THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH MÃ SỐ,
TIÊU CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VÀ XẾP LƯƠNG VIÊN CHỨC HỖ TRỢ GIÁO DỤC NGƯỜI
KHUYẾT TẬT TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC CÔNG LẬP
Căn
cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn
cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ,
công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn
cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng
10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn
cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng
12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên
chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 17/2013/NĐ-CP
ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004
của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực
lượng vũ trang;
Căn
cứ Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 04
năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Người khuyết tật;
Căn
cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng
9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Theo
đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục;
Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong
các cơ sở giáo dục công lập.
Chương I
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên
chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập.
2. Thông tư này áp dụng đối với viên chức hỗ trợ
giáo dục người khuyết tật làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập, gồm: cơ sở
giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường
chuyên biệt và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập có người khuyết tật
tham gia học tập.
Điều 2. Mã số chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo
dục người khuyết tật
Viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật - Mã số:
V.07.06.16.
Chương II
TIÊU
CHUẨN CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP, BỔ NHIỆM VÀ XẾP LƯƠNG THEO CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP
Điều 3. Nhiệm vụ và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên
chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật
1. Nhiệm vụ
a) Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục cho người
khuyết tật;
b) Thực hiện chương trình, kế hoạch hỗ trợ giáo dục
người khuyết tật theo yêu cầu và quy định của đơn vị;
c) Hỗ trợ người khuyết tật học tập và rèn luyện kỹ
năng đặc thù, kỹ năng sống phù hợp với khả năng và nhu cầu của người khuyết tật;
d) Hỗ trợ giáo viên trong các hoạt động chăm sóc,
giáo dục người khuyết tật;
đ) Phối hợp với giáo viên giảng dạy, giáo viên chủ
nhiệm đánh giá người khuyết tật;
e) Tham gia huy động người khuyết tật đến trường học
tập;
g) Hỗ trợ, tư vấn cho gia đình người khuyết tật và
cộng đồng về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục người khuyết tật;
h) Hoàn thành các chương trình bồi dưỡng; tự học, tự
bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc
làm;
i) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân
công.
2. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
a) Chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành;
b) Có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc;
thương yêu, tôn trọng và đối xử công bằng đối với người khuyết tật; hỗ trợ, bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật;
c) Có tinh thần trách nhiệm hợp tác với đồng nghiệp,
gia đình người khuyết tật và các tổ chức, cá nhân khác trong việc hỗ trợ giáo dục
người khuyết tật;
d) Thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp
với môi trường giáo dục.
3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành
hỗ trợ giáo dục người khuyết tật hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên một
trong các ngành, nghề thuộc lĩnh vực, nhóm ngành, nghề: Đào tạo giáo viên, Tâm
lý học, Công tác xã hội, Sức khỏe (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội);
b) Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn
chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật theo quy định.
4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Hiểu và biết vận dụng chủ trương, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa
phương liên quan đến công tác giáo dục người khuyết tật;
b) Có hiểu biết về đặc điểm, nhu cầu của người khuyết
tật; công tác hỗ trợ giáo dục người khuyết tật;
c) Vận dụng được kiến thức và kỹ năng chuyên môn cơ
bản vào công việc hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật;
d) Có khả năng thực hiện hoặc phối hợp thực hiện được
nội dung chương trình hỗ trợ giáo dục người khuyết tật theo cấp học;
đ) Có kỹ năng hỗ trợ, tư vấn, tham gia, phối hợp với
giáo viên, gia đình và cộng đồng trong giáo dục người khuyết tật.
Điều 4. Nguyên tắc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh
nghề nghiệp đối với viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật
1. Việc bổ nhiệm viên chức vào chức danh nghề nghiệp
hỗ trợ giáo dục người khuyết tật phải căn cứ vào quy định tại Thông tư này và vị
trí việc làm, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhận của viên chức.
2. Khi bổ nhiệm từ ngạch công chức hoặc chức danh
nghề nghiệp viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo
dục người khuyết tật không được kết hợp nâng bậc lương.
Điều 5. Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ
giáo dục người khuyết tật
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ
giáo dục người khuyết tật mã số V.07.06.16 đối với:
1. Trường hợp viên chức đang làm công tác hỗ trợ
giáo dục người khuyết tật nhưng chưa được bổ nhiệm theo quy định của Thông tư liên
tịch số 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 22 tháng
6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định
mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết
tật trong các cơ sở giáo dục công lập khi đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo
quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư này.
2. Trường hợp được tuyển dụng vào vị trí việc làm
viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật sau ngày thông tư này có hiệu lực và
đáp ứng yêu cầu về tập sự theo quy định.
Điều 6. Xếp lương
1. Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp
viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật quy định tại Thông tư này được áp dụng
hệ số lương của viên chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89 quy
định tại Bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức
trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của
Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng
vũ trang.
2. Việc chuyển xếp lương khi bổ nhiệm chức danh nghề
nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật thực hiện như sau:
a) Trường hợp viên chức đã được bổ nhiệm vào chức
danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật mã số V.07.06.16
theo quy định của Thông tư liên tịch số 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV
và đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo quy định tại điểm a khoản
3 Điều 3 Thông tư này thì được chuyển xếp từ hệ số lương của viên chức loại
B sang hệ số lương của viên chức loại A0 theo nguyên tắc xếp lương quy định tại
Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của
Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại
công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật;
b) Trường hợp đang làm việc ở vị trí việc làm viên
chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật nhưng giữ mã ngạch công chức hoặc chức
danh nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành khác nếu đạt tiêu chuẩn để bổ nhiệm
chức danh nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật theo quy định
tại khoản 1 Điều 5 thông tư này thì việc chuyển xếp lương thực
hiện như sau:
- Trường hợp đang xếp hệ số lương của công chức hoặc
viên chức loại A0 theo bảng 2 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ,
công chức trong các cơ quan Nhà nước) hoặc bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp
vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành
kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì được
xếp hệ số lương của viên chức loại A0;
- Trường hợp đang xếp hệ số lương của công chức hoặc
viên chức loại A1 trở lên hoặc loại B thì được chuyển xếp vào hệ số lương của
viên chức loại A0 theo nguyên tắc xếp lương quy định tại Mục II Thông
tư số 02/2007/TT-BNV và theo quy định hiện hành của pháp luật.
3. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp
sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Chương III
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này là căn cứ để thực hiện tuyển dụng,
sử dụng và quản lý viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật tại các cơ sở
giáo dục công lập có người khuyết tật học tập.
2. Các cơ sở giáo dục tư thục và dân lập có người
khuyết tật học tập được áp dụng quy định tại Thông tư này để thực hiện.
3. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập có
người khuyết tật học tập trực tiếp quản lý và sử dụng viên chức có trách nhiệm:
a) Rà soát các vị trí việc làm của đơn vị, lập
phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức hỗ trợ
giáo dục người khuyết tật thuộc thẩm quyền quản lý; trình cấp có thẩm quyền xem
xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp;
b) Báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý theo quy định
kết quả bổ nhiệm và xếp lương với viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
4. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ
sở giáo dục công lập có trách nhiệm:
a) Phê duyệt phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp
và xếp lương đối với viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở
giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý; giải quyết theo thẩm quyền những vướng
mắc trong quá trình bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức
hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm
vi quản lý;
b) Quyết định theo thẩm quyền hoặc phân cấp việc quyết
định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức hỗ trợ
giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền;
c) Báo cáo kết quả bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp
và xếp lương đối với viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở
giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý về cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
d) Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp cho viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và bảo đảm chế
độ, chính sách khi tham gia bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Điều khoản áp dụng
1. Trường hợp viên chức đang làm công tác hỗ trợ
giáo dục người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục công lập chưa đạt tiêu chuẩn
theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư này, nếu vẫn
bố trí làm công tác hỗ trợ giáo dục người khuyết tật thì tiếp tục được hưởng
lương đang xếp cho đến khi đủ điều kiện bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh
nghề nghiệp viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật hoặc chuyển vị trí việc
làm hoặc thôi việc hoặc nghỉ hưu theo quy định.
2. Không yêu cầu bổ nhiệm lại chức danh nghề nghiệp
viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật theo quy định tại Thông tư này đối với
những trường hợp đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục
người khuyết tật theo quy định tại Thông tư liên tịch số 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng
12
năm 2023.
2. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này
được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ
sung, thay thế đó.
3. Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 19/2016/TTLT-BGDĐT-BNV.
Điều 10. Trách nhiệm thi hành
Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục
và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo; cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có
trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGD của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam;
- Công báo;
- Website của Chính phủ;
- Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục NGCBQLGD (10 bản).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Ngọc Thưởng
|