HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
04/2008/NQ-HĐND
|
Hải
Phòng, ngày 18 tháng 4 năm 2008
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP, CÔNG NGHIỆP HÓA,
HIỆN ĐẠI HÓA THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2010, 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
HẢI PHÒNG
KHOÁ XIII, KỲ HỌP THỨ 12
(Từ ngày 17 đến ngày 18 tháng 4 năm 2008)
Căn cứ Luật
Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Sau khi xem
xét Tờ trình số 07/TTr-UBND ngày 08/4/2008 và Đề án số 1798/UBND -VX ngày
08/4/2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu
phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập, công nghiệp hóa,
hiện đại hóa thành phố đến năm 2010, 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn
hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng
nhân dân thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều
1. Thông qua Đề án số 1798/UBND-VX ngày 08/4/2008 của Uỷ ban
nhân dân thành phố về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu phát triển nhân lực
chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố
đến năm 2010, 2020 và nhấn mạnh một số vấn đề sau:
1. Mục tiêu tổng quát
Phát
triển nhân lực chất lượng cao, tập trung vào nhân lực lãnh đạo, quản lý; nhân lực
khoa học công nghệ; nhân lực lao động kỹ thuật đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng,
có cơ cấu phù hợp nhu cầu sử dụng, từng bước tiếp cận trình độ khu vực và quốc
tế; sử dụng có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về nhân lực xây dựng, phát triển kinh
tế, xã hội của thành phố nhanh, bền vững, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại
hóa; tích cực tham gia có hiệu quả vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; nâng
cao đời sống nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể
Xây
dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng,
phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; đảm bảo
sự chuyển tiếp liên tục và hợp lý giữa các thế hệ; bảo đảm nguồn cán bộ để mỗi
nhiệm kỳ đổi mới 30 - 40% cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành.
Xây
dựng đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp có trình độ, khả năng quản lý điều
hành doanh nghiệp hoạt động đạt hiệu quả cao. Đến năm 2015, 80% cán bộ quản lý
doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế trọng điểm của thành phố thông thạo tin học,
ngoại ngữ, am hiểu pháp luật, cập nhật kiến thức hội nhập quốc tế.
Phấn
đấu đến năm 2020, nhân lực khoa học công nghệ trực tiếp tham gia hoạt động
nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có cơ cấu hợp lý, có 240 tiến sĩ,
1.650 thạc sĩ ; tiến dần tới trình độ khá của khu vực. Chú trọng xây dựng đội
ngũ chuyên gia giỏi, cán bộ khoa học công nghệ đầu đàn.
Nhân
lực lao động kỹ thuật có 720.000 người vào năm 2010 và 900.000 người vào năm
2020; nhanh chóng nâng cao chất lượng lao động (lao động qua đào tạo nghề đạt
60 - 65% vào năm 2010 và 85 - 90% vào năm 2020), chú trọng bồi dưỡng kiến thức
pháp luật, ý thức và kỷ luật lao động, ngoại ngữ, tin học, phẩm chất, đạo đức
nghề nghiệp.
3. Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
3.1.
Tập trung sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền dưới sự lãnh
đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng; huy động sự tham gia tích cực của các ngành,
đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội, các cơ quan, đơn vị trong phát triển
nhân lực, nhân lực chất lượng cao đến năm 2010, 2020. Xác định đây là nhiệm vụ
quan trọng trước mắt và lâu dài, gắn với quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát
triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thực hiện có hiệu quả cải
cách hành chính, đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, thu hút đầu tư, hợp tác
trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lao động;
đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tạo
môi trường phát triển nhân lực chất lượng cao, đảm bảo đủ nhân lực thực hiện
các nhiệm vụ của thành phố.
3.2. Các
cấp, các ngành, các cơ quan thông tin tuyên truyền của thành phố đẩy mạnh và đa
dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền về vị trí, vai trò của nhân lực
chất lượng cao đối với sự nghiệp phát triển của Thành phố nhằm nâng cao nhận thức,
thay đổi quan điểm, hành động và tâm lý xã hội trong việc lựa chọn nghề nghiệp,
đảm bảo nhân lực thành phố phát triển cân đối, đáp ứng các nhu cầu của xã hội,
tạo động lực phát triển nhân lực chất lượng cao.
3.3.
Xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực
Căn
cứ quy hoạch định hướng và mục tiêu phát triển chung của thành phố đến năm
2010, 2020, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm
vụ được giao tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản
lý, khoa học công nghệ, lao động kỹ thuật cao và trên cơ sở nhu cầu, dự báo
phát triển, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển
nhân lực chất lượng cao, đảm bảo tính kế thừa đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực,
kể cả nhu cầu về đưa người lao động của thành phố đi làm việc ở nước ngoài theo
hợp đồng và làm chuyên gia theo các chương trình hợp tác quốc tế.
Đối
với cán bộ lãnh đạo quản lý: nhanh chóng khắc phục hạn chế, thực hiện đồng bộ
các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nhân lực
hiện có của thành phố; đổi mới tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ,
công chức, viên chức đảm bảo khách quan, dân chủ, chất lượng; đẩy mạnh phân cấp
tuyển dụng, đề bạt, quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, được đào tạo.
Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp
vụ, pháp luật, lý luận chính trị, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, ngoại ngữ,
tin học, kiến thức hội nhập quốc tế...để nhanh chóng nâng cao năng lực quản lý,
điều hành của đội ngũ cán bộ, quản lý.
Xác
định nhu cầu, đề xuất cơ chế, chính sách, hình thức, phương pháp, cấp độ đào tạo...
đối với nhân lực khoa học công nghệ, giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học
và phát triển công nghệ phục vụ sự phát triển chung của thành phố.
Điều
tra, dự báo, xác định nhu cầu lao động kỹ thuật của từng ngành nghề, từng lĩnh
vực và toàn thành phố, làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng
lưới đào tạo nghề, đào tạo nhân lực kỹ thuật cao. Ưu tiên cho các ngành trọng
điểm và yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Sớm
triển khai xây dựng sàn giao dịch việc làm và tuyển sinh học nghề, thực hiện việc
tuyển sinh học nghề, tuyển dụng lao động công khai, minh bạch. Hình thành Trung
tâm thông tin về thị trường lao động để nắm bắt kịp thời, chính xác thực trạng,
nhu cầu lao động. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo nghề và quản
lý, sử dụng nhân lực.
3.4.
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu sử dụng cả về
số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề; củng cố, phát triển hệ thống cơ sở
đào tạo, nghiên cứu khoa học; đa dạng hóa loại hình, cấp độ đào tạo, đào tạo
theo địa chỉ, nhu cầu xã hội
Tiếp
tục phát triển toàn diện giáo dục phổ thông làm nền tảng để đào tạo nhân lực
cho thành phố, hoàn thành và củng cố vững chắc kết quả phổ cập bậc trung học và
nghề của thành phố; nghiên cứu xây dựng hệ thống tư vấn hướng nghiệp trong các
trường phổ thông, định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh ngay khi còn học ở
các bậc phổ thông, chuẩn bị mọi điều kiện về tư tưởng, trang bị kiến thức, thể
chất, giúp học sinh ra trường có thể nhanh chóng tiếp cận, thích ứng với công
việc hoặc nghề nghiệp mới.
Phối
hợp với các bộ, ngành có liên quan tập trung đầu tư xây dựng và phát triển Đại
học Hàng hải Việt Nam thành trường trọng điểm quốc gia, Trường Đại học Hải
Phòng thành trường đại học chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực; đẩy mạnh hợp
tác với các trường có uy tín trong khu vực, quốc tế để đào tạo nhân lực trình độ
cao tiếp cận và đạt trình độ khu vực, quốc tế cho thành phố và một số địa
phương trong vùng; tạo điều kiện để Trường Đại học Y Hải Phòng, Trường Đại học
Dân lập Hải Phòng và các trường cao đẳng nghề, cao đẳng nghiệp vụ, kinh tế - kỹ
thuật phát triển.
Phối
hợp với các bộ, ngành có liên quan đầu tư đồng bộ cho các Viện Tài nguyên Môi
trường biển, Viện Nghiên cứu hải sản, Viện Y học biển; chủ động đầu tư cho các
Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng... bảo đảm có đủ năng lực giải quyết các nhiệm vụ
khoa học do thực tiễn đặt ra, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Khuyến
khích và tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài xây dựng mới
Trường Đại học quốc tế sau năm 2010; thành lập mới hoặc nâng cấp 2 đến 3 trường
cao đẳng nghiệp vụ kinh tế - kỹ thuật vào năm 2010, thêm 4 đến 5 trường sau năm
2015.
Rà
soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới các trường đào tạo nghề,
đào tạo nhân lực kỹ thuật cao; Trước mắt, lựa chọn ưu tiên đầu tư 2 đến 3 trường
cao đẳng nghề trọng điểm; khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước
ngoài đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề, sau năm 2010 có từ 1 đến 2 trường đào tạo
nghề theo chương trình quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp hoàn thiện chương
trình đào tạo nghề chuyên sâu phục vụ nhu cầu đặc thù của doanh nghiệp.
Từng
bước thực hiện chuẩn hóa cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình dạy nghề. Hàng
năm tổ chức tập huấn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức khoa học công nghệ cho giáo
viên dạy nghề để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Đa dạng hóa các loại hình, cấp
độ đào tạo, đào tạo theo địa chỉ, nhu cầu xã hội. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa
các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học, trường đào tạo nghề và doanh nghiệp
để gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và sử dụng nhân lực chất
lượng cao đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Đẩy
mạnh thực hiện xã hội hóa, tăng dần tỷ lệ kinh phí từ các nguồn ngoài ngân sách
đầu tư cho giáo dục đào tạo. Phấn đấu tỷ lệ kinh phí từ các nguồn xã hội hóa đạt
59% vào năm 2010, 70% vào năm 2020 cho đào tạo sau đại học, đại học, cao đẳng
và đào tạo nghề; đồng thời tăng mức đầu tư kinh phí hàng năm cho đào tạo phù hợp
với mức tăng thu ngân sách của thành phố.
3.5.
Chủ động tạo các điều kiện đồng bộ, cần thiết để giữ vững và nâng sức hấp dẫn
thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố;
tiếp tục rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, xây dựng và triển khai đồng bộ các cơ
chế, chính sách để phát triển nhân lực chất lượng cao:
Đẩy
mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh để tạo
môi trường thúc đẩy nhu cầu sử dụng và thu hút nhân lực lao động chất lượng
cao;
Chính
sách khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng Trường Đại học quốc tế, Trường Đào tạo
nghề chất lượng cao trên địa bàn thành phố;
Chính
sách hỗ trợ các trường đào tạo của Trung ương trên địa bàn;
Chính
sách đào tạo, thu hút, sử dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao; chính sách đối
với cán bộ, công chức, viên chức, những người có trình độ cao làm việc, đóng góp
cho sự phát triển của thành phố; học sinh năng khiếu đặc biệt được cử đi đào tạo,
học tập ở trong nước và nước ngoài;
Chính
sách khuyến khích cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản về công tác tại cơ sở;
Cơ
chế liên kết giữa các tổ chức nghiên cứu, các trường đại học, các trường đào tạo
nghề và doanh nghiệp;
Cơ
chế thu hút, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất
lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe, giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mỹ, bảo vệ
môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và phát triển nhân lực chất lượng
cao;
Các
cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp chủ động xây dựng và thực hiện cơ
chế cụ thể phát triển nhân lực chất lượng cao phù hợp.
3.6.
Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong việc đào tạo, phát triển, sử dụng
nhân lực chất lượng cao
Thực
hiện đa dạng hóa nội dung, hình thức, nguồn lực đầu tư để tăng cường hợp tác
đào tạo; trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần
quan tâm quy hoạch phát triển nhân lực; cung ứng dịch vụ công, tạo môi trường
thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế. Coi trọng hợp tác với các
cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và nước ngoài, hợp tác đào tạo cán bộ trình
độ cao; công nhân kỹ thuật phục vụ cho các lĩnh vực. Các cơ sở đào tạo chủ động
hợp tác, liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu
trong nước và nước ngoài.
Mở
rộng các hình thức thu hút, sử dụng chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức
quốc tế; tích cực hợp tác với đội ngũ trí thức, chuyên gia là Việt kiều để tranh
thủ kiến thức, kinh nghiệm, tài chính trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng
cao.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Giao Uỷ ban
nhân dân thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Hội đồng nhân
dân thành phố bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể; định kỳ sơ kết, tổng kết
và bổ khuyết các nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp trình Hội đồng nhân dân xem
xét, quyết định cơ chế chính sách cụ thể theo thẩm quyền.
Giao Thường trực
Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu của Hội đồng nhân
dân thành phô đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Đề nghị Uỷ ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ
chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia
thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này
đã được Hội đồng nhân dân thành phố khóa XIII, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 18
tháng 4 năm 2008./.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thuận
|