BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
50/2015/TT-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 12 năm 2015
|
THÔNG TƯ
BAN
HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI HỆ THỐNG LẠNH
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP
ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP
ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP
ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
ban hành Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối
với Hệ thống lạnh.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
an toàn lao động đối với Hệ thống lạnh.
Ký hiệu: QCVN 21:2015/BLĐTBXH.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 01 năm
2016.
Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Cục kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng TTĐT Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, Vụ PC, ATLĐ.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Doãn Mậu Diệp
|
QCVN 21: 2015/BLĐTBXH
QUY
CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI HỆ THỐNG LẠNH
National technical regulation on safe work of
refrigerating system
Lời nói đầu
QCVN 21: 2015/BLĐTBXH - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về an toàn lao động đối với hệ thống lạnh do Cục An toàn lao động biên soạn, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành theo Thông tư số 50/2015/TT-BLĐTBXH
ngày 8 tháng 12 năm 2015, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Khoa học và Công
nghệ.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT
QUỐC GIA VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI HỆ THỐNG LẠNH
National
technical regulation on safe work of refrigerating system
1. Quy định
chung
1.1. Phạm vi điều chỉnh
1.1.1. Quy chuẩn này quy định các yêu
cầu về an toàn cho người và thiết bị trong quá trình sản xuất, nhập khẩu,
lưu thông, lắp đặt và vận hành hệ thống lạnh.
1.1.2. Quy chuẩn này áp dụng đối với
các hệ thống lạnh trong đó môi chất làm lạnh bốc hơi và ngưng tụ trong một vòng
tuần hoàn kín, bao gồm các bơm nhiệt và các hệ thống hấp thụ, trừ các hệ thống
sử dụng nước hoặc không khí làm môi chất làm lạnh.
1.1.3. Quy chuẩn này áp dụng cho các
hệ thống máy lạnh lắp đặt mới, các hệ thống máy lạnh được di chuyển từ vị trí vận
hành này sang vị trí vận hành khác trừ những hệ thống máy lạnh được thiết kế
trên các phương tiện di chuyển như xe đông lạnh hoặc các hệ thống lạnh trên tàu
thủy.
Quy chuẩn này cũng áp dụng cho trường
hợp hệ thống lạnh chuyển từ chất làm lạnh này sang chất làm lạnh khác.
1.2. Đối tượng áp dụng
Quy chuẩn này áp dụng đối với:
1.2.1. Các tổ chức, cá nhân sản xuất,
nhập khẩu, lưu thông, lắp đặt và sử dụng hệ thống lạnh;
1.2.2. Các cơ quan và các tổ chức, cá
nhân khác có liên quan.
1.3. Giải thích từ ngữ
1.3.1. Buồng máy: Buồng chứa các bộ phận
của hệ thống lạnh (vì lý do an toàn) nhưng không bao gồm các buồng chứa các bộ
bốc hơi, các bộ ngưng tụ hoặc đường ống.
1.3.2. Đường ống: Các ống dẫn nối các
bộ phận khác nhau của hệ thống lạnh.
1.3.3. Cơ cấu an toàn: Van hoặc đĩa nổ
được thiết kế để tự động giảm áp suất khi áp suất quá cao.
1.3.4. Môi chất làm lạnh: là chất môi
giới sử dụng trong chu trình nhiệt động ngược chiều để hấp thụ nhiệt của môi
trường cần làm lạnh và tải nhiệt ra môi trường có nhiệt độ cao hơn.
1.3.5. Mối hàn nối: Mối ghép nối kín
được thực hiện bằng cách nối các chi tiết kim loại với nhau ở trạng thái dẻo hoặc
nóng chảy.
1.3.6. Trong Quy chuẩn này ngoài các
thuật ngữ nêu trên còn áp dụng các thuật ngữ được định nghĩa trong TCVN 6104:1996 (ISO 5149:1993) Hệ thống máy lạnh
dùng để làm lạnh và sưởi - Yêu cầu an toàn.
2. Quy định về
kỹ thuật
2.1. Quy định chung:
Các hệ thống lạnh thuộc đối tượng và
phạm vi tại Mục 1 phải đảm bảo các đặc tính kỹ thuật tối thiểu theo yêu cầu kỹ
thuật của TCVN 6104:1996 (ISO 5149:1993).
2.2. Quy định cụ thể:
2.2.1. Phân loại:
Các yêu cầu và biện pháp về an toàn đối
với hệ thống lạnh được thiết lập dựa vào các yếu tố: không gian làm lạnh,
phương pháp làm lạnh, môi chất làm lạnh.
Áp dụng phân loại hệ thống lạnh theo Chương
2 - Phân loại của TCVN 6104:1996 (ISO
5149:1993).
Phân loại theo môi chất làm lạnh
không áp dụng đối với: R11,R12, R13, R502 hiện đã bị cấm sử dụng.
2.2.2. Các yêu cầu về thiết kế và
kết cấu
Áp dụng Chương 3 của TCVN 6104:1996 (ISO 5149:1993).
2.2.3. Các yêu cầu cho sử dụng:
2.2.3.1. Buồng máy:
- Buồng máy dùng cho lắp đặt máy lạnh
phải có kích thước đủ để dễ dàng tiếp cận các bộ phận máy, có đủ không gian cho
việc phục vụ, bảo dưỡng và vận hành máy.
- Chiều cao khoảng trống bên dưới thiết
bị được đặt ngang qua lối đi không được nhỏ hơn 2m.
- Buồng máy lạnh phải có các cửa ra
vào mở ra phía ngoài (tự đóng từ phía ngoài), số lượng cửa ra vào phải đủ để đảm
bảo cho người có thể tự do thoát ra ngoài khi có tình trạng khẩn cấp. Không được
có các lỗ hở để cho môi chất làm lạnh có thể thoát ra các bộ phận khác của tòa
nhà.
- Các buồng máy phải được thông gió với
phía ngoài trời. Nếu không có yêu cầu phải thông gió cơ khí, có thể dùng thông
gió tự nhiên các ô cửa mở thường xuyên hoặc các lưới sắt. Tuy nhiên không được
sử dụng phương pháp thông gió tự nhiên khi không thể bố trí được các lỗ hở
thông gió, vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến nồng độ của hơi môi chất làm lạnh.
- Tổng của các diện tích lỗ hở dùng
cho thông gió tự nhiên phải tương ứng với khối lượng môi
chất làm lạnh trong toàn thể hệ thống lạnh được lắp đặt trong buồng máy, và phù
hợp với công thức (4.1) của TCVN 6104:1996 (ISO
5149:1993).
- Vùng lưu thông cho thông gió tự
nhiên không được có các vật cản trở như tường vách, cột xung quanh tòa nhà hoặc
các vật cản trở tương tự.
- Thông gió cơ khí thích hợp với việc
sử dụng quạt điện có khả năng hút ra khỏi buồng máy lượng không khí tối thiểu
được cho trong công thức (4.2) của TCVN
6104:1996 (ISO 5149:1993).
- Đường dẫn không khí vào quạt hoặc
đường ống dẫn vào phải được đặt gần máy và được che chắn thích hợp. Không khí
thải phải được xả ra bên ngoài tòa nhà bằng cách thích hợp để không gây ra nguy
hiểm. Lỗ hở cho không khí sạch đưa vào phải được bố trí để không khí thải
không bị quẩn trở lại.
- Trong các buồng máy không có thông
gió tự nhiên việc thông gió cơ khí phải được tiến hành liên tục để đảm bảo sức
khỏe cho người vận hành.
- Các buồng liền kề với buồng máy sử
dụng cho các mục đích khác nhau chỉ được thông với buồng máy bằng các cửa ra vào
tự đóng, kín khít và có khả năng chịu lửa trong thời gian ít nhất là 1 giờ.
- Tất cả các đường ống và ống dẫn đi
qua tường, trần và sàn phải được lắp kín khít.
- Các lỗ thông gió ra phía ngoài
không được bố trí ở dưới lối thoát sự cố khẩn cấp hoặc cầu thang.
- Phải có ít nhất một lối thoát sự cố
khẩn cấp.
- Phải có công tắc điều khiển từ xa để
dừng máy được đặt ở bên ngoài và gần cửa ra vào buồng máy.
- Phải bố trí riêng một bộ phận thông
gió và một bộ kiểm tra tình trạng khẩn cấp đặt ở bên ngoài, gần với buồng máy.
- Không được sử dụng các thiết bị có
thể phát sinh ngọn lửa trong buồng máy.
2.2.3.2. Các đề phòng đặc biệt
khác:
a) Bảo vệ quạt và các bộ phận máy
chuyển động:
Các quạt và tất cả các bộ phận máy có
chuyển động phải được che chắn và bảo vệ.
b) Môi chất làm lạnh trong buồng máy:
- Chỉ được lưu trữ các loại môi chất
làm lạnh thuộc Nhóm 1 theo Phân loại tại Mục 2.3.1 của TCVN 6104:1996 (ISO 5149:1993).
- Phải có kho chứa riêng đối với môi
chất làm lạnh thuộc Nhóm 2, Nhóm 3 theo Phân loại tại Mục 2.3.1 của TCVN 6104:1996 (ISO 5149:1993).
- Không được thải trực tiếp môi chất
làm lạnh ra ngoài môi trường.
- Các bình chứa không được chứa đầy
quá mức khối lượng cho phép của bình chứa đối với từng loại môi chất làm lạnh
c) Các biển cảnh báo:
Các buồng lạnh, các buồng có khí nguy
hiểm, các buồng máy... phải được cảnh báo rõ ràng trên các cửa ra vào cùng với
thông báo “không nhiệm vụ miễn vào”. Ngoài ra còn phải có các thông báo “cấm vận
hành thiết bị khi không được phép”.
d) An toàn cho người ở trong buồng lạnh:
- Phải bố trí đèn dẫn ra cửa thoát hiểm
bằng một nguồn điện độc lập khác hoặc dùng sơn phát quang trong trường hợp đèn
chiếu sáng bị hỏng hoặc sự cố gây mất điện.
- Sau khi ngừng công việc, phải kiểm tra
để đảm bảo chắc chắn không còn ai ở lại bên trong buồng lạnh rồi mới được khóa
cửa.
- Buồng lạnh phải thiết kế để đảm bảo
người ở trong buồng lạnh có thể tự thoát ra ngoài hoặc có thể báo cho người bên
ngoài bất kỳ lúc nào. Buồng lạnh phải có đủ những điều kiện sau:
+ Các cửa ra vào có thể mở được từ cả
bên trong lẫn bên ngoài;
+ Lắp đặt đèn báo tín hiệu, còi hoặc
chuông được điều khiển từ bên trong gần cửa ra vào và có thể được nhìn thấy,
nghe thấy được từ bên ngoài.
+ Trang bị rìu ở bên trong gần cửa ra
vào;
+ Trang bị điện thoại liên lạc ra bên
ngoài trong mỗi buồng lạnh;
+ Trong trường hợp cửa ra vào được
đóng mở bằng điện hoặc khí nén phải có một cơ cấu để mở cửa bằng tay từ bên
trong;
+ Các cửa thoát hiểm được cách nhiệt
và mở được từ bên trong;
e) Phải có các thiết bị phun nước để
sử dụng trong trường hợp rò rỉ amoniac.
g) Đường ống nước:
Việc nối các đường ống nước với nguồn
cung cấp nước hoặc chỗ thải nước phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc
tế hiện hành.
h) Thải môi chất làm lạnh:
Khi thải môi chất làm lạnh bắt buộc
phải có thiết bị thu gom đúng yêu cầu kỹ thuật, cấm thải môi chất làm lạnh ra
ngoài môi trường.
i) Ghi nhãn cho các hệ thống lạnh đã
được lắp ráp và được lắp đặt tại hiện trường: Áp dụng theo Mục 4.2.7 của TCVN 6104:1996 (ISO 5149:1993).
2.2.3.3. Các yêu cầu về sử dụng hệ
thống lạnh và môi chất làm lạnh tương ứng với không gian làm lạnh:
Áp dụng theo Mục 4.3 của TCVN 6104:1996 (ISO 5149:1993).
2.2.4. Các yêu cầu về vận hành:
2.2.4.1. Đào tạo:
a) Đào tạo người vận hành:
- Người vận hành phải được đào tạo đầy
đủ và phải có đủ kỹ năng, tay nghề và sự hiểu biết về các thiết bị có liên
quan. Người vận hành phải được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động và được cấp
chứng chỉ theo quy định.
- Trước khi đưa hệ thống lạnh mới đi vào
hoạt động, người vận hành phải được hướng dẫn về cấu tạo, hoạt động và các biện
pháp an toàn cần có; phải hiểu rõ sự nguy hiểm do tính chất đặc biệt của môi chất
làm lạnh gây ra đối với sức khỏe con người.
b) Vận hành:
Đơn vị sử dụng hệ thống lạnh chứa nhiều
hơn 25kg môi chất làm lạnh phải đặt một bảng chỉ dẫn dễ nhìn thấy gần máy nén lạnh,
trên đó ghi chỉ dẫn về những việc phải thực hiện trong trường hợp có sự cố hư hỏng
và rò rỉ như sau:
- Các chỉ dẫn để tắt cả hệ thống lạnh
trong trường hợp khẩn cấp;
- Tên và địa chỉ của trạm chữa cháy,
cảnh sát và bệnh viện;
- Tên, địa chỉ, số điện thoại của dịch
vụ sửa chữa. Trên bảng cần có sơ đồ động của thiết bị trên đó có chỉ dẫn số hiệu
hoặc các ghi chú khác của van chặn.
c) Tài liệu hướng dẫn:
- Cơ sở sản xuất hoặc lắp đặt phải
cung cấp kèm theo hệ thống lạnh một tài liệu hướng dẫn gồm một hoặc nhiều bản
và phải cung cấp những chỉ dẫn đầy đủ về an toàn.
- Tài liệu hướng dẫn phải bao gồm các
nội dung tối thiểu sau đây:
+ Thông tin chi tiết hơn về các mục
đã ghi trên bảng chỉ dẫn phù hợp với Phần b, Mục 2.2.4.1 nêu trên;
+ Trình bày mục đích sử dụng hệ thống
lạnh;
+ Mô tả máy và thiết bị cùng với sơ đồ
mạch làm lạnh và sơ đồ điện;
+ Thông tin chi tiết về khởi động và
dừng máy;
+ Mô tả các nguyên nhân và phương pháp
sửa chữa những hư hỏng thông thường;
+ Nêu các biện pháp bảo dưỡng cùng với
lịch bảo dưỡng.
+ Thông tin chính xác về môi chất làm
lạnh được sử dụng và các cảnh báo cần thiết đối với loại môi chất này.
d) Nạp các môi chất làm lạnh:
- Không được nạp môi chất làm lạnh
không thích hợp với hệ thống lạnh dẫn đến cháy nổ hoặc các tai nạn khác.
- Lượng môi chất làm lạnh chứa trong
bình không được vượt quá trị số cho phép. Khối lượng cho phép của môi chất làm
lạnh chứa trong bình được ghi trên bình.
e) Bảo dưỡng:
- Phải chăm sóc cẩn thận tất cả các bộ
phận của thiết bị để tránh các hư hỏng cho máy và nguy hiểm cho người. Các hư hỏng
khi phát hiện phải được sửa chữa ngay.
- Tất cả các dụng cụ và thiết bị kiểm
tra an toàn đã lắp đặt phải được bảo dưỡng và phải được kiểm tra lại mỗi khi tiến
hành sửa chữa trên hệ thống.
g) Sửa chữa:
- Nếu trong quá trình sửa chữa và cải
tiến, bắt buộc phải dùng các dụng cụ tạo ra hồ quang và ngọn lửa như thiết bị
điện hồ quang, thiết bị hàn chảy, hàn đồng thì công việc này chỉ được thực hiện
trong các phòng đã được thông gió đầy đủ. Khi đang tiến hành sửa chữa, thiết bị
thông gió phải hoạt động liên tục và tất cả các cửa sổ, cửa ra vào phải được mở.
- Trong trường hợp sửa chữa các bộ phận
của vòng tuần hoàn môi chất làm lạnh, ngoài người sửa chữa còn cần bố trí 01
người giám sát để quan sát và trợ giúp. Phải có các thiết bị bảo vệ cần thiết
và sẵn sàng các dụng cụ để chữa cháy.
- Công việc hàn điện hồ quang và hàn
chảy phải do các thợ hàn có đủ trình độ chuyên môn thực hiện.
2.2.4.2. Phương tiện bảo vệ:
Để bảo vệ người và thiết bị phải có
các phương tiện bảo vệ thích hợp với kích cỡ hệ thống lạnh và loại môi chất làm
lạnh; cụ thể như sau:
- Phải lựa chọn bình chữa cháy có môi
chất lỏng phù hợp để tránh xảy ra phản ứng nguy hiểm giữa môi chất lỏng trong
bình chữa cháy với môi chất làm lạnh.
- Phải trang bị các loại phương tiện
bảo vệ cá nhân như quần áo bảo hộ, mặt nạ phòng độc và găng tay bảo vệ phải được
lưu giữ cẩn thận, an toàn trong kho; kho phải ở gần hệ thống lạnh. Việc cung cấp
loại máy thở hoặc mặt nạ phòng độc phải phụ thuộc vào tính chất của môi chất
làm lạnh.
3. Quy định về
quản lý an toàn lao động trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, lắp đặt và sử dụng
hệ thống lạnh.
3.1. Hồ sơ kỹ thuật của hệ thống lạnh
bao gồm:
3.1.1. Bản thuyết minh chung; bản
tính toán chọn lựa các thiết bị thành phần;
3.1.2. Bản vẽ tổng thể hệ thống lạnh
có ghi các kích thước và thông số chính;
3.1.3. Bản vẽ sơ đồ nguyên lý hoạt động
và các đặc trưng kỹ thuật chính của hệ thống lạnh;
3.1.4. Quy trình kiểm tra và thử thủy
lực;
3.1.5. Hướng dẫn lắp đặt và vận hành
an toàn.
3.2. Điều kiện đảm bảo an toàn đối
với hệ thống lạnh sản xuất trong nước:
Các hệ thống lạnh thuộc phạm vi điều chỉnh
của Quy chuẩn này phải:
3.2.1. Đủ hồ sơ kỹ thuật;
3.2.2. Được chứng nhận hợp quy và
công bố hợp quy (theo phương thức đánh giá sự phù hợp: phương thức 8 quy định tại
Thông tư số 28/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm
2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ);
3.2.3. Đã được gắn dấu hợp quy trước
khi đưa ra lưu thông trên thị trường;
3.2.4. Chịu sự kiểm tra giám sát của
cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội.
3.3. Điều kiện đảm bảo an toàn đối
với hệ thống lạnh nhập khẩu:
3.3.1. Hệ thống lạnh nhập khẩu thỏa
mãn quy định tại Mục 3.1, được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy
(theo phương thức đánh giá sự phù hợp: phương thức 8 quy định tại Thông tư số 28/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ
Khoa học và Công nghệ) bởi tổ chức chứng nhận được chỉ định của Việt Nam hoặc tổ
chức chứng nhận nước ngoài được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng
hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà cơ quan
có thẩm quyền của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết.
3.3.2. Trong trường hợp các hệ thống
lạnh nhập khẩu mà theo thỏa thuận song phương, đa phương giữa cơ quan có thẩm
quyền của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước xuất khẩu hệ thống
lạnh quy định không phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu thì các hệ thống lạnh
này được miễn kiểm tra nhập khẩu.
3.3.3. Hệ thống lạnh nhập khẩu không
thỏa mãn quy định tại Mục 3.1 thì khi nhập khẩu phải được tổ chức giám định được
chỉ định hoặc được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà cơ quan có thẩm quyền của
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết giám định tại cửa khẩu nhập.
3.3.4. Hệ thống lạnh nhập khẩu phải
được kiểm tra chất lượng theo trình tự, thủ tục quy định và bị xử lý nếu có vi
phạm theo luật định.
3.3.5. Hệ thống lạnh chỉ được lắp đặt
khi có đủ các điều kiện sau:
- Có đủ hồ sơ kỹ thuật;
- Đã được chứng nhận hợp quy, công bố
hợp quy theo quy định. Hệ thống lạnh nhập khẩu phải có hồ sơ hoàn thành thủ tục
hải quan;
- Các bộ phận chi tiết máy đi kèm phải
đồng bộ hoặc chế tạo theo dạng liên kết của nhiều hãng, nhiều quốc gia thì việc
đảm bảo các đặc tính kỹ thuật là của hãng hệ thống lạnh đứng tên.
3.3.6. Đơn vị lắp đặt, hiệu chỉnh, bảo
dưỡng và sửa chữa hệ thống lạnh phải có đủ các điều kiện sau:
- Có tư cách pháp nhân, được cơ quan
có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực này;
- Có đủ cán bộ kỹ thuật đã được đào tạo
kỹ thuật chuyên ngành. Có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, được huấn luyện
và được cấp chứng chỉ an toàn vệ sinh lao động theo quy định;
- Có đủ điều kiện kỹ thuật, khả năng
công nghệ cho công việc lắp đặt, hiệu chỉnh và sửa chữa;
- Tuân thủ các hướng dẫn lắp đặt, vận
hành, sử dụng của nhà sản xuất và phải đảm bảo các thông số kỹ thuật của hệ thống
lạnh theo hồ sơ kỹ thuật;
- Trên cơ sở hồ sơ kỹ thuật, đơn vị lắp
đặt phải lập các tài liệu sau để bàn giao cho đơn vị sử dụng:
+ Hướng dẫn vận hành, sử dụng an toàn
hệ thống lạnh trước khi đưa vào sử dụng;
+ Hướng dẫn chế độ bảo dưỡng, kiểm
tra thường xuyên và định kỳ;
4. Kiểm định kỹ
thuật an toàn và đăng ký sử dụng hệ thống lạnh
4.1. Hệ thống lạnh trước khi đưa vào
sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng,
và kiểm định bất thường theo quy trình kiểm định do Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội ban hành.
Việc kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống
lạnh phải do tổ chức kiểm định được Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội chỉ định theo trình tự luật định.
4.2. Trong quá trình kiểm định, các tổ
chức kiểm định và đơn vị quản lý sử dụng hệ thống lạnh phải tuân thủ chặt chẽ
các quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn hệ thống lạnh do Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội ban hành.
4.3. Các hệ thống lạnh sau khi kiểm định
đạt yêu cầu phải được dán tem theo quy định.
4.4. Chu kỳ kiểm định hệ thống lạnh
là 06 năm một lần.
5. Thanh tra, kiểm
tra và xử lý vi phạm
5.1. Thanh tra và xử lý vi phạm trong
việc thực hiện Quy chuẩn này do thanh tra nhà nước về lao động thực hiện.
5.2. Việc kiểm tra chất lượng sản xuất,
nhập khẩu, lưu thông và sử dụng hệ thống lạnh được thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
6. Trách nhiệm của
các tổ chức, cá nhân
6.1. Các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ
chế tạo, nhập khẩu, lưu thông, sửa chữa lắp đặt, quản lý và sử dụng hệ thống lạnh
có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn này.
6.2. Quy chuẩn này là căn cứ để các
cơ quan kiểm tra chất lượng hệ thống lạnh tiến hành việc kiểm tra và cũng là
căn cứ để các tổ chức đánh giá sự phù hợp tiến hành chứng nhận hợp quy.
7. Tổ chức thực
hiện
7.1. Cục An toàn lao động, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy
chuẩn này.
7.2. Các cơ quan quản lý nhà nước về lao
động địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện
các quy định của Quy chuẩn này.
7.3. Quy chuẩn này có hiệu lực sau 6
tháng, kể từ ngày ký.
7.4. Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm kịp thời
phản ánh với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết./.