HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 30/NQ-HĐND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 26 tháng 4 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2021 -
2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VII, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật Lao động năm
2019;
Căn cứ Luật người lao động
Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Luật Việc làm năm
2013;
Căn cứ Nghị định số
196/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định thành lập và hoạt
động của Trung tâm dịch vụ việc làm;
Căn cứ Nghị định số
61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ
trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày
23 tháng 9 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP
ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc
làm và Quỹ quốc gia về việc làm;
Xét Tờ trình số
3221/TTr-UBND ngày 20 tháng 4 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị
ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình việc làm tỉnh Thừa
Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban văn hóa - xã hội và ý
kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Thông qua Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế
giai đoạn 2021 - 2025, với các nội dung chính sau:
1. Mục tiêu,
chỉ tiêu
a) Mục tiêu
Giải quyết việc làm cho người
lao động, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động ở địa
phương phục vụ cho quá trình tăng trưởng, phát triển bền vững của tỉnh, giảm
thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững,
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc
Trung ương.
b) Chỉ tiêu
Giải quyết việc làm giai đoạn
2021 - 2025 cho 83.400 lao động, cụ thể: năm 2021: 16.000, năm 2022: 16.300,
năm 2023: 16.500, năm 2024: 17.000, năm 2025: 17.600. Trong đó, tạo việc
làm thông qua phát triển các ngành kinh tế của tỉnh cho 61.400 lao động; hỗ trợ
tạo việc làm cho 12.000 lao động thông qua các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về
việc làm; đưa 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó
có 3.000 lao động thuộc diện chính sách.
Tỷ lệ thất nghiệp dưới mức 1,5%
(thất nghiệp thành thị dưới 2,1%).
Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo
đạt 70 - 75%.
100% người lao động đến Trung
tâm dịch vụ việc làm được tư vấn về chính sách, việc làm và học nghề, trong đó
70% người lao động được giới thiệu việc làm và 50% người lao động tìm được việc
làm.
2. Đối tượng
áp dụng: Người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu
làm việc; các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và các tổ chức có liên
quan.
3. Nhiệm vụ và
giải pháp chủ yếu
a) Đẩy mạnh phát triển kinh tế,
thu hút đầu tư để tạo việc làm
Tập trung thực hiện có hiệu quả
các chương trình, dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
nhằm tạo thêm nhiều việc làm mới, giải quyết việc làm cho người lao động.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để
huy động các nguồn lực trong tỉnh, nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước, nước
ngoài vào các ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế, tạo ra giá trị gia tăng
cao, thu hút nhiều lao động.
Phát triển nhanh khu, cụm công
nghiệp - xây dựng, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, cụm
công nghiệp tập trung. Tập trung hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu - cụm
công nghiệp, khuyến khích mọi thành phần kinh tế vào phát triển cụm liên kết
ngành công nghiệp.
Phát triển nông nghiệp toàn diện,
bền vững trên cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng năng
suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản.
b) Phát triển doanh nghiệp,
doanh nhân và thực hiện tốt chính sách tín dụng việc làm để tạo việc làm mới
Đổi mới sáng tạo các doanh nghiệp
hoạt động dịch vụ việc làm, làm cơ sở vững chắc cung cấp dịch vụ lao động trên
địa bàn, nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
Thực hiện tốt chính sách tín dụng
việc làm nhằm tạo việc làm thông qua hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về
việc làm và từ các tổ chức tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc
làm cho người lao động.
Hàng năm, xem xét ưu tiên bố
trí nguồn ngân sách các cấp chính quyền địa phương để bổ sung vốn cho vay giải
quyết việc làm ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và Phòng
giao dịch ngân hàng chính sách xã hội các huyện, thị xã để cho vay tạo việc làm,
duy trì và mở rộng việc làm.
c) Hỗ trợ người lao động đi làm
việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng
Thực hiện theo Nghị quyết của Hội
đồng nhân dân tỉnh về việc quy định một số chế độ chính sách hỗ trợ người lao động
trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
d) Hỗ trợ phát triển thị trường
lao động, đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động
Đầu tư nâng cao năng lực, phát
huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm; đẩy mạnh công tác tư vấn,
giới thiệu việc làm, cung cấp kịp thời thông tin về thị trường lao động cho người
lao động, người sử dụng lao động; đồng thời kết nối với các tỉnh khác trong
toàn quốc.
Thực hiện tốt công tác điều tra
cung - cầu lao động; thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động
theo qui định; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực; củng cố, nâng cao năng
lực công tác dự báo và thông tin thị trường lao động.
đ) Đổi mới công tác quản lý nhà
nước về giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm:
Đổi mới, nâng cao chất lượng
giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng
cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đào tạo nghề gắn với
nhu cầu xã hội, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt
hơn nữa công tác định hướng, tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung
học cơ sở và trung học phổ thông để thu hút tham gia học nghề.
Có cơ chế quy định quyền, trách
nhiệm của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tham gia vào quá trình đào tạo
nghề, tuyển dụng lao động. Thực hiện ký kết và tổ chức đào tạo theo nhu cầu của
doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động.
e) Truyền thông, nâng cao năng
lực thực hiện chương trình
Tăng cường công tác tuyên truyền,
phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm
nâng cao nhận thức cho người dân về giải quyết việc làm.
g) Tăng cường công tác quản lý
Tăng cường quản lý nhà nước về
lao động, việc làm ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở; thường xuyên nắm bắt thực
tiễn để bổ sung, sửa đổi, cải tiến cơ chế, chính sách, điều chỉnh các biện pháp
thực hiện việc giải quyết việc làm phù hợp với từng năm.
Điều 2.
Kinh phí thực hiện
Tổng kinh phí thực hiện dự kiến
là: 148.700 triệu đồng, trong đó:
a) Ngân sách Trung ương: 61.000
triệu đồng;
b) Ngân sách tỉnh: 87.700 triệu
đồng.
Điều 3. Tổ
chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng
nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật
quy định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, kỳ họp chuyên đề lần thứ 15 thông qua
ngày 26 tháng 4 năm 2021./.