ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2017/QĐ-UBND
|
Bình Định,
ngày 14 tháng 02 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC TRỢ GIÚP CÁC ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày
21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng
bảo trợ xã hội;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số
136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội
đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
06/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 12/5/2016 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội - Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và Khoản 4, Điều 11 Thông tư
liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 của Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số
136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội
đối với đối tượng bảo trợ xã hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Lao động - Thương
binh và Xã hội tại Tờ trình số 20/TTr-SLĐTBXH ngày 07/02/2017 và của Sở Tư pháp
tại Báo cáo thẩm định số 06/BC-STP ngày 13/01/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mức trợ
giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định tại
Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách
trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Điều 2.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối
hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển
khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đã nêu trong Quy định kèm theo Quyết định
này.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 24/02/2017 và
thay thế Quyết định số 2429/QĐ-UBND ngày 11/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Các đối tượng chưa được truy
lĩnh theo Quyết định số 2429/QĐ-UBND ngày 11/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn
được tiếp tục thực hiện.
Điều 4.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở:
Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Tư pháp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tuấn Thanh
|
QUY ĐỊNH
MỨC TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2017/QĐ-UBND ngày 14/02/2017 của Ủy ban
nhân dân tỉnh)
Chương
I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về
chính sách, mức trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng; trợ giúp xã hội đột
xuất; chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ
xã hội, nhà xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Các quy định khác không quy
định trong Quy định này được thực hiện theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày
21/10/2013 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày
24/10/2014 và Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 12/5/2016 của
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.
Điều
2. Đối tượng áp dụng
Quy định các mức trợ cấp, trợ
giúp và hệ số trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa
bàn tỉnh theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch số
29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP
ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối
tượng bảo trợ xã hội và Điều 1 Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT- BLĐTBXH-BTC
ngày 12/5/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính sửa đổi,
bổ sung Khoản 2 và Khoản 4, Điều 11 Thông tư liên tịch số
29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
và Bộ Tài chính và các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính; Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn;
các cơ sở Bảo trợ xã hội; các cơ quan đơn vị có liên quan trong việc thực hiện
chính sách.
Điều
3. Mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội
Mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp
xã hội (sau đây gọi chung là mức chuẩn trợ giúp xã hội) hàng tháng là 270.000 đồng
(hệ số 1,0); khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn để xác định mức trợ giúp xã hội
hàng tháng thì mức chuẩn tại Quy định này được điều chỉnh theo quy định của
Chính phủ.
Chương
II
TRỢ GIÚP XÃ HỘI
THƯỜNG XUYÊN TẠI CỘNG ĐỒNG
Điều
4. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
1. Trẻ em dưới 16 tuổi
không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1,
Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.
2. Người từ 16 tuổi đến
22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định số
136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ mà đang học phổ thông, học nghề,
trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.
3. Trẻ em bị nhiễm
HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động
mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người
có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác.
4. Người thuộc hộ
nghèo không có chồng hoặc không có vợ; có chồng hoặc vợ đã chết; có chồng hoặc
vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang
nuôi con từ 16 tuổi đến 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề,
trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (sau đây gọi chung
là người đơn thân nghèo đang nuôi con).
5. Người cao tuổi thuộc
hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa
vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng
tháng; người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng
dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo
trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng; người từ đủ
80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 5 Nghị định
số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ mà không có lương hưu, trợ cấp
bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.
6. Trẻ em khuyết tật,
người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về
người khuyết tật.
Điều 5.
Mức trợ cấp xã hội hàng tháng
1. Đối tượng quy định
tại Điều 4 Quy định này được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức thấp nhất bằng mức
chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 2 Quy định này nhân với hệ số tương ứng
theo quy định như sau:
a. Hệ số 1,0 (270.000
đồng) đối với người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ; có chồng hoặc
vợ đã chết; có chồng hoặc vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi
01 con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi 01 con từ 16 tuổi đến 22 tuổi nhưng người
con đó đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học
văn bằng thứ nhất (sau đây gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con);
người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều
5, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ mà không có lương
hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.
b. Hệ số 1,5 (405.000
đồng) đối với trẻ em từ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; người
từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều
5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ mà đang học phổ
thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất;
người bị nhiễm HIV từ 16 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động
mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người
có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác; người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến
80 tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có
người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp
xã hội hàng tháng; người từ 16 tuổi trở lên đến dưới 60 tuổi khuyết tật nặng.
c. Hệ số 2,0 (540.000
đồng) đối với trẻ em từ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo;
người đơn thân nghèo đang nuôi từ 02 con trở lên; người cao tuổi từ đủ 80 tuổi
trở lên thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có
người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp
xã hội hàng tháng; người từ 16 tuổi trở lên đến dưới 60 tuổi khuyết tật đặc biệt
nặng; người khuyết tật nặng là người cao tuổi, người khuyết tật nặng là trẻ em.
d. Hệ số 2,5 (675.000
đồng) đối với trẻ em dưới 04 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em dưới 04 tuổi
bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi,
người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em.
đ. Hệ số 3,0 (810.000
đồng) đối với người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền
phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ
sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.
2. Trường hợp đối tượng
thuộc diện hưởng các mức theo hệ số khác nhau quy định tại Khoản 1, Điều này
thì chỉ được hưởng một mức cao nhất. Riêng người đơn thân nghèo đang nuôi con đồng
thời là đối tượng quy định tại các Khoản 3, 5 và 6, Điều 4 Quy định này thì
ngoài chế độ đối với người đơn thân nghèo đang nuôi con còn được hưởng chế độ đối
với đối tượng quy định tại Khoản 3 hoặc Khoản 5 hoặc Khoản 6, Điều 4 Quy định
này.
Điều 6.
Cấp thẻ bảo hiểm y tế
1. Các đối tượng quy
định tại các Khoản 1, 2, 3, 5 và 6, Điều 4 Quy định này; con của người đơn thân
nghèo quy định tại Khoản 4, Điều 4 Quy định này; người từ đủ 80 tuổi trở lên
đang hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác mà
chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí thì được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế
theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Đối tượng quy định
tại Khoản 1 Điều này là đối tượng được cấp nhiều thẻ bảo hiểm y tế thì chỉ được
cấp 1 thẻ bảo hiểm y tế.
Điều 7.
Hỗ trợ chi phí mai táng
1. Các đối tượng quy
định tại các Khoản 1, 2, 3, 5 và 6, Điều 4 Quy định này; con của người đơn thân
nghèo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Quy định này; người từ đủ 80 tuổi trở lên
đang hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác khi
chết được hỗ trợ chi phí mai táng.
2. Mức hỗ trợ chi phí
mai táng đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này bằng 20 lần mức chuẩn
trợ giúp xã hội quy định tại Điều 2 Quy định này là 5.400.000 đồng/người. Trường
hợp đối tượng thuộc diện được hỗ trợ mai táng với các mức khác nhau thì chỉ được
hưởng một mức cao nhất.
Chương
III
TRỢ GIÚP XÃ HỘI
ĐỘT XUẤT
Điều 8.
Hỗ trợ lương thực
1. Hỗ trợ 15 kg gạo/người
đối với tất cả thành viên hộ gia đình thiếu đói trong dịp Tết Âm lịch.
2. Hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng
trong thời gian không quá 03 tháng cho mỗi đợt trợ giúp đối với tất cả thành
viên hộ gia đình thiếu đói trong và sau thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt
hoặc lý do bất khả kháng khác.
Điều 9.
Hỗ trợ người bị thương nặng
1. Người bị thương nặng
do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng
hoặc các lý do bất khả kháng khác tại nơi cư trú hoặc ngoài nơi cư trú được xem
xét hỗ trợ với mức bằng 10 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 2
Quy định này là 2.700.000 đồng/người.
2. Trường hợp người bị
thương nặng ngoài nơi cư trú quy định tại Khoản 1, Điều này mà không có người
thân thích chăm sóc thì cơ quan, tổ chức trực tiếp cấp cứu, chữa trị có văn bản
đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cấp cứu, chữa trị cho đối tượng
quyết định hỗ trợ theo mức quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều
10. Hỗ trợ chi phí mai táng
1. Hộ gia đình có người
chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc
biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí
mai táng với mức bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 2 Quy
định này là 5.400.000 đồng/người.
2. Cơ quan, tổ chức,
cá nhân tổ chức mai táng cho người chết trong trường hợp quy định tại Khoản 1
Điều này không phải tại địa bàn cấp xã nơi cư trú của người đó thì được hỗ trợ
chi phí mai táng theo chi phí thực tế, nhưng không quá 30 lần mức chuẩn trợ
giúp xã hội quy định tại Điều 2 Quy định này là 8.100.000 đồng/người.
Điều
11. Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở
1. Hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn
toàn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn nơi ở
thì được xem xét hỗ trợ chi phí làm nhà ở với mức tối đa không quá 20.000.000 đồng/hộ.
2. Hộ phải di dời nhà
ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở, lũ, lụt,
thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác được xem xét hỗ trợ chi phí
di dời nhà ở với mức tối đa không quá 20.000.000 đồng/hộ.
3. Hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng do thiên tai,
hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không ở được thì được xem xét hỗ trợ
chi phí sửa chữa nhà ở với mức tối đa không quá 15.000.000 đồng/hộ.
Điều
12. Hỗ trợ khẩn cấp trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn
hoặc lý do bất khả kháng khác
Trẻ em có cả cha và mẹ chết,
mất tích do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà không còn người
thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng được hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2, Điều 16
Quy định này.
Điều 13.
Hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất
Hộ gia đình bị mất phương tiện,
tư liệu sản xuất chính do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác, mất
việc làm được xem xét trợ giúp tạo việc làm, phát triển sản xuất theo quy định.
Điều 14.
Hỗ trợ các trường hợp đột xuất
1. Đối với những gia
đình thuộc diện hộ khó khăn, hộ nghèo bị bệnh nan y hoặc bị tai nạn, rủi ro
(trong vùng cư trú trên địa bàn tỉnh) phải điều trị dài ngày tại các bệnh viện,
chi phí tốn kém được xem xét quyết định trợ cấp đột xuất, cụ thể: Ủy ban nhân
dân tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết
định cứu trợ đột xuất cho các đối tượng này với mức từ 1.000.000 đồng/người trở
xuống; Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định trợ cấp đột xuất cho các đối tượng
này với mức từ trên 1.000.000 đồng/người.
2. Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã thành phố tự cân đối ngân sách địa phương theo quy định của
pháp luật về ngân sách nhà nước đối với kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp
đột xuất để xem xét, hỗ trợ.
Chương
IV
CHĂM SÓC, NUÔI
DƯỠNG TẠI CỘNG ĐỒNG
Điều
15. Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng
1. Đối tượng thuộc diện
được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại cộng đồng bao gồm:
a. Đối tượng trẻ em
theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Quy định này;
b. Đối tượng người
cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không
có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội,
nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng;
c. Trẻ em khuyết tật
đặc biệt nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định của pháp luật về
người khuyết tật.
2. Đối tượng cần bảo
vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng bao gồm:
a. Trẻ em có cả cha,
mẹ bị chết, mất tích theo quy định của pháp luật mà không có người thân thích
chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người thân thích không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng;
b. Nạn nhân của bạo lực
gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng
bức lao động cần được bảo vệ khẩn cấp trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc
đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
c. Trẻ em, người lang
thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở bảo trợ
xã hội, nhà xã hội.
3. Thời gian nhận chăm
sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng đối với đối tượng quy định tại Khoản 2
Điều này là không quá 03 tháng.
Điều
16. Chế độ đối với đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng
1. Đối tượng quy định
tại Khoản 1, Điều 15 Quy định này được hưởng các chế độ như sau:
a. Trợ cấp xã hội
hàng tháng theo quy định tại Điều 5 Quy định này;
b. Cấp thẻ bảo hiểm y
tế; hỗ trợ chi phí mai táng theo theo quy định tại Điều 6 Quy định này.
2. Đối tượng quy định
tại Khoản 2, Điều 15 Quy định này khi sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng được
hỗ trợ theo quy định như sau:
a. Tiền ăn: Mức
40.000 đồng/người/ngày.
b. Chi phí điều trị
trong trường hợp phải điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo
hiểm y tế thực hiện như sau: Trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc hộ nghèo, hộ cận
nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã
hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người hưởng chính sách theo quy định của pháp
luật về ưu đãi người có công với cách mạng được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa
bệnh bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng tương ứng; Đối với đối
tượng không thuộc diện quy định tại Điểm a Khoản này mà không còn thân nhân được
hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho đối
tượng thuộc hộ nghèo.
c. Chi phí đưa đối tượng
về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội: Mức chi theo giá
phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp sử dụng
phương tiện của cơ quan, đơn vị, chi phí tính theo số km và tiêu hao nhiên liệu
thực tế; trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng, chứng từ,
hóa đơn thực tế và phù hợp với giá trên địa bàn cùng thời điểm.
Điều
17. Chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng
Hộ gia đình, cá nhân nhận
chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng các chế
độ như sau:
1. Hỗ trợ kinh phí
chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng bằng mức chuẩn trợ
giúp xã hội quy định tại Điều 2 Quy định này nhân với hệ số tương ứng theo quy
định như sau:
a. Hệ số 1,0 (270.000
đồng) đối với hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật
đặc biệt nặng;
b. Hệ số 1,5 (405.000
đồng) đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ 04 tuổi đến dưới 16
tuổi là đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày
21/10/2013 của Chính phủ; đối tượng người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người
có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều
kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm
sóc tại cộng đồng; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang
mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi; cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm
sóc một người khuyết tật đặc biệt nặng;
c. Hệ số 2.0 (540.000
đồng) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang
thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết
tật nặng đang nuôi từ hai con trở lên dưới 36 tháng tuổi;
d. Trường hợp người
khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau quy định tại Điểm b và Điểm c,
Khoản 1 Điều này thì chỉ được hưởng một hệ số cao nhất; trường hợp cả vợ và chồng
là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng quy định
tại Khoản 1 Điều này thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc quy định
tại Điểm b và Điểm c, Khoản 1 Điều này;
đ. Trường hợp người
khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp xã hội quy định
tại Điều 5 Quy định này nhưng mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn
được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc quy định tại Khoản 1 Điều này;
e. Hệ số 2,5 (675.000
đồng) đối với trường hợp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 04 tuổi là đối
tượng quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013
của Chính phủ;
f. Hệ số 3,0 (810.000
đồng) đối với trường hợp cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm sóc từ hai người khuyết
tật đặc biệt nặng trở lên;
2. Hướng dẫn, đào tạo
nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng;
3. Ưu tiên vay vốn, dạy
nghề tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ và chế độ ưu đãi khác theo quy định của
pháp luật liên quan.
Chương
V
CHĂM SÓC, NUÔI
DƯỠNG TẠI CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI, NHÀ XÃ HỘI
Điều
18. Đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội
1. Đối tượng bảo trợ
xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bao gồm:
a. Đối tượng quy định
tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 4 Quy định này thuộc diện khó khăn không tự lo được
cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng;
b. Người cao tuổi thuộc
diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội theo quy định
của pháp luật về người cao tuổi;
c. Trẻ em khuyết tật,
người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội,
nhà xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
2. Đối tượng cần bảo
vệ khẩn cấp bao gồm:
a. Nạn nhân của bạo lực
gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng
bức lao động;
b. Trẻ em, người lang
thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú.
Điều
19. Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội
Đối tượng quy định tại Khoản
1 và Khoản 2, Điều 18 Quy định này khi sống tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội
được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định như sau:
1. Mức trợ cấp nuôi
dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy
định tại Điều 2 Quy định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:
a. Hệ số 3,0 (810.000
đồng) đối với người từ 16 tuổi đến đủ 60 tuổi; người khuyết tật đặc biệt nặng;
b. Hệ số 4,0
(1.080.000 đồng) đối với trẻ em từ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi; người từ đủ 60 tuổi
trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em; người khuyết tật đặc biệt nặng
là người cao tuổi;
c. Hệ số 5,0
(1.350.000 đồng) đối với trẻ em dưới 04 tuổi.
2. Cấp thẻ bảo hiểm y
tế miễn phí theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế.
3. Hỗ trợ chi phí mai
táng khi chết với mức bằng 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội là 5.400.000 đồng/người.
4. Cấp vật dụng phục vụ
cho sinh hoạt thường ngày: chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông,
quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường,
vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sách, vở,
đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định:
a. Trợ cấp vật dụng
phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày:
- Quần áo dài (pizama) :
1 bộ/năm.
- Quần áo ngắn : 2 bộ/năm.
- Áo lạnh : 1 chiếc/3 năm.
- Quần áo đồng phục đi học :
1 bộ/năm.
- Mũ len (hỗ trợ cho người
cao tuổi và trẻ em dưới 4 tuổi) : 1 cái/3 năm.
- Dép : 2 đôi/năm.
- Khăn mặt : 2 cái/năm.
- Chiếu : 1 chiếc/năm.
- Mùng : 1 cái/3 năm.
- Mền đơn : 1 cái/4 năm.
- Bàn chải : 3 cái/năm.
- Kem đánh răng (loại 200
gram/ống) : 2 ống/năm.
- Xà bông giặt : 1,5 kg/năm.
- Xà bông tắm : 4 bánh/năm.
- Dầu gội đầu (chai 500
ml) : 2 chai/năm.
- Muỗng nhựa ăn cơm : 02
cái/năm.
- Tô nhựa ăn sáng : 01
cái/năm.
- Khay nhựa ăn cơm : 01
cái/năm.
- Nước rửa chén :1,5
lít/năm.
- Chổi quét nhà : 0,2
cái/năm.
- Giấy vệ sinh : 12 cuộn/năm.
- Nước lau sàn nhà : 0,5
lít/năm.
- Nước sả quần áo : 0,5
lít/năm.
b. Trợ cấp để mua thuốc
chữa bệnh thông thường bằng 10% mức chuẩn trợ cấp xã hội; riêng người nhiễm
HIV/AIDS được hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội mức 300.000 đồng/người/năm và
thuốc chuyên khoa cho đối tượng tâm thần 800.000 đồng/người/năm ngoài thuốc của
Chương trình mục tiêu Quốc gia.
c. Trợ cấp vệ sinh cá
nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ bằng 15% mức chuẩn
trợ cấp xã hội.
5. Trường hợp đối tượng
thuộc diện hưởng các mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng khác nhau quy định tại
Khoản 1 Điều này thì chỉ được hưởng một mức cao nhất.
6. Trường hợp đối tượng
đã được hưởng chế độ trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng quy định tại Khoản 1 Điều
này thì không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng quy định tại Điều 6 Nghị định
số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.
7. Hỗ trợ tiền ăn
thêm 10 ngày lễ, tết trong năm (05 ngày Tết âm lịch, ngày 30/4, ngày 1/5, Quốc
khánh 2/9, giỗ Tổ Hùng Vương và Tết Dương lịch) cho các đối tượng được hưởng trợ
cấp thường xuyên có mặt thực tế tại các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội, với mức hỗ trợ bằng 25% mức chuẩn trợ cấp xã hội theo
quy định của Chính phủ.
Chương
VI
KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Điều
20. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện chế độ
chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên; kinh phí bảo đảm để chăm sóc, nuôi dưỡng
đối tượng; kinh phí chi hoạt động thường xuyên, đầu tư xây dựng cơ bản và các
chi phí khác của cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội... thực hiện theo quy định tại
Chương 7 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ và Điều 6
Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 của Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.
Chương
VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều
21. Trách nhiệm của các ngành, các cấp
1. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội:
a. Chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Quy định này;
b. Tuyên truyền, phổ
biến chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội;
c. Ứng dụng công nghệ
thông tin quản lý đối tượng;
d. Đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ thực hiện chính sách trợ giúp xã hội;
đ. Kiểm tra, thanh
tra việc thực hiện các quy định tại Quy định này.
2. Sở Tài chính: Có
trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí trợ giúp xã hội cho các sở, địa
phương và đơn vị theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
3. Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố:
a. Quản lý đối tượng
bảo trợ xã hội, tổ chức thực hiện chế độ trợ giúp xã hội cho các đối tượng quy
định tại Quy định này;
b. Chỉ đạo Phòng Lao
động - Thương binh và Xã hội và các phòng chức năng tại địa phương hướng dẫn
các tổ chức và cá nhân hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội;
c. Chỉ đạo, kiểm tra,
thanh tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội ở địa phương.
4. Ủy ban nhân dân
các xã, phường, thị trấn:
a. Bố trí kinh phí bảo
đảm xã hội theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành;
b. Thực hiện chi trả
trợ cấp xã hội hàng tháng kịp thời, đúng đối tượng và thanh quyết toán theo quy
định hiện hành.
5. Các cơ quan thông
tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình: Tổ chức thực hiện công tác thông tin,
tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo
trợ xã hội theo Quy định này.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các tổ chức hội, đoàn thể:
Tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, đoàn viên quyên góp giúp đỡ các đối
tượng bảo trợ xã hội; giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp đối tượng bảo
trợ xã hội ở địa phương.
Điều
22. Tổ chức thực hiện
Giao Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp các vấn đề
vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định này (nếu có), kịp
thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh để xem xét giải quyết theo quy định hiện hành của
Nhà nước./.