Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 222/2006/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trương Vĩnh Trọng
Ngày ban hành: 29/09/2006 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số : 222/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM ''TỔ CHỨC QUẢN LÝ DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY ''TẠI TỈNH BÌNH DƯƠNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền đưa người vào cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thí điểm ''Tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý'' tại tỉnh Bình Dương (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án; hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đồng thời, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Đề án.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, VX.

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trương Vĩnh Trọng

ĐỀ ÁN

TỔ CHỨC QUẢN LÝ DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY TẠI TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 222/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT PHẢI TIẾP TỤC QUẢN LÝ, GIÁO DỤC DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY

I. THỰC TRẠNG TỆ NẠN MA TÚY VÀ CÔNG TÁC CAI NGHIỆN, PHỤC HỒI CHO NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY TẠI TỈNH BÌNH DƯƠNG

1. Thực trạng tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng, năm 1995 Bình Dương có khoảng 200 người nghiện ma túy, đến cuối năm 2005 đã có 1.108 người có hồ sơ quản lý (tăng hơn 5,5 lần); đa số còn rất trẻ: dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ 6,2%, từ 18 đến 25 tuổi chiếm 62,41%, từ 26 đến 30 tuổi chiếm 25,16%, từ 31 đến 35 tuổi chiếm 2,94%, từ 36 đến 40 tuổi chiếm 1,96% và từ 41 tuổi trở lên chiếm 1,3%. Về trình độ văn hóa: mù chữ chiếm 14,04%, cấp tiểu học chiếm 48,44%, cấp trung học cơ sở chiếm 29,43%, cấp phổ thông trung học chiếm 8,02%. Về nghề nghiệp: phần lớn không có nghề nghiệp (chiếm 80%) hoặc có nghề nhưng việc làm không ổn định.

2. Một số kết quả bước đầu trong công tác cai nghiện ma túy tại tỉnh Bình Dương.

Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã tổ chức cai nghiện được khoảng 820 người. Việc đưa đối tượng nghiện ma tuý vào cai nghiện tập trung trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như: giảm gần 74% số người nghiện ma túy ngoài xã hội, triệt phá nhiều tụ điểm mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy, ngăn chặn sự lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đem lại niềm tin vào khả năng cai nghiện có hiệu quả cho các gia đình có người nghiện ma túy.

3. Một số tồn tại trong công tác cai nghiện ma túy hiện nay.

- Về công tác tổ chức dạy văn hoá, dạy nghề cho người cai nghiện trong những năm qua: đã có nhiều cố gắng để xoá mù chữ và dạy nghề phù hợp với khả năng của học viên, nhưng khi tái hoà nhập cộng đồng hầu hết người sau cai nghiện không tìm được việc làm, nên dễ tái nghiện.

- Về sức khoẻ: đa số người nghiện đều có nguy cơ nhiễm bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá, da liễu… nên công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ gặp nhiều khó khăn.

- Về tổ chức lao động sản xuất: với quy mô nhỏ, chủ yếu là lao động nông nghiệp với số lượng học viên đông nhưng đất đai phục vụ sản xuất quá ít.

- Về cơ chế quản lý đối tượng và xử lý vi phạm kỷ luật: còn nhiều bất cập, tình trạng trốn trại còn phổ biến, ảnh hưởng đến công tác quản lý và giáo dục.

- Thời gian cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý từ 1 đến 2 năm chưa đủ để rèn luyện, thay đổi nhân cách, hình thành lối sống tích cực, đặc biệt là trong môi trường xã hội còn chưa kiểm soát được tình trạng mua, bán và sử dụng ma túy nên tỷ lệ tái nghiện cao (chiếm trên 90%).

- Việc quản lý đối tượng sau cai nghiện tại địa phương chưa chặt chẽ, có nơi còn buông lỏng, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc phòng, chống tệ nạn ma túy chưa đồng bộ. Công tác hỗ trợ, quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng chưa được chú trọng đúng mức. Phần lớn đối tượng sau cai nghiện chưa được gia đình và cộng đồng quản lý, giúp đỡ…

- Sự tham gia của các đoàn thể và nhân dân còn hạn chế, chưa thường xuyên; sự lồng ghép giữa công tác cai nghiện, giải quyết các vấn đề xã hội sau cai với các phong trào quần chúng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN, THUẬN LỢI KHI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý.

Căn cứ vào Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương và Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đưa người vào cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.

2. Những thuận lợi và khó khăn khi triển khai thực hiện Đề án.

a) Thuận lợi:

- Đại đa số nhân dân đều nhận thức được hiểm hoạ của tệ nạn nghiện ma túy đem lại hậu quả xấu cho từng gia đình và toàn xã hội. Chương trình phòng, chống các tệ nạn xã hội của tỉnh Bình Dương đề ra mà trọng tâm là giảm tệ nạn ma túy là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền, được nhân dân trong tỉnh tin tưởng và ủng hộ việc tiếp tục quản lý, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.

- Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, các ngành, các cấp của tỉnh và nhân dân đồng tình thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng, chống ma túy nói chung và chủ trương tiếp tục quản lý, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm nói riêng cho người sau cai nghiện ma túy.

- Bình Dương là một tỉnh đang phát triển mạnh về lĩnh vực kinh tế - công nghiệp, có đủ điều kiện và nguồn lực để thực hiện Đề án.

- Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ hoặc tham gia giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.

b) Khó khăn:

- Một bộ phận thân nhân của người nghiện ma tuý chưa nhận thức đúng về tác hại lâu dài của ma túy hoặc do tình cảm gia đình, muốn con em hồi gia ngay sau khi cai nghiện, nên chưa sẵn sàng động viên người thân tự nguyện chuyển sang giai đoạn quản lý, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm.

- Trong số những người sau cai nghiện, có khoảng 40% đến 50% là người bị nhiễm HIV/AIDS, gây tâm lý hoang mang trong số người lao động ở cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm.

- Việc chậm trễ về thủ tục hành chính giải quyết các chính sách thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào cơ sở sản xuất và giải quyết việc làm là nguyên nhân gây nên sự khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư để dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.

- Hiệu quả và năng suất lao động của người sau cai nghiện thấp; thời gian quản lý tập trung đối với người cai nghiện dài gây tác động tiêu cực đến nhu cầu tâm, sinh lý và các quan hệ xã hội, gây mất ổn định và trật tự trong cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm, tạo nên sự lo ngại cho các nhà đầu tư.

Phần thứ hai

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY

1. Mục tiêu của Đề án:

Tạo điều kiện cho khoảng từ 70% đến 80% người sau cai nghiện ma túy được tiếp tục học nghề, lao động sản xuất, học tập và rèn luyện sức khỏe trong môi trường lành mạnh không có ma túy, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tái hoà nhập cộng đồng một cách vững chắc, chống tái nghiện, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh và khu vực, tạo môi trường trong sạch để phát triển kinh tế - xã hội.

2. Những nguyên tắc cơ bản:

a) Việc đưa người vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý được thực hiện theo hướng vận động, thuyết phục là chính; đối với người sau cai nghiện không tự nguyện nhưng có khả năng tái nghiện cao (quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ) sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét đưa vào các cơ sở để quản lý dạy nghề, lao động sản xuất nhằm giúp họ có thời gian và môi trường tốt, có việc làm ổn định chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, chống tái nghiện.

b) Người sau cai nghiện được cách ly khỏi môi trường ma túy nhưng không hoàn toàn tách rời với cuộc sống cộng đồng xã hội.

c) Thực hiện phương thức xã hội hoá và đa dạng hoá các hoạt động giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm ổn định cho người sau cai nghiện ma túy.

3. Đối tượng áp dụng:

a) Người đã kết thúc thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 28 của Luật Phòng, chống ma túy mà tự nguyện đề nghị tham gia Đề án này.

b) Người đã kết thúc thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 28 của Luật Phòng, chống ma túy tuy không tự nguyện tham gia Đề án nhưng có khả năng tái nghiện cao nếu được đưa trở lại cộng đồng.

c) Người chưa đủ 18 tuổi được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc tự nguyện xin vào cơ sở cai nghiện theo quy định tại Điều 29 của Luật Phòng, chống ma túy không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý, trừ các trường hợp khi kết thúc thời gian cai nghiện tập trung đã đủ 18 tuổi và tự nguyện đề nghị được tham gia Đề án.

d) Người đã cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tư nhân hoặc cai tại cộng đồng và gia đình mà tự nguyện tham gia Đề án.

4. Thủ tục pháp lý:

Việc lập hồ sơ, xét duyệt, quyết định đưa người sau cai nghiện vào cơ sở quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về việc quy định thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma túy.

5. Thời gian áp dụng :

Thời gian áp dụng biện pháp tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý được thực hiện trong thời gian mà Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội cho phép. Trong trường hợp người sau cai nghiện có nguyện vọng định cư, làm việc ổn định lâu dài tại cơ sở thì được xem xét giải quyết theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

6. Xem xét cho về gia đình :

6.1. Đối với người nghiện ma túy đã kết thúc thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở chữa bệnh theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý :

a) Người cai nghiện lần đầu, có nhân thân tốt, có nghề nghiệp ổn định hoặc là học sinh, sinh viên, công nhân viên và người lao động có nhiều cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện thể lực, có tiến bộ trong quá trình cai nghiện, được gia đình cam kết bảo lãnh không tái nghiện; chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể cấp xã cam kết cộng đồng trách nhiệm quản lý ở địa phương, hoặc được các doanh nghiệp, trường học cam kết bảo lãnh tiếp nhận làm việc hoặc học tập;

b) Người có tình trạng sức khoẻ yếu: bị mắc bệnh hiểm nghèo, bị bệnh AIDS đã chuyển sang giai đoạn cuối, có xác nhận của cơ quan y tế cấp huyện về việc cần có sự chăm sóc trực tiếp, thường xuyên của gia đình hoặc gia đình có đơn xin bảo lãnh về điều trị, chăm sóc tại nhà, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.

6.2. Đối với người đã đưa vào cơ sở giải quyết việc làm sau cai nghiện:

a) Người đã làm việc ở cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy từ 12 tháng trở lên, có nhiều cố gắng trong lao động, học tập và rèn luyện, thể hiện sự tiến bộ về nhiều mặt, có khả năng lao động tốt; có giấy đồng ý tiếp nhận của trường học hoặc cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh, có đơn bảo lãnh của gia đình để tiếp tục đi học hoặc đi làm, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

b) Các trường hợp được quy định tại Tiết b, Mục 6.1, Điểm 6 nói trên.

II. CÁC HÌNH THỨC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY

Tất cả các đối tượng sau cai nghiện (trừ các trường hợp quy định tại Điểm 6.1) sẽ được chuyển tiếp sang khu vực quản lý sau cai nghiện để tiếp tục học văn hoá, học nghề, lao động sản xuất và rèn luyện... được bố trí như sau:

1. Làm việc tại cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện: Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thành lập cơ sở sản xuất cho người sau cai nghiện. Trong đó dự kiến trồng mới và chăm sóc 250 hec ta cây cao su và chăn nuôi các loại gia súc.

Cơ sở giải quyết việc làm sẽ quản lý họ theo hợp đồng lao động. Nếu người sau cai nghiện có nguyện vọng định cư lâu dài sẽ được xét duyệt theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

Đối tượng tiếp nhận: tất cả các học viên đã hoàn thành giai đoạn cai nghiện đủ 24 tháng hoặc tuy chưa đủ 24 tháng nhưng có nhân thân tốt, có nhiều tiến bộ, có sức khoẻ, đã qua đào tạo nghề có thể đáp ứng yêu cầu công việc.

Khả năng giải quyết việc làm theo phương thức này cho từ 400 đến 500 người.

2. Làm việc tại các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết gia công các mặt hàng: những người có tay nghề hoặc có khả năng làm việc tại các phân xưởng gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được ký hợp đồng lao động với các cơ sở sản xuất hoặc gia công hàng hóa của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội được hưởng các chế độ theo quy định của Nhà nước và của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất để dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước và của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Tương ứng với việc hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải giải quyết việc làm cho khoảng từ 30% đến 40% tổng số lao động của doanh nghiệp là người sau cai nghiện. Sau khi được đào tạo, tuyển chọn làm việc cho các doanh nghiệp, người sau cai nghiện sẽ được hưởng các chế độ, chính sách như những công nhân bình thường.

Đối tượng tiếp nhận: trừ những học viên được đưa vào làm việc tại các cơ sở trồng mới, chăm sóc, chế biến cao su và chăn nuôi gia súc, số còn lại sẽ bố trí làm việc tại các doanh nghiệp tiểu, thủ công nghiệp, các cơ sở sản xuất liên kết gia công các mặt hàng của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.

Khả năng giải quyết việc làm theo phương thức này cho từ 600 đến 700 người.

III. TỔ CHỨC DẠY VĂN HOÁ, DẠY NGHỀ VÀ HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ, THỂ DỤC THỂ THAO CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY

1. Dạy văn hoá :

Tổ chức các lớp bổ túc văn hóa để nâng cao trình độ học vấn cho người sau cai nghiện theo nội dung và chương trình phổ cập của quốc gia. Tuỳ theo điều kiện cụ thể để bố trí dạy văn hoá theo hình thức tập trung hoặc xen kẽ vào thời gian học nghề và lao động.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng trường, lớp, trang thiết bị, dụng cụ, bố trí giáo viên dạy văn hoá và cấp kinh phí dạy và học văn hoá cho người sau cai nghiện ma tuý theo quy định hiện hành. Giáo viên dạy văn hóa của cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm được hưởng các chế độ, chính sách như cán bộ, công nhân, viên chức làm việc trong các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.

2. Dạy nghề:

Trên cơ sở kết quả dạy nghề cho học viên trong thời gian cai nghiện, việc dạy nghề tiếp tục được tổ chức để vừa bồi dưỡng về lý thuyết, nâng cao tay nghề, vừa đào tạo dài hạn nhằm đạt tay nghề có ngạch bậc rõ ràng để người sau cai nghiện có đủ trình độ vào làm việc tại các cụm tiểu, thủ công nghiệp và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Căn cứ vào yêu cầu ngành, nghề tại các cụm tiểu, thủ công nghiệp mà tổ chức dạy nghề cho người sau cai nghiện phù hợp để sau thời gian học nghề, người sau cai nghiện có thể được tuyển dụng vào làm việc ngay trong các cụm tiểu, thủ công nghiệp. Trên cơ sở nhu cầu lao động của cụm tiểu, thủ công nghiệp và tình hình thực tế để đào tạo ngành, nghề phù hợp với các lớp dạy nghề ngắn và dài hạn khác nhau.

Chỉ tiêu đào tạo các ngành nghề cụ thể như sau:

Nghề đào tạo

Dự kiến dạy nghề qua các năm

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Cộng

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cao su, chăn nuôi

30

30

30

90

May công nghiệp

50

50

50

150

Hàn, gò

15

30

30

75

Sửa chữa xe máy, điện tử, điện công nghiệp

30

40

40

110

Cộng

125

150

150

425

3. Tổ chức hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao.

Các cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy phải bố trí địa điểm, sân bãi và các phương tiện, dụng cụ để người sau cai nghiện luyện tập, sinh hoạt, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể dục, thể thao. Tạo điều kiện thuân lợi để họ được thụ hưởng đời sống tinh thần phong phú và lành mạnh trong thời gian tham gia Đề án.

IV. QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN

1. Quyền lợi và nghĩa vụ của người sau cai nghiện.

a) Quyền lợi của người sau cai nghiện :

- Được ký kết hợp đồng lao động với cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện theo quy định của Bộ luật Lao động và được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội như những người lao động bình thường;

- Được trả lương, thưởng tương xứng với kết quả lao động của mình, được ưu tiên tiếp tục làm việc nếu có nguyện vọng sau khi hết hạn hợp đồng lao động;

- Được bố trí nơi ở phù hợp, và cung cấp một số điều kiện sinh hoạt cần thiết;

- Được đăng ký tạm trú tại địa phương nơi làm việc;

- Được học tập, đào tạo nghề theo nguyện vọng và phù hợp với nhu cầu của người sử dụng lao động;

- Được tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp theo quy định; được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe và tinh thần;

- Được khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, trong học tập, rèn luyện hoặc tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn của đơn vị và địa phương;

- Được tiếp thân nhân tại khu vực dành riêng ngoài giờ lao động, sinh hoạt và học tập theo quy định của cơ quan quản lý;

- Được nghỉ phép về gia đình khi gia đình có việc hiếu, hỷ;

- Được xem xét đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý của đơn vị.

b) Nghĩa vụ của người sau cai nghiện:

- Thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật, nội quy lao động và sinh hoạt của đơn vị;

- Tích cực tham gia lao động sản xuất, hoàn thành tốt định mức lao động, khối lượng, chất lượng công việc được giao;

- Tích cực học tập, thi đua lao động, tham gia các phong trào văn thể mỹ và các hoạt động xã hội của đoàn thể;

- Tích cực tham gia tuyên truyền vận động bài trừ ma túy, tệ nạn xã hội; phản ánh, tố cáo với người có trách nhiệm về các hành vi tiêu cực như: sử dụng ma túy, mua bán, tàng trữ ma túy… để kịp thời ngăn chặn, góp phần xây dựng môi trường trong sạch và lành mạnh.

2. Chế độ, chính sách đối với người sau cai nghiện:

a) Giai đoạn học văn hóa, học nghề;

Tại cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm, trong 12 tháng học văn hóa, học nghề và lao động chưa đủ tiền ăn, tiền sinh hoạt phí, người sau cai nghiện sẽ được xem xét, trợ cấp theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

b) Giai đoạn tham gia lao động sản xuất:

- Sau khi đã ký hợp đồng lao động với các đơn vị quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm đã có thu nhập, người sau cai nghiện có trách nhiệm đóng góp sinh hoạt phí theo quy định hiện hành; được gửi tiền tiết kiệm tại đơn vị quản lý sau khi đã trừ các khoản đóng góp sinh hoạt phí theo quy định; được lấy lại tiền tiết kiệm khi kết thúc thời gian sau cai nghiện ma túy trở về hòa nhập cộng đồng (nếu có);

- Gia đình người sau cai nghiện có trách nhiệm đóng góp các khoản chi phí về y tế, điện, nước, vệ sinh và tiền ăn. Mức đóng góp do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương quy định trên nguyên tắc bảo đảm đủ chi phí, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;

- Đối với những người do sức khỏe yếu, khả năng lao động sản xuất không thể bù đắp được chi phí sinh hoạt, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú thì Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí trong thời gian người đó ở tại cơ sở;

- Những người nhiễm HIV/AIDS, sức khỏe yếu không thể lao động được hoặc đã chuyển sang AIDS giai đoạn cuối sẽ được bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt tại khu riêng và được trợ cấp 100% tiền ăn, ở và sinh hoạt;

3. Khen thưởng và kỷ luật:

a) Người sau cai nghiện chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, quy chế, nội quy của cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm, lập thành tích xuất sắc sẽ được Thủ trưởng đơn vị xét khen thưởng bằng các hình thức sau đây:

- Đề nghị cấp trên khen thưởng theo quy định.

- Thưởng tiền hoặc hiện vật.

- Thưởng phép về thăm gia đình.

b) Người sau cai nghiện nếu vi phạm các quy định của đơn vị thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà thi hành kỷ luật bằng các hình thức sau:

- Khiển trách.

- Cảnh cáo.

- Chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn hoặc cách chức (nếu có chức vụ).

Trường hợp người sau cai nghiện tự ý bỏ đơn vị thì Thủ trưởng đơn vị thông báo cho chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để cùng gia đình vận động, phối hợp đưa trở lại đơn vị. Nếu vận động, thuyết phục không được thì đề nghị cơ quan công an áp dụng biện pháp truy tìm, cưỡng chế về đơn vị.

Trường hợp người sau cai nghiện có hành vi tàng trữ, sử dụng, mua bán chất ma tuý hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, phá hoại hoặc gây rối làm thiệt hại tài sản Nhà nước thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Giải quyết trường hợp người đang chấp hành quyết định bị tai nạn lao động, bị chết:

a) Trường hợp người sau cai nghiện tại cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm bị tai nạn lao động thì cơ sở quản lý phải tổ chức khám, chữa trị kịp thời và chuyển đến bệnh viện khi cần thiết; đồng thời, làm các thủ tục để giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định hiện hành.

b) Trong thời gian thực hiện Đề án quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm, nếu người sau cai nghiện bị chết thì Ban Giám đốc cơ sở phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan y tế nơi gần nhất lập biên bản xác định nguyên nhân chết. Trong trường hợp cần thiết có thể trưng cầu giám định pháp y; đồng thời, thông báo cho thân nhân người chết biết để mai táng. Trong trường hợp người chết không có thân nhân hoặc thân nhân không đến trong vòng 24 giờ thì Ban Giám đốc cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm có trách nhiệm tổ chức mai táng. Các chi phí về giám định pháp y, mai táng do ngân sách nhà nước cấp theo quy định hiện hành.

Phần thứ ba

GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các giải pháp

a) Vốn đầu tư cho hoạt động dạy văn hoá, dạy nghề :

- Ngân sách tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với quy mô đào tạo các lớp, các ngành, nghề có khả năng liên kết giữa các cơ sở giáo dục và dạy nghề. Phần còn lại sẽ kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm.

- Về học phí: do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương quy định, trong trường hợp bản thân người sau cai nghiện và gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ theo quy định. Ngoài ra, các cơ sở sử dụng lao động là người sau cai nghiện có thể hỗ trợ kinh phí dưới hình thức học bổng đối với một số người sau cai nghiện có hoàn cảnh khó khăn nhưng đạt thành tích tốt trong quá trình học văn hoá, học nghề và rèn luyện.

b) Vốn đầu tư sản xuất:

Nguồn vốn đầu tư: từ ngân sách nhà nước, từ các nguồn khác như: vốn Chương trình mục tiêu quốc gia; vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn vay từ ngân hàng chuyên doanh....

c) Chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư:

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương thực hiện chính sách thu hút đầu tư theo quy định hiện hành và các chính sách ưu đãi đặc biệt của Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm thu hút đầu tư vào cụm tiểu, thủ công nghiệp tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.

d) Tổ chức bộ máy và công tác cán bộ:

Trên cơ sở hiện có của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương sẽ điều chỉnh và bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ trong đó đảm nhận nhiệm vụ tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, tăng cường cán bộ để thực hiện nhiệm vụ này. Phải bố trí 2 khu riêng biệt để thực hiện công tác cai nghiện phục hồi và quản lý, dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện.

đ) Về chế độ tài chính:

Chế độ tài chính được thực hiện theo quy định tại các văn bản hiện hành hướng dẫn quản lý tài chính đối với các cơ sở chữa bệnh do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

e) Về công tác y tế:

Tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện phải có trạm xá, bảo đảm điều kiện để chữa trị bệnh kịp thời. Về biên chế, do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương quy định cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác được bố trí công việc thích hợp. Trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS sẽ được chuyển đến cơ sở điều trị riêng hoặc cho về nhà theo nguyện vọng của gia đình để tiếp tục chăm sóc.

g) Công tác quản lý trật tự trị an tại cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện:

Cơ sở tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm phải đăng ký số người sau cai nghiện được tạm trú có thời hạn tại địa phương nơi cơ sở trú đóng. Các vấn đề liên quan đến hộ tịch do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký tạm trú giải quyết.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng phương án bảo vệ và tăng cường trang bị phương tiện phù hợp với điều kiện quản lý người sau cai nghiện.

h) Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở quản lý người sau cai nghiện:

Các cơ quan chức năng của địa phương có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, giải quyết các vấn đề về khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Nếu cán bộ, nhân viên, người sau cai nghiện và thân nhân của họ có vi phạm thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức thực hiện

Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án này.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương có trách nhiệm:

- Tổ chức quán triệt, giáo dục, vận động học viên cai nghiện và thân nhân của họ để tạo sự đồng tình hưởng ứng thực hiện Đề án đem lại hiệu quả và lợi ích cho xã hội, cho bản thân và gia đình người nghiện ma túy.

- Hướng dẫn, chỉ đạo các Ban, ngành, các cấp huy động lực lượng và tiềm năng sẵn có của tỉnh để thực hiện các phương thức giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện một cách hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm.

- Thường xuyên theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, nắm tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện Đề án.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương có trách nhiệm sơ kết việc thực hiện Đề án, báo cáo Chính phủ để tổng hợp báo cáo Quốc hội./.

KT.THỦTƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trương Vĩnh Trọng

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 222/2006/QĐ-TTg ngày 29/09/2006 phê duyệt Đề án thí điểm ''Tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy'' tại tỉnh Bình Dương do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.229

DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.254.114
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!