BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2760/QĐ-BNN-TCTS
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 11 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT "ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH THỦY SẢN THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ
TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG"
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP
ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày
10/09/2009 của Chính phủ về sửa Điều 3 của Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày
03/01/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 1690/QĐ-TTg
ngày 16/09/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản
Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1445/QĐ-TTg
ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy
sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Căn cứ Quyết định 899/QĐ-TTg ngày
10/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển
bền vững;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Thủy sản,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt "Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản
theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" với các nội
dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển thủy sản bền vững cả về
kinh tế, xã hội, môi trường. Xây dựng ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng
cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị
trường.
2. Mục tiêu cụ thể
- Duy trì tốc độ tăng trưởng cao,
nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng
năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 6%/năm
trong đó, giá trị khai thác thủy sản tăng trưởng bình quân trên 3%/năm; giá trị
nuôi trồng thủy sản tăng trưởng bình quân trên 8%/năm; tốc độ tăng trưởng bình
quân giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 6%/năm.
- Nâng cao thu nhập và cải thiện mức
sống cho cộng đồng ngư dân ven biển, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực
phẩm cả trước mắt và lâu dài, giảm tỷ lệ đói nghèo. Đến năm 2020, thu nhập bình
quân lao động thủy sản cao gấp 2,5 lần so với năm 2010.
- Tăng cường năng lực quản lý tài
nguyên, nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ ô nhiễm
môi trường, dịch bệnh; chủ động quản lý rủi ro, phòng chống thiên tai, thích ứng
với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đến năm 2020 có
70% cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đáp ứng các quy chuẩn về bảo vệ môi trường,
100% các cơ sở xây dựng mới đạt các quy chuẩn về bảo vệ
môi trường.
II. ĐỊNH HƯỚNG
1. Đối với khai thác và bảo
vệ nguồn lợi thủy sản
- Giảm dần sản lượng khai thác thủy sản
ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác và giảm
tổn thất sau thu hoạch. Gắn khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền quốc gia và
an ninh quốc phòng trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
- Tổ chức lại sản xuất trên biển theo
mô hình kinh tế lập thể đối với khai thác vùng biển khơi và mô hình đồng quản
lý đối với vùng biển ven bờ.
- Khai thác thủy sản gắn liền với bảo
vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
2. Đối với nuôi trồng thủy
sản
- Phát triển
nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất
lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và đảm bảo an ninh thực phẩm
quốc gia.
- Đa dạng hóa đối tượng nuôi và
phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp với từng vùng kinh tế,
sinh thái trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng sản
phẩm.
- Đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng
thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận. Phát triển các vùng nuôi thủy
sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi tiết kiệm nước, nuôi an toàn sinh học,
bảo vệ môi trường sinh thái.
- Chuyển đổi mạnh cơ cấu giữa nuôi trồng
trong nội địa với nuôi trồng trên biển; cơ cấu giữa nuôi và trồng. Phát triển mạnh
nuôi, trồng trên biển, đặc biệt đối với trồng rong, tảo biển.
3. Đối với chế biến và tiêu
thụ thủy sản
- Giảm chế biến thô và sơ chế, nâng
cao tỷ trọng chế biến các mặt hàng giá trị gia tăng, đa dạng hóa các sản phẩm
chế biến và thị trường tiêu thụ phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng
thị trường trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh của thủy sản Việt Nam.
- Phát triển chế biến, tiêu thụ thủy
sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất nuôi trồng, khai thác và chế biến, thương
mại sản phẩm thủy sản.
- Giữ vững thị trường xuất khẩu truyền
thống; phát triển thị trường tiềm năng mới nổi và thị trường tiêu thụ trong nước.
4. Đối với dịch
vụ hậu cần thủy sản
- Khôi phục và phát triển lĩnh vực
đóng, sửa tàu cá, sản xuất ngư lưới cụ, máy móc thiết bị, hình thành hệ thống
cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần thủy sản đồng bộ.
- Áp dụng các tiến bộ công nghệ tin học,
điện tử, viễn thám, công nghệ bảo quản sau thu hoạch tiên tiến trong quản lý và
hiện đại hóa ngành thủy sản.
III. NỘI DUNG
1. Lĩnh vực khai thác thủy
sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Sản lượng khai thác:
- Đến năm 2020 giữ ổn định sản lượng
khai thác thủy sản ở mức 2,4-2,6 triệu tấn/năm (bao gồm sản lượng khai thác nội
địa đạt 0,2 triệu tấn, sản lượng khai thác hải sản 2,2-2,4 triệu tấn), trong đó sản lượng khai thác tôm: 50.000-54.600 tấn (2,1%); mực:
200.000-215.800 tấn (8,3%); cá biển: 2.000.000-2.165.800 tấn (83,3%); các loài hải sản khác 150.000-163.800 tấn (6,3%).
- Thực hiện giảm tỷ trọng sản lượng
khai thác ven bờ từ 52% (1,2 triệu tấn) hiện nay xuống còn khoảng 36,4%
(0,8-0,87 triệu tấn) vào năm 2020; tăng sản lượng khai thác xa bờ từ 48% (1 triệu
tấn) hiện nay lên khoảng 63,6% (1,4-1,53 triệu tấn) vào năm 2020.
- Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu thuyền/nghề
khai thác hải sản, tập trung khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế, có khả
năng xuất khẩu như tôm, mực, bạch tuộc, cá ngừ, cá thu, nhóm cá nổi lớn,...
- Áp dụng khoa học công nghệ trong bảo
quản sản phẩm để giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản từ trên
20% hiện nay xuống dưới 10% vào năm 2020.
Tàu thuyền khai thác:
- Hiện đại hóa trang thiết bị, máy
móc, ngư lưới cụ; ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để nâng
cao giá trị sản xuất cho ngư dân, kết hợp với bảo vệ nguồn
lợi thủy sản và an ninh quốc phòng trên biển. Đến năm 2020, số tàu cá còn khoảng
dưới 110.000 chiếc.
- Thực hiện cơ cấu tàu thuyền khai
thác theo hướng giảm dần tàu cá khai thác ở vùng biển ven bờ có công suất nhỏ
dưới 20CV và tăng dần loại tàu có công suất trên 90CV.
Trong đó tỷ lệ tàu cá có công suất dưới 20CV từ 48,9% hiện nay xuống còn khoảng
34,5% vào năm 2020; tàu cá trên 20CV đến 90CV từ 30,4% hiện nay tăng lên 38,2%
vào năm 2020; tàu cá trên 90CV từ 20,7% hiện nay tăng lên 27,3% vào năm 2020.
- Phát triển đội tàu khai thác xa bờ
tham gia khai thác ở các vùng biển xa và khai thác hợp
pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của các nước, các vùng lãnh thổ trong khu vực với
số lượng khoảng 4.500 tàu chủ yếu từ các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ.
Nghề nghiệp khai thác:
Tăng số nghề khai thác có hiệu quả,
giảm những nghề khai thác kém hiệu quả đặc biệt là những nghề gây xâm hại đến
nguồn lợi thủy sản bằng các chính sách chuyển đổi, hỗ trợ đào tạo nghề, trong
đó:
+ Các nghề cần phải giảm: nghề lưới
kéo, nghề lưới rê, nghề vó mành ven bờ và nghề khác như te, xiệp. Các nghề được
khuyến khích phát triển: nghề lưới vây, nghề câu.
+ Cụ thể: giảm nghề lưới rê hiện nay
từ 37% xuống 35%; giảm nghề lưới kéo từ 18% xuống 15%; tăng nghề lưới câu từ
17% lên 24%; tăng nghề lưới vây từ 5% lên 8%; giảm tỷ lệ nghề vó, mành từ 7% xuống
5%; giảm nghề cố định từ 3% xuống 1% và giảm các nghề khác từ 13% xuống 12%.
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy
sản:
- Tổ chức và quản lý khai thác thủy sản:
sản lượng, mùa vụ, vùng khai thác, ngư cụ khai thác gắn liền với duy trì và
phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.
- Thành lập và đưa vào hoạt động hệ
thống các khu bảo tồn biển và bảo tồn nước nội địa đã được phê duyệt.
- Tổ chức thả giống một số loài thủy
sản bản địa, quý hiếm, có giá trị kinh tế vào các thủy vực nhằm khôi phục và
tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế cho người dân.
2. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản
- Phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4,5 triệu tấn vào năm 2020, trong đó tôm khoảng
700.000 tấn, cá tra khoảng 1,8 đến 2 triệu tấn và có sự gia tăng đáng kể sản lượng
rong biển.
- Phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại
các vùng sinh thái đặc trưng thích hợp: tôm - rừng ngập mặn, tôm - lúa ở Duyên
hải Nam bộ nhằm giữ lợi thế cạnh tranh và thị trường xuất khẩu tôm sú trên thế
giới.
- Phát huy các lợi thế của nuôi tôm
thẻ chân trăng, gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu từ
tôm thẻ chân trắng. Tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng ở các tỉnh ven biển Bắc bộ và miền Trung, các vùng nuôi thâm canh ở
Nam bộ.
- Phát triển nuôi cá tra ở các tỉnh
vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với thị trường, các năm 2014 và 2015 duy trì
diện tích, năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cá
tra. Các năm tiếp theo tăng diện tích và sản lượng phù hợp với khả năng mở rộng
thị trường.
- Phát triển mạnh nuôi trồng trên biển,
đặc biệt chú ý lựa chọn các đối tượng có giá trị kinh tế cao để nuôi trồng có
hiệu quả tại các vùng biển xa, ven các hải đảo. Phát triển mạnh việc trồng rong
biển làm cơ sở nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm, công nghiệp dược phẩm.
- Phát triển nuôi cá rô phi thâm canh
trong ao ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, nuôi lồng bè trên sông các tỉnh Nam bộ.
- Phát triển nuôi cá nước lạnh, nuôi
thủy đặc sản, nuôi cá truyền thống tại vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây
Nguyên.
- Chủ động sản xuất giống thủy sản chất
lượng các đối tượng nuôi chủ lực, phấn đấu đến 2020 sản xuất 100% giống có chất
lượng và 100% giống tôm sú, tôm chân trắng sạch bệnh. Cơ cấu lại hệ thống sản
xuất giống gắn với vùng nuôi, ngoài khu vực Duyên hải miền Trung là trung tâm sản
xuất giống hải sản của quốc gia, phát triển sản xuất giống tôm sú, tôm chân trắng,
ngao ở khu vực Duyên hải Nam bộ.
- Ứng dụng rộng rãi Quy phạm thực
hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), nuôi trồng thủy sản có chứng nhận và đẩy
mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn, truy
nguyên nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản.
- Công tác phòng chống dịch bệnh
trong nuôi trồng thủy sản lấy phòng bệnh là chính, phòng chống bệnh gắn chặt,
không tách rời với quản lý nuôi trồng, thông qua quản lý
giống tốt, sạch bệnh, quản lý môi trường vùng nuôi và áp dụng công nghệ nuôi trồng
tiên tiến.
- Phát triển các vùng nuôi tôm, cá
công nghiệp tập trung sử dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tiết kiệm nước, giảm
thiểu tối đa các tiêu cực từ việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
- Đối với nuôi trồng thủy sản các đối
tượng truyền thống chủ yếu phát triển nuôi ở hồ chứa, ao hồ nhỏ ở các tỉnh nội
đồng, đặc biệt chú trọng đối với các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc và
vùng Tây Nguyên.
- Đa dạng hóa phương thức nuôi, áp dụng
phương thức nuôi phù hợp theo các đối tượng: Nuôi thâm canh các đối tượng chủ lực
ở vùng có lợi thế như cá tra, tôm nước lợ, nhuyễn thể, cá rô phi; nuôi quảng
canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng ở các vùng môi trường nhạy cảm.
- Hoàn thiện hệ thống quan trắc, cảnh
báo môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng và
các vùng sản xuất giống tập trung.
3. Lĩnh vực chế biến và
tiêu thụ thủy sản
- Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu các sản
phẩm chế biến thủy sản xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm giá
trị gia tăng, giảm mạnh tỷ lệ các sản phẩm sơ chế, đa dạng hóa các mặt hàng chế
biến và tạo thêm các sản phẩm mới có giá trị gia tăng, đáp
ứng nhu cầu, thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường.
- Nghiên cứu, đầu tư áp dụng công nghệ
tiên tiến trong chế biến thủy sản để nâng cao năng suất lao động, nâng cao tỷ
trọng các sản phẩm giá trị gia tăng, sáng tạo các sản phẩm mới, nâng cao hiệu
quả, hiệu suất sử dụng các thiết bị, công suất các cơ sở chế biến thủy sản. Mở
rộng việc áp dụng quy trình, hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực
phẩm theo ISO, HACCP, GMP, SSOP... tại các cơ sở chế biến thủy sản.
- Xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy
sản Việt Nam, phát triển và hình thành các kênh phân phối trực tiếp sản phẩm thủy
sản đến người tiêu dùng tại các thị trường quốc tế, trước hết tại các thị trường
Mỹ, EU và Nhật Bản.
- Giữ vững và phát triển các thị trường
truyền thống, đồng thời mở rộng và phát triển các thị trường tiềm năng khác. Đến năm 2020, cơ cấu thị trường EU khoảng 21%; thị trường Nhật Bản khoảng
20%; thị trường Mỹ khoảng 19%; thị trường Trung Quốc và các thị trường khác khoảng
40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
- Phát triển thị trường nội địa với sự
tham gia của các thành phần kinh tế và sự đa dạng của các loại hình tổ chức
phân phối, tiêu thụ thủy sản ở các đô thị, các địa bàn nông thôn, các khu công
nghiệp.
4. Lĩnh vực dịch vụ hậu cần
thủy sản
- Khôi phục, đầu tư nâng cấp phát triển
lĩnh vực cơ khí thủy sản, trước hết là đóng, sửa các tàu cá khai thác xa bờ, mạng
lưới dịch vụ cơ khí, chế tạo phụ tùng, phụ kiện, cung ứng dịch vụ kỹ thuật bảo
dưỡng, bảo hành và thiết bị cơ khí thủy sản tại các trung tâm nghề cá lớn trên
các vùng biển trọng điểm và các dịch vụ sửa chữa tàu cá trên các tuyến đảo.
- Đầu tư xây dựng, nâng cấp các cơ sở
sản xuất nước đá, kho lạnh, chợ thủy sản đầu mối, các cơ sở sản xuất ngư cụ,
thiết bị nghề cá tại các trung tâm nghề cá lớn phục vụ nghề cá xa bờ.
- Đầu tư xây dựng cảng cá, bến cá và
khu neo đậu tránh bão cho tàu cá theo hướng ưu tiên đầu tư cảng cá loại I kết hợp
khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng có khả năng thu hút tàu cá của
nhiều địa phương. Hình thành hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh bão trên các hải đảo nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác trên các vùng biển xa.
IV. GIẢI PHÁP
1. Giải pháp quy hoạch
- Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản
lý quy hoạch, bảo đảm sự thống nhất thực hiện giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch
hàng năm, bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác thực hiện quy hoạch.
- Rà soát, điều chỉnh bổ sung, xây dựng
mới các quy hoạch theo vùng, theo lĩnh vực sản xuất, theo đối tượng chủ lực
trên cơ sở Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 (QĐ
1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010) và Quy hoạch tổng thể phát
triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn
2030 (QĐ 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013). Căn cứ theo đó, các tỉnh, các địa
phương tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển thủy sản trên
địa bàn từng tỉnh, địa phương.
- Xây dựng quy trình quản lý, kiểm
tra, giám sát thực hiện quy hoạch bảo đảm đây thực sự là những công cụ hiệu quả
trong quản lý quá trình phát triển ngành thủy sản.
2. Giải pháp tổ chức
a) Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về
thủy sản
- Rà soát lại vị trí, chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Thủy sản, các đơn vị trực
thuộc Tổng cục Thủy sản, các đơn vị quản lý nhà nước chuyên
ngành thủy sản tại địa phương đáp ứng với yêu cầu cải cách, đổi mới, hội nhập
quốc tế, phù hợp với đặc điểm, tình hình và điều kiện từng địa phương.
- Thực hiện cơ chế phân cấp quản lý
giữa Trung ương và địa phương; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra đồng thời
đề cao dân chủ, chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của các cộng đồng.
- Rà soát, bổ sung hệ thống pháp luật
thủy sản, các cơ chế chính sách quản lý, các biện pháp nâng cao năng lực bộ máy
hành chính và công chức, xây dựng thể chế quản lý ngành thủy sản đáp ứng yêu cầu
đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững.
- Đẩy nhanh tốc độ xã hội hóa các hoạt
động dịch vụ công; kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy Thanh tra,
Pháp chế từ Tổng cục Thủy sản đến các Sở, các cơ quan Thanh tra, Pháp chế
chuyên ngành thủy sản tại địa phương.
b) Tổ chức hoạt động sản xuất thủy sản
Đối với
khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
- Tổ chức lại công tác quản lý tàu
cá, quản lý cường lực khai thác, nghề khai thác, mùa vụ khai thác, ngư trường
khai thác phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi hải sản đối với
từng vùng biển. Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý tàu cá khai thác vùng biển ven bờ
cho chính quyền địa phương nhằm tăng hiệu quả, hiệu lực quản
lý sát với thực tế, giảm mạnh cường lực khai thác, bảo đảm
duy trì và tái tạo phát triển nguồn lợi hải sản ven bờ.
- Phát triển mô hình tổ chức cộng đồng
quản lý nghề cá cho từng vùng biển ven bờ hoặc cho từng đối tượng khai thác. Tổ
chức đào tạo nghề cho lao động khai thác hải sản từ ven bờ ra xa bờ; xây dựng
các mô hình chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế thay thế các nghề khai thác thủy
sản ven bờ, giảm áp lực lên nguồn lợi và môi trường sinh thái biển ven bờ, tạo
việc làm với nghề mới ổn định, nâng cao mức sống ngư dân và nâng cao trách nhiệm
bảo vệ môi trường sinh thái vùng biển ven bờ. Xây dựng và
nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất tập thể khai thác xa bờ.
- Điều tra, giám sát, đánh giá nguồn
lợi thủy sản, thu thập thông tin nghề cá và dự báo ngư trường; tiếp tục điều
tra thu thập số liệu nghề cá phục vụ quản lý nghề cá bền vững.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm
soát và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản đặc biệt đối với
các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt (sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc
và các ngư cụ bị cấm khai thác); hoạt động khai thác đối với các đối tượng bị cấm khai
thác; các hành vi khai thác gây hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sản.
- Thành lập và đưa vào hoạt động các
khu bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước nội địa theo Quy hoạch hệ thống khu bảo
tồn vùng nước nội địa đến năm 2020 đã được phê duyệt. Hàng năm thả giống một số
loài thủy sản bản địa, quý hiếm, có giá trị kinh tế vào các thủy vực tự nhiên
nhằm khôi phục nguồn lợi, tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân.
- Phục hồi một số hệ sinh thái điển
hình như: san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn tại các vùng biển có điều kiện và có vị
trí quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời thả rạn nhân tạo,
tạo sinh cảnh, nơi cư trú, sinh sản và sinh trưởng của các loài thủy sản, hình
thành các bãi cá nhân tạo để tái tạo nguồn lợi, phục vụ nghề cá giải trí.
Đối với
nuôi trồng thủy sản:
- Tổ chức lại sản xuất theo hướng
liên kết các khâu trong chuỗi giá trị, xây dựng mô hình người nuôi, người cung ứng
thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học và doanh nghiệp chế biến,
tiêu thụ.
- Tổ chức lại mô hình các hộ gia đình sản xuất nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ theo hình thức hợp
tác, liên kết thành các tổ hợp tác, tổ chức cộng đồng hoặc hợp tác xã, tăng cường
sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm.
Đối với
chế biến thủy sản:
- Rà soát quy hoạch các cơ sở chế biến
thủy sản, bảo đảm các cơ sở phải đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường; các cơ
sở xây dựng mới theo quy hoạch được tập trung tại các cụm công nghiệp gắn với
vùng nguyên liệu giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu
ô nhiễm môi trường.
- Khuyến khích, ưu đãi các cơ sở chế
biến đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đổi mới dây chuyền thiết bị, áp dụng công nghệ
mới tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ
sinh môi trường; không cấp phép đầu tư cơ sở chế biến mới sản xuất các sản phẩm
thô, các sản phẩm sơ chế, bán thành phẩm.
Đối với dịch vụ hậu cần nghề cá:
- Tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần
nghề cá, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các
khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ
sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng vùng biển và từng địa phương, theo hướng
chia sẻ lợi ích giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp, bảo đảm tiêu thụ sản
phẩm ổn định, nâng cao giá trị của sản phẩm và lợi nhuận cho ngư dân.
- Quy hoạch chi tiết và từng bước đầu
tư hình thành các Trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm (Hải
Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang) và
Trung tâm phát triển thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ tạo động lực phát triển thủy sản, tạo đầu tàu thực hiện CNH-HĐH
nghề cá.
- Củng cố, phát triển các cơ sở đóng,
sửa tàu cá, sản xuất ngư lưới cụ, trang thiết bị máy móc khai thác trên tàu cá
tại các Trung tâm nghề cá lớn, cảng cá, bến cá của mỗi địa phương.
3. Giải pháp đầu tư
- Điều chỉnh cơ cấu vốn đầu tư của
ngân sách nhà nước cho phát triển thủy sản trong tổng vốn đầu tư phát triển
ngành nông nghiệp. Tăng tỷ trọng đầu tư công cho lĩnh vực thủy sản trong tổng vốn
đầu tư do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý,
cụ thể: tỷ trọng đầu tư cho thủy sản giai đoạn 2011-2015 đạt trên 7,0%, giai đoạn
2016-2020 đạt trên 10% trong tổng vốn đầu tư toàn ngành.
- Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tập
trung thực hiện đầu tư: điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, hệ thống thông
tin quản lý nghề cá, kiểm ngư, hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất giống thủy sản,
hạ tầng vùng nuôi tập trung cho các đối tượng chủ lực (tôm, cá tra, nhuyễn
thể và rô phi), hệ
thống quan trắc cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản và hệ thống
kiểm nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế
đầu tư phát triển thủy sản.
4. Giải pháp chính sách
- Xây dựng và ban hành các chính sách
đồng bộ hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu khai thác hải sản gần bờ, khuyến khích khai
thác xa bờ, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, phát triển thủy
sản ở vùng miền núi, Tây Nguyên và hải đảo.
- Xây dựng đồng bộ các chính sách
khuyến khích chế biến các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng, áp dụng công nghệ
mới trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản, phát triển cơ khí, dịch vụ
hậu cần, đóng mới, hiện đại hóa tàu cá.
- Xây dựng các chính sách khuyến
khích liên kết trong sản xuất thủy sản, áp dụng nuôi trồng, khai thác thủy sản
có chứng nhận.
5. Giải pháp khoa học và
công nghệ
- Định kỳ điều tra, đánh giá nguồn lợi
thủy sản phục vụ công tác dự báo nguồn lợi và ngư trường, quản lý và bảo vệ nguồn
lợi thủy sản bền vững.
- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ và
thiết bị bảo quản trên tàu phù hợp với từng loại nghề, từng
loại đối tượng khai thác để nâng cao chất lượng sản phẩm,
hiệu quả sau khai thác.
- Nghiên cứu các mô hình tổ chức khai
thác kết hợp dịch vụ trên biển nhằm giảm chi phí sản xuất
và tăng chất lượng sản phẩm sau khai thác.
- Áp dụng các công nghệ tin học, viễn
thám, sử dụng vệ tinh trong quản lý nuôi trồng và khai thác thủy sản.
- Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sản
xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực, các đối tượng nuôi trồng trên biển theo hướng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh.
- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng
công nghệ sinh học trong nghiên cứu dinh dưỡng, thức ăn,
chế phẩm sinh học, thuốc thú y thủy sản; tìm kiếm nguồn nguyên liệu bổ sung
thay thế bột cá, dầu cá; phát triển các loại thức ăn có hệ số thức ăn (FCR) thấp,
giá thành hợp lý.
- Nghiên cứu, xây dựng các quy trình
công nghệ nuôi trồng an toàn sinh học, công nghệ nuôi ít sử
dụng nước, sạch, thân thiện với môi trường, ít xả thải, thích ứng với biến đổi
khí hậu và nước biển dâng.
- Nghiên cứu phát triển, nhập công
nghệ sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thủy sản nâng
cao giá trị sản phẩm thủy sản.
6. Giải pháp thị trường
- Giữ vững cơ cấu các thị trường xuất
khẩu thủy sản truyền thống: Nhật Bản, Mỹ và EU ở mức 60%. Tiếp tục mở rộng thị
trường các vùng Đông Âu, Bắc Âu, Trung Đông, Châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Châu
Á.
- Đổi mới phương thức thực hiện xúc
tiến thương mại và phát triển thị trường phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu, theo hướng các hiệp hội và doanh nghiệp là chủ
thể trực tiếp tổ chức thực hiện, nhà nước giữ vai trò xây dựng cơ chế, chính
sách và hỗ trợ các hoạt động.
- Phát triển hình thức xuất khẩu trực
tiếp cho các hệ thống phân phối, các trung tâm thương mại lớn, siêu thị.
- Đối với thị trường nội địa, quy hoạch
hệ thống các chợ đầu mối, hình thành kênh phân phối hàng thủy sản từ người sản
xuất, doanh nghiệp đến các chợ, các siêu thị.
7. Giải pháp hợp tác quốc tế
- Xây dựng chương trình, dự án thu
hút vốn đầu tư nước ngoài (ODA, FDI); tích cực tham gia các hoạt động đa
phương, song phương thu hút các nguồn tài trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế,
các tổ chức phi chính phủ.
- Chủ động, tích cực chuẩn bị và tham
gia đàm phán, phân định vùng biển, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và hợp tác
đánh cá với các quốc gia trong khu vực. Hợp tác với các nước trong khu vực và
thế giới để đưa nhiều tàu cá, thuyền viên Việt Nam đi khai thác hợp pháp tại
vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước và các vùng lãnh thổ.
- Mở rộng hợp tác quốc tế trong
ASEAN, APEC, APAC... về thương mại thủy sản thông qua việc đàm phán ký kết song
phương, đa phương các cam kết thực thi các hiệp định, thỏa thuận hợp tác liên
quan, tháo gỡ rào cản, vướng mắc trong xuất nhập khẩu thủy
sản.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Tổng cục Thủy sản
- Xây dựng Chương trình hành động thực
hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản; định kỳ báo cáo Bộ về tiến độ và kết quả
thực hiện.
- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị
liên quan thuộc Bộ, các địa phương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các
nhiệm vụ theo Chương trình hành động.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp cùng Tổng
cục Thủy sản thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tại Chương trình hành động thực hiện
Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản.
3. Các địa phương
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố:
- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy hoạch
tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 phù hợp với tình hình
thực tế của địa phương.
- Triển khai đồng bộ các giải pháp thực
hiện quy hoạch thủy sản gắn với các quy hoạch khác ở địa phương, cơ cấu lại sản
xuất, thị trường, vốn, nhân lực theo hướng phát huy lợi thế và khả năng cạnh
tranh của sản phẩm thủy sản phù hợp với các mục tiêu của Đề án.
4. Các Doanh nghiệp, Hội và
Hiệp hội
Căn cứ mục tiêu, định hướng và nội
dung Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản xây dựng chiến lược xúc tiến thương mại,
thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm cũng như phổ biến các cam kết, tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm ở các thị trường thủy sản trên thế
giới cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia
tăng và phát triển bền vững.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy
sản, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KH&ĐT; Tài chính; Công thương;
KH&CN; TN&MT;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Ban cán sự Đảng Bộ;
- Hội nghề cá, Hiệp hội VASEP;
- Cổng thông tin điện Chính phủ, Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, TCTS.
|
BỘ TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|