THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
1935/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 21 tháng 10
năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔ CHỨC THI TAY NGHỀ ASEAN LẦN THỨ X NĂM 2014 TẠI
VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật dạy nghề ngày 29 tháng
11 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 70/TTr-LĐTBXH ngày 19 tháng 9 năm 2013
về việc phê duyệt Đề án tổ chức thi tay nghề ASEAN lần thứ X năm 2014 tại Việt
Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án tổ chức thi tay nghề ASEAN lần
thứ X năm 2014 tại Việt Nam với các nội dung chính như sau:
1. Mục đích
Tổ chức kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ
X năm 2014 tại Việt Nam nhằm:
a) Góp phần thực hiện chủ trương hội
nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước; tăng cường tình đoàn kết,
hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia thành viên ASEAN;
b) Thúc đẩy việc học và dạy nghề, rèn
luyện kỹ năng nghề nghiệp của giới trẻ cả nước, nhất là trong các cơ sở dạy nghề,
các doanh nghiệp;
c) Phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề
quốc gia của mỗi nước thành viên nói riêng và khu vực nói chung tiến tới đạt
tiêu chuẩn kỹ năng của các nước tiên tiến của thế giới;
d) Thực hiện trách nhiệm luân phiên
giữa các nước thành viên trong cộng đồng ASEAN góp phần nâng cao vai trò, vị thế
của Việt Nam về lĩnh vực dạy nghề;
đ) Tạo cơ hội cho học sinh Việt Nam
giao lưu, gặp gỡ với thí sinh dự thi của các nước trong khu vực nhằm khuyến
khích, thu hút học sinh phổ thông trung học vào học nghề.
2. Yêu cầu
a) Tổ chức các hoạt động của kỳ thi
phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam theo thông
lệ các kỳ thi tay nghề ASEAN và quốc tế; bảo đảm kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ
X có chương trình và số lượng nghề thi tương đương với các kỳ thi đã được tổ chức
trong khu vực; bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo yêu cầu
đề thi của mỗi nghề;
b) Bảo đảm kỳ thi được tổ chức với
giá trị: “Trung thực, trong sáng, công bằng, hợp tác và sáng tạo”, thể hiện nét
đặc trưng văn hóa dân tộc, tạo ấn tượng tốt đẹp về đất nước,
con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế;
c) Tất cả các thiết bị, dụng cụ, vật
tư, nguyên nhiên vật liệu phục vụ thi tay nghề phải được trang bị mới toàn bộ
và cung cấp như nhau bảo đảm công bằng, bình đẳng đối với tất cả các vị trí làm
bài thi của mỗi thí sinh dự thi ở từng nghề thi;
d) Bảo đảm nguồn tài chính của nước
đăng cai tổ chức kỳ thi theo thông lệ tổ chức kỳ thi tay nghề ASEAN; sử dụng các
nguồn lực một cách tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông
tin trong việc điều hành và phối hợp triển khai các hoạt động của kỳ thi;
đ) Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ,
ngành, địa phương liên quan, bảo đảm tổ chức kỳ thi trang trọng, thiết thực, an
ninh và an toàn.
3. Các hoạt động chính
Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ X năm
2014 tại Việt Nam có các hoạt động chính sau đây:
a) Tổ chức thi 25 nghề trong đó có 23
nghề chính thức và 02 nghề trình diễn phù hợp với thông lệ và theo quy định của
kỳ thi;
b) Tổ chức đón, tiễn các đại biểu quốc
tế và các đoàn dự thi nước ngoài; hướng dẫn và hỗ trợ các đoàn dự thi nước
ngoài làm các thủ tục nhập cảnh và xuất cảnh; tổ chức vận
chuyển và làm các thủ tục tạm nhập, tái xuất các dụng cụ để làm bài thi của thí
sinh các đoàn dự thi nước ngoài;
c) Tổ chức các Hội nghị của Ủy ban tổ
chức, Ủy ban kỹ thuật; chuẩn bị địa điểm thi, phương tiện, máy, thiết bị, dụng
cụ, vật tư và các nội dung khác theo yêu cầu của kỳ thi;
d) Tổ chức việc ăn, ở, đi lại, phiên dịch
cho các trưởng đoàn; tổ chức việc ăn, đi lại cho các đoàn dự thi và những người
tham gia tổ chức các hoạt động của kỳ thi; chuẩn bị các dịch vụ y tế, thông tin
và truyền thông, công nghệ thông tin phục vụ cho các Hội nghị và kỳ thi;
đ) Tổ chức đội ngũ liên lạc viên,
tình nguyện viên để hỗ trợ các đoàn dự thi nước ngoài tham dự các Hội nghị và kỳ
thi; tổ chức các hoạt động giao lưu của mỗi đoàn với một trường tiểu học, giao
lưu văn hóa, văn nghệ và tham quan, du lịch cho các đoàn dự thi;
e) Thực hiện công tác thông tin,
tuyên truyền cho kỳ thi;
g) Tổ chức và thực hiện các hoạt động
và nhiệm vụ khác phục vụ tổ chức thành công các Hội nghị Ủy ban tổ chức, các Hội
nghị Ủy ban kỹ thuật và các hoạt động tổ chức thi tay nghề ASEAN lần thứ X năm 2014
phù hợp với thông lệ và theo các quy định của kỳ thi.
4. Thời gian, địa điểm tổ chức các
hoạt động chính của kỳ thi
a) Hội nghị Ủy ban tổ chức lần thứ nhất
được tổ chức vào tháng 11 năm 2013 tại thành phố Hồ Chí Minh;
b) Hội nghị Ủy ban kỹ thuật lần thứ
nhất diễn ra vào tháng 3 năm 2014 tại Thủ đô Hà Nội;
c) Tổ chức thi, các hội nghị, các cuộc
họp liên quan vào tháng 10 năm 2014 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà
Nội.
5. Kinh phí
a) Kinh phí tổ chức thi tay nghề
ASEAN lần thứ X năm 2014 do ngân sách nhà nước bảo đảm trong dự toán của Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội và từ các nguồn huy động, tài trợ hợp pháp khác. Trong đó nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho các hoạt động
như sau:
- Mua thiết bị dạy nghề kèm theo dụng
cụ, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ thi đối với các nghề thuộc danh mục nghề trọng
điểm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Được bố
trí từ nguồn vốn ngân sách của Dự án đổi mới và phát triển dạy nghề thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015;
- Mua thiết bị dạy nghề kèm theo dụng
cụ, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ thi của các nghề không thuộc danh mục nghề
trọng điểm và kinh phí tổ chức các cuộc họp, hội nghị, các hoạt động tổ chức
thi tay nghề: Được bố trí trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục đào tạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Việc mua sắm thiết bị, dụng cụ, vật
tư, nguyên vật liệu phục vụ cho kỳ thi và việc xử lý các thiết bị, dụng cụ, vật
tư, nguyên vật liệu (nếu còn) sau khi kỳ thi kết thúc thực hiện theo quy định của
pháp luật;
c) Việc lập dự toán, quản lý và quyết
toán kinh phí thực hiện Đề án tổ chức thi tay nghề ASEAN lần
thứ X năm 2014 tại Việt Nam theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các
văn bản hướng dẫn luật liên quan;
d) Bộ Tài chính, Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội hướng dẫn nội dung chi và mức chi thực hiện Đề án tổ chức
thi tay nghề ASEAN lần thứ X năm 2014 tại Việt Nam, bảo đảm kinh phí tổ chức kỳ
thi được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Thành lập Ban Chỉ đạo
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức thi tay nghề ASEAN lần
thứ X năm 2014; quy định cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của
Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức để giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
tổ chức triển khai kỳ thi đạt được các mục đích và theo yêu cầu đặt ra.
2. Phân công trách nhiệm
a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ và cơ
quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đăng
cai kỳ thi tổ chức triển khai thực hiện Đề án tổ chức thi
tay nghề ASEAN lần thứ X năm 2014, bố trí ăn, ở thuận lợi, an toàn cho các đối
tượng tham dự các hoạt động của kỳ thi;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính
lập dự toán kinh phí tổ chức thi tay nghề ASEAN lần thứ X năm 2014 theo quy định
của pháp luật về ngân sách nhà nước; phân bổ dự toán kinh phí Chương trình mục
tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề năm 2014; căn cứ phân bổ kinh phí Dự án đổi mới và phát triển dạy nghề để mua thiết bị dạy nghề kèm theo dụng cụ,
vật tư, nguyên vật liệu phục vụ thi đối với các nghề thuộc danh mục nghề trọng
điểm;
- Chủ trì tổ chức các Hội nghị, các
hoạt động triển khai thực hiện kỳ thi, tổ chức họp báo để tuyên truyền cho kỳ
thi theo quy định;
- Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh
phí theo quy định;
- Kiểm tra, giám
sát công tác chuẩn bị tổ chức các hội nghị của kỳ thi, các hoạt động tổ chức
thi.
b) Bộ Tài chính:
Bố trí kinh phí thực hiện tổ chức thi
tay nghề ASEAN lần thứ X năm 2014 theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà
nước bảo đảm triệt để tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả.
c) Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội
và thành phố Hồ Chí Minh:
Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng
bá về kỳ thi tại địa phương trong thời gian diễn ra các hội nghị và tổ chức kỳ
thi do địa phương đăng cai. Đảm bảo các tuyến phố nơi diễn ra sự kiện của kỳ
thi do địa phương đăng cai phải có các băng rôn, khẩu hiệu, áp phích tuyên truyền về kỳ thi. Bảo đảm thông tin đầy đủ, kịp thời, liên lạc thông suốt trong thời gian tổ chức các hoạt động của kỳ
thi.
d) Bộ Ngoại giao:
- Phối hợp, hỗ trợ Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội triển khai công tác tuyên truyền đối
ngoại về kỳ thi. Thông báo về sự kiện tại cuộc họp báo thường kỳ của Người phát
ngôn Bộ Ngoại giao; đăng các thông tin giới thiệu về kỳ
thi trên trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao; mời, hướng dẫn và quản lý
hoạt động của các phóng viên nước ngoài tham gia đưa tin tại kỳ thi;
- Phối hợp với Bộ Công an tạo điều kiện
thuận lợi cho các phóng viên nước ngoài, thành viên các đoàn đến Việt Nam tham
dự kỳ thi;
- Tham gia công tác lễ tân, đối ngoại
của kỳ thi.
đ) Bộ Công an:
- Phối hợp với các cơ quan liên quan
tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, ăn, ở, an ninh an
toàn cho các thành viên tham dự các hội nghị chuẩn bị kỳ
thi và các hoạt động tổ chức thi;
- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và
công an các địa phương triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn trước,
trong và sau kỳ thi.
e) Bộ Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên
truyền đầy đủ, kịp thời, chính xác mục tiêu, ý nghĩa và các hoạt động của cuộc
thi.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
và các Bộ được phân công trách nhiệm tại Điều 2, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành
phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
Thủ trưởng các cơ quan liên quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- UBVHGDTNTN và Nhi đồng của Quốc hội;
- UB các vấn đề xã hội của Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
|