BỘ CÔNG THƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4351/QĐ-BCT
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 8 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2011 -
2015 CÓ XÉT ĐẾN 2020”
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27
tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 44/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng
6 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 nghị định số 189/2007/NĐ-CP
ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm
2004;
Căn cứ Nghị định 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng
8 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Điện lực;
Căn cứ Quyết định số 42/2005/QĐ-BCN ngày 30
tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định nội
dung, trình tự và thủ tục lập và thẩm định quy hoạch phát triển điện lực;
Xét đề nghị của UBND thành phố Hà Nội tại Tờ
trình số 07/TTr-UBND ngày 23 tháng 2 năm 2011 về việc phê duyệt Quy hoạch phát
triển điện lực Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 có xét đến 2020; Văn bản
góp ý cho đề án số 3501/EVN-KH ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Tập đoàn Điện lực
Việt Nam; Hồ sơ bổ sung, hiệu chỉnh đề án do Viện Năng lượng lập tháng 8 năm
2011;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết
điện lực,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt đề án “Quy hoạch phát triển điện lực Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 -
2015 có xét đến 2020” do Viện Năng lượng (IE) lập với các nội dung chính như
sau:
1. Nhu cầu điện:
Phê duyệt phương án cơ sở của dự báo nhu cầu
điện đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội với tốc độ
tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2011-2015 là 12-13%/năm và giai đoạn 2016-2020 là
11- 12%/năm. Cụ thể như sau:
a) Năm 2015:
Công suất cực đại Pmax = 3.220 MW, điện thương
phẩm 16.196 triệu kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm
giai đoạn 2011-2015 là 12,7%/năm, trong đó: công nghiệp - xây dựng tăng 13,6%/năm;
nông - lâm - thủy sản tăng 5,8%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 19,7%/năm; quản
lý và tiêu dùng dân cư tăng 10,9%/năm; hoạt động khác tăng 14,9%/năm. Điện năng
thương phẩm bình quân đầu người là 2.220 kWh/người/năm.
b) Năm 2020:
Công suất cực đại Pmax = 5.240 MW, điện thương
phẩm 27.753 triệu kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm
giai đoạn 2016-2020 là 11,4%/năm. Điện năng thương phẩm bình quân đầu người là 3.488
kWh/người/năm.
Tổng hợp nhu cầu điện của các thành phần phụ
tải được trình bày chi tiết trong Phụ lục 1 kèm theo.
2. Quy hoạch phát
triển lưới điện:
2.1 Quan điểm thiết kế
2.1.1 Lưới điện 220, 110kV
- Cấu trúc lưới điện: Lưới điện 220kV-110kV
Thành phố Hà Nội được thiết kế mạch vòng, mỗi trạm biến áp được cấp điện bằng
hai đường dây đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện theo tiêu chuẩn độ tin cậy N-1
và chất lượng điện năng trong chế độ làm việc bình thường và sự cố đơn lẻ theo
các quy định hiện hành. Lưới điện 220kV-110kV phải đảm bảo độ dự phòng cho phát
triển ở giai đoạn kế tiếp.
- Đường dây 220-110kV: Được thiết kế nhiều mạch,
ưu tiên sử dụng loại cột nhiều mạch để giảm hành lang tuyến các đường dây tải
điện.
- Trạm biến áp 220/110kV: Được thiết kế với
cấu hình đầy đủ tối thiểu là hai (02) máy biến áp và có trạm 110/22(35) kV nối cấp,
trường hợp đặc biệt, tại các khu vực có mật độ phụ tải cao hoặc không thể bố
trí thêm trạm biến áp mới ở khu vực lân cận thì cân nhắc xây dựng trạm biến áp
có nhiều máy biến áp. Tại các trạm 220kV, phía 220kV và 110kV chọn sơ đồ hai hệ
thống thanh cái có hoặc không có đường vòng. Tại các trạm 110kV, phía 110kV
chọn sơ đồ một hệ thống thanh cái có phân đoạn bằng máy cắt hoặc sơ đồ hai hệ
thống thanh cái, phía 15 – 22kV chọn sơ đồ một hệ thống thanh cái có phân đoạn
bằng máy cắt.
- Tiết diện dây dẫn:
+ Các đường dây 220kV: Sử dụng dây dẫn phân
pha có tổng tiết diện ≥ 500mm2, có dự phòng cho phát triển ở giai đoạn kế tiếp.
Cáp ngầm dùng loại XLPE-1600.
+ Các đường dây 110kV: sử dụng dây dẫn có tiết
diện tối thiểu là 240mm2 có xét đến dự phòng cho phát triển ở giai đoạn kế
tiếp; đối với các khu vực có mật độ phụ tải tập trung sử dụng dây dẫn có tiết
diện ≥ 400mm2 hoặc tương đương, ưu tiên sử dụng dây phân pha. Để tăng khả năng
tải của các đường dây có thể xem xét sử dụng dây dẫn chịu nhiệt. Cáp ngầm dùng
loại XLPE-1200.
- Gam máy biến áp: Sử dụng gam máy biến áp
công suất 125, 250MVA cho cấp điện áp 220kV; 25, 40, 63MVA cho cấp điện áp
110kV; đối với các trạm phụ tải của khách hàng, gam máy đặt tuỳ theo quy mô
công suất sử dụng. Công suất cụ thể từng trạm được chọn phù hợp với nhu cầu
công suất và đảm bảo chế độ vận hành bình thường mang tải lớn nhất 75% công
suất định mức.
- Đối với các công trình điện xây dựng mới ở
khu vực có mật độ phụ tải lớn, khu trung tâm có yêu cầu về mỹ quan đô thị từ
vành đai 4 đến trung tâm thành phố, xem xét sử dụng cáp ngầm và trạm biến áp
công nghệ GIS như các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh
Xuân, Hồ Tây và Cầu Giấy.
2.1.2 Lưới điện trung thế
a) Định hướng xây dựng và cải tạo lưới điện:
- Cấp điện áp 22, 35kV được chuẩn hoá cho
phát triển lưới điện trung thế trên địa bàn thành phố.
- Lưới 6kV và 10kV: không xây dựng mới lưới
điện 6kV và 10kV; có lộ trình thực hiện cải tạo lưới 6kV và 10kV lên 22kV tại
các khu vực: quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Thanh Xuân. Tại các khu vực
đang vận hành ở cấp điện áp 10kV, phát triển lưới 22kV vận hành tạm cấp 10kV,
riêng máy biến áp sử dụng loại có hai đầu phân áp 10kV và 22kV.
- Từng bước xóa bỏ dần các trạm biến áp trung
gian tại các khu vực Cầu Diễn, Kim Bài, Phú Cường, Phù Lỗ, Đa Phúc, Thừa Thiên,
Kim Sơn, Lâm Tiên, Thường Lệ.
b) Cấu trúc lưới điện:
- Lưới điện thiết kế mạch vòng, vận hành hở,
các mạch vòng này được cấp điện từ 2 trạm biến áp 110kV hoặc từ hai (02) phân
đoạn thanh cái của trạm 110kV có hai (02) máy biến áp.
- Tăng cường phân đoạn sự cố các đường trục,
các nhánh rẽ lớn bằng các thiết bị Recloser, LBS, DS, LBFCO, FCO,…; trang bị hệ
thống thiết bị bảo vệ, điều khiển hiện đại.
- Các đường trục trung thế mạch vòng ở chế độ
làm việc bình thường chỉ mang tải không quá 70% công suất so với công suất mang
tải cực đại cho phép của dây dẫn.
- Ngầm hoá dần lưới điện trung thế: Lưới điện
của khu vực trung tâm từ vành đai 4 đến trung tâm thành phố, các khu đô thị
mới, khu công nghiệp, các xuất tuyến xây dựng mới sau trạm 110kV là cáp ngầm. Phấn
đấu đến năm 2015, toàn thành phố đạt tỷ lệ ngầm hóa là 32%, riêng khu vực trung
tâm đạt tỷ lệ từ 90%÷100%.
c) Tiết diện dây dẫn:
Đường trục sử dụng dây có tiết diện ≥ 240mm2 ở
khu vực nội thành, tiết diện ≥ 120mm2 ở khu vực ngoại thành. Các đường nhánh rẽ
sử dụng dây có tiết diện từ 70÷120mm2. Dây dẫn của đường dây trên không sử dụng
loại dây nhôm lõi thép có bọc PVC để tăng an toàn và giảm diện tích hành lang
tuyến.
Cáp ngầm sử dụng cáp khô 3 pha, cách điện
XLPE có đặc tính chống thấm dọc và ngang lõi đồng.
d) Gam máy biến áp phân phối:
- Sử dụng các máy biến áp 3 pha có gam công
suất 160, 250, 320, 400, 560, 630, 750, 1000, 1250, 1500, 2000 kVA.
- Các trạm biến áp chuyên dùng của khách hàng
được thiết kế phù hợp với quy mô phụ tải.
2.1.3 Lưới điện hạ thế
Lưới điện hạ áp sử dụng điện áp 380-220V,
đường dây 3 pha 4 dây với dây trung tính nối đất trực tiếp.
a) Khu vực đô thị
- Đường trục ngầm dùng cáp tiết diện ≥
150mm2.
- Đường nhánh ngầm dùng cáp tiết diện ≥ 95mm2
.
- Đường trục nổi dùng cáp vặn xoắn ABC với tiết
diện ≥ 120mm2 .
- Đường nhánh nổi dùng cáp vặn xoắn ABC với tiết
diện ≥ 70mm2.
- Bán kính lưới hạ áp 50 ÷ 300m. b) Khu vực
nông thôn
- Đường trục hạ áp dùng dây AV với tiết diện
≥ 95mm2 .
- Đường nhánh dùng dây AV với tiết diện ≥
50mm2.
- Bán kính lưới hạ áp 300 ÷ 800m.
Dây dẫn vào hộ sử dụng điện cho mục đích sinh
hoạt dùng cáp đồng tiết diện 6 ÷ 11 mm2, chiều dài trung bình từ công tơ vào
nhà dân không quá 20m.
2.2 Khối lượng xây dựng
Phê duyệt quy mô, tiến độ xây dựng các hạng mục
công trình đường dây và trạm biến áp theo các giai đoạn quy hoạch như sau:
2.2.1 Lưới điện 220kV:
a) Giai đoạn 2011-2015:
Trạm biến áp:
- Thực hiện các công trình đang triển khai đầu
tư xây dựng theo quy hoạch giai đoạn 2006-2010, có xét đến 2015 được duyệt tại Phụ
lục 2 của Quyết định này.
- Xây dựng mới 04 trạm 220kV với tổng công suất
1.000MVA, bao gồm:
+ Trạm biến áp Sơn Tây, điện áp 220/110/22kV,
quy mô công suất 2x250MVA, lắp trước máy T1 vận hành giai đoạn 2012-2013;
+ Trạm biến áp Thường Tín (nối cấp trong trạm
biến áp 500kV Thường Tín), điện áp 220/110/22kV, quy mô công suất 2x250MVA, lắp
trước máy T1 vận hành giai đoạn 2012-2013;
+ Trạm biến áp Long Biên, điện áp 220/110/22kV,
quy mô công suất 2x250MVA, lắp trước máy T1 vận hành giai đoạn 2014;
+ Trạm biến áp Đông Anh, điện áp 220/110/22kV,
quy mô công suất 2x250MVA, lắp trước máy T1 vận hành giai đoạn 2015;
- Lắp máy biến áp thứ 2 trạm 220/110/22kV Xuân
Mai, công suất 125MVA, nâng quy mô công suất trạm lên 2x125MVA, đưa vào vận hành
năm 2012.
Đường dây:
- Thực hiện các công trình đang triển khai đầu
tư xây dựng theo quy hoạch giai đoạn 2006-2010, có xét đến 2015 được duyệt tại Phụ
lục 2 của Quyết định này.
- Xây dựng mới 168km đường dây 220kV, bao
gồm:
+ Đường dây mạch kép đấu nối trạm biến áp 220kV
Sơn Tây chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây 220kV Hòa Bình – Việt Trì, chiều dài
1km, tiết diện ACSR-500, vận hành giai đoạn 2012-2013;
+ Đường dây mạch kép Long Biên – Bắc Ninh 2
(Tiên Sơn) – Phố Nối, chiều dài 20km, tiết diện ACSR-2x330, vận hành năm 2014;
+ Đường dây mạch kép Long Biên – Đông Anh, chiều
dài 16km, tiết diện ACSR-2x330, vận hành năm 2014-2015;
+ Đường dây mạch kép Đông Anh – trạm biến áp 500kV
Hiệp Hòa, chiều dài 25km, tiết diện ACSR-2x330, vận hành năm 2015;
+ Nhánh rẽ bốn mạch vào trạm biến áp 500kV Hiệp
Hòa chuyển tiếp trên hai mạch đường dây 220kV Sóc Sơn – Phả Lại hiện hữu, chiều
dài 8km, tiết diện ACSR-500, vận hành năm 2014;
+ Nhánh rẽ bốn mạch vào trạm biến áp 500kV Hiệp
Hòa chuyển tiếp trên một mạch đường dây 220kV Sóc Sơn – Tuyên Quang và một mạch
đường dây 220kV Sóc Sơn – Thái Nguyên hiện hữu, chiều dài 3km, tiết diện
ACSR-2x330, vận hành năm 2014.
- Cải tạo thay dây siêu nhiệt 68km đường dây
220kV, bao gồm:
+ Thay dây siêu nhiệt đường dây mạch kép
Thường Tín – Mai Động, từ dây AC400 thành GZTACSR - 400, chiều dài 15km, vận
hành năm 2012;
+ Thay dây siêu nhiệt đường dây mạch đơn Hòa
Bình – Xuân Mai, từ dây AC500 thành GZTACSR - 500, chiều dài 38km, vận hành năm
2012.
b) Giai đoạn 2016-2020:
Trạm biến áp:
- Xây dựng mới 03 trạm biến áp với tổng công
suất 1.500 MVA, bao gồm:
+ Trạm biến áp 220kV Văn Điển, điện áp 220/110/22kV
quy mô công suất 2x250MVA;
+ Trạm biến áp 220kV Mê Linh, điện áp 220/110/22kV
quy mô công suất 2x250MVA.
+ Trạm biến áp 220kV Ứng Hòa, điện áp 220/110/22kV
quy mô công suất 2x250MVA.
- Mở rộng, nâng quy mô công suất 07 trạm biến
áp, với tổng công suất tăng thêm là 1.750MVA, bao gồm:
+ Trạm biến áp 220kV Xuân Mai, thay máy biến
áp T1, T2 công suất mỗi máy từ 125MVA thành 250MVA, nâng quy mô công suất trạm lên
2x250MVA;
+ Trạm biến áp 220kV Tây Hồ, lắp máy biến áp
T2 công suất 250MVA, nâng quy mô công suất trạm lên 2x250MVA;
+ Trạm biến áp 220kV Sơn Tây, lắp máy biến áp
T2 công suất 250MVA, nâng quy mô công suất trạm lên 2x250MVA;
+ Trạm biến áp 220kV Quốc Oai (Tây Hồ Tây), lắp
máy biến áp T2 công suất 250MVA, nâng quy mô công suất trạm lên 2x250MVA;
+ Trạm biến áp 220kV Long Biên, lắp máy biến áp
T2 công suất 250MVA, nâng quy mô công suất trạm lên 2x250MVA;
+ Trạm biến áp 220kV Đông Anh, lắp máy biến áp
T2 công suất 250MVA, nâng quy mô công suất trạm lên 2x250MVA;
+ Trạm biến áp 220kV Thường Tín, lắp máy biến
áp T2 công suất 250MVA, nâng quy mô công suất trạm lên 2x250MVA.
Đường dây:
Xây dựng mới 104km đường dây 220kV, cụ thể
như sau:
+ Đường dây cáp ngầm bốn mạch đấu nối trạm
biến áp 220kV Văn Điển chuyển tiếp trên 2 mạch đường dây 220kV Hà Đông – Thường
Tín, chiều dài 5km, tiết diện XLPE-1600;
+ Đường dây mạch kép đấu nối trạm biến áp 220kV
Mê Linh chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây 220kV Vân Trì – Sóc Sơn, chiều dài
1km, tiết diện ACSR-2x330;
+ Đường dây mạch kép đấu nối trạm biến áp
220kV Ứng Hòa chuyển tiếp trên 1 mạch đường dây 220kV Hà Đông – Phủ Lý, chiều dài
2km, tiết diện ACSR-500;
+ Đường dây cáp ngầm mạch kép Mai Động – Tây
Hồ, chiều dài 18km, tiết diện XLPE-1600;
+ Đường dây mạch kép trạm biến áp 500kV Đông
Anh – Vân Trì, chiều dài 20km, trong đó có 5km cáp ngầm tiết diện XLPE-1600 và
15km đường dây trên không tiết diện ACSR-2x330.
2.2.2 Lưới điện110kV:
a) Giai đoạn 2011-2015
Trạm biến áp:
- Thực hiện các công trình đang triển khai
đầu tư xây dựng theo quy hoạch giai đoạn 2006-2010, có xét đến 2015 được duyệt
tại Phụ lục 2 của Quyết định này.
- Xây dựng mới 25 trạm 110kV với tổng công
suất 1.750MVA.
- Nâng công suất 17 trạm với tổng công suất
tăng thêm 749MVA.
Đường dây:
- Thực hiện các công trình đang triển khai
đầu tư xây dựng theo quy hoạch giai đoạn 2006-2010, có xét đến 2015 được duyệt
tại Phụ lục 2 của Quyết định này.
- Xây dựng mới 399km đường dây 110kV, trong
đó có 33km cáp ngầm.
- Cải tạo, nâng tiết diện dây dẫn và thay dây
chịu nhiệt 118km đường dây 110kV.
b) Giai đoạn 2016-2020
Trạm biến áp:
- Xây dựng mới 19 trạm với tổng công suất 1470MVA;
- Mở rộng nâng công suất 29 trạm với tổng công
suất tăng thêm 1.642MVA.
Đường dây 110kV:
- Xây dựng mới 197km đường dây, trong đó có
21km cáp ngầm.
- Cải tạo nâng tiết diện dây dẫn 26km đường
dây 110kV.
Danh mục, quy mô và tiến độ các công trình đường
dây, trạm biến áp 220-110kV triển khai đầu tư giai đoạn 2011-2015 có xét đến
năm 2020 và sơ đồ đấu nối chi tiết trong Phụ lục 3, Phụ lục 4 và hồ sơ đề án
quy hoạch.
2.2.3 Lưới điện trung thế giai đoạn
2011-2015:
Đường dây:
- Xây dựng mới 1.855km đường dây trung thế
22kV, trong đó cáp ngầm 1108km.
- Cải tạo nâng tiết diện 911km đường dây
trung thế, trong đó có 94km cáp ngầm.
Trạm biến áp:
- Xây dựng mới 3.843 trạm biến áp phân phối
22(6-10-35)/0,4kV với tổng dung lượng 2.716MVA.
- Cải tạo, nâng công suất 2.551 trạm biến áp 6-10/0,4kV
thành 22/0,4kV với tổng dung lượng 1.113MVA.
Sơ đồ và bản đồ chi tiết lưới điện trung thế
theo hồ sơ quy hoạch.
2.2.4 Lưới điện hạ thế giai đoạn 2011-2015:
- Đường dây: Xây dựng mới 2.635km và cải tạo
1.027km;
- Công tơ: Lắp đặt mới 1.346.530 công tơ hạ
thế.
Khối lượng xây dựng lưới điện hạ thế sẽ được
chuẩn xác trong quy hoạch phát triển điện lực cấp huyện.
2.2.5 Quy hoạch năng lượng tái tạo và năng
lượng mới
Dự kiến đến năm 2015, tiềm năng năng lượng
mới và tái tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 632.450 MWh từ các nguồn
năng lượng bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng rác thải và năng lượng khí
sinh học.
3. Vốn đầu tư thực
hiện quy hoạch:
Giai đoạn 2011 - 2015 tổng vốn đầu tư xây
mới, cải tạo các công trình lưới điện có cấp điện áp từ 220kV trở xuống ước
tính là 20.733,84 tỷ đồng.
Trong đó:
- Lưới 220kV: 6.890,61 tỷ đồng
- Lưới 110kV và bù cao áp: 5.345,47 tỷ đồng
- Lưới trung áp: 6.560,90 tỷ đồng
- Lưới hạ áp: 1.538,79 tỷ đồng
- Năng lượng tái tạo: 398,07 tỷ đồng
Vốn đã có trong kế hoạch là 6.457,34 tỷ đồng và
vốn cần bổ sung là 14.276,5 tỷ đồng.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức
công bố công khai quy hoạch, bố trí quỹ đất cho các công trình trong quy hoạch
đã được phê duyệt, giao Sở Công Thương thành phố Hà Nội tổ chức triển khai lập
quy hoạch phát triển điện lực các huyện, thị xã để chuẩn xác lưới điện phân phối
đến từng phường, xã, thôn; xác định rõ quy mô, tiến độ cải tạo lưới trung thế
nhằm tiết kiệm vốn đầu tư và giảm tổn thất điện năng. Do vốn đầu tư ngành điện
còn hạn hẹp nên địa phương xem xét hỗ trợ đầu tư phát triển lưới điện phân
phối.
2. Giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công
ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội phối hợp
với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội để thực hiện quy hoạch. Trong quá trình
đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải và phân phối, các đơn vị
điện lực cần tuân thủ đúng cấu trúc lưới điện, quy mô và cấp điện áp được phê
duyệt; tuân thủ các Quy định về hệ thống điện truyền tải và Quy định về hệ
thống điện phân phối đã được Bộ Công Thương ban hành.
3. Sở Công Thương thành phố Hà Nội chỉ đạo
Viện Năng lượng hoàn thiện đề án quy hoạch theo đúng các nội dung được phê duyệt
trong Quyết định này và gửi đề án đã hoàn thiện cho Bộ Công Thương, Cục Điều tiết
điện lực, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Công Thương thành phố Hà Nội,
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty
Điện lực thành phố Hà Nội để quản lý và thực hiện quy hoạch. Sở Công Thương
thành phố Hà Nội có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, quản lý thực hiện Quy hoạch
đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực,
Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà
Nội có trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Bộ KHĐT;
- UBND TP Hà Nội;
- SCT TP Hà Nội;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia;
- Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội;
- Viện Năng lượng;
- Lưu: VT, ĐTĐL (02).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Quốc Vượng
|