CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 71/NQ-CP
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 5 năm 2018
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO THIẾU HỤT ĐA CHIỀU
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội
về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 138/2012/NĐ-CP
ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội,
QUYẾT NGHỊ:
Để hộ nghèo thiếu hụt đa chiều tiếp cận được các dịch
vụ xã hội cơ bản bị thiếu hụt, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước,
Chính phủ quyết nghị một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều như
sau:
1. Chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y
tế
Thực hiện theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ
về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2017.
2. Chính sách hỗ trợ về giáo dục -
đào tạo
a) Đối với thành viên hộ nghèo đa chiều thiếu hụt
ít nhất 01 chỉ số về giáo dục (trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học
của trẻ em) được thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo như đối với
thành viên hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập.
b) Đối với thành viên hộ nghèo đa chiều thiếu hụt
các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản khác được thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo
dục, đào tạo như đối với thành viên hộ cận nghèo.
3. Chính sách hỗ trợ về nhà ở
Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ
tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo
giai đoạn 2016-2020 bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
4. Chính sách hỗ trợ về nước sinh
hoạt
Đối với hộ nghèo đa chiều thiếu hụt chỉ số về nguồn
nước sinh hoạt thì được hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt theo quy định tại
Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10
năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế
- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020.
5. Các chính sách hỗ trợ giảm
nghèo khác
a) Các chính sách hiện hành khác có quy định hỗ trợ
đối với hộ cận nghèo thì hộ nghèo thiếu hụt đa chiều được hưởng chính sách hỗ
trợ như đối với hộ cận nghèo.
b) Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về đất ở, đất
sản xuất, hỗ trợ pháp lý và các chính sách khác đối với hộ nghèo là dân tộc thiểu
số, vùng miền núi, huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
c) Đối với chính sách hỗ trợ về phát triển sản xuất,
đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo: thực hiện theo Quyết định
số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 09 năm 2016 của
Thủ tướng Chính phủ.
6. Thời gian thực hiện
a) Đối với chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế: thực
hiện theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10
tháng 5 năm 2017 của Chính phủ.
b) Đối với các chính sách tại điểm 2, 3, 4 và 5 nêu
trên:
- Thời điểm hưởng chính sách kể từ ngày Nghị quyết
ban hành.
- Đối với các hộ nghèo thiếu hụt đa chiều đã được
hưởng các chính sách như đối với hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập trước thời điểm
Nghị quyết này có hiệu lực thì không thực hiện thu hồi kinh phí đã bố trí để thực
hiện chính sách.
Trường hợp các địa phương đã thực hiện hỗ trợ hộ
nghèo thiếu hụt đa chiều như đối với hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập từ ngày 01
tháng 01 năm 2016 đến thời điểm Nghị quyết này ban hành: Kinh phí do ngân sách
địa phương đảm bảo. Ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa
phương theo nguyên tắc quy định tại Quyết định số 579/QĐ-TTg
ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục
tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách
an sinh xã hội giai đoạn 2017-2020.
7. Tổ chức thực hiện
a) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ
quan liên quan rà soát đối tượng, đề xuất kinh phí, phương thức hỗ trợ và hướng
dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế.
b) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát đối
tượng, đề xuất kinh phí, phương thức hỗ trợ và hướng dẫn triển khai thực hiện
chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo (trong đó có giáo dục nghề nghiệp).
c) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành,
cơ quan liên quan rà soát đối tượng, đề xuất kinh phí, phương thức hỗ trợ và hướng
dẫn triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở.
d) Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát đối
tượng, đề xuất kinh phí, phương thức hỗ trợ và hướng dẫn triển khai thực hiện
chính sách hỗ trợ về nước sinh hoạt.
đ) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ,
ngành, cơ quan liên quan cân đối ngân sách, dự kiến nhu cầu và bố trí kinh phí
sự nghiệp theo quy định của pháp luật để thực hiện chính sách.
e) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các
bộ, ngành, cơ quan liên quan cân đối, bố trí vốn đầu tư, vốn cấp bù chênh lệch
lãi suất theo quy định của pháp luật để thực hiện chính sách.
g) Các Bộ, ngành chủ trì quản lý chính sách, theo
chức năng, nhiệm vụ rà soát đối tượng, đề xuất kinh phí, phương thức hỗ trợ và
hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác, bảo đảm
người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản bị thiếu hụt và phù hợp với
khả năng của ngân sách nhà nước.
h) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chính sách, nghiên cứu, xây
dựng chính sách giảm nghèo tại địa phương; xây dựng giải pháp, mô hình phù hợp
với địa bàn; tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về giảm
nghèo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát huy dân chủ,
công khai, minh bạch; nâng cao năng lực của chính quyền cơ sở và cán bộ trực tiếp
làm công tác giảm nghèo./
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCK, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|