ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 33/2003/QĐ-UB |
Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂNSẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI"
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010;
Căn cứ Nghị quyết số 09/2000/NQ-CP ngày 15/6/2000 của Chính phủ về một số chủ trương chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
Thực hiện chương trình 12-CTr/TU ngày 5/11/2001 của Thành uỷ về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hoá nông thôn (2001-2005);
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 137 TTr/SNN-CS ngày 24/12/2002 về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 : Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội"
Điều 2 : Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của UBND Thành phố trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3 : Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính Vật giá; Thương mại; Địa chính Nhà đất; Lao động thương binh và xã hội; Khoa học công nghệ và môi trường; Quy hoạch và Kiến trúc; Giám đốc Ngân hành Nhà nước Hà Nội, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển Hà Nội, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, Thủ trưởng các nghành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
|
T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI K/T. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Quí Đôn
|
QUY ĐỊNH
VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2003/QĐ-Uỷ ban Hành chính ngày 21/02/2003 của UBND TP)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.
Điều 1 : Đối tượng áp dụng.
Các đối tượng được áp dụng chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội (gọi chung là các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp), bao gồm :
1. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong nước.
2. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
3. Các tổ chức, chủ trang trại, hộ gia đình và cá nhân có năng lực sản xuất nông nghiệp theo các dự án phát triển nông nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 2 : Nguyên tắc áp dụng chính sách.
1/ Các hoạt động phát triển nông nghiệp được áp dụng chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa, bao gồm :
- Sản xuất hoa, rau an toàn và trồng cây ăn quả lâu năm.
- Chăn nuôi lợn nạc, bò sữa.
- Nuôi trồng thuỷ sản.
- Chế biến nông sản thực phẩm.
2/ Các hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp được quy định tại Khoản 1 - Điều 2 này phải thuộc các Dự án hoặc trong vùng Dự án phát triển nông nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chương 2:
CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Điều 3 : Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng :
1/ Ngân sách thành phố đầu tư hỗ trợ 80% số kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng cho một số hạng mục công trình xây dựng theo Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt (ngoài chính sách đầu tư hiện hành của Nhà nước), bao gồm :
- Hệ thống thủy lợi (kênh cấp 3) phục vụ tưới tiêu cho vùng phát triển sản xuất cây trồng và nuôi thả thuỷ sản.
- Các hệ thống : cấp điện và cấp nước sạch phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phát triển nông nghiệp.
- Hệ thống đường giao thông, bến bãi tập kết vật tư, phân bón, sản phẩm nông nghiệp.
- Các công trình cơ bản khác phục vụ trực tiếp cho phát triển sản xuất nông nghiệp.
2/ Các công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo Dự án đầu tư, Ngân sách Thành phố hỗ trợ đầu tư quy định tại Khoản 1 - Điều 3 này được quản lý khai thác sử dụng sau đầu tư theo quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.
Điều 4 : Chính sách hỗ trợ giá vật tư, kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi.
1/ Ngân sách Thành phố hỗ trợ giá cho một số vật tư thiết bị chủ yếu, các loại giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ đặc sản có hiệu quả kinh tế cao (ngoài chính sách trợ giá hiện hành của Nhà nước), cụ thể là :
- Các giống Hoa ngoại nhập khẩu, các loại phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh và thảo mộc, bao nhãn mác rau an toàn.
- Nhà lưới sản xuất rau an toàn cao cấp, thiết bị kiểm tra chất lượng rau an toàn, kho bãi và thiết bị bảo quản hoa, rau an toàn, trang thiết bị chế biến nông sản thực phẩm, phương tiện (xe chuyên dùng) vận chuyển nông sản thực phẩm chế biến.
2/ Mức hỗ trợ giá quy định tại Khoản 1 - Điều 4 này không quá 50% giá vật tư trong 3 năm đầu kể từ ngày chính sách được ban hành và không quá 30 giá thiết bị theo Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 5 : Chính sách bảo trợ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản:
1/ Khi có thiên tai úng, hạn xảy ra trên diện tích cây trồng, nuôi thả thuỷ sản thuộc vùng tưới tiêu của các Công ty khai thác các công trình thuỷ lợi thực hiện, thì được Ngân sách Thành phố hỗ trợ kinh phí hoạt động chống thiên tai bảo vệ sản xuất ngoài định mức quy định.
2/ Đối với sản xuất rau an toàn và chế biến nông sản, thực phẩm khi gặp rủi ro về thiên tai hoặc đột biến về giá thị trường xuống thấp, thì các bên ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ cùng nhau thoả thuận phân chia thiệt hại. Nếu mức thiệt hại xuống thấp hơn 50% giá thành sản xuất, thì Ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ một phần thiệt hại cho người sản xuất (thực hiện theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng) với mức không quá 50% chi phí vật tư phục vụ cho sản xuất rau an toàn hoặc chế biến nông sản thực phẩm.
Điều 6 : Chính sách vay vốn ưu đãi :
1/ Các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp được vay các nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo qui định hiện hành của Nhà nước và ưu tiên vay vốn từ Quĩ Khuyến nông.
2/ Ngoài chính sách vay vốn ưu đãi qui định tại Khoản 1 - Điều 6 này, các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp được vay vốn có hỗ trợ lãi suất theo qui định trong Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 7 : Chính sách về đất đai
1. Các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp được miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ về qui định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi).
2. Trên cơ sở qui hoạch và kế hoạch sử dụng đất, UBND cấp huyện có thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển diện tích trồng lúa (kể cả các diện tích đất nông lâm nghiệp) sang sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi và nuôi thả thủy sản có hiệu quả kinh tế cao.
3. Các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp có quyền sử dụng đất theo Dự án đầu tư sản xuất được phê duyệt, thì được cấp có thẩm quyền xem xét cho phép làm lán trại, nhà kho, nhà quản lý bảo vệ tạm thời... theo qui định, đồng thời phải nộp các loại thuế theo Luật định và khai thác sử dụng đất đúng mục đích theo qui định của Luật đất đai.
Chương 3:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8 : Sở Nông nghiệp và PTNT.
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện : lập kế hoạch xây dựng và thực hiện các Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp đến năm 2005 và 2010, trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.
2. Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện chính sách của các Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp theo chức năng nhiệm vụ được phân công.
Điều 9 : Sở Tài chính Vật giá
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các Sở, ngành liên quan căn cứ các chính sách tại qui định này, tổng hợp và cân đối kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt theo kế hoạch hàng năm.
Điều 10 : Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính Vật giá, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các Sở, ngành liên quan hướng dẫn các chủ đầu tư lập Dự án theo qui định hiện hành của Nhà nước và thống nhất đề xuất nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng năm trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.
Điều 11 : Sở Địa chính Nhà đất
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các Sở, ngành liên quan thống nhất hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện chính sách đất đai tại điều 7 - chương II của Qui định này theo qui định của Luật đất đai.
Điều 12 : Các ngành : Ngân hàng Nhà nước Hà Nội, Cục Thuế thành phố, Sở Qui hoạch và Kiến trúc, Sở Thương Mại, Chi nhánh Quĩ hỗ trợ phát triển Hà Nội, Công ty bảo hiểm Hà Nội và các ban, ngành liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách tại Qui định này.
Điều 13 : UBND các huyện.
Chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UB ngày 29/3/2002 của UBND thành phố theo thẩm quyền.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14 : Khen thưởng và xử lý vi phạm
Trong quá trình thực hiện, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc được khen thưởng theo qui định, mọi hành vi vi phạm thùy theo mức độ thiệt hại sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Điều 15 : Tổ chức kiểm tra thực hiện
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và phối hợp thực hiện những nhiệm vụ được giao theo Qui định này.
2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện của các ngành liên quan, các cấp và các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, báo cáo UBND Thành phố để xem xét, giải quyết kịp thời./.