NGHỊ QUYẾT
VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CÂY CAO SU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHOÁ XII, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng
12 năm 2002;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06
tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật
Ngân sách Nhà nước;
Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 02
tháng 11 năm 2010 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình phát triển cây
cao su đến năm 2015;
Xét Tờ trình số 33/TTr-UBND ngày 03 tháng 3
năm 2011 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách phát triển cây cao su trên địa
bàn tỉnh Sơn La; Báo cáo thẩm tra số 635/BC-KTNS ngày 14 tháng 3 năm 2011 của
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu
HĐND tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành chính sách phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh
Sơn La với những nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu, nhiệm vụ
1. Mục tiêu
- Phát triển cây cao su là nhiệm vụ trọng tâm của
cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn tỉnh nhằm cụ thể hóa để thực hiện các chủ
trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vì mục tiêu
nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
- Khai thác có hiệu quả lợi thế về đất đai, khí
hậu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào; đẩy nhanh và vững chắc tốc
độ phát triển cao su nhằm hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, gắn với
nhà máy chế biến; đảm bảo về môi trường sinh thái; gắn chương trình phát triển
cây cao su với chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới; đầu tư đồng bộ kết cấu
hạ tầng trên địa bàn phát triển cây cao su theo các tiêu chí quốc gia về nông
thôn mới.
- Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ,
giải quyết cơ bản những vướng mắc từ thực tế trong quá trình phát triển cây cao
su; phát huy nội lực gắn với huy động có hiệu quả các nguồn lực khác để đẩy
nhanh chương trình phát triển cây cao su của tỉnh.
- Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế
nông nghiệp, cơ cấu lao động và giải quyết việc làm ổn định trong nông thôn,
góp phần thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất
hàng hóa và phát huy tác dụng phòng hộ của rừng; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch
cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng bền vững, thay đổi tập quán canh
tác, sử dụng đất theo quy hoạch, gắn tổ chức lại sản xuất với xây dựng nông
thôn mới. Tập trung trồng mới mỗi năm từ 2.500 ha đến 3.000 ha; phấn đấu hết
năm 2012 toàn tỉnh trồng 10.000 ha; định hướng đến năm 2020 trồng được 40.000
ha cây cao su trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Nhiệm vụ
- Thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp
uỷ, chính quyền, ban chỉ đạo phát triển cây cao su các cấp; Nâng cao chất lượng
công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách phát triển cây
cao su; Tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, UBND các huyện trong việc
triển khai thực hiện chính sách của tỉnh.
- Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đối với các cá
nhân, hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất tham gia chính sách phát triển cây
cao su nhằm chuyển đổi cây nông, lâm nghiệp hiệu quả thấp; đất trồng rừng không
thành rừng; đất trống, đồi núi trọc sang trồng cây cao su.
- Đẩy nhanh
tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng các xã, bản; đặc biệt là các xã, bản thực hiện tốt
Chương trình phát triển cây cao su, góp phần xây dựng nông thôn mới gắn với mô
hình "bản mới phát triển toàn diện".
- Hỗ trợ đối với doanh nghiệp tham gia thực hiện
Chính sách phát triển cây cao su của tỉnh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào
lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Phạm vi
Vùng quy hoạch trồng, phát triển cây cao su và
quy hoạch công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Sơn La.
2. Đối tượng hưởng chính sách
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác
chỉ đạo, tuyên truyền, vận động; cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách khuyến
nông.
- Tổ chức, cá
nhân, hộ gia đình, nhóm hộ trong vùng quy hoạch trồng cây cao su tự nguyện di
chuyển nhà, chuyển đổi cây trồng và góp giá trị quyền sử dụng đất cùng Công ty
Cổ phần cao su Sơn La để trồng, kinh doanh cây cao su; Các tổ chức và cộng đồng
thôn, bản, tiểu khu (gọi tắt là cộng đồng bản) khi thu hồi đất cho Công ty Cổ
phần cao su Sơn La thuê để trồng, kinh doanh cao su.
- Các xã, bản thực hiện tốt chương trình phát
triển cây cao su.
- Doanh nghiệp tham gia phát triển cây cao su
trên địa bàn tỉnh.
3. Các loại đất góp và thu hồi để trồng cây
cao su
3.1. Đất góp
Đất nông nghiệp của các tổ chức, cá nhân, hộ gia
đình, trong vùng quy hoạch phát triển cây cao su của tỉnh, bao gồm:
- Đất sản xuất
nông nghiệp; Đất trồng cây lâu năm; đất trồng cây hàng năm.
- Đất lâm nghiệp: Đất trồng rừng không thành rừng;
đất rừng khoanh nuôi tái sinh hiệu quả thấp; đất trống, đồi núi trọc của các tổ
chức, cá nhân, hộ gia đình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.
3.2. Đất
thu hồi cho Công ty Cổ phần Cao su thuê
Áp dụng theo
quy định tại Khoản 2, Điều 109; Khoản 2, Điều 117 Luật Đất đai, dự kiến diện
tích giao cho Công ty Cổ phần cao su thuê chiếm khoảng 30% tổng diện tích đất
trồng cây cao su, bao gồm:
- Đất lâm nghiệp giao cho tổ chức, cộng đồng bản.
- Đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm của các tổ
chức, cộng đồng bản trong vùng quy hoạch phát triển cây cao su của tỉnh.
- Đất trống, đồi núi trọc chưa sử dụng.
III. NỘI DUNG CHÍNH SÁCH CỤ
THỂ
1. Hỗ trợ chi phí chỉ đạo và tổ chức thực hiện
chính sách
a) Kinh
phí chỉ đạo, tuyên truyền, vận động: Mức chi 500.000 đồng/ha theo kế hoạch giao
đất hàng năm.
b) Kinh phí tổ
chức thực hiện quy trình chuyển đổi đất sang trồng cây cao su: Chi theo
thực tế triển khai thực hiện và dự toán được UBND huyện phê duyệt. Mức trích
không quá 3% trên tổng kinh phí hỗ trợ.
c) Hỗ trợ kinh phí cho cán bộ huyện, xã, bản, hộ
gia đình tham gia xác định ranh giới đo đạc địa chính:
- Đối với đất góp: Mức hỗ trợ 100.000 đ/ha,
trong đó: cán bộ huyện 5%; cán bộ xã 10%; cán bộ bản 15%; hộ gia đình 70%.
- Đối với đất cộng đồng bản: Mức hỗ trợ 50.000 đồng/ha,
trong đó: cán bộ huyện 10%; cán bộ xã 30%; cán bộ bản 60%.
d) Hỗ trợ kinh phí khuyến nông: Mức hỗ trợ:
200.000 đồng/ha. Thời gian hỗ trợ: 7 năm (một năm trồng và 6 năm chăm sóc).
đ) Hỗ trợ 1 lần
kinh phí mua sắm tài sản phục vụ công tác lưu trữ cho Văn phòng đăng ký quyền sử
dụng đất các huyện để lưu trữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các hồ sơ
liên quan của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia góp đất trồng cây cao
su. Mức hỗ trợ: 20 triệu đồng/huyện (có trồng cây cao su).
e) Ưu tiên bổ sung biên chế hành chính và sự
nghiệp cho các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và môi trường;
Tài chính và các huyện trong vùng quy hoạch trồng cây cao su.
g) Hỗ trợ kinh phí cắm mốc bê tông xác định ranh
giới đất trồng cây cao su theo quy hoạch và định mức kỹ thuật.
2. Chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ
gia đình tham gia góp giá trị quyền sử dụng đất chuyển sang trồng cây cao su
2.1. Chính sách hỗ trợ về góp đất
Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia góp đất
trồng cây cao su, khi có đủ thủ tục, hồ sơ đối với diện tích đất tham gia trồng
cây cao su, có xác nhận của Công ty Cổ phần Cao su Sơn La, được hưởng các chính
sách hỗ trợ như sau:
a) Đất trồng cây lâu năm: Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha,
được chi trả một lần trong năm đầu góp giá trị quyền sử dụng đất.
b) Đất trồng cây hàng năm: Mức hỗ trợ 6 triệu đồng/ha,
được chi trả một lần trong năm đầu góp giá trị quyền sử dụng đất.
c) Đối với rừng trồng bằng vốn tự có hoặc vốn
vay của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình: Mức hỗ trợ: 5 triệu đồng/ha, được
chi trả một lần trong năm đầu góp giá trị quyền sử dụng đất.
d) Đối với diện tích đất lâm nghiệp khoanh nuôi
tái sinh rừng của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất lâm nghiệp, khi chuyển sang trồng cây cao su nhưng chưa được
hưởng chính sách khoán khoanh nuôi tái sinh rừng: Mức hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm,
được chi trả một lần. Thời gian tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất lâm nghiệp đến khi chuyển sang trồng cây cao su.
đ) Đối với diện tích đất lâm nghiệp của các tổ
chức, cá nhân, hộ gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm
nghiệp, nhưng thực tế đang sản xuất nông nghiệp lâu năm trên diện tích đất lâm
nghiệp trước khi có quy hoạch giao đất, giao rừng năm 2001 (chưa có dự án đầu
tư trồng rừng, khoanh nuôi, phát triển rừng… của Nhà nước và các chương trình,
dự án khác trên diện tích đất lâm nghiệp được giao), có xác nhận của bản, chính
quyền xã sở tại: Được hỗ trợ theo hiện trạng sản xuất khi tham gia góp đất trồng
cây cao su.
e) Đối với diện tích trồng cây lâu năm, diện
tích rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh đã đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước
nhưng hiệu quả thấp, chuyển sang trồng cây cao su, phải lập thủ tục thanh lý rừng
theo quy định hiện hành.
g) Chính sách hỗ trợ đối với một số tình huống đặc
thù, cá biệt
UBND các huyện căn cứ vào quy định về mức hỗ trợ
chung tại Điểm 2.1 Phần III để quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với một số tình
huống đặc thù, cá biệt, đảm bảo nguyên tắc:
- Không vượt mức quy định hỗ trợ chung trên 1
ha.
- Phù hợp với thực tiễn.
- Dân chủ, công khai, minh bạch, được nhân dân đồng
tình ủng hộ.
2.2. Hỗ trợ
di chuyển nhà tạm, lán nương (nhà tạm) trong vùng quy hoạch trồng cây cao su
- Diện tích sử dụng dưới 30 m2:
Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/nhà tạm.
- Diện tích sử dụng từ 30 m2 trở
lên: Mức hộ trợ 6 triệu đồng/nhà tạm.
2.3. Hỗ trợ
phí công chứng, chứng thực hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất
Hỗ trợ theo
thực tế số tiền được ghi tại biên lai thu tiền phí, lệ phí của cơ quan công chứng,
chứng thực do các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nộp.
2.4. Hỗ trợ
vốn phát triển sản xuất và đào tạo chuyển đổi ngành nghề
Các cá nhân, hộ gia đình tham gia góp đất trồng
cây cao su nhưng không đủ 1 ha hoặc trên 1 ha nhưng không có lao động tham gia
làm công nhân tại Công ty Cổ phần Cao su Sơn La được hỗ trợ về vốn phát triển sản
xuất và đào tạo chuyển đổi ngành nghề như sau:
a) Hỗ trợ chi phí mua phân bón; giống cây lương
thực, hoa màu; hỗ trợ chăn nuôi gia súc, gia cầm khi chưa có thu nhập từ cây
cao su
- Hỗ trợ 3 triệu đồng/ha/năm/hộ (Trường hợp diện
tích góp đất nhỏ hơn, hoặc lớn hơn 1 ha được tính hỗ trợ theo số m2
góp đất thực tế = 300 đồng/m2). Thời gian hỗ trợ các hộ: 7 năm.
b) Hỗ trợ đào
tạo chuyển đổi ngành nghề cho nông dân
Ưu tiên kinh
phí đào tạo nghề thuộc ngân sách địa phương để đầu tư đào tạo chuyển đổi
ngành nghề cho nông dân thông qua các dự án đào tạo nghề nông thôn tại các huyện.
2.6.
Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho công nhân được tuyển dụng vào Công ty Cổ phần
Cao su Sơn La
Ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí tập huấn,
hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo nghề cho công nhân từ khi trồng đến khi khai thác mủ
cây cao su. Mức hỗ trợ: 1 triệu đồng/người đối với công nhân được Công ty Cổ phần
Cao su Sơn La tuyển dụng. Thời điểm hỗ trợ theo tiến độ triển khai và dự toán của
Công ty Cổ phần Cao su Sơn La.
3. Chính
sách hỗ trợ đối với các xã, bản thực hiện tốt Chương trình phát triển cây cao
su
3.1. Chính sách hỗ trợ đối với xã
Các xã có diện tích trồng cây cao su đảm bảo
theo kế hoạch được giao hàng năm, đúng quy hoạch và có diện tích trồng từ 300
ha trở lên được hưởng các chính sách sau:
a) Đầu tư cơ sở
hạ tầng
- Trụ sở xã (đối
với các xã chưa có trụ sở xã hoặc đã có nhưng xuống cấp). Đầu tư theo mẫu thiết
kế Trụ sở làm việc Đảng uỷ, HĐND và UBND cấp xã áp dụng trên địa bàn tỉnh được
UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2533/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2007 và
các hạng mục phụ trợ (sân, cổng, tường rào, công trình phụ).
- Nhà văn hoá
xã (đối với các xã chưa có nhà văn hoá hoặc đã có nhưng xuống cấp). Đầu tư theo
mẫu thiết kế nhà văn hoá qui mô 1 tầng, theo quy mô và dự án được duyệt.
b) Thưởng trực tiếp cho xã theo quy mô trồng
- Diện tích trồng cây cao su từ 300 ha đến dưới
400 ha: Mức thưởng 50 triệu đồng/xã.
- Diện tích trồng cây cao su từ 400 ha đến dưới
500 ha: Mức thưởng 100 triệu đồng/xã.
- Diện tích trồng cây cao su từ 500 ha đến dưới
600 ha: Mức thưởng 150 triệu đồng/xã.
- Diện tích trồng cây cao su từ 600 ha trở lên:
Mức thưởng 350 triệu đồng/xã.
Nguồn tiền thưởng
để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế và xã hội, do UBND xã quyết định
đầu tư. Việc quản lý, sử dụng phải đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách Nhà
nước và quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
3.2. Chính sách hỗ trợ đối với bản
a) Các bản trồng cây cao su đảm bảo theo kế hoạch được giao hàng năm, đúng quy hoạch và có
diện tích trồng từ 100 ha trở lên
- Hỗ trợ xây dựng
công trình hạ tầng phục vụ sinh hoạt cộng đồng: Điện, nước, đường giao thông,
nhà văn hoá bản, lớp mẫu giáo, lớp học cắm bản. Mức hỗ trợ: 350 triệu đồng/bản.
Công trình cụ thể do bản đề nghị, UBND xã quyết định đầu tư, đảm bảo các công
trình phục vụ yêu cầu sinh hoạt cộng đồng của bản và thực hiện theo đúng các
quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
- Thưởng trực tiếp cho bản theo quy mô trồng.
+ Diện tích trồng đạt 100 ha: Mức thưởng 20 triệu
đồng/bản;
+ Diện tích trồng từ 101 ha đến 150 ha: Mỗi ha
tăng thêm 500.000 đồng.
+ Diện tích trồng
từ 150 ha trở lên đến 200 ha: Mỗi ha tăng thêm 800.000 đồng.
+ Diện tích trồng
từ 200 ha trở lên đến 250 ha: Mỗi ha tăng thêm 1.000.000 đồng.
+ Diện tích trồng từ 250 ha trở lên: Mức thưởng
150 triệu đồng/bản.
b) Các bản có diện tích trồng dưới 100 ha nhưng
các hộ đã góp hết đất trồng cao su theo quy hoạch và kế hoạch
Được hỗ trợ như chính sách đối với các bản có diện
tích trồng từ 100 ha/năm trở lên.
c) Thưởng cho bản có diện tích đất cộng đồng trồng
cây cao su
Các bản có diện
tích đất cộng đồng trong quy hoạch phát triển cây cao su, đã thu hồi đất giao
cho Công ty Cổ phần Cao su Sơn La thuê để trồng cây cao su, (Có xác nhận của
Công ty Cổ phần Cao su Sơn La). Mức thưởng: 1 triệu đồng/ha.
Nguồn tiền thưởng để xây dựng công trình phục vụ
sinh hoạt cộng đồng của bản. Công trình cụ thể do bản đề nghị, UBND xã quyết định
đầu tư. Việc quản lý, sử dụng phải đảm bảo theo đúng quy định của Luật Ngân
sách Nhà nước và các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
3.3. Nguồn thu từ tiền thuê đất để trồng cây
cao su
Được đầu tư trở lại cho xã, bản đang quản lý đất
cộng đồng chuyển sang trồng cây cao su để đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng
phục vụ sinh hoạt cộng đồng của bản. Công trình cụ thể do bản đề nghị, UBND xã
quyết định đầu tư. Việc quản lý, sử dụng đảm bảo theo đúng quy định của Luật
Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng. Nguồn
thu từ thuê đất, ngân sách tỉnh cấp bổ sung có mục tiêu cho các huyện, thành phố.
4. Chính sách khuyến khích, hỗ trợ khác
- Ngân sách địa
phương hỗ trợ phần chênh lệch giá giống giữa đơn giá thực tế nhập cây giống và
đơn giá quy định của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đối với giống cây cao
su chịu rét, sinh trưởng và phát triển phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình
của tỉnh Sơn La nhưng chưa sản xuất được giống trong nước, phải nhập khẩu từ nước
ngoài. Hỗ trợ theo số lượng giống cây cao su thực tế nhập khẩu, có đủ hồ sơ và
đã được các cơ quan chức năng thẩm định, đảm bảo về chất lượng. Thời gian hỗ trợ
đến hết năm 2015.
- Ngân sách địa
phương hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình
hạ tầng (ngoài hàng rào) để xây dựng Trung tâm giống cao su tại tỉnh Sơn La.
- Không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất
theo quy hoạch để Công ty Cổ phần Cao su Sơn La đầu tư xây dựng các công trình
kết cấu hạ tầng kỹ thuật xã hội: Nhà trẻ, mẫu giáo, nhà làm việc của các đội sản
xuất, nhà văn hoá, sân thể thao.
5. Chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cây
cao su
- Thực hiện lập thủ tục chuyển đổi đất lâm nghiệp
sang trồng cây cao su vận dụng theo quy định tại Thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT
ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn
trồng cao su trên đất lâm nghiệp.
- Định mức chi lập thủ tục chuyển đổi đất lâm
nghiệp sang trồng cây cao su vận dụng theo Quyết định số 487/QĐ-BNN-TCCB ngày
26 tháng 02 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban
hành định mức lao động trong điều tra quy hoạch rừng, do ngân sách tỉnh hỗ trợ chi trả.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ
ngày HĐND tỉnh Sơn La khoá XII kỳ họp chuyên đề lần thứ 7 thông qua và thay thế
Nghị quyết số 270/2009/NQ- HĐND ngày 17 tháng 4 năm 2009 của HĐND tỉnh về Chính
sách phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La; Nghị quyết số
315/2010/NQ-HĐND ngày 13 tháng 4 năm 2010 của HĐND Tỉnh về sửa đổi, bổ sung Nghị
quyết số 270/2009/NQ-HĐND ngày 17 tháng 4 năm 2009 của HĐND Tỉnh khóa XII về Chính sách phát triển cây cao su trên địa bàn
tỉnh Sơn La.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức triển khai
thực hiện có hiệu quả Chính sách phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La
theo Nghị quyết.
2. HĐND tỉnh giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban
HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc Việt
Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tỉnh tăng cường tuyên truyền
và tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh khoá XII, kỳ họp
chuyên đề lần thứ 7 thông qua./.