BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
01/2017/TT-BLĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 02
tháng 02 năm 2017
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP ĐỐI VỚI NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC XÃ HỘI
Căn cứ Luật Bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 ngày 24 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Cán bộ,
công chức số 22/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Viên
chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Người
cao tuổi số 39/2009/QH12 ngày 4 tháng 12 năm 2009;
Căn cứ Luật Người
khuyết tật số 51/2010/QH12 ngày 26 tháng 9 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP
ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
ban hành Thông tư quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm
công tác xã hội.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề
nghiệp đối với người làm công tác xã hội (sau đây gọi tắt là đạo đức nghề công
tác xã hội).
2. Thông tư này áp dụng đối với công chức, viên chức,
người lao động và cộng tác viên công tác xã hội làm việc trong các loại hình cơ
sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tại cộng đồng, có làm việc trực tiếp với
đối tượng trong lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, tư pháp, tổ chức chính
trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các lĩnh vực liên quan khác (sau đây
gọi tắt là người làm công tác xã hội).
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Nghề công tác xã hội là những hoạt động
chuyên nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã
hội; góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh
phúc của nhân dân.
2. Đạo đức nghề công tác xã hội là các chuẩn
mực về nhận thức, thái độ và hành vi phù hợp với đặc thù nghề công tác xã hội.
3. Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của người làm
công tác xã hội là các chuẩn mực đạo đức mà người làm công tác xã hội phải
tuân thủ trong quá trình thực hành công tác xã hội, quan hệ xã hội với đối tượng
sử dụng dịch vụ công tác xã hội, đồng nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan
và mối quan hệ tại nơi làm việc.
4. Đối tượng sử dụng dịch vụ công tác xã hội là
cá nhân, nhóm, gia đình hoặc cộng đồng sử dụng dịch vụ công tác xã hội (sau đây
gọi tắt là đối tượng).
Chương II
TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI
Điều 3. Tuân thủ các nguyên tắc
cơ bản của công tác xã hội
1. Tôn trọng và phát huy quyền lựa chọn, quyền quyết
định mà không phân biệt giá trị, niềm tin, tư tưởng và cuộc sống của đối tượng
và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
2. Thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của đối tượng bằng
cách giúp đối tượng tự quyết định và giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc
sống.
3. Tập trung vào điểm mạnh, tận dụng các nguồn lực
sẵn có của đối tượng để thúc đẩy việc trao quyền.
4. Chịu trách nhiệm đối với các hoạt động nghề nghiệp
công tác xã hội, bảo đảm đối tượng được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp
và chất lượng.
5. Thúc đẩy công bằng xã hội, bảo đảm cung cấp nguồn
lực một cách công bằng, minh bạch theo nhu cầu của đối tượng.
6. Tôn trọng sự đa dạng, không phân biệt đối xử về
khả năng, tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân, tình trạng kinh tế - xã hội,
màu da, chủng tộc, quốc tịch, quan điểm chính trị, tín ngưỡng tôn giáo và các đặc
điểm sức khỏe của đối tượng.
Điều 4. Yêu cầu về phẩm chất đạo
đức nghề nghiệp
1. Cần, kiệm, liêm, chính, không được lạm dụng các
mối quan hệ với đối tượng để vụ lợi cá nhân; xác định rõ ranh giới giữa cuộc sống
cá nhân và nghề nghiệp.
2. Tâm huyết, trách nhiệm, chủ động và sáng tạo trong
việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp cho đối tượng.
3. Kiên nhẫn, thấu hiểu, chia sẻ và quan tâm đối với
đối tượng.
4. Đặt lợi ích của đối tượng là quan trọng nhất
trong quá trình hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội.
5. Chịu trách nhiệm về các hoạt động nghề nghiệp của
mình theo quy định của pháp luật.
6. Giữ gìn sự đoàn kết với các đồng nghiệp; không lợi
dụng, chia rẽ mối quan hệ giữa các đồng nghiệp.
7. Chăm sóc bản thân và xây dựng hình ảnh phù hợp để
đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp, hiệu quả.
Điều 5. Tuân thủ kỷ luật nghề
nghiệp
1. Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của cơ
quan, đơn vị. Hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội trong phạm vi nhiệm vụ được
giao và không được từ chối yêu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp của
đối tượng.
2. Bảo mật thông tin liên quan đến đối tượng. Trường
hợp chia sẻ thông tin phải thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc có ý kiến
đồng ý của đối tượng và người quản lý chuyên môn.
3. Tôn trọng quyền được xem hồ sơ của đối tượng.
Trường hợp từ chối, phải lập biên bản nêu rõ lý do cho đối tượng.
4. Tôn trọng, chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ đồng
nghiệp trong mối quan hệ công việc và xã hội.
5. Sẵn sàng hợp tác với các đối tác, chuyên gia
trong lĩnh vực công tác xã hội và lĩnh vực khác có liên quan.
6. Sử dụng ngôn ngữ, văn phong chính xác, chuẩn mực
trong các hoạt động truyền thông, giao tiếp với đồng nghiệp và đối tượng.
7. Chỉ dừng cung cấp dịch vụ công tác xã hội khi đối
tượng không còn nhu cầu. Trong trường hợp bất khả kháng, phải có giải pháp phù
hợp để bảo đảm dịch vụ công tác xã hội được cung cấp liên tục, không ảnh hưởng
đến lợi ích của đối tượng.
8. Thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, kỹ
năng và nhận thức về chuyên môn công tác xã hội, đáp ứng các yêu cầu về tiêu
chuẩn nghề nghiệp công tác xã hội theo quy định của pháp luật.
9. Có kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ công tác xã
hội, văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo để phục vụ cho công việc.
10. Có trách nhiệm và khả năng hợp tác làm việc
trong các nhóm liên ngành. Đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình để
nhóm liên ngành hoạt động có hiệu quả.
11. Có khả năng tham vấn ý kiến đồng nghiệp và đối
tượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
12. Có khả năng tạo lập mối quan hệ trong xã hội,
uy tín, liên kết và giới thiệu những chuyên gia giỏi, tổ chức có uy tín đáp ứng
tốt nhất nhu cầu của đối tượng.
13. Luôn yêu nghề và bảo vệ uy tín nghề nghiệp.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm của Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội
1. Chủ trì, phối hợp với các các Bộ, ngành, địa
phương, các tổ chức đoàn thể - chính trị, xã hội quản lý, bồi dưỡng, sử dụng
người làm công tác xã hội đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác
xã hội.
2. Tổ chức biên soạn và tập huấn các tài liệu hướng
dẫn tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác xã hội.
3. Kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện các
quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác xã hội; xử lý nghiêm các hành vi
vi phạm đạo đức nghề công tác xã hội thuộc phạm vi quản lý theo quy định của
pháp luật.
Điều 7. Trách nhiệm của các Bộ,
cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội
và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng người làm công tác xã hội thuộc phạm
vi quản lý thực hiện Thông tư này.
2. Xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng,
phát triển đội ngũ người làm công tác xã hội chuyên nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn
đạo đức nghề công tác xã hội.
3. Kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện các
quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác xã hội; xử lý nghiêm các hành vi
vi phạm đạo đức nghề công tác xã hội thuộc phạm vi quản lý theo quy định của
pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm của cơ sở
cung cấp dịch vụ công tác xã hội
1. Thường xuyên tổ chức giáo dục ý thức tuân thủ
các quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm công tác xã hội
thuộc phạm vi quản lý.
2. Phối hợp với các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục
nghề nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề
nghiệp đối với người làm công tác xã hội.
3. Công bố công khai tiêu chuẩn đạo đức nghề công
tác xã hội để người làm công tác xã hội biết và nghiêm túc thực hiện.
4. Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ để người làm
công tác xã hội thực hiện tốt các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp trong quá
trình thực hành công tác xã hội.
5. Tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của
đối tượng liên quan đến việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp của người làm công
tác xã hội theo thẩm quyền; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp
thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
6. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả việc thực
hiện tiêu chuẩn đạo đức nghề đối với người làm công tác xã hội thuộc phạm vi quản
lý.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19
tháng 3 năm 2017.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề
nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND, Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cơ quan Trung ương của các Hội, đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, Cục BTXH.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Trọng Đàm
|