Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: Khongso Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: *** Người ký: ***
Ngày ban hành: 24/07/1971 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

CÔNG ƯỚC BERNE

VỀ BẢO HỘ CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC VÀ NGHỆ THUẬT

(Đạo luật Paris, ngày 24 tháng 07 năm 1971 Sửa đổi ngày 28 tháng 09 năm 1979)

(Văn kiện này do Cục Bản quyền tác giả văn học-nghệ thuật, Bộ VHTT cung cấp)

Các nước tham gia Liên hiệp cùng xuất phát từ lòng mong muốn bảo hộ theo một phương thức hữu hiệu và nhất quán các quyền lợi của các tác giả đối với tác phẩm văn học và nghệ thuật của họ,

Công nhận tầm quan trọng về kết quả của Hội nghị xem xét lại văn bản họp ở Stockholm năm 1967,

Quyết định sửa đổi Đạo Luật đã được Hội nghị Stockholm thông qua, đồng thời vẫn giữ nguyên vẹn các Điều từ 1 đến 20 và từ 22 đến 26 của Đạo Luật đó.

Do vậy, những đại biểu toàn quyền ký tên dưới đây, sau khi xuất trình thư uỷ nhiệm toàn quyền của mình và được công nhận là hợp lệ, đã thoả thuận những điều sau đây:

Điều 1

(Thành lập một Liên hiệp)

Các nước áp dụng Công ước này hợp thành một Liên hiệp để bảo hộ các quyền của tác giả đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật của họ.

Điều 2

(Tác phẩm được bảo hộ: 1. Tác phẩm văn học và nghệ thuật;  2. Khả năng yêu cầu sự định hình; 3. Tác phẩm phái sinh;  4. Văn bản chính thức; 5. Sưu tập; 6. Nghĩa vụ bảo hộ, chủ thể hưởng sự bảo hộ;  7. Tác phẩm mĩ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp; 8. Tin tức.)

1. Thuật ngữ "Các tác phẩm văn học và nghệ thuật" bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào, chẳng hạn như sách, tập in nhỏ và các bản viết khác, các bài giảng, bài phát biểu, bài thuyết giáo và các tác phẩm cùng loại; các tác phẩm kịch, hay nhạc kịch, các tác phẩm hoạt cảnh và kịch câm, các bản nhạc có lời hay không lời, các tác phẩm điện ảnh trong đó có các tác phẩm tương đồng được thể hiện bằng một quy trình tương tự quy trình điện ảnh, các tác phẩm đồ họa, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, bản khắc, thạch bản; các tác phẩm nhiếp ảnh trong đó có các tác phẩm tương đồng được thể hiện bằng một quy trình tương tự quy trình nhiếp ảnh; các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, minh họa, địa đồ, đồ án, bản phác họa và các tác phẩm thể hiện không gian ba chiều liên quan đến địa lý, địa hình, kiến trúc hay khoa học.

2. Tuy nhiên, luật pháp Quốc gia thành viên của Liên hiệp có thẩm quyền quyết định không bảo hộ các tác phẩm nói chung hoặc những thể loại cụ thể nào đó, trừ phi các tác phẩm ấy đã được ấn định bằng một hình thái vật chất.

3. Các tác phẩm dịch, mô phỏng, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác từ một tác phẩm văn học nghệ thuật đều được bảo hộ như các tác phẩm gốc mà không phương hại đến quyền tác giả của tác phẩm gốc.

4. Luật pháp Quốc gia là thành viên Liên hiệp có thẩm quyền, quy định việc bảo hộ đối với các văn bản chính thức của Nhà nước về lập pháp, hành pháp hay tư pháp cũng như các bản dịch chính thức của các văn kiện đó.

5. Các tuyển tập các tác phẩm văn học nghệ thuật, chẳng hạn như các bộ bách khoa từ điển và các hợp tuyển, nhờ phương pháp chọn lọc và kết cấu tư liệu mà tạo thành một sáng tạo trí tuệ, cũng được bảo hộ như một tác phẩm mà không phương hại đến quyền tác giả của các tác phẩm tạo nên các hợp tuyển này.

6. Các tác phẩm nói trong Điều 2 này được hưởng sự bảo hộ ở tất cả các nước thành viên của Liên hiệp. Sự bảo hộ này dành cho tác giả và những người sở hữu quyền tác giả.

7. Luật pháp Quốc gia là thành viên của Liên hiệp có quyền quy định lĩnh vực áp dụng luật đối với các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, thiết kế công nghiệp và các mô hình công nghiệp; quyết định những điều kiện để các tác phẩm này được bảo hộ, miễn là phải phù hợp với Điều 7(4) của Công ước này. Những tác phẩm nào chỉ được bảo hộ như một thiết kế và mô hình công nghiệp ở Quốc gia gốc, thì cũng chỉ được hưởng quyền bảo hộ đặc biệt dành cho loại đó ở một Quốc gia khác trong Liên hiệp. Tuy nhiên, nếu Quốc gia này không có sự bảo hộ đặc biệt nói trên, thì các tác phẩm ấy sẽ được bảo hộ như những tác phẩm nghệ thuật khác.

8. Việc bảo hộ theo Công ước này không áp dụng cho những tin tức thời sự hay sự kiện, số liệu vụn vặt chỉ mang tính chất thông tin báo chí.

Điều 2bis

(Sự hạn chế bảo hộ có thể có đối với một số loại tác phẩm: 1. Một số bài diễn văn; 2. Một số hình thức sử dụng bài giảng, bài phát biểu; 3. Quyền làm tuyển tập những tác phẩm loại này.)

1. Luật pháp Quốc gia là thành viên của Liên hiệp có thẩm quyền miễn trừ toàn phần hoặc bộ phận sự bảo hộ được quy định tại Điều trên đối với các bài diễn văn chính trị hay những bài phát biểu trong những buổi tranh luận về tư pháp.

2. Luật pháp Quốc gia là thành viên Liên hiệp cũng có quyền quy định những điều kiện để những bài diễn văn, thuyết trình và những tác phẩm cùng loại đã trình bày trước công chúng, được đăng lên báo, phát thanh, phổ biến đến quần chúng bằng đường dây hay bằng thông tin đại chúng theo Điều 11bis(1) của Công ước này, miễn là sự sử dụng ấy thực sự nhằm mục đích thông tin.

3. Tuy nhiên, tác giả có quyền làm bộ sưu tập các tác phẩm đã nói ở những khoản trên đây.

Điều 3

(Tiêu chí về tư cách được bảo hộ: 1. Quốc tịch của tác giả; nơi công bố tác phẩm; 2. Nơi thường trú của tác giả; 3. Tác phẩm đã công bố; 4.Tác phẩm công bố đồng thời.)

1. Công ước này bảo hộ:

a. Tác phẩm của các tác giả là công dân của một trong những nước là thành viên của Liên hiệp dù những các tác phẩm của họ đã công bố hay chưa;

b. Tác phẩm của các tác giả không phải là công dân của một trong những nước là thành viên của Liên hiệp mà công bố lần đầu tiên ở một trong những nước thành viên của Liên hiệp, hay đồng thời công bố ở một nước trong và một nước ngoài Liên hiệp.

2. Các tác giả không phải là công dân của một nước thành viên Liên hiệp nhưng có nơi cư trú thường xuyên ở một trong những nước trên, theo mục đích của Công ước, cũng được coi như là tác giả công dân của nước thành viên đó.

3. "Tác phẩm đã công bố" là những tác phẩm đã được phát hành với sự đồng ý của tác giả, không phân biệt phương pháp cấu tạo các bản sao, miễn là các bản đó đáp ứng nhu cầu hợp lý của công chúng, tuỳ theo bản chất của tác phẩm. Không được coi là công bố: trình diễn một tác phẩm sân khấu, nhạc kịch hay hoà tấu, trình chiếu tác phẩm điện ảnh, đọc trước công chúng một tác phẩm văn học, phát thanh hay truyền hình một tác phẩm văn học hay nghệ thuật, triển lãm một tác phẩm nghệ thuật hay xây dựng một tác phẩm kiến trúc.

4. Được xem là công bố đồng thời ở nhiều nước: những tác phẩm được công bố ở hai hay nhiều nước trong thời gian 30 ngày kể từ lần công bố đầu tiên.

Điều 4

(Tiêu chuẩn bảo hộ đối với tác phẩm điện ảnh,  tác phẩm kiến trúc và một số tác phẩm nghệ thuật)

Được Công ước này bảo hộ mặc dù không đáp ứng được những điều kiện nêu ở Điều 3:

a. Các tác phẩm của tác giả điện ảnh mà nhà sản xuất có trụ sở hay thường trú ở một trong những nước thành viên của Liên hiệp;

b. Các tác giả của tác phẩm kiến trúc được xây dựng tại một nước thuộc Liên hiệp hoặc những tác phẩm tạo hình gắn liền với một tòa nhà được xây dựng tại một nước thuộc Liên hiệp.

Điều 5

(Đảm bảo quyền: 1 và 2. Bên ngoài quốc gia gốc;  3. Tại quốc gia gốc; 4."Quốc gia gốc")

1. Đối với những tác phẩm được Công ước này bảo hộ, các tác giả được hưởng quyền tác giả ở các nước Liên hiệp không phải là Quốc gia gốc của tác phẩm, những quyền do luật của nước đó dành cho công dân của mình trong hiện tại và trong tương lai cũng như những quyền mà Công ước này đặc biệt quy định.

2. Việc hưởng và thực hiện các quyền này không lệ thuộc vào một thể thức, thủ tục nào; việc hưởng và thực hiện này hoàn toàn độc lập không tùy thuộc vào việc tác phẩm có được bảo hộ hay không ở Quốc gia gốc của tác phẩm. Do đó, ngoài những quy định của Công ước này, mức độ bảo hộ cũng như các biện pháp khiếu nại dành cho tác giả trong việc bảo hộ quyền của mình sẽ hoàn toàn do quy định của Luật pháp của nước công bố bảo hộ tác phẩm đó.

3. Việc bảo hộ tại Quốc gia gốc do Luật pháp của Quốc gia đó quy định. Tuy nhiên, khi tác giả không phải là công dân của Quốc gia gốc của tác phẩm được Công ước này bảo hộ, thì tác giả đó được hưởng tại Quốc gia này những quyền như các tác giả là công dân của nước đó.

4. Những nước được coi là Quốc gia gốc:

a) Quốc gia thành viên Liên hiệp, nơi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Tuy nhiên, nếu là tác phẩm được công bố đồng thời ở nhiều nước thành viên Liên hiệp có thời hạn bảo hộ khác nhau thì Quốc gia gốc của tác phẩm là Quốc gia có thời hạn bảo hộ ngắn nhất;

b) Nếu các tác phẩm cùng công bố đồng thời ở một Quốc gia Liên hiệp và một Quốc gia ngoài Liên hiệp thì Quốc gia thành viên Liên hiệp là Quốc gia gốc;

c) Nếu tác phẩm chưa công bố hay đã công bố lần đầu tiên ở một nước ngoài Liên hiệp mà không đồng thời công bố ở một nước nào thuộc Liên hiệp thì Quốc gia gốc là quốc gia thành viên Liên hiệp mà tác giả là công dân, với điều kiện là:

i) Nếu là một tác phẩm điện ảnh mà nhà sản xuất có trụ sở hay nơi thường trú trong một nước thuộc Liên hiệp thì nước đó sẽ là nước gốc của tác phẩm,

ii) Nếu là một tác phẩm kiến trúc được dựng lên tại một nước thuộc Liên hiệp hay những tác phẩm hội họa hoặc tạo hình gắn liền với một tòa nhà hoặc cấu trúc đặt tại một nước thuộc Liên hiệp thì nước này sẽ là nước gốc của tác phẩm.

Điều 6

(Khả năng hạn chế bảo hộ đối với một số tác phẩm của công dân một số nước ngoài Liên hiệp:  1. Tại nước công bố lần đầu và tại những nước khác; 2. Không có hiệu lực hồi tố; 3. Thông báo)

1. Khi một nước ngoài Liên hiệp không bảo hộ đúng mức những tác phẩm của các tác giả là công dân của một nước thuộc Liên hiệp thì nước thành viên này có thể hạn chế sự bảo hộ các tác phẩm ngay khi công bố lần đầu tiên của tác giả là công dân của nước ngoài Liên hiệp đó và không phải là người thường trú ở một nước nào thuộc Liên hiệp. Nếu Quốc gia nơi tác phẩm được công bố lần đầu tiên áp dụng biện pháp này, các nước khác trong Liên hiệp không bắt buộc phải dành cho những tác phẩm bị đối xử đặc biệt như thế một sự bảo hộ rộng rãi hơn sự bảo hộ của Quốc gia nơi công bố lần tiên.

2. Những hạn chế quy định ở khoản trên đây không được ảnh hưởng đến các quyền mà một tác giả được hưởng đối với tác phẩm đã công bố trong một nước thuộc Liên hiệp trước khi sự hạn chế này có hiệu lực.

3. Những nước thành viên Liên Hiệp nếu muốn áp dụng Điều khoản này để hạn chế các quyền của tác giả sẽ thông báo điều đó cho Tổng Giám đốc Tổ chức Trí tuệ thế giới (sau đây gọi tắt là Tổng Giám đốc) bằng một văn bản trong đó nêu rõ tên những nước bị hạn chế quyền bảo hộ và những loại quyền công dân nước đó bị hạn chế. Tổng Giám đốc sẽ lập tức thông báo văn bản trên cho tất cả các nước thành viên Liên hiệp.

Điều 6 bis

(Quyền tinh thần: 1. Đứng tên tác giả; phản đối một số sự sửa đổi và hành vi xuyên tạc khác; 2. Sau khi tác giả chết; 3. Phương thức đền bù)

1. Độc lập với quyền kinh tế của tác giả và cả sau khi quyền này đã được chuyển nhượng, tác giả vẫn giữ nguyên quyền được đòi thừa nhận mình là tác giả của tác phẩm và phản đối bất kỳ sự xuyên tạc, cắt xén hay sửa đổi hoặc những vi phạm khác đối với tác phẩm có thể làm phương hại đến danh dự và tiếng tăm tác giả.

2. Sau khi tác giả chết, những quyền tác giả được hưởng theo quy định của các khoản trên đây vẫn được duy trì ít nhất cho đến khi chấm dứt các quyền kinh tế và được sử dụng bởi những cá nhân hoặc đoàn thể được uỷ quyền theo pháp luật của Quốc gia bảo hộ. Những Quốc gia mặc dù có phê chuẩn, hoặc gia nhập Đạo luật này nhưng luật pháp của họ không có các quy định bảo hộ tất cả những quyền nói ở khoản (1) trên đây, sau khi tác giả qua đời, các Quốc gia đó có thể quy định chấm dứt một phần các quyền nói trên sau khi tác giả chết.

3. Những biện pháp khiếu nại nhằm bảo hộ những quyền nêu trong Điều này sẽ được quy định bởi luật pháp của Quốc gia nơi công bố bảo hộ.

Điều 7

(Thời hạn bảo hộ: 1. Quy định chung; 2. Đối với tác phẩm điện ảnh; 3. Đối với tác phẩm đề bút danh, khuyết danh; 4.Tác phẩm nhiếp ảnh và mĩ thuật ứng dụng; 5. Ngày bắt đầu tính thời hạn; 6. Thể hạn dài hơn; 7. Thời hạn ngắn hơn; 8. Luật áp dụng; "so sánh" thời hạn)

1. Thời hạn bảo hộ theo Công ước này sẽ là suốt cuộc đời của tác giả và năm mươi năm sau khi tác giả chết.

2. Tuy nhiên đối với những tác phẩm điện ảnh, các Quốc gia thành viên Liên hiệp có thể quy định thời hạn bảo hộ chấm dứt sau 50 năm, tính từ khi tác phẩm được phổ cập đến công chúng, với sự đồng ý của tác giả hoặc nếu không có sự phổ cập như thế trong vòng 50 năm tính từ ngày thực hiện tác phẩm, thì thời hạn bảo hộ chấm dứt 50 năm sau khi tác phẩm được thực hiện.

3. Đối với những tác phẩm khuyết danh hay bút danh, thời hạn bảo hộ do Công ước này quy định chấm dứt là 50 năm sau khi tác phẩm được phổ cập đến công chúng một cách hợp pháp. Tuy nhiên, khi bút danh tác giả biểu lộ không chút hoài nghi về danh tính của tác giả thì thời hạn bảo hộ là thời hạn quy định ở khoản (1). Nếu tác giả một tác phẩm khuyết danh hay bút danh tiết lộ danh tính của mình trong thời gian đã nói ở trên, thời hạn bảo hộ là thời hạn được quy định ở khoản (1). Các Quốc gia thành viên Liên hiệp không bắt buộc phải bảo hộ những tác phẩm khuyết danh hay bút danh khi có đủ lý do cho rằng tác giả của tác phẩm đó đã chết được 50 năm.

4. Luật pháp của Quốc gia là thành viên Liên hiệp có thẩm quyền quy định thời hạn bảo hộ các tác phẩm nhiếp ảnh và các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng coi như tác phẩm nghệ thuật; tuy nhiên, thời hạn này kéo dài ít nhất 25 năm kể từ khi tác phẩm được thực hiện.

5. Thời hạn bảo hộ sau khi tác giả chết và những thời hạn nói ở khoản 2,3 và 4 trên đây được bắt đầu từ lúc tác giả chết hay từ những sự kiện đã nói ở trên. Tuy nhiên, thời hạn hạn định chỉ được tính từ ngày 01 tháng 01 năm tiếp theo sau cái chết hay sự kiện.

6. Các nước thành viên Liên hiệp có quyền quy định một thời hạn bảo hộ dài hơn các thời hạn quy định ở những khoản trên đây.

7. Những nước thành viên Liên hiệp bị ràng buộc bởi Đạo luật Roma của Công ước này mà vào thời điểm ký kết Đạo luật này quy định trong Luật Quốc gia hiện hành thời hạn bảo hộ ngắn hơn thời hạn quy định ở các khoản trên, thì nước đó có thể giữ thời hạn ngắn hơn đó khi gia nhập hay phê chuẩn Đạo luật này.

8. Trong bất kỳ trường hợp nào, thời hạn bảo hộ sẽ do Luật pháp của nước công bố bảo hộ quy định. Tuy nhiên, nếu Luật pháp của nước đó  không có những quy định khác thì thời hạn bảo hộ sẽ không quá thời hạn được quy định ở Quốc gia gốc của tác phẩm.

Điều 7 bis

(Thời hạn bảo hộ đối với tác phẩm đồng tác giả)

Những quy định của Điều khoản trên cũng được áp dụng cho tác phẩm đồng tác giả, nhưng thời hạn bảo hộ sau khi chết được tính đến khi tác giả cuối cùng chết.

Điều 8

(Quyền dịch)

Tác giả của các tác phẩm văn học nghệ thuật được Công ước này bảo hộ được toàn quyền dịch hay cho phép dịch tác phẩm của mình trong suốt thời hạn hưởng quyền bảo hộ đối với các tác phẩm nguyên tác của mình.

Điều 9

(Quyền sao chép: 1. Quy định chung; 2. Các ngoại lệ có thể; 3. Ghi âm và ghi hình)

1. Tác giả có các tác phẩm văn học nghệ thuật được Công ước này bảo hộ, được toàn quyền cho phép sao in các tác phẩm đó dưới bất kỳ phương thức, hình thức nào.

2. Luật pháp Quốc gia thành viên Liên hiệp, trong vài trường hợp đặc biệt, có quyền cho phép sao in những tác phẩm nói trên, miễn là sự sao in đó không phương hại đến việc khai thác bình thường tác phẩm hoặc không gây thiệt thòi bất hợp lý đến những quyền lợi hợp pháp của tác giả.

3. Mọi việc ghi âm hay ghi hình đều được xem là sao in theo định nghĩa của Công ước này.

Điều 10

(Một số sử dụng tự do tác phẩm: 1. Trích dẫn; 2. Minh hoạ phục vụ giảng dạy; 3. Chỉ dẫn nguồn gốc và tác giả)

1. Được coi là hợp pháp những trích dẫn rút từ một tác phẩm đã được phổ cập tới công chúng một cách hợp pháp, miễn là sự trích dẫn đó phù hợp với những thông lệ đúng đắn và không vượt quá mục đích trích dẫn, kể cả những trích dẫn các bài báo và tập san định kỳ dưới hình thức điểm báo.

2. Luật pháp Quốc gia thành viên Liên hiệp và những Hiệp định đặc biệt đã có sẵn hay sẽ ký kết giữa các Quốc gia này có thẩm quyền cho phép sử dụng có mục đích, những tác phẩm văn học hay nghệ thuật bằng cách minh họa các xuất bản phẩm, các buổi phát thanh, ghi âm hoặc ghi hình, miễn sao việc sử dụng đó phù hợp với thông lệ đúng đắn.

3. Khi sử dụng tác phẩm như đã nói ở các khoản trong Điều trên đây, phải ghi rõ nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả, nếu có.

Điều 10 bis

(Các loại sử dụng tự do hợp pháp khác về tác phẩm: 1. Một số bài báo và tác phẩm phát sóng; 2. Đối với tác phẩm nghe nhìn gắn với tin thời sự)

1. Luật pháp Quốc gia thành viên Liên hiệp có thẩm quyền cho phép in lại trên báo chí, phát lại trên đài truyền thanh hay phương tiện thông tin đại chúng những bài báo có tính chất thời sự về kinh tế, chính trị hay tôn giáo đã đăng tải trên báo chí hoặc tập san, hoặc các tác phẩm truyền thanh có tính chất tương tự, với điều kiện những tác phẩm đó không phải là những tác phẩm mà tác giả đích danh giữ bản quyền.

Tuy nhiên, bao giờ cũng phải ghi rõ nguồn gốc tác phẩm. Vi phạm nghĩa vụ này sẽ bị xét xử theo luật của Quốc gia công bố bảo hộ.

2. Luật Quốc gia thành viên Liên hiệp có thẩm quyền quy định điều kiện sao in và phổ cập những tác phẩm văn học nghệ thuật nghe nhìn, dưới hình thức nhiếp ảnh, điện ảnh, phát sóng hoặc thông tin đường dây để phục vụ cho mục đích thông tin với mức độ sử dụng thông tin đã được thống nhất.

Điều 11

(Một số quyền đối với tác phẩm kịch và âm nhạc: 1. Quyền trình diễn và truyền phát tới công chúng một cuộc trình diễn; 2. Bản dịch)

1. Tác giả các tác phẩm kịch, nhạc kịch và ca nhạc được hưởng toàn quyền uỷ thác quyền:

i) Trình diễn công cộng tác phẩm của mình, sử dụng bất cứ phương tiện hoặc kỹ thuật nào

ii) Truyền thông tới công chúng những cuộc trình diễn đó bằng bất kỳ một phương pháp nào.

2. Các tác giả của các tác phẩm kịch và nhạc kịch trong suốt thời gian sở hữu các quyền đối với nguyên tác, được hưởng tất cả những quyền nói trên đối với bản dịch các tác phẩm đó của mình.

Điều 11 bis

(Phát sóng và quyền liên quan: 1. Phát sóng và truyền thông vô tuyến khác, truyền thông hữu tuyến cuộc phát sóng hoặc tái phát sóng, truyền thông cuộc phát sóng tới công chúng bằng loa hoặc phương tiện tương tự; 2. Giấy phép quy định bắt buộc; 3. Ghi, ghi thử)

1. Các tác giả các tác phẩm văn học và nghệ thuật được hưởng quyền độc quyền cho phép:

(i). Phát sóng hoặc truyền phát tới công chúng các tác phẩm của mình bằng bất cứ phương tiện vô tuyến nào nhằm phổ biến các ký hiệu, âm thanh hay hình ảnh.

(ii). Mọi cuộc truyền phát tới công chúng tác phẩm của mình qua phát sóng hữu tuyến hoặc tái phát sóng do một cơ quan khác với cơ quan phát sóng đầu tiên thực hiện

(iii). Truyền phát tới công chúng tác phẩm của mình bằng loa hay công cụ truyền phát tương tự để truyền ký hiệu, âm thanh hay hình ảnh.

2. Luật pháp Quốc gia thành viên Liên hiệp có quyền quy định những điều kiện để áp dụng những quyền nói ở khoản (1) trên đây. Nhưng những điều kiện đó chỉ được áp dụng ở Quốc gia ban hành. Dù bất kỳ trường hợp nào, những điều kiện đó cũng không được vi phạm quyền tinh thần của tác giả, cũng như quyền tác giả được nhận thù lao thích đáng do cơ quan có trách nhiệm quy định, ngay cả trong trường hợp không có văn bản thoả thuận.

3. Nếu không có quy định khác thì việc cho phép sử dụng nói ở khoản (1) trên đây không bao hàm việc cho phép dùng phương tiện thu âm hoặc thu hình để ghi lại tác phẩm được phát sóng. Tuy nhiên, luật pháp Quốc gia thành viên Liên hiệp có thẩm quyền quy định việc ghi âm nhất thời bằng những thiết bị riêng do chính cơ quan phát sóng thực hiện để dùng cho các buổi phát sóng của mình. Việc lưu trữ các bản ghi nói trên tại cơ quan lưu trữ của Nhà nước có thể được luật pháp cho phép nếu bản ghi đó có giá trị đặc biệt về tư liệu.

Điều 11ter

(Một số quyền đối với tác phẩm văn học: 1. Quyền thuật lại và truyền phát tới công chúng; 2. Bản dịch.)

1. Tác giả các tác phẩm văn học được hưởng quyền độc quyền cho phép:

(i). Đọc trước quần chúng tác phẩm của mình, bao gồm cả việc sử dụng bất cứ phương pháp và kỹ thuật nào;

(ii). Truyền phát bản đọc tác phẩm của mình tới công chúng.

2. Tác giả các tác phẩm văn học, trong suốt thời gian sở hữu các quyền đối với tác phẩm gốc của mình cũng được hưởng những quyền nói trên đối với những bản dịch tác phẩm đó.

Điều 12

(Quyền phóng tác, cải biên, chuyển thể)

Tác giả các tác phẩm văn học và nghệ thuật được hưởng toàn quyền ủy thác quyền phóng tác, chuyển thể hay cải biên từ tác phẩm của mình.

Điều 13

(Hạn chế khả năng đối với quyền ghi âm tác phẩm âm nhạc và lời kèm theo: 1. Giấy phép bắt buộc; 2. Biện pháp tạm thời; 3. Tịch thu bản sao nhập khẩu không được tác giả cho phép)

1. Mọi Quốc gia thành viên Liên Hiệp có thể quy định quyền bảo lưu của mình và ra điều kiện có liên quan đến quyền tác giả của bản nhạc và quyền tác giả của lời bài hát được tác giả cho phép ghi âm cùng với nhạc. Tuy nhiên, mọi quyền bảo lưu và những điều kiện đó  chỉ được áp dụng ở nước đặt ra quy định như vậy và dù trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được vi phạm quyền tinh thần của tác giả cũng như quyền tác giả được nhận thù lao thích đáng do cơ quan có thẩm quyền ấn định, ngay cả trong trường hợp không có văn bản thoả thuận.

2. Những bản ghi nhạc phẩm đã được thực hiện trong một Quốc gia thành viên Liên hiệp theo Điều 13 (3) của Công ước ký kết ở Roma ngày 2/6/1928, ở Brussels ngày 26/6/1948 có thể được sao bản trong nước mà không cần có sự đồng ý của tác giả của nhạc phẩm trong vòng hai năm tính từ ngày Đạo luật này của Công ước có hiệu lực đối với Quốc gia đó.

3. Những bản sao được thực hiện thể theo khoản 1 và 2 của Điều này và được nhập cảng không có phép của các bên hữu quan vào một Quốc gia, nơi mà các bản sao như thế không được xem là hợp pháp, thì có thể tịch thu.

Điều 14

(Điện ảnh và quyền liên quan: 1. Phóng tác điện ảnh và sao chép; phân phối;  trình diễn công cộng và truyền thông hữu tuyến công cộng tác phẩm đã phóng tác hoặc sao chép; 2. Phóng tác sản phẩm điện ảnh; không cấp giấy phép bắt buộc)

1. Tác giả các tác phẩm văn học hay nghệ thuật được hưởng toàn quyền uỷ thác quyền:

(i). Phóng tác và quay phim các tác phẩm của mình và cho phát hành những tác phẩm đã phóng tác hay quay phim đó;

(ii). Trình diễn công cộng và truyền phát tới quần chúng bằng đường dây những tác phẩm đã phóng tác hay quay phim.

2. Phóng tác dưới bất kỳ hình thức nghệ thuật nào những bộ phim có cốt truyện lấy từ những tác phẩm văn học hay nghệ thuật, tuy không vi phạm sự uỷ thác của các tác giả đã thực hiện bộ phim, nhưng vẫn phải lệ thuộc vào sự cho phép của các tác giả của nguyên tác.

3. Những quy định ở Điều 13 (1) sẽ không áp dụng ở đây.

Điều 14 bis

(Qui định đặc biệt về tác phẩm điện ảnh: 1. Coi như tác phẩm gốc; 2. Quyền sở hữu; hạn chế một số quyền của một số người đóng góp; 3. Một số người đóng góp khác)

1. Các tác phẩm điện ảnh được bảo hộ như một nguyên tác nếu nó không vi phạm quyền tác giả của các tác phẩm đã dùng để phóng tác hay sao chép. Người sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng những quyền giống như tác giả của tác phẩm gốc kể cả quyền đã nói ở Điều khoản trên đây.

2(a). Luật pháp của Quốc gia công bố bảo hộ có thẩm quyền quy định quyền sở hữu đối với các tác phẩm điện ảnh.

(b) Tuy nhiên, ở những nước thành viên Liên hiệp có Luật pháp quy định là những người sở hữu quyền tác giả đối với một tác phẩm điện ảnh bao gồm cả các tác giả đã góp phần sáng tạo tác phẩm, thì các tác giả đó, nếu đã cam kết tham gia đóng góp như vậy, sẽ không được ngăn cản, (trừ phi có quy định ngược lại hay đặc biệt nào khác), đối với việc sao bản, phát hành, công diễn, phổ biến hữu tuyến, phát sóng hay bất kỳ hình thức công bố nào khác tới công chúng, hoặc việc làm phụ đề, lồng tiếng tác phẩm điện ảnh.

(c) Hình thức của sự cam kết nói trên trong việc áp dụng khoản b có phải là hợp đồng thành văn bản hoặc một văn bản tương tự hay không, sẽ do Luật pháp của Quốc gia nơi nhà sản xuất phim đặt trụ sở hay thường trú quy định. Tuy nhiên, luật pháp của các Quốc gia thành viên Liên hiệp nơi công bố sự bảo hộ có thẩm quyền quy định là sự cam kết nói trên phải là một hợp đồng thành văn bản hay một văn bản tương tự. Những nước có Luật pháp quy định như vậy phải báo cho Tổng Giám đốc bằng văn bản. Tổng Giám đốc thông báo cho tất cả các nước thành viên Liên Hiệp về văn bản này.

(d) Những thuật ngữ "Ngược lại hay đặc biệt" nghĩa là tất cả mọi điều kiện hạn chế được nêu lên trong việc cam kết.

3. Trừ trường hợp Luật pháp Quốc gia thành viên quy định khác so với những quy định ở khoản 2(b) trên đây, khoản này không áp dụng đối với các tác giả của kịch bản, đối thoại và nhạc phẩm sáng tác cho tác phẩm điện ảnh, và cũng không áp dụng đối với đạo diễn chính. Tuy nhiên, những Quốc gia thành viên Liên hiệp mà Luật pháp không có quy định áp dụng khoản 2(b) nói trên đối với đạo diễn, phải báo cho Tổng Giám đốc bằng một văn bản. Tổng Giám đốc thông báo cho tất cả các nước thành viên Liên hiệp về văn bản này.

Điều 14 ter

("Quyền tiếp theo" đối với tác phẩm mĩ thuật và bản thảo: 1. Quyền hưởng lợi nhuận chuyển nhượng; 2. Luật áp dụng; 3. Thủ tục)

1. Đối với bản gốc các tác phẩm nghệ thuật và bản thảo gốc của nhà văn và nhà soạn nhạc mà tác giả đã chuyển nhượng, thì tác giả hoặc sau khi tác giả chết, những cá nhân hoặc đoàn thể được sở hữu quyền tác giả theo Luật pháp Quốc gia được hưởng quyền không được chuyển nhượng đối với lợi nhuận khi bán các tác phẩm đó sau khi tác giả đã chuyển nhượng lần đầu.

2. Việc bảo hộ nói ở khoản trên đây chỉ có hiệu lực trong các nước thành viên Liên hiệp nếu luật pháp Quốc gia của tác giả thừa nhận sự bảo hộ đó và ở mức độ luật pháp Quốc gia nơi công bố bảo hộ cho phép.

3. Những thể thức và mức thu tiền do Luật pháp của mỗi Quốc gia quy định.

Điều 15

(Quyền thực thi quyền được bảo hộ: 1. Trường hợp tên tác giả được xác định rõ hoặc khi bút danh không còn gây nghi ngờ về danh tính của tác giả; 2. Tác phẩm điện ảnh; 3. Tác phẩm khuyết danh hoặc bút danh; 4. Một số tác phẩm chưa công bố và không rõ tác giả)

1. Để được thừa nhận là tác giả của các tác phẩm văn học và nghệ thuật hưởng sự bảo hộ của Công ước này và được khởi kiện những người vi phạm tác phẩm của mình trước Toà án ở các nước thành viên Liên hiệp, nếu không có bằng chứng ngược lại, tác giả chỉ cần ghi tên mình trên tác phẩm theo như thông lệ. Khoản này cũng áp dụng cả khi tên tác giả là một bút hiệu nếu bút hiệu tác giả dùng không gây nên một nghi vấn nào về danh tính thật của tác giả.

2. Một cá nhân hay một tổ chức có ghi tên trên tác phẩm theo như thông lệ, được xem là nhà sản xuất điện ảnh, trừ phi có bằng chứng ngược lại.

3. Đối với những tác phẩm khuyết danh và những tác phẩm bút danh, khác với những tác phẩm đã nói ở khoản (1) trên đây, Nhà xuất bản có tên ghi trên tác phẩm được thừa nhận là đại diện của tác giả mà không cần bằng chứng gì khác. Với tư cách này, Nhà xuất bản có hưởng quyền được bảo hộ và thực thi quyền của tác giả. Qui định của khoản này sẽ hết hiệu lực khi tác giả tiết lộ danh tính và chứng minh được mình là tác giả.

4. (a). Trong trường hợp những tác phẩm chưa xuất bản mà chưa biết ai là tác giả, nhưng có đủ cơ sở để cho rằng tác giả là công dân một nước thành viên Liên hiệp, thì Luật pháp Quốc gia thành viên Liên hiệp có khả năng chỉ định một cơ quan có thẩm quyền đại diện cho tác giả và có thẩm quyền bảo hộ và thực thi quyền tác giả trong các nước thành viên Liên hiệp.

(b). Những Quốc gia thành viên Liên hiệp muốn chỉ định cơ quan đại diện theo quy định này phải thông báo cho Tổng Giám đốc bằng một văn bản ghi rõ các chi tiết về cơ quan đại diện được chỉ định. Văn bản đó sẽ được Tổng Giám đốc lập tức thông báo cho tất cả các nước thành viên Liên hiệp.

Điều 16

(Bản sao vi phạm quy định: 1. Tịch thu; 2. Tịch thu khi nhập khẩu; 3. Luật áp dụng)

1. Mọi tác phẩm phi pháp có thể bị tịch thu ở những Quốc gia là thành viên Liên hiệp, nơi nguyên tác được hưởng sự bảo hộ của Luật pháp.

2. Những quy định ở khoản trên cũng áp dụng cho những bản sao nhập từ một Quốc gia mà ở đó tác phẩm không được bảo hộ, hoặc đã ngừng được bảo hộ.

3. Việc tịch thu sẽ được xử lý theo Luật pháp của mỗi Quốc gia.

Điều 17

(Khả năng kiểm soát sự lưu thông, trình bày, triển lãm tác phẩm)

Những quy định của Công ước này không được vi phạm bất kỳ dưới hình thức nào quyền của Chính phủ của mỗi nước thành viên Liên hiệp trong việc cho phép hoặc kiểm soát hay cấm, bằng các biện pháp thuộc lập pháp hay hành pháp của Quốc gia, sự lưu hành, trình diễn hay triển lãm những tác phẩm hoặc sản phẩm này mà nhà chức trách thấy cần phải sử dụng quyền đó.

Điều 18

(Tác phẩm tồn tại khi Công ước bắt đầu có hiệu lực: 1. Có thể được bảo hộ khi sự bảo hộ chưa chấm dứt tại quốc gia gốc; 2. Không thể được bảo hộ khi sự bảo hộ đã hết hạn tại nước công bố bảo hộ; 3. Áp dụng các nguyên tắc này; Các trường hợp đặc biệt)

1. Công ước này, vào thời điểm bắt đầu có hiệu lực, áp dụng cho tất cả những tác phẩm chưa được phổ biến tới công chúng khi hết hạn bảo hộ trước đó.

2. Tuy nhiên, nếu hết hạn thời gian bảo hộ trước đó mà tác phẩm đã được phổ biến tới công chúng ở nước công bố bảo hộ, thì tác phẩm đó không được bảo hộ trở lại.

3. Việc áp dụng nguyên tắc trên phải tuân thủ những Điều khoản có liên quan, trong các Hiệp định đặc biệt hiện hành hay được ký kết giữa các Quốc gia thành viên Liên hiệp. Nếu Quốc gia nào không có những Điều khoản như thế thì phải quy định cho riêng mình những thể thức để áp dụng nguyên tắc đó

4. Những quy định nói trên cũng được áp dụng trong trường hợp những Quốc gia mới tham gia Liên hiệp hoặc cho trường hợp kéo dài bảo hộ theo quy định của Điều 7 hoặc quy định về bãi bỏ sự bảo lưu.

Điều 19

(Sự bảo hộ lớn hơn so với sự bảo hộ của Công ước)

Những quy định của Công ước không ngăn cản việc đòi hỏi được hưởng sự bảo hộ lớn hơn mà Luật pháp một Quốc gia Liên hiệp ban hành.

Điều 20

(Hiệp định riêng giữa các quốc gia thuộc Liên hiệp)

Chính phủ các Quốc gia thành viên Liên hiệp được dành quyền ký kết với nhau những thoả hiệp riêng nhằm mang lại cho tác giả những quyền lớn hơn những quyền do Công ước quy định, hoặc xác định những điều khoản không trái ngược với Công ước. Những quy định trong các thỏa hiệp hiện hành nếu thỏa mãn các điều kiện nói trên vẫn được tiếp tục áp dụng.

Điều 21

(Những qui định đặc biệt đối với nước đang phát triển: 1. Phụ lục; 2. Phụ lục của Đạo luật)

1. Những quy định đặc biệt dành cho các nước đang phát triển được ghi trong Bản Phụ lục.

2. Phụ lục là một thành phần thống nhất của Đạo luật  theo quy định ở Điều 28.1.b.

Điều 22

(Hội đồng: 1. Thành lập và thành phần; 2. Nhiệm vụ; 3. Số thành viên tối thiểu hợp lý; bỏ phiếu; quan sát viên; 4. Triệu tập họp; 5. Nội quy)

1(a). Liên hiệp thành lập một Hội đồng bao gồm những nước thành viên bị ràng buộc bởi các Điều khoản từ 22 đến 26.

(b). Chính phủ của mỗi nước có một đại diện, một số trợ lý cho đại diện, cố vấn và chuyên gia.

(c) Kinh phí của mỗi phái đoàn sẽ do Chính phủ đã bổ nhiệm phái đoàn đài thọ.

2(a). Hội đồng có trách nhiệm:

i) Xem xét mọi vấn đề liên quan đến việc duy trì và phát triển Liên hiệp cũng như việc áp dụng Công ước này;

ii) Chỉ đạo Văn phòng Quốc tế về sở hữu trí tuệ (từ đây gọi tắt là "Phòng Quốc tế") được nói đến trong Công ước thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (từ đây gọi tắt là Tổ chức) chuẩn bị nội dung cho những hội nghị nghiên cứu sửa đổi Công ước sau khi đã tham khảo những ý kiến của các nước thành viên Liên Hiệp không bị ràng buộc bởi các Điều từ 22 đến 26.

iii) Xét duyệt báo cáo và hoạt động của Tổng Giám đốc của Tổ chức có liên quan đến Liên hiệp và chỉ đạo Tổng Giám đốc giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Liên hiệp;

iv) Bầu các thành viên của Ban chấp hành Hội đồng;

v) Xét duyệt báo cáo và hoạt động của Ban Chấp hành và chỉ đạo hoạt động của Ban chấp hành;

vi) Hoạch định chương trình và thông qua ngân sách "hai năm" của Liên hiệp, xét duyệt bản kết toán;

vii) Thông qua nội quy tài chính của Liên Hiệp;

viii) Thành lập các ban chuyên gia và các nhóm làm việc cho Liên hiệp;

ix) Xác định những nước không phải thành viên Liên hiệp, các tổ chức liên Quốc gia và các tổ chức quốc tế phi chính phủ có thể được mời dự các cuộc họp của Hội đồng với tư cách là quan sát viên;

x) Thông qua các sửa đổi liên quan đến các Điều từ 22 đến 26;

xi) Xem xét các biện pháp hoạt động nhằm đạt các mục tiêu của Liên hiệp;

xii) Thực thi các các chức năng của Công ước

xiii) Tuân thủ sự chấp nhận và thực thi những quyền hạn mà Tổ chức trao cho Hội đồng.

(b) Về các vấn đề có liên quan đến quyền lợi của các Liên hiệp khác do Tổ chức điều hành thì Hội đồng sẽ quyết định sau khi đã nghe ý kiến tư vấn của Uỷ ban điều phối của Tổ chức.

3(a) Mỗi thành viên của Hội đồng sẽ được sử dụng một phiếu bầu.

(b) Một nửa số thành viên Hội đồng sẽ tạo nên số đại biểu tối thiểu cần thiết để tiến hành biểu quyết.

(c) Mặc dầu có những quy định ở khoản (b), nếu trong một khoá họp, số đại biểu ít hơn một nửa nhưng lại bằng hay quá một phần ba tổng số các nước thành viên của Hội đồng thì Hội đồng có thể ra quyết định; Tuy nhiên, trừ các quyết định liên quan đến thủ tục của các Hội đồng, tất cả các quyết định khác sẽ chỉ có hiệu lực khi các điều kiện sau đây được thoả mãn: Phòng Quốc tế sẽ thông báo các quyết định nói trên cho các nước hội viên của Hội đồng không tham gia kỳ họp đó và yêu cầu các nước này biểu quyết bỏ phiếu hay bỏ phiếu trắng trong thời hạn 3 tháng kể kể từ ngày ghi trên thông báo. Nếu hết thời hạn đó, số các nước biểu quyết bỏ phiếu hay bỏ phiếu trắng như trên đạt được ít nhất con số còn thiếu đề phiên họp đạt số đại biểu tối thiểu, thì những quyết định trên sẽ có hiệu lực miễn là có đa số phiếu thuận cần có.

(d) Ngoài những quy định ở Điều 26(2), các quyết định của Hội đồng phải đạt hai phần ba số phiếu bầu.

(e) Phiếu trắng sẽ không được coi là phiếu bầu

(f) Một đại biểu chỉ có thể đại diện một nước và bỏ phiếu nhân danh nước đó

(g) Các nước Liên hiệp nếu không phải là thành viên của Hội đồng sẽ được tham gia các cuộc họp của Hội đồng với tư cách là quan sát viên.

4(a) Hội đồng sẽ họp khoá thường kỳ ba năm một lần theo triệu tập của Tổng Giám đốc và trừ trường hợp đặc biệt, sẽ họp vào cùng một thời gian và ở cùng một địa điểm với Đại hội đồng của tổ chức.

(b) Hội đồng sẽ họp khoá bất thường theo sự triệu tập của Tổng Giám đốc, thể theo yêu cầu của Ban Chấp hành hay yêu cầu của một phần tư số các nước thành viên của Hội đồng.

5. Hội đồng sẽ thông qua những quy định của mình.

Điều 23

(Ban Điều hành: 1. Thành lập; 2. Thành phần; 3. Số lượng thành viên; 4. Phân bổ địa lý; thoả thuận đặc biệt; 5. Thời hạn; hạn chế tái cử; quy tắc lựa chọn; 6. Nhiệm vụ; 7. Triệu tập họp; 8. Số lượng tối thiểu hợp lệ; 9. Quan sát viên; 10. Nội quy)

1. Hội đồng thành lập một Ban chấp hành

2(a). Ban chấp hành gồm các nước được Hội đồng bầu ra trong số các nước thành viên của Hội đồng. Ngoài ra, nước nơi tổ chức đặt trụ sở, đương nhiên giữ một ghế trong Ban chấp hành, trừ trường hợp quy định ở Điều 25.7.b.

(b) Chính phủ của mỗi nước thành viên của Ban Chấp hành được cử một đại diện. Đại biểu này có thể có trợ lý, cố vấn và chuyên gia.

(c) Kinh phí của mỗi Đoàn đại biểu sẽ do Chính phủ đã bổ nhiệm Đoàn đài thọ.

3. Số các nước thành viên Ban chấp hành sẽ tương đương với một phần tư số các nước thành viên của Hội đồng. Khi xác định số ghế được bầu thì sau khi chia bốn, con số dư còn lại coi như không tính.

4. Khi bầu thành viên của Ban chấp hành, Hội đồng sẽ lưu tâm tới sự phân phối quân bình theo địa lý cũng như sự cần thiết có mặt trong Ban chấp hành những nước có ký thoả hiệp riêng với nhau liên quan đến Liên hiệp.

5(a). Nhiệm kỳ của mỗi thành viên của Ban Chấp hành sẽ bắt đầu từ cuối kỳ họp mà Hội đồng đã bầu thành viên đó cho đến lúc kết thúc khoá họp thường kỳ tiếp theo của Hội đồng.

(b) Những thành viên của Ban chấp hành có thể được tái cử, nhưng số được tái cử không được quá hai phần ba số thành viên.

(c) Hội đồng sẽ quy định các thể thức bầu cử và tái cử các thành viên Ban chấp hành, nếu cần.

6(a). Ban chấp hành có trách nhiệm:

i) Dự thảo chương trình nghị sự của Hội đồng;

ii) Đệ trình lên Hội đồng các đề nghị liên quan đến dự thảo chương trình hoạt động và ngân sách hai năm của Liên hiệp đã được Tổng Giám đốc chuẩn bị;

iii) (Khoản này hết áp dụng, bỏ)

iv) Đệ trình lên Hội đồng và cho ý kiến về các báo cáo định kỳ của Tổng Giám đốc, cũng như những báo cáo thường niên về việc kiểm toán tài khoản;

v) Dùng mọi biện pháp cần thiết để Tổng Giám đốc thực hiện đúng chương trình của Liên hiệp phù hợp với các quyết định của Hội đồng và thích ứng với mọi tình huống nảy sinh giữa hai khoá họp thường kỳ của Hội đồng;

vi) Hoàn thành mọi trách nhiệm khác được giao phó trong phạm vi của Công ước này.

(b) Về các vấn đề có liên quan đến các Liên hiệp khác do Tổ chức điều hành, Ban chấp hành sẽ quyết định sau nghe ý kiến tư vấn của Uỷ ban điều phối của Tổ chức;

7(a). Ban chấp hành sẽ họp khoá thường kỳ mỗi năm một lần do Tổng Giám đốc triệu tập. Cuộc họp nên tiến hành cùng một lúc và cùng một địa điểm với Ủy ban phối hợp của Tổ chức;

(b) Ban chấp hành sẽ họp khoá bất thường khi có triệu tập của Tổng Giám đốc, hoặc do chính Tổng Giám đốc đề xướng, hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Ban chấp hành hoặc yêu cầu của một phần tư số thành viên trong Ban chấp hành.

8(a). Mỗi nước thành viên Ban chấp hành sẽ được sử dụng một phiếu bầu.

(b) Một nửa số thành viên Ban chấp hành sẽ tạo nên số đại biểu cần thiết để tiến hành biểu quyết.

(c) Các quyết định sẽ được biểu quyết theo đa số tương đối của các phiếu bầu.

(d) Phiếu trắng sẽ không được coi là phiếu bầu.

(e) Một đại biểu chỉ có thể đại diện cho một nước và bỏ phiếu nhân danh nước đó.

9. Các nước thành viên Liên hiệp không phải là thành viên của Ban chấp hành được quyền tham dự các cuộc họp của Ban chấp hành với tư cách quan sát viên.

10. Ban chấp hành thông qua những quy định của mình.

Điều 24

(Phòng Quốc tế: 1. Nhiệm vụ chung; Tổng Giám đốc; 2. Thông tin chung; 3. Tạp chí; 4. Thông tin tới các nước; 5. Nghiên cứu và dịch vụ; 6. Tham dự họp; 7. Hội nghị nghiên cứu sửa đổi; Các nhiệm vụ khác.)

1(a). Các nhiệm vụ hành chính của Liên hiệp sẽ do Phòng Quốc tế đảm nhiệm. Phòng này kế thừa Văn phòng Liên hiệp, phối hợp với Văn phòng của Liên hiệp được thiết lập bởi Công ước quốc tế về bảo hộ sở hữu công nghiệp.

(b). Phòng Quốc tế chủ yếu phụ trách công việc văn phòng cho tất cả các cơ quan của Liên hiệp.

(c). Tổng Giám đốc của Tổ chức là vị công chức cao cấp nhất của Liên hiệp và là đại diện của Liên hiệp.

2. Phòng Quốc tế thu thập và phổ biến các thông tin liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả. Mỗi nước thành viên Liên hiệp thông báo kịp thời cho Phòng Quốc tế tất cả các luật lệ mới cũng như các văn bản chính thức của nước mình liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả.

3. Phòng Quốc tế xuất bản một tạp chí định kỳ hàng tháng.

4. Phòng Quốc tế sẽ cung cấp cho các nước thành viên Liên hiệp, nếu có sự yêu cầu, những thông tin về các vấn đề có liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả.

5. Phòng Quốc tế nghiên cứu và cung cấp dịch vụ nhằm tạo thuận lợi cho việc bảo hộ quyền tác giả.

6. Tổng Giám đốc và những nhân viên do Tổng Giám đốc chỉ định được tham gia nhưng không có quyền bỏ phiếu vào tất cả các cuộc họp của Hội đồng, của Ban chấp hành và của các ban chuyên gia hay nhóm làm việc khác. Tổng Giám đốc hay nhân viên do Tổng Giám đốc chỉ định sẽ đương nhiên là thư ký của các cơ quan này.

7(a). Phòng Quốc tế chịu trách nhiệm chuẩn bị các Hội nghị để nghiên cứu sửa đổi các điều khoản của Công ước ngoại trừ các Điều từ 22 đến 26, theo chỉ thị của Hội đồng và với sự cộng tác của Ban chấp hành.

(b). Phòng Quốc tế có thể tham khảo ý kiến các Tổ chức liên Chính phủ và các Tổ chức quốc tế phi Chính phủ về việc chuẩn bị các Hội nghị nghiên cứu sửa đổi.

(c). Tổng Giám đốc và những người do Tổng Giám đốc chỉ định được tham gia vào các cuộc thảo luận ở các Hội nghị đó, nhưng không có quyền bỏ phiếu.

8. Phòng Quốc tế thi hành bất kỳ nhiệm vụ nào khác được giao.

Điều 25

(Tài chính: 1. Ngân sách; 2. Phối hợp với các Liên hiệp khác; 3. Nguồn, 4. Nguồn thu; khả năng tăng thêm ngân sách so với năm trước; 5. Lệ phí và khoản thu; 6. Quỹ hoạt động; 7. Ưu đãi của Chính phủ nước chủ nhà; 8. Kiểm toán)

1(a). Liên hiệp có ngân sách riêng

(b). Ngân sách của Liên hiệp gồm số thu và số chi riêng của Liên hiệp cùng với phần đóng góp của Liên hiệp vào ngân sách chi tiêu chung của các Liên hiệp. Khi cần sẽ có một khoản ngân sách dành cho Hội nghị của Tổ chức.

(c) Các khoản chi tiêu chung của các Liên hiệp không chỉ có những khoản chi tiêu dành riêng cho một Liên hiệp mà còn cả các khoản dành cho một hoặc nhiều Liên hiệp khác cùng do Tổ chức điều hành. Phần của Liên Hiệp trong các khoản chi tiêu chung cân xứng với những lợi ích do sự chi tiêu này mang lại cho Liên Hiệp.

2. Ngân sách của Liên hiệp được hoạch định theo những đòi hỏi thích đáng về sự phối hợp với các ngân sách của các Liên Hiệp khác cùng do Tổ chức điều hành.

3. Nguồn ngân sách của Liên hiệp:

i) Đóng góp của các nước thành viên Liên Hiệp;

ii) Các phí và các khoản thù lao thu được qua dịch vụ của Phòng Quốc tế đối với Liên Hiệp;

iii) Tiền bán và tiền bản quyền các ấn phẩm của Phòng Quốc tế có liên quan đến Liên Hiệp;

iv) Quà biếu, tặng theo chúc thư và tiền trợ cấp;

v) Tiền cho thuê, tiền lợi tức và tiền thu nhập từ các khoản khác.

4(a). Nhằm mục đích phân bổ sự đóng góp của các nước thành viên cho ngân sách, mỗi nước thành viên của Liên hiệp được xếp vào một hạng và đóng niên liễm của mình trên cơ sở số đơn vị được ấn định như sau:

Hạng 1: 25

Hạng 2: 20

Hạng 3: 15

Hạng 4: 10

Hạng 5: 5

Hạng 6: 3

Hạng 7: 1

(b). Nếu như chưa được xếp hạng, mỗi nước khi nộp văn bản phê chuẩn hay gia nhập, sẽ nêu rõ mình muốn được xếp vào hạng nào. Thứ hạng có thể thay đổi. Nếu muốn chọn một hạng thấp hơn thì phải thông báo cho Hội đồng biết vào một trong các khoá họp thường kỳ của Hội đồng. Sự thay đổi như thế sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau kỳ họp đó.

(c) Niên liễm của mỗi nước là một khoản tiền có tỷ lệ với số đơn vị tính cho nước đó trong tổng số tiền do tất cả các nước đóng góp vào ngân sách hàng năm, tương đương với tỷ lệ giữa các số đơn vị của thứ hạng nước đó chọn với tổng số các đơn vị của tất cả các nước.

(d) Kỳ hạn đóng góp là ngày 1 tháng 1 mỗi năm.

(e). Nước không đóng góp niên liễm của mình thì sẽ không được bỏ phiếu ở bất kỳ cơ quan nào của Liên hiệp mà nước đó là thành viên, nếu số tiền còn thiếu đó tương đương hoặc lớn hơn số niên liễm nước đó phải đóng trong hai năm vừa qua. Tuy nhiên, bất kỳ một cơ quan nào của Liên hiệp đều có thể cho phép nước đó tiếp tục được bỏ phiếu ở cơ quan đó, và nếu cơ quan đó nhận thấy sự chậm trễ trong việc trả tiền đóng góp là do hoàn cảnh đặc biệt và không thể tránh khỏi.

(f) Trong trường hợp một ngân sách chưa được thông qua trước khi bắt đầu tài khoá mới, thì ngân sách năm trước sẽ tiếp tục được áp dụng theo đúng thể thức tài chính.

5. Bảng khai phí và chi phí dịch vụ do Phòng Quốc tế chuyển lên Liên hiệp phải được Tổng Giám đốc duyệt và báo cáo lên Hội đồng và Ban chấp hành.

6(a). Liên hiệp có một quỹ hoạt động do các nước thuộc Liên hiệp đóng góp.Nếu quỹ không đủ chi thì Hội đồng sẽ quyết định tăng mức đóng góp.

(b). Khoản đóng góp ban đầu hoặc hoặc sau khi tăng cho quỹ nói trên của mỗi nước sẽ tỷ lệ với phần đóng góp của nước đó trong năm thành lập quỹ hay sau khi quyết định bổ sung.

(c) Tỷ lệ và thể thức đóng tiền do Hội đồng quy định theo đề nghị của Tổng Giám đốc và sau khi nghe ý kiến tư vấn của Ủy ban phối hợp của Tổ chức.

7(a). Trong Hiệp định về trụ sở được ký kết với nước sở tại của Tổ chức quy định rằng, nếu quỹ hoạt động không đủ chi, thì nước sở tại sẽ tạm ứng một số tiền. Mức tiền ứng trước và điều kiện tạm ứng được quy định trong thoả thuận riêng giữa nước sở tại và Tổ chức. Chừng nào nước sở tại còn có nhiệm vụ ứng tiền trước, thì nước đó đương nhiên có một ghế trong Ban chấp hành.

(b). Nước nói ở điểm (a) và Tổ chức đều có quyền tuyên bố bãi bỏ cam kết tạm ứng bằng một văn bản. Việc bãi bỏ sẽ có hiệu lực sau ba năm kể từ cuối năm đưa ra thông báo bãi bỏ.

8. Việc kiểm toán tài khoản được tiến hành theo quy định tài chính bởi một hoặc nhiều nước Liên hiệp hoặc bởi chuyên gia kiểm toán bên ngoài được Hội đồng chỉ định với sự chấp nhận của đương sự.

Điều 26

(Sửa đổi: 1. Các điều thuộc quyền sửa đổi của Hội đồng; đề nghị; 2. Thông qua; 3. Có hiệu lực)

1. Các đề nghị sửa đổi các Điều 22, 23, 24, 25 và Điều khoản này có thể do bất kỳ nước thành viên Hội đồng nào hay do Ban chấp hành hoặc do Tổng Giám đốc đưa ra. Những đề nghị này sẽ được Tổng Giám đốc thông báo cho các nước thành viên của Hội đồng ít nhất là sáu tháng trước khi đưa ra Hội đồng xem xét.

2. Mọi sửa đổi các Điều nói ở khoản (l) sẽ do Hội đồng thông qua. Để được thông qua phải đạt ba phần tư số phiếu bầu, riêng những sửa đổi Điều 22 và khoản này, để thông qua phải đạt bốn phần năm phiếu bầu.

3. Mọi sửa đổi ở các Điều nói ở khoản (1) sẽ có hiệu lực một tháng sau khi Tổng Giám đốc nhận được các văn bản thông báo chấp thuận của ba phần tư số nước thành viên của Hội đồng ở thời điểm sự sửa đổi đó được thông qua, theo đúng với các quy định của mỗi nước. Mọi sửa đổi các Điều khoản nói trên, một khi được chấp thuận sẽ ràng buộc tất cả các nước đã là thành viên của Hội đồng vào thời điểm sự thay đổi đó có hiệu lực hay sẽ là thành viên sau đó. Riêng những thay đổi về việc tăng các nghĩa vụ tài chính cho các nước Liên hiệp thì chỉ ràng buộc những nước đã thông báo rằng mình chấp thuận sửa đổi đó.

Điều 27

(Sửa đổi: 1. Mục đích; 2. Hội nghị; 3. Thông qua)

1. Công ước này có thể được đệ trình để nghiên cứu sửa đổi với mục đích cải tiến để kiện toàn hệ thống của Liên hiệp.

2. Với mục đích này hội nghị đại biểu của các Liên hiệp sẽ lần lượt được họp tại một trong những nước Liên hiệp.

3. Ngoài những quy định ở Điều 26 áp dụng cho việc sửa đổi các Điều từ 22 đến 26, bất kỳ sự điều chỉnh nào trong Đạo luật này, kể cả Phụ lục, phải đạt được sự nhất trí của các phiếu bầu.

Điều 28

(Chấp thuận và bắt đầu có hiệu lực của Đạo luật đối với các nước thuộc Liên hiệp: 1. Phê chuẩn, gia nhập; khả năng loại trừ một số qui định; bãi bỏ loại trừ; 2. Có hiệu lực của các Điều từ 1-21 và Phụ lục; 3. Có hiệu lực các Điều từ 22-38)

1(a). Bất kỳ nước nào trong Liên hiệp đã ký Đạo luật này đều có thể phê chuẩn Đạo luật, và nếu chưa ký vẫn có thể gia nhập Đạo luật. Các văn bản phê chuẩn hay gia nhập đều phải gửi cho Tổng Giám đốc.

(b) Mọi thành viên của Liên hiệp đều có quyền tuyên bố trong văn bản phê chuẩn hay gia nhập của mình rằng sự phê chuẩn hay gia nhập đó không áp dụng cho các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục. Trong trường hợp nước đó trước đây đã có tuyên bố về Điều VI.(1) của Phụ lục thì chỉ cần tuyên bố lại trong văn bản phê chuẩn hay gia nhập của mình rằng sẽ không áp dụng cho các Điều từ 1 đến 20.

(c) Mọi nước thành viên của Liên Hiệp, theo như điểm (b), tuy trong văn bản phê chuẩn hay gia nhập đã loại bỏ những điều khoản nói trên, nhưng sau này vẫn có thể tuyên bố lại phê chuẩn hay gia nhập vào những điều khoản đó.

2(a). Các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục sẽ có hiệu lực ba tháng sau khi hai điều kiện sau đây được thoả mãn:

i) Có ít nhất là 5 nước thành viên Liên hiệp đã phê chuẩn hoặc gia nhập Đạo luật này mà không có tuyên bố về Đoạn 1(b);

ii) Các nước Pháp, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan, và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã bị ràng buộc bởi Công ước Thế giới về bản quyền đã được điều chỉnh tại Paris ngày 24/7/1971.

(b) Việc có hiệu lực nói ở khoản (a) áp dụng cho những nước Liên Hiệp đã gửi văn bản phê chuẩn hay gia nhập không có tuyên bố về khoản 1(b), ít nhất là 3 tháng trước khi hiệu lực nói trên bắt đầu.

(c) Đối với những thành viên của Liên hiệp không thuộc diện nói ở khoản (b), khi phê chuẩn hay gia nhập Đạo luật này mà không có tuyên bố về khoản (1b), thì các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục vẫn sẽ có hiệu lực sau ba tháng tính từ ngày Tổng Giám đốc thông báo việc gửi văn bản phê chuẩn hay gia nhập nói trên, trừ khi trong văn bản của Tổng Giám đốc có ấn định một ngày khác. Trong trường hợp này các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục có hiệu lực đối với nước đó kể từ ngày ghi trong văn bản.

(d) Các quy định của đoạn từ khoản  (a) đến (c) không ảnh hưởng tới việc áp dụng Điều VI của Phụ lục.

3. Đối với những nước thành viên của Liên Hiệp đã phê chuẩn hay gia nhập Đạo luật này dù có hoặc không có tuyên bố về Điều 1.(b), các Điều từ 22 đến 38 sẽ có hiệu lực sau ba tháng tính từ ngày Tổng Giám đốc thông báo đã nhận được văn bản phê chuẩn hay gia nhập nói trên, trừ khi trong văn bản đó có ấn định một ngày khác sau thời hạn nói trên. Trong trường hợp này các Điều từ 22 đến 38 sẽ có hiệu lực đối với nước đó kể từ ngày ghi trong văn bản.

Điều 29

(Chấp thuận và có hiệu lực đối với nước ngoài liên hiệp: 1. Gia nhập; 2. Có hiệu lực)

1. Các nước ngoài Liên Hiệp có thể gia nhập Đạo luật này, tham gia vào Công ước và là thành viên của Liên Hiệp. Văn kiện gia nhập gửi cho Tổng Giám đốc.

2(a). Trừ trường hợp nói ở điểm (b) dưới đây, Công ước này sẽ có hiệu lực đối với một nước ngoài Liên Hiệp ba tháng sau khi Tổng Giám đốc thông báo việc đã nhận được văn kiện gia nhập của nước đó, trừ khi trong văn kiện này có nêu rõ một ngày khác sau thời hạn trên. Trong trường hợp này Công ước có hiệu lực đối với nước đó kể từ ngày ghi trong văn bản.

(b) Nếu khoản (a) bắt đầu có hiệu lực trước các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục về Điều 28.2(a), thì nước nói trên, trong khoảng cách giữa hai thời gian đó, sẽ bị ràng buộc bởi các Điều từ 1 đến 20 của Đạo luật Brussels thay cho các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục của Đạo luật này.

Điều 29 Bis

(Ảnh hưởng của việc chấp thuận Đạo luật nhằm áp dụng Điều 14(2) của Công ước WIPO)

Với mục đích duy nhất nhằm áp dụng Điều 14.2 của Công ước thành lập Tổ chức, việc phê chuẩn hay gia nhập Đạo luật này của một nước không bị ràng buộc bởi các Điều từ 22 tới 38 của Đạo luật Stockholm của Công ước này sẽ được coi là phê chuẩn hay gia nhập Đạo luật Stockholm nói trên với những giới hạn nêu trong Điều 28.l.(b).(i) của Đạo luật đó.

Điều 30

(Bảo lưu: 1. Các hạn chế khả năng đưa ra bảo lưu; 2. Các bảo lưu trước; bảo lưu quyền dịch; rút lại bảo lưu)

1. Trừ những ngoại lệ ghi ở khoản 2 của Điều này và các Điều khoản 28.1.(b); 33.2 và Phụ lục, việc phê chuẩn hay gia nhập hàm chứa sự chấp thuận toàn vẹn các quy định và thừa hưởng tất cả những quyền lợi đã nói trong Công ước này.

2(a). Mọi nước trong Liên hiệp khi phê chuẩn hay gia nhập Đạo luật này, ngoài những quy định của Điều V.(2) của Phụ lục đều có thể vẫn giữ quyền bảo lưu mà nước đó đã đưa ra trước đây với điều kiện là phải tuyên bố điều đó khi nộp văn bản phê chuẩn hay gia nhập của mình.

(b). Mọi nước ngoài Liên hiệp khi gia nhập Công ước này và tuân thủ quy định ở Điều V.(2) của Phụ lục, đều có thể tuyên bố rằng mình quyết định, ít ra là tạm thời, thay thế Điều 8 của Đạo luật này (liên quan đến quyền dịch) bằng những quy định ở Điều 5 của Công ước của Liên Hiệp năm 1886, được bổ sung ở Paris năm 1896 trên cơ sở nhận thức rõ ràng rằng những quy định nói trên chỉ áp dụng cho việc dịch sang một ngôn ngữ thông dụng trong nước đó. Tuân thủ quy định ở Điều I.6.(b) của Phụ lục, mọi nước đều có quyền áp dụng một sự bảo hộ tương đương với sự bảo hộ ở các nước có bảo lưu nói trên đối với quyền dịch các tác phẩm có nước gốc là nước áp dụng bảo lưu đó.

(c) Mỗi nước đều có thể rút lại những bảo lưu nói trên bất kỳ lúc nào bằng một thông báo cho Tổng Giám đốc.

Điều 31

(Khả năng áp dụng đối với một số vùng lãnh thổ. 1. Tuyên bố; 2. Rút lại tuyên bố; 3. Ngày có hiệu lực; 4. Chấp nhận các thực trạng hiện hành không chủ định)

1. Mỗi nước đều có thể tuyên bố trong văn bản phê chuẩn hay gia nhập hoặc gửi thông báo lên Tổng Giám đốc vào bất cứ lúc nào, khẳng định rằng Công ước này sẽ áp dụng cho toàn bộ hay một phần những lãnh thổ được nêu ra, để phục vụ cho những quan hệ đối ngoại mà nước đó đảm nhiệm.

2. Những nước đã tuyên bố hay gửi thông báo trên có thể, bất kỳ lúc nào, thông báo cho Tổng Giám đốc rằng Công ước này chấm dứt hiệu lực đối với toàn bộ hay một phần những lãnh thổ đó.

3(a). Việc tuyên bố nói ở khoản 1 sẽ có hiệu lực vào cùng ngày với sự phê chuẩn hay gia nhập có ghi lời tuyên bố đó. Văn bản thông báo về khoản 1 có hiệu lực sau ba tháng tính từ khi Tổng Giám đốc thông báo điều đó.

(b). Những thông báo nói ở khoản 2 sẽ có hiệu lực sau 12 tháng tính từ khi Tổng Giám đốc nhận được thông báo.

4. Không thể coi Điều này có hàm ý rằng mọi nước trong Liên Hiệp đều chấp nhận hoặc mặc nhiên công nhận thực trạng hiện hành của một lãnh thổ mà ở đó, một nước khác của Liên hiệp áp đặt việc áp dụng Công ước này bằng một bản tuyên bố về khoản (1)

Điều 32

(Áp dụng Đạo luật này và các Đạo luật đã ký trước: 1. Giữa các nước đã là thành viên của Liên hiệp; 2. Giữa nước trở thành thành viên của Liên hiệp và các nước Thành viên khác của Liên hiệp; 3. Áp dụng Phụ lục trong mối quan hệ cụ thể)

1. Đạo luật này thay thế Công ước Berne ký ngày 9/9/1886 và những Đạo luật đã hiệu chỉnh sau đó, trong mối quan hệ giữa các nước Liên hiệp và trong giới hạn Đạo luật này được áp dụng. Các Đạo luật đã có hiệu lực trước đây vẫn tiếp tục được áp dụng toàn bộ hay trong phạm vi những điều mà đạo luật này không thay thế, có liên quan các nước thuộc Liên Hiệp nhưng chưa phê chuẩn hoặc gia nhập Đạo luật này.

2. Những nước ngoài Liên hiệp khi gia nhập Đạo luật này, tuân thủ những quy định ở khoản 3 dưới đây, sẽ áp dụng Đạo luật này trong quan hệ với bất cứ nước thành viên nào của Liên Hiệp chưa bị ràng buộc bởi Đạo luật này hoặc đã bị ràng buộc nhưng đã có tuyên bố về Điều 28.1.(b). Các nước đó thừa nhận để các nước nói trên trong quan hệ với mình có thể:

i). Áp dụng các Điều khoản của Đạo luật mới nhất mà nước đó bị ràng buộc;

ii). Tuân thủ Điều I(6) của Phụ lục, có quyền điều chỉnh mức bảo hộ cho phù hợp với quy định của Đạo luật này

3. Một nước đã nhất trí với quy định trong Phụ lục, có thể áp dụng các quy định đó đối với những lĩnh vực mình đã chọn, trong mối quan hệ với những nước Liên hiệp khác chưa bị Đạo luật này ràng buộc với điều kiện là những nước đó đồng ý áp dụng những quy định nói trên.

Điều 33

(Tranh chấp: 1. Thẩm quyền xét xử của Tòa án Quốc tế; 2. Bảo lưu đối với thẩm quyền này; 3. Rút bảo lưu.)

1. Mọi tranh chấp giữa hai hay nhiều nước thành viên Liên hiệp liên quan đến cách giải thích hoặc áp dụng Công ước này mà không giải quyết được bằng thương lượng, có thể một trong những nước hữu quan đưa ra Toà án công lý quốc tế bằng cách nộp đơn khiếu nại theo đúng quy định của Toà án, trừ khi các nước này thoả thuận tìm một cách giải quyết khác. Nước nguyên cáo sẽ thông báo cho Phòng Quốc tế về những tranh chấp đã đưa ra Toà và Phòng Quốc tế sẽ thông báo cho các nước thành viên Liên Hiệp.

2. Mỗi nước, khi ký kết hay đệ trình văn bản phê chuẩn hay gia nhập Đạo luật này, có thể tuyên bố mình không chịu ràng buộc bởi những quy định ở khoản (1). Trong trườngg hợp này, những tranh chấp giữa nước đó với những nước thành viên Liên hiệp khác sẽ không áp dụng quy định ở khoản (1).

3. Một nước tuy đã ra tuyên bố về quy định ở khoản (2) có thể vào bất kỳ lúc nào rút lại tuyên bố đó bằng cách gửi thông báo cho Tổng Giám đốc.

Điều 34

(Chốt lại các quy định trước: 1. Các Đạo luật trước; 2. Nghị định thư của đạo luật Stockholm)

1. Một khi các điều từ 1 đến 21 và Phụ lục bắt đầu có hiệu lực, tuân thủ quy địa ở Điều 29 Bis, không một nước nào có thể gia nhập hoặc phê chuẩn những Đạo luật trước đó của Công ước.

2. Sau khi các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục đã có hiệu lực, không nước nào có thể ra tuyên bố về điều 5 của Nghị định thư về các nước đang phát triển, phụ đính của Đạo luật Stockholm.

Điều 35

(Thời hạn của Công ước, rút khỏi Công ước: 1. Không hạn định thời hạn; 2. Khả năng rút khỏi Công ước; 3. Ngày có hiệu lực của việc rút khỏi Công ước; 4. Thời gian rút khỏi Công ước.)

1. Công ước này có hiệu lực không hạn định về thời gian.

2. Mỗi nước có thể rút khỏi Đạo luật này bằng việc gửi thông báo cho Tổng Giám đốc. Sự rút lui này đồng thời cũng là từ bỏ tất cả những Đạo luật trước đó và chỉ có hiệu quả đối với nước rút lui, còn Công ước vẫn có hiệu lực và được thực thi đối với những nước thành viên Liên Hiệp khác.

3. Việc rút lui có hiệu lực sau một năm tính từ ngày Tổng Giám đốc nhận được bản thông báo.

4. Không một nước nào được sử dụng khả năng rút lui quy định trong Điều khoản này trước khi hết thời hạn 5 năm kể từ ngày nước đó trở thành thành viên Liên hiệp.

Điều 36

(Áp dụng công ước: 1. Nghĩa vụ ban hành các biện pháp cần thiết; 2. Thời điểm nghĩa vụ tồn tại.)

1. Mỗi nước thành viên Liên Hiệp sẽ cam kết ban hành những biện pháp cần thiết, phù hợp với Hiến pháp của mình, nhằm đảm bảo việc áp dụng Công ước này.

2. Khi một nước bắt đầu bị ràng buộc bởi Công ước này thì nước đó đã có đủ quyền hạn thực hiện các điều khoản của Công ước này theo luật quốc gia của mình.

Điều 37

(Điều khoản cuối cùng: 1. Ngôn ngữ của Đạo luật; 2. Ký kết; 3. Bản sao có xác định; 4. Đăng ký; 5. Thông báo.)

1(a). Đạo luật này được ký thành một bản duy nhất bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, theo  quy định ở khoản 2, sẽ được lưu chiểu nơi Tổng Giám đốc.

(b). Các văn bản chính thức sẽ được Tổng Giám đốc thiết lập sau khi tham khảo ý kiến của các Chính phủ liên quan, bằng các thứ tiếng Ả- Rập, Bồ Đào Nha, Đức, Tây Ban Nha, Italia và bằng các thứ tiếng khác do Hội đồng chỉ định.

(c) Trong trường hợp có sự bất đồng ý kiến về cách giải thích các văn bản khác nhau, văn bản tiếng Pháp được lấy làm văn bản chuẩn.

2. Đạo luật này để ngỏ cho các nước ký cho đến ngày 31 tháng 01 năm 1972. Đến ngày đó, văn bản nói ở khoản 1(a) sẽ được lưu chiểu tại Chính phủ Cộng hoà Pháp.

3. Tổng Giám đốc chuyển hai bản sao có chứng thực sao y bản chính của văn bản đã được ký của Đạo luật này cho Chính phủ của tất cả các nước thành viên Liên Hiệp và cho Chính phủ của các nước khác, nếu có yêu cầu.

4. Tổng Giám đốc đăng ký Đạo luật này với Ban thư ký của Liên Hiệp Quốc.

5. Tổng Giám đốc sẽ thông báo cho Chính phủ của tất cả các nước thành viên Liên hiệp về các bên ký kết, những lưu chiểu văn bản phê chuẩn hay gia nhập và những tuyên bố có trong các văn bản đó hay những tuyên bố về các Điều 28.1(c); 30.2(a) và (b); và 32.2, sự bắt đầu có hiệu lực của các Điều của Đạo luật này, những thông báo rút lui, những thông báo về các Điều 30.2(c); 31.(1) và (2); 33.3 và 38.(1) và những thông báo nói ở trong Phụ lục.

Điều 38

(Các quy định chuyển tiếp: 1. Thực thi "5 năm độc quyền"; 2. Văn phòng của Liên hiệp, Giám đốc của văn phòng; 3 . Kế thừa của Văn phòng của Liên hiệp)

1. Những nước thành viên của Liên hiệp chưa phê chuẩn hay gia nhập Đạo luật và chưa bị ràng buộc bởi các Điều từ 22 đến 26 của Đạo luật Stockholm, nếu muốn, có thể thực thi cho tới ngày 26/4/1975 các quyền lợi được quy định trong các Điều nói trên như thể đã bị các Điều đó ràng buộc. Nước nào muốn thực thi những quyền lợi đó phải gửi đến Tổng Giám đốc một văn bản thông báo. Bản thông báo này có hiệu lực ngay sau khi nhận được, những nước đó sẽ được xem là thành viên của Hội đồng cho đến thời hạn nói trên.

2. Chừng nào mà tất cả các nước thành viên Liên hiệp chưa trở thành thành viên chính thức của Tổ chức, thì Phòng quốc tế của Tổ chức vẫn thực hiện chức năng là Văn phòng của Liên hiệp và Tổng Giám đốc là Giám đốc Văn phòng.

3. Một khi tất cả các nước thành viên Liên hiệp đã là thành viên của Tổ chức thì các quyền lợi, nghĩa vụ và tài sản của Văn Phòng Liên Hiệp sẽ quy tụ cả về Phòng quốc tế của Tổ chức.

 

PHỤ LỤC

(Những điều khoản đặc biệt dành cho các nước đang phát triển)

Điều 1:

(Lựa chọn dành cho nước đang phát triển: 1. Khả năng lựu chọn; công bố; 2. Thời hạn hiệu lực của bản công bố; 3. Chấm dự vị thế nước đang phát triển; 4. Bản sao lưu kho; 5. Tuyên bố liên quan đến một số vùng lãnh thổ; 6. Hạn chế về sự có đi có lại)

1. Những nước được coi là nước đang phát triển theo tập quán của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, nếu thấy hiện nay vì tình hình kinh tế cũng như các nhu cầu về văn hóa xã hội của mình chưa đủ khả năng ngay lập tức đảm bảo thực hiện tất cả những quyền quy định trong Đạo luật này, kèm theo Phụ lục như một thể thống nhất, thì khi phê chuẩn hoặc gia nhập Đạo luật này, hoặc vào một thời điểm sau đó, theo như quy định của Điều V (1)(c) phải gửi cho Tổng Giám đốc một bản thông báo tuyên bố là mình sẽ chỉ tuân thủ những quy định ở Điều II, hay Điều III hoặc là cả hai Điều đó. Nước đó cũng có thể ra tuyên bố theo quy định ở Điều V(1)(a), thay cho tuyên bố tuân thủ những quy định ở Điều II.

2(a). Mọi tuyên bố theo quy định ở khoản (1), được thông báo trước khi hết thời hạn là 10 năm, kể từ ngày bắt đầu có hiệu lực của những Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục này theo quy định của Điều 28.(2), có giá trị cho đến hết thời hạn nói trên. Tuyên bố đó có thể được gia hạn toàn bộ hay một phần cho mỗi thời hạn 10 năm tiếp theo, bằng một thông báo nộp cho Tổng Giám đốc không quá 15 tháng nhưng không ít hơn 3 tháng trước khi hết thời hạn 10 năm hiện hành.

(b) Mọi tuyên bố theo quy định ở khoản (1) được thông báo sau khi hết thời hạn 10 năm kể từ ngày bắt đầu có hiệu lực của các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục này theo quy định của Điều 28.(2) có giá trị cho đến khi hết thời hạn 10 năm hiện hành. Tuyên bố đó có thể được gia hạn như đã quy định trong câu thứ hai của điểm a trên đây.

3. Những nước thành viên Liên Hiệp khi không còn được coi là nước đang phát triển như đã nói ở khoản (1) sẽ không còn quyền gia hạn tuyên bố của mình như đã quy định ở khoản (2) và dù có chính thức rút lui tuyên bố hay không, nước đó sẽ không còn có thể sử dụng các khả năng được nêu trong khoản (1) kể từ ngày hết hạn thời gian 10 năm hoặc sau khi hết thời hạn ba năm kể từ ngày nước đó không còn được coi là nước đang phát triển. Hai thời hạn đó thời hạn nào dài hơn sẽ được áp dụng.

4. Nếu vào thời điểm tuyên bố theo quy định ở khoản (1) hay (2) không còn giá trị nữa, nhưng còn tồn tại một số phiên bản đã được sản xuất nhờ vào giấy phép được cấp theo quy định của Phụ lục này, thì những phiên bản đó sẽ được tiếp tục lưu hành cho đến khi hết.

5. Những nước bị ràng buộc bởi những quy định của Đạo luật này và đã nộp một tuyên bố hay một thông báo theo Điều 31.(1) về việc áp dụng Đạo luật ở một lãnh thổ nào đó có hiện trạng được coi là tương tự với tình trạng các nước nói ở khoản (1) đều có thể tuyên bố mhư đã nói ở khoản (1) và thông báo gia hạn như khoản (2). Chừng nào những tuyên bố hay thông báo này còn có giá trị thì các điều khoản của Phụ lục vẫn được áp dụng cho lãnh thổ nói trên.

6(a). Một điều thực tế là khi một nước chấp nhận những quy định nêu trong khoản (1) thường không cho phép một nước khác được giảm sự bảo hộ dưới mức đã được xác định theo các Điều từ 1 đến 20 đối với các tác phẩm có nước gốc là nước đã nêu ở trên.

(b). Quyền đối xử có đi có lại được quy định ở Điều 30.(2).(b), câu thứ hai sẽ không được áp dụng với các tác phẩm có nước gốc là nước đã ra tuyên bố về Điều V(1)(a) cho đến khi hết thời hạn quy định ở Điều I.(3).

Điều 2:

(Hạn chế quyền dịch: 1. Giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp; 2. đến 4. Điều kiện để cấp giấy phép; 5. Có thể cấp giấy phép cho những mục đích nào; 6. Kết thúc giấy phép; 7. Tác phẩm chủ yếu bao gồm minh hoạ; 8. Tác phẩm rút khỏi lưu hành; 9. Giấy phép dành cho tổ chức phát sóng)

1. Đối với các tác phẩm đã xuất bản dưới dạng in ấn hay các dạng sao in tương tự, một nước đã tuyên bố là sẽ áp dụng quy định nêu trong Điều khoản này, được phép thay thế quyền dịch quy định trong Điều 8 bằng một quy chế giấy phép không độc quyền và bất khả nhượng, do cơ quan có thẩm quyền cấp, theo các điều kiện dưới đây và phù hợp với Điều IV.

2(a). Tuân thủ quy định ở khoản (3), sau khi mãn hạn 3 năm hay một thời hạn dài hơn do luật pháp Quốc gia nói trên quy định kể từ lần xuất bản đầu tiên của tác phẩm, nếu người sở hữu quyền dịch không dịch hoặc không uỷ quyền dịch tác phẩm sang một ngôn ngữ thông dụng trong nước đó, thì bất kỳ công dân nào của nước nói trên đều có thể xin giấy phép để dịch tác phẩm đó sang ngôn ngữ đã nói và xuất bản bản dịch đó dưới dạng in ấn hay các dạng sao in tương tự.

(b). Giấy phép có thể cấp theo Điều này nếu tất cả những ấn bản của bản dịch sang thứ tiếng nói trên đã tiêu thụ hết.

3(a). Trong trường hợp dịch sang một thứ tiếng không thông dụng trong một hay nhiều nước phát triển thành viên Liên hiệp, thì thời hạn chỉ là một năm thay cho thời hạn ba năm quy định ở khoản 2.(a).

(b). Với sự chấp thuận của toàn bộ các nước phát triển là thành viên Liên hiệp có cùng một ngôn ngữ thông dụng chung, một nước nêu ở khoản (1) trên đây nếu muốn dịch một tác phẩm sang ngôn ngữ đó, có thể thay thế thời hạn 3 năm nói trong khoản 2.(a) bằng một thời hạn ngắn hơn theo thoả thuận trên, tuy nhiên thời hạn đó không được dưới một năm. Tuy nhiên các điều khoản đưa ra trong câu trên đây sẽ không được áp dụng trong trường hợp ngôn ngữ đó là tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Tây Ban Nha. Các Chính phủ đã ký kết những thoả thuận nói trên phải thông báo cho Tổng Giám đốc về những thoả thuận đó.

4(a). Những giấy phép nói ở Điều này sẽ không được cấp trước khi hết một thời hạn phụ thêm là 6 tháng, nếu thời hạn chính để được cấp là 3 năm và là 9 tháng, nếu thời hạn chính để được cấp là 1 năm và được tính:

i). Từ ngày người xin giấy phép hoàn thành các thủ tục nêu trong Điều IV(1), hoặc là,

ii). Nếu không xác định được danh tính và địa chỉ của người sở hữu quyền dịch, thì kể từ ngày người xin gửi các đơn xin lên nhà chức trách có thẩm quyền cấp giấy phép đó, theo quy định ở Điều IV(2).

(b). Trong thời hạn 6 tháng hay 9 tháng nói trên, nếu một bản dịch sang thứ tiếng đang xin, lại được người sở hữu quyền dịch xuất bản hay cho phép xuất bản, thì không cấp thêm giấy phép nào nữa theo quy định của Điều này.

5. Chỉ cấp giấy phép theo Điều này để dùng vào việc giảng dạy, học tập hay nghiên cứu.

6. Nếu người sở hữu quyền dịch hoặc người được uỷ thác đã xuất bản hay cho phép xuất bản bản dịch với giá bán tương đương với giá thông thường được áp dụng taị nước đó cho các tác phẩm tương tự, nếu là bản dịch đó cùng một ngôn ngữ, cùng một nội dung như bản dịch đã được cho phép, thì mọi giấy phép được cấp theo Điều này sẽ bị đình chỉ. Những bản đã in ra trước khi giấy phép hết hiệu lực có thể được tiếp tục lưu hành cho đến khi hết.

7. Đối với các tác phẩm mà phần chính là hình ảnh thì giấy phép dịch và xuất bản dịch phần ngôn ngữ cũng như in lại và xuất bản các hình ảnh chỉ có thể được cấp nếu các điều kiện nêu ra ở Điều III được thoả mãn.

8. Không được cấp một giấy phép nào theo Điều này khi tác giả đã thu hồi tất cả các phiên bản đã lưu hành của tác phẩm của mình.

9(a). Cũng có thể cấp giấy phép dịch một tác phẩm đã được xuất bản dưới hình thức in ấn hay sao in, cho một cơ quan phát thanh có trụ sở trong một nước nói ở khoản (1) sau khi cơ quan đó gửi đơn xin phép cơ quan có thẩm quyền trong nước nói trên với điều kiện phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

i). Bản dịch phải được dịch ra từ một ấn phẩm và ấn phẩm đó được mua một cách hợp pháp theo quy định của luật pháp của nước nói trên;

ii). Bản dịch chỉ dùng cho mục đích phát sóng phục vụ giảng dạy hay cho phổ biến các thông tin khoa học, kỹ thuật dành cho các chuyên gia của một ngành riêng biệt nào đó;

iii). Bản dịch đó chỉ được dùng riêng vào những mục đích nói ở điểm (ii) thông qua các buổi phát thanh hợp pháp và dành cho thính giả trên lãnh thổ của các nước nói trên, kể cả việc phát thanh từ các bản ghi âm hay ghi hình hợp pháp và chỉ dành riêng cho các buổi phát sóng đó;

iv) Các bản dịch đó đều không được sử dụng cho mục đích thương mại.

b). Các bản ghi âm hay ghi hình của một bản dịch do một cơ quan phát sóng thực hiện theo giấy phép được cấp theo quy định của khoản này theo mục đích và quy định của điểm (a), và nếu cơ quan sở hữu cho phép, cũng có thể được sử dụng bởi bất kỳ một cơ quan phát sóng nào khác có trụ sở trong nước mà cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép đó.

c) Nếu đáp ứng được đầy đủ tất cả các tiêu chuẩn và điều kiện nêu trong điểm (a) thì giấy phép cũng có thể được cấp cho một cơ quan phát sóng để dịch các văn bản có trong một tác phẩm nghe nhìn nhằm phát hành với mục đích duy nhất là phục vụ giảng dạy các cấp.

d) Tuân thủ những quy định ở những điểm từ (a) tới (c), các qui định ở các điểm khác trên được áp dụng để cấp và thực thi các giấy phép được cấp theo quy định của khoản này.

Điều 3:

(Hạn chế quyền sao chép: 1. Giấy phép cơ quan có thẩm quyền có thể cấp; 2. đến 5. Điều kiện để cấp giấy phép; 6. Chấm dứt hiệu lực giấy phép; 7. Tác phẩm thuộc phạm vi áp dụng của Điều này)

1. Những nước đã đưa ra tuyên bố công nhận các quy định trong Điều này sẽ được phép thay thế quyền sao in theo qui định ở Điều 9 bằng một qui chế các phép không độc quyền và bất khả nhượng, do cơ quan có thẩm quyền cấp với những điều kiện dưới đây và phù hợp với Điều IV.

2(a). Nếu một tác phẩm tuân thủ quy định của Điều này theo quy định ở khoản 7 và sau khi đã hết hạn:

i) Quy định ở khoản 3, tính từ lần xuất bản đầu tiên của tác phẩm; hoặc là,

ii). Hết một thời hạn dài hơn do Luật pháp Quốc gia nói ở khoản (1) quy định và cũng được tính từ ngày đó thì nếu ấn bản đó chưa được chính người giữ quyền sở hữu hoặc người được uỷ thác phát hành tới công chúng ở nước nói trên với giá tương đương với giá bán thông thường tại nước đó đối với các tác phẩm tương tự hoặc chưa đưa ra phục vụ giảng dạycó hệ thống, thì bất cứ người dân nào của nước nói trên cũng có thể xin phép sao in và xuất bản ấn bản đó để bán cùng một giá hoặc rẻ hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy một cách có hệ thống.

b). Có thể cấp giấy phép theo những điều kiện được quy định trong Điều này để sao in và xuất bản một ấn bản đã được phát hành như đã nói ở điểm (a) nếu trong vòng 6 tháng tính từ khi hết hạn không còn một ấn bản nào để bán cho công chúng hoặc phục vụ nhu cầu giảng dạy có hệ thống với giá tương đương với giá bán thông thường tại nước đó đối với các tác phẩm tương tự.

3. Thời hạn nói ở khoản 2.(a)(i) là 5 năm. Trừ những trường hợp sau đây:

i) Thời hạn đối với những tác phẩm khoa học tự nhiên kể cả toán học và công nghệ là 3 năm.

ii). Đối với các tác phẩm khoa học viễn tưởng, thơ ca, kịch, âm nhạc và các sách về nghệ thuật, thời hạn là 7 năm.

4(a). Không cấp giấy phép sau 3 năm, theo quy định của Điều này nếu chưa hết thời hạn 6 tháng:

i) Kể từ ngày người xin phép làm xong các thủ tục quy định ở Điều IV(1) hay

ii). Nếu không xác định được danh tính hay địa chỉ của người sở hữu quyền tái bản, thì thời hạn 6 tháng được tính kể từ khi người xin phép đã gửi đơn lên cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định ở Điều IV(2).

(b) Trong những trường hợp khác và nếu Điều IV(2) được áp dụng thì giấy phép không được cấp trước khi kết thúc thời gian chờ đợi là 3 tháng kể từ ngày gửi đơn xin cấp giấy phép.

(c) Nếu trong thời gian 6 hoặc 3 tháng chờ đợi theo quy định ở điểm (a) và (b) tác phẩm được đem bán như đã nói ở khoản 2(a) thì việc cấp giấy phép theo Điều này bị đình chỉ.

(d) Việc cấp giấy phép sẽ bị đình chỉ nếu tác giả đã thu hồi tất cả các ấn bản được phép sao in và xuất bản.

5. Việc cấp giấy phép sao in và xuất bản bản dịch một tác phẩm theo Điều này cũng bị đình chỉ trong những trường hợp sau đây:

i) Khi bản dịch đó không phải do người sở hữu quyền dịch hoặc người được uỷ thác xuất bản hoặc

ii) Khi bản dịch không phải là ngôn ngữ thông dụng ở nước xin phép cấp giấy phép.

6. Nếu các ấn bản của một tác phẩm được người sở hữu quyền tái bản hoặc người được uỷ thác phát hành ở một nước nói ở khoản (1) tới công chúng hoặc phục vụ giảng dạy có hệ thống với một giá tương đương với giá bám thông thường đối với những tác phẩm tương tự, thì mọi giấy phép đã được cấp theo Điều này sẽ bị đình chỉ nếu ấn bản đó có cùng một ngôn ngữ và cùng một nội dung như ấn bản đã được xuất bản theo giấy phép. Những ấn bản đã in ra trước khi giấy phép bị đình chỉ có thể được tiếp tục lưu hành cho đến khi hết.

7(a). Tuân thủ quy định ở điểm (b) những điều nói về các tác phẩm trong Điều này chỉ áp dụng đối với các tác phẩm được xuất bản dưới dạng in ấn hay sao in tương tự.

(b) Điều này cũng được áp dụng cho việc sao bản dưới hình thức nghe nhìn những băng, phim được thực hiện một cách hợp pháp và được coi là tác phẩm được bảo hộ. Nó cũng được áp dụng cho việc dịch văn bản kèm theo sang ngôn ngữ thông dụng trong nước nơi xin giấy phép với điều kiện các băng, phim nói trên được thực hiện và xuất bản với mục đích duy nhất là dùng cho giảng dạy có hệ thống.

Điều 4:

(Qui định chung đối với giấy phép theo Điều II và III: 1. và 2. Thủ tục; 3. Nêu tên tác giả và tên tác phẩm; 4. Xuất khẩu bản sao; 5. Ghi chú; 6. Đền bù)

1. Mọi giấy phép đã nói ở Điều II và Điều III chỉ có thể được cấp nếu người xin phép theo đúng các thể thức hiện hành ở nước hữu quan, minh chứng được rằng mình đã xin sự uỷ thác của người sở hữu quyền dịch và xuất bản, hoặc sao in và xuất bản nhưng đã bị từ chối, hay là sau khi đã làm hết cách mà không tiếp xúc được với người sở hữu quyền đó. Đồng thời với việc xin phép người xin cũng phải thông báo cho bất cứ Trung tâm Thông tin Quốc gia hay Quốc tế nào theo như quy định ở khoản 2.

2. Nếu không tiếp xúc được với người sở hữu quyền, thì người xin phải gửi bảo đảm bằng máy bay bản sao các đơn từ đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, cho Nhà xuất bản có tên in trên tác phẩm, cũng như tới Trung tâm Thông tin Quốc gia hoặc Quốc tế mà Trung tâm này đã được Chính phủ của Quốc gia nơi Nhà xuất bản đặt trụ sở hoạt động chỉ định bằng một thông báo gửi cho Tổng Giám đốc về việc đó.

3. Tên tác giả phải được nêu rõ trên tất cả các ấn phẩm dịch hay của bản sao in được xuất bản theo giấy phép theo quy định của Điều II hoặc Điều III. Tên tác phẩm phải được ghi trên ấn phẩm. Nếu là bản dịch thì tên tác phẩm gốc cũng phải được ghi trên các ấn bản này.

4(a). Giấy phép được cấp theo Điều II hay Điều III không được bao hàm việc xuất cảng các ấn bản. Giấy phép chỉ có giá trị cho phép xuất bản các bản dịch hoặc tái bản trong nội địa của Quốc gia nơi giấy phép đã được cấp.

(b) Để làm rõ những quy định ở điểm (a) khái niệm xuất cảng bao gồm cả việc gửi các ấn bản từ một vùng lãnh thổ nào đó tới một nước đã tuyên bố tuân thủ Điều I(5).

(c) Khi một cơ quan Chính phủ hay một công sở nào khác của nước đã cấp giấy phép theo Điều II để dịch sang một thứ tiếng khác không phải là tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha, gửi các ấn bản dịch đã được xuất bản nhờ giấy phép đó sang một nước khác, thì việc gửi đó sẽ không được xem là xuất cảng như đã nói ở điểm (a) nếu như những điều kiện sau đây được thoả mãn:

i) Những người nhận là các cá nhân, công dân của nước có cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép nói trên hoặc là các tổ chức có các công dân đó;

ii) Các ấn bản đó chỉ dùng với mục đích giảng dạy hoặc nghiên cứu;

iii) Việc gửi các ấn bản và việc phân phát cho người nhận không có một tính chất vụ lợi nào; và,

iv) Nước nhận các phiên bản đó đã ký một Thoả ước với nước nơi có cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép, để được quyền nhận hoặc phân phát hoặc vừa nhận vừa phân phát, và Chính phủ của nước cấp giấy phép đã thông báo lên Tổng Giám đốc về Thoả ước đó.

5. Trên tất cả các ấn bản xuất bản theo giấy phép cấp theo Điều II hay Điều III đều phải ghi chú bằng thứ ngôn ngữ thích hợp, nêu rõ là các bản đó chỉ được lưu hành ở nước hay lãnh thổ giấy phép nói trên quy định.

6(a). Những biện pháp thích đáng sẽ được áp dụng trên bình diện Quốc gia nhằm:

i) Giấy phép đó mang lại cho người sở hữu quyền dịch hay quyền tái bản một sự đền bù cân xứng, phù hợp với mức nhuận bút phải trả cho tác giả trong trường hợp những giấy phép được hai bên trong hai nước hữu quan liên hệ tự do thoả thuận với nhau;

ii) Tiền đền bù được trả và chuyển đến cho tác giả. Nếu Quốc gia đó có sự hạn chế về trao đổi ngoại tệ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cố gắng hết sức bằng cách vận dụng các guồng máy quốc tế nhằm đảm bảo việc chuyển tiền nhuận bút bằng một ngoại tệ chuyển đổi được trên thị trường quốc tế hoặc bằng một số tương đương.

(b). Những biện pháp thích đáng sẽ được áp dụng trên cơ sở Luật pháp Quốc gia để đảm bảo có được bản dịch đúng, hoặc bản sao in chính xác của tác phẩm.

Điều 5:

(Khả năng lựa chọn về hạn chế quyền dịch: 1. Chế độ qui định theo các Đạo luật 1886 và 1896; 2. Không được chuyển đổi sang chế độ theo Điều II; 3. Thời hạn để xác định khả năng lựa chọn)

1(a). Những nước được quyền tuyên bố sử dụng những quy định ở Điều II, khi phê chuẩn hay gia nhập Đạo luật này, thay vì tuyên bố đó, có thể:

i) Ra tuyên bố về quyền dịch theo quy định của Điều 30(2)(a), nếu nước đó tuân thủ điều này;

ii) Ra tuyên bố như đã nói ở câu thứ nhất của Điều 30(2)(b) nếu là một nước không áp dụng điều khoản 30(2)(a), hoặc nước đó không phải là một nước ngoài Liên hiệp.

(b). Trong trường hợp một nước không còn được xem là nước đang phát triển theo Điều I(1), việc tuyên bố tuân thủ khoản này cũng có hiệu lực cho đến khi hết thời hạn đã quy định ở Điều I(3).

(c) Nước nào đã ra tuyên bố tuân thủ khoản này, cho dù nước đó có thu hồi tuyên bố nói trên, cũng không được tuyên bố tuân thủ Điều II.

2. Tuân thủ quy định ở khoản (3), nước nào đã tuyên bố tuân thủ Điều II thì sau đó không được tuyên bố tuân thủ khoản (1) nữa.

3. Một nước khi không còn được coi là một nước đang phát triển theo Điều I(1) chậm nhất là hai năm trước khi chấm dứt thời hạn quy định ở Điều I(3) có thể ra tuyên bố tuân thủ câu đầu của Điều 30(2)(b) cho dù nước đó không phải là một nước thuộc Liên Hiệp. Tuyên bố này có hiệu lực ngay khi hết thời hạn quy định theo Điều I(3).

Điều 6:

(Khả năng áp dụng, hoặc cho phép áp dụng đối với một số qui định của Phụ lục trước khi bị ràng buộc: 1 Tuyên bố; 2. Nộp lưu chiểu và ngày hiệu lực của tuyên bố)

1. Mỗi nước thuộc Liên hiệp, kể từ ngày thông qua Đạo luật này và vào bất kỳ thời gian nào trước khi bị ràng buộc bởi các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục này đều có thể tuyên bố:

i) Nếu là một nước mà khi bị ràng buộc bởi các Điều từ 1 đến 21 và Phụ lục, được phép sử dụng những khả năng nêu trong Điều I(1), có thể ra tuyên bố rằng mình sẽ áp dụng những quy định ở Điều II hay Điều III hoặc là cả hai Điều đó cho những tác phẩm có nước gốc là một nước theo quy định ở điểm (ii) dưới đây, với điều kiện nước này chấp nhận việc áp dụng các Điều khoản này cho những tác phẩm đã nói, hoặc là một nước bị ràng buộc bởi các Điều khoản từ 1 đến 21 và Phụ lục. Tuyên bố nói trên có thể làm theo quy định của Điều V thay cho Điều II;

ii) Ra tuyên bố rằng mình chấp nhận để các nước đã tuyên bố tuân thủ điểm (i) trên đây hoặc đã thông báo tuân thủ Điều I, áp dụng Phụ lục này cho những tác phẩm xuất xứ từ nước mình.

2. Những tuyên bố tuân thủ khoản (1) phải là một văn bản và phải gửi cho Tổng Giám đốc. Tuyên bố đó sẽ có hiệu lực kể từ ngày nộp./.

 

CONVENTION BERNE

FOR THE PROTECTION OF LITERARY AND ARTISTIC WORKS

PARIS ACT OF JULY 24, 1971,

TABLE OF CONTENTS

The countries of the Union, being equally animated by the desire to protect, in as effective and uniform a manner as possible, the rights of authors in their literary and artistic works,

Recognizing the importance of the work of the Revision

Conference held at Stockholm in 1967,

Have resolved to revise the Act adopted by the Stockholm Conference, while maintaining without change Articles 1 to 20 and 22 to 26 of that Act.

Consequently, the undersigned Plenipotentiaries, having presented their full powers, recognized as in good and due form, have agreed as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

[Establishment of a Union]

The countries to which this Convention applies constitute a Union for the protection of the rights of authors in their literary and artistic works.

Article 2

[Protected Works: 1. "Literary and artistic works"; 2. Possible requirement of fixation; 3. Derivative works; 4. Official texts; 5. Collections; 6. Obligation to protect; beneficiaries of protection; 7. Works of applied art and industrial designs; 8. News]

(1) The expression "literary and artistic works" shall include every production in the literary, scientific and artistic domain, whatever may be the mode or form of its expression, such as books, pamphlets and other writings; lectures, addresses, sermons and other works of the same nature; dramatic or dramatico-musical works; choreographic works and entertainments in dumb show; musical compositions with or without words; cinematographic works to which are assimilated works expressed by a process analogous to cinematography; works of drawing, painting, architecture, sculpture, engraving and lithography; photographic works to which are assimilated works expressed by a process analogous to photography; works of applied art; illustrations, maps, plans, sketches and three-dimensional works relative to geography, topography, architecture or science.

(2) It shall, however, be a matter for legislation in the countries of the Union to prescribe that works in general or any specified categories of works shall not be protected unless they have been fixed in some material form.

(3) Translations, adaptations, arrangements of music and other alterations of a literary or artistic work shall be protected as original works without prejudice to the copyright in the original work.

(4) It shall be a matter for legislation in the countries of the Union to determine the protection to be granted to official texts of a legislative, administrative and legal nature, and to official translations of such texts.

(5) Collections of literary or artistic works such as encyclopaedias and anthologies which, by reason of the selection and arrangement of their contents, constitute intellectual creations shall be protected as such, without prejudice to the copyright in each of the works forming part of such collections.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(7) Subject to the provisions of Article 7(4) of this Convention, it shall be a matter for legislation in the countries of the Union to determine the extent of the application of their laws to works of applied art and industrial designs and models, as well as the conditions under which such works, designs and models shall be protected. Works protected in the country of origin solely as designs and models shall be entitled in another country of the Union only to such special protection as is granted in that country to designs and models; however, if no such special protection is granted in that country, such works shall be protected as artistic works.

(8) The protection of this Convention shall not apply to news of the day or to miscellaneous facts having the character of mere items of press information.

Article 2bis

[Possible Limitation of Protection of Certain Works: 1. Certain speeches; 2. Certain uses of lectures and addresses; 3. Right to make collections of such works]

(1) It shall be a matter for legislation in the countries of the Union to exclude, wholly or in part, from the protection provided by the preceding Article political speeches and speeches delivered in the course of legal proceedings.

(2) It shall also be a matter for legislation in the countries of the Union to determine the conditions under which lectures, addresses and other works of the same nature which are delivered in public may be reproduced by the press, broadcast, communicated to the public by wire and made the subject of public communication as envisaged in Article 11bis(1) of this Convention, when such use is justified by the informatory purpose.

(3) Nevertheless, the author shall enjoy the exclusive right of making a collection of his works mentioned in the preceding paragraphs.

Article 3

[Criteria of Eligibility for Protection: 1. Nationality of author; place of publication of work; 2. Residence of author; 3. "Published" works; 4. "Simultaneously published" works]

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(a) authors who are nationals of one of the countries of the Union, for their works, whether published or not;

(b) authors who are not nationals of one of the countries of the Union, for their works first published in one of those countries, or simultaneously in a country outside the Union and in a country of the Union.

(2) Authors who are not nationals of one of the countries of the Union but who have their habitual residence in one of them shall, for the purposes of this Convention, be assimilated to nationals of that country.

(3) The expression "published works" means works published with the consent of their authors, whatever may be the means of manufacture of the copies, provided that the availability of such copies has been such as to satisfy the reasonable requirements of the public, having regard to the nature of the work. The performance of a dramatic, dramatico-musical, cinematographic or musical work, the public recitation of a literary work, the communication by wire or the broadcasting of literary or artistic works, the exhibition of a work of art and the construction of a work of architecture shall not constitute publication.

(4) A work shall be considered as having been published simultaneously in several countries if it has been published in two or more countries within thirty days of its first publication.

Article 4

[Criteria of Eligibility for Protection of Cinematographic Works, Works of Architecture and Certain Artistic Works]

The protection of this Convention shall apply, even if the conditions of Article 3 are not fulfilled, to:

(a) authors of cinematographic works the maker of which has his headquarters or habitual residence in one of the countries of the Union;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 5

[Rights Guaranteed: 1. and 2. Outside the country of origin; 3. In the country of origin; 4. "Country of origin"]

(1) Authors shall enjoy, in respect of works for which they are protected under this Convention, in countries of the Union other than the country of origin, the rights which their respective laws do now or may hereafter grant to their nationals, as well as the rights specially granted by this Convention.

(2) The enjoyment and the exercise of these rights shall not be subject to any formality; such enjoyment and such exercise shall be independent of the existence of protection in the country of origin of the work. Consequently, apart from the provisions of this Convention, the extent of protection, as well as the means of redress afforded to the author to protect his rights, shall be governed exclusively by the laws of the country where protection is claimed.

(3) Protection in the country of origin is governed by domestic law. However, when the author is not a national of the country of origin of the work for which he is protected under this Convention, he shall enjoy in that country the same rights as national authors.

(4) The country of origin shall be considered to be:

(a) in the case of works first published in a country of the Union, that country; in the case of works published simultaneously in several countries of the Union which grant different terms of protection, the country whose legislation grants the shortest term of protection;

(b) in the case of works published simultaneously in a country outside the Union and in a country of the Union, the latter country;

(c) in the case of unpublished works or of works first published in a country outside the Union, without simultaneous publication in a country of the Union, the country of the Union of which the author is a national, provided that:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 (ii) when these are works of architecture erected in a country of the Union or other artistic works incorporated in a building or other structure located in a country of the Union, the country of origin shall be that country.

Article 6

[Possible Restriction of Protection in Respect of Certain Works of Nationals of Certain Countries Outside the Union: 1. In the country of the first publication and in other countries; 2. No retroactivity; 3. Notice]

(1) Where any country outside the Union fails to protect in an adequate manner the works of authors who are nationals of one of the countries of the Union, the latter country may restrict the protection given to the works of authors who are, at the date of the first publication thereof, nationals of the other country and are not habitually resident in one of the countries of the Union. If the country of first publication avails itself of this right, the other countries of the Union shall not be required to grant to works thus subjected to special treatment a wider protection than that granted to them in the country of first publication.

(2) No restrictions introduced by virtue of the preceding paragraph shall affect the rights which an author may have acquired in respect of a work published in a country of the Union before such restrictions were put into force.

(3) The countries of the Union which restrict the grant of copyright in accordance with this Article shall give notice thereof to the Director General of the World Intellectual Property Organization (hereinafter designated as "the Director General") by a written declaration specifying the countries in regard to which protection is restricted, and the restrictions to which rights of authors who are nationals of those countries are subjected. The Director General shall immediately communicate this declaration to all the countries of the Union.

Article 6bis

[Moral Rights: 1. To claim authorship; to object to certain modifications and other derogatory actions; 2. After the author's death; 3. Means of redress]

(1) Independently of the author's economic rights, and even after the transfer of the said rights, the author shall have the right to claim authorship of the work and to object to any distortion, mutilation or other modification of, or other derogatory action in relation to, the said work, which would be prejudicial to his honor or reputation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(3) The means of redress for safeguarding the rights granted by this Article shall be governed by the legislation of the country where protection is claimed.

Article 7

[Term of Protection: 1. Generally; 2. For cinematographic works; 3. For anonymous and pseudonymous works; 4. For photographic works and works of applied art; 5. Starting date of computation; 6. Longer terms; 7. Shorter terms; 8. Applicable law; "comparison" of terms]

(1) The term of protection granted by this Convention shall be the life of the author and fifty years after his death.

(2) However, in the case of cinematographic works, the countries of the Union may provide that the term of protection shall expire fifty years after the work has been made available to the public with the consent of the author, or, failing such an event within fifty years from the making of such a work, fifty years after the making.

(3) In the case of anonymous or pseudonymous works, the term of protection granted by this Convention shall expire fifty years after the work has been lawfully made available to the public. However, when the pseudonym adopted by the author leaves no doubt as to his identity, the term of protection shall be that provided in paragraph (1). If the author of an anonymous or pseudonymous work discloses his identity during the above-mentioned period, the term of protection applicable shall be that provided in paragraph (1). The countries of the Union shall not be required to protect anonymous or pseudonymous works in respect of which it is reasonable to presume that their author has been dead for fifty years.

(4) It shall be a matter for legislation in the countries of the Union to determine the term of protection of photographic works and that of works of applied art in so far as they are protected as artistic works; however, this term shall last at least until the end of a period of twenty-five years from the making of such a work.

(5) The term of protection subsequent to the death of the author and the terms provided by paragraphs (2), (3) and (4) shall run from the date of death or of the event referred to in those paragraphs, but such terms shall always be deemed to begin on the first of January of the year following the death or such event.

(6) The countries of the Union may grant a term of protection in excess of those provided by the preceding paragraphs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(8) In any case, the term shall be governed by the legislation of the country where protection is claimed; however, unless the legislation of that country otherwise provides, the term shall not exceed the term fixed in the country of origin of the work.

Article 7bis

[Term of Protection for Works of Joint Authorship]

The provisions of the preceding Article shall also apply in the case of a work of joint authorship, provided that the terms measured from the death of the author shall be calculated from the death of the last surviving author.

Article 8

[Right of Translation]

Authors of literary and artistic works protected by this Convention shall enjoy the exclusive right of making and of authorizing the translation of their works throughout the term of protection of their rights in the original works.

Article 9

[Right of Reproduction: 1. Generally; 2. Possible exceptions; 3. Sound and visual recordings]

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(2) It shall be a matter for legislation in the countries of the Union to permit the reproduction of such works in certain special cases, provided that such reproduction does not conflict with a normal exploitation of the work and does not unreasonably prejudice the legitimate interests of the author.

(3) Any sound or visual recording shall be considered as a reproduction for the purposes of this Convention.

Article 10

[Certain Free Uses of Works: 1. Quotations; 2. Illustrations for teaching; 3. Indication of source and author]

(1) It shall be permissible to make quotations from a work which has already been lawfully made available to the public, provided that their making is compatible with fair practice, and their extent does not exceed that justified by the purpose, including quotations from newspaper articles and periodicals in the form of press summaries.

(2) It shall be a matter for legislation in the countries of the Union, and for special agreements existing or to be concluded between them, to permit the utilization, to the extent justified by the purpose, of literary or artistic works by way of illustration in publications, broadcasts or sound or visual recordings for teaching, provided such utilization is compatible with fair practice.

(3) Where use is made of works in accordance with the preceding paragraphs of this Article, mention shall be made of the source, and of the name of the author if it appears thereon.

Article 10bis

[Further Possible Free Uses of Works: 1. Of certain articles and broadcast works; 2. Of works seen or heard in connection with current events]

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(2) It shall also be a matter for legislation in the countries of the Union to determine the conditions under which, for the purpose of reporting current events by means of photography, cinematography, broadcasting or communication to the public by wire, literary or artistic works seen or heard in the course of the event may, to the extent justified by the informatory purpose, be reproduced and made available to the public.

Article 11

[Certain Rights in Dramatic and Musical Works: 1. Right of public performance and of communication to the public of a performance; 2. In respect of translations]

(1) Authors of dramatic, dramatico-musical and musical works shall enjoy the exclusive right of authorizing:

 (i) the public performance of their works, including such public performance by any means or process;

 (ii) any communication to the public of the performance of their works.

(2) Authors of dramatic or dramatico-musical works shall enjoy, during the full term of their rights in the original works, the same rights with respect to translations thereof.

Article 11bis

[Broadcasting and Related Rights: 1. Broadcasting and other wireless communications, public communication of broadcast by wire or rebroadcast, public communication of broadcast by loudspeaker or analogous instruments; 2. Compulsory licenses; 3. Recording; ephemeral recordings]

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 (i) the broadcasting of their works or the communication thereof to the public by any other means of wireless diffusion of signs, sounds or images;

 (ii) any communication to the public by wire or by rebroadcasting of the broadcast of the work, when this communication is made by an organization other than the original one;

 (iii) the public communication by loudspeaker or any other analogous instrument transmitting, by signs, sounds or images, the broadcast of the work.

(2) It shall be a matter for legislation in the countries of the Union to determine the conditions under which the rights mentioned in the preceding paragraph may be exercised, but these conditions shall apply only in the countries where they have been prescribed. They shall not in any circumstances be prejudicial to the moral rights of the author, nor to his right to obtain equitable remuneration which, in the absence of agreement, shall be fixed by competent authority.

(3) In the absence of any contrary stipulation, permission granted in accordance with paragraph (1) of this Article shall not imply permission to record, by means of instruments recording sounds or images, the work broadcast. It shall, however, be a matter for legislation in the countries of the Union to determine the regulations for ephemeral recordings made by a broadcasting organization by means of its own facilities and used for its own broadcasts. The preservation of these recordings in official archives may, on the ground of their exceptional documentary character, be authorized by such legislation.

Article 11ter

[Certain Rights in Literary Works: 1. Right of public recitation and of communication to the public of a recitation; 2. In respect of translations]

(1) Authors of literary works shall enjoy the exclusive right of authorizing:

 (i) the public recitation of their works, including such public recitation by any means or process;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(2) Authors of literary works shall enjoy, during the full term of their rights in the original works, the same rights with respect to translations thereof.

Article 12

[Right of Adaptation, Arrangement and Other Alteration]

Authors of literary or artistic works shall enjoy the exclusive right of authorizing adaptations, arrangements and other alterations of their works.

Article 13

[Possible Limitation of the Right of Recording of Musical Works and Any Words Pertaining Thereto: 1. Compulsory licenses; 2. Transitory measures; 3. Seizure on importation of copies made without the author's permission]

(1) Each country of the Union may impose for itself reservations and conditions on the exclusive right granted to the author of a musical work and to the author of any words, the recording of which together with the musical work has already been authorized by the latter, to authorize the sound recording of that musical work, together with such words, if any; but all such reservations and conditions shall apply only in the countries which have imposed them and shall not, in any circumstances, be prejudicial to the rights of these authors to obtain equitable remuneration which, in the absence of agreement, shall be fixed by competent authority.

(2) Recordings of musical works made in a country of the Union in accordance with Article 13(3) of the Conventions signed at Rome on June 2, 1928, and at Brussels on June 26, 1948, may be reproduced in that country without the permission of the author of the musical work until a date two years after that country becomes bound by this Act.

(3) Recordings made in accordance with paragraphs (1) and (2) of this Article and imported without permission from the parties concerned into a country where they are treated as infringing recordings shall be liable to seizure.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

[Cinematographic and Related Rights: 1. Cinematographic adaptation and reproduction; distribution; public performance and public communication by wire of works thus adapted or reproduced; 2. Adaptation of cinematographic productions; 3. No compulsory licenses]

(1) Authors of literary or artistic works shall have the exclusive right of authorizing:

 (i) the cinematographic adaptation and reproduction of these works, and the distribution of the works thus adapted or reproduced;

 (ii) the public performance and communication to the public by wire of the works thus adapted or reproduced.

(2) The adaptation into any other artistic form of a cinematographic production derived from literary or artistic works shall, without prejudice to the authorization of the author of the cinematographic production, remain subject to the authorization of the authors of the original works.

(3) The provisions of Article 13(1) shall not apply.

Article 14bis

[Special Provisions Concerning Cinematographic Works: 1. Assimilation to "original" works; 2. Ownership; limitation of certain rights of certain contributors; 3. Certain other contributors]

(1) Without prejudice to the copyright in any work which may have been adapted or reproduced, a cinematographic work shall be protected as an original work. The owner of copyright in a cinematographic work shall enjoy the same rights as the author of an original work, including the rights referred to in the preceding Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(a) Ownership of copyright in a cinematographic work shall be a matter for legislation in the country where protection is claimed.

(b) However, in the countries of the Union which, by legislation, include among the owners of copyright in a cinematographic work authors who have brought contributions to the making of the work, such authors, if they have undertaken to bring such contributions, may not, in the absence of any contrary or special stipulation, object to the reproduction, distribution, public performance, communication to the public by wire, broadcasting or any other communication to the public, or to the subtitling or dubbing of texts, of the work.

(c) The question whether or not the form of the undertaking referred to above should, for the application of the preceding subparagraph (b), be in a written agreement or a written act of the same effect shall be a matter for the legislation of the country where the maker of the cinematographic work has his headquarters or habitual residence. However, it shall be a matter for the legislation of the country of the Union where protection is claimed to provide that the said undertaking shall be in a written agreement or a written act of the same effect. The countries whose legislation so provides shall notify the Director General by means of a written declaration, which will be immediately communicated by him to all the other countries of the Union.

(d) By "contrary or special stipulation" is meant any restrictive condition which is relevant to the aforesaid undertaking.

(3) Unless the national legislation provides to the contrary, the provisions of paragraph (2)(b) above shall not be applicable to authors of scenarios, dialogues and musical works created for the making of the cinematographic work, or to the principal director thereof. However, those countries of the Union whose legislation does not contain rules providing for the application of the said paragraph (2)(b) to such director shall notify the Director General by means of a written declaration, which will be immediately communicated by him to all the other countries of the Union.

Article 14ter

["Droit de suite" in Works of Art and Manuscripts:
1. Right to an interest in resales; 2. Applicable law; 3. Procedure]

(1) The author, or after his death the persons or institutions authorized by national legislation, shall, with respect to original works of art and original manuscripts of writers and composers, enjoy the inalienable right to an interest in any sale of the work subsequent to the first transfer by the author of the work.

(2) The protection provided by the preceding paragraph may be claimed in a country of the Union only if legislation in the country to which the author belongs so permits, and to the extent permitted by the country where this protection is claimed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 15

[Right to Enforce Protected Rights: 1. Where author's name is indicated or where pseudonym leaves no doubt as to author's identity; 2. In the case of cinematographic works; 3. In the case of anonymous and pseudonymous works; 4. In the case of certain unpublished works of unknown authorship]

(1) In order that the author of a literary or artistic work protected by this Convention shall, in the absence of proof to the contrary, be regarded as such, and consequently be entitled to institute infringement proceedings in the countries of the Union, it shall be sufficient for his name to appear on the work in the usual manner. This paragraph shall be applicable even if this name is a pseudonym, where the pseudonym adopted by the author leaves no doubt as to his identity.

(2) The person or body corporate whose name appears on a cinematographic work in the usual manner shall, in the absence of proof to the contrary, be presumed to be the maker of the said work.

(3) In the case of anonymous and pseudonymous works, other than those referred to in paragraph (1) above, the publisher whose name appears on the work shall, in the absence of proof to the contrary, be deemed to represent the author, and in this capacity he shall be entitled to protect and enforce the author's rights. The provisions of this paragraph shall cease to apply when the author reveals his identity and establishes his claim to authorship of the work.

(4)

(a) In the case of unpublished works where the identity of the author is unknown, but where there is every ground to presume that he is a national of a country of the Union, it shall be a matter for legislation in that country to designate the competent authority which shall represent the author and shall be entitled to protect and enforce his rights in the countries of the Union.

(b) Countries of the Union which make such designation under the terms of this provision shall notify the Director General by means of a written declaration giving full information concerning the authority thus designated. The Director General shall at once communicate this declaration to all other countries of the Union.

Article 16

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(1) Infringing copies of a work shall be liable to seizure in any country of the Union where the work enjoys legal protection.

(2) The provisions of the preceding paragraph shall also apply to reproductions coming from a country where the work is not protected, or has ceased to be protected.

(3) The seizure shall take place in accordance with the legislation of each country.

Article 17

[Possibility of Control of Circulation, Presentation and Exhibition of Works]

The provisions of this Convention cannot in any way affect the right of the Government of each country of the Union to permit, to control, or to prohibit, by legislation or regulation, the circulation, presentation, or exhibition of any work or production in regard to which the competent authority may find it necessary to exercise that right.

Article 18

[Works Existing on Convention's Entry Into Force: 1. Protectable where protection not yet expired in country of origin; 2. Non-protectable where protection already expired in country where it is claimed; 3. Application of these principles; 4. Special cases]

(1) This Convention shall apply to all works which, at the moment of its coming into force, have not yet fallen into the public domain in the country of origin through the expiry of the term of protection.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(3) The application of this principle shall be subject to any provisions contained in special conventions to that effect existing or to be concluded between countries of the Union. In the absence of such provisions, the respective countries shall determine, each in so far as it is concerned, the conditions of application of this principle.

(4) The preceding provisions shall also apply in the case of new accessions to the Union and to cases in which protection is extended by the application of Article 7 or by the abandonment of reservations.

Article 19

[Protection Greater than Resulting from Convention]

The provisions of this Convention shall not preclude the making of a claim to the benefit of any greater protection which may be granted by legislation in a country of the Union.

Article 20

[Special Agreements Among Countries of the Union]

The Governments of the countries of the Union reserve the right to enter into special agreements among themselves, in so far as such agreements grant to authors more extensive rights than those granted by the Convention, or contain other provisions not contrary to this Convention. The provisions of existing agreements which satisfy these conditions shall remain applicable.

Article 21

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(1) Special provisions regarding developing countries are included in the Appendix.

(2) Subject to the provisions of Article 28(1)(b), the Appendix forms an integral part of this Act.

Article 22

[Assembly: 1. Constitution and composition; 2. Tasks; 3. Quorum, voting, observers; 4. Convocation; 5. Rules of procedure]

(1)

(a) The Union shall have an Assembly consisting of those countries of the Union which are bound by Articles 22 to 26.

(b) The Government of each country shall be represented by one delegate, who may be assisted by alternate delegates, advisors, and experts.

(c) The expenses of each delegation shall be borne by the Government which has appointed it.

(2)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(i) deal with all matters concerning the maintenance and development of the Union and the implementation of this Convention;

(ii) give directions concerning the preparation for conferences of revision to the International Bureau of Intellectual Property (hereinafter designated as "the International Bureau") referred to in the Convention Establishing the World Intellectual Property Organization (hereinafter designated as "the Organization"), due account being taken of any comments made by those countries of the Union which are not bound by Articles 22 to 26;

iii) review and approve the reports and activities of the Director General of the Organization concerning the Union, and give him all necessary instructions concerning matters within the competence of the Union;

(iv) elect the members of the Executive Committee of the Assembly;

(v) review and approve the reports and activities of its Executive Committee, and give instructions to such Committee;

(vi) determine the program and adopt the biennial budget of the Union, and approve its final accounts;

(vii) adopt the financial regulations of the Union;

(viii) establish such committees of experts and working groups as may be necessary for the work of the Union;

(ix) determine which countries not members of the Union and which intergovernmental and international non-governmental organizations shall be admitted to its meetings as observers;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(xi) take any other appropriate action designed to further the objectives of the Union;

(xii) exercise such other functions as are appropriate under this Convention;

(xiii) subject to its acceptance, exercise such rights as are given to it in the Convention establishing the Organization.

(b) With respect to matters which are of interest also to other Unions administered by the Organization, the Assembly shall make its decisions after having heard the advice of the Coordination Committee of the Organization.

(3)

(a) Each country member of the Assembly shall have one vote.

(b) One-half of the countries members of the Assembly shall constitute a quorum.

(c) Notwithstanding the provisions of subparagraph (b), if, in any session, the number of countries represented is less than one-half but equal to or more than one-third of the countries members of the Assembly, the Assembly may make decisions but, with the exception of decisions concerning its own procedure, all such decisions shall take effect only if the following conditions are fulfilled. The International Bureau shall communicate the said decisions to the countries members of the Assembly which were not represented and shall invite them to express in writing their vote or abstention within a period of three months from the date of the communication. If, at the expiration of this period, the number of countries having thus expressed their vote or abstention attains the number of countries which was lacking for attaining the quorum in the session itself, such decisions shall take effect provided that at the same time the required majority still obtains.

(d) Subject to the provisions of Article 26(2), the decisions of the Assembly shall require two-thirds of the votes cast.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(f) A delegate may represent, and vote in the name of, one country only.

(g) Countries of the Union not members of the Assembly shall be admitted to its meetings as observers.

(4)

(a) The Assembly shall meet once in every second calendar year in ordinary session upon convocation by the Director General and, in the absence of exceptional circumstances, during the same period and at the same place as the General Assembly of the Organization.

(b) The Assembly shall meet in extraordinary session upon convocation by the Director General, at the request of the Executive Committee or at the request of one-fourth of the countries members of the Assembly.

(5) The Assembly shall adopt its own rules of procedure.

Article 23

[Executive Committee: 1. Constitution; 2. Composition; 3. Number of members; 4. Geographical distribution; special agreements; 5. Term, limits of re-eligibility, rules of election; 6. Tasks; 7. Convocation; 8. Quorum, voting; 9. Observers; 10. Rules of procedure]

(1) The Assembly shall have an Executive Committee.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(a) The Executive Committee shall consist of countries elected by the Assembly from among countries members of the Assembly. Furthermore, the country on whose territory the Organization has its headquarters shall, subject to the provisions of Article 25(7)(b), have an ex officio seat on the Committee.

(b) The Government of each country member of the Executive Committee shall be represented by one delegate, who may be assisted by alternate delegates, advisors, and experts.

(c) The expenses of each delegation shall be borne by the Government which has appointed it.

(3) The number of countries members of the Executive Committee shall correspond to one-fourth of the number of countries members of the Assembly. In establishing the number of seats to be filled, remainders after division by four shall be disregarded.

(4) In electing the members of the Executive Committee, the Assembly shall have due regard to an equitable geographical distribution and to the need for countries party to the Special Agreements which might be established in relation with the Union to be among the countries constituting the Executive Committee.

(5)

(a) Each member of the Executive Committee shall serve from the close of the session of the Assembly which elected it to the close of the next ordinary session of the Assembly.

(b) Members of the Executive Committee may be re-elected, but not more than two-thirds of them.

(c) The Assembly shall establish the details of the rules governing the election and possible re-election of the members of the Executive Committee.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(a) The Executive Committee shall:

(i) repare the draft agenda of the Assembly;

(ii) submit proposals to the Assembly respecting the draft program and biennial budget of the Union prepared by the Director General;

(iii) [deleted]

(iv) submit, with appropriate comments, to the Assembly the periodical reports of the Director General and the yearly audit reports on the accounts;

(v) in accordance with the decisions of the Assembly and having regard to circumstances arising between two ordinary sessions of the Assembly, take all necessary measures to ensure the execution of the program of the Union by the Director General;

(vi) perform such other functions as are allocated to it under this Convention.

(b) With respect to matters which are of interest also to other Unions administered by the Organization, the Executive Committee shall make its decisions after having heard the advice of the Coordination Committee of the Organization.

(7)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(b) The Executive Committee shall meet in extraordinary session upon convocation by the Director General, either on his own initiative, or at the request of its Chairman or one-fourth of its members.

(8)

(a) Each country member of the Executive Committee shall have one vote.

(b) One-half of the members of the Executive Committee shall constitute a quorum.

(c) Decisions shall be made by a simple majority of the votes cast.

(d) Abstentions shall not be considered as votes.

(e) A delegate may represent, and vote in the name of, one country only.

(9) Countries of the Union not members of the Executive Committee shall be admitted to its meetings as observers.

(10) The Executive Committee shall adopt its own rules of procedure.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

[International Bureau: 1. Tasks in general, Director General; 2. General information; 3. Periodical; 4. Information to countries; 5. Studies and services; 6. Participation in meetings; 7. Conferences of revision; 8. Other tasks]

(1)

(a) The administrative tasks with respect to the Union shall be performed by the International Bureau, which is a continuation of the Bureau of the Union united with the Bureau of the Union established by the International Convention for the Protection of Industrial Property.

(b) In particular, the International Bureau shall provide the secretariat of the various organs of the Union.

(c) The Director General of the Organization shall be the chief executive of the Union and shall represent the Union.

(2) The International Bureau shall assemble and publish information concerning the protection of copyright. Each country of the Union shall promptly communicate to the International Bureau all new laws and official texts concerning the protection of copyright.

(3) The International Bureau shall publish a monthly periodical.

(4) The International Bureau shall, on request, furnish information to any country of the Union on matters concerning the protection of copyright.

(5) The International Bureau shall conduct studies, and shall provide services, designed to facilitate the protection of copyright.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(7)

(a) The International Bureau shall, in accordance with the directions of the Assembly and in cooperation with the Executive Committee, make the preparations for the conferences of revision of the provisions of the Convention other than Articles 22 to 26.

(b) The International Bureau may consult with intergovernmental and international non-governmental organizations concerning preparations for conferences of revision.

(c) The Director General and persons designated by him shall take part, without the right to vote, in the discussions at these conferences.

(8) The International Bureau shall carry out any other tasks assigned to it.

Article 25

[Finances: 1. Budget; 2. Coordination with other Unions; 3. Resources; 4. Contributions; possible extension of previous budget; 5. Fees and charges; 6. Working capital fund; 7. Advances by host Government; 8. Auditing of accounts]

(1)

(a) The Union shall have a budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(c) Expenses not attributable exclusively to the Union but also to one or more other Unions administered by the Organization shall be considered as expenses common to the Unions. The share of the Union in such common expenses shall be in proportion to the interest the Union has in them.

(2) The budget of the Union shall be established with due regard to the requirements of coordination with the budgets of the other Unions administered by the Organization.

(3) The budget of the Union shall be financed from the following sources:

 (i) contributions of the countries of the Union;

 (ii) fees and charges due for services performed by the International Bureau in relation to the Union;

 (iii) sale of, or royalties on, the publications of the International Bureau concerning the Union;

 (iv) gifts, bequests, and subventions;

 (v) rents, interests, and other miscellaneous income.

(4)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 Class I 25

 Class II 20

 Class III 15

 Class IV 10

 Class V 5

 Class VI 3

 Class VII 1

(b) Unless it has already done so, each country shall indicate, concurrently with depositing its instrument of ratification or accession, the class to which it wishes to belong. Any country may change class. If it chooses a lower class, the country must announce it to the Assembly at one of its ordinary sessions. Any such change shall take effect at the beginning of the calendar year following the session.

(c) The annual contribution of each country shall be an amount in the same proportion to the total sum to be contributed to the annual budget of the Union by all countries as the number of its units is to the total of the units of all contributing countries.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(e) A country which is in arrears in the payment of its contributions shall have no vote in any of the organs of the Union of which it is a member if the amount of its arrears equals or exceeds the amount of the contributions due from it for the preceding two full years. However, any organ of the Union may allow such a country to continue to exercise its vote in that organ if, and as long as, it is satisfied that the delay in payment is due to exceptional and unavoidable circumstances.

(f) If the budget is not adopted before the beginning of a new financial period, it shall be at the same level as the budget of the previous year, in accordance with the financial regulations.

(5) The amount of the fees and charges due for services rendered by the International Bureau in relation to the Union shall be established, and shall be reported to the Assembly and the Executive Committee, by the Director General.

(6)

(a) The Union shall have a working capital fund which shall be constituted by a single payment made by each country of the Union. If the fund becomes insufficient, an increase shall be decided by the Assembly.

(b) The amount of the initial payment of each country to the said fund or of its participation in the increase thereof shall be a proportion of the contribution of that country for the year in which the fund is established or the increase decided.

(c) The proportion and the terms of payment shall be fixed by the Assembly on the proposal of the Director General and after it has heard the advice of the Coordination Committee of the Organization.

(7)

(a) In the headquarters agreement concluded with the country on the territory of which the Organization has its headquarters, it shall be provided that, whenever the working capital fund is insufficient, such country shall grant advances. The amount of these advances and the conditions on which they are granted shall be the subject of separate agreements, in each case, between such country and the Organization. As long as it remains under the obligation to grant advances, such country shall have an ex officio seat on the Executive Committee.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(8) The auditing of the accounts shall be effected by one or more of the countries of the Union or by external auditors, as provided in the financial regulations. They shall be designated, with their agreement, by the Assembly.

Article 26

[Amendments: 1. Provisions susceptible of amendment by the Assembly; proposals; 2. Adoption; 3. Entry into force]

(1) Proposals for the amendment of Articles 22, 23, 24, 25, and the present Article, may be initiated by any country member of the Assembly, by the Executive Committee, or by the Director General. Such proposals shall be communicated by the Director General to the member countries of the Assembly at least six months in advance of their consideration by the Assembly.

(2) Amendments to the Articles referred to in paragraph (1) shall be adopted by the Assembly. Adoption shall require three-fourths of the votes cast, provided that any amendment of Article 22, and of the present paragraph, shall require four-fifths of the votes cast.

(3) Any amendment to the Articles referred to in paragraph (1) shall enter into force one month after written notifications of acceptance, effected in accordance with their respective constitutional processes, have been received by the Director General from three-fourths of the countries members of the Assembly at the time it adopted the amendment. Any amendment to the said Articles thus accepted shall bind all the countries which are members of the Assembly at the time the amendment enters into force, or which become members thereof at a subsequent date, provided that any amendment increasing the financial obligations of countries of the Union shall bind only those countries which have notified their acceptance of such amendment.

Article 27

[Revision: 1. Objective; 2. Conferences; 3. Adoption]

(1) This Convention shall be submitted to revision with a view to the introduction of amendments designed to improve the system of the Union.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(3) Subject to the provisions of Article 26 which apply to the amendment of Articles 22 to 26, any revision of this Act, including the Appendix, shall require the unanimity of the votes cast.

Article 28

[Acceptance and Entry Into Force of Act for Countries of the Union: 1. Ratification, accession; possibility of excluding certain provisions; withdrawal of exclusion; 2. Entry into force of Articles 1 to 21 and Appendix; 3. Entry into force of Articles 22 to 38]

(1)

(a) Any country of the Union which has signed this Act may ratify it, and, if it has not signed it, may accede to it. Instruments of ratification or accession shall be deposited with the Director General.

(b) Any country of the Union may declare in its instrument of ratification or accession that its ratification or accession shall not apply to Articles 1 to 21 and the Appendix, provided that, if such country has previously made a declaration under Article VI(1) of the Appendix, then it may declare in the said instrument only that its ratification or accession shall not apply to Articles 1 to 20.

(c) Any country of the Union which, in accordance with subparagraph (b), has excluded provisions therein referred to from the effects of its ratification or accession may at any later time declare that it extends the effects of its ratification or accession to those provisions. Such declaration shall be deposited with the Director General.

(2)

(a)Articles 1 to 21 and the Appendix shall enter into force three months after both of the following two conditions are fulfilled:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 (ii) France, Spain, the United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland, and the United States of America, have become bound by the Universal Copyright Convention as revised at Paris on July 24, 1971.

(b) The entry into force referred to in subparagraph (a) shall apply to those countries of the Union which, at least three months before the said entry into force, have deposited instruments of ratification or accession not containing a declaration under paragraph (1)(b).

(c) With respect to any country of the Union not covered by subparagraph (b) and which ratifies or accedes to this Act without making a declaration under paragraph (1)(b), Articles 1 to 21 and the Appendix shall enter into force three months after the date on which the Director General has notified the deposit of the relevant instrument of ratification or accession, unless a subsequent date has been indicated in the instrument deposited. In the latter case, Articles 1 to 21 and the Appendix shall enter into force with respect to that country on the date thus indicated.

(d) The provisions of subparagraphs (a) to (c) do not affect the application of Article VI of the Appendix.

(3) With respect to any country of the Union which ratifies or accedes to this Act with or without a declaration made under paragraph (1)(b), Articles 22 to 38 shall enter into force three months after the date on which the Director General has notified the deposit of the relevant instrument of ratification or accession, unless a subsequent date has been indicated in the instrument deposited. In the latter case, Articles 22 to 38 shall enter into force with respect to that country on the date thus indicated.

Article 29

[Acceptance and Entry Into Force for Countries Outside the Union: 1. Accession; 2. Entry into force]

(1) Any country outside the Union may accede to this Act and thereby become party to this Convention and a member of the Union. Instruments of accession shall be deposited with the Director General.

(2)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(b) If the entry into force according to subparagraph (a) precedes the entry into force of Articles 1 to 21 and the Appendix according to Article 28(2)(a), the said country shall, in the meantime, be bound, instead of by Articles 1 to 21 and the Appendix, by Articles 1 to 20 of the Brussels Act of this Convention.

Article 29bis

[Effect of Acceptance of Act for the Purposes of Article 14(2) of the WIPO Convention]

Ratification of or accession to this Act by any country not bound by Articles 22 to 38 of the Stockholm Act of this Convention shall, for the sole purposes of Article 14(2) of the Convention establishing the Organization, amount to ratification of or accession to the said Stockholm Act with the limitation set forth in Article 28(1)(b)(i) thereof.

Article 30

[Reservations: 1. Limits of possibility of making reservations; 2. Earlier reservations; reservation as to the right of translation; withdrawal of reservation]

(1) Subject to the exceptions permitted by paragraph (2) of this Article, by Article 28(1)(b), by Article 33(2), and by the Appendix, ratification or accession shall automatically entail acceptance of all the provisions and admission to all the advantages of this Convention.

(2)

(a) Any country of the Union ratifying or acceding to this Act may, subject to Article V(2) of the Appendix, retain the benefit of the reservations it has previously formulated on condition that it makes a declaration to that effect at the time of the deposit of its instrument of ratification or accession.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(c) Any country may withdraw such reservations at any time by notification addressed to the Director General.

Article 31

[Applicability to Certain Territories: 1. Declaration; 2. Withdrawal of declaration; 3. Effective date;
4. Acceptance of factual situations not implied]

(1) Any country may declare in its instrument of ratification or accession, or may inform the Director General by written notification at any time thereafter, that this Convention shall be applicable to all or part of those territories, designated in the declaration or notification, for the external relations of which it is responsible.

(2) Any country which has made such a declaration or given such a notification may, at any time, notify the Director General that this Convention shall cease to be applicable to all or part of such territories.

(3)

(a) Any declaration made under paragraph (1) shall take effect on the same date as the ratification or accession in which it was included, and any notification given under that paragraph shall take effect three months after its notification by the Director General.

(b) Any notification given under paragraph (2) shall take effect twelve months after its receipt by the Director General.

(4) This Article shall in no way be understood as implying the recognition or tacit acceptance by a country of the Union of the factual situation concerning a territory to which this Convention is made applicable by another country of the Union by virtue of a declaration under paragraph (1).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

[Applicability of this Act and of Earlier Acts: 1. As between countries already members of the Union; 2. As between a country becoming a member of the Union and other countries members of the Union; 3. Applicability of the Appendix in Certain Relations]

(1) This Act shall, as regards relations between the countries of the Union, and to the extent that it applies, replace the Berne Convention of September 9, 1886, and the subsequent Acts of revision. The Acts previously in force shall continue to be applicable, in their entirety or to the extent that this Act does not replace them by virtue of the preceding sentence, in relations with countries of the Union which do not ratify or accede to this Act.

(2) Countries outside the Union which become party to this Act shall, subject to paragraph (3), apply it with respect to any country of the Union not bound by this Act or which, although bound by this Act, has made a declaration pursuant to Article 28(1)(b). Such countries recognize that the said country of the Union, in its relations with them:

 (i) may apply the provisions of the most recent Act by which it is bound, and

 (ii) subject to Article I(6) of the Appendix, has the right to adapt the protection to the level provided for by this Act.

(3) Any country which has availed itself of any of the faculties provided for in the Appendix may apply the provisions of the Appendix relating to the faculty or faculties of which it has availed itself in its relations with any other country of the Union which is not bound by this Act, provided that the latter country has accepted the application of the said provisions.

Article 33

[Disputes: 1. Jurisdiction of the International Court of Justice; 2. Reservation as to such jurisdiction; 3. Withdrawal of reservation]

(1) Any dispute between two or more countries of the Union concerning the interpretation or application of this Convention, not settled by negotiation, may, by any one of the countries concerned, be brought before the International Court of Justice by application in conformity with the Statute of the Court, unless the countries concerned agree on some other method of settlement. The country bringing the dispute before the Court shall inform the International Bureau; the International Bureau shall bring the matter to the attention of the other countries of the Union.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(3) Any country having made a declaration in accordance with the provisions of paragraph (2) may, at any time, withdraw its declaration by notification addressed to the Director General.

Article 34

[Closing of Certain Earlier Provisions: 1. Of earlier Acts; 2. Of the Protocol to the Stockholm Act]

(1) Subject to Article 29bis, no country may ratify or accede to earlier Acts of this Convention once Articles 1 to 21 and the Appendix have entered into force.

(2) Once Articles 1 to 21 and the Appendix have entered into force, no country may make a declaration under Article 5 of the Protocol Regarding Developing Countries attached to the Stockholm Act.

Article 35

[Duration of the Convention; Denunciation: 1. Unlimited duration; 2. Possibility of denunciation; 3. Effective date of denunciation; 4. Moratorium on denunciation]

(1) This Convention shall remain in force without limitation as to time.

(2) Any country may denounce this Act by notification addressed to the Director General. Such denunciation shall constitute also denunciation of all earlier Acts and shall affect only the country making it, the Convention remaining in full force and effect as regards the other countries of the Union.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(4) The right of denunciation provided by this Article shall not be exercised by any country before the expiration of five years from the date upon which it becomes a member of the Union.

Article 36

[Application of the Convention: 1. Obligation to adopt the necessary measures; 2. Time from which obligation exists]

(1) Any country party to this Convention undertakes to adopt, in accordance with its constitution, the measures necessary to ensure the application of this Convention.

(2) It is understood that, at the time a country becomes bound by this Convention, it will be in a position under its domestic law to give effect to the provisions of this Convention.

Article 37

[Final Clauses: 1. Languages of the Act; 2. Signature; 3. Certified copies; 4. Registration; 5. Notifications]

(1)

(a) This Act shall be signed in a single copy in the French and English languages and, subject to paragraph (2), shall be deposited with the Director General.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(c) In case of differences of opinion on the interpretation of the various texts, the French text shall prevail.

(2) This Act shall remain open for signature until January 31, 1972. Until that date, the copy referred to in paragraph (1)(a) shall be deposited with the Government of the French Republic.

(3) The Director General shall certify and transmit two copies of the signed text of this Act to the Governments of all countries of the Union and, on request, to the Government of any other country.

(4) The Director General shall register this Act with the Secretariat of the United Nations.

(5) The Director General shall notify the Governments of all countries of the Union of signatures, deposits of instruments of ratification or accession and any declarations included in such instruments or made pursuant to Articles 28(1)(c), 30(2)(a) and (b), and 33(2), entry into force of any provisions of this Act, notifications of denunciation, and notifications pursuant to Articles 30(2)(c), 31(1) and (2), 33(3), and 38(1), as well as the Appendix.

Article 38

[Transitory Provisions: 1. Exercise of the "five-year privilege"; 2. Bureau of the Union, Director of the Bureau; 3. Succession of Bureau of the Union]

(1) Countries of the Union which have not ratified or acceded to this Act and which are not bound by Articles 22 to 26 of the Stockholm Act of this Convention may, until April 26, 1975, exercise, if they so desire, the rights provided under the said Articles as if they were bound by them. Any country desiring to exercise such rights shall give written notification to this effect to the Director General; this notification shall be effective on the date of its receipt. Such countries shall be deemed to be members of the Assembly until the said date.

(2) As long as all the countries of the Union have not become Members of the Organization, the International Bureau of the Organization shall also function as the Bureau of the Union, and the Director General as the Director of the said Bureau.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

APPENDIX

[SPECIAL PROVISIONS REGARDING DEVELOPING COUNTRIES]

Article I

[Faculties Open to Developing Countries: 1. Availability of certain faculties; declaration: 2. Duration of effect of declaration, 3. Cessation of developing country status; 4. Existing stocks of copies; 5. Declarations concerning certain territories; 6. Limits of reciprocity]

(1) Any country regarded as a developing country in conformity with the established practice of the General Assembly of the United Nations which ratifies or accedes to this Act, of which this Appendix forms an integral part, and which, having regard to its economic situation and its social or cultural needs, does not consider itself immediately in a position to make provision for the protection of all the rights as provided for in this Act, may, by a notification deposited with the Director General at the time of depositing its instrument of ratification or accession or, subject to Article V(1)(c), at any time thereafter, declare that it will avail itself of the faculty provided for in Article II, or of the faculty provided for in Article III, or of both of those faculties. It may, instead of availing itself of the faculty provided for in Article II, make a declaration according to Article V(1)(a).

(2)

(a) Any declaration under paragraph (1) notified before the expiration of the period of ten years from the entry into force of Articles 1 to 21 and this Appendix according to Article 28(2) shall be effective until the expiration of the said period. Any such declaration may be renewed in whole or in part for periods of ten years each by a notification deposited with the Director General not more than fifteen months and not less than three months before the expiration of the ten-year period then running.

(b) Any declaration under paragraph (1) notified after the expiration of the period of ten years from the entry into force of Articles 1 to 21 and this Appendix according to Article 28(2) shall be effective until the expiration of the ten-year period then running. Any such declaration may be renewed as provided for in the second sentence of subparagraph (a).

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(4) Where, at the time when the declaration made under paragraph (1) or (2) ceases to be effective, there are copies in stock which were made under a license granted by virtue of this Appendix, such copies may continue to be distributed until their stock is exhausted.

(5) Any country which is bound by the provisions of this Act and which has deposited a declaration or a notification in accordance with Article 31(1) with respect to the application of this Act to a particular territory, the situation of which can be regarded as analogous to that of the countries referred to in paragraph (1), may, in respect of such territory, make the declaration referred to in paragraph (1) and the notification of renewal referred to in paragraph (2). As long as such declaration or notification remains in effect, the provisions of this Appendix shall be applicable to the territory in respect of which it was made.

(6)

(a) The fact that a country avails itself of any of the faculties referred to in paragraph (1) does not permit another country to give less protection to works of which the country of origin is the former country than it is obliged to grant under Articles 1 to 20.

(b) The right to apply reciprocal treatment provided for in Article 30(2)(b), second sentence, shall not, until the date on which the period applicable under Article I(3) expires, be exercised in respect of works the country of origin of which is a country which has made a declaration according to Article V(1)(a).

Article II

[Limitations on the Right of Translation: 1. Licenses grantable by competent authority; 2. to 4. Conditions allowing the grant of such licenses; 5. Purposes for which licenses may be granted; 6. Termination of licenses; 7. Works composed mainly of illustrations;
8. Works withdrawn from circulation; 9. Licenses for broadcasting organizations]

(1) Any country which has declared that it will avail itself of the faculty provided for in this Article shall be entitled, so far as works published in printed or analogous forms of reproduction are concerned, to substitute for the exclusive right of translation provided for in Article 8 a system of non-exclusive and non-transferable licenses, granted by the competent authority under the following conditions and subject to Article IV.

(2)

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(b) A license under the conditions provided for in this Article may also be granted if all the editions of the translation published in the language concerned are out of print.

(3)

(a) In the case of translations into a language which is not in general use in one or more developed countries which are members of the Union, a period of one year shall be substituted for the period of three years referred to in paragraph (2)(a).

(b) Any country referred to in paragraph (1) may, with the unanimous agreement of the developed countries which are members of the Union and in which the same language is in general use, substitute, in the case of translations into that language, for the period of three years referred to in paragraph (2)(a) a shorter period as determined by such agreement but not less than one year. However, the provisions of the foregoing sentence shall not apply where the language in question is English, French or Spanish. The Director General shall be notified of any such agreement by the Governments which have concluded it.

(4)

(a) No license obtainable after three years shall be granted under this Article until a further period of six months has elapsed, and no license obtainable after one year shall be granted under this Article until a further period of nine months has elapsed

 (i) from the date on which the applicant complies with the requirements mentioned in Article IV(1), or

 (ii) where the identity or the address of the owner of the right of translation is unknown, from the date on which the applicant sends, as provided for in Article IV(2), copies of his application submitted to the authority competent to grant the license.

(b) If, during the said period of six or nine months, a translation in the language in respect of which the application was made is published by the owner of the right of translation or with his authorization, no license under this Article shall be granted.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(6) If a translation of a work is published by the owner of the right of translation or with his authorization at a price reasonably related to that normally charged in the country for comparable works, any license granted under this Article shall terminate if such translation is in the same language and with substantially the same content as the translation published under the license. Any copies already made before the license terminates may continue to be distributed until their stock is exhausted.

(7) For works which are composed mainly of illustrations, a license to make and publish a translation of the text and to reproduce and publish the illustrations may be granted only if the conditions of Article III are also fulfilled.

(8) No license shall be granted under this Article when the author has withdrawn from circulation all copies of his work.

(9)

(a) A license to make a translation of a work which has been published in printed or analogous forms of reproduction may also be granted to any broadcasting organization having its headquarters in a country referred to in paragraph (1), upon an application made to the competent authority of that country by the said organization, provided that all of the following conditions are met:

 (i) the translation is made from a copy made and

acquired in accordance with the laws of the said country;

 (ii) the translation is only for use in broadcasts intended exclusively for teaching or for the dissemination of the results of specialized technical or scientific research to experts in a particular profession;

 (iii) the translation is used exclusively for the purposes referred to in condition (ii) through broadcasts made lawfully and intended for recipients on the territory of the said country, including broadcasts made through the medium of sound or visual recordings lawfully and exclusively made for the purpose of such broadcasts;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(b) Sound or visual recordings of a translation which was made by a broadcasting organization under a license granted by virtue of this paragraph may, for the purposes and subject to the conditions referred to in subparagraph (a) and with the agreement of that organization, also be used by any other broadcasting organization having its headquarters in the country whose competent authority granted the license in question.

(c) Provided that all of the criteria and conditions set out in subparagraph (a) are met, a license may also be granted to a broadcasting organization to translate any text incorporated in an audio-visual fixation where such fixation was itself prepared and published for the sole purpose of being used in connection with systematic instructional activities.

(d) Subject to subparagraphs (a) to (c), the provisions of the preceding paragraphs shall apply to the grant and exercise of any license granted under this paragraph.

Article III

[Limitation on the Right of Reproduction: 1. Licenses grantable by competent authority; 2. to 5. Conditions allowing the grant of such licenses; 6. Termination of licenses; 7. Works to which this Article applies]

(1) Any country which has declared that it will avail itself of the faculty provided for in this Article shall be entitled to substitute for the exclusive right of reproduction provided for in Article 9 a system of non-exclusive and non-transferable licenses, granted by the competent authority under the following conditions and subject to Article IV.

(2)

(a) If, in relation to a work to which this Article applies by virtue of paragraph (7), after the expiration of

 (i) the relevant period specified in paragraph (3), commencing on the date of first publication of a particular edition of the work, or

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

copies of such edition have not been distributed in that country to the general public or in connection with systematic instructional activities, by the owner of the right of reproduction or with his authorization, at a price reasonably related to that normally charged in the country for comparable works, any national of such country may obtain a license to reproduce and publish such edition at that or a lower price for use in connection with systematic instructional activities.

(b) A license to reproduce and publish an edition which has been distributed as described in subparagraph (a) may also be granted under the conditions provided for in this Article if, after the expiration of the applicable period, no authorized copies of that edition have been on sale for a period of six months in the country concerned to the general public or in connection with systematic instructional activities at a price reasonably related to that normally charged in the country for comparable works.

(3) The period referred to in paragraph (2)(a)(i) shall be five years, except that

 (i) for works of the natural and physical sciences, including mathematics, and of technology, the period shall be three years;

 (ii) for works of fiction, poetry, drama and music, and for art books, the period shall be seven years.

(4)

(a) No license obtainable after three years shall be granted under this Article until a period of six months has elapsed

 (i) from the date on which the applicant complies with the requirements mentioned in Article IV(1), or

 (ii) where the identity or the address of the owner of the right of reproduction is unknown, from the date on which the applicant sends, as provided for in Article IV(2), copies of his application submitted to the authority competent to grant the license.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(c) If, during the period of six or three months referred to in subparagraphs (a) and (b), a distribution as described in paragraph (2)(a) has taken place, no license shall be granted under this Article.

(d) No license shall be granted if the author has withdrawn from circulation all copies of the edition for the reproduction and publication of which the license has been applied for.

(5) A license to reproduce and publish a translation of a work shall not be granted under this Article in the following cases:

 (i) where the translation was not published by the owner of the right of translation or with his authorization, or

 (ii) where the translation is not in a language in general use in the country in which the license is applied for.

(6) If copies of an edition of a work are distributed in the country referred to in paragraph (1) to the general public or in connection with systematic instructional activities, by the owner of the right of reproduction or with his authorization, at a price reasonably related to that normally charged in the country for comparable works, any license granted under this Article shall terminate if such edition is in the same language and with substantially the same content as the edition which was published under the said license. Any copies already made before the license terminates may continue to be distributed until their stock is exhausted.

(7)

(a) Subject to subparagraph (b), the works to which this Article applies shall be limited to works published in printed or analogous forms of reproduction.

(b) This Article shall also apply to the reproduction in audio-visual form of lawfully made audio-visual fixations including any protected works incorporated therein and to the translation of any incorporated text into a language in general use in the country in which the license is applied for, always provided that the audio-visual fixations in question were prepared and published for the sole purpose of being used in connection with systematic instructional activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

[Provisions Common to Licenses Under Articles II and III: 1 and 2. Procedure; 3. Indication of author and title of work; 4. Exportation of copies; 5. Notice; 6. Compensation]

(1) A license under Article II or Article III may be granted only if the applicant, in accordance with the procedure of the country concerned, establishes either that he has requested, and has been denied, authorization by the owner of the right to make and publish the translation or to reproduce and publish the edition, as the case may be, or that, after due diligence on his part, he was unable to find the owner of the right. At the same time as making the request, the applicant shall inform any national or international information center referred to in paragraph (2).

(2) If the owner of the right cannot be found, the applicant for a license shall send, by registered airmail, copies of his application, submitted to the authority competent to grant the license, to the publisher whose name appears on the work and to any national or international information center which may have been designated, in a notification to that effect deposited with the Director General, by the Government of the country in which the publisher is believed to have his principal place of business.

(3) The name of the author shall be indicated on all copies of the translation or reproduction published under a license granted under Article II or Article III. The title of the work shall appear on all such copies. In the case of a translation, the original title of the work shall appear in any case on all the said copies.

(4)

(a) No license granted under Article II or Article III shall extend to the export of copies, and any such license shall be valid only for publication of the translation or of the reproduction, as the case may be, in the territory of the country in which it has been applied for.

(b) For the purposes of subparagraph (a), the notion of export shall include the sending of copies from any territory to the country which, in respect of that territory, has made a declaration under Article I(5).

(c) Where a governmental or other public entity of a country which has granted a license to make a translation under Article II into a language other than English, French or Spanish sends copies of a translation published under such license to another country, such sending of copies shall not, for the purposes of subparagraph (a), be considered to constitute export if all of the following conditions are met:

 (i) the recipients are individuals who are nationals of the country whose competent authority has granted the license, or organizations grouping such individuals;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 (iii) the sending of the copies and their subsequent distribution to recipients is without any commercial purpose; and

 (iv) the country to which the copies have been sent has agreed with the country whose competent authority has granted the license to allow the receipt, or distribution, or both, and the Director General has been notified of the agreement by the Government of the country in which the license has been granted.

(5) All copies published under a license granted by virtue of Article II or Article III shall bear a notice in the appropriate language stating that the copies are available for distribution only in the country or territory to which the said license applies.

(6)

(a) Due provision shall be made at the national level to ensure

 (i) that the license provides, in favour of the owner of the right of translation or of reproduction, as the case may be, for just compensation that is consistent with standards of royalties normally operating on licenses freely negotiated between persons in the two countries concerned, and

 (ii) payment and transmittal of the compensation: should national currency regulations intervene, the competent authority shall make all efforts, by the use of international machinery, to ensure transmittal in internationally convertible currency or its equivalent.

(b) Due provision shall be made by national legislation to ensure a correct translation of the work, or an accurate reproduction of the particular edition, as the case may be.

Article V

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(1)

(a) Any country entitled to make a declaration that it will avail itself of the faculty provided for in Article II may, instead, at the time of ratifying or acceding to this Act:

 (i) if it is a country to which Article 30(2)(a) applies, make a declaration under that provision as far as the right of translation is concerned;

 (ii) if it is a country to which Article 30(2)(a) does not apply, and even if it is not a country outside the Union, make a declaration as provided for in Article 30(2)(b), first sentence.

(b) In the case of a country which ceases to be regarded as a developing country as referred to in Article I(1), a declaration made according to this paragraph shall be effective until the date on which the period applicable under Article I(3) expires.

(c) Any country which has made a declaration according to this paragraph may not subsequently avail itself of the faculty provided for in Article II even if it withdraws the said declaration.

(2) Subject to paragraph (3), any country which has availed itself of the faculty provided for in Article II may not subsequently make a declaration according to paragraph (1).

(3) Any country which has ceased to be regarded as a developing country as referred to in Article I(1) may, not later than two years prior to the expiration of the period applicable under Article I(3), make a declaration to the effect provided for in Article 30(2)(b), first sentence, notwithstanding the fact that it is not a country outside the Union. Such declaration shall take effect at the date on which the period applicable under Article I(3) expires.

Article VI

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(1) Any country of the Union may declare, as from the date of this Act, and at any time before becoming bound by Articles 1 to 21 and this Appendix:

 (i) if it is a country which, were it bound by Articles 1 to 21 and this Appendix, would be entitled to avail itself of the faculties referred to in Article I(1), that it will apply the provisions of Article II or of Article III or of both to works whose country of origin is a country which, pursuant to (ii) below, admits the application of those Articles to such works, or which is bound by Articles 1 to 21 and this Appendix; such declaration may, instead of referring to Article II, refer to Article V;

 (ii) that it admits the application of this Appendix to works of which it is the country of origin by countries which have made a declaration under (i) above or a notification under Article I.

(2) Any declaration made under paragraph (1) shall be in writing and shall be deposited with the Director General. The declaration shall become effective from the date of its deposit.

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công ước Berne ngày 24/07/1971 về việc bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


77.535

DMCA.com Protection Status
IP: 3.143.237.89
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!