CÔNG ƯỚC
VỀ VỊ THẾ CỦA NGƯỜI KHÔNG QUỐC TỊCH, 1954
(Được thông qua tại Hội nghị các Đại sứ
đặc mệnh toàn quyền tại Liên Hợp Quốc ngày 28/9/1954, tổ chức theo Nghị quyết
526(XVII) ngày 26/5/1954 của Hội đồng Kinh tế - Xã hội. Có hiệu lực từ ngày
6/6/1960 theo điều 39)
LỜI
MỞ ĐẦU
Các
Bên tham gia Công ước,
Xét
rằng, Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền
con người được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1948 đã khẳng định
nguyên tắc mọi người được hưởng các quyền và tự do cơ bản mà không bị phân biệt
đối xử,
Xét
rằng Liên Hợp Quốc, trong nhiều trường hợp, đã bày tỏ mối quan tâm
sâu sắc về những người không quốc tịch và đã nỗ lực để bảo đảm cho họ thực hiện
ở mức nhiều nhất có thể các quyền và tự do cơ bản nói trên,
Xét
rằng, mới chỉ có những người không quốc tịch đồng thời là người tị
nạn được Công ước về Vị thế của Người tị nạn ngày 28/7/1951 bảo vệ, và rằng, có
nhiều người không quốc tịch không được Công ước trên bảo vệ,
Xét rằng, cần thiết phải qui định và nâng cao vị
thế của những người không quốc tịch bằng một thoả thuận quốc tế,
Đã
thoả thuận như sau:
Chương I
NHỮNG
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1: Định nghĩa thuật ngữ “người không quốc tịch”
1. Vì mục đích của Công ước này, thuật ngữ “người
không quốc tịch” có nghĩa là người không được coi là công dân của bất kỳ quốc
gia nào theo pháp luật hiện hành của quốc gia đó.
2. Công ước này không áp dụng:
(i) Đối với những người hiện đang được các cơ
quan hay tổ chức của Liên Hợp Quốc, ngoài Cao uỷ Liên Hợp Quốc về người tị nạn,
bảo vệ hoặc trợ giúp, chừng nào họ vẫn còn nhận được sự bảo vệ hay trợ giúp đó;
(ii) Đối với những người được các cơ quan có thẩm
quyền của nước mà họ cư trú công nhận có các quyền và nghĩa vụ gắn với việc có
quốc tịch ở nước đó;
(iii) Đối với những người mà có nhiều lý do
nghiêm trọng liên quan đến họ cho thấy rằng:
(a) Họ đã phạm tội chống hoà bình, tội ác chiến
tranh hay tội ác chống nhân loại, như đã được định nghĩa trong các văn kiện quốc
tế được soạn thảo về các tội ác này;
(b) Họ đã phạm một tội phi chính trị nghiêm trọng
ở bên ngoài nước họ cư trú trước khi được phép vào nước đó;
(c) Họ đã phạm tội vì những hành vi đi ngược lại
những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc.
Điều 2: Nghĩa vụ chung
Mỗi người không quốc tịch đều có những nghĩa vụ
đối với đất nước nơi người đó cư trú, những nghĩa vụ này đòi hỏi người đó phải
tuân thủ các quy định pháp luật của nước đó cũng như những biện pháp được áp dụng
để duy trì trật tự công cộng.
Điều 3: Không phân biệt đối xử
Các quốc gia thành viên phải áp dụng các quy định
của Công ước này đối với mọi người không quốc tịch, mà không có sự phân biệt về
chủng tộc, tôn giáo hay nguồn gốc quốc gia.
Điều 4: Tôn giáo
Các quốc gia thành viên phải dành cho những người
không quốc tịch trong phạm vi lãnh thổ của mình sự đối xử ít nhất cũng thuận lợi
như sự đối xử với công dân của nước mình về tự do thực hành tôn giáo và các tự
do khác liên quan đến việc giáo dục tôn giáo của con cái họ.
Điều 5: Các quyền được bảo đảm ngoài Công ước này
Không một quy định nào trong Công ước này sẽ được
giải thích nhằm làm tổn hại đến bất kỳ quyền và lợi ích nào được quốc gia thành
viên dành cho những người không quốc tịch ngoài các quyền được quy định trong
Công ước này.
Điều 6: Thuật ngữ “ trong những hoàn cảnh như nhau”
Với mục đích của công ước này, thuật ngữ “trong
những hoàn cảnh như nhau” hàm ý rằng bất kỳ những yêu cầu nào (kể cả những yêu
cầu về điều kiện và thời gian tạm trú hoặc thường trú) mà một cá nhân cụ thể sẽ
phải đáp ứng để hưởng những quyền liên quan nếu người đó không phải là người
không quốc tịch phải được người đó đáp ứng, ngoại trừ những yêu cầu mà xét về bản
chất, một người không quốc tịch không có khả năng thực hiện.
Điều 7: Miễn trừ nguyên tắc có đi có lại
1. Trừ khi Công ước này chứa nhiều điều khoản ưu
đãi hơn, một quốc gia thành viên phải dành cho những người không quốc tịch sự đối
xử giống như sự đối xử dành cho những người nước ngoài khác nói chung.
2. Sau khoảng thời gian cư trú 3 năm, tất cả những
người không quốc tịch sẽ được miễn áp dụng nguyên tắc pháp lý có đi có lại tại
lãnh thổ của các quốc gia thành viên.
3. Mỗi quốc gia thành viên phải tiếp tục dành
cho những người không quốc tịch những quyền và lợi ích mà họ đã được hưởng khi
không áp dụng nguyên tắc có đi có lại, tại thời điểm Công ước này bắt đầu có hiệu
lực với quốc gia đó.
4. Quốc gia thành viên sẽ xem xét một cách thuận
lợi khả năng dành cho những người không quốc tịch, khi không áp dụng nguyên tắc
có đi có lại, các quyền và lợi ích ngoài những quyền và lợi ích mà họ được hưởng
theo qui định tại khoản 2 và 3, đồng thời mở rộng việc miễn áp dụng nguyên tắc
có đi có lại đối với những người không quốc tịch mà không đáp ứng những điều kiện
được quy định tại khoản 2 và 3.
5. Các qui định của khoản 2 và 3 áp dụng đối với
cả các quyền và lợi ích được đề cập tại các điều 13, 18, 19, 21, và 22 của Công
ước này cũng như các quyền và lợi ích mà Công ước này không quy định.
Điều 8: Miễn trừ những biện pháp ngoại lệ
Liên quan đến những biện pháp ngoại lệ có thể được
áp dụng chống lại người, tài sản và lợi ích của những công dân hoặc những người
trước đây là công dân của một quốc gia khác, các quốc gia thành viên sẽ không
áp dụng những biện pháp đó đối với những người không quốc tịch nếu chỉ căn cứ
vào việc người đó trước đó đã có quốc tịch của quốc gia khác. Các quốc gia
thành viên, mà theo quy định pháp luật của mình, không được áp dụng nguyên tắc
chung được nêu tại điều này, trong các trường hợp thích hợp, sẽ dành những miễn
trừ có lợi cho những người không quốc tịch nói trên.
Điều 9: Những biện pháp tạm thời
Không một quy định nào trong Công ước này cản trở
một quốc gia thành viên, trong thời gian chiến tranh hay những hoàn cảnh nghiêm
trọng và ngoại lệ khác, áp dụng tạm thời những biện pháp được xem là cần thiết
đối với an ninh quốc gia trong trường hợp của một người cụ thể nào đó, trong
khi quốc gia thành viên xác định rằng người đó trên thực tế là người không quốc
tịch, và rằng sự tiếp tục những biện pháp như vậy là cần thiết trong trường hợp
của người đó vì lợi ích an ninh quốc gia.
Điều 10: Tiếp tục cư trú
1. trường hợp một người đã bị buộc rời khỏi đất
nước trong Chiến tranh thế giới thứ hai và đã chuyển đến lãnh thổ của một quốc
gia thành viên và hiện đang cư trú ở đó, thì khoảng thời gian tạm trú bắt buộc
đó phải được xem xét là cư trú hợp pháp ở lãnh thổ đó.
2. trường hợp một người trong Chiến tranh thế giới
lần thứ hai đã bị buộc rời khỏi lãnh thổ của một quốc gia thành viên và trước
ngày Công ước có hiệu lực, đã quay trở lại quốc gia thành viên đó để tiếp tục
cư trú, thì khoảng thời gian cư trú trước và sau sự di chuyển bắt buộc đó sẽ được
xem như một khoảng thời gian cư trú liên tục, vì bất kỳ mục đích nào mà đòi hỏi
sự cư trú liên tục.
Điều 11: Những thuỷ thủ không có quốc
tịch
trường hợp những người không quốc tịch thường
xuyên làm việc với tư cách là thuỷ thủ trên tàu mang cờ của một quốc gia thành
viên, quốc gia đó phải xem xét với sự cảm thông đối với cơ nghiệp của những người
đó trên lãnh thổ của mình, và cấp giấy tờ thông hành cho họ hay giấy phép nhập
cảnh tạm thời vào lãnh thổ của mình, đặc biệt với mục đích tạo điều kiện thuận
lợi cho cơ nghiệp của họ ở một nước khác.
Chương II
ĐỊA
VỊ PHÁP LÝ
Điều 12: Vị thế cá nhân
1. Vị thế cá nhân của một người không quốc tịch
sẽ được điều chỉnh theo luật của nước người đó thường trú hoặc, nếu người đó
không có nơi thường trú, thì theo luật của nước mà người đó đang sống.
2. Các quyền mà một người không quốc tịch có được
từ trước và phụ thuộc vào vị thế cá nhân, đặc biệt là những quyền gắn liền với
hôn nhân, sẽ được quốc gia thành viên tôn trọng, với việc tuân thủ, nếu cần thiết,
những thủ tục mà pháp luật quốc gia đó yêu cầu, với điều kiện quyền nêu trên là
quyền đã được pháp luật của quốc gia, mà trước đó người này chưa trở thành người
không quốc tịch đã công nhận.
Điều 13: Động sản và bất động sản
Các quốc gia thành viên sẽ dành cho người không
quốc tịch sự đối xử càng thuận lợi càng tốt và, trong bất kì trường hợp nào,
cũng không kém thuận lợi hơn sự đối xử được dành cho người nước ngoài nói chung
trong những hoàn cảnh như nhau, đối với việc có được động sản và bất động sản
và những quyền khác gắn liền theo đó, cũng như với những hợp đồng cho thuê và hợp
đồng khác liên quan đến động sản và bất động sản.
Điều 14: Những quyền về nghệ thuật và
sở hữu công nghiệp
Liên quan đến việc bảo vệ sở hữu công nghiệp, chẳng
hạn như những phát minh, thiết kế hay mẫu, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại
và những quyền về các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, một người không
quốc tịch sẽ được dành cho, tại nước nơi người đó thường trú, sự bảo hộ tương tự
như công dân của nước đó. Tại lãnh thổ của bất kì quốc gia thành viên nào, người
đó sẽ được dành sự bảo hộ tương tự như công dân của quốc gia nơi người đó thường
trú.
Điều 15: Quyền lập hội
Đối với những tổ chức phi chính trị, phi lợi nhuận
và các công đoàn, các quốc gia thành viên sẽ dành cho những người không quốc tịch
cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của mình sự đối xử càng thuận lợi càng tốt và
trong bất kì trường hợp nào, cũng không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho những
người nước ngoài nói chung trong hoàn cảnh như nhau..
Điều 16: Tiếp cận toà án
1. Người không quốc tịch có quyền tự do tiếp cận
các toà án ở lãnh thổ của mọi quốc gia thành viên.
2. Người không quốc tịch được hưởng trên lãnh thổ
của quốc gia thành viên mà người đó thường trú sự đối xử tương tự như một công
dân trong những vấn đề gắn với việc tiếp cận toà án, kể cả sự trợ giúp pháp lý
và miễn tiền đặt cọc thi hành án và/hoặc án phí.
3.Đối với những vấn đề được đề cập tại khoản 2,
một người không quốc tịch, khi ở những nước khác không phải nước mà người đó
thường trú thì sẽ được dành cho sự đối xử như đối với công dân của nước người
đó thường trú.
Chương III
CÔNG
VIỆC ĐƯỢC TRẢ LƯƠNG
Điều 17: Lao động ăn lương
1.Các quốc gia thành viên sẽ dành cho người
không quốc tịch đang cư trú hợp pháp tại lãnh thổ của mình sự đối xử càng thuận
lợi càng tốt và, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không kém thuận lợi hơn sự đối
xử mà quốc gia thành viên dành cho những người nước ngoài trong hoàn cảnh như
nhau, liên quan đến quyền lao động được trả lương.
2. Các quốc gia thành viên phải xem xét với sự cảm
thông việc nội luật hoá các quyền của người không quốc tịch liên quan đến lao động
được trả lương với các quyền của công dân, và cụ thể là các quyền của những người
không quốc tịch đã đến lãnh thổ của quốc gia thành viên theo các chương trình
tuyển dụng lao động hay theo các kế hoạch nhập cư.
Điều 18: Lao động tự làm chủ
Các quốc gia thành viên sẽ dành cho người không
quốc tịch cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của mình sự đối xử càng thuận lợi càng
tốt, và trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không kém hơn sự đối xử được dành cho
những người nước ngoài nói chung trong hoàn cảnh như nhau, liên quan đến quyền
tham gia sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp và thương mại cho bản
thân mình và thành lập các công ty thương mại và công nghiệp
Điều 19: Hành nghề tự do
Mỗi quốc gia thành viên sẽ dành cho những người
không quốc tịch đang cư trú hợp pháp tại lãnh thổ của mình nhưng có bằng cấp được
các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thành viên đó thừa nhận và đang mong muốn
hành nghề tự do, sự đối xử càng thuận lợi càng tốt và, trong bất kỳ trường hợp
nào, cũng không kém hơn sự đối xử được dành cho những người nước ngoài nói
chung trong những hoàn cảnh như nhau.
Chương IV
PHÚC
LỢI
Điều 20: Chính sách phân phối
Nếu tồn tại hệ thống phân phối áp dụng cho phần
lớn cư dân và hệ thống này điều chỉnh sự phân phối chung các sản phẩm khan hiếm,
những người không quốc tịch sẽ được quốc gia thành viên dành cho sự đối xử như
đối với những công dân của mình.
Điều 21: Nhà ở
Về nhà ở, các quốc gia thành viên, trong chừng mực
vấn đề này được điều chỉnh bởi luật hay những qui định dưới luật hoặc dưới sự
kiểm soát của các cơ quan công quyền, sẽ dành cho những người không quốc tịch
đang cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của mình sự đối xử càng thuận lợi càng tốt
và, trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không kém hơn sự đối xử được dành cho những
người nước ngoài nói chung trong những hoàn cảnh như nhau.
Điều 22: Giáo dục công
1. Các quốc gia thành viên sẽ dành cho người
không quốc tịch sự đối xử tương tự như dành cho công dân của mình liên quan đến
vấn đề giáo dục tiểu học.
2. Các quốc gia thành viên sẽ dành cho người
không quốc tịch sự đối xử, càng thuận lợi càng tốt, và trong bất kỳ trường hợp
nào, cũng không kém hơn sự đối xử được dành cho những người nước ngoài nói
chung trong những hoàn cảnh như nhau, liên quan đến lĩnh vực giáo dục ngoài
giáo dục tiểu học và đặc biệt, đối với việc tiếp cận nền học vấn, việc thừa nhận
các chứng chỉ, chứng nhận, bằng cấp của các trường nước ngoài, sự miễn giảm học
phí và các khoản chi trả khác cũng như việc cấp học bổng.
Điều 23: Trợ cấp nhà nước
Các quốc gia thành viên sẽ dành cho những người
không quốc tịch đang cư trú hợp pháp ở lãnh thổ của mình sự đối xử tương tự như
được dành cho công dân của mình liên quan đến vấn đề về trợ cấp và trợ giúp nhà
nước.
Điều 24: Pháp luật lao động và an sinh
xã hội
1.Các quốc gia thành viên sẽ dành cho những người
không quốc tịch đang cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của mình sự đối xử tương tự
như được dành cho công dân của mình liên quan đến những vấn đề sau:
(a)Tiền lương kể cả những trợ cấp gia đình trong
trường hợp những trợ cấp này là một phần của tiền lương, thời gian làm việc,
làm thêm giờ, ngày nghỉ được trả lương, các hạn chế về làm việc tại gia, tuổi
lao động tối thiểu, học nghề và đào tạo nghề, lao động nữ và lao động thanh thiếu
niên, sự thụ hưởng những lợi ích từ thoả ước lao động tập thể trong chừng mực
những vấn đề này được điều chỉnh bởi luật hoặc những qui định dưới luật hay dưới
sự kiểm soát của các cơ quan hành chính.
(b) An sinh xã hội (những qui định pháp lý về
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nghỉ sinh con, đau ốm, tàn tật, tuổi già,
chết, thất nghiệp, trách nhiệm gia đình và bất kỳ những bất trắc nào khác được
hệ thống an sinh xã hội bảo hiểm theo các qui định pháp luật quốc gia) theo
theo những hạn chế sau:
(i) Có thể có những dàn xếp phù hợp để duy trì
những quyền đã có được và những quyền đang trong quá trình hình thành;
(ii) Luật hoặc những qui định dưới luật của nước
cư trú có thể qui định những dàn xếp đặc biệt liên quan đến lợi ích hoặc một phần
lợi ích có thể được quỹ công chi trả toàn bộ, và liên quan đến những trợ cấp trả
cho những người không đáp ứng những điều kiện đóng góp theo qui định để được hưởng
hưu trí bình thường.
2. Quyền được bồi thường do một người không quốc
tịch chết vì tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp sẽ bị không ảnh hưởng vì lý
do người được hưởng lợi cư trú bên ngoài lãnh thổ của quốc gia thành viên.
3. Quốc gia thành viên sẽ dành cho những người
không quốc tịch các lợi ích của những thoả thuận được ký kết giữa họ hoặc có thể
được ký kết giữa họ trong tương lai, liên quan đến sự duy trì những quyền đã đạt
được và những quyền đang trong quá trình hình thành về an sinh xã hội, theo những
điều kiện áp dụng cho công dân của quốc gia ký kết thoả thuận liên quan.
4. Quốc gia thành viên phải sự xem xét với sự cảm
thông việc mở rộng cho những người không quốc tịch, ở mức độ có thể, những lợi
ích của những thoả thuận tương tự có thể sẽ có hiệu lực, vào bất kỳ thời điểm
nào, giữa các quốc gia thành viên và các quốc gia không thành viên.
Chương V
CÁC
BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH
Điều 25: Trợ giúp hành chính
1. Khi một người không quốc tịch thực hiện một
quyền mà thông thường cần sự trợ giúp của các cơ quan có thẩm quyền của nước
ngoài mà người đó không thể có được, quốc gia thành viên mà người đó đang cư
trú sẽ thu xếp để giúp đỡ người đó bằng chính cơ quan có thẩm quyền của mình.
2. Cơ quan hay những cơ quan được đề cập tại khoản
1 sẽ cấp, hoặc yêu cầu cấp dưới sự giám sát của các cơ quan đó, cho người không
quốc tịch các giấy tờ hoặc chứng nhận mà thông thường được cấp cho những người
nước ngoài bởi hoặc thông qua các cơ quan có thẩm quyền của nước họ.
3. Các giấy tờ hay những chứng nhận được cấp như
vậy sẽ thay thế những văn bản chính thức được cấp cho những người nước ngoài bởi
hoặc thông qua các cơ quan có thẩm quyền của nước họ, và sẽ có giá trị nếu
không có bằng chứng ngược lại.
4. Theo sự đối xử ngoại lệ có thể được dành cho
người nghèo, các khoản phí cũng có thể phải trả cho các dịch vụ nêu trên nhưng
những khoản phí như vậy sẽ ở mức vừa phải và tương xứng với mức phí mà công dân
nước quốc gia đó phải trả cho những dịch vụ tương tự.
5. Những quy định của điều này không làm ảnh hưởng
đến các điều 27 và 28 .
Điều 26: Tự do đi lại
Mỗi quốc gia thành viên sẽ dành cho người không
quốc tịch cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của mình quyền được lựa chọn nơi cư trú
và quyền tự do đi lại trong lãnh thổ của mình và chịu sự điều chỉnh của bất kì
quy định nào áp dụng cho người nước ngoài nói chung trong những hoàn cảnh như
nhau .
Điều 27: Giấy chứng minh
Các quốc gia thành viên sẽ cấp giấy chứng minh
cho bất kì người không quốc tịch nào trên lãnh thổ của mình mà không có giấy chứng
minh có giá trị pháp lý.
Điều 28. Giấy tờ thông hành
Các quốc gia thành viên sẽ cấp cho người không
quốc tịch cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của mình những giấy tờ thông hành cần
thiết cho mục đích đi lại ngoài lãnh thổ của mình, trừ phi có những lí do cấp
bách về an ninh quốc gia hay trật tự công cộng đòi hỏi khác; và những quy định
tại Phụ lục của Công ước này sẽ áp dụng liên quan tới những giấy tờ đó. Các quốc
gia thành viên có thể cấp giấy tờ thông hành như vậy cho bất kì người không có
quốc tịch nào khác trên lãnh thổ của mình; các quốc gia thành viên, cụ thể, phải
xem xét với sự cảm thông đối với việc cấp giấy tờ thông hành như vậy cho người
không quốc tịch trên lãnh thổ của mình mà không thể có được một giấy thông hành
của đất nước nơi họ cư trú hợp pháp.
Điều 29. Phí tài chính.
1. Các quốc gia thành viên sẽ không ấn định đối
với người không quốc tịch những khoản lệ phí, phí hoặc thuế dưới bất kì hình thức
nào, khác hoặc cao hơn những khoản lệ phí, phí hoặc thuế đang thu hoặc có thể
thu đối với những công dân của mình trong những hoàn cảnh như nhau.
2. Không một quy định nào thuộc khoản trên cản
trở việc áp dụng đối với người không quốc tịch những quy định pháp luật về các
khoản phí liên quan để việc cấp giấy tờ cho người nước ngoài, kể cả giấy chứng
minh.
Điều 30. Di chuyển tài sản
1. Một quốc gia thành viên, phù hợp các quy định
pháp luật của mình, cho phép người không quốc tịch chuyển tài sản mà họ đã mang
vào lãnh thổ của mình đến một nước khác nơi họ đã được chấp nhận cho tái định
cư.
2. Một quốc gia thành viên phải xem xét với sự cảm
thông đơn xin phép của người không quốc tịch về việc chuyển tài sản của họ bất
cứ nơi nào có thể mà cần thiết cho việc tái định cư ở một nước mà họ đã được chấp
nhận.
Điều 31: Trục xuất.
1. Các quốc gia thành viên sẽ không trục xuất một
người không quốc tịch cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của mình, ngoại trừ những
lý do an ninh hoặc trật tự công cộng.
2. Việc trục xuất một người không quốc tịch sẽ
chỉ được thực hiện theo một quyết định được đưa ra phù hợp với trình tự pháp luật
hợp lệ. Trừ khi những lý do cấp bách về an ninh quốc gia đòi hỏi khác, người
không quốc tịch sẽ được phép trình những bằng chứng để tự bào chữa, kháng cáo
và có người đại diện trước cơ quan có thẩm quyền hay trước một hoặc nhiều người
được cơ quan có thẩm quyền chỉ định.
3. Các quốc gia thành viên sẽ cho phép một người
không quốc tịch như vậy có một khoảng thời gian thích hợp để tìm kiếm sự chấp nhận
cho cư trú hợp pháp ở một nước khác. Các quốc gia thành viên bảo lưu quyền áp dụng
những biện pháp nội bộ được coi là cần thiết trong khoảng thời gian đó.
Điều 32: Nhập quốc tịch
Các quốc gia thành viên sẽ tạo điều kiện thuận lợi
hết mức có thể cho việc hoà nhập và nhập tịch của người không quốc tịch. Các quốc
gia thành viên cụ thể sẽ tiến hành mọi lỗ lực để xúc tiến thủ tục nhập tịch và
giảm hết mức có thể các khoản phí và chi phí cho những thủ tục như vậy.
Chương VI
NHỮNG
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 33: Thông tin về pháp luật quốc
gia.
Các quốc gia thành viên sẽ thông báo cho Tổng
thư ký Liên Hợp Quốc những quy định pháp luật mà mình có thể thông qua để bảo đảm
thực hiện Công ước này.
Điều 34. Giải quyết tranh chấp.
Bất kỳ tranh cấp nào giữa các quốc gia thành
viên Công ước này liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước, mà không
thể được giải quyết bằng những biện pháp khác sẽ được chuyển đến Toà án Công lý
quốc tế theo yêu cầu của bất kỳ một bên tranh chấp nào.
Điều 35. Ký, phê chuẩn và gia nhập.
1.Công ước này sẽ để ngỏ cho các quốc gia ký tại
Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc cho đến ngày 31/12/1955.
2.Công ước sẽ để ngỏ cho các quốc gia sau đây
ký:
(a) Bất kỳ quốc gia thành viên nào của Liên Hợp
Quốc;
(b) Bất kỳ quốc gia nào được mời tham dự Hội nghị
Liên Hợp Quốc về Vị thế của người không quốc tịch;
(c) Bất kỳ quốc gia nào nhận được lời mời ký hoặc
gia nhập của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
3. Công ước phải được phê chuẩn và các văn kiện
phê chuẩn phải được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
4. Công ước để ngỏ cho việc gia nhập của các quốc
gia được đề cập tại khoản 2 điều này. Việc gia nhập sẽ có thực hiện bằng cách nộp
lưu chiểu văn kiện gia nhập cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Điều 36. Điều khoản áp dụng theo lãnh
thổ.
1.Bất kỳ quốc gia nào, tại thời điểm ký, phê chuẩn
hoặc gia nhập, phải tuyên bố rằng Công ước này sẽ được áp dụng tại tất cả hoặc
bất kỳ lãnh thổ nào mà quốc gia đó có trách nhiệm về quan hệ quốc tế. Một tuyên
bố như vậy sẽ có hiệu lực khi công ước bắt đầu có hiệu lực đối với quốc gia
liên quan.
2. Tại bất kỳ thời điểm nào sau đó, bất kỳ sự mở
rộng áp dụng nào như vậy sẽ được thực hiện bằng cách gửi thông báo cho Tổng thư
ký Liên Hợp Quốc và sẽ có hiệu lực từ ngày thứ 90 sau ngày Tổng thư lý Liên Hợp
Quốc nhận được thông báo đó, hoặc tính từ ngày Công ước có hiệu lực đối với quốc
gia liên quan nếu thời điểm nào xảy ra muộn hơn.
3. Đối với những lãnh thổ mà công ước này không
được mở rộng áp dụng tại thời điểm ký hoặc phê chuẩn, gia nhập, mỗi quốc gia
liên quan phải xem xét khả năng tiến hành những bước cần thiết để mở rộng việc
áp dụng Công ước này ở những lãnh thổ đó, với sự chấp thuận của chính phủ những
lãnh thổ đó theo những thủ tục hiến định nếu cần thiết.
Điều 37. Điều khoản liên bang
Trong trường hợp quốc gia liên bang hoặc không
đơn nhất, những quy định sau đây sẽ được áp dụng:
(a) Đối với những quốc gia mà điều khoản của
Công ước này nằm trong thẩm quyền lập pháp của cơ quan lập pháp liên bang, thì
nghĩa vụ của chính phủ liên bang, trong chừng mực này, sẽ tương tự như những
nghĩa vụ của các quốc gia thành viên không phải là quốc gia liên bang.
(b) Đối với những quốc gia mà việc áp dụng những
điều khoản của công ước này nằm trong thẩm quyền lập pháp của các bang, các tỉnh
mà theo quy định của hệ thống hiến pháp liên bang, không có nghĩa vụ thực hiện
cam kết của liên bang thì chính phủ liên bang sẽ gửi những điều khoản của Công
ước này kèm theo những khuyến nghị tán thành để lưu ý các cơ quan có thẩm quyền
thích hợp của các bang, các trong thời gian sớm nhất có thể.
(c) Một quốc gia liên bang thành viên công ước
này, theo đề nghị của bất kỳ quốc gia thành viên nào khác thông qua Tổng thư ký
Liên Hợp Quốc, sẽ phải thông báo về tình hình về pháp luật và thực tiễn của
liên bang và các bộ phận cấu thành của liên bang liên quan đến bất kỳ quy định
cụ thể nào của Công ước cho thấy mức độ hiệu lực mà hành động lập pháp hoặc
hành động khác đã trao cho quy định đó.
Điều 38. Bảo lưu
1.Tại thời điểm ký, phê chuẩn hay gia nhập, bất
kỳ quốc gia nào đều có thể thực hiện bảo lưu những điều khoản của Công ước, trừ
các điều 1, 3, 4, 16 (1) và các điều từ 33 đến 42.
2. Bất kỳ quốc gia nào thực hiện bảo lưu phù hợp
với khoản 1 của điều này có thể rút lại bảo lưu tại bất cứ thời điểm nào bằng một
thông báo gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Điều 39. Hiệu lực
1.Công ước này sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày
thứ 90 sau ngày văn kiện phê chuẩn hay gia nhập thứ sáu được nộp lưu chiểu.
2. Đối với mỗi quốc gia phê chuẩn hay gia nhập
công ước này sau khi văn kiện phê chuẩn hay gia nhập thứ sáu được lưu chiểu,
Công ước sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày thứ 90 sau ngày văn kiện phê chuẩn
hay gia nhập của quốc gia đó được lưu chiểu.
Điều 40. Bãi ước
1. Bất kỳ quốc gia thành viên nào đều có thể rút
khỏi Công ước này tại bất kỳ thời điểm nào bằng một thông báo gửi cho Tổng thư
ký Liên Hợp Quốc.
2.Việc rút khỏi Công ước sẽ có hiệu lực đối với
quốc gia thành viên liên quan sau một năm kể từ ngày Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
nhận được thông báo rút khỏi Công ước.
3. Bất kỳ các quốc gia nào đã tuyên bố hoặc
thông báo theo quy định tại điều 36, đều có thể, tại bất kỳ thời điểm nào sau
đó, bằng thông báo gửi đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, tuyên bố chấm dứt mở rộng
việc áp dụng Công ước đối với lãnh thổ đó sau một năm kể từ ngày Tổng thư ký nhận
được thông báo đó.
Điều 41. Xem xét lại.
1. Bất kỳ quốc gia nào đều có thể yêu cầu xem
xét lại Công ước này tại bất kỳ thời điểm nào bằng một thông báo gửi cho Tổng
thư ký Liên Hợp Quốc.
2. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ khuyến nghị các
bước cần thực hiện, nếu có, liên quan đến yêu cầu này.
Điều 42. Những thông báo của Tổng thư
ký Liên Hợp Quốc
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo đến mọi
quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và những quốc gia không là thành viên của
Liên Hợp Quốc được đề cập tại điều 35 về:
(a) việc ký, phê chuẩn, gia nhập theo điều 35.
(b) các tuyên bố và thông báo theo điều 36.
(c) những bảo lưu và rút bảo lưu theo điều 38
(d) ngày mà công ước này sẽ bắt đầu có hiệu lực
theo điều 39.
(e) những tuyên bố rút khỏi Công ước và những
thông báo theo điều 40.
(f) những yêu cầu xem xét lại Công ước theo điều
41.
Văn bản này đã được ký kết với sự chứng nhận của
những người là đại diện toàn quyền của các chính phủ ký tên dưới đây..
Để làm bằng, những người ký dưới đây, đã được
các chính phủ ủy quyền hợp lệ, đã ký Công ước ước này.
Làm tại New York, ngày 28/9/1954, bằng tiếng
Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, các bản có giá trị như nhau và sẽ được
lưu chiểu tại Cơ quan lưu trữ của Liên Hợp Quốc và những bản sao được chứng thực
sẽ được chuyển đến tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và các quốc gia
không là thành viên được đề cập đến tại điều 35.
PHỤ
LỤC
Mục
1.
1. Giấy thông hành được
đề cập tại điều 28 của công ước này quy định rằng người có những giấy tờ đó là
một người không quốc tịch theo quy định của Công ước ngày 28/9/1954.
2.Giấy tờ sẽ được làm ít nhất bằng hai ngôn ngữ,
một trong đó phải bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.
3. Các quốc gia thành viên sẽ xem xét các đơn
xin cấp giấy thông hành.
Mục
2.
Căn cứ vào những quy định của nước cấp giấy thông
hành, giấy thông hành của trẻ em có thể được ghi vào giấy thông hành của bố mẹ,
hoặc trong những trường hợp ngoại lệ, vào giấy thông hành của những người đã
thành niên khác.
Mục
3.
Chi phí cho việc cấp giấy thông hành sẽ không được
cao hơn mức phí thấp nhất để xin hộ chiếu của người có quốc tịch .
Mục
4.
Trong những trường hợp đặc biệt hay ngoại lệ, giấy
thông hành được cấp sẽ có giá trị pháp lý đối với một số lượng lớn nhất các nước
có thể đến.
Mục
5.
Giấy thông hành sẽ có giá trị pháp lý không ít
hơn ba tháng và không vượt quá hai năm.
Mục
6.
1.Việc ra hạn hoặc làm mới giấy thông hành là
công việc của cơ quan đã cấp giấy thông hành, một khi người mang giấy thông
hành vẫn chưa cư trú hợp pháp tại một lãnh thổ khác mà vẫn cư trú hợp pháp tại
lãnh thổ của cơ quan được nói đến.Việc cấp một giấy thông hành mới trong cùng
điều kiện như nhau là công việc của cơ quan đã cấp giấy thông hành trước đó.
2.Những cơ quan ngoại giao hay lãnh sự có thể được
uỷ quyền để ra hạn giấy thông hành do chính phủ của những cơ quan đó cấp trong
khoảng thời gian không quá 6 tháng.
3. Các quốc gia thành viên phải có sự xem xét cảm
thông trong việc làm mới hoặc gia hạn giấy thông hành hay cấp giấy thông hành mới
cho những người không quốc tịch không còn cư trú hợp pháp tại lãnh thổ của họ
nhưng lại không thể được cấp giấy thông hành của đất nước mà họ cư trú hợp
pháp.
Mục
7.
Các quốc gia thành viên sẽ thừa nhận giá trị
pháp lý của những giấy thông hành được cấp phù hợp với quy định của điều 28
Công ước này.
Mục
8.
Các cơ quan có thẩm quyền của nước mà người
không quốc tịch mong muốn cư trú, nếu các cơ quan này đã chuẩn bị để chấp nhận
người đó và nếu có yêu cầu về chiếu khán, sẽ đính kèm chiếu khán vào giấy thông
hành mà người đó mang theo.
Mục
9.
1.Các quốc gia thành viên sẽ đảm nhận việc cấp
chiếu khán quá cảnh cho những người không quốc tịch đã có chiếu khán của lãnh
thổ sẽ đến trong chặng hành trình cuối cùng.
2.Việc cấp chiếu khán trên có thể bị từ chối về
những lý do có thể chứng minh cho việc từ chối chiếu khán đối với bất kỳ người
nước ngoài nào.
Mục
10.
Các khoản phí cho việc cấp chiếu khán xuất cảnh,
nhập cảnh và quá cảnh không được cao hơn mức thấp nhất của các khoản phí về chiếu
khán cho những hộ chiếu.
Mục
11.
Khi một người không quốc tịch đã được cư trú hợp
pháp ở lãnh thổ của một quốc gia thành viên khác thì trách nhiệm cấp giấy thông
hành mới, theo quy định tại điều 28, sẽ thuộc về các cơ quan có thẩm quyền của
lãnh thổ mà người không quốc tịch nộp đơn xin cấp.
Mục
12.
Cơ quan cấp giấy thông hành mới giữ lại giấy
thông hành cũ và sẽ gửi trả giấy thông hành cũ đến nước đã cấp nếu trong giấy
thông hành cũ có ghi rõ ràng giấy thông hành đó cần được gửi trả lại; nếu
không, cơ quan cấp giấy thông hành mới sẽ giữ và huỷ giấy thông hành đó.
Mục
13.
1.Giấy thông hành sẽ được cấp phù hợp với điều
28 của Công ước này, trừ phi giấy thông hành đó bao gồm một tuyên bố ngược lại,
cho phép người mang nó có quyền nhiều lần trở lại lãnh thổ của quốc gia cấp giấy
thông hành tại bất kỳ thời điểm nào trong khoảng gian đó có giá trị. Trong bất
kỳ trường hợp nào, khoảng thời gian mà người mang giấy có thể trở lại nước cấp
giấy thông hành không dưới ba tháng, trừ phi nước mà người không quốc tịch có
nguyện vọng đến không đòi hỏi giấy thông hành phải phù hợp với quyền trở lại.
2. Phụ thuộc vào những quy định của mục trên, một
quốc gia thành viên có thể yêu cầu người mang giấy thông hành tuân thủ những thủ
tục có thể được yêu cầu về việc xuất cảnh hay nhập cảnh vào lãnh thổ của mình
Mục
14.
Căn cứ vào những quy định của khoản 13, các quy định
của Phụ lục này không ảnh hưởng đến luật và những qui định điều chỉnh các điều
kiện về việc nhận vào, quá cảnh, cư trú và sinh sống, rời khỏi lãnh thổ của các
quốc gia thành viên.
Mục
15.
Không phải việc cấp giấy thông hành hay sự nhập
cảnh được tiến hành theo đó sẽ xác định hay ảnh hưởng đến vị thế người không quốc
tịch, đặc biệt về quốc tịch.
Muc
16.
Việc cấp giấy thông hành không cho phép, dưới bất
kỳ hình thức nào, người mang giấy được hưởng sự bảo hộ của những cơ quan ngoại
giao hay lãnh sự của nước cấp giấy, đồng thời không làm phát sinh quyền bảo vệ
của các cơ quan này.