HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 03/2018/NQ-HĐND
|
Yên
Bái, ngày 10 tháng 4 năm 2018
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VÀ MỨC CHI HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC
TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN
BÁI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVIII - KỲ HỌP THỨ 9
(CHUYÊN ĐỀ)
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP
ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Thông tư số 15/2017/TT-BTC
ngày 15/02/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí
sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn
2016 - 2020;
Căn cứ Thông tư số
06/2017/TT-BTTTT ngày 02/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng
dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình
mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Thông tư số
18/2017/TT-BNNPTNT ngày 09/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất; đa dạng
hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc
gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Thực hiện Quyết định số
1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Xét Tờ trình số 24/TTr-UBND ngày 28
tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Nghị quyết của
Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi hỗ trợ một số nội dung thuộc Chương
trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn
tỉnh Yên Bái theo Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng 02 năm 2017 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo
luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định mức chi hỗ trợ
thực hiện một số nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Các nội dung không quy định tại Nghị
quyết này thực hiện theo quy định của Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15 tháng
02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thông tư số 06/2017/TT-BTTTT ngày 02
tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tư số
18/2017/TT-BNNPTNT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và các quy định khác của pháp luật.
2. Đối tượng áp dụng
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản
lý, sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước thực
hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Điều 2. Nội dung
và mức chi hỗ trợ Dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng
mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thuộc chương
trình 30a, xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình
135; các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135
1. Đối tượng nhận hỗ trợ
Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ mới thoát nghèo (hộ mới thoát nghèo là hộ gia đình đã từng là hộ
nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hằng năm có thu nhập bình quân đầu
người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành, được Ủy
ban nhân dân cấp xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo,
hộ cận nghèo tối đa là 3 năm), người dân, nhóm hộ và cộng đồng dân cư, trong
đó: ưu tiên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, người khuyết tật còn khả
năng lao động thuộc hộ nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo; tạo điều kiện để người sau
cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về thuộc hộ nghèo tham
gia dự án.
2. Nguyên tắc, điều kiện và phương thức
hỗ trợ
a) Nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ
- Đảm bảo công khai, dân chủ, bình đẳng
giới, có sự tham gia và cam kết của người dân trong việc xây dựng và thực hiện
dự án.
- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát
triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng
nông thôn mới của địa phương. Đối với dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, lựa
chọn mô hình mang tính đặc thù, phù hợp với lợi thế so sánh của từng địa
phương, hoặc là mô hình phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến,
tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cộng đồng và doanh nghiệp, hoặc là mô hình giảm
nghèo gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
- Phù hợp với điều kiện, đặc điểm,
nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
- Ưu tiên hộ tham gia dự án có điều
kiện về cơ sở vật chất, lao động và tư liệu sản xuất đáp ứng nội dung của dự án
và cam kết thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký.
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia dự án
phải có đơn đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo.
- Không gây ô nhiễm môi trường.
- Trong quá trình triển khai thực hiện
dự án, hộ không nghèo tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô
hình giảm nghèo tự đảm bảo kinh phí thực hiện. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ đối
với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
b) Phương thức hỗ trợ
- Việc hỗ trợ phát triển sản xuất và
nhân rộng mô hình giảm nghèo được thực hiện thông qua các dự án do cộng đồng đề
xuất được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Riêng hỗ trợ tạo đất sản xuất và hỗ trợ
khoán chăm sóc, bảo vệ rừng chỉ thực hiện trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt
khó khăn thuộc Chương trình 30a, xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn
thuộc Chương trình 135; phương thức hỗ trợ có thể lựa chọn hỗ trợ theo dự án hoặc
hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng theo các quy định hiện hành). Cộng đồng có thể
là nhóm hộ, tổ nhóm hợp tác do các tổ chức chính trị - xã hội làm đại diện hoặc
thôn, bản, được UBND cấp xã chứng thực (trong đó tỷ lệ hộ không nghèo tham gia
nhóm hộ, tổ, nhóm hợp tác tối đa là 30%). Người đại diện của cộng đồng là tổ
trưởng, trưởng nhóm do các thành viên cộng đồng bầu ra. Hộ không nghèo tham gia
dự án là hộ có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi do cộng đồng đề xuất.
- Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền
giao, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án phối hợp với đơn vị
liên quan xây dựng dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án với
các nội dung: tên dự án, loại mô hình (nếu có), thời gian triển khai (tối đa
không quá 03 năm), địa bàn thực hiện, số hộ tham gia (cụ thể số hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ không nghèo), các hoạt động của dự án, dự toán
kinh phí thực hiện dự án, nguồn kinh phí thực hiện (ngân sách nhà nước hỗ trợ,
vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn lồng ghép thực hiện các chính sách và vốn đối ứng
của các hộ gia đình tham gia mô hình), dự kiến hiệu quả của dự án, trách nhiệm
của từng cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp.
- Đối với các cá nhân, hộ gia đình,
nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư đã được hưởng chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo
Nghị quyết này thì không được hưởng chính sách hỗ trợ cùng loại từ nguồn kinh
phí của ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND ngày 15/12/2015
của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển
sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh
Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số
15/2015/NQ-HĐND).
3. Mức hỗ trợ dự án
a) Đối với dự án trồng trọt (hỗ trợ
giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, nông cụ sản xuất, sơ
chế, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch): Mức hỗ trợ tối đa không quá
250 triệu đồng/dự án.
b) Đối với dự án chăn nuôi (hỗ trợ giống,
chuồng trại, thức ăn chăn nuôi, vắc xin tiêm phòng, máy móc, công cụ sản xuất);
- Dự án chăn nuôi gia súc: Mức hỗ trợ
tối đa không quá 400 triệu đồng/dự án.
- Dự án chăn nuôi gia cầm: Mức hỗ trợ
tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án.
c) Đối với dự án lâm nghiệp (hỗ trợ lần
đầu giống cây lâm nghiệp theo quy trình trồng rừng sản xuất, thuốc bảo vệ thực
vật, phân bón): Mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/dự án.
d) Đối với dự án nuôi trồng thủy sản
(hỗ trợ giống, thức ăn, vắc xin, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản, ngư cụ
đánh bắt): Mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/dự án.
đ) Đối với dự án kết hợp trong lĩnh vực
nông, lâm nghiệp, thủy sản: Mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/dự án.
e) Đối với dự án hỗ trợ phát triển
ngành nghề và dịch vụ: Mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án.
4. Chi xây dựng và quản lý dự án
Mức chi tối đa không quá 5% tổng kinh
phí thực hiện dự án và không quá 10% mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho dự
án.
5. Mức chi chuyên môn của dự án
a) Mức hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia dự án trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản
tại điểm a, b, c, d và đ khoản 3 Điều này như sau:
- Mức hỗ trợ hộ nghèo bằng một lần mức
hỗ trợ quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND .
- Mức hỗ trợ hộ cận nghèo bằng 0,9 lần
mức hỗ trợ hộ nghèo.
- Mức hỗ trợ hộ mới thoát nghèo bằng
0,8 lần mức hỗ trợ hộ nghèo.
Riêng đối với hộ gia đình tham gia
các dự án mới phát sinh có hiệu quả kinh tế cao, nhưng chưa được quy định tại
Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND: Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phương án hỗ trợ
cụ thể của từng dự án sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng
nhân dân tỉnh và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
b) Mức hỗ trợ nhà xưởng, máy móc, thiết
bị, công cụ, vật tư sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người
nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế biến, tiêu thụ sản
phẩm trong dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ tại điểm e khoản 3 Điều
này như sau:
- Mức hỗ trợ nhà xưởng (bao gồm cả
nhà nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp; chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản),
máy móc, thiết bị, công cụ, vật tư sản xuất cho hộ nghèo tối đa không quá 15
triệu đồng/hộ; hộ cận nghèo tối đa không quá 14 triệu đồng/hộ; hộ mới thoát
nghèo tối đa không quá 13 triệu đồng/hộ; nhóm hộ (hoặc tổ hợp tác) tối đa không
quá 150 triệu đồng/nhóm hộ (hoặc tổ hợp tác).
- Mức hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã
liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề, chế
biến, tiêu thụ sản phẩm tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án và chỉ áp dụng với
các dự án liên kết mới được UBND cấp huyện phê duyệt.
Mức hỗ trợ cụ thể của từng dự án thực
hiện theo hợp đồng thuê, mua, sửa chữa và các chứng từ chi tiêu hợp pháp, trong
phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Về thẩm quyền phê duyệt dự án
Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định
phê duyệt đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và
nhân rộng mô hình giảm nghèo đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật hiện
hành.
Điều 3. Chi xây dựng
và nhân rộng mô hình tạo việc làm công thông qua đầu tư các công trình hạ tầng
quy mô nhỏ ở thôn, bản; mô hình sản xuất nông, lâm kết hợp tạo việc làm cho người
nghèo gắn với trồng và bảo vệ rừng; mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai và
thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn
thuộc Chương trình 30a, xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn thuộc
Chương trình 135; các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135
1. Đối tượng nhận hỗ trợ
Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận
nghèo, hộ mới thoát nghèo (hộ mới thoát nghèo thực hiện theo quy định tại khoản
1 Điều 2 Nghị quyết này), người dân, nhóm hộ và cộng đồng dân cư, trong đó: ưu
tiên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, người khuyết tật còn khả năng lao động
thuộc hộ nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo; tạo điều kiện để người sau cai nghiện ma
túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về thuộc hộ nghèo tham gia dự án
(Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát
nghèo; hộ không nghèo tham gia dự án tự đảm bảo kinh phí thực hiện).
2. Về loại mô hình, quy mô mô hình,
thời gian triển khai, địa bàn thực hiện, số người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo,
hộ mới thoát nghèo tham gia mô hình và các nội dung chi thực hiện mô hình
Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ dự toán
được cấp có thẩm quyền giao quyết định phương án hỗ trợ cụ thể của từng mô hình
sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và báo cáo
Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Điều 4. Hỗ trợ
phương tiện nghe - xem
1. Đối tượng hỗ trợ: Là hộ nghèo thuộc
các dân tộc ít người; hộ nghèo tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, trong
đó ưu tiên:
- Hộ nghèo có ít nhất một thành viên
đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người
có công với cách mạng.
- Hộ nghèo có ít nhất 02 thành viên
trong hộ là người dân tộc rất ít người hoặc là người dân tộc Phù Lá.
2. Điều kiện hỗ trợ
- Hộ nghèo chưa có phương tiện nghe -
xem.
- Địa bàn hộ gia đình sinh sống có điện
sinh hoạt. Đối với hộ được hỗ trợ đài (radio), địa bàn sinh hoạt hoặc làm việc
phải thu được sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam hoặc Đài phát thanh địa
phương.
- Hộ nghèo có nhu cầu và cam kết sử dụng
đúng mục đích phương tiện được trang bị.
3. Mức hỗ trợ
- Radio không quá 0,7 triệu đồng/bộ/hộ.
- Ti vi màu cỡ 32 inch không quá 5
triệu đồng/bộ/hộ.
4. Hình thức hỗ trợ
Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức mua
sắm và bàn giao phương tiện nghe - xem cho đối tượng nhận hỗ trợ theo hướng dẫn
của Sở Thông tin và Truyền thông.
Điều 5. Chi hỗ trợ
công tác quản lý về giảm nghèo ở cấp xã
1. Đối với xã đặc biệt khó khăn thuộc
Chương trình 30a, Chương trình 135: 3 triệu đồng/xã/năm.
2. Đối với thị trấn Mù Cang Chải, thị
trấn Trạm Tấu và các xã còn lại: 2 triệu đồng/xã/năm.
Điều 6. Nguồn
kinh phí thực hiện
1. Nguồn vốn ngân sách trung ương
giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn
2016 - 2020.
2. Các nguồn vốn huy động, đóng góp hợp
pháp khác.
Điều 7. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị
quyết theo quy định của pháp luật.
Trường hợp các văn bản quy phạm pháp
luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Nghị quyết được sửa đổi, bổ sung hoặc thay
thế bằng văn bản mới thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung
hoặc thay thế.
Điều 8. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban
của Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Yên Bái khóa XVIII - Kỳ họp thứ 9 (chuyên đề) thông qua ngày 10 tháng
4 năm 2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2018./.
Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc
hội;
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- TT. HĐND các huyện, thị xã, thành phố;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KTNS.
|
CHỦ
TỊCH
Phạm Thị Thanh Trà
|