BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4081/QĐ-BNN-TT
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 10 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH HOA, CÂY CẢNH ĐẾN NĂM
2030
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số
15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số
2732/QĐ-BNN-KH ngày 20/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về quản lý công tác điều tra cơ bản ngành nông nghiệp và phát triển nông
thôn;
Căn cứ Quyết định số
3901/QĐ-BNN-TT ngày 30/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về việc phê duyệt đề cương - dự toán nhiệm vụ: Xây dựng đề án phát triển
ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030;
Theo đề nghị của Cục trưởng
Cục Trồng trọt và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến
năm 2030, với những nội dung chính như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Phát triển ngành hoa,
cây cảnh trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của
từng vùng sinh thái; đặc biệt là truyền thống văn hóa, sản xuất hoa, cây cảnh của
từng địa phương.
2. Phát triển ngành hoa,
cây cảnh phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và định
hướng phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương giai đoạn từ nay đến năm
2030.
3. Phát triển ngành hoa,
cây cảnh theo hướng thị trường; khuyến khích các hình thức liên kết, gắn sản xuất
với tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học, công nghệ mới, công nghệ số trong
công tác quản lý, sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
4. Khuyến khích mọi
thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành hoa, cây cảnh. Nhà nước tạo
cơ chế, chính sách và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng ngành hoa, cây cảnh từng
bước phát triển bền vững; góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng,
tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của
nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản
xuất ngành hoa, cây cảnh giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 6 - 8%/năm. Giá trị sản
xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 50 - 55 nghìn tỷ đồng, đến năm 2030 đạt
khoảng 70 - 75 nghìn tỷ đồng.
- Giá trị xuất khẩu sản phẩm
hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 130 - 150 triệu USD; đến năm 2030 đạt khoảng
180 - 200 triệu USD.
- Giá trị sản phẩm thu được
trên 01 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm.
- Phấn đấu đến năm 2030, cả nước
có khoảng 130 - 150 làng nghề hoa, cây cảnh được cấp có thẩm quyền công nhận.
III. ĐỊNH HƯỚNG
PHÁT TRIỂN
1. Định hướng chung
Đến năm 2025 diện tích trồng
hoa cả nước khoảng 38 - 40 nghìn ha, sản lượng khoảng 12 tỷ cành/bông; diện
tích trồng cây cảnh khoảng 15 - 16 nghìn ha, sản lượng khoảng 45 - 47 triệu chậu/cây.
Đến năm 2030, diện tích trồng hoa khoảng 43 - 44 nghìn ha, sản lượng khoảng 14
- 15 tỷ cành/bông; diện tích trồng cây cảnh khoảng 16,0 - 16,5 nghìn ha, sản lượng
khoảng 55 - 56 triệu chậu/cây.
2. Định hướng phát triển sản
xuất hoa, cây cảnh vùng trọng điểm
a) Vùng sản xuất hoa
- Định hướng đến năm 2030, vùng
sản xuất hoa trọng điểm tại các tỉnh: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng,
Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Lào Cai, Bắc Giang, Sơn La, Thanh Hóa, Thừa
Thiên Huế, Phú Yên, Gia Lai, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long,
Đồng Tháp,.... Tại các tỉnh sản xuất hoa trọng điểm hình thành các vùng chuyên
canh, các làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Diện tích trồng hoa đến năm
2025 khoảng 31 - 34 nghìn ha, sản lượng khoảng 9 - 10 tỷ cành/bông; đến năm
2030, ổn định diện tích khoảng 36 - 37 nghìn ha, sản lượng khoảng 12 - 13 tỷ
cành/bông. Trong đó, các tỉnh trọng điểm vùng Đồng bằng sông Hồng khoảng 15 -
16 nghìn ha, sản lượng khoảng 4 tỷ cành/bông; vùng Trung du miền núi phía Bắc
khoảng 2,0 - 2,5 nghìn ha, sản lượng khoảng 500 - 600 triệu cành/bông; vùng Bắc
Trung Bộ khoảng 1,0 - 1,5 nghìn ha, sản lượng khoảng 350 - 400 triệu cành/bông;
vùng Tây Nguyên khoảng 11 - 12 nghìn ha, sản lượng khoảng 4,4 - 4,6 tỷ
cành/bông; vùng Đông Nam Bộ khoảng 1,0 - 1,5 nghìn ha, sản lượng khoảng 300 -
350 triệu cành/bông; vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 4 - 5 nghìn ha, sản lượng
khoảng 1,3 - 1,5 tỷ cành/bông.
Đến năm 2030, diện tích trồng
hoa có ứng dụng công nghệ cao chiếm 15 - 20%; diện tích trồng hoa có mái che đạt
20 - 25%, trong đó vùng Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng
35 - 40%, vùng Đông Nam Bộ 25 - 30%, vùng Đồng bằng sông Hồng 10 - 15%.
- Loại hoa được trồng chủ yếu gồm:
Nhóm hoa cắt cành (hồng, cúc, lay ơn, lily cao, đồng tiền cao, thược dược, hướng
dương); nhóm các loại hoa trồng chậu (dạ yến thảo, đồng tiền lùn, lily lùn, sống
đời, tiểu hồng môn,...); nhóm hoa lan (hồ điệp, vũ nữ, địa lan, lan bản địa,…);
nhóm hoa sen, súng; nhóm các loại cắm kèm (lá dương xỉ, lá thiết mộc lan, lá
kim thủy tùng, lá thủy trúc,...) và nhóm các cây hoa khác,....
b) Vùng trồng cây cảnh
- Các tỉnh trọng điểm trồng cây
cảnh: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình,
Thái Nguyên, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh, Long An,
Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp,....
Định hướng quy mô phát triển
cây cảnh đến năm 2030 khoảng 13 - 14 nghìn ha, sản lượng khoảng 50 - 51 triệu
chậu/cây. Trong đó, các tỉnh trọng điểm vùng Đồng bằng sông Hồng 7 - 8 nghìn
ha, sản lượng 25 - 26 triệu chậu/cây; vùng Trung du miền núi phía Bắc khoảng gần
1,0 nghìn ha, 50 - 60 nghìn chậu/cây; vùng Bắc Trung Bộ 0,6 - 1,0 nghìn ha, 1,5
- 1,7 triệu chậu/cây; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ khoảng 500 ha, sản lượng khoảng
3 triệu chậu/cây; vùng Đông Nam Bộ khoảng 1,0 nghìn ha, 1,7 triệu chậu/cây;
vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 3 - 3,5 nghìn ha, 18 - 19 triệu chậu/cây.
Diện tích cây cảnh có ứng dụng công nghệ cao đạt 10 - 15%.
- Loại cây cảnh được trồng gồm:
Nhóm cây cảnh truyền thống (đào, quất, mai, trà, đỗ quyên,…); nhóm cây làm cảnh
có hoa (hoa giấy, mẫu đơn,…); nhóm cây làm cảnh có quả (cam đường canh, bưởi,
đu đủ,...); nhóm cây cảnh lá (trầu bà, phú quý, thanh thiên, hồng môn, như ý,
đuôi công, phát tài,…); nhóm bon sai, cây thế; nhóm các loại cỏ làm cảnh (cỏ
sân gôn, cỏ lá tre, cỏ thảm,…); nhóm các loại cây cảnh khác,....
3. Định hướng phát triển sản
xuất hoa, cây cảnh tại các vùng khác
Sản xuất hoa, cây cảnh tại các
tỉnh ngoài vùng trọng điểm dự kiến diện tích trồng hoa khoảng 7,0 - 7,5 nghìn
ha, sản lượng trên 2 tỷ cành/bông; diện tích trồng cây cảnh khoảng 2,5 - 3,0
nghìn ha, sản lượng khoảng 5,0 - 5,5 triệu chậu/cây. Các chủng loại hoa, cây cảnh
được trồng cần được thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu
tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; đặc biệt là các loại hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu
xây dựng nông thôn mới, các khu đô thị, khu công nghiệp,....
IV. GIẢI
PHÁP
1. Về khoa học công nghệ
Tạo điều kiện cho các tổ chức,
cá nhân nghiên cứu chọn tạo, nhập nội những giống hoa, cây cảnh có tính trạng mới
đáp ứng nhu cầu ngày càng cao giá trị về vẻ đẹp, về văn hóa và mục đích sử dụng
của khách hàng trong và ngoài nước. Đối với những giống hoa, cây cảnh đủ điều
kiện cần công bố lưu hành và bảo hộ bản quyền, đáp ứng điều kiện sản xuất, kinh
doanh.
Nghiên cứu, hoàn thiện quy
trình công nghệ sản xuất hoa, cây cảnh từ khâu nhân giống, trồng, chăm sóc, tạo
tán, thu hái, sơ chế, bảo quản sản phẩm; khuyến khích ứng dụng quy trình canh
tác bền vững: hạn chế sử dụng hóa chất vô cơ; tăng cường sử dụng phân bón, thuốc
bảo vệ thực vật hữu cơ, vi sinh.
Tiếp tục lưu giữ, bổ sung nguồn
gen mới về hoa, cây cảnh góp phần làm phong phú nguồn sản phẩm hàng hóa và nguồn
vật liệu di truyền phục vụ nghiên cứu chọn, tạo giống hoa, cây cảnh.
Ưu tiên chuyển giao, ứng dụng
khoa học công nghệ mới, công nghệ số trong quản trị, sản xuất và tiêu thụ sản
phẩm hoa, cây cảnh.
Rà soát, bổ sung, điều chỉnh
các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hoa, cây cảnh.
2. Về thị trường tiêu thụ
Trước hết cần tìm hiểu văn hóa
sử dụng hoa, cây cảnh trong các gia đình người Việt Nam; thị trường tiêu thụ
hoa, cây cảnh trong nước thường ngày và trong các dịp lễ hội, các sự kiện; nhu
cầu sử dụng hoa, cây cảnh trong công sở, trên đường phố, khu đô thị, khu dân
cư, khu công nghiệp,.…
Đa dạng hóa sản phẩm hoa, cây cảnh
phục vụ các đối tượng; chú trọng đầu tư bao bì, nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm. Tổ
chức các lễ hội, triển lãm,… chuyên đề về hoa, cây cảnh để giới thiệu, quảng
bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh Việt Nam.
Đối với thị trường xuất khẩu:
Trước hết cần rà soát, bổ sung tự công bố lưu hành và bảo hộ bản quyền giống
hoa, cây cảnh. Nghiên cứu văn hóa, thị hiếu sử dụng hoa, cây cảnh một số thị
trường tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,…; khuyến khích doanh nghiệp
liên kết với Hợp tác xã, Tổ hợp tác và hộ gia đình tổ chức sản xuất hoa, cây cảnh
xuất khẩu; thực hiện các giải pháp tháo gỡ rào cản thương mại đẩy mạnh xuất khẩu
sản phẩm hoa, cây cảnh,....
3. Về tổ chức sản xuất
Trước hết, các địa phương cần định
hướng phát triển hoa, cây cảnh trong phương án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -
2030; tạo điều kiện thuận lợi tối đa theo quy định của pháp luật để các doanh
nghiệp thành lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh. Doanh nghiệp/Hợp
tác xã sẽ là động lực chính phát triển thị trường và liên kết với người sản xuất
tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất hoa, cây cảnh cả về chiều rộng
và chiều sâu; đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường
năng lực cho Hợp tác xã sản xuất hoa, cây cảnh.
Hộ gia đình tìm hiểu, nghiên cứu,
tiếp thu khoa học công nghệ mới trong quá trình quản lý sản xuất, sử dụng giống,
canh tác, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh. Đối với những cá
nhân có năng khiếu về nhân giống, tỉa cành, tạo tán,… chủ động tham gia đào tạo
kỹ năng, rèn luyện tay nghề; trường hợp cần thiết, đề nghị cơ quan có thẩm quyền
cấp chứng nhận “Nghệ nhân”.
Xây dựng chuỗi sản xuất hoa,
cây cảnh trong đó doanh nghiệp là trọng tâm liên kết với các hộ gia đình thông
qua Hợp tác xã, Tổ hợp tác xây dựng vùng trồng, tổ chức sản xuất, sơ chế, bảo
quản và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, tạo bứt phá phát triển hoa, cây cảnh trong
thời gian tới; hướng tới ngành hoa, cây cảnh phát triển toàn diện, bền vững, gắn
với thực hiện xây dựng nông thôn mới.
4. Về nguồn vốn đầu tư
Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn
đầu tư phát triển ngành hoa, cây cảnh theo hướng xã hội hóa, chủ yếu là vốn của
doanh nghiệp và người dân. Các hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất hoa, cây
cảnh để hình thành vùng sản xuất. Hợp tác xã, Tổ hợp tác liên kết với các hộ
gia đình và doanh nghiệp đầu tư nhà sơ chế, kho bảo quản sản phẩm hoa, cây cảnh.
Doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu; hệ thống bảo quản, tiêu thụ sản phẩm
hoa, cây cảnh.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ phát
triển hoa, cây cảnh thông qua lồng ghép các Chương trình, Đề án theo quy định của
pháp luật để thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế, chính sách; nghiên cứu,
chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở hạ tầng về
giao thông, thủy lợi, chợ đầu mối, sàn giao dịch,…; xúc tiến thương mại, mở rộng
thị trường,....
5. Về cơ chế, chính sách
Tổ chức thực hiện tốt các chính
sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Chính sách tín dụng phục vụ
phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giống
phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất
trong nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản
xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển nông
nghiệp hữu cơ; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp,
nông thôn; chính sách chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất; chính sách
phát triển làng nghề; chính sách phát triển Hợp tác xã,…
Đồng thời, nghiên cứu báo cáo cấp
có thẩm quyền ban hành chính sách mới hỗ trợ phát triển ngành hoa, cây cảnh
như: Chính sách hỗ trợ sản xuất hoa, cây cảnh theo giá trị đầu tư; cho phép
dùng cây cảnh/bon sai có giá trị để thế chấp vay vốn ngân hàng; địa điểm sản xuất
hoa, cây cảnh là sản phẩm du lịch nông thôn,…
6. Về hợp tác quốc tế
Tăng cường hợp tác với các nước
và các tổ chức quốc tế về khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển hoa, cây cảnh
như: Nghiên cứu chọn, tạo, nhập nội giống; quy trình canh tác hoa hạn chế tối
đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; công nghệ bảo quản hoa; đầu tư sản xuất, kinh
doanh; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh,.…
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Bộ Nông nghiệp và PTNT
Giao Cục Trồng trọt là đơn vị đầu
mối giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án;
định kỳ tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện, những khó khăn
vướng mắc và phương án giải quyết nhằm đạt mục tiêu Đề án.
2. Các Bộ, Ngành liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương trong quá trình tổ
chức, triển khai thực hiện Đề án.
3. Sở Nông nghiệp và PTNT
các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương
Tham mưu cho UBND tỉnh triển
khai thực hiện Đề án trên địa bàn: Xây dựng Đề án/Kế hoạch phát triển hoa, cây
cảnh; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển hoa, cây cảnh; kiểm
tra, giám sát kết quả thực hiện,...; báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn
vướng mắc cần giải quyết gửi UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và PTNT.
4. Các đối tượng nghiên cứu,
sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh
Các cơ quan nghiên cứu, chuyển
giao khoa học công nghệ đề xuất cơ chế, chính sách và các nhiệm vụ khoa học
công nghệ thực hiện Đề án. Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác liên kết với
nông dân xây dựng vùng trồng hoa, cây cảnh; đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện
Đề án; đầu tư hệ thống kho bảo quản; thu mua, tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh;
thực hiện sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh theo định hướng của địa phương và
thị trường tiêu thụ,....
5. Hội sinh vật cảnh Việt
Nam và các Hội liên quan
Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ
Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh trồng hoa, cây cảnh thực
hiện Đề án: Đề xuất xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thực hiện Đề án;
tuyên truyền, phổ biến các nội dung Đề án, chính sách thực hiện Đề án; chuyển
giao khoa học công nghệ và hỗ trợ người sản xuất (nếu có),...
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng
Vụ Kế hoạch, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp
và PTNT các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan (để b/c);
- Lưu: VT, TT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Quốc Doanh
|