộc họp phải được ghi chép đầy đủ trong biên bản phiên họp
và gửi đến các thành viên của Hội đồng.
Điều 14. Kinh phí hoạt động của Hội đồng
1. Kinh phí cho hoạt động của Hội đồng được tính vào chi
phí hoạt động của Quỹ.
2. Nội dung chi cho hoạt động của Hội đồng gồm: chi thù lao
cho các buổi họp của Hội đồng, văn phòng phẩm, công tác phí cho các thành viên
Hội đồng khi được mời tham dự các phiên họp Hội đồng, đi công tác hoặc đi khảo
sát thực tế và các khoản chi khác được thực hiện theo quy định hiện hành của
Nhà nước.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Các thành viên
Hội đồng Quản lý Quỹ và các bộ phận có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy
chế này.
Trong quá
trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc, xét thấy cần thiết phải bổ sung, sửa
đổi nội dung Quy chế cho phù hợp với tình hình hoạt động của Quỹ, Hội đồng quản
lý Quỹ xem xét và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định./.