Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Quản lý nợ công năm 2017 số 20/2017/QH14 áp dụng 2024

Số hiệu: 20/2017/QH14 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành: 23/11/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Quy định mới về quản lý rủi ro đối với nợ công

Ngày 23/11/2017, Quốc hội thông qua Luật số 20/2017/QH14 – Luật quản lý nợ công 2017 quy định về hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

Theo đó, vấn đề quản lý rủi ro đối với nợ công được quy định một cách cụ thể hơn như sau:

Quản lý rủi ro đối với nợ công là việc nhận diện các loại rủi ro đối với danh mục nợ công, xác định mức độ ảnh hưởng để có biện pháp phòng ngừa, xử lý thích hợp, bảo đảm khả năng trả nợ công.

Rủi ro về nợ công bao gồm:

- Rủi ro về lãi suất, tỷ giá ngoại tệ;

- Rủi ro do biến động của thị trường tài chính ảnh hưởng đến việc huy động vốn;

- Rủi ro thanh khoản do thiếu các tài sản tài chính có tính thanh khoản để thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết, bao gồm khả năng trả nợ của ngân sách TW và địa phương;

- Rủi ro tín dụng do đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh không trả được nợ đầy đủ, đúng hạn và các rủi ro khác có thể ảnh hưởng tới an toàn nợ công.

Luật quản lý nợ công 2017 có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 20/2017/QH14

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2017

LUẬT
QUẢN LÝ NỢ CÔNG

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Quản lý nợ công.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

2. Nợ công quy định tại Luật này bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nợ Chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ.

2. Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ do doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước vay được Chính phủ bảo lãnh.

3. Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ phát sinh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay.

4. Vay là quá trình tạo ra nghĩa vụ nợ thông qua việc ký kết và thực hiện hiệp định, hợp đồng, thỏa thuận vay (sau đây gọi chung là thỏa thuận vay) hoặc phát hành công cụ nợ.

5. Vay hỗ trợ phát triển chính thức (vay ODA) là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc.

6. Vay ưu đãi nước ngoài là khoản vay nước ngoài có điều kiện ưu đãi hơn so với vay thương mại nhưng thành tố ưu đãi chưa đạt tiêu chuẩn của vay ODA.

7. Vay thương mại là khoản vay theo điều kiện thị trường.

8. Thành tố ưu đãi là tỷ lệ phần trăm giá trị danh nghĩa của khoản vay phản ánh mức ưu đãi của vốn vay nước ngoài được tính toán trên cơ sở các yếu tố về đồng tiền, thời hạn vay, thời gian ân hạn, lãi suất, phí và chi phí khác với tỷ lệ chiết khấu tương ứng lãi suất vay của Chính phủ Việt Nam trên thị trường tại thời điểm tính toán.

9. Công cụ nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu Kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc làm phát sinh nghĩa vụ nợ.

10. Trái phiếu Chính phủ là công cụ nợ do Chính phủ phát hành để huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc cơ cấu lại nợ.

11. Trái phiếu chính quyền địa phương là công cụ nợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phát hành để huy động vốn cho ngân sách địa phương.

12. Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là công cụ nợ do doanh nghiệp, ngân hàng chính sách của Nhà nước phát hành và được Chính phủ bảo lãnh.

13. Tín phiếu Kho bạc là công cụ nợ do Kho bạc Nhà nước phát hành, có kỳ hạn không vượt quá 52 tuần.

14. Công trái xây dựng Tổ quốc là trái phiếu do Chính phủ phát hành nhằm huy động nguồn vốn trong Nhân dân để đầu tư xây dựng công trình quan trọng quốc gia và các công trình thiết yếu khác phục vụ sản xuất, đời sống, tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật cho đất nước.

15. Dư nợ là khoản tiền vay đã giải ngân nhưng chưa hoàn trả hoặc chưa được xóa nợ tại một thời điểm nhất định.

16. Nghĩa vụ nợ là các khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác đến hạn phải trả trong một khoảng thời gian nhất định.

17. Chi trả nợ là việc thanh toán nợ, bao gồm chi trả gốc, lãi, phí và chi phí khác có liên quan phát sinh từ việc vay.

18. Cơ cấu lại nợ là việc thực hiện các nghiệp vụ nhằm thay đổi điều kiện của khoản nợ, cơ cấu lại một phần hoặc toàn bộ các khoản nợ trong danh mục nợ công, bao gồm chuyển nhượng, chuyển đổi sở hữu, khoanh nợ, xóa nợ, mua lại nợ, gia hạn nợ, hoán đổi nợ hoặc các nghiệp vụ cơ cấu nợ khác theo quy định của pháp luật.

19. Cho vay lại là việc Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp vay lại nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

20. Bảo lãnh Chính phủ là cam kết của Chính phủ bằng văn bản bảo lãnh với bên cho vay về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong trường hợp đến hạn trả nợ mà bên vay không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ.

21. Hạn mức bảo lãnh Chính phủ là mức bảo lãnh tối đa của Chính phủ trong 01 năm hoặc 05 năm, được xác định bằng số tiền vay thực nhận trừ số trả nợ gốc.

22. Rủi ro đối với danh mục nợ công là khả năng xảy ra tổn thất hoặc làm gia tăng nợ công.

Điều 4. Phân loại nợ công

1. Nợ Chính phủ bao gồm:

a) Nợ do Chính phủ phát hành công cụ nợ;

b) Nợ do Chính phủ ký kết thỏa thuận vay trong nước, nước ngoài;

c) Nợ của ngân sách trung ương vay từ quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước, ngân quỹ nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

2. Nợ được Chính phủ bảo lãnh bao gồm:

a) Nợ của doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh;

b) Nợ của ngân hàng chính sách của Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh.

3. Nợ chính quyền địa phương bao gồm:

a) Nợ do phát hành trái phiếu chính quyền địa phương;

b) Nợ do vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;

c) Nợ của ngân sách địa phương vay từ ngân hàng chính sách của Nhà nước, quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, ngân quỹ nhà nước và vay khác theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 5. Nguyên tắc quản lý nợ công

1. Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công.

2. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.

3. Việc đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương vay, đàm phán, ký kết thỏa thuận vay và phát hành công cụ nợ, phân bổ và sử dụng vốn vay phải đúng mục đích, hiệu quả. Vay cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

4. Bên vay, bên vay lại, đối tượng được Chính phủ bảo lãnh chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nghĩa vụ liên quan đối với khoản vay, khoản vay lại, khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, nợ được Chính phủ bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.

5. Bảo đảm chính xác, tính đúng, tính đủ nợ công; công khai, minh bạch trong quản lý nợ công và gắn với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý nợ công.

Điều 6. Nội dung quản lý nhà nước về nợ công

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nợ công.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, giải pháp và chính sách về quản lý nợ công.

3. Tổ chức thực hiện quản lý nợ công, bao gồm đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương vay, đàm phán, ký kết thỏa thuận vay và phát hành công cụ nợ, phân bổ và sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công.

4. Theo dõi, cung cấp thông tin và đánh giá hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nợ công.

5. Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công.

6. Khen thưởng, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý nợ công.

Điều 7. Giám sát việc quản lý nợ công

1. Quốc hội, Hội đồng nhân dân giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý nợ công

1. Vay, cho vay, bảo lãnh không đúng thẩm quyền hoặc chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, vượt hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức; không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ.

3. Vụ lợi, chiếm đoạt, tham nhũng trong quản lý, sử dụng nợ công.

4. Làm trái quy định của Nhà nước về quản lý nợ công; thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí vốn vay.

5. Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật.

6. Cản trở hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nợ công.

Điều 9. Xử lý vi phạm pháp luật về quản lý nợ công

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý nợ công của cơ quan, tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nợ công thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG QUẢN LÝ NỢ CÔNG

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội

1. Quyết định, điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm.

2. Quyết định, điều chỉnh tổng mức vay và trả nợ của ngân sách nhà nước hằng năm.

Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

1. Cho ý kiến về đề án, dự án và báo cáo về quản lý nợ công do Chính phủ trình.

2. Quyết định việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc.

Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước

1. Quyết định đàm phán, ký kết, phê chuẩn và điều chỉnh thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước theo quy định của Luật Điều ước quốc tế.

2. Yêu cầu Chính phủ báo cáo về tình hình nợ công, các chỉ tiêu an toàn nợ công; việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn và điều chỉnh thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước khi cần thiết.

Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ

1. Thống nhất quản lý nhà nước về nợ công.

2. Trình Quốc hội:

a) Quyết định, điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm;

b) Quyết định, điều chỉnh tổng mức vay và trả nợ của ngân sách nhà nước hằng năm.

3. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

a) Cho ý kiến về đề án, dự án và báo cáo về quản lý nợ công;

b) Quyết định việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc.

4. Quyết định hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm.

5. Phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.

6. Báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước về tình hình nợ công, các chỉ tiêu an toàn nợ công.

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ

1. Quyết định chương trình quản lý nợ công 03 năm.

2. Quyết định kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm.

3. Quyết định việc phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế căn cứ vào Đề án đã được Chính phủ phê duyệt.

4. Quyết định việc sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để xử lý rủi ro đối với cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ.

5. Phê duyệt Đề án cơ cấu lại nợ.

6. Phê duyệt đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

7. Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, ký kết, phê duyệt và điều chỉnh thỏa thuận vay nước ngoài nhân danh Chính phủ.

8. Quyết định cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đối với từng chương trình, dự án.

9. Quyết định cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng chương trình, dự án.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nợ công;

b) Xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội quyết định, điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm; tổng mức vay và trả nợ của ngân sách nhà nước hằng năm;

c) Xây dựng, trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc;

d) Xây dựng, trình Chính phủ quyết định hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế;

đ) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chương trình quản lý nợ công 03 năm, kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm, phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế, sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để xử lý rủi ro đối với cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ, Đề án cơ cấu lại nợ, đàm phán, ký kết, phê duyệt và điều chỉnh thỏa thuận vay nước ngoài nhân danh Chính phủ, cho vay lại, cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng chương trình, dự án;

e) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký kết, phê chuẩn và điều chỉnh thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước;

g) Tổ chức huy động vốn, phát hành công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường vốn trong nước và quốc tế; chủ trì tổ chức thực hiện đàm phán, ký kết thỏa thuận vay thương mại, hiệp định khung, hiệp định cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước và Chính phủ;

h) Thực hiện cấp phát vốn cho các chương trình, dự án đầu tư từ vốn vay của Chính phủ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

i) Cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

k) Thanh toán nợ gốc, lãi, phí và các chi phí liên quan đối với các khoản nợ của Chính phủ;

l) Thực hiện cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

m) Quản lý Quỹ tích lũy trả nợ;

n) Quản lý danh mục nợ, thực hiện Đề án cơ cấu lại nợ, xử lý rủi ro theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

o) Tổ chức công tác hạch toán kế toán đối với nợ Chính phủ; thống kê, báo cáo và công bố thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật;

p) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý nợ công.

2. Bộ, cơ quan ngang Bộ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nợ công theo phân công của Chính phủ.

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

1. Quyết định, điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ 05 năm, hằng năm của chính quyền địa phương theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Quyết định danh mục các dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật; phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

3. Giám sát việc vay, vay lại, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, sử dụng vốn vay và trả nợ của chính quyền địa phương.

Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Lập kế hoạch vay, trả nợ 05 năm, hằng năm của chính quyền địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.

2. Xây dựng chương trình quản lý nợ 03 năm của chính quyền địa phương, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Tổ chức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác, vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định của Luật này.

4. Thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn vay của chính quyền địa phương.

5. Bố trí ngân sách địa phương để trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

6. Giải trình, cung cấp thông tin, báo cáo cấp có thẩm quyền tình hình huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ của chính quyền địa phương.

Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước

Thực hiện kiểm toán các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng nợ công, bao gồm huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ, vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ; báo cáo, công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.

Điều 19. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, sử dụng vốn vay hoặc được bảo lãnh vay vốn

1. Tiếp nhận, sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích, đúng thẩm quyền theo quy định của Luật này.

2. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan phát sinh từ các thỏa thuận vay, phát hành công cụ nợ, thỏa thuận vay lại hoặc bảo lãnh Chính phủ.

3. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công.

4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp nhận, sử dụng vốn vay hoặc được bảo lãnh vay vốn phải chịu trách nhiệm cá nhân trong trường hợp xảy ra vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức.

Điều 20. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nợ công

1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong quản lý nợ công.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý nhà nước về nợ công phải chịu trách nhiệm cá nhân trong trường hợp xảy ra vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công có trách nhiệm giải trình, báo cáo cấp có thẩm quyền việc đề xuất, thẩm định và phê duyệt chủ trương vay; đàm phán, ký kết thỏa thuận vay và phát hành công cụ nợ; phân bổ và sử dụng vốn vay; trả nợ và thực hiện các nghiệp vụ quản lý nợ công.

Chương III

CHỈ TIÊU AN TOÀN NỢ CÔNG, KẾ HOẠCH VAY, TRẢ NỢ CÔNG 05 NĂM, CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ NỢ CÔNG 03 NĂM, KẾ HOẠCH VAY, TRẢ NỢ CÔNG HÀNG NĂM

Điều 21. Chỉ tiêu an toàn nợ công

1. Chỉ tiêu an toàn nợ công là hệ thống chỉ tiêu quy định mức trần và ngưỡng cảnh báo về nợ công do Quốc hội quyết định.

2. Các chỉ tiêu an toàn nợ công bao gồm:

a) Nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội;

b) Nợ của Chính phủ so với tổng sản phẩm quốc nội;

c) Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hằng năm;

d) Nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội;

đ) Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Điều 22. Kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm

1. Kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm bao gồm:

a) Chỉ tiêu an toàn nợ công;

b) Tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ;

c) Các giải pháp quản lý nợ công.

2. Nội dung chủ yếu của báo cáo kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm trình Quốc hội quyết định bao gồm:

a) Đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công, mục tiêu, định hướng, giải pháp về vay, trả nợ công 05 năm giai đoạn trước; đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm;

b) Mục tiêu, chỉ tiêu an toàn nợ công; định hướng, giải pháp quản lý nợ công nhằm bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững giai đoạn 05 năm tiếp theo;

c) Tổng mức vay và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ bao gồm vay về cho vay lại, tổng mức vay và trả nợ của chính quyền địa phương, hạn mức bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 05 năm tiếp theo;

d) Các giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương, bao gồm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vay, trả nợ 05 năm giai đoạn trước; đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; định hướng, giải pháp quản lý nợ, tổng mức vay và nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương giai đoạn 05 năm tiếp theo, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp cho ý kiến trước khi gửi Bộ Tài chính để tổng hợp vào kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm.

4. Bộ Tài chính tổng hợp kế hoạch vay, trả nợ 05 năm của chính quyền địa phương, lập kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định.

5. Trình tự lập, quyết định kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm thực hiện theo trình tự lập, quyết định kế hoạch tài chính 05 năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

6. Trong trường họp tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá, lãi suất, bội chi ngân sách nhà nước biến động hoặc khả năng huy động vốn vay không đạt mục tiêu đã được phê duyệt, dẫn đến các chỉ tiêu an toàn nợ công chạm ngưỡng cảnh báo về an toàn nợ công, Chính phủ thực hiện các giải pháp để bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công không vượt mức trần Quốc hội quy định. Trường hợp phải điều chỉnh các chỉ tiêu an toàn nợ công, Chính phủ xây dựng phương án điều chỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 23. Chương trình quản lý nợ công 03 năm

1. Chương trình quản lý nợ công 03 năm được lập hằng năm cùng với kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Nội dung chủ yếu của chương trình quản lý nợ công 03 năm bao gồm:

a) Đánh giá tình hình thực hiện việc quản lý nợ công năm hiện hành;

b) Dự kiến tổng mức vay, trả nợ của Chính phủ, của chính quyền địa phương và hạn mức bảo lãnh Chính phủ của năm kế hoạch và 02 năm tiếp theo;

c) Dự báo tình hình thị trường vốn trong nước và quốc tế; khả năng, cơ cấu nguồn vay; phương án vay và nghĩa vụ trả nợ; chi phí huy động vốn, rủi ro có thể phát sinh trong năm kế hoạch và 02 năm tiếp theo;

d) Các giải pháp chủ yếu để thực hiện chương trình.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính xây dựng chương trình quản lý nợ 03 năm của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp vào chương trình quản lý nợ công 03 năm.

4. Bộ Tài chính xây dựng chương trình quản lý nợ công 03 năm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 24. Kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm

1. Kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm bao gồm:

a) Kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ hằng năm;

b) Kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương hằng năm;

c) Hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm.

2. Kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ hằng năm được quy định như sau:

a) Kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ hằng năm được lập nhằm thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách và đầu tư công trong năm kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Nội dung kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ hằng năm bao gồm vay để bù đắp bội chi ngân sách trung ương, trả nợ gốc, cho vay lại và cơ cấu lại nợ; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, trả nợ cho vay lại; cơ cấu vốn vay và xác định nguồn để trả nợ;

c) Hằng năm, cùng với thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính lập kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ.

3. Kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương hằng năm được quy định như sau:

a) Kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương hằng năm được lập nhằm thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách và đầu tư công của địa phương trong năm kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Nội dung kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương hằng năm bao gồm vay để bù đắp bội chi ngân sách địa phương, trả nợ gốc; nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương; cơ cấu vốn vay và xác định nguồn để trả nợ;

c) Hằng năm, cùng với thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp cho ý kiến trước khi gửi Bộ Tài chính để tổng hợp.

4. Hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm được quy định như sau:

a) Hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm được xác định theo nguyên tắc bảo đảm tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước và trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 05 năm đã được Quốc hội quyết định;

b) Căn cứ nhu cầu và khả năng huy động vốn vay, hạn mức bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 05 năm đã được Quốc hội quyết định, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định hạn mức bảo lãnh năm kế hoạch.

5. Bộ Tài chính xây dựng tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương và tổng hợp mức vay, trả nợ của ngân sách địa phương vào dự toán ngân sách nhà nước, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

6. Căn cứ tổng mức vay, trả nợ của ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, hạn mức vay về cho vay lại, hạn mức bảo lãnh, Chính phủ hằng năm đã được Chính phủ quyết định, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

7. Căn cứ kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, bảo đảm trong phạm vi kế hoạch và hạn mức được phê duyệt.

Chương IV

QUẢN LÝ VIỆC HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG VỐN VAY VÀ TRẢ NỢ CỦA CHÍNH PHỦ

Điền 25. Mục đích vay của Chính phủ

1. Bù đắp bội chi ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển, không sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên.

2. Bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách trung ương và bảo đảm thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ.

3. Chi trả nợ gốc đến hạn, cơ cấu lại các khoản nợ của Chính phủ.

4. Cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Điều 26. Hình thức vay của Chính phủ

1. Hình thức vay của Chính phủ bao gồm:

a) Phát hành công cụ nợ;

b) Ký kết thỏa thuận vay.

2. Chính phủ vay bằng nội tệ, ngoại tệ, kim loại quý hoặc hàng hóa quy đổi sang nội tệ hoặc ngoại tệ.

Điều 27. Phát hành công cụ nợ tại thị trường vốn trong nước

1. Các công cụ nợ của Chính phủ bao gồm:

a) Trái phiếu Chính phủ;

b) Tín phiếu Kho bạc;

c) Công trái xây dựng Tổ quốc.

2. Căn cứ kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm được phê duyệt, Bộ Tài chính tổ chức phát hành công cụ nợ của Chính phủ.

3. Việc phát hành công cụ nợ được thực hiện theo hình thức đấu thầu, bảo lãnh phát hành hoặc phát hành riêng lẻ.

4. Toàn bộ tiền vay của Chính phủ được hạch toán vào ngân sách trung ương. Chính phủ bố trí đủ nguồn trả nợ gốc, lãi và các khoản chi phí có liên quan đến việc huy động; trả nợ khi đến hạn.

5. Chính phủ quy định việc phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.

Điều 28. Phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế

1. Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế để bù đắp bội chi ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, cơ cấu lại nợ của Chính phủ.

2. Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm, Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.

3. Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Sự cần thiết phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế;

b) Nhu cầu, khả năng huy động vốn, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, hệ số tín nhiệm của Việt Nam và tình hình thị trường vốn quốc tế;

c) Hình thức phát hành, khối lượng huy động, kỳ hạn, lãi suất dự kiến, đồng tiền phát hành, thị trường huy động;

d) Phương án sử dụng nguồn vốn huy động;

đ) Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay và tác động của khoản vay mới đối với nợ công, các chỉ tiêu an toàn nợ công.

4. Căn cứ Đề án đã được Chính phủ phê duyệt, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện.

Điều 29. Vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài

1. Các Bộ, ngành, địa phương lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Sự cần thiết, mục tiêu, phạm vi của chương trình, dự án;

b) Dự kiến tổng mức, cơ cấu nguồn vốn bao gồm vốn vay nước ngoài và vốn đối ứng;

c) Giá trị khoản vay, bên cho vay và điều kiện, điều khoản vay (nếu có);

d) Đề xuất cơ chế tài chính trong nước; phương án cân đối nguồn trả nợ;

đ) Dự kiến kết quả chính của chương trình, dự án.

3. Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt cùng với đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

4. Căn cứ phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ quản lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

5. Căn cứ chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền quyết định, cơ quan chủ quản lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật.

6. Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức đàm phán, ký kết thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài:

a) Trường hợp thỏa thuận vay là điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trình Chủ tịch nước việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn;

b) Trường hợp thỏa thuận vay nhân danh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chỉ đạo việc tổ chức đàm phán, ký kết.

7. Việc ký kết thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho chương trình, dự án phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;

b) Thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

8. Phân bổ, sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả theo nguyên tắc sau đây:

a) Cấp phát đối với chương trình, dự án thuộc đối tượng chi ngân sách nhà nước;

b) Cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp vay lại.

9. Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Điều 30. Các khoản vay trong nước khác

1. Các khoản vay trong nước khác của Chính phủ được thực hiện theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc thỏa thuận vay, bao gồm:

a) Vay từ quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

b) Vay quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, ngân quỹ nhà nước, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng theo thỏa thuận vay.

2. Thỏa thuận vay được thực hiện dưới hình thức hợp đồng vay, bao gồm các nội dung: số tiền vay, thời hạn vay, lãi suất và các khoản phí có liên quan đến khoản vay, phương thức trả nợ, thời hạn trả nợ, gia hạn nợ và phạt chậm trả (nếu có), quyền và trách nhiệm của các bên, các điều khoản và điều kiện khác có liên quan đến việc vay nợ.

3. Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, Bộ Tài chính có trách nhiệm sau đây:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc vay quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước để bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Trường hợp vay trong năm hoàn trả trong năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định;

b) Quyết định vay từ ngân quỹ nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; vay từ Quỹ tích lũy trả nợ theo quy định tại khoản 5 Điều 56 của Luật này;

c) Đàm phán, ký kết thỏa thuận vay với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, vay từ tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng.

Điều 31. Sử dụng vốn vay của Chính phủ

1. Đối với chương trình, dự án thuộc đối tượng cấp phát của ngân sách nhà nước được tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định sau đây:

a) Các khoản chi thuộc ngân sách trung ương được tổng hợp trong dự toán chi ngân sách trung ương trình Quốc hội quyết định;

b) Các khoản vay hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương được tổng hợp trong dự toán chi ngân sách trung ương trình Quốc hội quyết định;

c) Các khoản chi thuộc ngân sách địa phương được tổng hợp trong dự toán chi ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

2. Đối với đối tượng được vay lại, Bộ Tài chính thẩm định, ký kết hợp đồng cho vay lại hoặc ủy quyền cho ngân hàng chính sách của Nhà nước, tổ chức tín dụng thẩm định, ký kết hợp đồng cho vay lại theo quy định của Luật này.

Điều 32. Trả nợ của Chính phủ

1. Chính phủ có trách nhiệm bố trí ngân sách trung ương để trả nợ của Chính phủ. Mức vay mới để trả nợ gốc nằm trong tổng mức vay của ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để trả nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đầy đủ, đúng hạn.

3. Bộ Tài chính và cơ quan được Bộ Tài chính ủy quyền cho vay lại có trách nhiệm thu hồi toàn bộ nợ gốc, lãi, phí và chi phí khác có liên quan của các chương trình, dự án vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, nộp vào Quỹ tích lũy trả nợ để bảo đảm nguồn trả nợ nước ngoài.

Chương V

QUẢN LÝ CHO VAY LẠI VỐN VAY ODA, VAY ƯU ĐÃI NƯỚC NGOÀI

Điều 33. Đối tượng được vay lại, cơ quan cho vay lại

1. Đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài bao gồm:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Đơn vị sự nghiệp công lập;

c) Doanh nghiệp.

2. Cơ quan cho vay lại bao gồm Bộ Tài chính; ngân hàng chính sách của Nhà nước, tổ chức tín dụng được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện cho vay lại.

Điều 34. Nguyên tắc cho vay lại

1. Chính phủ cho vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; không phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế, vay thương mại nước ngoài để cho vay lại.

2. Chính phủ cho vay lại toàn bộ hoặc một phần vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này.

3. Việc cho vay lại phải bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục đích được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Mức vay, thời hạn cho vay lại và thời gian ân hạn tối đa bằng mức vay, thời hạn vay và thời gian ân hạn quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài của Chính phủ; đồng tiền cho vay lại, đồng tiền thu nợ là đồng tiền Chính phủ vay nước ngoài. Trường hợp trả nợ bằng Đồng Việt Nam, áp dụng tỷ giá bán ra tại thời điểm trả nợ do Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố để thu nợ.

5. Lãi suất cho vay lại bao gồm lãi suất Chính phủ vay nước ngoài, các khoản phí theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, phí quản lý cho vay lại và dự phòng rủi ro cho vay lại.

6. Bên vay lại phải có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định tại Điều 38 của Luật này.

Điều 35. Phương thức cho vay lại

1. Bộ Tài chính cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vay lại để thực hiện chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Bộ Tài chính ủy quyền cho ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện cho vay lại đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập để đầu tư chương trình, dự án trong danh mục ưu tiên đầu tư của Nhà nước. Trong trường hợp này, cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng.

3. Bộ Tài chính ủy quyền cho tổ chức tín dụng thực hiện cho vay lại đối với doanh nghiệp để đầu tư dự án sản xuất - kinh doanh. Tổ chức tín dụng được ủy quyền cho vay lại phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam;

b) Chịu toàn bộ rủi ro tín dụng.

Điều 36. Điều kiện được vay lại

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Có chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương do cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;

b) Chương trình, dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản này có sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;

c) Không có nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài quá hạn trên 180 ngày;

d) Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương tại thời điểm đề nghị vay lại không vượt quá mức dư nợ vay của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

đ) Ngân sách địa phương cam kết trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn vay và trả nợ theo quy định của pháp luật;

b) Có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn vay, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;

c) Có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định tại Điều 38 của Luật này;

d) Không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị vay lại;

đ) Thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

3. Doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động ít nhất 03 năm;

b) Có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn vay, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;

c) Có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định tại Điều 38 của Luật này;

d) Có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần theo báo cáo tài chính của năm gần nhất so với năm thực hiện thẩm định;

đ) Không bị lỗ trong 03 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

e) Không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị vay lại;

g) Thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

Điều 37. Phí quản lý cho vay lại, dự phòng rủi ro cho vay lại

1. Phí quản lý cho vay lại được quy định như sau:

a) Phí quản lý cho vay lại bằng 0,25%/năm tính trên dư nợ vay lại do bên vay lại nộp;

b) Phí quản lý cho vay lại được sử dụng để chi phục vụ công tác cho vay, quản lý, thu hồi vốn cho vay lại của cơ quan cho vay lại.

2. Dự phòng rủi ro cho vay lại được quy định như sau:

a) Mức dự phòng rủi ro cho vay lại được tính trên cơ sở đánh giá năng lực tài chính của bên vay lại, mức độ rủi ro của từng chương trình, dự án nhưng không quá 1,5%/năm trên dư nợ vay lại do bên vay lại nộp;

b) Trường hợp cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng, dự phòng rủi ro cho vay lại được nộp vào Quỹ tích lũy trả nợ. Trường hợp cơ quan cho vay lại chịu toàn bộ rủi ro tín dụng, dự phòng rủi ro cho vay lại được nộp cho cơ quan cho vay lại;

c) Dự phòng rủi ro cho vay lại dùng để tạo nguồn trả nợ vay nước ngoài trong trường hợp bên vay lại không thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ.

Điều 38. Thẩm định cho vay lại

1. Thẩm định cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định như sau:

a) Bộ Tài chính thẩm định điều kiện được vay lại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này;

b) Căn cứ báo cáo kết quả thẩm định và hồ sơ liên quan, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cho vay lại đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Thẩm định cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đối với đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp được quy định như sau:

a) Bên vay lại gửi đề nghị thẩm định cùng hồ sơ chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho Bộ Tài chính và cơ quan được ủy quyền cho vay lại để thẩm định. Bên vay lại chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các hồ sơ để thực hiện thẩm định cho vay lại;

b) Nội dung thẩm định bao gồm điều kiện được vay lại quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 36 của Luật này; năng lực tài chính của bên vay lại; phương án vay vốn, sử dụng vốn vay, doanh thu, chi phí, hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ của bên vay lại; tài sản bảo đảm của bên vay lại; phương án quản lý, xử lý tài sản thế chấp; đánh giá các yếu tố phi tài chính; mức độ rủi ro, giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro;

c) Cơ quan được ủy quyền cho vay lại thực hiện thẩm định các nội dung quy định tại điểm b khoản này; cho ý kiến về khả năng trả nợ và đề xuất điều kiện vay lại, mức dự phòng rủi ro cho vay lại áp dụng đối với bên vay lại;

d) Căn cứ báo cáo kết quả thẩm định và hồ sơ liên quan, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay lại.

Điều 39. Quản lý rủi ro tín dụng cho vay lại

1. Rủi ro tín dụng cho vay lại phát sinh khi bên vay lại chưa có khả năng trả nợ hoặc không trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng cho vay lại đã ký kết.

2. Việc xử lý rủi ro được xem xét theo từng trường hợp cụ thể căn cứ vào nguyên nhân, mức độ rủi ro và khả năng trả nợ của bên vay lại.

3. Các biện pháp xử lý khi xảy ra rủi ro tín dụng cho vay lại thực hiện theo quy định tại Điều 55 của Luật này.

4. Trường hợp sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro mà bên vay lại vẫn không trả được nợ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án cơ cấu lại nợ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 40. Trách nhiệm của cơ quan cho vay lại, bên vay lại

1. Bộ Tài chính, cơ quan được ủy quyền cho vay lại có trách nhiệm sau đây:

a) Theo dõi, kiểm tra việc sử dụng vốn vay lại của bên vay lại;

b) Hoàn thiện hồ sơ pháp lý, quản lý, xử lý tài sản thế chấp và các tài sản khác do bên vay lại dùng để bảo đảm tiền vay;

c) Áp dụng biện pháp, chế tài theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn cho vay lại, bao gồm các khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác có liên quan từ bên vay lại theo quy định trong hợp đồng cho vay lại;

d) Định kỳ hoặc theo yêu cầu, cung cấp thông tin, báo cáo liên quan đến việc thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn vay lại cho cơ quan có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin, báo cáo;

đ) Đối với cơ quan cho vay lại chịu toàn bộ rủi ro tín dụng, sau khi đã áp dụng các biện pháp, chế tài mà không thu hồi được một phần hoặc toàn bộ vốn cho vay lại, bao gồm các khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác có liên quan thì cơ quan cho vay lại phải trả nợ thay cho bên vay lại.

2. Bên vay lại có trách nhiệm sau đây:

a) Quản lý, sử dụng vốn vay lại đúng mục đích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo quy định trong hợp đồng cho vay lại. Trường hợp không trả nợ đầy đủ, đúng hạn thì phải chấp hành các biện pháp, chế tài mà cơ quan cho vay lại áp dụng để thu hồi nợ và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện đúng quy định của pháp luật về thế chấp và các biện pháp bảo đảm tiền vay khác;

d) Định kỳ hoặc theo yêu cầu, cung cấp thông tin, báo cáo liên quan đến việc thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn vay lại cho Bộ Tài chính, cơ quan cho vay lại và cơ quan có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các thông tin, báo cáo.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Chương VI

CẤP VÀ QUẢN LÝ BẢO LÃNH CHÍNH PHỦ

Điều 41. Đối tượng được bảo lãnh Chính phủ

1. Doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tưLuật Đầu tư công.

2. Ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.

Điều 42. Chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ

1. Căn cứ nhu cầu vay vốn, đối tượng được bảo lãnh lập đề xuất chủ trương cấp bảo lãnh Chính phủ đối với chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, dự án đầu tư gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, xác định hạn mức bảo lãnh Chính phủ 05 năm và hằng năm, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Căn cứ hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm đã được quyết định, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng chương trình, dự án cụ thể.

Điều 43. Điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ

1. Doanh nghiệp được cấp bảo lãnh Chính phủ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động ít nhất 03 năm;

b) Không bị lỗ trong 03 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh;

d) Bảo đảm hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm gần nhất so với thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ;

đ) Khoản bảo lãnh nằm trong hạn mức bảo lãnh hằng năm đã được Chính phủ phê duyệt;

e) Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;

g) Có phương án tài chính được Bộ Tài chính thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

h) Có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án. Vốn chủ sở hữu phải được bố trí theo tiến độ thực hiện dự án.

2. Ngân hàng chính sách của Nhà nước được cấp bảo lãnh Chính phủ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có chức năng huy động vốn để cho vay theo điều lệ được cấp có thẩm quyền ban hành;

b) Khoản bảo lãnh nằm trong hạn mức bảo lãnh hằng năm đã được Chính phủ phê duyệt;

c) Khoản vay được Chính phủ bảo lãnh được sử dụng để thực hiện, chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước theo quy định của Chính phủ.

3. Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh trên thị trường vốn trong nước, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp phải có hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật về chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 44. Thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ

1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh Chính phủ đối với chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, dự án đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định.

2. Nội dung thẩm định hồ sơ cấp bảo lãnh Chính phủ bao gồm:

a) Tình hình tài chính của đối tượng được bảo lãnh;

b) Phương án tài chính của chương trình, dự án sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ;

c) Điều kiện, điều khoản của khoản vay được cấp bảo lãnh Chính phủ;

d) Rủi ro của chương trình, dự án có liên quan tới khoản vay được xét cấp bảo lãnh Chính phủ.

Điều 45. Mức bảo lãnh Chính phủ đối với dự án đầu tư

1. Mức bảo lãnh Chính phủ đối với trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu cho dự án đầu tư không vượt quá 70% tổng mức đầu tư đã được phê duyệt của dự án.

2. Ngoài vốn vay được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại khoản 1 Điều này, đối tượng được Chính phủ bảo lãnh phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án theo tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Điều 46. Quản lý bảo lãnh Chính phủ

1. Đối tượng được bảo lãnh phải nộp phí bảo lãnh theo mức độ rủi ro của từng chương trình, dự án nhưng tối đa là 2%/năm trên dư nợ được bảo lãnh. Phí bảo lãnh được trích một phần cho công tác quản lý bảo lãnh Chính phủ.

2. Đối tượng được bảo lãnh phải thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

3. Việc chuyển nhượng, chuyển giao quyền, nghĩa vụ của bên cho vay liên quan đến khoản vay được Chính phủ bảo lãnh phải bảo đảm không làm tăng nghĩa vụ của người bảo lãnh và phải được thông báo trước bằng văn bản cho Bộ Tài chính. Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

4. Việc chuyển nhượng, chuyển giao khoản vay được Chính phủ bảo lãnh của đối tượng được bảo lãnh phải bảo đảm không làm tăng nghĩa vụ của người bảo lãnh và được bên cho vay chấp thuận. Đối tượng được bảo lãnh báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp của đối tượng được bảo lãnh phải bảo đảm không làm tăng nghĩa vụ của người bảo lãnh và phải báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

6. Việc chuyển nhượng, chuyển giao cổ phần, vốn góp của tổ chức, cá nhân trong danh sách cổ đông sở hữu từ 65% cổ phần trở lên đã đăng ký với Bộ Tài chính tại thời điểm xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ phải báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

7. Việc chuyển nhượng, chuyển giao dự án, tài sản dự án sau đầu tư của đối tượng được bảo lãnh phải bảo đảm không làm tăng nghĩa vụ của người bảo lãnh, không làm thay đổi nghĩa vụ của đối tượng được bảo lãnh đối với bên cho vay và người bảo lãnh. Đối tượng được bảo lãnh báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

8. Đối tượng được bảo lãnh phải thực hiện các biện pháp bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

Điều 47. Quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ

1. Khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh phải được theo dõi để phòng ngừa, xử lý rủi ro.

2. Đối tượng được bảo lãnh có các khoản nợ hoặc nợ quá hạn với Quỹ tích lũy trả nợ phải chịu sự giám sát của Bộ Tài chính theo quy định của Chính phủ.

3. Việc phòng ngừa, xử lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ thực hiện theo quy định tại Điều 55 của Luật này.

Điều 48. Trách nhiệm của cơ quan cấp bảo lãnh, đối tượng được bảo lãnh, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Cơ quan cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ là Bộ Tài chính có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì thẩm định đề xuất chủ trương, đề xuất cấp bảo lãnh Chính phủ và thực hiện cấp bảo lãnh Chính phủ;

b) Tham gia đàm phán, cho ý kiến về thỏa thuận vay, phương án phát hành trái phiếu trên cơ sở hồ sơ do đối tượng được bảo lãnh cung cấp;

c) Giám sát việc sử dụng vốn vay; kiến nghị biện pháp, chế tài xử lý trong trường hợp đối tượng được bảo lãnh gặp khó khăn trong trả nợ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

d) Thực hiện nghĩa vụ của người bảo lãnh phát sinh theo văn bản bảo lãnh trong trường hợp đối tượng được bảo lãnh không trả được nợ;

đ) Áp dụng các biện pháp, chế tài theo quy định của pháp luật để thu hồi nợ và các chi phí phát sinh từ việc trả nợ thay cho đối tượng được bảo lãnh;

e) Tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về tình hình cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

2. Đối tượng được bảo lãnh có trách nhiệm sau đây:

a) Cung cấp đầy đủ hồ sơ, chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ cung cấp cho Bộ Tài chính;

b) Chủ trì đàm phán thỏa thuận vay, phát hành trái phiếu;

c) Quản lý, sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh đúng mục đích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đối với bên cho vay;

đ) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người bảo lãnh. Trường hợp không trả được nợ đầy đủ, đúng hạn thì phải chấp hành các biện pháp, chế tài mà người bảo lãnh áp dụng; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật nếu không trả được nợ;

e) Định kỳ hoặc theo yêu cầu của Bộ Tài chính, cung cấp thông tin về tình hình thực hiện dự án và khả năng thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận vay, phát hành trái phiếu; chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đã cung cấp;

g) Báo cáo kịp thời về nguy cơ vi phạm thỏa thuận vay, văn bản bảo lãnh.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Phê duyệt đề án vay, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý;

b) Tham gia ý kiến với Bộ Tài chính trong quá trình thẩm định chủ trương cấp bảo lãnh hoặc thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ;

c) Thanh tra, kiểm tra, đôn đốc đối tượng được bảo lãnh thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện nghĩa vụ của đối tượng được bảo lãnh; chủ trì xử lý các vấn đề liên quan khi xảy ra hành vi vi phạm của đối tượng được bảo lãnh;

d) Phối hợp với Bộ Tài chính xử lý các tranh chấp phát sinh liên quan đến việc thực hiện văn bản bảo lãnh.

4. Chính phủ quy định chi tiết về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Chương VII

QUẢN LÝ NỢ CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

Điều 49. Mục đích vay của chính quyền địa phương

1. Bù đắp bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 50. Nguyên tắc vay của chính quyền địa phương

1. Vay cho bù đắp bội chi của ngân sách địa phương chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình, dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

2. Bảo đảm mức dư nợ vay của chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được trực tiếp vay nước ngoài.

Điều 51. Hình thức vay của chính quyền địa phương

1. Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước.

2. Vay lại từ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

3. Vay từ các nguồn tài chính khác trong nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 52. Điều kiện vay của chính quyền địa phương

1. Vay trong nước để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, thuộc danh mục đầu tư công trung hạn của chính quyền địa phương đã được cấp có thẩm quyền quyết định;

b) Có kế hoạch vay theo từng nguồn vốn để đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công;

c) Trường hợp vay thông qua phát hành trái phiếu, Đề án phát hành trái phiếu phải được lập và thẩm định theo quy định của Chính phủ về phát hành trái phiếu;

d) Trị giá khoản vay, khoản phát hành trái phiếu phải trong mức dư nợ vay và bội chi của ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật này.

Điều 53. Tổ chức vay, trả nợ của chính quyền địa phương

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức vay theo các hình thức quy định tại Điều 51 của Luật này và quy định sau đây:

a) Đối với phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập Đề án phát hành trái phiếu, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và gửi lấy ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính về điều kiện, điều khoản của trái phiếu trước khi tổ chức phát hành;

b) Đối với vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật này;

c) Đối với vay ngân quỹ nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập đề nghị vay vốn kèm theo các hồ sơ liên quan, gửi Bộ Tài chính quyết định;

d) Đối với vay từ các nguồn tài chính khác trong nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đàm phán, ký kết thỏa thuận vay.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí ngân sách địa phương hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác theo định của pháp luật để trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

3. Chính phủ quy định chi tiết về quản lý nợ của chính quyền địa phương.

Chương VIII

BẢO ĐẢM KHẢ NĂNG TRẢ NỢ CÔNG

Điều 54. Bảo đảm khả năng trả nợ công

1. Việc huy động vốn vay phải bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công và chủ động bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

2. Các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động đến quy mô nợ công, trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.

3. Việc chi trả các khoản nợ của ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:

a) Chi trả lãi, phí và chi phí khác phát sinh từ các khoản nợ theo dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền quyết định;

b) Bảo đảm nguồn bội thu, tăng thu so với dự toán, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác để trả các khoản nợ gốc đầy đủ, đúng hạn;

e) Vay mới để trả nợ gốc phải nằm trong tổng mức vay của ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định.

4. Đối tượng được bảo lãnh, đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có trách nhiệm trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

Điều 55. Quản lý rủi ro đối với nợ công

1. Quản lý rủi ro đối với nợ công là việc nhận diện các loại rủi ro đối với danh mục nợ công, xác định mức độ ảnh hưởng để có biện pháp phòng ngừa, xử lý thích hợp, bảo đảm khả năng trả nợ công.

2. Rủi ro về nợ công bao gồm:

a) Rủi ro về lãi suất, tỷ giá ngoại tệ;

b) Rủi ro do biến động của thị trường tài chính ảnh hưởng đến việc huy động vốn;

c) Rủi ro thanh khoản do thiếu các tài sản tài chính có tính thanh khoản để thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết, bao gồm khả năng trả nợ của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương;

d) Rủi ro tín dụng do đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh không trả được nợ đầy đủ, đúng hạn;

đ) Các rủi ro khác có thể ảnh hưởng đến an toàn nợ công.

3. Các biện pháp phòng ngừa rủi ro đối với nợ công bao gồm:

a) Cho vay lại theo phương thức cơ quan cho vay lại chịu toàn bộ rủi ro tín dụng;

b) Thực hiện bảo đảm tiền vay, quản lý tài sản thế chấp đối với các khoản vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ;

c) Yêu cầu đối tượng được bảo lãnh, đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài mua bảo hiểm rủi ro về tín dụng;

d) Thực hiện các nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro chủ động bao gồm mua lại nợ, hoán đổi nợ, sử dụng công cụ phái sinh và các nghiệp vụ khác.

4. Các biện pháp xử lý rủi ro đối với nợ công bao gồm:

a) Cơ cấu lại nợ theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Xử lý tài sản thế chấp và các tài sản khác dùng để bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ;

c) Sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ theo quy định tại khoản 4 Điều 56 của Luật này và các đối tượng được bảo lãnh nhận nợ bắt buộc.

5. Căn cứ vào rủi ro cụ thể, mức độ ảnh hưởng của rủi ro đối với từng khoản nợ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định Đề án cơ cấu lại nợ bao gồm các phương án phòng ngừa và xử lý rủi ro sau đây:

a) Cơ cấu lại nợ trong nước, nước ngoài của Chính phủ;

b) Chuyển nhượng, chuyển đổi sở hữu đối với các doanh nghiệp có nghĩa vụ nợ đối với Chính phủ;

c) Khoanh nợ, xóa nợ khi đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh bị thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng làm mất một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản.

6. Đối với cơ cấu lại nợ thông qua các biện pháp mua lại nợ, hoán đổi nợ, gia hạn nợ, Bộ Tài chính thực hiện theo thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện.

7. Đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh có nghĩa vụ trích lập dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án, lựa chọn công cụ xử lý rủi ro phù hợp để phòng ngừa và xử lý rủi ro; chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền.

8. Chính phủ quy chi tiết về nghiệp vụ quản lý rủi ro đối với nợ công.

Điều 56. Quỹ tích lũy trả nợ

1. Quỹ tích lũy trả nợ được Chính phủ thành lập nhằm bảo đảm khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và dự phòng rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ.

2. Việc quản lý Quỹ tích lũy trả nợ phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Bảo đảm thu đúng, thu đủ và sử dụng nguồn vốn của Quỹ theo quy định của Luật này;

b) Bảo đảm tính thanh khoản, an toàn, bảo toàn và phát triển nguồn vốn của Quỹ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ;

c) Thực hiện công tác kế toán, kiểm toán và công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

3. Nguồn thu của Quỹ tích lũy trả nợ bao gồm:

a) Thu hồi nợ từ các khoản vay về cho vay lại của Chính phủ;

b) Thu dự phòng rủi ro cho vay lại;

c) Thu phí quản lý cho vay lại, phí bảo lãnh chính phủ;

d) Thu hồi các khoản ứng vốn từ Quỹ;

đ) Thu từ nghiệp vụ cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại danh mục nợ;

e) Lãi tiền gửi, cho vay, ủy thác quản lý vốn và đầu tư của Quỹ;

g) Các khoản thu hợp pháp khác.

4. Quỹ tích lũy trả nợ được sử dụng như sau:

a) Hoàn trả ngân sách nhà nước và trả nợ nước ngoài đối với các khoản vay về cho vay lại;

b) Ứng trả thay cho đối tượng được bảo lãnh trong trường hợp đối tượng được bảo lãnh không trả được nợ;

c) Ứng vốn để thực hiện cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại danh mục nợ Chính phủ và nợ được Chánh phủ bảo lãnh theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Chi xử lý rủi ro đối với cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và bảo lãnh Chính phủ theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

đ) Chi nghiệp vụ quản lý nợ công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

5. Nguồn vốn của Quỹ tích lũy trả nợ còn dư sau khi cân đối, sử dụng cho các mục đích theo quy định tại khoản 4 Điều này là nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ, được sử dụng cho ngân sách nhà nước vay trong trường hợp nguồn thu của ngân sách nhà nước chưa tập trung kịp; dịch vụ tiền gửi; ủy thác quản lý vốn; đầu tư trái phiếu Chính phủ. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của Quỹ tích lũy trả nợ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định và phải bảo toàn, hiệu quả.

6. Việc bảo đảm nguồn ngoại tệ của Quỹ tích lũy trả nợ được quy định như sau:

a) Quỹ phải duy trì cơ cấu nguồn ngoại tệ tối thiểu bằng 01 kỳ trả nợ nước ngoài của Chính phủ trong năm;

b) Trường hợp nguồn thu bằng ngoại tệ của Quỹ tích lũy trả nợ không đáp ứng đủ nhu cầu chi bằng ngoại tệ của Quỹ, phần thiếu được quỹ ngoại tệ của ngân sách nhà nước điều hòa.

7. Trong trường hợp Quỹ tích lũy trả nợ không đủ nguồn để chi trả nợ sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro theo quy định của Luật này, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tình hình thu, chi, nghĩa vụ trả nợ, nguyên nhân Quỹ tích lũy trả nợ không đủ nguồn để chi trả nợ, đề xuất phương án xử lý, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

8. Quỹ tích lũy trả nợ thực hiện hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán.

9. Chính phủ quy định chi tiết về cơ chế quản lý Quỹ tích lũy trả nợ.

Chương IX

KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN, THỐNG KÊ, BÁO CÁO VÀ CÔNG BỐ THÔNG TIN VỀ NỢ CÔNG

Điều 57. Kế toán về nợ công

1. Các khoản vay, trả nợ, dư nợ của Chính phủ, nợ chính quyền địa phương phải được hạch toán kế toán theo quy định của Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh phải thực hiện hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật và báo cáo Bộ Tài chính để thống kê, theo dõi.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết về chế độ kế toán đối với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương; thống kê, theo dõi các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ.

Điều 58. Kiểm toán nợ công

1. Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 18 của Luật này.

2. Chủ chương trình, dự án có trách nhiệm ký hợp đồng kiểm toán với doanh nghiệp kiểm toán để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm và kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành theo quy định của pháp luật về kiểm toán độc lập.

Điều 59. Thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về nợ công

1. Việc thống kê nợ công phải bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời; không trùng lặp, không chồng chéo; công khai, minh bạch, có tính so sánh theo quy định của pháp luật.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nợ công để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước về nợ công; ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công cụ, mô hình và các nghiệp vụ quản lý nợ tiên tiến theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

3. Bộ Tài chính xây dựng và quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu về nợ công; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nợ công.

Điều 60. Báo cáo thông tin về nợ công

1. Hằng năm hoặc theo yêu cầu, Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước thông tin về nợ công, bao gồm:

a) Tình hình nợ công và việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công, bao gồm số liệu về dư nợ, cơ cấu nợ, chủ nợ, đồng tiền vay;

b) Tình hình thực hiện kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ, của chính quyền địa phương và hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm;

c) Tình hình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về nợ công;

d) Tình hình cho vay lại, cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, bao gồm các dự án vay lại, bảo lãnh Chính phủ gặp khó khăn trong trả nợ và Quỹ tích lũy trả nợ phải ứng trả thay chi tiết theo từng dự án;

đ) Tình hình quản lý, sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ, bao gồm số liệu dư đầu kỳ, thu, chi phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ;

e) Tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nợ công;

g) Các thông tin khác có liên quan.

2. Hằng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nợ công theo phân công của Chính phủ.

3. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền thông tin về nợ công, bao gồm:

a) Tình hình nợ của chính quyền địa phương, bao gồm tình hình thực hiện kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương, nghĩa vụ trả nợ và số dư nợ của chính quyền địa phương;

b) Tình hình triển khai thực hiện chương trình, dự án sử dụng vốn vay của chính quyền địa phương;

c) Việc quản lý, giám sát nợ của chính quyền địa phương;

d) Các thông tin khác có liên quan.

Điều 61. Công bố thông tin về nợ công

1. Các chỉ tiêu nợ, số liệu nợ công được công bố bao gồm:

a) Nợ Chính phủ, trong đó nợ nước ngoài theo từng bên cho vay; công cụ nợ của Chính phủ theo từng hình thức huy động;

b) Nợ của chính quyền địa phương bao gồm phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, vay từ ngân quỹ nhà nước, các khoản vay khác;

c) Nợ được Chính phủ bảo lãnh bao gồm dư nợ vay và khoản ứng từ Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ thay (nếu có).

2. Việc cung cấp và công bố thông tin về nợ công thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Thẩm quyền công bố thông tin về nợ công được quy định như sau:

a) Bộ Tài chính công bố thông tin về nợ công;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố thông tin về nợ chính quyền địa phương.

4. Hình thức công bố thông tin về nợ công bao gồm:

a) Trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Họp báo, thông cáo báo chí;

c) Bản tin nợ công.

5. Bản tin nợ công được Bộ Tài chính phát hành 06 tháng một lần bằng tiếng Việt và được dịch ra tiếng Anh dưới dạng ấn phẩm và dữ liệu trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

6. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan cho vay lại, cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính đối chiếu, xác nhận số liệu nợ công và các số liệu có liên quan.

Chương X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 62. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

2. Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

3. Trong trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Luật này và Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 thì áp dụng theo quy định của Luật này.

Điều 63. Điều khoản chuyển tiếp

Thỏa thuận vay được ký kết, công cụ nợ được phát hành hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2017.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
----------------

No. 20/2017/QH14

Hanoi, November 23, 2017

 

LAW

ON PUBLIC DEBT MANAGEMENT

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on Public Debt Management.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

1. This Law sets forth public debt management, which covers the borrowing, use of loans and debt repayment and public debt management transactions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 2. Regulated entities

This Law applies to organizations and individuals involved in the borrowing, use of loans, debt repayment and public debt management transactions.

Article 3. Interpretation of terms

For the purposes of this Law, these terms below shall be construed as follows:

1. ”government debt” means a debt arising from an internal or external loan which is signed or issued in the name of the State or the Government.

2. ”sovereign-guaranteed debt” means a debt arising from a loan borrowed by an enterprise or a bank for social policies guaranteed by the Government.

3. ”provincial debt” means a debt arising from a loan borrowed by a People’s Committee of province.

4. ”borrowing” means the process of creating debt obligations through the conclusion and performance of a loan treaty, contract or agreement (hereinafter referred to as loan agreement) or issuing debt instruments.

5. ”ODA loan” (Official Development Assistance loan) means an external loan with a grant element of at least 35% (in case of conditional loan relating to procurement of goods and services as prescribed by the foreign donor) or at least 25% (in case of unconditional loan).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. ”market loan” means a loan provided under market conditions.

8. ”grant element” means a percentage of loan’s face value, reflecting the concessionality of the loan, calculated on the basis of currency, maturity, grace period, interest rate, other related fees with the discount rate equivalent to the loan interest of Vietnamese Government on the market determined when the grant element is calculated.

9. ”debt instrument” refers to a bond, a treasury bill, or development bond, which gives rise to debt obligations.

10. ”sovereign bond” means a debt instrument issued by a government intended for raising funds for state budget or debt restructuring.

11. ”provincial bond” means a debt instrument issued by a People’s Committee of province for raising funds for local budget.

12. ”sovereign-guaranteed bond” means a debt instrument issued by an enterprise or a bank for social policies and guaranteed by the Government.

13. ”treasury bill” means a debt instrument issued by Vietnam State Treasury for a term of up to 52 weeks.

14. “development bond” means a bond issued by the Government intended for raising capital from citizens to build important national projects and other facilities serving production, life and infrastructure for the country.

15. “outstanding debt” means a loan that has been disbursed but remains unpaid at a certain point of time.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

17. “debt repayment” means the repayment of a due debt, including the repayment of principal, interests, and other related fees arising from the loan.

18. “debt restructuring” means a transaction to be used to alter the terms of the debt agreement, restructure a part or the whole of the public debt portfolio, including assignment of ownership, charge-off, write-off, debt purchase, debt extension, debt swap, or any debt restructuring transaction as per the law.

19. “on-lending” means that the Government on-lend a sum of money that it has borrowed from ODA loans or external concessional loans to a People’s Committee of province or a public sector entity.

20. ”sovereign guarantee” means the Government's commitment with the lender to make the repayment of principal and interests in case of borrower’s failure to pay the due debt in full.

21. “limit on sovereign guarantee” means a maximum sum of money that the sovereign guarantees for 1 year or 5 years, being determined by actual sum of loan minus (-) principal.

22. “risks faced by public debt portfolio” means possibility of loss or public debt increase.

Article 4. Public debt classification

1. Government debts include:

a) Debts arising from issue of debt instruments by the Government;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Debts arising from central government budget’s loans borrowed from financial reserve fund of state, state funds available on State Treasury’s accounts (hereinafter referred to as state funds), or off-budget financial fund.

2. Sovereign-guaranteed debts include:

a) Debts of enterprises guaranteed by the Government;

b) Debts of banks for social policies guaranteed by the Government.

3. Provincial debts include:

a) Debts arising from issue of provincial bonds;

b) Debts arising from ODA on-lent loans, external concessional loans;

c) Debts arising from local government budget’s loans borrowed from banks for social policies, financial reserve fund of provinces, state funds, and other loans as per the law on state budget.

Article 5. Principles for public debt management

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Strictly control indicators of public debt safety, ensure a safe and sustainable national finance with macroeconomic stability.

3. Any proposal, appraisal, and approval for a borrowing policy, negotiation and conclusion of loan agreement, issue of debt instruments, or allocation and use of loans must be carried out with proper purposes and effectiveness. A loan granted for financing budget deficit is only used for development investment, not recurrent expenditures.

4. A borrower, end borrower, or sovereign-guaranteed borrower shall discharge obligations tied to a loan, an on-lent loan or a sovereign-guaranteed loan respectively fully and on schedule. An ODA on-lent loan, external concessional loan, or sovereign-guaranteed loan may not be converted into allocated capital of state budget.

5. Ensure that any public debt is calculated accurately and sufficiently; ensure the transparency in public debt management associated with responsibilities of relevant entities in public debt management.

Article 6. State management of public debts

1. Promulgate and implement legislative documents on public debt management.

2. Formulate and implement programs, plans, solutions, and policies on public debt management.

3. Perform public debt management, including proposal, appraisal, and approval for borrowing policies; negotiation and conclusion of loan agreements; issue of debt instruments, allocation and use of loans, debt repayment and public debt management transactions.

4. Monitor and provide information about public debt management and use, and assess effectiveness thereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Give commendation, take actions against violations, and handle complaints and denunciation in terms of public debt management.

Article 7. Supervision of public debt management

1. The National Assembly and each People’s Council shall supervise the implementation of regulations and laws on public debt management as prescribed in the Law on supervisory activities of the National Assembly and People’s Councils and relevant law provisions.

2. Vietnamese Fatherland Front shall supervise the implementation of regulations and laws on public debt management in accordance with regulations of Vietnamese Fatherland Front and relevant law provisions.

Article 8. Prohibited acts in public debt management

1. Borrowing, lending, and guaranteeing loans ultra vires, without approval of competent authorities, or exceeding the limits decided by competent authorities.

2. Using loans for improper purposes or by improper persons, exceeding the prescribed limits; or failure to make debt repayment properly.

3. Taking advantage of one’s position to appropriate or embezzle in public debt management and use.

4. Failing to comply with regulations on public debt management; causing loss or waste of loans due to irresponsibility.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Obstructing the supervision, inspection, audit and actions against violations of laws and regulations on public debt management.

Article 9. Actions against violations of regulations and laws on public debt management

1. The head of an entity shall be held accountable for any violation against regulations and laws on public debt management committed by such entity. Depending on nature and severity of the violation, the head of such entity shall be disciplined or face a criminal prosecution as per the law.

2. Any entity violating regulations and laws on public debt management shall, depending on his/her/its nature and severity of the violation, be disciplined, incur an administrative penalty or face a criminal prosecution, and make compensation in case of causing damage as per the law.

Chapter II

TASKS AND POWERS IN PUBLIC DEBT MANAGEMENT

Article 10. Tasks and powers of the National Assembly

1. Ratify or adjust 5-year public debt borrowing and repayment plans.

2. Ratify or adjust annual total borrowing and repayment amounts of state budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Offer opinions about schemes, projects and reports on public debt management submitted by the Government.

2. Decide the issue of development bonds.

Article 12. Tasks and powers of the State President

1. Decide negotiation, conclusion, ratification and adjustments to ODA or concessional loan agreements in the name of the State as prescribed in the Law on treaties.

2. Require the negotiation, conclusion, ratification and adjustments to ODA or concessional loan agreements in the name of the State as deemed necessary.

Article 13. Tasks and powers of the Government

1. Perform the unified state management of public debts.

2. Request the National Assembly to:

a) Ratify or adjust 5-year public borrowing and repayment plans;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Request the Standing Committee of National Assembly to:

a) Offer opinions about schemes, projects and reports on public debt management;

b) Decide the issue of development bonds.

4. Decide annual limits on loans to be on-lent and Sovereign-guaranteed loans.

5. Approve schemes for issuing sovereign bonds in the international capital market.

6. Report on public debts and indicators of public debt safety to the National Assembly, the Standing Committee of National Assembly, and the State President.

Article 14. Tasks and powers of the Prime Minister

1. Decide 3-year public debt management programs.

2. Decide annual public debt borrowing and repayment plans.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Decide the use of accumulation fund for debt repayment (hereinafter referred to as debt repayment fund) to resolve problems associated with on-lending and sovereign guarantees.

5. Approve schemes for debt restructuring.

6. Approve programs and projects using ODA loans or external concessional loans.

7. Decide and direct the negotiation, conclusion, ratification, and adjustments of external loan agreement in the name of the Government.

8. Decide ODA on-lent loans or external concessional loans for every program or project.

9. Decide sovereign guarantees for every program or project.

Article 15. Tasks and powers of ministries and ministerial-level agencies

1. The Ministry of Finance shall assist the Government in performing the uniform state management of public debts and have the following tasks and powers:

a) Formulate a legislative document on public debt management, and then promulgate it within competence or request a competent authority to promulgate it;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Make a plan for issue of development bonds and submit it to the Government; the Government shall then submit it to the Standing Committee of National Assembly for ratification;

d) Make a plan for annual limits on loans to be on-lent and Sovereign-guaranteed loans and a scheme for issuing sovereign bonds in the international capital market and submit them to the Government for approval;

dd) Make the following plans: 3-year public debt management program, annual public borrowing and repayment plans, issues of sovereign bonds in international capital market, use of debt repayment fund to resolve problems associated with on-lending and sovereign guarantees, schemes for debt restructuring, negotiation, conclusion, approval and adjustments of external loan agreements in the name of the Government, on-lending, issue of sovereign guarantees for every program/project, and then submit them to the Government for approval;

e) Make a plan for negotiation, conclusion, approval and adjustments of ODA loan agreements or external concessional loans in the name of the State and submit it to Prime Minister, the Prime Minister shall then submit it to the State President for approval;

g) Raise funds, issue debt instruments of the Government in the domestic and international capital market; take charge of negotiating and concluding trade loan agreements, framework agreements, agreements on ODA loans and external concessional loans in the name of the State and the Government;

h) Allocate capital to investment programs and projects financed by borrowed capital of the Government as per the law on state budget;

i) On-lend ODA loans or external concessional loans as prescribed by the Prime Minister;

k) Pay principal, interests, and other related fees associated with the Government’s debts;

l) Issue and manage sovereign guarantees according to decisions of the Prime Minister;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

n) Manage debt portfolio, implement schemes for debt restructuring and responses to risks according to decisions of the Prime Minister;

o) Do accounting for government debts; release statistics on, report and publish information about public debts as per the law;

p) Inspect and examine the observance of the law on public debt management.

2. Ministries and ministerial-level agencies cooperate with the Ministry of Finance in performing the roles of regulatory agencies in public debts as assigned by the Government.

Article 16. Tasks and powers of People's Councils of provinces

The People’s Council of a province shall:

1. Decide and adjust annual and 5-year borrowing and repayment plans of the province as prescribed in this Law and regulations and laws on state budget.

2. Decide a list of investment projects funded by borrowed capital of the province as per the law; and approve a scheme for issuing municipal bonds.

3. Oversee the borrowing, on-lending, issues of municipal bonds, use of loans and repayment thereof of the province.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The People’s Committee of a province shall:

1. Make an annual or a 5-year borrowing and repayment plan of the province and submit it to People’s Council of province for approval.

2. Make a 3-year debt management program of the province and send it to the Ministry of Finance; the Ministry of Finance shall then forward it to the Prime Minister.

3. Issue provincial bonds, apply for loans borrowed from other lawful financial sources, ODA on-lent loans, and external concessional loans as prescribed in this Law.

4. Inspect the management and use of loans of the province.

5. Ensure that state budget is enough to make repayment in full and on schedule.

6. Provide explanation and report on mobilization, allocation, management, and use of loans and repayment thereof of the province to competent authorities.

Article 18. Tasks and powers of State Audit Office

Audit operations in connection with public debt management and use, including mobilization, allocation, and use of loans and repayment thereof, loans to be on-lent, and sovereign guarantees; report and publish audit results as prescribed in the Law on State Audit Office of Vietnam.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Use loans in an effective manner, with proper purposes, and intra vires as prescribed in this Law.

2. Fully fulfill obligations arising out of loan agreements, issues of debt instruments, on-lent loan agreements, or sovereign guarantees.

3. Provide information and reports as prescribed in regulations and laws on public debt management.

4. If an/a (end) borrower or guaranteed borrower commits a violation against the law, its head shall incur personal liability for such violation.

Article 20. Responsibilities of entities relating to public debt management

1. The Government, Prime Minister, Ministries, ministerial-level agencies, People’s Committees of province shall take legal responsibility for their performance of tasks and powers as assigned in public debt management.

2. If an entity relating to public debt management commits a violation against the law, its head shall incur personal liability for such violation.

3. Each entity relating to public debt management shall provide explanation and report on proposals, appraisal, and approval for borrowing policies; negotiation and conclusion of loan agreements; issue of debt instruments, allocation and use of loans, debt repayment and public debt management transactions to competent authorities.

Chapter III

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 21. Indicators of public debt safety

1. Indicators of public debt safety mean a system of indicators setting forth public debt ceiling and threshold ratified by the National Assembly.

2. Indicators of public debt safety consist of:

a) Public debt-to-GDP ratio;

b) Government debt-to-GDP ratio;

c) The ratio of debt service of the Government (excluding on-lent loans) to total budget revenues;

d) External debt-to- GDP ratio;

dd) External debt service-to-exports ratio. export turnover.

Article 22. 5-year public borrowing and repayment plans

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Indicators of public debt safety;

b) Total loans and debt service of central government budget and local government budget; limits on loans to be on-lent and Sovereign-guaranteed loans;

c) Public debt management solutions.

2. A report on 5-year public borrowing and repayment plan submitted to the National Assembly for ratification shall at least contain:

a) Evaluate the control of indicators of public debt safety, objectives for and solutions for previous 5-year public borrowing and repayment plan; evaluate results, limitations, reasons thereof, and lessons learned;

b) Objectives and indicators of public debt safety; orientations and solutions for public debt management with a view to ensure a safe and sustainable national finance for the subsequent 5-year period;

c) Total loans and debt service of the Government, including loans to be on-lent, total loans and debt service of provinces, limits on Sovereign-guaranteed loans for the subsequent 5-year period;

d) Essential solutions for carrying out the plan.

3. The People’s Committee of province makes 5-year borrowing and repayment plan of the province, including implementation of the previous 5-year borrowing and repayment plan; evaluation of results, limitations, reasons thereof and lessons learned; orientations and solutions for debt management, total loans and debt service of the provinces for the subsequent 5-year period, and then submit to People's Council of province for consultation before sending it to the Ministry of Finance for consolidating it to the 5-year borrowing and repayment plan.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Procedures for preparing and approving a 5-year financial plan shall apply to the preparing and approving of 5-year public borrowing and repayment plan as prescribed in the Law on State budget.

6. In case of fluctuations in economic growth, inflation, exchange rates, interest rates, or budget deficit or failure to raise a given fund as approved resulting in indicators of public debt safety reaching thresholds, the Government shall adopt appropriate solutions to ensure that indicators of public debt safety will not exceed the ceilings prescribed by the National Assembly. The Government shall make an adjusted plan, as deemed necessary, and submit it to the National Assembly for consideration.

Article 23. 3-year public debt management programs

1. Annually, a 3-year public debt management program shall be made in conjunction with a 3-year financial plan as prescribed in the Law on State budget.

2. A 3-year public debt management program shall at least contain:

a) Evaluation of the progress of public debt management in the current year;

b) Estimates of total loans and debt service of the Government and of provinces, and limits on Sovereign-guaranteed loan of the planning year and the subsequent 2 years;

c) Forecasts of domestic and international capital market; borrowing source capacity and structure; loan and debt service plans; expenses associated with raising funds and possible risks in the planning year and the subsequent 2 years;

d) Essential solutions for carrying out the program.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The Ministry of Finance shall formulate and submit a 3-year public debt management program to the Prime Minister for approval.

Article 24. Annual public borrowing and repayment plans

1. An annual public borrowing and repayment plan shall contain:

a) An annual borrowing and repayment plan of the Government;

b) Annual borrowing and repayment plans of provinces;

c) Annual limits on loans to be on-lent and Sovereign-guaranteed loans.

2. An annual borrowing and repayment plan of the Government shall be done in compliance with the following regulations:

a) The annual borrowing and repayment plan of the Government is made to perform tasks associated with finance, budget, and public investment in the planning year as approved by competent authorities;

b) The annual borrowing and repayment plan of the Government shall contain: loans for financing central budget deficit, repayment of principal, on-lent loans and debt restructuring; debt service, repayment of on-lent loans; loan restructuring and repayment sources;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. An annual borrowing and repayment plan of the province shall be done in compliance with the following regulations:

a) The annual borrowing and repayment plan of the province is made to perform tasks associated with finance, budget, and public investment of the province in the planning year as approved by competent authorities;

b) The annual borrowing and repayment plan of the province shall contain: loans for financing local budget deficit, repayment of principal, repayment of on-lent loans; loan restructuring and repayment sources;

c) Annually, the People’s Committee of province shall make a borrowing and repayment plan of the province at the same with the state budget estimates, and then send it to People’s Council of province for consultation; and then forward it to the Ministry of Finance for consolidation.

4. Annual limits on Sovereign-guaranteed loans shall be done in compliance with the following regulations:

a) Annual Sovereign-guaranteed loan limit is determined provided that the growth rate of outstanding debt of sovereign guarantee does not exceed the growth rate of GDP of the previous year and within Sovereign-guaranteed loan limit for the 5-year period ratified by the National Assembly;

b) According to the need and capacity of raising fund and the Sovereign-guaranteed loan limit for a 5-year period ratified by the National Assembly, the Ministry of Finance shall submit the guaranteed loan limit of the planning year to the Government for approval.

5. The Ministry of Finance shall make a report on total loans and debt service of central budget and include the total loans and debt service of local budget in the state budget estimates, and then send it to the Government; the Government shall then forward it to the National Assembly for ratification.

6. According to annual total loans and debt service of state budget ratified by the National Assembly, limits on loans to be on-lent, Sovereign-guaranteed loans, the Ministry of Finance shall make an annual public borrowing and repayment plan and submit it to the Prime Minister for approval.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter IV

MANAGEMENT OF THE GOVERNMENT LOANS AND REPAYMENT THEREOF

Article 25. Purposes of the Government's loans

1. Financing budget deficit for development investment but not recurrent expenditures.

2. Financing temporary central budget deficit and ensure the liquidity of sovereign bond market.

3. Paying due principal and restructuring Government debts.

4. Grant ODA on-lent loans or external concessional loans to People’s Committees of provinces, public sector entities and enterprises.

Article 26. Forms of Government loans

1. Forms of Government loans include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Conclusion of loan agreements.

2. The Government may borrow in local and foreign currencies, precious metal or goods of local or foreign currency equivalence.

Article 27. Issues of debt instruments in domestic capital market

1. Debt instruments of the Government include:

a) Sovereign bonds;

b) Treasury bills;

c) Development bonds.

2. According to an annual public borrowing and repayment plan, the Ministry of Finance shall issue debt instruments of the Government.

3. The process for issuing debt instruments shall be through bidding, underwriting or private placement.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The Government sets forth issues, registration, deposit, listing and dealings of debt instruments of the Government in the securities market.

Article 28. Issues of sovereign bonds in the international capital market

1. The Government issues sovereign bonds in the international capital market to finance central budget deficit for development investment as prescribed in the Law on State budget and debt structuring of the Government.

2. According to annual state budget estimates and annual public borrowing and repayment plan, the Ministry of Finance shall submit a scheme for issuing sovereign bonds in international capital market to the Government for approval.

3. A scheme for issuing sovereign bonds in international capital market shall at least contain:

a) Necessity of issues of sovereign bonds in the international capital market;

b) Demand for and capacity to raise funds, domestic macro economy, Vietnam’s credit rating and international capital market;

c) Types of processes for bond issuance, amount, terms, expected interest rates, currency, and market;

d) A plan for using raised capital;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The Ministry of Finance shall implement the scheme approved by the Government, the decision of the Prime Minister on issue of sovereign bonds in the international capital market.

Article 29. ODA loans, external concessional loans

1. Ministries, regulatory bodies, and local governments shall make programs and projects for using ODA loans or external concessional loans as prescribed in this Law and relevant law provisions.

2. A program/project for using ODA loans or external concessional loans shall at least contain:

a) Necessity, objectives, and scope of the program/project;

b) Expected total sources of funds and proportion thereof, including external loans and reciprocal capital;

c) Loan amount, lender and loan terms and conditions (if any);

d) Proposed domestically operated financial mechanism; repayment source balance plan;

dd) Expected results of the program/project.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. According to the approval of the Prime Minister, the governing body shall prepare a pre-feasibility study report or a report on program/project for using ODA loans or external concessional loans, and then submit it to the authority competent to decide investment policies as per the law.

5. According to the investment policies on program/project for using ODA loans or external concessional loans approved by competent authority, the government body shall prepare a feasibility study report and then submit it to the authority competent to decide investment as per the law.

6. The State President, the Government and the Prime Minister has the power to negotiate and conclude an ODA or external concessional loan agreement as follows:

a) The Government shall submit a loan agreement in the form of international treaty in the name of the State to the State President for negotiation, conclusion, and ratification;

b) The Prime Minister shall negotiate and conclude a loan agreement in the name of the Government.

7. The conclusion of an ODA loan or external concessional loan agreement is considered qualified when the following conditions are fulfilled:

a) all of investment procedures are completed as per the laws; and

b) the ODA loan or external concessional loan agreement has been approved by the competent authority.

8. ODA loans or external concessional loans must be allocated and used closely and effectively in the following rules:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Given on-lent loans to People’s Committees of provinces, public sector entities, and enterprises.

9. The Government provides guidelines for management of ODA loans and external concessional loans.

Article 30. Other domestic loans

1. Other domestic loans of the Government shall be applied in accordance with the decision of the competent authority or loan agreement, including:

a) Loans borrowed from financial reserve fund of the State according to decisions of competent authorities in accordance with the Law on State budget;

b) Loans borrowed from off-budget financial fund, state funds, loans borrowed from financial institutions or credit institutions in accordance with loan agreement.

2. The loan agreement shall be made in the form of a loan contract, at least containing: loan amount, loan term, interest rate and other charges associated with the loan, options for repayment method, repayment period, extension, and late payment fines (if any), rights and responsibilities of contractual parties, other terms and conditions relating to the loan.

3. According to the annual state budget estimates ratified by the National Assembly and the annual public borrowing and repayment plan approved by the Prime Minister, the Ministry of Finance shall:

a) Request the Prime Minister to apply for a loan borrowed from financial reserve fund of the State to finance the budget deficit as prescribed in the Law on State budget. The Ministry of Finance shall decide a loan with the repayment plan within the year;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Negotiate and conclude a loan agreement with the off-budget financial fund, a financial institution, or a credit institution.

Article 31. Use of the Government's loans

1. If a program/project is eligible for state funding, the procedures below shall be followed:

a) Expenditures of the program/project eligible for funding from central budget shall be included in expenditure estimate of central budget, which shall then be submitted to the National Assembly for ratification;

b) Dedicated additional loans for local budget shall be included in expenditure estimate of local budget, which shall then be submitted to the National Assembly for ratification;

c) Expenditures of the program/project eligible for funding from local budget shall be included in the expenditure estimate of local budget, which shall then be submitted to the People’s Council of province for ratification.

2. In case of end borrowers, the Ministry of Finance shall appraise and conclude or authorize a bank for social policies/credit institution to appraise and conclude an on-lent loan contract as prescribed in this Law.

Article 32. Repayment of government debts

1. The Government shall set aside an amount in central budget to repay government debts. The National Assembly shall ratify the new loan amount to pay off the principal in the total loan of annual state budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Ministry of Finance and an intermediary borrower authorized by the Ministry of Finance must recover such an amount of principal, interests, and other related fees associated with programs and projects for ODA on-lent loans and external concessional loans, and then deposit the amount to the debt repayment fund to ensure external loan repayment.

Chapter V

MANAGEMENT OF ODA ON-LENT LOANS AND EXTERNAL CONCESSIONAL LOANS

Article 33. Eligible end borrowers and intermediary borrowers

1. Eligible end borrowers of ODA on-lent loans and external concessional loans include:

a) People's Committees of provinces;

b) public sector entities; and

c) enterprises.

2. Intermediary borrowers include the Ministry of Finance, banks for social policies, and credit institutions authorized to on-lend loans by the Ministry of Finance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Government only on-lends ODA loans or external concessional loans; the Government does not issue sovereign bonds in the international capital market or request foreign commercial loans to on-lend them.

2. The Government shall on-lend the whole or a part of ODA loans or external concessional loans to eligible end borrowers prescribed in Clause 1 Article 33 of this Law.

3. Each loan must be on-lent in transparent and effective manner, to eligible end borrowers and with proper purposes approved by competent authorities.

4. An on-lent loan amount, maturity, and grace period shall not exceed the respective items prescribed in the external loan agreement of the Government; the on-lent currency and repayment currency is the currency in which the external loan is borrowed. If the external debt is paid back in Vietnam dong, the selling exchange rate at the time of repayment disclosed by Joint Stock Commercial Bank for Foreign Trade of Vietnam, commonly referred to as Vietcombank, shall apply.

5. On-lending interest rate includes external loan interest rate, charges specified in the loan agreement, charges for management of on-lent loans and on-lent loan loss reserves.

6. The end borrower must have a feasible financial plan approved by competent authority as prescribed in Article 38 of this Law.

Article 35. On-lending methods

1. The Ministry of Finance shall on-lend a loan to the People’s Committee of province to carry out programs and projects for socio-economic development eligible for funding from local budget in compliance with the laws and regulations on state budget.

2. An intermediary borrower being bank for social policies authorized by the Ministry of Finance shall on-lend loans to enterprises or public sector entities to carry out programs and projects named in the list of preferred investments of state. In this case, the intermediary borrower will not take the credit risk.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Its credit rating graded by an international credit rating agency is equal or one level lower than its national credit rating.

b) It shall take all credit risks.

Article 36. Eligibility for on-lent loans

1. A People’s Committee of province is eligible for an on-lent loan when it fulfills the following conditions:

a) it has a program/projects for socio-economic development under a mid-term public investment plan of province approved by the competent authority and investment procedures thereof have been completed as per the law;

b) the program/project mentioned in Point a of this Clause is funded by ODA loans or external concessional loans;

c) there is no debt overdue for more than 180 days associated with an ODA on-lent loan or an external concessional loan;

d) the outstanding debt of local budget at the time of applying for on-lending loans does not exceed certain amount of that as prescribed in laws and regulations on state budget; and

dd) the local budget commits to pay off the loan in full and on schedule.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) it has exercised financial autonomy associated with recurrent expenditures and investment expenditures and has taken its own responsibility for capital efficiency and debt repayment as per the law;

b) it has an investment project to be financed by ODA on-lent loans approved by the competent authority and has completed relevant investment procedures as per the law;

c) it has a feasible financial plan approved by competent authority as prescribed in Article 38 of this Law;

d) it has no overdue debt when an application for an on-lent loan is submitted; and

dd) the loan has been secured as per the law.

3. An enterprise is eligible for an on-lent loan when it fulfills the following conditions:

a) it has legal status, established lawfully in Vietnam and operated for at least 3 years;

b) it has an investment project to be financed by ODA on-lent loans approved by the competent authority and has completed relevant investment procedures as per the law;

c) it has a feasible financial plan approved by competent authority as prescribed in Article 38 of this Law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) it has not incurred loss for the last 3 consecutive years according to the audit report, except for the loss incurred due to adoption of state policies as approved by competent authority;

e) it has no overdue debt when the application for an on-lent loan is submitted; and

g) the loan has been secured as per the law.

Article 37. Charge for managing on-lent loans, on-lent loan loss reserves

1. Charge for managing on-lent loans:

a) The charge for managing on-lent loans is 0.25 per year calculated based on on-lent outstanding debt to be paid by the end borrower;

b) The abovementioned charge is used to pay expenses associated with borrowing, management, and recovery of on-lent loans by intermediary borrower.

2. On-lent loan loss reserves:

a) The on-lent loan loss reserve is calculated according to evaluation of the end borrower’s financial situation and level of risks of each program/project provided not exceeding 1.5% per year based on the outstanding debt to be paid by the end borrower;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The on-lent loan loss reserve is set aside as an allowance for external loan repayment if the end borrower fails to pay off the debt in full and on schedule.

Article 38. Assessment of on-lent loans

1. An ODA on-lent loan or external concessional loan to be given to a People’s Committee of province shall be assessed as follows:

a) The Ministry of Finance shall assess if the People’s Committee of province is eligible for on-lent loans as prescribed in Clause 1 Article 26 of this Law;

b) According to the assessment results and relevant documentation, the Ministry of Finance shall request the Prime Minister to consider giving the on-lent loan to such People’s Committee of province.

2. An ODA on-lent loan or external concessional loan to be given to a public sector entity or enterprise shall be assessed as follows:

a) The end borrower shall send the on-lent loan application and documentation on program/project to the Ministry of Finance and the intermediary borrower. The end borrower shall take responsibility for the accuracy and truthfulness of documents applied for on-lent loans;

b) The following matters shall be assessed: eligibility for on-lent loans prescribed in Clause 2 and Clause 3 Article 36 of this Law; end borrower’s financial situation; borrowing and use plan, revenues, expenses, investment efficiency and creditworthiness of the end borrower; collateral; plan for management and disposition of collateral; level of risks, risk prevention and mitigation;

c) The intermediary borrower shall assess matters prescribed in Point b of this Clause; offer opinions about creditworthiness and propose eligibilities for the on-lent loan and on-lent loan loss reserves applicable to the end borrower;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 39. On-lent loan credit risk management

1. The on-lent loan credit risk arises when the end borrower defaults on the debt obligations or fails to repay debt in full and on schedule as specified in the on-lent loan contract.

2. The risk control shall be considered on a case-by-case basis based on reasons, level of risks and creditworthiness of the end borrower.

3. Responses to assessed risks associated with on-lent loans shall be adopted in accordance with Article 55 of this Law.

4. If the end borrower still defaults on the debt despite adoption of responses to assessed risks, the Ministry of Finance shall take charge and cooperate with Ministries, regulatory bodies, and local governments in formulating a scheme for debt restructuring and submitting it to the Prime Minister for approval.

Article 40. Responsibilities of intermediary borrowers and end borrowers

1. The Ministry of Finance and intermediary borrowers shall:

a) Monitor and examine the use of on-lent loans by end borrowers;

b) Complete legal dossiers, manage and dispose of collateral and other assets tied to the loan as security pledged by the end borrower;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Send periodic or ad-hoc report on implementation of programs and projects financed by on-lent loans to competent authorities and take responsibility for the accuracy and truthfulness of these reports;

dd) In case of an intermediary borrower taking all of credit risks, if it fails to recover a part or the whole of borrowed fund, including principals, interests, and other related fees, after applying necessary methods and sanctions, it must repay the debt on behalf of the end borrower.

2. The end borrower must:

a) Manage and use the on-lent loan with proper purposes as approved by the competent authority;

b) Repay debts in full and on schedule under the terms and conditions specified in the on-lent loan contract. If the end borrower fails to repay debt in full and on schedule, it must observe methods and sanctions applied by the intermediary borrower to recover debts and to incur liabilities as per the law;

c) Comply with the law on mortgage and loan security methods;

d) Send periodic or ad-hoc report on implementation of programs and projects financed by on-lent loans to the Ministry of Finance, intermediary borrower, and competent authorities and take responsibility for the accuracy and truthfulness of these reports.

3. The Government provides guidelines for management of ODA on-lent loans and external concessional loans.

Chapter VI

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 41. Borrowers of sovereign guarantees

1. Any enterprise whose investment projects are subject to investment policy decisions of the National Assembly, the Government, or subject to investment decision of the Prime Minister as prescribed in the Law on Investment and the Law on Public Investment.

2. Any bank for social policies that have carried out state credit program.

Article 42. Policies on issue of sovereign guarantees

1. A guaranteed borrower may, according to its need, apply for issue of sovereign guarantees associated with the state credit program to the Ministry of Finance for consolidating, determining the limit on sovereign-guaranteed loan for 5 years and annually, and then submit application to the competent authority for decision.

2. According to the annual sovereign-guaranteed loan limit that has been determined, the Ministry of Finance shall request the Prime Minister to issue sovereign guarantees to every specific program/project.

Article 43. Eligibility for sovereign guarantees

1. An enterprise is eligible for a sovereign guarantee when it fulfills the following conditions:

a) it has legal status, established lawfully in Vietnam and operated for at least 3 years;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) it has no overdue debt when the application for a sovereign guarantee is submitted;

d) its debt-to-equity ratio does not exceed 3 to 1 according to the last annual financial statement of the year of assessment;

dd) The guarantee amount is within the annual guarantee limit approved by the Government;

e) it has completed investment procedures under the investment law and other relevant laws;

g) it has the financial plan assessed by the Ministry of Finance and approved by the Prime Minister;

h) its ratio of owner’s equity to total investment of the project is at least 20%. The owner’s equity will be disbursed according to time for performance.

2. A bank for social policies is eligible for a sovereign guarantee when it fulfills the following conditions:

a) It has established and operated as per the law and raised funds in accordance with its charter promulgated by the competent authority;

b) The guarantee amount is within the annual guarantee limit approved by the Government;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. When an enterprise issues sovereign-guaranteed bonds in the domestic capital market, it must both fulfill conditions prescribed in Clause 1 of this Article and obtain an application for issue of bonds as prescribed in laws on securities and relevant law provisions.

Article 44. The power to issue sovereign guarantees

1. The Ministry of Finance shall take charge and cooperate with relevant agencies in assessing applications for issue of sovereign guarantees associated with state credit program, investment project, and then send the assessment results to the Prime Minister.

2. The following matters in an application for issue of sovereign guarantee shall be assessed:

a) financial situation of the borrower;

b) Financial plan of the program/project financed by the loan and creditworthiness;

c) Terms and conditions of the sovereign-guaranteed loan;

d) Risks of the program/project associated with sovereign-guaranteed loan.

Article 45. Limit on sovereign guarantee for investment project

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Apart from the sovereign-guaranteed loan prescribed in Clause 1 of this Article, the sovereign-guaranteed borrower must undertake that it may maintain sufficient sources of funds to carry out the project with total estimated investment as approved.

Article 46. Management of sovereign guarantees

1. The guaranteed borrower must pay a sum of guarantee fee depending on risk level of each program/project but not exceeding 2% of guaranteed outstanding debt. The proceed of guarantee fee may be appropriated partially for the management of sovereign guarantees.

2. The guaranteed borrower must put an asset up as collateral as prescribed in laws on security interest registration.

3. Any assignment of rights and obligations of the borrower associated with a sovereign-guaranteed loan must undertake that obligations of the guarantor remain unchanged and notified to the Ministry of Finance in advance. The assignee shall inherit all of rights and obligations associated with the guaranteed loan.

4. Any assignment of a sovereign-guaranteed loan by the guaranteed borrower must undertake that the guarantor does not incur heavier obligations, with the consent of the lender. The guaranteed borrower shall report on the assignment to the Ministry of Finance and the Ministry of Finance shall then forward it to the Prime Minister for approval.

5. Any division, consolidation, acquisition, or conversion of business entity type of the guaranteed borrower must undertake that the guarantor does not incur heavier obligations and be reported to the Ministry of Finance; the Ministry of Finance shall then forward it to the Prime Minister for approval.

6. The assignment of shares of a shareholder whose name is included in the list of shareholders holding at least 65% of shares which has been registered with the Ministry of Finance when the application for issue of sovereign guarantee has been assessed shall be reported to the Ministry of Finance, the Ministry of Finance shall then forward it to the Prime Minister for approval.

7. The assignment of project or project property after investment of the guaranteed borrower must undertake that the obligations of the guarantor are not expanded and obligations of the guaranteed borrower towards the lender and the guarantor do not change. The guaranteed borrower shall report on the assignment to the Ministry of Finance and the Ministry of Finance shall then forward it to the Prime Minister for approval.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 47. Management of sovereign guarantee risks

1. Sovereign-guaranteed loans and bonds must be monitored for risk prevention and mitigation.

2. Any guaranteed borrower that has overdue debt arising from debt repayment fund must be supervised by the Ministry of Finance as prescribed by the Government.

3. The sovereign guarantee risk prevention and mitigation shall be done in accordance with Article 55 of this Law.

Article 48. Responsibilities of guarantors, borrowers, Ministries, ministerial-level agencies, and People’s Committees of provinces

1. The Ministry of Finance acting as the guarantor shall:

a) Assess policies and applications for issue of sovereign guarantees and issue sovereign guarantees;

b) Negotiate, offer opinions about loan agreement and bond issue plans in consideration of the application submitted by the guaranteed borrower;

c) Supervise the use of loan; make a proposal for measures and sanctions when a borrower faces difficulty in debt service, and send it to the Prime Minister for approval;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Apply necessary measures and sanctions as per the law to recover debts and expenses arising from the debt repayment on behalf of the borrower;

e) Consolidate and report on the issue and management of sovereign guarantees to competent authorities.

2. The guaranteed borrower must:

a) Provide adequate documentation and take responsibility for accuracy and truthfulness of documentation furnished to the Ministry of Finance;

b) Preside over negotiation of loan agreement or bond issue;

c) Manage and use the sovereign-guaranteed loan with proper purposes as approved by the competent authority;

d) Discharge debt obligations to the lender in full;

dd) Fulfill obligations to guarantor adequately. When failing to repay debts in full and on schedule, the borrower must abide by measures and sanctions applied by the guarantor; and take legal responsibility in case of debt default;

e) Provide information about the performance of project, and fulfillment of obligations specified in the loan agreement or bond issue on a regular basis or at the request of the Ministry of Finance; and take responsibility for the accuracy and truthfulness of the information;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Relevant Ministry, ministerial-level agency, or People’s Committee of province shall:

a) Approve scheme for loan or bond issue of enterprises under its scope of management;

b) Cooperate with the Ministry of Finance in assessing the policy on issue of guarantee or sovereign guarantee;

c) Inspect and expedite guaranteed borrowers under its management to fulfill their obligations; take actions against violations committed by guaranteed borrowers;

d) Cooperate with the Ministry of Finance in settling any dispute arising from the implementation of letter of guarantee.

4. The Government shall provide guidelines for issue and management of sovereign guarantees.

Chapter VII

MANAGEMENT OF PROVINCIAL DEBTS

Article 49. Purposes of provincial loans

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Repaying principal of local budget loans as prescribed in the Law on State Budget.

Article 50. Rules for provincial loans

1. A loan granted for financing local budget deficit is only used for development investment to carry out programs and projects in the mid-term public investment plan ratified by People’s Council of province.

2. The outstanding debt of a province must maintain a limit as prescribed in laws and regulations on state budget.

3. The People’s Committee of province may not apply for any external loan.

Article 51. Forms of provincial loans

1. Issuing provincial bonds in domestic capital market.

2. Receiving ODA on-lent loans or external concessional loans.

3. Applying for loans from other domestic financial sources as prescribed in laws and regulations state budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A People Committee of province which applies for a domestic loan for a project of socio-economic development eligible for funding from local budget as prescribed in the Law on State Budget must fulfill the following conditions:

a) The project has completed investment procedures as per the law and has been included in a list of mid-term public investment of province with approval of the competent authority;

b) It has a loan repayment plan according to every source of funds for investment as set forth in the Law on State Budget and the Law on Public Investment;

c) In case of raising a loan through bond issue, the scheme for issuing bonds must be made and assessed as prescribed in regulations of the Government on bond issues;

d) The amount of the loan or issued bonds is within the local budget's outstanding debt and deficit in accordance with laws and regulations on state budget.

2. A People’s Committee of province applying for ODA on-lent loan or external concessional loan must fulfill the conditions prescribed in Clause 1 Article 36 of this Law.

Article 53. Applying for and repaying provincial loans

1. A People’s Committee of province shall apply for a loan through forms prescribed in Article 51 of this Law and the following regulations:

a) In case of issuing provincial bonds in the domestic capital market, the People’s Committee of province shall make a scheme for bond issue, send it to the People’s Council of province for ratification, and then forward it to the Ministry of Finance for approval in terms of terms and conditions of bonds before the issue;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) In case of a state fund loan, the People’s Committee of province shall submit an application for state fund loan enclosed with relevant documentation to the Ministry of Finance for decision;

d) In case of a loan from other domestic financial sources, the People’s Committee of province shall negotiate and conclude a loan agreement.

2. The People’s Committee of province shall set aside an amount in local budget or from other legitimate sources of funds as per the law to repay debt in full and on schedule.

3. The Government shall provide guidelines for provincial debt management.

Chapter VIII

CAPACITY TO REPAY PUBLIC DEBTS

Article 54. Capacity to repay public debts

1. The fund raising in form of loans must maintain indicators of public debt safety within prescribed limits and set aside amounts to repay public debts in full and on schedule.

2. A new loan only is granted after fully evaluating impacts on scope of public debts, capacity to repay debt for a mid-term period and ensuring limits on indicators of public debt safety.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Pay interests, charges and other expenses arising out of the debts according to the annual state budget estimates approved by the competent authority;

b) Gain revenue surplus and revenue increase as mentioned in the responding estimate, attain expenditure decrease, budget surplus and other legitimate sources of funds to repayment principals in full and on schedule;

c) The National Assembly shall ratify the new loan amount to pay off the principal to be included in the total loan of annual state budget.

4. Borrowers of guarantees and ODA on-lent loans or external concessional loans must repay debts in full and on schedule.

Article 55. Risk management of public debts

1. Risk management of public debts refers to the identification of risks faced by public debt portfolios, determination of extent of negative impacts thereof with the purpose of adopting prevention and remedial measures and ensuring the capacity to repay public debts.

2. Public debt risks include:

a) Risks of interest rates, foreign exchange rates;

b) Risks from fluctuations of financial market that affect the fund raising;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Credit risk caused by failure of end borrowers or guaranteed borrowers to repay the debt in full and on schedule;

dd) Other risks likely to affect the public debt safety.

3. Preventive measures for risks faced by public debts, including:

a) Granting on-lent loans in which the intermediary borrower takes all of credit risks;

b) Request security for loans, manage collateral for loans to be on-lent and sovereign guarantees;

c) Require borrowers of sovereign guarantees, ODA on-lent loans or external concessional loans to purchase trade credit insurance;

d) Conduct active preventive transactions, including debt purchase, debt swap, use of derivatives and other transactions.

4. Responses to risks faced by public debts, including:

a) Restructuring debts according to the scheme approved by the competent authority;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Use debt repayment fund as prescribed in Clause 4 Article 56 of this Law and require guaranteed borrowers of sovereign guarantees to undertake to be in debt.

5. According to specific risks and impacts thereof on every loan, the Ministry of Finance shall take charge and cooperate with relevant agencies in submitting a scheme for debt restructuring to the Prime Minister for approval, including preventive measures for and responses to risks as follows:

a) Restructure domestic and external debts of the Government;

b) Assign ownership of enterprises with debt obligations to the Government;

c) Make a charge-off or write-off when an end borrower or a guaranteed borrower suffers partial or total loss of capital and assets due to force majeure events.

6. The Ministry of Finance shall restructure debts through debt purchase, debt swap, or loan deferment and report on them to the Prime Minister.

7. An end borrower or guaranteed borrower must set aside reserves to response to risks as per the law; make plans for responses to risks as deemed appropriate; and subject to inspection and supervision of competent authorities.

8. The Government shall provide guidelines for risk management transactions associated with public debts.

Article 56. Debt repayment fund

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The management of debt repayment fund must meet the following requirements:

a) Ensure accurate and adequate collection and use sources of fund as prescribed in this Law;

b) Ensure liquidity, safety, maintenance and growth of the fund, raise effectiveness of the fund;

c) Do accounting and audit and make financial disclosure as per the law.

3. Revenues of the debt repayment fund comprise:

a) Debts recovered from loans to be on-lent of the Government;

b) Receipt from on-lent loan loss reserves;

c) Receipt from charges for management of on-lent loans and sovereign guarantees;

d) Funds recovered from amounts advanced from the fund;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Deposit interests, loan interests, and receipt from sources of fund as trust services;

g) Other lawful revenues.

4. The debt repayment fund is used to:

a) Repay loans to be on-lent to state budget and external loans;

b) Advance funds for guaranteed borrowers of sovereign guarantee when they default on the debt;

c) Advance funds for debt restructuring, restructuring portfolios of government debts and sovereign-guaranteed debts according to the scheme approved by competent authority;

d) Finance expenditures on responses to risks arising from ODA on-lent loans or external concessional loans and sovereign guarantees as decided by the competent authority;

dd) Finance expenditures on public debt management transactions as decided by the Prime Minister.

5. The sources of the debt repayment fund after balancing, used for purposes prescribed in Clause 4 of this Article, are considered temporary idle funds and to be financed to the state budget when revenues of state budget have not been raised enough; deposit services; fund management trust services; or government/sovereign bond investment. The Ministry of Finance shall decide the management and use of aforementioned idle funds and ensure its maintenance and effectiveness.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The proportion of foreign currencies must be maintained in such a way that the Government must repay enough external debt service within at least a certain period in a year;

b) If the revenue in foreign currencies of the debt repayment fund is not enough to meet the expenditure on foreign currencies, the deficit shall be financed by the foreign currency fund of state budget.

7. If the debt repayment fund is not enough to repay debt service despite responses to risks in accordance with this Law, the Government shall report on revenues, expenditures, debt service, reasons for insufficient fund for debt repayment, and remedial measures to the Standing Committee of National Assembly, and then the Standing Committee of National Assembly shall forward it to the National Assembly for ratification as prescribed in laws and regulations on state budget.

8. The debt repayment fund shall do accounting in accordance with laws and regulations on accounting.

9. The Government shall provide guidelines for management of debt repayment fund.

Chapter IX

ACCOUNTING, AUDITING, STATISTICS, REPORTS AND DISCLOSURE OF INFORMATION ABOUT PUBLIC DEBTS

Article 57. Accounting of public debts

1. Any loan, debt repayment, outstanding debt of the Government, or provincial debt shall be accounted as prescribed in the Law on Accounting, the Law on State Budget and relevant law provisions.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Minister of Finance shall provide guidelines for accounting system associated with loans and debt repayment of the Government and provinces; release statistics on and monitor debts arising from on-lent loans and sovereign guarantees.

Article 58. Auditing of public debts

1. State Audit Office shall perform its tasks and powers as prescribed in Article 18 of this Law.

2. The manager of a program/project must enter into an audit agreement with an audit firm with the purpose of auditing annual financial statements and final investment accounts as prescribed in laws and regulations on independent audits.

Article 59. Statistics on and establishment of a database on public debts

1. The statistics on public debts must stay honest and impartial, accurate, adequate, and timely; remain free of duplication and redundancy-free; and keep transparent and comparative as per the law.

2. Apply information technology in public debt management to meet objectives and tasks of public debt state management; give priorities to researches and application of advanced tools, diagrams, and practices of debt management in accordance with international practices and standards, in conformity with socio-economic development conditions for certain periods.

3. The Ministry of Finance shall establish a single database on public debts; develop applications in public debt management.

Article 60. Reports on public debts

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Public debts and indicators of public debt safety, including outstanding debts, debt structure, creditors, borrowed currencies;

b) Implementation of borrowing and repayment plan of the Government, provinces and annual sovereign-guaranteed loan limits;

c) Negotiation and conclusion of international treaties on public debts;

d) On-lent loans, issue and management of sovereign guarantees, including projects on on-lending or sovereign guarantees that face difficulty in repaying debts and the debt repayment fund must be advanced to cover such debts, on the case-by-case basis;

dd) Management and use of debt repayment fund, including opening balance, accrual revenues and expenditures, closing balance;

e) Implementation of resolutions of the National Assembly and the Standing Committee of National Assembly on public debts;

g) Other related information.

2. Annually, Ministries and ministerial-level agencies must send a report to the Government on implementation of public debt state management as assigned by the Government.

3. Annually, People's Committees of provinces shall send reports on public debts to People's Councils of provinces, the Ministry of Finance and competent agencies, at least containing:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Implementation of programs and projects eligible for provincial loans;

c) Management and supervision of provincial debts;

d) Other related information.

Article 61. Public debt information disclosure

1. Indicators of public debts to be disclosed comprise:

a) Government debts, including external debts listed by lenders; government debt instruments listed by instrument types;

b) Provincial debts, including provincial bonds, ODA on-lent loans, external concessional loans, loans taken out from state funds, and other loans;

c) Sovereign-guaranteed debts, including outstanding debts and advances from the debt repayment fund (if any).

2. Information about public debts under the list of state secret matters shall be provided and disclosed in accordance with laws and regulations on state secret protection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The Ministry of Finance shall disclose information on public debts;

b) Presidents of People’s Committees of provinces shall disclose information on provincial debts.

4. Public debt information shall be disclosed in the following forms:

a) Websites of the Ministry of Finance and the People’s Committees of provinces;

b) Press conferences, press releases;

c) Public debt newsletter.

5. Public debt newsletters shall be issued biannually by the Ministry of Finance in Vietnamese and English translation in the form of publication and data in the website of the Ministry of Finance.

6. Ministries, ministerial-level agencies, People’s Committees of provinces, intermediary borrowers, and relevant agencies shall cooperate with the Ministry of Finance in collating and confirming data of public debts and relevant matters.

Chapter X

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 62. Entry in force

1. This Law comes into force as of July 1, 2018.

2. The Law on Public Debt Management No. 29/2009/QH12 expires from the date on which the effective date of this Law.

3. In case of any discrepancy in the regulations on the same matter between this Law, the Law on Public Investment No. 49/2014/QH13, and the Law on the State bank of Vietnam No. 46/2010/QH12, the regulation of this Law shall prevail.

Article 63. Transitional regulations

A loan agreement concluded, a debt instrument or a sovereign guarantee issued before the effective date of this Law shall be done in accordance with the Law on Public Debt Management No. 29/2009/QH12.

This Law is passed on November 23, 2017 by the 14th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam at its 4th session.

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Quản lý nợ công 2017

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


75.115

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.128.210
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!