ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
14/2020/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày
01 tháng 4 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ TRUNG ƯƠNG THỰC
HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ NGƯỜI TRỰC TIẾP THAM GIA
KHÁNG CHIẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng
6 năm 2015;
Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công với
cách mạng ngày 29 tháng 6 năm 2005 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ngày 16 tháng 7 năm 2012;
Căn cứ Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng
4 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của
Pháp lệnh Uu đãi người có công với cách mạng;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21
tháng 12 năm 2016 của chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 101/2018/TT-BTC ngày
14/11/2018 của Bộ Tài chính Quy định Quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện
chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng
chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động –
Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 648/TTr-SLĐTBXH ngày 26 tháng 3 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng
kinh phí Trung ương thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và
người trực tiếp tham gia kháng chiến trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17
tháng 4 năm 2020. Bãi bỏ Quyết định số 1664/QĐ-UBND ngày 03 tháng 8 năm 2009 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các quy định trước đây trái với Quyết định
này.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao
động – Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Giám
đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Giám đốc Bưu điện tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Phước
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ TRUNG ƯƠNG THỰC HIỆN
CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ NGƯỜI TRỰC TIẾP THAM GIA KHÁNG
CHIẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2020 của
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
Chương
I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc quản
lý, sử dụng và quyết toán kinh phí Trung ương thực hiện chính sách ưu đãi người
có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến trên địa bàn tỉnh
An Giang.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Kho bạc Nhà nước, UBND các huyện, thị xã,
thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện), Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội),
UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã), các cơ quan, tổ chức,
cá nhân khác có liên quan trong việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
Trung ương thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực
tiếp tham gia kháng chiến trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều
2. Nội dung, mức chi và nguồn kinh phí
1. Nội dung và mức chi thực
hiện theo quy định tại Thông tư số 101/2018/TT- BTC ngày 14 tháng 11 năm 2018 của
Bộ Tài chính và các quy định hiện hành có liên quan.
2. Ngân sách Trung ương đảm
bảo nguồn kinh phí để thực hiện.
Điều
3. Nguyên tắc cấp phát, quản lý kinh phí
Việc cấp phát, sử dụng, quyết
toán và phân cấp quản lý kinh phí chi trả tiền trợ cấp ưu đãi cho người có công
với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến thuộc ngân sách Trung
ương phải tuân thủ theo các quy định của Pháp luật hiện hành và các nội dung tại
Quy chế này; đảm bảo nguyên tắc chi trả kịp thời, đúng chế độ, đúng nội dung,
đúng đối tượng nhằm thực hiện tốt các chế độ cho người có công với cách mạng và
người trực tiếp tham gia kháng chiến trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 4.
Quy định sử dụng kinh phí
1. Nghiêm cấm các tổ chức,
cá nhân được giao nhiệm vụ sử dụng kinh phí chi thực hiện các chế độ đối với
người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến để gửi tiết
kiệm, cho vay, mượn và vào các mục đích khác. Không được thu bất cứ một khoản lệ
phí nào của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến
trong việc cấp, phát, chi trả chế độ ưu đãi.
2. Về xử lý kinh phí cuối
năm thực hiện theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 101/2018/TT-BTC ngày 14
tháng 11 năm 2018 của Bộ Tài chính.
3. Đối với các khoản lĩnh
trùng, cấp trùng (trùng lĩnh, trùng chi), chi sai chế độ: ngành Lao động -
Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị giao dịch
thực hiện thu hồi, nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Chương
II
QUYỀN HẠN,
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH VÀ CÁC CẤP NGÂN SÁCH
Điều 5.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
1. Hướng dẫn Phòng Lao động
– Thương binh và Xã hội xây dựng dự toán, điều chỉnh dự toán kinh phí thực hiện
chính sách ưu đãi người có công với cách mạng hàng năm; thẩm tra tổng hợp dự
toán, điều chỉnh dự toán kinh phí thực hiện chính sách chi ưu đãi người có công
với cách mạng của toàn tỉnh gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày
05 tháng 7 hàng năm.
2. Căn cứ Quyết định giao dự
toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám
đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phân bổ và ban hành Quyết định giao dự
toán trước ngày 31/12 năm trước cho các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
và Văn phòng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước
để làm căn cứ kiểm soát chi theo quy định của pháp luật và gởi báo cáo Bộ Lao động
– Thương binh và Xã hội theo quy định. Trên cơ sở đề nghị của đơn vị, xác nhận
của Kho bạc Nhà nước về số dư dự toán được giao và khả năng sử dụng kinh phí của
các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, nội dung chi tại Sở Lao động –
Thương binh và Xã hội; Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành
Quyết định điều chỉnh dự toán giữa các đơn vị sử dụng ngân sách đồng thời gửi
Kho bạc Nhà nước điều chỉnh dự toán trước ngày 15/11 năm hiện hành để phối hợp
thực hiện.
3. Hàng tháng rà soát số lượng
hồ sơ tăng mới, hồ sơ giảm và các khoản chi ưu đãi khác cho người có công với
cách mạng.
4. Thẩm định, xét duyệt quyết
toán cho các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và tổng hợp báo cáo quyết
toán kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng của tỉnh
gởi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 05 tháng 7 hàng năm.
5. Định kỳ có kế hoạch kiểm
tra các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (kiểm tra mỗi huyện ít nhất 1 lần/năm)
trong công tác tài chính – kế toán, quản lý kinh phí, quản lý đối tượng người
có công, đảm bảo thực hiện chi trả kịp thời, đúng chế độ, đúng đối tượng và
đúng nội dung.
6. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn
nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động liên quan đến
giải quyết chế độ chính sách, quản lý đối tượng, quản lý và sử dụng kinh phí thực
hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
7. Chủ trì xây dựng và điều
chỉnh phương án tổ chức chi trả qua hệ thống Bưu điện phù hợp với tình hình thực
tế trên địa bàn tỉnh.
8. Căn cứ Quyết định của Bộ
trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về mức chi quản lý, Giám đốc Sở Lao
động – Thương binh và Xã hội quyết định mức chi trả thù lao (hoặc giao dự toán
chi quản lý) cho các đơn vị và cá nhân được thụ hưởng phù hợp với điều kiện cụ
thể của từng địa phương, đồng thời hướng dẫn Phòng Lao động – Thương binh và Xã
hội thực hiện quyết toán theo đúng các nội dung quy định.
9. Chủ trì, phối hợp với Kho
bạc Nhà nước tỉnh trong việc phân bổ, giao dự toán, điều chỉnh, hạch toán, quyết
toán kinh phí, truy thu, truy lĩnh và xử lý kinh phí cuối năm theo quy định tại
Thông tư số 101/2018/TT-BTC và thực hiện công khai dự toán, quyết toán theo quy
định.
Điều 6.
Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện, thị xã, thành phố
1. Hướng dẫn các đơn vị mở
tài khoản tại Kho bạc nhà nước để tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí thực
hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định hiện hành.
2. Đảm bảo đầy đủ, kịp thời
kinh phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách, rút dự toán chi thực hiện chính sách
ưu đãi người có công với cách mạng, đặc biệt là kinh phí để chi trả các chế độ
trợ cấp, phụ cấp hàng tháng cho đối tượng trước ngày 05 hàng tháng.
3. Thực hiện điều chỉnh dự
toán theo Điều 18 Thông tư số 101/2018/TT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2018 của Bộ
Tài chính.
4. Phối hợp với Sở Lao động
– Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đối chiếu dự
toán và xử lý kinh phí cuối năm, hướng dẫn thu hồi, nộp ngân sách nhà nước các
khoản lĩnh trùng, cấp trùng, chi sai chế độ.
Điều 7.
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
1. Phân công nhiệm vụ cho
cán bộ, công chức của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện công tác
theo dõi, chi trả trợ cấp đảm bảo đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
2. Quản lý đối tượng, quản
lý kinh phí thực hiện chính sách người có công với cách mạng và người trực tiếp
tham gia kháng chiến trên địa bàn; Mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp để
theo dõi nguồn kinh phí được giao. Mở sổ sách theo dõi đối tượng, kinh phí chi
trả, quản lý, lưu trữ chứng từ, hồ sơ sổ sách, thanh quyết toán theo quy định
hiện hành của Nhà nước.
3. Lập dự toán kinh phí chi
trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia
kháng chiến của năm kế hoạch báo cáo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước
ngày 20 tháng 6 hàng năm.
4. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội
cùng cấp để mua, cấp và báo giảm thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng kịp thời.
Đối với các đối tượng di chuyển đi tỉnh, thành phố khác hoặc đối tượng chết phải
lập danh sách báo giảm hàng tháng để có căn cứ thanh toán.
5. Trưởng Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội ký hợp đồng trách nhiệm với Chủ tịch UBND cấp xã về việc
quản lý đối tượng người có công và thanh quyết toán theo hướng dẫn của Sở.
6. Căn cứ vào số lượng người
có công hiện đang hưởng chế độ trợ cấp tại địa phương, Phòng Lao động – Thương binh
và Xã hội ký hợp đồng chi trả với Bưu điện để thực hiện công tác chi trả kịp thời
cho người có công, nội dung chi trả trong hợp đồng với Bưu điện gồm: trợ cấp
hàng tháng và các trợ cấp khác (trừ trường hợp cấp bách phải chi tại Phòng Lao
động – Thương binh và Xã hội như: hỗ trợ thân nhân thăm viếng mộ liệt sĩ, di dời
hài cốt liệt sĩ, tàu xe đi làm dụng cụ chỉnh hình, …)
7. Hàng tháng rà soát, kiểm
tra chi tiết, đối chiếu và in danh sách chi trả trợ cấp trước khi làm các thủ tục
chi tạm ứng kinh phí cho Bưu điện. Hàng tháng thanh toán tạm ứng với Bưu điện,
Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội lưu giữ tất cả chứng từ chi liên quan đến
trợ cấp (bao gồm giấy ủy quyền) và UBND cấp xã (nếu có) số tiền đã trả cho người
có công, đồng thời thanh toán với Kho bạc Nhà nước cấp huyện theo quy định.
8. Đối với những trường hợp
người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng nếu trong 03 (ba) tháng liên
tiếp không đến nhận trợ cấp, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có công văn
kèm theo danh sách trích ngang đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra
quyết định tạm dừng chi trả trợ cấp.
9. Lập báo cáo quý và báo
cáo quyết toán năm về kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với
cách mạng. Báo cáo phải thể hiện đầy đủ các khoản chi theo quy định có trong dự
toán được giao và theo đúng Mục lục ngân sách, có đủ biểu mẫu thuyết minh, xác
nhận số dư của Kho bạc Nhà nước và danh sách đã chi trả tiền trợ cấp, chữ ký của
người có công do Bưu điện tổng hợp; Báo cáo kinh phí chi tại Phòng Lao động –
Thương binh và Xã hội và các chứng từ gởi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
sau khi kết thúc quý 15 ngày (đối với báo cáo quý) và trước ngày 30 tháng 4
hàng năm (đối với báo cáo năm).
10. Thường xuyên kiểm tra,
hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong công tác
quản lý đối tượng người có công, đồng thời kiểm tra việc chi trả trợ cấp của cơ
quan Bưu điện. Trường hợp nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo UBND cấp huyện
và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét, xử lý.
Điều 8. Ủy
ban nhân dân cấp huyện
1. Chỉ đạo Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội, UBND cấp xã thực hiện công tác quản lý đối tượng, xây dựng
dự toán hàng năm, chấp hành dự toán được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
giao, báo cáo quyết toán đúng thời gian quy định; xử lý các trường hợp sai phạm
theo quy định của Nhà nước.
2. Định kỳ chỉ đạo thanh
tra, kiểm tra công tác quản lý đối tượng, chi trả trợ cấp ưu đãi người có công
với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến và các nguồn kinh phí
khác thuộc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, sử dụng.
Điều 9. Ủy
ban nhân dân cấp xã
1. Căn cứ vào hợp đồng trách
nhiệm được ký kết với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND cấp xã chọn
cán bộ và ra quyết định phân công cán bộ phụ trách quản lý đối tượng người có
công trên địa bàn mình quản lý.
2. Cán bộ xã, phường, thị trấn
(gọi tắt là cán bộ xã) có trách nhiệm mở sổ theo dõi, quản lý đối tượng người
có công với cách mạng trên địa bàn xã, phường, thị trấn được phân công quản lý;
cán bộ xã được hưởng tiền chi trả theo hợp đồng trách nhiệm.
3. Cán bộ xã có trách nhiệm
hàng tháng lập danh sách đối tượng hết tuổi hưởng trợ cấp, chuyển đi địa phương
khác và hồ sơ đối tượng từ trần (nếu có) gởi về Phòng Lao động – Thương binh và
Xã hội làm cơ sở cắt giảm, giải quyết chế độ mai táng phí kịp thời cho người có
công theo đúng quy định.
4. Tất cả các đối tượng được
hưởng trợ cấp ưu đãi người có công nếu không trực tiếp đến nhận tiền thì phải
có giấy ủy quyền cho thân nhân. Giấy ủy quyền cần có xác nhận của UBND cấp xã
và thời hạn ủy quyền 3 tháng đối với người có công và thân nhân hiện đang cư
trú trong nước và thời hạn 6 tháng đối với trường hợp đang cư trú ở nước ngoài
được quy định tại Điều 42 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 5 năm 2013
của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý
hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều
10. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Lao động –
Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có
liên quan triển khai và kiểm tra thực hiện Quy chế này.
2. Chủ tịch UBND cấp huyện
có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và Chủ
tịch UBND cấp xã thực hiện.
Điều
11. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng
mắc, các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp phản ánh kịp thời về Sở Lao động –
Thương binh và Xã hội tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, sửa đổi
cho phù hợp./.