Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 269/QĐ-UBND 2018 Đề án Phát triển vùng chăn nuôi heo tập trung Ninh Thuận

Số hiệu: 269/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Trần Quốc Nam
Ngày ban hành: 13/08/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 269/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 13 tháng 8 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VÙNG CHĂN NUÔI HEO TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm;

Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND ngày 27/02/2017 của UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 2078/TTr-SNNPTNT ngày 31/7/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển vùng chăn nuôi heo tập trung trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Đài PT&TH tỉnh; Báo Ninh Thuận;
- VPUB: LĐ, Khối NC-TH;
- Lưu VT. QMT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Quốc Nam

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN VÙNG CHĂN NUÔI HEO TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 13/8/2018 của UBND tỉnh)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết

Trong những năm gần đây, số lượng đàn heo trên địa bàn tỉnh tăng nhanh đáng kể (năm 2013 tổng đàn heo là 57.840 con thì năm 2018 tổng đàn heo đã tăng lên là 92.909 con, tăng 60,60%). Việc tăng đàn heo nhanh chóng chủ yếu là do các trang trại chăn nuôi heo tập trung ngày càng phát triển (với số lượng đàn heo chiếm 43,90% tổng đàn heo toàn tỉnh). Tuy nhiên, đa số các trang trại chăn nuôi heo tập trung trong thời gian qua mang tính tự phát, thiếu quy hoạch vùng chăn nuôi heo, phá vỡ quy hoạch chung của địa phương, làm hạn chế trong công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực lân cận. Do đó, việc định hướng, xác định các khu vực phù hợp nhằm đưa các trang trại chăn nuôi heo vào vùng chăn nuôi heo tập trung để phát triển theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và đời sống nhân dân; đồng thời thuận lợi trong việc theo dõi, giám sát, kiểm soát, khống chế dịch bệnh động vật nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên heo (như Lở mồm long móng, Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản, Dịch tả,...), qua đó giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư lâu dài, quy mô lớn, nâng cao hiệu quả đầu tư thì việc ban hành Đề án “Phát triển vùng chăn nuôi heo tập trung trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận” là hết sức cấp thiết.

II. Cơ sở pháp lý

- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp, nông thôn;

- Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

- Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm;

- Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;

- Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/01/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc tế về điều kiện chăn nuôi lợn, trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học;

- Công văn số 1426/BNN-CN ngày 06/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi công nghiệp;

- Quyết định số 693/QĐ-UBND ngày 29/3/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn năm 2011-2020;

- Quyết định số 17/2017/QĐ-UBND ngày 27/02/2017 của UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Phần II

THỰC TRẠNG VỀ CHĂN NUÔI HEO TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

I. Thực trạng về quy hoạch chăn nuôi heo tập trung và số lượng trang trại chăn nuôi heo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 45 trang trại chăn nuôi heo (trong đó chỉ có 08 trang trại chăn nuôi heo nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung của các địa phương, chiếm tỷ lệ 17,80%), với tổng đàn là 40.770 con (chủ yếu là heo thịt), chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Ninh Sơn và huyện Bác Ái; trong đó, có 43 trang trại nuôi heo gia công cho Công ty CP với số lượng 39.070 con (chiếm tỷ lệ 95,80% tổng đàn heo các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh). Cụ thể như sau:

1. Huyện Ninh Sơn:

a) Quy hoạch chăn nuôi heo tập trung: Địa phương có 01 vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung tại xã Quảng Sơn.

b) Số lượng trang trại chăn nuôi heo: 18 trang trại với số lượng khoảng 13.500 con.

2. Huyện Bác Ái:

a) Quy hoạch chăn nuôi heo tập trung: Địa phương chưa có vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung:

b) Số lượng trang trại chăn nuôi heo: 19 trang trại, với số lượng khoảng 20.170 con.

3. Huyện Ninh Phước:

a) Quy hoạch chăn nuôi heo tập trung: Có 04 vùng chăn nuôi heo tập trung, cụ thể:

(1) Khu vực thôn Thái Giao-Thái Hòa (vùng hồ Tà Ranh), xã Phước Thái: 15 ha.

(2) Khu vực thôn Như Bình-Như Ngọc (vùng hồ Tà Ranh), xã Phước Thái: 20ha.

(3) Khu vực thôn Liên Sơn (vùng phía Bắc hồ Lanh Ra), xã Phước Vinh: 10ha.

(4) Khu vực thôn Liên Sơn 2-Bảo Vinh (vùng suối Bà Lễ và Gọp Ông Nhờ), xã Phước Vinh: 30ha.

b) Số lượng trang trại chăn nuôi heo: 05 trang trại (đều nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung của địa phương), với số lượng khoảng 4.400 con.

4. Huyện Thuận Bắc:

a) Quy hoạch chăn nuôi heo tập trung: Có 01 vùng chăn nuôi heo tập trung tại thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn, với diện tích 05ha.

b) Số lượng trang trại chăn nuôi heo: 03 trang trại (đều nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung của địa phương), với số lượng khoảng 2.700 con.

5. Huyện Ninh Hải:

a) Quy hoạch chăn nuôi heo tập trung: Có 01 vùng chăn nuôi heo tập trung tại thôn Khánh Phước, xã Nhơn Hải: 05 ha.

b) Số lượng trang trại chăn nuôi heo: Không

6. Huyện Thuận Nam:

a) Quy hoạch chăn nuôi heo tập trung: Địa phương chưa có vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung:

b) Số lượng trang trại chăn nuôi heo: Không

7. Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm:

a) Quy hoạch chăn nuôi heo tập trung: Địa phương chưa có vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung:

b) Số lượng trang trại chăn nuôi heo: Không

II. Thực trạng về môi trường tại các trang trại chăn nuôi heo

Trong năm 2017, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức Đoàn kiểm tra công tác môi trường tại các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh. Kết quả cụ thể như sau:

- Có 63% trang trại xây dựng công trình xử lý nước thải chưa đúng, chưa đầy đủ các hạng mục công trình xử lý nước thải như cam kết tại hồ sơ môi trường được xác nhận hoặc công trình xử lý nước thải đã hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa;

- Có 07% trang trại thực hiện chương trình giám sát chất lượng nước thải và không khí xung quanh định kỳ (03 tháng/lần hoặc 06 tháng/lần). Còn lại 93 % trang trại không thực hiện chương trình giám sát chất lượng môi trường định kỳ theo hồ sơ môi trường đã được UBND các huyện, thành phố xác nhận;

- Qua kết quả phân tích chất lượng nước thải sau xử lý, có 60% trang trại không đạt quy chuẩn môi trường, có nồng độ các thông số ô nhiễm chính (như COD, TSS, Tổng Ni tơ) trong nước thải sau xử lý vượt giá trị cột B của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi (QCVN 62-MT: 2016/BTNMT) từ 1,1-5,3 lần.

III. Thực trạng về chăn nuôi an toàn sinh học tại các trang trại chăn nuôi heo

Qua khảo sát, phần lớn các trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện của Trại chăn nuôi heo an toàn sinh học theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-14:2010BNNPTNT. Cụ thể:

- Về chuồng trại: Một số trang trại chưa có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào trại; chưa có khu thay quần áo cho công nhân và khách tham quan; chưa có khu cách ly heo bệnh; cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi ít có bố trí hố khử trùng;

- Về con giống: Tuy có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch nhưng trước khi nhập đàn chưa được nuôi cách ly theo quy định hiện hành;

- Về nước uống: Chưa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật;

- Về vệ sinh thú y: Chưa thực hiện đảm bảo việc định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, các chuồng nuôi.

IV. Thực trạng về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh tại các trang trại chăn nuôi heo

Phần lớn các trang trại chăn nuôi heo đều hoạt động độc lập, khép kín và không có thú y được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn. Vì vậy, khi phát hiện heo xảy ra dịch bệnh ở trang trại thì chủ trang trại (hoặc công nhân) không báo cáo cho thú y địa phương hoặc thú y huyện biết và tự điều trị nên ít có hiệu quả; heo bệnh sau khi điều trị không khỏi thì hủy bằng cách chôn lấp sơ sài hoặc cho công nhân tận dụng sử dụng làm thực phẩm,... Thời gian qua, công tác giám sát dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh ở một số trang trại không tốt, lượng heo chết nhiều do dịch bệnh (như: Dịch tả, hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản tụ huyết trùng, phó thương hàn, ...), gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

V. Thực trạng về tiêu thụ sản phẩm heo

Trong nhiều năm qua, việc đầu tư phát triển chăn nuôi heo quá nhanh chưa được tính toán kỹ lưỡng dẫn đến nguồn cung cấp sản phẩm thịt heo vượt khả năng tiêu thụ của thị trường trong tỉnh và trong nước; bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng, việc bán heo hơi qua tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn do chính sách quản lý đường biên; vấn đề chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và kết nối thị trường trong nước và xuất khẩu với mặt hàng thịt heo còn hạn chế, chưa tương xứng với tốc độ tăng đàn và sản lượng thịt heo sản xuất ra. Ngoài ra khâu kiểm soát tiêu thụ hầu như chưa thực hiện được, từ đó gây ra lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi cũng như giá cả thịt heo.

Phần III

NỘI DUNG VÀ HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN

I. Mục tiêu Đề án

1. Phát triển các trang trại chăn nuôi heo gắn với vùng chăn nuôi heo tập trung, theo hướng bền vững, gắn tiêu thụ, chế biến, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi.

2. Phát triển các trang trại chăn nuôi heo tập trung theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi bán công nghiệp, an toàn sinh học, đảm bảo các yêu cầu khi nằm trong vùng chăn nuôi heo tập trung hoặc ngoài vùng chăn nuôi heo tập trung (các trang trại phân tán hiện hữu); yêu cầu về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh.

3. Chủ động phòng, chống dịch bệnh, tăng cường khả năng kiểm soát dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên heo như: Lở mồm long móng, hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản, dịch tả,...

II. Các yêu cầu về vùng chăn nuôi heo tập trung, các trang trại nằm trong vùng chăn nuôi heo tập trung, các trang trại phân tán ngoài vùng chăn nuôi heo tập trung

1. Yêu cầu về vùng chăn nuôi heo tập trung:

Đáp ứng các tiêu chí theo Luật Thú Y và Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.

(Đính kèm Phụ lục I)

2. Yêu cầu về các trang trại nằm trong vùng chăn nuôi heo tập trung:

Đáp ứng các tiêu chí theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện chăn nuôi lợn an toàn sinh học (QCVN 01-2014: 2010/BNNPTNT) được ban hành theo Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/1/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

(Đính kèm Phụ lục II)

3. Yêu cầu về các trang trại chăn nuôi heo phân tán ngoài vùng chăn nuôi heo tập trung (các trang trại phân tán hiện hữu):

Đáp ứng các tiêu chí theo Luật Thú y, Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện chăn nuôi lợn an toàn sinh học (QCVN 01-2014: 2010/BNNPTNT) được ban hành theo Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/1/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

(Đính kèm Phụ lục III)

III. Hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của Đề án

Mục tiêu của việc thực hiện Đề án là hình thành các vùng chăn nuôi heo tập trung tại các địa phương. Chăn nuôi tập trung sẽ tạo sinh kế bền vững, bảo vệ môi trường và là hướng đi tất yếu cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

1. Về mặt kinh tế:

Chăn nuôi heo tập trung sẽ thuận lợi trong việc ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, giảm chi phí trong chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng thịt, tăng khả năng cạnh tranh thị trường và mang lại giá trị gia tăng cho các trang trại. Ngoài ra, xây dựng vùng chăn nuôi heo tập trung sẽ mang lại hiệu quả sử dụng đất cao vì hầu hết diện tích đất tại các vùng chăn nuôi tập trung là đất xấu, bạc màu, không chủ động nguồn nước, trồng trọt không có hiệu quả.

2. Về mặt xã hội:

Chăn nuôi heo tập trung sẽ thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh, dễ khoanh vùng, khống chế khi có dịch bệnh xảy ra, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, có chất lượng tốt hơn; đồng thời tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ của chủ trang trại; đồng thời tạo việc làm thường xuyên, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho lao động.

3. Về mặt môi trường:

Đây là tác động tích cực nhất của việc thực hiện Đề án. Tất cả các trang trại nằm trong vùng chăn nuôi heo tập trung đều ở cách xa khu dân cư và phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải đồng bộ, xây dựng hầm xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học,... nên giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống, hạn chế sự phát sinh, lan truyền dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến mọi mặt của xã hội. Xử lý môi trường tốt trong chăn nuôi vừa để đảm bảo chất lượng chăn nuôi, vừa đảm bảo môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm, làm cho những sản phẩm chăn nuôi nơi đây khi phân phối trên thị trường được người tiêu dùng tin tưởng và an tâm khi sử dụng.

Phần IV

GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. Các giải pháp phát triển vùng chăn nuôi heo tập trung

1. Giải pháp tuyên truyền, vận động:

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng để nâng cao nhận thức của các bộ, nhân dân, các chủ trang trại tham gia thực hiện Đề án (thông qua Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh địa phương, hội nghị, hội thảo,...); đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của các chủ trang trại và xã hội khi thực hiện đầu tư trang trại vào vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung, các yêu cầu đối với các trang trại nằm trong vùng chăn nuôi heo tập trung, các trang trại phân tán ngoài vùng chăn nuôi heo tập trung, yêu cầu về xử lý chất thải,... nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái, phòng chống dịch bệnh, nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

2. Giải pháp quản lý quy hoạch:

- Hạn chế mở rộng quy mô đàn lợn trên địa bàn mà chuyển hướng nhanh sang thay đổi cơ cấu giống, khuyến khích phát triển các giống cao sản và giống đặc sản phục vụ các loại hình chăn nuôi heo theo các phân khúc thị trường khác nhau (theo nội dung Công văn số 1426/BNN-CN ngày 16/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tất cả các trang trại chăn nuôi mới đều phải nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung của địa phương;

- Đối với các địa phương đã có quy hoạch vùng chăn nuôi heo tập trung (các huyện: Ninh Phước, Thuận Bắc, Ninh Hải): Căn cứ yêu cầu về vùng chăn nuôi heo tập trung để điều chỉnh, bổ sung (nếu có) cho phù hợp;

- Đối với các địa phương chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi heo tập trung (các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Nam và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) khẩn trương rà soát, xác định cụ thể vùng chăn nuôi heo tập trung để định hướng phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn theo quy hoạch của địa phương;

- Khuyến khích các trang trại chăn nuôi heo hiện hữu nằm ngoài quy hoạch tổ chức di dời vào trong vùng chăn nuôi heo tập trung; trường hợp chủ trang trại không chịu di dời thì phải đảm bảo yêu cầu của các trang trại chăn nuôi heo phân tán ngoài vùng chăn nuôi heo tập trung nêu trên.

3. Giải pháp thực hiện chuyển đàn:

Thời gian qua và hiện nay, người chăn nuôi đã đầu tư kinh phí tương đối lớn để xây dựng chuồng trại và thiết bị chăn nuôi (Bình quân đầu tư từ 1,2-1,5 tỷ đồng/trại kín và từ 0,6-0,8 tỷ đồng/trại hở) và các trang trại đang sản xuất ổn định, hiệu quả. Do đó, phương án chuyển đàn heo từ các trang trại nằm ngoài vùng quy hoạch vào trong vùng quy hoạch cần có lộ trình thời gian phù hợp, tạo đồng thuận trong nhân dân. Hơn nữa, hiện nay tỉnh cũng chưa có chính sách để hỗ trợ di dời các trang trại vào vùng quy hoạch, vì vậy giải pháp trước mắt:

- Chấp nhận cho các trang trại đã xây dựng tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng phải sửa chữa, nâng cấp để đạt tiêu chuẩn theo quy định; bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường; tuyệt đối không được mở rộng, tăng diện tích chuồng nuôi để tăng quy mô đàn;

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và các Sở, ngành liên quan tăng cường việc hướng dẫn, nhắc nhở, kiểm tra, tái kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi heo. Xử lý nghiêm các vi phạm hành chính và kiên quyết đóng cửa các cơ sở chăn nuôi heo không chấp hành thực hiện việc khắc phục trong công tác bảo vệ môi trường; Đồng thời, tuyên truyền, vận động các trang trại (nằm ngoài quy hoạch) di dời vào vùng chăn nuôi heo tập trung đã được quy hoạch; hướng dẫn các nhà đầu tư chăn nuôi heo mới vào vùng quy hoạch và không cấp phép mới đầu tư ngoài vùng quy hoạch.

4. Giải pháp về cơ chế, chính sách:

Áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển chăn nuôi heo tập trung theo quy định nhà nước hiện hành như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn,...

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để chủ trang trại di dời vào vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung tại địa phương hoặc nâng cấp, cải tạo trang trại đảm bảo các yêu cầu của các trang trại chăn nuôi heo phân tán ngoài vùng chăn nuôi heo tập trung.

5. Giải pháp quản lý, giám sát chăn nuôi, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh:

- Tổ chức tập huấn cho tất cả các trang trại chăn nuôi heo tập trung, phân tán trên địa bàn tỉnh về quy trình chăn nuôi tiên tiến, gắn với bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, phát triển bền vững; hướng dẫn các chủ trang trại xây dựng và thực hiện tốt quy trình giám sát, phòng chống dịch bệnh; quản lý, xử lý và sử dụng tốt các phụ phẩm, chất thải từ chăn nuôi để tăng hiệu quả chăn nuôi và hạn chế ô nhiễm môi trường;

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn để kịp thời xử lý những sai phạm trong quá trình chăn nuôi (như: Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; gây ô nhiễm môi trường,...) theo đúng quy định pháp luật; đồng thời kiểm soát, hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.

- Định kỳ lấy mẫu giám sát lưu hành các loại vi rút, vi khuẩn gây dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

6. Giải pháp về khoa học công nghệ và khuyến nông:

- Ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý và bảo vệ môi trường; xây dựng vùng chăn nuôi heo tập trung an toàn sinh học, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao;

- Thực hiện tốt công tác khuyến nông, gắn khuyến nông với thị trường để giúp người chăn nuôi có phương pháp tiếp cận thị trường, kinh nghiệm quản lý sản xuất và kinh doanh. Khuyến cáo các trang trại chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học, chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAHP, sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc xử lý chất thải khử mùi hôi chuồng trại và xây dựng bể Biogas để xử lý chất thải, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa cung cấp chất đốt phục vụ sinh hoạt.

7. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực:

- Nâng cao năng lực chẩn đoán, xác định bệnh, phòng chống dịch bệnh động vật cho những người làm công tác thú y tại cơ sở và các trang trại chăn nuôi heo tập trung, phân tán;

- Tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y.

8. Giải pháp về tiêu thụ sản phẩm:

- Hiện đại hóa chăn nuôi, kiểm soát chặt chẽ vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định và tăng cường hợp tác, liên kết để mở rộng thị trường tiêu thụ;

- Phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm khép kín từ đầu vào đến đầu ra để kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung - cầu thị trường sản phẩm chăn nuôi heo.

9. Về kinh phí thực hiện:

Tất cả các chi phí xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa trang trại hoặc di dời vào vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung do chủ trang trại đầu tư; ngân sách Nhà nước hỗ trợ công tác tuyên truyền, hội họp, sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án…, với tổng kinh phí 120.400.000 đồng (chi tiết theo Phụ lục IV đính kèm).

II. Tổ chức thực hiện:

1. Các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện tốt các giải pháp nêu trên để đạt được mục tiêu Đề án.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Là cơ quan đầu mối cùng với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án đảm bảo đạt kết quả;

- Cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức thẩm định, xác định hoặc điều chỉnh lại vùng chăn nuôi heo tập trung tại các địa phương (đối với địa phương đã có quy hoạch) đảm bảo theo các yêu cầu nêu trên;

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thực hiện việc kiểm dịch, con giống, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh thú y, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn thực phẩm theo quy định tại các trang trại chăn nuôi heo;

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho tất cả các trang trại chăn nuôi heo tập trung, phân tán trên địa bàn tỉnh về quy trình chăn nuôi tiên tiến, gắn với bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, phát triển bền vững... chậm nhất trong tháng 9/2018;

- Theo dõi, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện; định kỳ 6 tháng (trước ngày 30/6), một năm (trước ngày 31/12), tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh; tham mưu tổ chức Sơ kết (tháng 12/2019), tổng kết thực hiện Đề án (tháng 12/2020).

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện thực hiện các thủ tục đất đai, thủ tục môi trường để xây dựng vùng chăn nuôi heo tập trung theo đúng quy định;

- Triển khai thực hiện việc tái kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm về vi phạm hành chính và đề xuất chính quyền địa phương đóng cửa các cơ sở chăn nuôi heo không chấp hành thực hiện việc khắc phục trong công tác bảo vệ môi trường;

- Định kỳ phối hợp với các ngành, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra tình hình chấp hành các quy định về công tác bảo vệ môi trường của các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh để phát hiện, xử lý kịp thời; chủ động báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các công việc liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Xem xét sự phù hợp quy hoạch khi tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án trang trại chăn nuôi heo tập trung trên địa bàn tỉnh;

- Tham mưu cho tỉnh để ban hành các chính sách hỗ trợ cho các trang trại chăn nuôi heo nằm ngoài vùng quy hoạch phải thực hiện di dời vào vùng chăn nuôi heo tập trung theo quy định.

5. Sở Tài chính:

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn quản lý. Trong đó, xác định cụ thể nội dung, thời gian thực hiện cụ thể: Rà soát, lựa chọn vùng, hoặc điều chỉnh lại vùng chăn nuôi heo tập trung đảm bảo điều kiện quy hoạch vùng chăn nuôi heo tập trung tại địa phương; kiểm tra các trang trại trong và ngoài vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung có đảm bảo yêu cầu theo quy định để có giải pháp xử lý phù hợp;

- Tăng cường tuyên truyền sâu rộng cho các trang trại chăn nuôi heo hiện có trên địa bàn được biết, hiểu rõ về mục đích của Đề án; vận động các trang trại di dời vào vùng chăn nuôi heo tập trung đã có quy hoạch;

- Không cấp giấy phép cho các trang trại xây dựng mới nằm ngoài vùng quy hoạch mà chỉ cho phép xây dựng trang trại chăn nuôi heo mới nằm trong vùng quy hoạch đối với các địa phương đã có vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung như ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải và Thuận Bắc. Đối với các huyện, thành phố như Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Nam và Phan Rang-Tháp Chàm hiện nay vẫn chưa có vùng quy hoạch chăn nuôi heo tập trung cần sớm xúc tiến quy hoạch vùng chăn nuôi heo tập trung tại địa phương, hạn chế cấp giấy phép cho các trang trại xây dựng mới và nếu cho phép trang trại xây dựng mới thì trang trại đó phải đảm bảo các tiêu chí theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia điều kiện chăn nuôi lợn an toàn sinh học (QCVN 01-2014: 2010/BNNPTNT) được ban hành theo Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/1/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Thường xuyên theo dõi, quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn để xử lý hoặc phối hợp với các ngành chức năng xử lý kịp thời, tuyệt đối không để các trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, gây bức xúc trong nhân dân;

- Xây dựng Dự toán kinh phí thực hiện vùng chăn nuôi heo tập trung tại mỗi địa phương;

- Định kỳ 6 tháng (trước ngày 15/6), một năm (trước ngày 15/12), báo cáo tình hình thực hiện Đề án cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp để báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh được biết, chỉ đạo./.

 

PHỤ LỤC I

YÊU CẦU VÙNG CHĂN NUÔI HEO TẬP TRUNG
(kèm theo Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 13/8/2018 của UBND tỉnh)

Việc xác định vùng chăn nuôi heo tập trung tùy thuộc vào quỹ đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương mà xác định vùng chăn nuôi heo cho phù hợp nhưng cần phải đáp ứng các tiêu chí như sau:

1. Vị trí xây dựng vùng chăn nuôi heo tập trung phải được xây dựng trong vùng quy hoạch khuyến khích phát triển chăn nuôi và phải được sự chấp thuận của chính quyền địa phương.

2. Diện tích tối thiểu cho vùng chăn nuôi heo tập trung là 3 ha đối với đồng bằng và 5 ha đối với miền núi.

3. Khoảng cách từ vùng chăn nuôi heo tập trung đến khu dân cư, trường học, bệnh viện nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính tối thiểu là 500m. Vị trí xây dựng vùng chăn nuôi phải ở dưới nguồn nước, cách điểm thu nước vào các nhà máy nước phục vụ sinh hoạt trên 1 km; cách nguồn nước mặt tối thiểu 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ, chợ buôn bán gia súc tối thiểu 1km.

4. Vùng chăn nuôi heo tập trung phải được bố trí tại các vùng dễ tiêu thoát nước thải, không bị ngập lụt; ưu tiên các vùng thuận lợi giao thông, điện nước.

5. Không bố trí vùng chăn nuôi heo tập trung nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi./.

 

PHỤ LỤC II

YÊU CẦU VỀ CÁC TRANG TRẠI NẰM TRONG VÙNG CHĂN NUÔI HEO TẬP TRUNG
(kèm theo Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 13/8/2018 của UBND tỉnh)

1. Yêu cầu về chuồng trại:

- Có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào;

- Phải bố trí riêng biệt các khu: khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu tắm rửa, khử trùng, thay quần áo cho công nhân và khách tham quan; khu cách ly heo ốm; khu mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm; khu tập kết và xử lý chất thải; khu làm việc của cán bộ chuyên môn; các khu phụ trợ khác (nếu có);

- Cổng ra vào trang trại và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng;

- Chuồng nuôi heo phải bố trí hợp lý theo các kiểu chuồng về vị trí, hướng, kích thước, khoảng cách giữa các dãy chuồng theo quy định hiện hành về chuồng trại;

- Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước đối với chuồng sàn, có độ dốc từ 3-5% đối với chuồng nền;

- Mái chuồng phải đảm bảo không bị dột nước khi mưa;

- Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác;

- Các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa;

- Các kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hóa chất và thuốc sát trùng, kho thiết bị,... phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

2. Yêu cầu về con giống:

- Heo giống mua về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch;

- Trước khi nhập đàn, heo phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành.

3. Yêu cầu về thức ăn, nước uống:

- Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi heo phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Không sử dụng thức ăn thừa của đàn heo đã xuất chuồng, thức ăn của đàn heo đã bị dịch cho đàn heo mới;

- Nước dùng cho heo uống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất Iượng. Trong trường hợp phải trộn thuốc, hóa chất vào thức ăn, nước uống nhằm mục đích phòng bệnh hoặc trị bệnh phải tuân thủ thời gian ngừng thuốc, ngừng hóa chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất; không được sử dụng kháng sinh, hóa chất trong danh mục cấm theo quy định hiện hành.

4. Yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng:

- Phải có quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp các loại heo theo các giai đoạn sinh trưởng phát triển;

- Mật độ nuôi, cung cấp thức ăn nước uống, vệ sinh thú y phải phù hợp theo quy định hiện hành.

5. Yêu cầu về vệ sinh thú y:

- Chất sát trùng tại các hố sát trùng phải bổ sung hoặc thay hàng ngày;

- Định kỳ phun thuốc sát trùng ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh;

- Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi ít nhất 1 lần/tháng;

- Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày;

- Thực hiện các quy định về tiêm phòng cho đàn heo theo quy định. Trong trường hợp có dịch, phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về chống dịch;

- Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa heo mới đến. Trong trường hợp trại bị dịch, phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày./.

 

PHỤ LỤC III

YÊU CẦU VỀ CÁC TRANG TRẠI CHĂN NUÔI HEO PHÂN TÁN NGOÀI VÙNG CHĂN NUÔI HEO TẬP TRUNG
(kèm theo Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 13/8/2018 của UBND tỉnh)

1. Vị trí, địa điểm:

- Vị trí xây dựng trang trại phải được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép;

- Khoảng cách từ trang trại đến trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m; cách nhà máy chế biến, giết mổ lợn, chợ buôn bán lợn tối thiểu 1 km;

- Nơi xây dựng trang trại phải có nguồn nước sạch và đủ trữ lượng cho chăn nuôi; đảm bảo điều kiện xử lý chất thải theo quy định.

2. Yêu cầu về chuồng trại:

- Có tường hoặc hàng rào bao quanh nhằm kiểm soát được người và động vật ra vào;

- Phải bố trí riêng biệt các khu: khu chăn nuôi; khu vệ sinh, sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu tắm rửa, khử trùng, thay quần áo cho công nhân và khách tham quan; khu cách ly heo ốm; khu mổ khám lâm sàng và lấy bệnh phẩm; khu tập kết và xử lý chất thải; khu làm việc của cán bộ chuyên môn; các khu phụ trợ khác (nếu có);

- Cổng ra vào trang trại và tại lối ra vào mỗi dãy chuồng nuôi phải bố trí hố khử trùng;

- Chuồng nuôi heo phải bố trí hợp lý theo các kiểu chuồng về vị trí, hướng, kích thước, khoảng cách giữa các dãy chuồng theo quy định hiện hành về chuồng trại;

- Nền chuồng phải đảm bảo không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước đối với chuồng sàn, có độ dốc từ 3-5% đối với chuồng nền;

- Mái chuồng phải đảm bảo không bị dột nước khi mưa;

- Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác;

- Các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa;

- Các kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hóa chất và thuốc sát trùng, kho thiết bị, ... phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

3. Yêu cầu về con giống:

- Heo giống mua về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch;

- Trước khi nhập đàn, heo phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành.

4. Yêu cầu về thức ăn, nước uống:

- Thức ăn sử dụng cho chăn nuôi heo phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Không sử dụng thức ăn thừa của đàn heo đã xuất chuồng, thức ăn của đàn heo đã bị dịch cho đàn heo mới;

- Nước dùng cho heo uống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Trong trường hợp phải trộn thuốc, hóa chất vào thức ăn, nước uống nhằm mục đích phòng bệnh hoặc trị bệnh phải tuân thủ thời gian ngừng thuốc, ngừng hóa chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất; không được sử dụng kháng sinh, hóa chất trong danh mục cấm theo quy định hiện hành.

5. Yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng:

- Phải có quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp các loại heo theo các giai đoạn sinh trưởng phát triển;

- Mật độ nuôi, cung cấp thức ăn nước uống, vệ sinh thú y phải phù hợp theo quy định hiện hành.

6. Yêu cầu về vệ sinh thú y:

- Chất sát trùng tại các hố sát trùng phải bổ sung hoặc thay hàng ngày;

- Định kỳ phun thuốc sát trùng ít nhất 1 lần/tuần khi không có dịch bệnh và ít nhất 1 lần/ngày khi có dịch bệnh;

- Định kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi ít nhất 1 lần/tháng;

- Phải vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày;

- Thực hiện các quy định về tiêm phòng cho đàn heo theo quy định. Trong trường hợp có dịch, phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về chống dịch;

- Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa heo mới đến. Trong trường hợp trại bị dịch, phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày./.

 

PHỤ LỤC IV

DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(kèm theo Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 13/8/2018 của UBND tỉnh)

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nội dung

ĐVT

Số lượng

Đơn giá

Thành tiền

1

Kinh phí tuyên truyền trên đài phát thanh truyền hình tỉnh 2 lần/năm x 3 năm

Lần

6

3

18,0

2

Kinh phí tuyên truyền trên đài phát thanh các huyện (6 huyện): 2 lần/năm/huyện x 6 huyện x 3 năm

Lần

36

2

72,0

3

Kinh phí tổ chức 01 lớp Tập huấn (60 người/lớp) cho các chủ trang trại chăn nuôi heo.

 

 

 

10,4

3.1

Tiền ăn

Người

60

0,12

7,2

3.2

Tiền nước uống

Người

60

0,015

0,9

3.3

Tiền tài liệu

Bộ

60

0,02

1,2

3.4

Tiền thuê, trang trí Hội trường

Lớp

1

0,5

0,5

3.5

Chi thù lao báo cáo viên

Ngày

1

0,6

0,6

4

Họp sơ kết, tổng kết

Lần

2

10

20,0

TỔNG CỘNG

 

 

 

120,4

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 269/QĐ-UBND ngày 13/08/2018 về Đề án Phát triển vùng chăn nuôi heo tập trung trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.221

DMCA.com Protection Status
IP: 18.223.158.132
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!