BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
CỤC
HÀNG KHÔNG
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 899/HD-CHK
|
Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2013
|
HƯỚNG
DẪN
THỰC
HIỆN THÔNG TƯ SỐ 61/2011/TT-BGTVT NGÀY 21/12/2011 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI QUY ĐỊNH VỀ NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG, CƠ SỞ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ NHÂN
VIÊN HÀNG KHÔNG VÀ CƠ SỞ ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ TIẾNG ANH NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG
Ngày 21/12/2011 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã ban hành Thông
tư số 61/2011/TT-BGTVT quy định về nhân viên hàng không, cơ sở đào tạo, huấn
luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không và cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh nhân
viên hàng không (sau đây gọi tắt là Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT).
Để Thông tư được triển khai thực hiện một cách thống nhất, đầy đủ và hiệu quả, Cục
Hàng không Việt Nam (Cục HKVN) hướng dẫn một số nội dung chính như sau:
A.
KHÁI QUÁT THÔNG TƯ
Kết cấu của
Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT gồm 5
Chương và 34 Điều; Mục đích cụ thể hoá, hệ thống hoá và hướng dẫn chi tiết thực
hiện các nội dung quy định tại Điều 68, 69, 70 quy định về “Nhân
viên hàng không” của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006. Nội dung chính
của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT quy định chi tiết 3 vấn đề chính như sau:
(1) Nhân
viên hàng không
(2) Cơ sở
đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không tại Việt Nam
(3) Cơ sở
đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không
B.
NỘI DUNG CHÍNH CỦA THÔNG TƯ SỐ 61/2011/TT-BGTVT
I. VỀ NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG
1. Về chức danh nhân viên hàng không (Điều
3)
Điều 68
Chương IV của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) năm 2006 quy định: Nhân
viên hàng không là những người hoạt động liên quan trực tiếp đến bảo đảm an
toàn hàng không, an ninh hàng không, khai thác tàu bay, vận chuyển hàng không,
hoạt động bay và có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp do Bộ GTVT cấp hoặc
công nhận. Như vậy, tuy cùng làm việc trong một đơn vị của ngành Hàng không Việt
Nam, nhưng chỉ có những người hội đủ các yếu tố trên mới được coi là Nhân
viên hàng không, còn lại các nhân viên khác được gọi chung là nhân viên
ngành hàng không.
Theo
đó, Điều 3 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT quy định 14 chức
danh nhân viên hàng không, bao gồm:
1. Thành
viên tổ lái.
2. Giáo
viên huấn luyện bay.
3. Tiếp
viên hàng không.
4. Nhân
viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay.
5. Nhân
viên không lưu.
6. Nhân
viên thông báo tin tức hàng không.
7. Nhân
viên thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không.
8. Nhân
viên khí tượng hàng không.
9. Nhân
viên điều độ, khai thác bay.
10. Nhân
viên thiết kế phương thức bay hàng không dân dụng.
11. Nhân
viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không.
12. Nhân
viên điều
khiển, vận hành thiết bị
hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân
bay.
13. Nhân
viên an ninh hàng không.
14. Nhân
viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay.
Lưu ý: Các chức
danh nêu trên phù hợp theo nhóm chuyên môn và mỗi nhóm chuyên môn lại bao gồm
các vị trí, công việc cụ thể hơn và được quy định chi tiết tại các văn bản
chuyên ngành khác có liên quan. Ví dụ:
a)
Theo
quy định tại khoản 2 Điều 10 “Quy chế không lưu hàng không dân dụng”
ban hành kèm theo Quyết định số 32/2007/QĐ-BGTVT ngày 05/7/2007 của Bộ trưởng
Bộ GTVT thì nhân viên không lưu làm việc ở các vị trí sau:
- Nhân viên
thủ tục bay;
- Nhân viên
thông báo, hiệp đồng bay;
- Kiểm soát
viên mặt đất tại sân bay
- Kiểm soát
viên không lưu tại sân bay;
- Kiểm soát
viên không lưu tiếp cận ra đa, không ra đa;
- Kiểm soát
viên không lưu đường dài ra đa, không ra đa;
- Kíp trưởng
không lưu;
- Huấn luyện
viên không lưu;
- Nhân viên
đánh tín hiệu;
b)
Theo quy
định tại khoản 1 Điều 15 "Quy chế thông báo tin tức hàng
không" ban hành kèm theo Quyết định số 21/2007/QĐ-BGTVT ngày 06/4/2007
của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thì Nhân viên thông báo
tin tức hàng không làm việc ở các vị trí sau:
- Nhân viên
thông báo tin tức hàng không tại cảng hàng không, sân bay (AIS Aerodrome unit
officer);
- Nhân viên
thông báo thông báo tin tức hàng không tại Phòng NOTAM quốc tế (NOF officer);
- Nhân viên
biên soạn các tài liệu thông báo tin tức hàng không (AIS documentation/editing/text
producing officer);
- Nhân viên đồ
bản hàng không (aeronautical cartography officer);
- Nhân viên
cơ sở dữ liệu thông báo tin tức và bản đồ hàng không (AIS/MAP data base
officer).
2. Nhiệm vụ theo chức danh nhân viên hàng không (Điều 4)
Điều 4 Thông
tư số 61/2011/TT-BGTVT chỉ quy định các nhiệm vụ chính của nhân viên
hàng không theo 14 chức danh nêu trên.
Đây là những
nhiệm vụ mục tiêu mà nhân viên hàng không có trách nhiệm phải đạt tới và hoàn
thành một cách tốt nhất để đảm bảo an toàn trong hoạt động giao thông hàng
không. Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ở vị trí chức danh công việc được giao
nhân viên hàng không còn phải thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được quy định tại
các văn bản Quy phạm pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.
Ví dụ: tại Điều 11 của “Quy chế không lưu hàng không dân dụng” ban hành kèm
theo Quyết định số 32/2007/QĐ-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT (gọi tắt là Quy
chế không lưu) quy định nhiệm vụ cụ thể của 9 vị trí đối với nhân viên
không lưu, như: nhân viên không lưu thực hiện nhiệm vụ ở vị trí “Thông báo
bay”, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ sở Thông báo, hiệp đồng
bay gồm:
- Nhận các phép bay
do cơ quan có thẩm quyền cấp; lập kế hoạch hoạt động bay hàng ngày, theo mùa;
thông báo kế hoạch hoạt động bay tới các đầu mối liên quan và hiệp đồng triển
khai thực hiện phép bay;
- Theo dõi, giám sát
diễn biến hoạt động bay;
- Hiệp đồng với các
cơ sở điều hành bay dân dụng, các cơ quan, đơn vị quản lý vùng trời, quản lý
bay thuộc Bộ Quốc phòng để đảm bảo an toàn cho hoạt động bay;
- Phối hợp xử lý theo
thẩm quyền các trường hợp bất thường, thông báo và đưa ra các thông tin, khuyến
cáo trong quá trình thông báo, hiệp đồng bay.
3. Tiêu chuẩn nhân viên hàng không (Điều 5)
Điều
5 Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT chỉ quy định tiêu chuẩn chung đối với
nhân viên hàng không, các tiêu chuẩn cụ thể theo vị trí chức danh công việc được
quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hàng không khác liên
quan, như: Thành viên tổ lái, giáo viên bay, tiếp viên trên không được quy
định tại Phần 7 (P.7), sức khoẻ tại mục 8.007 (P.8) Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT
ngày 27/01/2011 Ban hành Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu
bay và khai thác tàu bay (gọi tắt là Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT); Nhân viên
không lưu được quy định tại Quy chế không lưu; Nhân viên thông báo tin tức
hàng không được quy định tại Quy chế Thông báo tin tức hàng không...). Do vậy
khi thực hiện cần tham chiếu các văn bản liên quan.
4. Chứng chỉ chuyên môn nhân viên hàng không (Điều
6)
Điều 6 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVTquy định chứng
chỉ chuyên môn nhân viên hàng không (viết tắt là CCCM); gồm một trong các loại
sau:
a)
Văn bằng, chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản chuyên ngành HK của
cơ sở đào tạo tại Việt Nam theo hệ thống giáo dục quốc dân;
b)
Chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo, huấn luyện cơ bản chuyên ngành hàng
không của cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không tại Việt Nam
được Cục HKVN cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo huấn luyện nghiệp
vụ nhân viên hàng không;
c)
Chứng
chỉ hoàn thành chương trình đào tạo, huấn luyện cơ bản chuyên ngành hàng không
của cơ sở đào tạo là thành viên chính thức của Tổ chức đào tạo về hàng không
dân dụng của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (TRAINAIR/ICAO); Hiệp hội vận
tải hàng không quốc tế (IATA); cơ sở sản xuất, chế tạo thiết bị, phương tiện
phù hợp; cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không của nước
ngoài đã được Cục HKVN công nhận theo quy định tại Điều 23 của Thông
tư số 61/2011/TT-BGTVT và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác
về chuyên ngành hàng không.
Lưu
ý:
Tại
điểm a:
Văn
bằng, chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản chuyên ngành hàng không
của cơ sở đào tạo tại Việt Nam theo hệ thống giáo dục quốc dân được coi là chứng
chỉ chuyên môn; Tuy nhiên theo quy định tại Điều 15, 16, 17,
18, 19 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT về yêu cầu chung và yêu cầu tối thiểu
đối với cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không thì các cơ sở
này cũng phải đáp đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình,
giáo trình tài liệu, giáo viên theo quy định của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT
thì văn bằng, chứng chỉ của các cơ sở này mới được coi là CCCM;
Ví
dụ: văn bằng, chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo cơ bản chuyên ngành
hàng không của Học viện Hàng không Việt Nam cấp được coi là chứng chỉ chuyên
môn trong trường hợp Chương trình đào tạo đã được Cục HKVN phê duyệt và Học viện
phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 15,
16, 17, 18, 19 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT trên cơ sở kết quả kiểm
tra, đánh giá và chứng nhận của Cục Hàng không Việt Nam.
Đối
với thành viên tổ lái (phi công), chứng chỉ chuyên môn là chứng chỉ hoàn thành
chương trình đào tạo phi công tại cơ sở đào tạo đã được Cục Hàng không Việt Nam
kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận hoặc công nhận cơ sở đủ điều kiện đủ điều
kiện đào tạo, huấn luyện.
Tại
điểm c: Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT có quy định
“Chứng chỉ chuyên môn nhân viên hàng không quy định tại điểm c chỉ được công nhận
tại Việt Nam với điều kiện người có chứng chỉ được đào tạo bổ sung các nội dung
chưa được đào tạo theo chương trình đào tạo, huấn luyện cơ bản
chuyên ngành hàng không quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 của
Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT tại cơ sở đào tạo, huấn luyện được Cục HKVN cấp
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng
không”. Nội dung này được hiểu như sau:
Ví
dụ: Một nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không tại khu vực hạn chế
của Cảng HK,SB, chưa có chứng chỉ chuyên môn, được đơn vị cử tham gia khoá học điều
khiển, vận hành thiết bị hàng không tại cơ sở sản xuất, chế tạo của nước ngoài
để điều khiển, vận hành loại thiết bị, phương tiện tương ứng của đơn vị mới nhập,
sau khi hoàn thành khoá học và được cơ sở đó cấp chứng nhận tốt nghiệp thì nhân
viên này vẫn phải đào tạo bổ sung các nội dung chưa được đào tạo theo chương
trình quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 của Thông tư này.
5. Giấy phép nhân viên hàng không (Điều 7)
Giấy
phép nhân viên hàng không (trước đây gọi là giấy phép hành nghề) do Cục trưởng
Cục HKVN quyết định cấp. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng nhằm đảm
bảo an ninh, an toàn trong quá trình khai thác và cung cấp dịch vụ hàng không của
nhân viên hàng không. Để Cục HKVN có cơ sở xem xét, cấp giấy phép và năng định cho
nhân viên hàng không thì nhân viên đó phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo
quy định tại Điều 5 và tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT;
trong đó, một số nhân viên phải tuân thủ thời gian huấn luyện tại vị trí làm việc
theo các quy định tại các văn bản Quy phạm pháp luật khác về chuyên ngành hàng
không có liên quan như: Nhân viên không lưu là 12 tháng; nhân viên thông báo
tin tức hàng không và nhân viên khí tượng hàng không là 9 tháng; nhân viên
thông tin, dẫn đường, giám sát và nhân viên điều độ, khai thác bay là 03 tháng
theo Thông tư số 22/2011/TT-BGTVT , ngày 31/3/2011 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định
về thủ
tục hành chính thuộc lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay (gọi tắt là Thông tư
số 22/2011/TT-BGTVT).
Đối
với Thành viên tổ lái, sau khi có chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo phi
công tại
cơ sở đào tạo, được
Cục HKVN cấp giấy phép lái tàu bay (Commercial Pilot License - CPL hoặc Private
Pilot License -PPL), để được kiểm tra và cấp năng định lái tàu bay, thành viên
đó phải hoàn thành chương trình huấn luyện chuyển loại theo chủng loại tàu bay
và hạng tàu bay. Nội dung chi tiết theo quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ;
hoặc đối với Nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, sau khi
hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp chứng chỉ chuyên môn, nhân viên này
phải hoàn thành khóa huấn luyện chuyển loại theo kiểu, tàu bay và thực hành
trên loại tàu bay thời gian 2 tháng và có thời gian tích lũy kinh nghiệm thực tế
tại cơ sở bảo dưỡng tàu bay 12 tháng.
Tuy nhiên,
không phải là nhân viên hàng không nào cũng yêu cầu khi thực hiện nhiệm vụ phải
có giấy phép, theo quy định tại Điều 7 của Thông tư số
61/2011/TT-BGTVT thì trong 14 chức danh, chỉ có 11 chức danh khi thực hiện
nhiệm vụ phải có giấy phép, còn lại 3 chức danh, gồm: Tiếp viên hàng không;
Nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hàng không; Nhân viên khai thác mặt đất phục vụ
chuyến bay chỉ cần có chứng chỉ chuyên môn mà không cần phải có giấy phép.
Ngoài
ra, một số vị trí đặc biệt khác như thành viên tổ lái, kiểm soát viên không lưu
phải có chứng nhận của Cục HKVN về trình độ tiếng Anh mức 4 (Level 4) theo quy
định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (gọi tắt là ICAO) và chứng nhận sức
khỏe (bao gồm cả tiếp viên hàng không và nhân viên thông tin,
dẫn đường, giám sát thực hiện nhiệm vụ bay hiệu chuẩn) theo quy định của
pháp luật. Nhân viên thông báo tin tức hàng không phải có chứng nhận trình độ
tiếng Anh mức 3 (Level 3) theo quy định tại Quy chế thông báo tin tức hàng
không.
6.
Cấp giấy phép nhân viên hàng không (Điều
8)
Việc cấp giấy
phép nhân viên hàng không thuộc thẩm quyền của Cục HKVN (Nhà chức trách hàng
không) thông qua 04 Hội đồng kiểm tra cấp giấy phép nhân viên hàng không theo
nhóm chuyên môn được thành lập theo các Quyết định số: 4401; 4402; 4403; 4404/QĐ-CHK
ngày 24/12/2008 của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, gồm:
(1). Hội đồng
kiểm tra cấp giấy phép nhân viên hàng không nhóm “Khai thác bay và kỹ thuật tàu
bay” theo Quyết định số 4401/QĐ - CHK, do Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay
là chủ tịch Hội đồng, giúp Cục trưởng thực hiện việc kiểm tra để cấp giấy phép
và năng định cho các chức danh: thành viên tổ lái; giáo viên huấn luyện bay; tiếp
viên hàng không; nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay.
Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay là cơ quan thường trực của Hội đồng.
(2). Hội đồng
kiểm tra cấp giấy phép nhân viên hàng không nhóm “Quản lý hoạt động bay” theo
Quyết định số 4402/QĐ - CHK, do Trưởng phòng Quản lý hoạt động bay là chủ tịch
Hội đồng, giúp Cục trưởng thực hiện việc kiểm tra để cấp giấy phép và năng định
cho các chức danh: nhân viên không lưu; nhân viên thông báo tin tức hàng không;
nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không; nhân viên khí tượng hàng
không, nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên đánh tín hiệu; nhân viên thiết
kế phương thức bay hàng không dân dụng và nhân viên tìm kiếm, cứu nạn hàng
không. Phòng Quản lý hoạt động bay là cơ quan thường trực của Hội đồng.
(3). Hội đồng
kiểm tra cấp giấy phép nhân viên hàng không nhóm “Điều khiển, vận hành phương
tiện, trang bị, thiết bị tại khu bay” (nay là nhóm điều khiển, vận hành thiết bị
hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân
bay) theo
Quyết định số 4403/QĐ - CHK, do Trưởng phòng Quản lý cảng hàng không, sân
bay là chủ tịch Hội đồng, giúp Cục trưởng thực hiện việc kiểm tra để cấp giấy
phép và năng định cho chức danh: nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị
hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng HK,SB. Phòng Quản
lý Cảng hàng không, sân bay là cơ quan thường trực của Hội đồng.
(4). Hội đồng
kiểm tra cấp giấy phép nhân viên hàng không nhóm “An ninh hàng không”
theo Quyết định số 4404/QĐ - CHK, do Trưởng phòng An ninh hàng không là chủ tịch
Hội đồng, giúp Cục trưởng thực hiện việc kiểm tra để cấp giấy phép và năng định
cho chức danh: nhân viên an ninh hàng không. Phòng An ninh hàng không là cơ
quan thường trực của Hội đồng.
Quy trình
cấp giấy phép do các Hội đồng thực hiện theo “Quy chế làm việc của Hội đồng kiểm
tra cấp giấy phép nhân viên hàng không” ban hành kèm theo Quyết định số 4405/QĐ
- CHK ngày 24/12/2008 của Cục trưởng Cục HKVN.
7.
Tiêu chuẩn, điều kiện người được cấp và thủ tục cấp, công nhận giấy phép nhân
viên hàng không
Cục HKVN chỉ
cấp giấy phép và năng định nhân viên hàng không đối với những trường hợp đáp ứng
đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn nêu tại Điều 5 và tại khoản 2 Điều
7 Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT và theo thủ tục nêu tại Điều 8 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT và các văn bản quy phạm
pháp luật khác về chuyên ngành hàng không có liên quan như: nhân viên hàng
không nhóm quản lý hoạt động bay quy định tại Thông tư số 22/2011/TT-BGTVT ngày
21/3/2011.
8.
Thời hạn và giá trị hiệu lực của giấy phép nhân viên hàng không (Điều 9)
Thời hạn hiệu
lực của giấy phép: là giới hạn khoảng thời gian sử dụng nhất định được ghi
trên giấy phép từ lúc cấp cho đến khi hết hạn sử dụng.
Các văn bản trước đây quy định hiệu lực của giấy phép tối đa không quá 5
năm; tại Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT quy định thời hạn là 7 năm, trường hợp
văn bản quy phạm pháp luật khác về chuyên ngành hàng không có quy định khác thì
áp dụng theo quy định tại các văn bản đó. Như vậy thời hạn hiệu lực của giấy
phép quy định chung là 7 năm, nhưng nếu các văn bản quy phạm pháp luật chuyên
ngành khác có quy định khác thì thực hiện theo văn bản đó. Ví dụ: theo Thông tư số
01/2011/TT-BGTVT
thì thời hạn hiệu lực của giấy phép đối với thành
viên tổ lái được quy định là 5 năm.
Giá trị hiệu
lực của giấy phép:
Khoản
2 Điều 9 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT quy định: “giấy phép
chỉ có giá trị hiệu lực khi năng định còn hiệu lực”; như vậy, giấy phép chỉ
có giá trị hiệu lực khi các điều kiện kèm theo giấy phép (năng định được ghi
trên giấy phép có thời hạn 1, 2 hoặc 3 năm) và chứng nhận đủ điều kiện về sức
khoẻ còn hiệu lực (thành viên tổ lái, kiểm soát viên không lưu).
Ví dụ: Ông T là
kiểm soát viên không lưu, được Cục HKVN cấp Giấy phép nhân viên không lưu có thời
hạn hiệu lực là 7 năm (theo Quy chế không lưu) kể từ 15/8/2011 đến 15/8/2018),
năng định ghi trên giấy phép là 12 tháng kể từ ngày cấp giấy phép; giấy chứng
nhận đủ điều kiện sức khoẻ là 12 tháng kể từ ngày 10/3/2011. Như vậy giấy phép
của ông T có giá trị hiệu lực đến 10/3/2012, kể từ ngày 11/3/2012 ông T phải được
giám định lại sức khoẻ, nếu đủ điều kiện mới được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ; đến
ngày 15/8/2012 ông T phải hoàn thành và đạt kết quả kỳ kiểm tra năng định của Cục
HKVN theo quy định thì mới được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
9.
Năng định nhân viên hàng không (Điều 11)
Khái niệm: Năng định
là chứng nhận về năng lực chuyên môn của nhân viên hàng không đáp ứng đủ điều
kiện thực hiện nhiệm vụ theo chức danh ghi trong giấy phép NVHK. Danh mục năng
định nhân viên hàng không được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư
số 61/2011/TT-BGTVT .
Ngoài ra, theo
Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT thì năng định đối với thành viên tổ lái được quy định
chi tiết hơn theo chủng loại tàu bay (máy bay, Thiết bị bay tạo lực nâng bằng động
cơ; cánh quay; tàu lượn; tàu bay nhẹ hơn không khí) và theo hạng tàu bay (Một động
cơ; Thủy phi cơ-Một động cơ; Nhiều động cơ; Thủy phi cơ-Nhiều động cơ).
Thời hạn hiệu
lực của năng định: Trước đây quy định thời hạn năng định có 3 mốc: 36, 24,
12 tháng đối với mỗi loại nhân viên khác nhau, tại Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT
quy định thời hạn hiệu lực của năng định là thời hạn hiệu lực của giấy phép, trừ
các trường hợp được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật khác về
chuyên ngành hàng không. Điều này có nghĩa là thông thường thời hạn năng định tối
đa là 7 năm nếu không có quy định nào khác.
Tuy nhiên,
trên thực tế thì chỉ có Nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị
hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân
bay có
thời hạn hiệu lực của năng định là thời hạn hiệu lực của giấy phép (7 năm); còn
lại thời hạn năng định của hầu hết các nhân viên khác như: Nhân viên không lưu,
khí tượng, thành viên tổ lái, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị
tàu bay; nhân viên an ninh hàng không … đều được quy định tại các văn bản quy
phạm pháp luật khác về chuyên ngành hàng không có liên quan.
Khi năng định
ghi trên Giấy phép hoặc giấy chứng nhận sức khỏe đã hết hạn, người có giấy phép
nếu muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phải đề nghị kiểm tra để cấp (gia hạn) năng
định hoặc giám định (lại) sức khoẻ theo quy định. Các vị trí năng định được quy
định tại Phụ lục số III ban hành
kèm theo Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT .
Lưu
ý:
Một
nhân viên hàng không có thể có nhiều năng định, ví dụ: nhân viên điều khiển, vận
hành thiết bị hàng không, phương tiện tại khu vực hạn chế tại cảng HK, SB có thể
được Cục HKVN kiểm tra cấp năng định trên nhiều loại thiết bị, phương tiện khác
nhau nếu đủ điều kiện theo quy định.
Các
nhóm thiết bị, phương tiện do các cơ sở cung cấp dịch vụ phân chia thứ tự từ thấp
đến cao (I, II, III) theo nguyên tắc thiết bị có độ điều khiển, vận hành càng
phức tạp và mức độ tiếp cận càng gần tàu bay thì phân nhóm càng cao. Trong quá
trình đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên môn cho nhân viên hàng không của lĩnh vực
này cũng thực hiện theo nhóm thiết bị.
Nhân
viên hàng không có nhiều loại năng định ghi trên giấy phép phải thực hiện chế độ
huấn luyện định kỳ và phục hồi (nếu có) đối với tất cả các năng định đã được cấp
theo quy định.
II. VỀ CƠ SỞ ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ NHÂN VIÊN HÀNG
KHÔNG
1.
Mục đích
Nhằm chuẩn
hoá cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không, đáp ứng yêu cầu
đào tạo, huấn luyện, phát triển đội ngũ nhân viên hàng không có đủ năng lực
chuyên môn bao gồm cả kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc và duy trì đủ điều
kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ ở vị trí chức danh công việc chuyên môn đảm bảo
an toàn, chất lượng, hiệu quả trong quá trình khai thác và cung cấp dịch vụ
hàng không theo quy định của pháp luật, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của ICAO
và thông lệ quốc tế.
2.
Cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không
Theo Thông tư
số 61/2011/TT-BGTVT , cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không
được hiểu là cơ sở có hoạt động đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về
nhân viên hàng không liên quan tới 14 chức danh nhân viên hàng không được quy
định tại Điều 3 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT. Cơ sở đào
tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không (gọi tắt là cơ sở) có
thể là một Trường, Học viện, Trung tâm hoặc một tổ chức, một doanh nghiệp.
Cơ sở có thể là một pháp nhân hoặc tổ chức thuộc pháp nhân, ví dụ:
a) Học viện
hàng không Việt làm là cơ sở đào tạo tại Việt Nam theo hệ thống giáo dục quốc
dân, là một pháp nhân.
b) Trung tâm
đào tạo - huấn luyện Tân Sơn Nhất trực thuộc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất,
Tổng Công ty Cảng HKVN (Trung tâm đào tạo Tân Sơn Nhất) là một cơ sở đào tạo
thuộc pháp nhân là Tổng Công ty Cảng HKVN.
c) Trung tâm
đào tạo VAECO là một cơ sở đào tạo thuộc pháp nhân là Công ty TNHH kỹ thuật máy
bay (VAECO).
3.
Yêu cầu đối với cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên HK
Ngoài các quy
định chung theo quy định của pháp luật về giáo dục, đào tạo đối với các cơ sở
đào tạo, huấn luyện; nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân
viên hàng không đáp ứng yêu cầu khai thác, cung cấp dịch vụ hàng không, yêu
cầu đối với cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không phải đáp ứng
các điều kiện được quy định tại Điều 15, 16, 17, 18, 19 của Thông
tư số 61/2011/TT-BGTVT .
Lưu ý:
a) Về tổ
chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý và hệ thống văn bản quản lý (Điều 15)
- Cơ sở phải
chứng minh được cơ cấu tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, nhân viên có đủ năng
lực và điều kiện để tổ chức, quản lý, điều hành và thực hiện hoạt động đào tạo,
huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không;
- Phải xây
dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý hoạt động đào tạo, huấn luyện nghiệp
vụ nhân viên hàng không, trong đó cần xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động của
cơ sở đào tạo (tham khảo mẫu tại Phụ lục số 1
kèm theo Hướng dẫn này); các quy định về giáo viên, học viên, quy trình
đào tạo, huấn luyện, kiểm tra, thi, công nhận tốt nghiệp theo quy định (trừ trường
hợp đã được quy định trong Quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở).
b) Về trang
bị, thiết bị (Điều 16): Cơ sở phải phải đáp ứng các yêu cầu
tối thiểu theo quy định tại Điều 16 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT;
phải báo cáo cụ thể danh mục về số lượng, chủng loại và tình trạng kỹ thuật,
công nghệ đáp ứng chương trình và yêu cầu đào tạo, huấn luyện đối với từng chức
danh nhân viên hàng không; nếu là thiết bị thuê phải có hợp đồng hoặc văn bản
thoả thuận. Đối với các thiết bị mô phỏng, thiết bị giả định phải được Cục HKVN
cấp phép khai thác.
c) Về
giáo viên (Điều 17):
- Giáo viên
chuyên ngành hàng không: Là giáo viên tham gia giảng dạy các môn học liên quan
đến hàng không dân dụng, bao gồm cả giáo viên dạy phần kiến chức chung về hàng
không và chuyên môn.
- Các loại
giáo viên quy định tại Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT gồm: giáo viên chuyên nghiệp,
giáo viên kiêm nhiệm và giáo viên thỉnh giảng. Cơ sở phải đảm bảo mỗi môn học
chuyên ngành hàng không phải có ít nhất 01 giáo viên giảng dạy. Về nguyên tắc
thì 01 giáo viên có thể dạy được nhiều môn, 01 môn có thể bố trí nhiều giáo viên
giảng dạy.
- Giáo
viên chuyên ngành hàng không, ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện theo quy định
của pháp luật về giáo dục đào tạo và dạy nghề phải có chứng chỉ chuyên môn liên
quan hoặc có kinh nghiệm 5 năm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn liên quan đến
môn giảng dạy (7 năm đối với giáo viên lĩnh vực quản lý hoạt động bay) và đáp ứng
các điều kiện theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành hàng
không có liên quan.
Giáo viên
do cơ sở xây dựng, phê duyệt và bố trí giảng dạy theo quy định tại Điều 17 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT. Tuy nhiên, theo quy
định của các văn bản quy phạm pháp luật khác về chuyên ngành hàng không có liên
quan như: Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ; Thông tư 30/2012/TT-BGTVT , Quy chế
Không lưu thì giáo viên một số lĩnh vực chuyên ngành như: An ninh hàng không,
quản lý hoạt động bay, giáo viên huấn luyện bay, kỹ thuật tàu bay, hàng nguy hiểm,
an toàn hàng không phải được Cục HKVN phê duyệt hoặc cấp giấy phép (giáo viên
huấn luyện bay).
d) Về
chương trình đào tạo, huấn luyện (Điều 18):
Theo Điều 18 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT thì có 5 loại chương
trình đào tạo, huấn luyện được áp dụng cho 14 chức danh nhân viên hàng không
quy định tại Điều 3 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT, theo
đó:
(1) Chương
trình đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ để cấp chứng chỉ chuyên môn (CCCM) nhân
viên hàng không: Là chương trình đào tạo, huấn luyện ban đầu (Initial Training)
do các cơ sở được Cục HKVN cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn
luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không thực hiện đào tạo, huấn luyện và cấp CCCM
cho nhân viên hàng không. CCCM là điều kiện bắt buộc để được kiểm tra năng định
và cấp giấy phép.
(2) Chương
trình huấn luyện phục hồi, chuyển loại, định kỳ cho nhân viên hàng không:
+ Huấn
luyện phục hồi (Refresh): Phục hồi khả năng làm việc cho những nhân viên hàng
không có thời gian nghỉ giãn cách (ngưng làm việc ở vị trí chuyên môn) quá thời
gian quy định, ví dụ: thời gian nghỉ giãn cách 180 ngày đối với nhân viên điều
khiển vận hành trang thiết bị hàng không, 90 ngày đối với thành viên tổ lái và
KSV không lưu ...).
+ Huấn
luyện chuyển loại: Là người đã có chứng chỉ chuyên môn và năng định loại, năng
định vị trí chuyên môn, nay chuyển sang học loại khác hoặc vị trí chuyên môn
khác trong cùng một nhóm chức danh nhân viên hàng không, ví dụ: đối với thành
viên tổ lái có năng định loại tàu bay A321, nay chuyển sang học năng định loại
B777; hoặc đối với nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị
hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay
có năng định điều khiển, vận hành các loại thiết bị hàng không nhóm I, nay
chuyển sang học các loại thiết bị hàng không nhóm II, III .
+ Huấn luyện
định kỳ (Recurrent): Định kỳ nhắc lại các kiến thức đã được học về chuyên môn,
pháp luật, an ninh, an toàn và luyện tập thực hành giúp cho người học củng cố,
duy trì khả năng làm việc ở vị trí năng định chuyên môn. Ví dụ: Thành viên tổ
lái 6 tháng/lần; Tiếp viên hàng không 12 tháng/lần; nhân viên điều kiển, vận
hành trang thiết bị hàng không 24 tháng/lần, nhân viên ANHK 12 tháng/lần …;
(3) Chương
trình huấn luyện năng định nhân viên hàng không: Thông thường những trường hợp
đã có CCCM là đủ điều kiện để được kiểm tra năng định và cấp giấy phép nhân
viên hàng không, trong trường hợp này thì chương trình đào tạo cấp CCCM bao gồm
cả nội dung huấn luyện năng định như: tiếp viên hàng không; nhân viên khai thác
mặt đất phục vụ chuyến bay; nhân viên vận hành thiết bị hàng không; nhân viên
an ninh hàng không ...;
Tuy nhiên,
một số loại nhân viên hàng không có CCCM nhưng vẫn phải qua thời gian và chương
trình huấn luyện năng định loại hoặc năng định theo vị trí chuyên môn như:
Thành viên tổ lái sau khi có Bằng lái tàu bay thương mại (CPL) phải huấn luyện
năng định loại tàu bay (trên loại tàu bay Boeing 777-200, 777-200E hoặc A-320;
A-321 ...) để được kiểm tra cấp năng định và giấy phép lái tàu bay theo loại tàu
bay; hoặc nhân viên không lưu: sau khi có bằng, chứng chỉ đào tạo cơ bản nghề
chuyên ngành “Kiểm soát không lưu” (Air Traffic Control), để có thể tham dự
kiểm tra cấp năng định và giấy phép kiểm soát viên không lưu (Air Traffic
Controler) và được làm việc tại vị trí chuyên môn thì nhân viên đó phải qua các
khóa huấn luyện năng định theo vị trí chuyên môn dự kiến cấp giấy phép nhân
viên hàng không như: kiểm soát tại sân bay; kiểm soát tiếp cận; kiểm soát đường
dài (Radar hoặc Non Radar) …và các huấn luyện khác trong thời gian 12 tháng,
chương trình này được hiểu là chương trình
huấn luyện tại chỗ (On-Job-Training) cho
nhân viên mới tại cơ sở cung cấp dịch vụ.
(4) Chương trình huấn luyện làm quen (dành cho kiểm soát viên không lưu).
(5) Chương
trình bổ túc, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn chuyên ngành
hàng không: là chương trình bồi dưỡng, cập nhật, bổ sung những nội dung mới về
pháp luật, an ninh, an toàn và chuyên môn về hàng không giúp cho người học
không ngừng cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng thao tác, vận
hành trang thiết bị, xử lý tình huống … đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ sở khai
thác và cung cấp dịch vụ hàng không.
Chương trình
(1) và chương trình (2) do Cục HKVN phê duyệt, các chương trình khác do cơ sở
phê duyệt. Chương trình đào tạo, huấn luyện là cơ sở để xây dựng, phát triển, bố
trí đội ngũ giáo viên và biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy phù hợp.
đ) Về
giáo trình và tài liệu (Điều 19):
Những vấn
đề cần lưu ý:
- Giáo
trình, tài liệu giảng dạy (gọi chung là giáo trình) gồm cả giáo trình do cơ sở
xây dựng và có thể sử dụng giáo trình của cơ sở đào tạo khác (cả trong nước và
nước ngoài), nội dung phải phù hợp với chương trình đào tạo, huấn luyện.
- Giáo
trình chuyên ngành hàng không do thủ trưởng cơ sở phê duyệt trên cơ sở kết quả
thẩm định của Hội đồng nghiệm thu giáo trình của cơ sở. Hội đồng nghiệm thu
giáo trình của cơ sở do người đứng đầu cơ sở thành lập phù hợp với mỗi lĩnh vực
chuyên ngành hàng không tương ứng gồm các thành phần theo quy định của Thông tư
số 61/2011/TT-BGTVT. Riêng đối với Hội đồng nghiệm thu giáo trình an ninh hàng
không của cơ sở do Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt theo quy định tại Thông tư
số 30/2012/TT-BGTVT).
- Để đảm bảo
cho công tác quản lý chặt chẽ, thống nhất, cơ sở cần ban hành quy chế làm việc
của Hội đồng.
- Trong
trường hợp đơn vị chưa được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn
luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không, nếu được Cục cho phép tổ chức khoá đào tạo
thì chương trình, giáo trình, danh sách giáo viên do Cục HKVN phê duyệt kèm
theo quyết định cho phép tổ chức khoá đào tạo.
e) Các yêu
cầu khác: Ngoài các yêu cầu trên, cơ sở phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo
quy định của pháp luật về hàng không dân dụng, pháp luật về giáo dục, đào tạo
và dạy nghề.
Các yêu cầu
đối với cơ sở đào tạo nêu tại khoản 3 Mục II của Hướng dẫn này bao gồm đối với cả
các cơ sở đào tạo tại Việt Nam theo hệ thống giáo dục quốc dân được quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 6 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT .
5.
Cấp Giấy chứng nhận, thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận cơ sở
đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không (Điều 20):
a) Cơ sở đào tạo, huấn
luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không phải được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy
chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng
không.
b) Giấy chứng
nhận có hiệu lực kể từ ngày ký; hiệu lực của giấy chứng nhận là vô thời hạn và chỉ
chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp: theo đề nghị của cơ sở được cấp giấy chứng
nhận hoặc bị thu hồi.
c) Cơ sở đào
tạo có trách nhiệm duy trì điều kiện ghi trên giấy chứng nhận, trong trường hợp
cơ sở đào tạo đề nghị cấp giấy chứng nhận kèm theo các điều kiện bị giới hạn
như: Hợp đồng thuê thiết bị, phòng học, cơ sở vật chất ... có thời hạn, khi hợp
đồng hết hiệu lực, cơ sở phải gia hạn hoặc ký hợp đồng mới.
6.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ
nhân viên hàng không (Điều 21)
Điều
21 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT quy định cụ thể thủ
tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân
viên hàng không, trong đó lưu ý mấy vấn đề về Hồ sơ như sau:
a) Về
chương trình đào tạo: Phải có chương trình đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân
viên hàng không đã được Cục HHKVN phê duyệt hoặc công nhận; như vậy cơ sở có thể
đề nghị Cục xem xét phê duyệt hoặc công nhận chương trình đào tạo trước khi đề
nghị cấp giấy chứng nhận hoặc đề nghị đồng thời với hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng
nhận.
b) Về giáo
viên:
- Danh
sách giáo viên do cơ sở quyết định trên cơ sở đáp ứng đủ điều kiện theo
quy định tại Điều 17 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT .
Riêng danh
sách giáo viên các chuyên ngành: An ninh hàng không, quản lý hoạt động bay,
giáo viên huấn luyện bay, kỹ thuật tàu bay, hàng nguy hiểm, an toàn hàng không
do Cục HKVN phê duyệt theo quy định của các văn bản Quy phạm pháp luật chuyên
ngành hàng không khác liên quan như: Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ; Thông tư 30/2012/TT-BGTVT
và Thông tư số 22 /2011/TT-BGTVT).
Danh sách
giáo viên bao gồm: Danh sách trích ngang lý lịch giáo viên kèm theo văn bằng,
chứng chỉ phù hợp (theo mẫu số 1) và danh sách
giáo viên theo môn học (theo mẫu số 2) tại Phụ
lục số 2 kèm theo Hướng dẫn này.
c) Các báo
cáo:
- Báo cáo thuyết
minh bằng văn bản về cơ sở vật chất, bao gồm: phòng học, trang thiết bị, cơ sở
hoặc nơi thực hành phù hợp với nội dung đào tạo kèm theo biểu báo cáo theo mẫu số 3 tại Phụ lục số 2 kèm
theo Hướng dẫn này. Trường hợp cơ sở vật chất thuê của cơ sở khác thì cơ sở phải
có văn bản thoả thuận trong đó ghi rõ mục đích sử dụng và thời hạn sử dụng; trường
hợp sử dụng thiết bị thật đang khai thác để dạy thực hành cho học viên, cơ sở
phải có văn bản quy định nguyên tắc, quy trình sử dụng đảm bảo an ninh,
an toàn khi sử dụng.
- Báo cáo thuyết
minh bằng văn bản về giáo trình, tài liệu giảng dạy lý thuyết, thực hành liên
quan đến từng môn học kèm theo biểu báo cáo theo mẫu
số 4 tại Phụ lục số 2 kèm theo Hướng dẫn này.
- Báo cáo thuyết
minh bằng văn bản về hệ thống tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý; hệ thống
văn bản quản lý đào tạo và thư viện kèm theo biểu báo cáo theo mẫu số 5 tại Phụ lục số 2 kèm
theo Hướng dẫn này.
- Báo cáo
mẫu chứng chỉ chuyên môn: Mẫu CCCM của cơ sở do cơ sở thiết kế theo mẫu quy định
tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông
tư số 61/2011/TT-BGTVT .
Lưu ý: Trường
hợp thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ
nhân viên hàng không được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác về
chuyên ngành hàng không thì áp dụng quy định tại văn bản đó.
7.
Về cấp lại, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đào tạo,
huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không (Điều 22):
Cục HKVN
chỉ cấp lại giấy chứng nhận trong trường hợp Giấy chứng nhận bị mất, rách, hỏng
hoặc nội dung của giấy chứng nhận cần sửa đổi, bổ sung. Trường hợp sửa đổi, bổ
sung nội dung giấy chứng nhận hoặc giấy chứng nhận được cấp có thời hạn (như giải
thích ở điểm c, khoản 5 mục II của Hướng dẫn này), khi hết hạn nếu cơ sở
đề nghị cấp lại thì quy trình, thủ tục và lệ phí thực hiện như cấp lần đầu.
8.
Về công nhận cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không nước
ngoài (Điều
23): Cục HKVN quyết định công nhận cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ
nhân viên hàng không nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện quy định tại các Điều 15, 16, 17, 18 và 19 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT và
tại các văn bản quy phạm pháp luật khác về chuyên ngành hàng không có liên
quan. Thủ tục như thủ tục cấp giấy chứng nhận.
9.
Về thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng
không
(Điều 24): Giấy chứng nhận cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên
hàng không sẽ bị thu hồi nếu vi phạm quy định tại Điều 24 của Thông
tư số 61/2011/TT-BGTVT.
10.
Những vấn đề cần lưu ý: Các đơn vị có cơ sở đào tạo được Cục HKVN cấp
giấy chứng nhận đủ
điều kiện đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không không phải là cơ sở đào
tạo tại Việt Nam theo hệ thống giáo dục quốc dân được quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT chỉ được
đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ chuyên môn cho nhân viên hàng không của
đơn vị mình, không được tuyển sinh, đào tạo như một cơ sở dạy nghề. Trong trường
hợp đơn vị khác (các doanh nghiệp và cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không) có nhu
cầu đào tạo, nếu cơ sở đào tạo đáp ứng được thì khi thực hiện phải thông qua hợp
đồng đào tạo giữa cơ sở đào tạo với đơn vị đề nghị đào tạo, người tham gia khóa
học phải là nhân viên thuộc đơn vị đề nghị đang quản lý, sử dụng.
III. VỀ
CƠ SỞ ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ TIẾNG ANH NHÂN VIÊN HÀNG
KHÔNG
1. Bối cảnh ra đời quy định về cơ sở đánh giá trình độ
tiếng Anh nhân viên hàng không:
Nhằm
triển khai yêu cầu của ICAO về thực hiện các yêu cầu về trình độ thông thạo
tiếng Anh của đối tượng là thành viên tổ lái; nhân viên không lưu; nhân viên
khai thác thiết bị thông tin sóng cao tần không - địa (HF A/G) có sử dụng liên
lạc vô tuyến khi thực hiện nhiệm vụ; trên cơ sở này Cục trưởng Cục HKVN
ban hành văn bản số 3104/CHK-VP ngày 14/12/2007 về “Hướng dẫn triển khai thực
hiện yêu cầu của ICAO về trình độ thông thạo tiếng Anh đối với nhân viên hàng
không”, nội dung của văn bản này chính thức được đưa vào Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT.
2.
Nội dung cơ bản:
2.1 Yêu cầu
về trình độ tiếng Anh đối với nhân viên HK (Điều
26):
Các nhân
viên hàng không sử dụng thiết bị liên lạc và liên lạc vô tuyến khi thực hiện
nhiệm vụ phải đạt trình độ tiếng Anh tối thiểu mức 4 theo thang đánh giá của
ICAO, bao gồm: Thành viên tổ lái; Nhân viên không lưu thực hiện nhiệm vụ tại một
số vị trí; Nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không thực hiện nhiệm
vụ khai thác thiết bị thông tin sóng ngắn không - địa (HF A/G). Đối với Nhân
viên hàng không khác thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật
chuyên ngành hàng không khác liên quan.
2.2 Cơ sở
đánh giá: Cục HHKVN cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đánh
giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không cho cơ sở đánh giá đáp ứng điều kiện
quy định tại Điều 26 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT. Cơ sở
đánh giá thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thông qua Hội đồng đánh giá trình độ
tiếng Anh của cơ sở do người đứng đầu cơ sở thành lập gồm các thành phần theo
quy định tại khoản 5 Điều 25 của Thông tư 01/2011. Kết quả
đánh giá được Cục HKVN xem xét và làm cơ sở để chứng nhận trình độ tiếng Anh
cho nhân viên hàng không. Chứng nhận trình độ tiếng Anh là điều kiện để cấp giấy
phép nhân viên hàng không.
2.3 Cơ chế
quản lý
Mặc dù Cục
HKVN cấp giấy chứng nhận cho cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không,
nhưng về bản chất thì việc đánh giá, chứng nhận, công nhận trình độ tiếng Anh
nhân viên hàng không thuộc thẩm quyền của nhà chức trách hàng không, do vậy
toàn bộ nội dung, quy trình, chương trình, cách thức và chất lượng đánh giá được
Cục HKVN quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông qua cơ chế quản lý trực tuyến đối với
cơ sở đánh giá theo quy định của ICAO.
Việc đánh
giá trình độ thông thạo tiếng Anh đối với nhân viên hàng không của các cơ sở
đánh giá phải tuân thủ các quy định của Tài liệu hướng dẫn thực hiện các yêu cầu
thông thạo ngôn ngữ của ICAO (Doc 9835-Manual on the Implementation of ICAO
Language Proficiency Requirements) và các tài liệu khác có liên quan được khái
quát hoá tại Điều 26 của Thông tư, gồm: Chương trình đánh giá; giáo viên đánh
giá; hệ thống thiết bị kiểm tra, đánh giá; Điểm xếp loại trình độ tiếng Anh;
Việc đánh
giá phải thông qua Hội đồng đánh giá theo quy định tại khoản 5 Điều
25 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT và cơ sở phải ban hành Quy chế làm việc
của Hội đồng đánh giá để quản lý.
Điểm xếp
loại trình độ tiếng Anh là điểm thấp nhất trong số điểm trung bình cộng của từng
tiêu chí đã được chấm (kết quả đánh giá được ghi trên Phiếu kiểm tra, đánh giá)
và được gửi 01 bản về Cục HKVN để ghi vào giấy phép nhân viên HK.
2.4 Cấp giấy
chứng nhận
cơ
sở đủ điều kiện đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không
Quy trình,
thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận và công nhận cơ sở
đánh giá được quy định tại Điều 28, 29, 30 và 31 của Thông tư số
61/2011/TT-BGTVT, trong đó cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chương
trình đánh giá trình độ tiếng Anh: được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 26 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT trên cơ sở
tham chiếu Doc
9835 của ICAO và sự kiểm soát của Cục HKVN.
- Danh sách
giáo viên đánh giá: có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều
26 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT kèm theo bản sao các văn bằng, chứng chỉ
phù hợp theo mẫu số 6 tại Phụ lục số 2 kèm theo
Hướng dẫn này.
Các báo cáo về
cơ sở vật chất; hệ thống tổ chức, bộ máy và văn bản quản lý của cơ sở đánh giá thực
hiện như đối với cơ sở đào tạo nêu tại khoản 6 mục II của Hướng dẫn này.
2.5 Công nhận cơ sở đủ điều kiện đánh
giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không (Điều 30)
Cục HKVN quyết định công nhận cơ sở đủ điều
kiện đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không khi đáp ứng các điều kiện
quy định tại Điều 26 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT. Thủ
tục công nhận được thực hiện như thủ tục cấp giấy chứng nhận quy định tại Điều
28 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT .
Lưu ý: Ngoài quy định tại Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT ,
việc cấp, công nhận cơ sở đủ điều kiện đánh giá trình độ tiếng Anh phải tuân thủ
quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác về hàng không có liên quan.
IV.
QUY TRÌNH CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐÀO TẠO, CƠ SỞ ĐÁNH GIÁ TRÌNH ĐỘ TIẾNG ANH NHÂN
VIÊN HÀNG KHÔNG
1.
Đối với cơ sở đào tạo
Khi cơ sở có
nhu cầu cấp giấy chứng nhận, nếu xét thấy có đủ các điều kiện theo quy định thì
gửi đơn và hồ sơ đề nghị về Cục HKVN (trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). Địa
chỉ: Cục Hàng không Việt Nam, số 119 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội; nếu gửi trực
tiếp thì phải qua bộ phận văn thư, Văn phòng Cục HKVN để xử lý văn bản đến theo
quy định.
Sau khi nhận
được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Cục HKVN sẽ xem xét thẩm định và kiểm tra thực tế
cơ sở; Hồ sơ đầy đủ được hiểu là kể từ thời điểm Cục HKVN tiếp nhận đầy đủ các
nội dung hồ sơ gồm: Danh mục hồ sơ, các báo cáo theo quy định tại Điều 21 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT (không bao gồm thời
gian bổ sung, hoàn thiện hồ sơ của cơ sở theo yêu cầu của người tiếp nhận hồ sơ).
2.
Đối với Cục HKVN
Hồ sơ được gửi qua bộ phận Văn thư, Tổng hợp của Văn phòng Cục HKVN để
lập phiếu trình trình Cục trưởng phê duyệt, sau khi được Cục trưởng phê duyệt,
hồ sơ được chuyển đến các phòng chuyên môn chủ trì thực hiện việc thẩm định
hồ sơ, kiểm tra thực tế (gọi tắt là cơ quan
chủ trì) như sau:
2.1 Đối với hồ
sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đào tạo
2.1.1 Phòng
Tiêu chuẩn An toàn bay chủ trì thực hiện việc thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế
đối với cơ sở đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện đối
với các chức danh: thành viên tổ lái; giáo viên huấn luyện bay; tiếp viên hàng
không, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tầu bay và thiết bị tầu bay, nhân viên xử
lý và vận chuyển hàng nguy hiểm. Căn cứ pháp lý thực hiện theo Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT
ngày 27/1/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Bộ quy chế An toàn
hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay; trường hợp những nội
dung theo quy định tại Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT không được quy định tại các
văn bản nêu trên thì thực hiện theo Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT .
2.1.2 Phòng Tổ
chức cán bộ chủ trì thực hiện việc thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế đối với cơ
sở đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đào tạo, huấn luyện đối với các chức
danh khác không thuộc các chức danh nêu tại mục 2.1.1 nêu trên. Các phòng
chuyên môn có trách nhiệm thẩm định các thành phần của hồ sơ đề nghị bao gồm: chương
trình, giáo trình, giáo viên, cơ sở vật chất theo đề nghị của Phòng Tổ chức cán
bộ như sau:
a) Phòng Quản
lý hoạt động bay chủ trì thực hiện đối với các chức danh: Nhân viên không lưu;
nhân viên thông báo tin tức hàng không; nhân viên thông tin, dẫn đường, giám
sát hàng không; nhân viên khí tượng hàng không; nhân viên điều độ, khai thác
bay; nhân viên thiết kế phương thức bay hàng không dân dụng; nhân viên tìm kiếm
cứu nạn hàng không.
b. Phòng Quản
lý cảng hàng không, sân bay chủ trì thực hiện đối với các chức danh: Nhân viên điều khiển,
vận hành thiết bị
hàng không, phương tiện hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân
bay;
nhân viên khai thác mặt đất phục vụ chuyến bay.
c) Phòng An
ninh hàng không chủ trì thực hiện đối với chức danh: Nhân viên an ninh hàng
không.
d) Trường
hợp đơn vị chưa được Cục HKVN cấp giấy chứng nhận nhưng có nhu cầu và
có đủ điều kiện để tổ chức khoá đào tạo và cấp chứng chỉ chuyên
môn cho nhân viên hàng không của mình thì hồ sơ đề nghị tổ chức khoá
đào tạo cũng được xử lý như hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận theo
quy trình này.
2.2 Đối với hồ
sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh
a) Phòng Tiêu
chuẩn An toàn bay chủ trì thực hiện đối với cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh
viên hàng không là Thành viên tổ lái theo quy định tại Điều 25
của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT.
b) Phòng Quản
lý hoạt động bay chủ trì thực hiện đối với cơ sở đánh giá trình độ tiếng Anh
nhân viên hàng không thuộc nhóm Quản lý hoạt động bay theo quy định tại Điều 25 của Thông tư số 61/2011/TT-BGTVT .
2.3 Kết quả
thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế cơ sở đào tạo, huấn luyện và cơ sở
đánh giá trình độ tiếng Anh phải thể hiện bằng biên bản theo mẫu số 7 (thẩm định hồ sơ) và mẫu số 8 (kiểm tra thực tế) tại Phụ lục
số 2 kèm theo Hướng dẫn này.
V.
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
Các cơ
quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện Hướng dẫn này, trong
quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc yêu cầu báo cáo Cục Hàng không
Việt Nam để xem xét bổ sung, sửa đổi kịp thời.
Nơi nhận:
-
Như
Điều 4;
- Vụ TCCB Bộ GTVT;
- Các Phó Cục trưởng;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Cục;
- Tổng Công ty Cảng HKVN;
- Tổng công ty QLBVN;
- Tổng Công ty HKVN;
- Công ty bay DVHK (VASCO);
- Học viện HKVN;
- Các cơ sở ĐT đã được Cục cấp GCN;
- TCT Trực thăng Việt Nam;
- Các CTCPHK: Jetstar Pacific, Mê Kông,
Vietjet, Bầu trời xanh, Ngôi sao Việt;
- Trang TTĐT (Website) Cục HKVN;
- Lưu VT, TCCB (Phuong.50b).
|
CỤC TRƯỞNG
Lại
Xuân Thanh
|