BỘ
LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
08/LĐTBXH-TT
|
Hà
Nội, ngày 11 tháng 4 năm 1995
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 08/LĐTBXH-TT NGÀY
11 THÁNG 4 NĂM 1995 HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC HUẤN LUYỆN VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG, VỆ SINH
LAO ĐỘNG
Thi hành Nghị định số 06/CP ngày
20-1-1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về
an toàn lao động, vệ sinh lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn
công tác huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động như sau:
I - ĐỐI TƯỢNG
HUẤN LUYỆN
Đối tượng huấn luyện các quy định
về an toàn lao động, vệ sinh lao động là người sử dụng lao động và người lao động
làm việc trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức:
- Các doanh nghiệp Nhà nước
- Các doanh nghiệp thuộc các
thành phần kinh tế khác, các tổ chức, cá nhân có thuê mướn lao động.
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp; các cơ quan tổ
chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam có thuê mướn lao động là người
Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam
ký kết hoặc tham gia có quy định khác;
- Các đơn vị sự nghiệp, kinh
doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, đoàn thể nhân dân, tổ chức
chính trị xã hội khác, kể cả các doanh nghiệp của quân đội nhân dân và công an
nhân dân.
II - HUẤN LUYỆN
ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG
Người lao động bao gồm mọi công
nhân viên chức, mọi người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề, thử việc.
1. Huấn luyện các quy định an
toàn lao động, vệ sinh lao động gồm các nội dung sau
a. Những quy định chung về an
toàn lao động, vệ sinh lao động.
- Mục đích, ý nghĩa của công tác
an toàn lao động, vệ sinh lao động;
- Nghĩa vụ và quyền lợi của người
lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;
- Nội dụng an toàn lao động, vệ
sinh lao động của doanh nghiệp.
b. Những quy định cụ thể về an
toàn lao động, vệ sinh lao động.
- Đặc điểm và quy trình làm việc
bảo đảm an toàn, vệ sinh của máy móc, thiết bị, công nghệ và nơi làm việc có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
- Các quy phạm, tiêu chuẩn bắt
buộc khi thực hiện công việc;
- Các biện pháp bảo đảm an toàn
lao động, vệ sinh lao động khi thực hiện công việc;
- Cấu tạo, tác dụng và cách sử dụng,
bảo quản các trang cấp, phương tiện bảo vệ cá nhân;
- Các yếu tố nguy hiểm, có hại,
các sự cố có thể xảy ra khi làm việc, cách đề phòng, xử lý khi phát hiện có
nguy cơ xảy ra sự cố và khi có sự cố;
- Các phương pháp y tế đơn giản
để cứu người bị nạn khi xảy ra sự cố như băng bó vết thương, hô hấp nhân tạo, cứu
sập...
2. Tổ chức huấn luyện
Người sử dụng lao động chịu
trách nhiệm tổ chức huấn luyện cho người lao động, bảo đảm cho người lao động đều
được huấn luyện đầy đủ những nội dung về an toàn lao động, vệ sinh lao động cần
thiết và phù hợp với công việc đảm nhiệm theo nguyên tắc sau:
a. Mọi người làm việc trong đơn
vị, kể cả người mới tuyển vào đều phải được huấn luyện an toàn lao động, vệ
sinh lao động theo các nội dung nói trên. Tuỳ theo mức độ an toàn lao động, vệ
sinh lao động để xác định chương trình huấn luyện về thời gian huấn luyện nhưng
mỗi năm phải tổ chức ít nhất 1 lần.
b. Khi tuyển lao động, trước khi
giao việc phải huấn luyện cho người lao động đầy đủ các nội dung nêu tại khoản
1, mục II. Đối với người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn lao động, vệ sinh lao động thì việc huấn luyện phải hết sức cụ thể, tỷ mỷ.
Người sử dụng lao động căn cứ bản danh mục nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt
về an toàn lao động, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
ban hành và tình hình cụ thể của doanh nghiệp lập danh sách những người làm
công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động để tổ chức
huấn luyện.
Thời gian huấn luyện phụ thuộc
vào nội dung phải huấn luyện.
Những người được huấn luyện phải
có sự kiểm tra sát hạch và trước khi giao việc phải tổ chức thực hành nhiệm vụ
công việc được giao.
Hàng năm người sử dụng lao động
phải tổ chức kiểm tra hoặc bồi dưỡng thêm để người lao động luôn nắm vững các
quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động trong phạm vi chức trách được giao.
c. Khi chuyển từ công việc này
sang công việc khác hoặc giao công việc mới đều phải huấn luyện phù hợp với
tính chất công việc được giao.
d. Sau khi huấn luyện và kiểm
tra sát hạch, những người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động,
vệ sinh lao động đạt yêu cầu thì được cấp thẻ an toàn. Người lao động phải mang
theo thẻ an toàn khi làm việc và phải xuất trình khi được yêu cầu.
Đối với những người làm các công
việc khác thì được ghi kết quả vào sổ theo dõi huấn luyện của đơn vị.
3. Quyền lợi của người lao động
trong thời gian huấn luyện như sau
Thời giờ học tập huấn luyện an
toàn lao động, vệ sinh lao động được tính là thời giờ làm việc và được hưởng đủ
tiền lương và các quyền lợi khác theo pháp luật quy định. Riêng những người lao
động học nghề, tập nghề, thử việc thì quyền lợi trong thời gian huấn luyện thực
hiện theo hợp đồng lao động đã thoả thuận.
III - HUẤN
LUYỆN ĐỐI VỚI NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG
1. Người sử dụng lao động được
huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động bao gồm
- Chủ doanh nghiệp hoặc người được
chủ doanh nghiệp uỷ quyền;
- Giám đốc doanh nghiệp, thủ trưởng
các tổ chức, các cơ quan trực tiếp sử dụng lao động;
- Người chỉ huy điều hành trực
tiếp các khâu, các bộ phận, các phân xưởng sản xuất trong doanh nghiệp.
- Người làm công tác chuyên trách
về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
2. Nội dung huấn luyện an toàn
lao động, vệ sinh lao động bao gồm
a. Các văn bản pháp quy của
Chính phủ, của các Bộ, của Uỷ ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung
ương về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
b. Các quy phạm, tiêu chuẩn an
toàn lao động, vệ sinh lao động phải thi hành.
c. Các thủ tục hành chính phải
chấp hành khi sản xuất, sử dụng hoặc nhập khẩu các loại máy, thiết bị, vật tư,
các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động, khi xây
dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo các công trình, các cơ sở sản xuất.
d. Tổ chức thực hiện các hoạt động
nhằm bảo đảm an toàn lao động,
vệ sinh lao động:
- Xây dựng và phổ biến nội quy
an toàn lao động, vệ sinh lao động của doanh nghiệp, của các phân xưởng, bộ phận;
các quy trình an toàn của các máy móc, thiết bị, vị trí làm việc;
- Tổ chức mạng lưới an toàn
viên;
- Tổ chức huấn luyện cho người
lao động;
- Các biện pháp phòng chống tai
nạn và sự cố xảy ra trong phạm vi sản xuất;
- Tổ chức và huấn luyện các đội
cấp cứu;
- Chăm lo sức khoẻ cho người lao
động.
3. Tổ chức huấn luyện
a. Việc huấn luyện an toàn và vệ
sinh lao động các nội dung trên đối với người sử dụng lao động là bắt buộc và
được tiến hành theo các hình thức huấn luyện sau:
- Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội mở lớp huấn luyện cho người sử dụng lao động có trụ sở chính đóng trên địa
bàn địa phương.
- Bộ chủ quản mở lớp huấn luyện
đối với người sử dụng lao động ở các đơn vị trực thuộc quyền quản lý sau khi có
sự thoả thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Các Tổng công ty hoặc liên hiệp
mở lớp sau khi có công văn đề nghị Bộ chủ quản và Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội và được Liên Bộ cho phép.
b. Tài liệu huấn luyện theo đúng
hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
c. Giáo viên lớp của Sở mở do
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định.
d. Giáo viên lớp của Bộ và Tổng
công ty mở do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ chủ quản quyết định.
e. Thời gian huấn luyện được
tính là thời giờ làm việc và được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi như thời giờ làm
việc.
g. Kinh phí cho lớp huấn luyện
do các học viên đóng góp.
IV - ĐIỀU KHOẢN
THI HÀNH
1. Hàng năm, các doanh nghiệp tổ
chức, cơ quan có nhiệm vụ lập kế hoạch huấn luyện, mở sổ đăng ký về huấn luyện
an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Kế hoạch cần xác định rõ nội
dung, số lượng từng loại đối tượng cần được huấn luyện, kinh phí và cơ sở vật
chất cho huấn luyện, chỉ định giảng viên và phân công chuẩn bị tài liệu huấn
luyện.
Sổ đăng ký huấn luyện an toàn
lao động, vệ sinh lao động ghi rõ các lớp huấn luyện, số người được huấn luyện,
số đạt yêu cầu huấn luyện được cấp thẻ an toàn.
Các doanh nghiệp trên cùng địa
bàn hoặc cùng ngành sản xuất kinh doanh có thể phối, kết hợp với nhau hoặc với
các cơ sở huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động của địa phương (nếu
có) để tổ chức các lớp huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả huấn luyện.
Trường hợp các chủ doanh nghiệp
có sử dụng người cai thầu thì doanh nghiệp phải giao kế hoạch và phân rõ trách
nhiệm cho người cai thầu tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động
cho người lao động, đồng thời phải tổ chức kiểm tra chặt chẽ sự thực hiện của họ.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội có trách nhiệm giúp đỡ Uỷ ban Nhân dân Tỉnh, Thành phố thống nhất quản lý
Nhà nước về công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn của địa
phương, trong đó cần tổ chức việc huấn luyện đối với người lao động hành nghề tự
do, làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh
lao động, phối hợp với các ngành, cơ quan hữu quan xây dựng kế hoạch huấn luyện
hàng năm về tổ chức huấn luyện cho người sử dụng lao động; thực hiện định kỳ tổng
kết, báo cáo công tác huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động của địa
phương mình theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội thống nhất quản lý việc cấp thẻ an toàn trong các đơn vị theo mẫu của Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
4. Các Bộ, ngành, địa phương có
trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các đơn vị thuộc quyền thực hiện công tác
huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động đúng quy định của Nhà nước theo
phạm vi chức năng quản lý của mình.
5. Thông tư này có hiệu lực kể từ
ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện có gì
vướng mắc, đề nghị các Ngành, địa phương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội để nghiên cứu giải quyết.